Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 7

DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM HUẾ

.Lưu hành nội bộ.

5.2007

 

Lời ngỏ

Đây là một số bài giảng lễ Mùa Phục sinh, đã trình bày trước hai cộng đoàn phụng vụ :

Qúi Thầy Đại Chủng Viện Huế và Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật V Phục Sinh

Ga 14, 21-26

Đầu lễ :

Nói về Tình Yêu là bàn về những câu truyện xưa như trái đất, nhưng người ta lại vẫn thích nói. Bởi nó luôn mới, theo nghĩa phải khám phá lại nó mỗi ngày. Phải hiểu lại nó dưới cái nhìn mới, với những suy tư mới, bằng những cách đánh giá mới theo nhiều góc độ khác nhau. Nhất là phải làm mới mẻ lại những quan hệ Tình Yêu, có khi vì quá lâu rồi, mà hôm nay không chừng đã hoen ố, phai màu hay dỉ sét. Điều này đúng cho cả mối tình thiêng liêng giữa chúng ta và Thiên Chúa; đặc biệt mối quan hệ Tình Yêu mới mẻ của chúng ta nhờ Mầu Nhiệm Phục sinh.

Xin Chúa Phục sinh nâng đỡ Tình Yêu này và giúp nó thăng tiến mỗi ngày.

Giảng lễ :

Tình Yêu là tất cả.

Tình Yêu bao gồm toàn diện đời sống chúng ta. Chúng ta có thể nói như vậy mà không sợ sai lầm. Người ta có thể lấy chữ “Yêu” lý giải mọi sự ở đời. Cái tốt lành phát xuất từ Tình Yêu mà ra đã đành : “Yêu người, yêu cả đường đi”. Nhưng “ghét người, ghét cả tông ti họ hàng” : mọi cái xấu xa, vạ lây cũng do không yêu được mà thành. Hay nói cách khác, cái xấu, cái ác đến từ mặt trái của Tình Yêu là ghét ghen, đố kỵ, hận thù…

Trong quan hệ với Thiên Chúa, Tình Yêu cũng vừa là nền tảng vừa là cốt lõi. Thánh Gioan định nghĩa : “Thiên Chúa là Tình Yêu”(1Ga 4, 8b.16) và giới thiệu Ngài là thế. Ông còn khẳng định : “Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa” (id) và “ai ở trong Tình Yêu, thì ở trong Thiên Chúa”(c.16).

Tình Yêu điều khiển, lèo lái mọi giác quan, tình cảm, lý trí, hành động của con người. Khi yêu, ta hướng về đối tượng và có những biểu lộ giúp nhận ra Tình Yêu. Tình Yêu đối với Chúa không thiếu dấu chỉ.

II. Dấu chỉ Tình Yêu đối với Thiên Chúa.

Người ta yêu bằng thân xác và tâm hồn. Qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói, cách bộc lộ tình cảm v.v… biết được yêu hay không. Tình Yêu có những tín hiệu để thông tin, có những dấu chỉ để nhận biết.

Chúa Giêsu hôm nay cho thấy dấu hiệu của Tình Yêu đối với Người là ở việc giữ Lời Người, giữ giới răn Người truyền. “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ Lời Thầy” và “ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu Thầy”. Lời Chúa là Lời mặc khải; Lời Tình Yêu; Lời giáo huấn dạy dỗ; Lời tha thứ mời gọi trở về; Lời khôn ngoan, khuôn vàng thước ngọc cho đời sống luân lý.

Quan hệ với Chúa thiết lập trong Tình Yêu. Tình Yêu có đòi hỏi của nó. “Giữ Lời Thầy, giữ giới răn Thầy” là đáp ứng yêu sách Tình Yêu Thiên Chúa. Qua đó, người ta bộc lộ lòng trung thành sắt son với Chúa.

Ngược lại, sự từ chối không yêu Thiên Chúa hay sự bất trung thường xuyên chính là bỏ luật, vi phạm giới răn của Chúa. Y như yêu đời tu, ta muốn giữ luật Đại chủng viện tận tình.

Thời nay, người ta đề cao tự do đến nóc đỉnh và còn nhân danh tự do cá nhân để chống lại mọi ràng buộc của luật lệ, thoát ra khỏi mọi tù túng, gò bó của luân lý. Người ta không còn muốn giữ giới răn của Chúa và luôn ca cẩm Giáo Hội cổ hũ, cứng ngắc. Con người muốn suy tôn con người làm chuẩn mực đạo đức cho chính mình, bất kể những bất toàn, bất túc, hữu hạn, tương đối hay những tư dục, tư lợi, vị kỷ, nô lệ thú tính. Đấy là nói về phía kẻ vi phạm luật Chúa, với tín hiệu bất trung không yêu Chúa nữa.

Nhưng phía những kẻ được gọi là còn yêu Chúa, còn muốn giữ luật Chúa cũng phải thận trọng : bởi sự trung thành kia có khi chỉ ở bề mặt. Giữ luật vì luật, sẽ khác hẳn yêu Chúa. Tại luật dạy thế, đòi thế thì tôi sống thế, làm thế. Hoặc giữ Lời Chúa vì sợ Chúa, vì sợ bị phạt. Thiếu Tình Yêu, chỉ cố giữ luật Chúa để được nên thánh, không biết có nên thánh thật không hay chỉ thấy những khổ cực, gánh nặng và trong lòng âm ỉ ngòi nổi loạn.

III.Tình Yêu đáp trả Tình Yêu.

Chúa Giêsu đoan hứa với những kẻ yêu Người chân thành, biết chiều ý Người mà sống – tức nghe Lời và giữ giới răn Người – rằng họ sẽ được Người yêu lạitỏ mình ra. Đúng vậy, khi yêu người ta tin tưởng, tín nhiệm nhau; dễ cởi mở, bộc lộ, giải bày. Chúa Giêsu sẽ mặc khải cho biết Cha Người. Một người Cha sẵn lòng yêu mến những ai mến yêu Con của Ngài. Bởi cũng một Tình Yêu Chúa Cha yêu Chúa Con, mà Chúa Con yêu nhân loại : “Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Tình Yêu được đáp trả bằng Tình Yêu, bằng cõi lòng rộng mở, bằng chính sự hiện diện thân mật gắn bó.

Khi yêu, ta muốn thật gần nhau : gần bằng thân xác, gần bằng tâm trí, bằng con tim, bằng linh hồn.

Không yêu, sự hiện diện hóa ra thừa thãi; lời lẽ thành vô vọng; tâm hồn bị cưỡng bách và hành động bị cột trói.

Còn khi yêu, sẽ cảm thấy ấm lòng. Sẽ tin tưởng cậy trông Thiên Chúa nhiều. Những nhân đức đối thần tin, cậy, mến làm ta gắn bó với Chúa hơn, nhận ra “Thiên Chúa đang ở trong chúng ta” rồi. Đằm thắm như thế, khi ấy “Tình Yêu phủ lấp được muôn vàn tội lỗi”, nên những yếu đuối nếu có xảy ra hằng ngày, trở nên dễ chấp nhận, dễ tha thứ vô cùng (1Pr 4, 8).

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật V Phục sinh

Ga 14, 27-31a

Đầu lễ :

Năm mươi ngày hoan lạc Phục sinh thực sự là thời gian biểu tượng, cho chúng ta tận hưởng niềm vui Phục sinh với Chúa Kitô; đồng thời ngụp lặn trong Ơn Phục sinh mà Chúa sống lại thông ban tràn trề cho chúng ta. Cần đến Thánh Gioan, nhà chiêm niệm điêu luyện, giúp chúng ta khám phá và hiểu Ơn Phục sinh là gì.  

Tha thứ tẩy rửa chúng ta sạch tội lỗi, Ơn Phục sinh làm cho linh hồn chúng ta sống lại, đưa chúng ta vào quan hệ tình yêu mới mẻ với Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta được sống cuộc sống sung mãn của Thiên Chúa, trong bình an, vui tươisinh hoa kết trái phong phú. Sự sống Phục sinh là của Chúa ban; nó giúp ta sống giống như Chúa sống, dám chịu khổ hy sinh phục vụ ở đời này.

Tình yêu, sự sống, bình an, niềm vui, sinh hoa trái, không thuộc về thế gian v.v… là những đề tài Tin Mừng Gioan say sưa giải bày cho chúng ta suốt tuần này.

Xin Lời Chúa mà ta đón nghe, giúp ta quí trọng cảm mến Ơn Phục sinh và sống mạnh mẽ Ơn ấy trong cuộc đời.

Giảng lễ :

I. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.

Bài Tin Mừng hôm nay thuộc về chuỗi những lời giảng thuyết của Chúa Giêsu trong bối cảnh Bữa Tiệc ly. Khi ấy, Chúa Giêsu báo cho các môn đệ biết Người sắp ly biệt các ông, để về cùng Chúa Cha. Các ông cảm thấy buồn man mác và thêm tâm trạng lo sợ trong lòng. Chúa muốn ban bình an cho các ông, để an ủi khích lệ các ông vững tin vào Người.

Sự bình an ấy hệ tại điều gì?

1. Đánh tan sự bối rối, phân vân trong lòng các môn đệ. Điển hình là Tôma đã thắc mắc 2 điều : không biết Cha Thầy ở đâu và Thầy đi lối nào mà tới Cha. Trả lời ông, Chúa Giêsu bảo Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Người mở lối đi vào sự thật này là Cha Người ở đâu, Người cũng ở đó. Cứ xem thấy Con, ắt cũng thấy Cha. Biết Con, sẽ biết Cha. Các môn đệ càng thêm bỡ ngỡ… Philipphê thẳng thắn cầu thị : “Vậy xin Thầy cho chúng con thấy Chúa Cha là đủ”. Đáp lại, Đức Giêsu có ý nói Chúa Cha đã tỏ mình ra trong Chúa Con khi đầu thai làm người. Cha với Con đồng bản tính : đâu có Con, đấy có Cha. Một sự sống kỳ diệu, huyền nhiệm!

2. Được bình an trong lòng nhờ tín nhiệm vào Chúa và vui mừng vì Chúa thắng thế gian.

Chúa báo trước sẽ ra đi, để khi sự việc xảy đến, các môn đệ không bỡ ngỡ. Khi ấy cần giữ bình tĩnh nhờ vững tin vào Chúa. Đừng buồn vì chia ly, nhưng phải vui lên. Lý do của niềm vui là thủ lãnh thế gian chẳng làm gì nổi Thầy. Yêu Cha, Thầy sẵn sàng chấp nhận thi hành đúng ý Cha. Thầy nắm chắc phần thắng trong tay.

3. Dầu sao, để các môn đệ an tâm - có an bình thực sự trong tâm hồn – Chúa hứa ủng hộ các ông hết mình : khi đi giảng dạy, Chúa cho các ông làm nhiều phép lạ lớn lao. Các ông xin gì, Người sẽ nhậm lời, miễn là các ông trung thành giữ giới răn, giữ Lời Người truyền dạy. Người còn sai Đấng Phù Trợ đến giúp đỡ các ông. Nếu các ông vui mà tuân thủ Lời Người, Chúa Cha sẽ yêu các ông. Cha-Con hay đúng hơn cả Ba Ngôi sẽ đến ở với các ông. Hạnh phúc mà các ông sẽ hưởng là cả Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong lòng. Đấy là sự sống đặc biệt, sự kết hiệp kỳ diệu, sự hiện diện lạ lùng mà chỉ các ông mới được hưởng. Sao thế gian có thể ban đuợc thứ bình an, phúc lộc đó?

II. Bình an của Chúa Phục sinh và sứ mạng gieo vãi bình an của người hưởng Ơn bình an Phục sinh.

Giáo Hội sử dụng lại bài Tin Mừng này, đặt vào khung cảnh Mùa Phục sinh (sau biến cố mừng Chúa sống lại) phải chăng có ý liên tưởng đến và nhấn mạnh ý nghĩa lời chúc bình an của Chúa với các Tông Đồ, sau khi Người sống lại và hiện ra?

Ơn Phục sinh đem lại bình an cho các Tông Đồ, cho chúng ta. Một thứ bình an không hề giống với thứ bình an thế gian vốn ban tặng cho nhau. Ngày Tết, ta vẫn gặp nhau, chúc nhau những lời bình an, hạnh phúc tốt đẹp. Những lời ấy, dù chân thành, vẫn chỉ là những mong ước cầu chúc, chào hỏi xã giao tế nhị. Thế thôi!  Nào ai có khả năng thực hiện và ban? Những lời chúc dễ cuốn theo chiều gió...

Đang khi lời chúc bình an của Chúa thực sự là ban – Chúa Phục sinh dư khả năng ban - một sức sống mới, kèm theo một sức mạnh giúp các Tông Đồ hết sợ hãi tung cửa ra đi truyền giáo, gieo Tin Mừng muôn phương. Các ông hoạt động, kiến tạo bình an, tác tạo niềm vui, hòa bình. “Phúc cho ai xây dựng hòa bình”.

Cho nên, Chúa Phục sinh trao bình an cũng là trao cách thế mới thực hiện chương trình cứu độ. Bình an Phục sinh chúng ta đón nhận luôn có sự hiện diện của Chúa Phục sinh, của năng lực Phục sinh các tâm hồn, của sức mạnh Thánh Thần hiện xuống. Chúa Phục sinh về cùng Cha : xa mà gần, vắng mà vẫn hiện diện, vẫn giữ nguyên tình yêu và sự nâng đỡ.

