Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI

chuoi-man-coi.jpgLịch sử thành hình Kinh Mân Côi kéo dài từ thế kỷ XII-XVI :

1. Từ lâu đời, trước thế kỷ XII, các tín hữu vốn đã quen lặp lại lời Thiên sứ Gabriel chào kính Đức Mẹ, thậm chí cả trong Kinh Phụng vụ với những tiền xướng hoặc Ca hiệp lễ.

2. Sau đó, nơi một vài đan viện cho phép các đan sĩ không biết đọc Kinh Nhật tụng được thay thế bằng 150 Kinh Lạy Cha (thay vì 150 Thánh vịnh như trong Kinh Nhật tụng).

3. Tục lệ này được giáo dân thế kỷ XII bắt chước, thành thói tục đọc 1 chuỗi 150 Kinh Kính Mừng (Dầu sao, thời ấy Kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời của Thiên sứ Gabriellời của bà Isave, tức chỉ bằng ½ kinh chúng ta đọc ngày nay. Phần 2 của Kinh là lời của Giáo Hội thành hình trong những thế kỷ 14-15. Mặt khác, các đan sĩ cũng không đọc một mạch 150 Kinh Lạy Cha, nhưng chia thành 3 phần tương ứng với những giờ kinh Phụng vụ).

4. Dựa theo đó, (thế kỷ XIV), đan sĩ Henricô Kalkar (dòng Chartreux) chia “bộ Thánh vịnh Đức Mẹ” thành 15 chục ; ở đầu mỗi chục thêm Kinh Lạy Cha.

5. Cùng thời này (thế kỷ XIV) nảy ra truyền thuyết về việc Đức Mẹ ban tràng hạt cho thánh Đaminh. Nhưng công quảng bá, giảng thuyết và phổ biến trong các Hiệp hội Thánh mẫu là do tu sĩ Alain de la Roche, op và dòng Đaminh.

6. Thế kỷ XV mới có việc suy gẫm các mầu nhiệm Phúc Âm kèm theo việc đọc Kinh Kính Mừng. Từ 1410-1439, đan sĩ Đôminicô Prussia (dòng Chartreux ở Cologne) đề nghị hình thức mới : thay vì đọc 150 Kinh Kính Mừng thì rút còn 50 thôi, mà mỗi Kinh Kính Mừng lại được kết thúc với một đoạn Phúc Âm ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm Đức Kitô*. Sáng kiến này được nhiều người tán thưởng, và người ta đếm có tới 300 câu Phúc Âm được gắn vào Kinh Kính Mừng.

7. Thánh vịnh Đức Mẹđổi thànhvòng hoa hồng trinh nữ Maria (rosarium = vòng hoa hồng. Rosa : hoa hồng) và cải tổ việc đọc : vòng 150 kinh chia thành 3 phần,  dành suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử nạn Chúa Kitô, vinh hiển Chúa Kitô và Mẹ Maria.

8. Thế kỷ XVI : năm 1521, cha Albertô da Castello (Dòng Đaminh) đã đơn giản cách đọc bằng việc phân chia ba mầu nhiệm lớn thành 15 mầu nhiệm nhỏ.

1569 Đức Thánh Cha Piô V, Dòng Đaminh, xác định việc đọc kinh Mân Côi bằng sắc chiếu Consueverunt romani pontifices (17.9.1569). Cũng chính Đức Piô V đã thiết lập lễ Mân Côi để kính nhớ việc chiến thắng đạo quân Thổ nhĩ kỳ ở vịnh Lepantô (7.10.1571), nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi.

9. Tiếp theo, rất nhiều Giáo hoàng (đặc biệt Đức Lêo XIII với 12 Thông điệp và 2 Tông thư) đã cổ động khuyến khích việc đọc Kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Ví dụ : Ai lần một chuỗi chung trong các nhà thờ, nhà nguyện, gia đình hay cộng đoàn tu, trong hiệp hội đạo đức được hưởng một đại xá. Đọc trong những hoàn cảnh khác, được một tiểu xá (Ench. Indulg., concessio 48)

10. Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima, việc đọc kinh Mân Côi càng được đẩy mạnh hơn nữa – cách riêng trong hai thế kỷ XIX và XX (từ Đức Lêo XIII…).

11. Đài phát thanh Vatican truyền thanh Kinh Mân Côi mỗi ngày và Đức Gioan Phaolô II chủ sự buổi đọc Kinh Mân Côi vào mỗi thứ 7 đầu tháng.

II. Ý nghĩa và giá trị

Trong Tông huấn Marialis cultus, Đức Phaolô VI đã vạch ra những giá trị của Kinh Mân Côi như sau : đó là một kinh nguyện dựa trên Phúc Âm, giúp cho việc chiêm niệm và sát với Kinh nguyện Phụng vụ.

1. Kinh nguyện đơn giản :

- Kết cấu : Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh là những kinh ai cũng thuộc.

- Thích hợp cho những người đơn sơ, bình dân và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo Phúc Âm.

2. Kinh nguyện chiêm niệm :

- Đơn giản, nhưng nội dung phong phú. Tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của đức tin Kitô giáo : Nhập thể và Vượt qua.

- Việc lặp đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản nội tâm để chiêm ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.

3. Kinh nguyện huấn giáo :

Việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏiđào sâu thêm những chân lý căn bản của đức tin và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu.

4. Kinh nguyện sát với cuộc đời :

Cùng với Đức Maria, chúng ta rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và Đức Mẹ qua những chặng đường Nazarét, Bêlem, Giêrusalem ; qua những biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình.

5. Kinh nguyện thanh luyện, tu đức :

Nhờ chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Me, tín hữu học đòi những nhân đức của các Vị, cố gắng hoạ cuộc đời mình theo gương của các Vị.

6. Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ :

Những mầu nhiệm Mân Côi dựa vào Phúc Âm, đặc biệt mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua, chuẩn bị tâm hồn tín hữu cử hành sốt sắng các Bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, tưởng niệm cuộc Tử nạn và Sống lại của Đức Kitô.

Mong chúng ta hiểu, ý thức, sống Kinh nguyện Mân côi hằng ngày. Nhờ đó thêm thánh thiện, thêm Ơn sủng và lòng yêu mến Chúa cùng Đức Mẹ.

Lm. Dom Vũ Đình Thái

 



*  14 câu : đời ẩn dật Chúa Giêsu

     6 câu : đời công khai

   24 câu : tưởng nhớ tử nạn

     6 câu : nhớ khải  hoàn của Chúa và Đức Mẹ


Các bài viết mới hơn


Các bài viết cũ hơn
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái