THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY CHO ĐẾN TẬN THẾ
Khi hai tai hầu như bị điếc, nhạc sĩ Beethoven đã viết một số tuyệt phẩm âm nhạc, kể cả Bản Giao huởng số chín nổi tiếng; còn văn sĩ John Milton lại viết hai tuyệt tác “thiên đường đã mất” và “thiên đường được tìm lại” sau khi bị mù hoàn toàn. John Milton còn nói: “Đui không phải là khổ, không chịu được đui mới là khổ”.
Như vậy, đau khổ không chỉ là chuyện của những giới hạn trong phận người, mà còn là chuyện của cái nhìn, của cách đánh giá vấn đề, và hơn nữa, là chuyện của niềm tin. Hạnh phúc thế tục bị đau khổ đè bẹp, còn sự sống đức tin lại được đau khổ thanh luyện và làm cho lớn lên.
Trong bộ phim “Sound of music”, khi phải đối diện với một quyết định quan trọng làm thay đổi cả dòng đời, chị tập tu Maria quả quyết: “Khi Chúa đóng cánh cửa chính, Ngài mở một cánh cửa sổ ở đâu đó”.
Trong cuộc sống, người ta luôn phải đối diện với nhiều cánh cửa đóng (đau bệnh, thử thách, thất vọng, …) nhưng đó chính là lúc đức tin có thể giúp họ thốt lên hai chữ “Amen” (đúng là thế, xin được như thế).
Trong chương trình của Chúa, mọi người đều hạnh phúc, chỉ ai chạy trốn thánh ý Chúa mới đánh mất hạnh phúc và mất cả chính mình: “nếu người ta bứng nó đi khỏi chỗ nó ở, thì nơi nó ở cũng chối bỏ nó: "Có bao giờ tôi thấy anh đâu!” (G 8,18). Trái lại, mọi đau khổ tiêu tan khi thánh ý Chúa được thực hiện, khi đó Chúa “sẽ đứng làm trọng tài giữa các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái” (Is 2,4)
Chúa tuyển chọn con người chứ không dựng nên họ để chịu đau khổ. Đau khổ bắt đầu từ sự từ bỏ Chúa: “Lạy Chúa, (…) chính Ngài đã chọn Ít-ra-en giữa muôn ngàn dân tộc, đã tuyển chọn cha ông chúng con giữa mọi bậc tiền bối của các ngài để làm thành gia nghiệp mãi mãi thuộc về Ngài. Ngài thực hiện cho cha ông chúng con mọi điều Ngài đã hứa. Nay chúng con đã phạm tội trước nhan Ngài, và Ngài đã trao nộp chúng con vào tay kẻ thù địch vì chúng con đã thờ các thần minh của chúng. Lạy Chúa, Ngài công minh chính trực xiết bao! ” (Et 4,17m-n)
Đấng Cứu Thế đã đến, Ngài rao giảng Tin Mừng và đem hạnh phúc đến cho mọi người bằng cách qui hướng tất cả về với Chúa. Tin Mừng Ngài rao giảng không viết trong những pho sách lớn, mà trong cuộc sống cụ thể và sự hiện diện sống động của Ngài giữa Giáo hội: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Đúng vậy, ơn cứu độ còn được gọi là Tin Mừng vì chính Chúa đã đến với con người và đem họ trở lại với Ngài. Niềm tin vào Thiên Chúa giải thoát con người khỏi mọi nỗi sợ hãi, âu lo, vốn là chuyện thường ngày của phận người yếu hèn, khờ dại. Hoa trái của niềm tin là niềm vui thực sự tràn trề: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16,11)
Bởi đó, việc loan truyền Tin Mừng không là gì khác hơn là để chính Chúa hiện diện và hoạt động trong mình: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19-20). Giáo lý cứu độ cần được loan truyền theo cách thế Đấng Cứu Thế đã dùng, rao giảng bằng sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa, như ĐGH Gioan Phaolô II quả quyết rằng thế giới hôm nay cần đến các chứng nhân hơn là người rao giảng.
Với nhiều nhưng, công việc truyền giáo phức tạp và đa dạng, với rất nhiều khó khăn nhưng với thánh Phaolô, công việc truyền giáo được trình bày theo một công thức rất đơn giản và phù hợp với mọi người, công thức của đời tông đồ: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
“Giáo dân thời sơ khai diễn tả cách nôm na: tông đồ là người có Chúa Kitô trong lòng, Chúa Kitô trên mặt, Chúa Kitô trong miệng, Chúa Kitô trên tay, Chúa Kitô trong óc, Chúa Kitô trên vai … Tóm lại là một người đầy tràn Chúa Kitô và cho kẻ khác Chúa Kitô”. (ĐHV 292)
Mẹ Têrêxa Calcutta kể chuyện một người Ấn giáo đứng âm thầm sau một nữ tu trẻ đang lau lọt cho một người đàn ông vừa mới được mang về Nhà Dành Cho Người Hấp Hối. Sau đó một lúc, ông ta đến và nói với Mẹ: “Tôi đã vào căn nhà này, tâm hồn rỗng tuếch, lòng đầy chua cay, căm ghét và không tin vào thần thánh. Tôi đi ra, lòng tràn đầy Thiên Chúa. Tôi đã thấy tình yêu Thiên Chúa sống động qua đôi tay của chị nữ tu đó, cách chị vỗ về và săn sóc người đàn ông ấy.”
Đức Kitô vẫn ở cùng Giáo Hội, ở cùng nhân loại mọi ngày cho đến tận thế, thế nhưng việc người ta nhận ra được sự hiện diện của Ngài còn tuỳ ở việc tôi đón nhận và để Ngài sống trong tôi như thế nào.
Nhà truyền giáo trứ danh cho dân ngoại đã nói: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”. Còn tôi?
Lm. HK