Kẻ hưởng Ơn bình an Phục sinh trở thành kẻ giữ gìn, phân phối bình an của Chúa khắp mặt đất. Bây giờ, chúng ta thành kẻ chịu trách nhiệm về bình an của Chúa. Sự hiện diện của Chúa Phục sinh tùy thuộc cách nào đó vào sự có mặt của chúng ta khắp nơi. Với trách nhiệm, tự do và lòng nhiệt thành xây dựng hòa bình của ta mà bình an của Chúa lan tỏa trên mặt đất. Bình an, hòa bình thực sự tùy thuộc chất lượng những cuộc hòa giải và tốc độ việc chúng ta tha thứ cho nhau.

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật V Phục sinh

Ga 15, 1-8

Đầu lễ :

Chúa Giêsu Phục sinh thông ban tình yêusự sống của Người cho chúng ta. Chúa Nhật và thứ Hai, chúng ta vừa nói về quan hệ tình yêu với Đấng Phục sinh. Hôm nay, Tin Mừng Gioan gợi đề tài sự sống.

Hình ảnh cây nho quen thuộc ở xứ Palestine lại được dùng để diễn tả sự sống mới, sự sống Phục sinh của chính Chúa Giêsu luôn muốn truyền từ thân nho sang cành nho. Chúng ta là cành nho. Đức Giêsu là cây nho thật. Còn Thiên Chúa, Cha Người, là kẻ trồng nho. Cành nho chỉ sống và sinh trái dồi dào được là nhờ đón nhận nhựa sống từ gốc nho.

Xin cho chúng ta luôn khát khao, yêu qúi, lãnh nhận nguồn sống mới từ Chúa Phúc sinh, từ Lời Người, từ Thánh Thể Người mỗi ngày.

Giảng lễ :

I. Sự sống Phục sinh là để thông truyền.

Ngụ ngôn cây nho vốn là một phần diễn từ sau Tiệc Ly của Chúa Giêsu, qua đó Chúa bộc lộ những lời tâm huyết, trước khi rời xa các môn đệ yêu dấu.

Dù cách xa, Chúa chỉ muốn các môn đệ luôn sống yêu thương, hợp nhất với Người và hợp nhất với nhau. Muốn hợp nhất siêu nhiên với Chúa, phải yêu mến Chúa và giữ giới răn Người truyền : “Nếu các con yêu mến Thầy, hãy giữ giới răn của Thầy”. Hợp nhất với Chúa thì các môn đệ cũng phải hợp nhất chặt chẽ với nhau trong cùng một tình yêu, một sự sống chung; y như mọi cành nho liên kết sự sống với nhau nhờ hưởng chung một nguồn nhựa sống từ cây nho.

Chúa Phục sinh để sống dồi dào, sống mãi. Người không chết nữa. Tình yêu và sự sống sung mãn của Người chỉ để thông truyền sang chúng ta, làm chúng ta được sống và sống dồi dào, tức sinh hoa kết trái.

Nhưng điều kiện phải là ở lại, gắn liền với thân nho. Gắn liền để hút nhựa sống, lấy khả năng lớn lên, vươn ra, kết trái. Sự tách lìa thân rất nguy hiểm. Sẽ khô héo, sẽ chết. Khi chủ động lìa bỏ Chúa Kitô, chúng ta – cành nho – sẽ không còn hưởng ân huệ sức sống Phục sinh. Chúng ta tự kết liễu đời mình, đáng bị chặt đi, vì khô nhựa sống không thể sinh trái. Cuộc đấu tranh sinh tồn lại buộc phải tẩy xóa, cắt tỉa tội lỗi, vốn là những nguy cơ khiến cành dễ tự ý tách mình khỏi thân.

II. Cuộc sống là một dằng co.

Dằng co giữa ở lại hay ra đi, giữa kết hợp hay chia lià Chúa Kitô.

Ta thử tưởng tượng : một Giáo Hội không còn hiệp nhất chặt chẽ trong một nguồn sống, không còn chung “một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha” thì sẽ ra thế nào? Một xã hội đa nguyên, đa dạng với mọi thứ tự do cá nhân mặc sức tung hoành chỉ sự phong phú hay đang thai nghén mầm thoái hóa, tan rã ?

Rất nhiều khi ta muốn cải cách, vì ngán ngẩm sự đơn điệu, tẻ nhạt trong Phụng vụ; sự cô đọng tù túng trong Luân lý; sự trì trệ đến nhàm chán trong Giáo luật...Ta phóng nhanh theo nhịp tiến, đà vươn của thời đại. Ô kìa, thiên hạ sao không thức thời, không chịu bắt nhịp hay đuổi kịp nước rút của ta? Rồi ta phê phán lạnh lùng, chua chát : người này kẻ nọ bảo thủ, lỗi thời, rối đạo, tiền Vaticanô II...Có chắc họ xa lìa Chúa, xa lìa Giáo Hội hay chính ta là những kẻ đang đánh bóng mình bằng những luận điệu cấp tiến, khập khễnh?

Đức tin cá nhân hay cộng đồng sống được là nhờ kết hợp với Chúa Kitô, bén rễ sâu trong Thánh Thần và hút chất dinh dưỡng từ lòng Giáo Hội; chứ không tách biệt đến chỗ biến dạng, biến thể hoặc khô héo hay đóng băng.

Ngược lại, “nếu các con ở trong Thầy” cũng không có nghĩa là giam mình, lẩn trốn, ẩn núp. Bởi sự thông hiệp sự sống nơi Đức Kitô, nơi Giáo Hội đòi sự năng động, triển nở, trổ sinh hoa trái. Sự sống tự nó là vươn lên. Tin Mừng là để loan báo. Tình thương là để cho đi. Ơn Phục sinh là để “mở tung cửa” đi ra...

Chỉ một bánh, một chén. Lúc này, chúng ta sắp ăn Mình và uống Máu Chúa từ bàn thờ : chúng ta không còn ích kỷ, không muốn tách Nguồn, nhưng chung một nguồn sống của Chúa Phục sinh và từ đó, sự sống chúng ta mới lớn lên tài bồi lẫn nhau.

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật V Phục sinh

Ga 15, 9-11

Đầu lễ :

Tình yêu và sự sống mới của Chúa Phục sinh tác tạo nên niềm vui sống. Ta sống vui ngay tại thế này vì được biết Thiên Chúa, được nghe Lời chân lý của Ngài, được ở lại trong tình yêu Ngài. Tình yêu ấy trở thành tình yêu cứu chuộc, được thể hiện qua Mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Con Ngài, mà Thánh Thể hôm nay là bảo chứng.

Niềm vui cứu chuộc tại thế – hoàn tất với Chúa Phục sinh – sẽ đưa ta vào hưởng niềm vui Thiên Quốc muôn đời. Đời kitô hữu không thể thiếu vắng niềm vui ngay hôm nay và mãi ngàn sau.

Giảng lễ :

Một tình yêu phát sinh niềm vui.

Người đời vẫn quan niệm bước vào vòng tình yêu như mắc vào vòng kim cô, khổ ải và bị cột trói bằng sợi dây xích thằng vô hình : “Lấy chồng như gông đeo cổ; lấy vợ như rợ buộc chân”.

Riêng Chúa Giêsu Phục sinh, khi thiết lập quan hệ tình yêu với các môn đệ, lại đưa tới cái nhìn lạc quan. Tình yêu đem lại niềm vui cho Chúa Giêsu và cho cả môn đệ. Đúng ra là niềm vui đến từ Chúa Giêsu Phục sinh lan tỏa sang môn đệ.

1. Tiên vàn, các môn đệ vui, vì cũng một tình yêu “Cha yêu Con và Con yêu Cha” giờ được truyền thông sang các môn đệ. “Cha yêu Thầy thế nào, Thầy yêu các con như vậy”. Cùng một trái tim, một cõi lòng, một tình yêu, một nhịp rung cảm. Không xa lạ cách bậc. Loài người được hòa nhịp vào cùng cung bậc tình yêu thần linh. Đó là một cái phúc lớn.Từ nay, các môn đệ được gọi là bạn hữu, kẻ tâm phúc với Chúa.

2. Chúng ta vẫn hát : “Ôi, tình yêu Thiên Chúa cao vời”. Quả thực, tình yêu Thiên Chúa không rẻ tiền như tình yêu tiểu thuyết, không bi đát như tình yêu thế gian. Vì tình yêu ấy luôn tha thứ, bao dung, luôn hướng đích cứu chuộc. Một tình yêu chỉ muốn cứu vớt, giải thoát chúng ta như thế sao không làm chúng ta vui lên được ?

3. Không yêu, sẽ không biết Thiên Chúa; vì Thiên Chúa không tỏ mình ra cho. Đang khi Thiên Chúa lại sẵn lòng mặc khải cho các môn đệ, là những người có tâm hồn đơn sơ bé mọn. Không kiêu căng tự phụ, với những tấm lòng luôn cởi mở đón nhận. Niềm vui là qua tình yêu, nhận được mặc khải và biết được Thiên Chúa.

4. Thiên Chúa tỏ mình ra cho môn đệ qua chính Con của Ngài. Ngài ban Lời Ngài cho chúng ta, Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu. Lời khôn ngoan, chân thật. Lời giáo huấn ta. Nên Thiên Chúa căn dặn : “Này là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”.

5. Yêu mới lắng nghe nhau. Không yêu, không muốn nghe, không muốn đón nhận, không muốn giữ lời giữ giới răn.

Việc giữ Lời Chúa khiến ta mỗi ngày một khá hơn, tốt hơn lên. Giữ Lời Chúa trong lòng, suy gẫm, đem ra sống như Đức Maria sẽ khiến ta ra mềm mỏng dễ dạy. Niềm vui đến từ chỗ hiểu được chân lý mặc khải, hiểu được Thánh ý khôn ngoan của Thiên Chúa và xin vâng. Chấp nhận sống theo trong cuộc sống. Khi ấy Thiên Chúa vui, vì ta chiều ý Ngài để sống. Lời Ngài không bị từ khước, nhưng lưu lại, trổ sinh hoa trái trong đời ta.

Thiên Chúa vui, chúng ta vui vì qua việc giữ giới răn Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa hoàn thiện chúng ta, giúp chúng ta hoàn thành bản tính nhân loại.

6. Chúa Giêsu là mẫu mực tình yêu đối với Chúa Cha. Ta nhìn vào Đức Giêsu như nhìn vào một tấm gương, một tình yêu điển hình đối với Cha. Ta có thể vui, an tâm bắt chước Đức Giêsu mà sống. Người làm đẹp lòng Cha. Cha yêu quí Người : “Này là Con Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng”. Bởi chính Đức Giêsu đã giữ các điều răn của Cha, tuân theo ý Cha, sẵn sàng chết để làm trọn ý Cha, nên Người luôn ở trong tình thương của Cha. Nhờ hưởng tình yêu của Cha như thế mà Đức Giêsu có thể yêu chúng ta trọn vẹn bằng tình yêu Thiên Chúa. “Thầy yêu các con bằng tình yêu Cha đã yêu Thầy”.

7. Liên đới với Chúa Giêsu, bắt chước Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được hưởng tình yêu Thiên Chúa và “ở trong Thiên Chúa”. Khi ấy, niềm vui là được Thiên Chúa Ba Ngôi ở vớichia sẻ mọi sự. Thiên Chúa cùng đau khổ với ta, cùng ta chịu những nhọc nhằn, bực dọc trong cuộc sống.

Ta có thể cười lên, vui lên được, vì chính tình yêu Thiên Chúa này mới hâm nóng, làm mới lại tình yêu nhân loại mỗi ngày (bất luận đó là tình yêu vợ chồng, gia đình, thân thích, bạn bè, đồng nghiệp...). Giữa sa mạc cuộc đời nóng bỏng, khô khan, nứt nẻ, tình yêu loài người vẫn sống vẫn vui được vì chất dưỡng không từ lòng thế gian, nhưng từ lòng Thiên Chúa, từ tình yêu Thiên Chúa mà ra. Tôi chợt hiểu tại sao các Thánh vẫn vui được giữa muôn vàn đau khổ.

Làm sao cuộc đời mãi vuivui thật được, nếu cứ muốn gạt Thiên Chúa và tình yêu của Ngài ra khỏi cõi nhân sinh này. Yêu là lắng nghe lời mời gọi và đáp trả...Tham dự vào Bàn Tiệc Thánh Thể tại thế này cách xứng đáng sẽ khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong niềm vui được cứu chuộc và sẽ chuẩn bị đi vào Bàn Tiệc thiên quốc, đầy “thịt béo rượu ngon”, với niềm hân hoan bất tận.

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Phục sinh

Ga 15, 12-17

Đầu lễ :

Suốt tuần này, chúng ta nói nhiều về tình yêu mà chưa chán. Thật ra là Gioan không chán. Ông mê man diễn đạt những lời tình yêu mà Đức Giêsu tâm tình với các môn đệ thân tín xưa, cũng là muốn nói với tín hữu chúng ta hôm nay : những người còn muốn nghe Lời Người, giữ Lời Người và còn yêu Người.

Hôm nay Đức Giêsu không bộc lộ rằng Cha Người và Người đang yêu chúng ta, mà lại chỉ vẽ cho chúng ta tận tình cách thức đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Sống tình yêu ấy thế nào, thực hiện nó ra sao trong cuộc sống?

Xin Chúa thương dạy bảo chúng con.

Giảng lễ :

I. Yêu như Chúa yêu.

Chúa Giêsu là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa. Người yêu chúng ta hết lòng, nên giới thiệu Cha cho chúng ta, còn dạy chúng ta cách làm sao để được Cha yêu. Đó là “giữ Lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy”. Bởi “Lời các con nghe không phải của Thầy, mà là của Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14, 23-24). Thông qua Chúa Giêsu, chúng ta đạt đến cội nguồn tình yêu là Thiên Chúa.

Chúa Giêsu còn xác quyết : “Kẻ giữ điều răn Thầy truyền, chính là kẻ yêu mến Thầy” (c.21). Mà “ai yêu Thầy...Thầy cũng yêu mến lại họ” (id). “Cha Thầy và Thầy sẽ đến ở với người ấy” (c.23).

Trước đó một chút, Chúa Giê su nói : “Thầy sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho chúng con một Đấng Phù Trợ khác, Đấng ấy ở với chúng con mãi. Thần Chân Lý... thế gian không xem thấy, không biết. Nhưng chúng con thì khác, chúng con biết Ngài, vì Ngài ở cạnhở trong lòng chúng con” (c.16-17).

1. Như vậy rõ ràng “yêu như Chúa yêu” trước hết không phải là một tình yêu vị kỷ, hướng về mình, mà là tình yêu hướng về người khác. Một tình yêu liên chủ vị. Thiên Chúa Ba Ngôi làm thành một cộng đồng tình yêu.

2. Khi nhập thể ban lời dạy dỗ chúng ta, Chúa Giêsu đã mặc khải tình yêu của Thiên Chúa và còn đưa chúng ta vào cộng đồng tình yêu này. “Thầy sẽ sống và cả chúng con cũng sẽ sống. Trong ngày ấy, chúng con biết Thầy ở trong Cha Thầy và chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con” (c.19-20). Phải chăng “yêu như Chúa yêu” còn là yêu bằng tình yêu Thiên Chúa mà chúng ta đang có, vì đang ở trong ấy và đang hưởng sung mãn. “Như Cha đã yêu Thầy, chính Thầy cũng yêu chúng con như thế. Hãy ở trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Ta không có lý do gì để bảo không thể “yêu như Chúa yêu”, với tình yêu khác tình yêu của Chúa hay không thể nên trọn lành như Cha trên trời, mẫu mực mà Chúa Giêsu đẩy chúng ta vươn tới. Yêu giống như, theo khuôn mẫu khác hẳn có khả năng yêu ngang bằng với Thiên Chúa.

3. Nói vậy, nhưng trong thực hành, biết thế nào là “yêu như Chúa yêu”, nếu không có một tấm gương yêu thương phô bày trước mắt : Đức Giêsu tử nạn trên thập giá. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng mình vì người mình yêu” (c.13). “Điều Thầy dặn là chúng con hãy yêu nhau như Thầy yêu chúng con” (c.12).

Tình yêu của chúng ta là bắt chước tình yêu của Đức Giêsu, để nên giống tình yêu Thiên Chúa. Phẩm chất tình yêu kitô hữu là nó giống tình yêu Thiên Chúa. Tiêu chuẩn và thước đo tình yêu chúng ta là yêu theo cách của Chúa Giêsu. Thiên Chúa yêu đến hy sinh ban Con một mình. Đến lượt Chúa Giêsu hy sinh mạng mình để cứu chúng ta. Chúng ta cũng phải như vậy : dám hy sinh mình phục vụ tha nhân. Kitô hữu hiến dâng sức lực, tình cảm, tâm trí, tâm hồn và mọi khả năng cho người khác. Hẳn nhiên đời thường nhật sẽ đòi hỏi chúng ta bao cố gắng hy sinh để phục vụ tốt hơn. Không phục vụ để lấy danh lấy tiếng, rồi sau đó “hểnh mũi” vì thành quả. Bởi tình yêu đòi phục vụ, chứ không phục vụ để được...(cf. Mt 20, 27). “Ta đến để hầu hạ, chứ không để được hầu hạ” (c.28).

Hệ quả của cách thức “yêu như Chúa yêu”.

1. Nếu kitô hữu dám hy sinh cao độ như Chúa Giêsu, vì tình yêu tha nhân, thì điều lợi đầu tiên là họ trở nên kẻ tâm phúc với Chúa. Có vậy, chúng con mới là bạn của Thầy, kẻ tâm phúc thân tình với Thầy. “Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thực hiện điều Thầy truyền” (c.14). Thầy không gọi chúng con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ biết gì việc của chủ” (c.15).

2. Là tâm phúc thì điều lợi thứ haihiểu được lòng nhau. “Ai giữ Lời Thầy, Thầy sẽ yêu người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21). Khi yêu, người ta muốn bộc lộ, cởi mở lòng mình. Tình yêu chân thật thẳm sâu giúp đi đến hiệp thông hai cõi lòng, hai trái tim.

Không chỉ dẫn chúng ta đến với Chúa Cha để được hưởng tình Cha yêu, Đức Giêsu đi xa hơn đến chỗ tỏ lộ những bí mật nơi Cha. “Những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho các con biết”.

Như vậy, biết nhau, hiểu nhau theo ngôn ngữ Thánh Kinh cũng có nghĩa là yêu nhau, phải lòng nhau rồi. Những Lời mặc khải của Chúa Giêsu là Lời xuất phát từ nơi Cha (cf. Ga 14, 24).

3. Điều lợi thứ ba : “Yêu như Chúa yêu” sẽ phong phú hóa chúng ta và kẻ khác. Tình yêu sẽ trổ sinh hoa trái. Tình yêu phuc vụ không hóa ra vô ích. “Thầy chọn các con – cũng có nghĩa là Thầy yêu các con – cắt cử các con ra đi, để sinh được hoa trái và hoa trái các con tồn tại”.

4. Cuối cùng, điều lợi thứ tư : “Yêu như Chúa yêu” sẽ làm Chúa hài lòng. Xin gì, Thiên Chúa sẽ ban. Ngài đáp ứng những mong chờ của những cõi lòng biết yêu và yêu đúng cách Đức Giêsu chỉ.

Chúng ta phải hoàn tất tình yêu Thiên Chúa nơi chúng ta. Thánh Phaolô bảo : “Chúng tôi hoàn tất trong thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc tử nạn của Chúa Kito”. Không phải Chúa làm không đủ. Nhưng...chúng ta phải làm cho mọi người nhận biếthưởng cái đủ ấy, để ai nấy cũng được no đầy tình yêu Thiên Chúa.

Tôi sống tình yêu Thiên Chúa thì anh hay chị cũng cần sống bằng tình yêu ấy. Thánh Lễ giúp ta tưởng niệm tình yêu này.

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật V Phục sinh

Ga 15, 18-21

Đầu lễ :

Thế gian ghét các con” : Lời Chúa hôm nay giúp tôi cảm nghiệm sâu hơn cõi lòng tín hữu của tôi và hiểu rõ hơn cõi lòng nhân gian, thế gian này. Qui luật sống thường tình ở đời là “yêu nên tốt, ghét nên xấu”; “ưa ai vo tròn, ghét ai bóp bẹp” hoặc “không ưa, dưa có giòi”.

Chúa Giêsu hôm nay giải thích cho các môn đệ, những người tin theo Chúa, biết lý do nào thế gian ghét các con và hệ lụy xót xa do lòng thù ghét mà ra. “Phận môn đệ không hơn Thầy”.

Xin cho chúng ta dám theo Chúa với lòng can đảm chấp nhận tất cả những rủi ro ấy.

Giảng lễ :

I. Thế gian ghét các con.

1. Nếp sống Phục sinh, với Ơn Phục sinh hỗ trợ chúng ta hằng ngày, không đưa chúng ta vào một cảnh sống an nhàn dễ dãi nào. Trái lại, những nghịch lý trong cuộc đời thế trần còn nguyên đó. Chúng ta chỉ được trợ giúp vật chất hay thiêng liêng là để chiến đấu, khắc phục những khó khăn và vươn lên hào hùng mà thôi.

Trong ý nghĩa đó, Chúa Giêsu không ngại cảnh báo các môn đệ và chúng ta : “Thế gian sẽ ghét các con, nhưng các con biết rằng nó đã ghét Thầy trước”. Số phận môn đệ không hơn Thầy, tớ không hơn chủ.

2. Lý do thế gian thù ghét các con : vì Thầy đã chọn các con, tách các con ra khỏi thế gian. (Sự tách biệt thuộc về tinh thần, chứ không phải về môi trường địa lý). Các con không còn thuộc thế gian nữa, mà thuộc về Thầy. Một khi Chúa là gia nghiệp đời ta và ta thuộc sở hữu của Chúa, thế gian sẽ mất đồng minh.

II. Hệ lụy của việc thế gian thù ghét các con.

1. Chúa Giêsu báo trước tinmang danh Chúa mà các môn đệ không còn đứng về phe thế gian, nên thế gian chống lại họ. Không chỉ đối nghịch về mặt tư tưởng, quan điểm; trong cuộc sống thực tế họ từng chịu khổ trăm bề cũng vì danh Chúa. Phaolô đầy kinh nghiệm như thế, sau khi ông trở lại, làm Tông đồ truyền giáo của Đức Kitô. Ông phải lẩn trốn từ thành này qua thành khác, từng gặp bao nguy khó trên rừng dưới biển, chịu đói khát, chịu bắt bớ, đòn vọt, tù đày và cuối cùng bị giết chết. Hệt như Thầy, đã bị bắt và bị giết đi.

Sự thù ghét của thế gian đã đẩy những kẻ tin rơi vào số phận thê thảm : mất mạng! Mất cả mạng vì danh Chúa, vì tin vào Người, vì làm chứng cho Tin Mừng Sự sống lại. Trong lịch sử, đã có hằng hà sa số những Vị tử đạo như thế, thuộc mọi dân mọi thời, bắt đầu là các Tông đồ.

2. Lần giở Phúc Âm Luca mới thấy sự thù ghét của thế gian đã được cụ Simêon tiên báo từ lâu cho Đức Maria : “Thiên Chúa đặt cháu bé làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng” (Lc 2, 34). Chính Đức Giêsu nhìn nhận Người xuống thế đem gươm giáo và chia rẽ (cf. Mt 10, 34). Vì Chúavì Phúc Âm mà có chia rẽ, sứt mẻ ngay cả trong nội vi gia đình. Kẻ thù chính là người nhà. Giáo Hội thủa đầu của các Tông đồ đến nay có còn nguyên vẹn hình hài? Với bao lạc giáo, ly giáo xảy ra suốt giòng lịch sử, Kitô giáo tới nay đâu còn chung một niềm tin! Toàn chuyện thế gian!

3. Cay đắng nữa vẫn là những dằng co, đổ vỡ trong nội tâm từng con người chúng ta : suốt một đời đếm xem đã có bao nhiêu lần thỏa hiệp với tội lỗi, với thế gian, để gọi là né tránh được đau khổ hay phiền hà đến bản thân. Dù đạt được một thỏa hiệp nào đó với trần thế, để đổi lấy sự an toàn giả tạo bề ngoài, bên trong lương tâm vẫn không ngừng lên tiếng tố giác chúng ta phản bội. Chúng ta bị ray rứt triền miên!

Dường như không thể nào tránh được chuyện sống đạo cách đích thực mà không gây ra sứt mẻ. Không sứt mẻ, tức lại thuộc về thế gian hơn là thuộc về Chúa Kitô rồi. Cứ suy nghĩ, sống theo, làm theo thế gian chắc chắn thế gian sẽ cưng chiều ta hết mức.

Hãy tưởng tượng : nếu Giáo Hội muốn “bảo vệ” mình yên thân theo dòng đời, dễ ợt! Chỉ cần Giáo Hội chăm giữ gìn những quan hệ tốt với thế gian, tìm kiếm sự đồng tình với đám đông, mọi chuyện tất êm ả. Nhưng cũng chính khi ấy và vì thế, Giáo Hội lại rơi vào khủng hoảng dữ dội : kitô hữu sẽ thấy đời mình thật vô tích sự, vô ích. Đạo không còn tác dụng là “muối”, là “men” cho đời và chẳng thể tẩy rửa hay làm thay đổi gì được bộ mặt thế gian này cả.

Vấn đề then chốt vẫn là phải luôn lượng giá tính chất thuộc-về-ai của kitô hữu : thuộc về Chúa hay thuộc về thế gian? Chính những tư tưởng, những đòi hỏi, những cung cách sống của Chúa Giêsu mà tín hữu rập theo đã gây xáo trộn cho thế gian rồi!

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật VI Phục sinh

Ga 16, 16-20

Đầu lễ :

Chúa Giêsu nói : “Ít nữa, các con không thấy Thầy”, vì Thầy về cùng Cha. Rồi “ít nữa, các con lại thấy Thầy”. Chúa hứa trở lại ngày tận thế ?

Tôi thắc mắc sao Chúa ra đi, còn trở lại. Có phải Chúa tiếc nuối trần gian? Cái trần gian tạm bợ, bạc bẽo này, vì nó đã không tin, làm khổ Chúa, bách hại Chúa!

Mà sao cứ ra đi, rồi trở lại? Cái vòng đời như cơn lốc xoay, như giòng nước xoáy ấy là gì? Tại sao?

Giảng lễ :

1. Nhìn lại cuộc đời Chúa Giêsu : Nhập thể, Chúa đến ở với loài người. Tử nạn, đành rời bỏ ra đi. Phục sinh, về với Chúa Cha, vì báo trước sẽ về cùng Cha. Tận thế, sẽ quay lại.

Có phải đấy là chu kỳ Tình Yêu và Sự Sống? Là diễn biến của một kiếp người, của vòng đời?

2. Tôi nghiệm ra tình yêu con người đúng như thế: cậu trai yêu cô gái. Tình yêu cho đi, nhưng cứ mong đón nhận lại. Cô gái, nếu cũng yêu chàng trai, sẽ không chỉ biết nhận mà đến lượt mình phải cho đi, dâng hiến. Tình yêu đòi đáp trả, xoay vòng.

Tình yêu của Thiên Chúa được mặc khải y hệt : Cha yêu Con, Con yêu lại Cha. Các con yêu Thầy, Thầy cũng yêu các con. Thầy yêu các con bằng Tình yêu Cha đã yêu Thầy.

Chu kỳ sự sống nơi thiên nhiên cũng là một luân chuyển xuất đi, nhập về. Nhựa cây truyền từ thân sang cành, tới lá. Quang hợp, rồi lại trở về thân, gốc tái luyện, tăng cường chất mới. Tiếp tục truyền đi, nuôi cây.

Sự sống nơi con người không khác: máu từ tim bơm đi nuôi cơ thể. Châu lưu khắp chi. Rồi lại trở về tim; lọc sạch, bơm đi...

3. Chúa Kitô Phục sinh về cùng Cha: báo cáo cho Cha sự việc trần gian; đón nhận Ý Cha; kín múc sự sống, tình yêu nơi Cha; hiệp thông kế hoạch và hạnh phúc của Cha. Rồi quay lại trần gian đón chúng ta về chung hưởng hạnh phúc, sự sống, vinh quang bên Cha. Để “Ta ở đâu, các con ở đó với Ta”.

4. Chúng ta cũng vậy: sống ở thế gian mà lòng không dính bén thế gian (Thánh Phaolô). Luôn hướng về Chúa. Mọi việc thiêng liêng chúng ta làm hằng ngày đều nhằm biết Chúa, yêu Chúa, kết hợp với Chúa nhiều hơn. Thánh Lễ và các Bí tích đưa chúng ta vào lãnh địa thần linh: nơi có sự trao đổi, đối thoại, hiệp thông hai chiều giữa Chúa và ta. Tình yêu, sức sống là “quà tặng” được trao ban, tiếp nhận, thông chia...

Nếp sống ấy chúng ta không hưởng thụ một mình. Bởi “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Sau đó, bung ra, về lại thế gian ta bơm sinh lực, sức sống, tình yêu Thiên Chúa nuôi lại thế giới. Nối tiếp Thánh lễ là hoạt động mục vụ, chăm lo nhân loại này. Như vậy, Ơn Chúa nhận được sẽ luyện thành linh đan, thuốc bổ dưỡng cho hết thảy. Chúng ta thu hoạch hoa màu ruộng đất cùng với lao công dâng lên. Thiên Chúa tiếp nhận, ban trở lại muôn Ơn lành. Ơn sủng để ban phát...

Mối tương quan giữa ta với Chúa là thế: là chu kỳ xoay vòng của tình yêu và sức sống. Ngưng lại là chết. Ở ngoài quĩ đạo là chết, là tự hủy diệt. Đi tu, đâu phải là “ở lại mãi trong Đền thờ” mà không muốn vào đời để cứu đời. Không được!

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VI Phục sinh

Ga 16, 23b-28

Đầu lễ :

Chắc chắn chúng ta đã từng nghe câu nói : “Ra đi là chết trong lòng một ít”. Chết đã hẳn rồi. Nhưng chết ít hay nhiều còn tùy nỗi lòng của kẻ ở người đi thế nào nữa. Cuộc chia ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ yêu dấu để lại cho chúng ta những bài học đầy cảm xúc.

Những kẻ ở lại chỉ mong sống sao đẹp lòng Người đã ra đi.

Giảng lễ :

I. “Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha”.

Đây là một lời từ biệt của Chúa Giêsu với các môn đệ yêu dấu, trước khi Người rời thế gian này về lại cùng Cha. Có lẽ câu nói này làm “quặn lòng” các môn đệ nhiều lắm, bởi tình Thầy trò sống bao năm càng mặn nồng, thì giây phút chia ly càng não lòng.

Cho dù sự ra đi của Chúa có lợi gì đi nữa, thì gánh nặng của sự vắng mặt vẫn còn đó. Chúa không còn hiện diện bằng xương bằng thịt và như vậy, ai nấy đều thấy rõ nhu cầu sống hiệp thônggần gũi bằng sự hiện diện quí giá. Khi ra đi, ý thức về điều này mới trở nên mãnh liệt. Người đi não nề, kẻ ở lại hụt hẫng, ngậm bao dư vị đắng!

Dù không muốn, cuộc sống chúng ta vẫn cứ đầy dẫy những cuộc ra đi, chia lìa như thế. Bao chàng trai, vì trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc, phải từ giã cha mẹ người yêu lên đường ra chiến tuyến nóng bỏng. Ngày về mong manh, mịt mờ. Tâm trạng kẻ ở, người đi thế nào? Hoặc như bao cô gái lấy chồng ngoại hay Việt kiều, ngày rời Đất Nước xa cha lìa mẹ và đàn em, cõi lòng ra sao? Hay như chúng ta đi tu thôi, cũng trải qua những giây phút thật “can đảm”. Phải rời xa người thân để... vào đây sống với Đấng Vô Hình và bên những chị em thủa đầu quá xa lạ. Cảm thấy gì?

II. “Thầy không nói với chúng con bằng dụ ngôn nữa”.

Khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để dạy dỗ các môn đệ và đám đông. Dụ ngôn là môt kiểu nói đơn giản, dễ hiểu, phổ biến nơi người Do thái. Các rabbi cũng ưa dùng. Nhưng thời kỳ ấy qua rồi...Chúng ta có cảm giác các môn đệ bỗng gặp “đau đớn”, vì từ nay không còn được nghe tiếng nói của người Thầy rất thân yêu nữa.

Giờ đây, vì vắng mặt, Người không còn trực tiếp nói với các ông như trước. Thánh Thần sẽ đến, sẽ nhắc lại trong tâm khảm các ông những gì Chúa Giêsu đã nói và nhất là, Thần Chân Lý sẽ nhắc nhở qua các biến cố, qua những thực tại sống hằng ngày. 

Ngôn ngữ thực tế sờ sờ trước mắt cũng thật dễ hiểu. Có điều chúng ta có nhận ra không?

Trước một cảnh bất công, bất bình đẳng trong xã hội như người bóc lột người, chúng ta nhớ Chúa dạy ta điều gì? Có những em bé nhà nghèo không đủ tiền ăn, tiền đóng học phí hằng tháng. Khi ốm đau, còn lâm cảnh thiếu thốn đáng thương...Nhưng lại có hàng trăm hàng ngàn thanh thiếu niên khác, thừa tiền rỗi của, hằng đêm sa vào chốn chơi bời, ăn nhậu, hút sách, nghiện ngập chuốc họa vào thân. Như cảnh ăn chơi khét tiếng (xài héroin, thuốc lắc, nhảy đầm thâu đêm...) ở vũ trường New Century Hà Nội, mới bị phá vỡ vào tháng năm 2007 vừa qua.

Ở những Nước giàu có Tây phương, khẩu phần ăn của gia súc nuôi trong nhà tính ra còn dồi dào hơn số tiền dành chăm sóc trẻ em ở những Nước nghèo. “Vật ăn không hết, người lần không ra”. Tôi từng thấy bên Pháp có những phụ nữ độc thân, không con, nuôi tới 5 con chó bẹc-giê to trong nhà và mỗi chiều dắt chúng dạo mát trên những thảm cỏ miền biển Bretagne. Tôi cũng thấy bên Đức có những khách sạn dành nuôi thú kiểng. Thân chủ gởi chó ở đó, khi đi nghỉ hè. Người ta cho ăn, tắm rửa, khám chữa bệnh, chăm sóc chó thay chủ. Khi trở về, chủ chỉ việc tính tiền. Dịch vụ nuôi, chăm thú vật ấy – nếu kể cả những nhà dưỡng lão cho thú – xem ra còn tốt hơn, kỹ hơn cách đối xử với loài người.

Từ đó, ta mới cảm thấy những bất công, những ti tiện, những dửng dưng đối với anh chị em là một tội ác, là một điều “không thể nào chịu đựng nổi”!

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật VII Phục sinh

Ga 21, 20-25

Đầu lễ :

Mùa Phục sinh là mùa của Giáo Hội, mùa mà Giáo Hội sống sức sống mãnh liệt của mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngài là Ân Huệ Chúa Cha ban cho Giáo Hội, sau khi Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình; nhưng Ngài cũng nội tại trong Giáo Hội, vì Ngài là Thần Khí của Chúa Giêsu Phục sinh, là Đầu Giáo Hội, luôn ở với Giáo Hội. Chúa Thánh Thần là Sức mạnh, là Sự sống mới, là Chân Lý Chúa Phục sinh thông truyền sang Giáo Hội.

Sứ mạng của Chúa Thánh Thần là giúp chúng ta làm chứng cho Chúa Phục sinh, làm chứng cho Tin Mừng sự sống lại. Sứ mạng ấy được Chúa Giêsu trao cho Phêrô, trao cho Gioan hay bất cứ ai để hoàn thành theo đặc sủng, theo khả năng riêng từng người.

Thánh Philipphê Nêri (1515-1595) hôm nay chúng ta mừng lễ đã làm chứng nhân cho Mầu nhiệm Phục sinh bằng cách thế riêng của Ngài. Đó là bản tính dễ hòa mình với mọi người; đó là chủ trương sống vui vẻ bình dân, nên cảm hóa được tha nhân. Chúng ta cũng cần bắt chước Ngài, phát huy nét riêng đôc đáo của mỗi người, mà làm chứng cho Đạo Phục sinh ở thời đại chúng ta ngày nay.

Giảng lễ :

Thánh Gioan viết đoạn Tin Mừng hôm nay khi tuổi đời xấp xỉ trên dưới 60. Ngài viết như một cảm nghiệm đạo đức sâu xa của người đã được Ơn Phục sinh cảm hóa. Chứng từ của Ngài xác thực, đáng tin về những lời Chúa Kitô đã truyền dạy Phêrô có liên quan đến Ngài. Tin Mừng Phục sinh cũng là một ký ức về giáo huấn của Chúa Giêsu đã được suy niệm, sống và lưu giữ đến tuổi già.

Mỗi người tùy khả năng mà làm chứng.

Giáo huấn ấy của Chúa Giêsu là mỗi người tùy theo đặc sủng được ban, hãy làm chứng cho Tin Mừng theo khả năng riêng từng người. Không ngần ngại, so đo, toan tính. Không cần liếc sang phải sang trái, sang người bên cạnh để bì chảnh, so sánh hơn thiệt.

Theo Chúa thì cứ theo. Làm việc cho Chúa thì cứ làm. Hơi đâu phải cầu cạnh, so sánh với ai để dễ rơi vào chỗ rụt rè, nhụt chí, mất nghị lực hay hụt hẫng vì mặc cảm hơn kém, thua thiệt thiên hạ.

Đọc bài Tin Mừng xong, tôi có cảm giác như đã có một cuộc so kè nào đó giữa Phêrô và Gioan trong công tác được giao phó. Mà kẻ thắc mắc lại là Phêrô, nên Chúa mới “sát muối” Phêrô.

Sau khi kiểm tra ba lần về “chất lượng” tình yêu trong con tim của ông, Chúa Giêsu không ngần ngại trao quyền chăm sóc Giáo Hội cách tuyệt đối, toàn diện cho Phêrô, kèm theo cả việc báo trước về số phận đời ông.

Chúa như nói với Phêrô rằng khi con chưa biết Thầy, “khi con còn trẻ, con tự thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi con về già, con phải giang tay ra để người khác thắt lưng cho con và dẫn con tới chỗ con không muốn” (Ga 21, 18). Chúa nói thế có ý ám chỉ ông phải chết cách nào để tôn vinh Chúa (c.19).Và vượt trên tất cả những thử thách cuộc đời, Chúa khích lệ ông : “Cứ theo Thầy!” (id).

Bỏ Thầy con biết theo ai?”. Vâng, theo Thầy thì...con vẫn theo. Có lẽ Phêrô đã nghĩ thế. Nhưng dầu sao ông vẫn “lạnh gáy” khi nghĩ tới cái chết để làm chứng về Thầy.

Thế là ông bì chảnh với người môn đệ Chúa yêu là Gioan. Ông ngoái cổ thấy Gioan đàng sau, tỉnh queo, không mảy may lo âu. Ông hoạnh Chúa : “Thưa Thầy, vậy anh này thì sao?”. Chúa Giêsu đáp : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại mãi tới khi Thầy đến, thì việc gì đến con.” (c.22). Việc gì đến con! Ông già gân Phêrô “cụp đuôi, hạ kiếm”. Chúa bồi thêm : “Phần con, cứ theo Thầy” (id).

Thế nghĩa là hãy can đảm lên. Bất luận sống chết thế nào, vinh nhục ra sao, hãy cứ làm chứng cho Thầy. Không mệt mỏi, không toan tính, so đo, bì chảnh với ai. Mỗi người theo đặc sủng, theo khả năng, cách thế riêng của mình mà làm chứng. Chuyện sống chết của người khác để Thầy lo. Chẳng phải việc của con. Xí xọn!

Những lời Chúa Giêsu nói với Phêrô hồi ấy hôm nay dường như muốn lập lại với từng người chúng ta trước khi đi nghỉ hè : nghỉ hè không phải là thôi làm chứng, mà làm chứng trong kỳ nghỉ hè theo tiếng gọi của Chúa, của Giám Mục Địa Phận, của lòng nhiệt thành tông đồ Thánh Thần sẽ khơi lên nơi mỗi người.


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái