Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 3

ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

.Lưu hành nội bộ.

10.2006

Lời ngỏ

Đây là một số bài giảng lễ, đã trình bày trước hai cộng đoàn phụng vụ:

Qúi Thầy Đại Chủng Viện Huế và Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm

 

Thứ bảy sau chúa nhật xxi thường niên

Mt 25, 14-30

Icon_Maria_021.jpgĐầu lễ:

Hôm nay thứ 7 đầu tháng, chúng ta kính mến Đức Mẹ là Nữ Vương ban sự bình an. Cậy nhờ Mẹ dâng Nước Việt Nam chúng ta lên Chúa, khẩn cầu Chúa đoái thương ban bình an, phúc lành cho Tổ Quốc và con dân Việt. Xin cho Đất Nước an vui, mọi nhà sống hạnh phúc và thịnh vượng. Ngày Quốc Khánh nhắc nhở chúng ta điều đó.

Chúng ta cũng không quên cầu cho Giáo hội Việt Nam được phát triển cả về lượng và phẩm, dưới sự dẫn dắt khéo léo, khôn ngoan của hàng Giáo phẩm Việt Nam. Trong Tuần Cửu nhật này, chúng ta nhớ đến cuộc họp thường niên sắp tới của các ngài và cầu nguyện cho thành công.

Giảng lễ:

I. Vẫn chuyện khôn và dại.

1. Người đầy tớ được ông chủ đi xa trở về khen thưởng và ban thêm nhiều phúc lộc chính là người đầy tớ được xác định là tốt lànhtrung thành.

Tốt vì bản tính anh ta tốt, sống tốt. Anh ta biết đón nhậntrân trọng những khả năng và tài năng chủ ban cho anh. Tốt còn vì anh có sáng kiến phát huy, nhân lên nhiều hơn nữa cái “vốn liếng” của chủ trao cho.

Trung thành vì 3 lẽ: anh trung thành trước hết với Chúa, rồi trung thành với ý muốn của chủ. Anh hiểu ý chủ muốn anh sinh lời, nên anh trung thành làm theo ý chủ nữa. Nếu dùng từ của dụ ngôn trước, mới được đọc trong Lễ hôm qua, ta có thể bảo anh ta là đầy tớ khôn ngoan. Lại chuyện khôn với dại!

2. So sánh với đầy tớ mà chủ bảo là xấu và biếng nhác sẽ thấy rõ anh sao thật dại.

Dại coi thường của chủ, đem chôn vốn liếng của chủ đi. Ngay cả cách sinh lời nhẹ nhàng, dễ dãi nhất (là bỏ ngân hàng không tốn công sức, anh cũng không thèm làm). Vậy lòng anh thật xấu. Rõ ràng, nói theo kiểu người Bắc: anh lười “bỏ mẹ” đi còn gì !

Nhưng dại “triệt để” nữa, vì đã vậy anh còn tỏ ra không trung thành yêu mến chủ, người thi ân cho anh. Anh ngờ vực, cho chủ là người hà khắc khó tính. Anh quanh co với lòng mình, cạnh khoé xét đoán chủ là người “gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi”.

3. Vậy đầy tớ khônbiết ý chủlàm theo đúng ý. Kẻ khôn đón nhận Lời và sống đúng theo Lời Chúa dạy. Họ xây nhà trên đá vững. Còn kẻ dại không sống rập khuôn theo ý chủ. Họ xây nhà trên cát. Đời họ sẽ sập. Mà sập thật: cái có không được nhân lên, lại còn bị lấy đi và “đập” sang luôn cho người biết sinh lợi. Càng biết gây lời nhiều, càng được thưởng lớn. Hẳn phải tính bằng cấp số nhân chăng?

II. Chúng ta có thời giờ để phát huy tài năng, khả năng Chúa ban theo sức lực chúng ta.

Dụ ngôn khiến tôi suy nghĩ rút ra những điểm sau đây:

1. Chúa ban cho chúng ta có thì giờ, có điều kiện, cơ hội để phát huy theo sáng kiến của chúng ta những gì Chúa đã ban. Nguyên tắc của kinh tế: vốn bỏ ra (đầu tư) phải sinh lợi. Nguyên tắc đời sống đạo đức, thiêng liêng cũng thế. Điều Chúa mong chờ: Ân sủng Chúa ban + sáng kiến chúng ta + việc thực hiện.

2. Đừng bao giờ nghĩ rằng chủ hà khắc: chủ đi lâu mới trở về… có nghĩa là chúng ta có đủ thời giờ để sống, thực thi thánh ý Người; mà nói trắng ra là còn thời giờ để sửa chữa, làm lại keo khác, nếu đã sử dụng đồng vốn cách sai lầm. Chúa không đến ngay để bắt chẹt và kết án chúng ta. Người đủ kiên nhẫn, chờ chúng ta làm lại cuộc đời nếu đã sa ngã và lãng phí Ân huệ.

3. Chúa cũng chẳng đòi chúng ta những gì quá sức chúng ta đâu. Đấng khôn ngoan thượng trí ai lại đòi điều không thể: Người muốn là muốn cái phù hợp với khả năng riêng đã phú cho từng người chúng ta và đấy là đủ. Chúa bảo chúng ta đâu kiểm soát được sợi tóc trên đầu rơi xuống đất. Đúng ra Chúa trừ hao cho chúng ta cả những vô tình, nhỡ nhàng, lầm lỡ, sai sót do những gì xảy đến trong đời không lường trước được. Hơn nữa, ai có thể làm cho mình cao thêm được gang tấc nào? Khi nói, chúng ta phải “cố lên, thắng vượt bản thân” là một nỗ lực mang tính tương đối. Chứ tuyệt đối chỉ có Chúa mới có thể. Chúa đâu muốn ta không còn là ta nữa hay khả năng nào để ta có thể chỉnh sửa lại cả công trình tạo dựng của Người: đối với chúng ta vốn là tạo vật đã ra bất toàn vì tội lỗi rồi.

4. Vì thế, vui vẻ trung thành ý Chúa với mức độ có thể khiến chúng ta muốn sống lao về phía trước với tất cả sự sẵn sàng. Mọi sự tuỳ thuộc vào tình yêu của chúng ta với ông Chủ là chính Chúa.

Ta thử nghĩ: nếu trở thành đầy tớ xấu với chủ ý như trong Tin Mừng, sao còn mong được thưởng. Chúa có nhân từ, có lẽ cũng không muốn ra tay. Bởi anh ta không làm gì cả, không thương ai cả, không thương chính anh và cả Chủ. Anh ta muốn đổ lỗi cho kẻ khác về cả những thất bại của mình, những từ khước sinh lời của mình. Anh ta không yêu Chủ, còn ngờ vực quanh co, lượn lẹo với Chủ, Đấng thi ân cho anh. Trách ai bây giờ: ông chủ hẹp hòi hay người đầy tớ vô dụng không thể ưa nổi

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật XXII Thường Niên

Lc 4, 16-30

Đầu lễ:

Theo hai tác giả Lévesque và Lagrange, Chúa Giêsu đã về giảng ở Quê hương 2 lần, mà Luca 4, 16-30 đã kể dồn vào thành một truyện (x. Lc 4, 16-22a; 22b-30 so sánh với Mt 13, 53; Mc 6, 7). Từ đó, ta khó hiểu bởi có chuyển biến đột ngột từ thái độ ca ngợi sang chống đối Chúa Giêsu của người cùng quê. Rõ ràng kết quả hai lần khác nhau. Nhưng thôi, ta cứ trở về với bản văn của Luca hôm nay.

Giảng lễ:

Sau khi đi tĩnh tâm ở hoang địa về, Chúa Giêsu khai mạc sứ vụ công khai của Người ngay ở Quê hương mình, thành Nazarét. Sự kiện xảy ra hôm ấy tựa một vở kịch mà khúc dạo đầu đẹp như mơ, khúc giữa như một phiên toà đấu lý đầy kịch tính và hồi kết lại giống màn tóm bắt, áp giải một tên hình sự.

1. Đầu tiên, Chúa vào hội đường ngày Sabat. Người ta mời Chúa đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia và chú giải. Từ điệu bộ tới lời ăn tiếng nói của Chúa đều hấp dẫn, đến độ mắt ai nấy dán vào Người, tai chăm chú nghe và lòng thán phục lời hay ý đẹp.

Chắc chắn Người đã làm sống dậy trong hồn mỗi người hình ảnhvai trò thần thánh của Đấng Mêsia, Cứu tinh dân tộc, mà người Do thái nào cũng khát khao mong đợi. Đấng ấy được xức dầu để đi loan báo Tin Mừng cứu chữa và giải thoát kẻ nghèo, kẻ sầu khổ, bị giam cầm áp bức và công bố năm hồng ân của Thiên Chúa.

2. Nhưng sau khi Đức Giêsu xác quyết rằng lời Thánh Kinh vừa rồi đang thực hiện đúng như vậy nơi bản thân Người, – Nói khác đi, Đức Giêsu tự giới thiệu Người chính là Vị Mêsia, đến để cứu dân mình. Có nghĩa là lời Thánh Kinh ấy hôm nay, lúc này (hic et nunc) đã thực sự ứng nghiệm – thì người Do thái chuyển từ thái độ mến phục sang sự đối đầu vấp phạm. Sao đột ngột lạ lùng như vậy?

Chỉ vì họ không chấp nhận Đấng Mêsia vĩ đại kia lại là chàng thanh niên Giêsu xương thịt, cùng quê quán, trước mắt họ đây. Họ vấp phải thành kiến về hồ sơ lý lịch tầm thường của Người. “Anh ta chẳng phải là con ông Giuse (làng ta) đó sao?” Đấng Mêsia đâu xuất thân từ Nazarét, đất “khỉ ho cò gáy” này. Đấng ấy phải sinh ra từ Kinh thành Đế vương Đavit chứ, Thánh Kinh chả nói vậy là gì!

3. Từ “tâm phục khẩu phục” sang đối đầu vấp phạm khoảng cách chỉ là gang tấc. Người Do thái quay ra thách đố Đức Giêsu thử thực hiện một việc nào đó thuộc sứ mạng Mêsia Cứu thế ngay lúc này, ở làng quê mình đây. Có thế, họ mới tin và nhận thực Người là Cứu thế, theo nghĩa là cứu dân làng mình, Nước mình.

Sự đối đầu thách đố nằm ở hai bình diện:

- Nơi ý thức và bản thân Đức Giêsu trước : ông là Mêsia Cứu tinh à? Cứu ai chẳng bằng cứu lấy mình đã. Có cứu nổi mình mới hòng cứu kẻ khác… Chúa Giêsu vạch trần lòng dạý nghĩ nơi đầu óc người Do thái đồng hương với Người. Họ muốn dựa vào câu tục ngữ Do thái quen thuộc: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình”, để bảo Đức Giêsu là ông biết đấy, làng ta, dân Nước ta đang đói nghèo khổ sở, chịu áp bức, sưu cao thuế nặng bởi ách đô hộ của người Lamã. Ông chỉ là con ông Giuse tầm thường ở làng này; ai chả biết ông, tung tích cha mẹ ông.Vậy mà hôm nay ông dám “xưng hùng xưng bá” là Mêsia, trước mặt chúng tôi. Có ngon, ông cứu lấy mình đi, gia đình ông đi, rồi cả chúng tôi nữa. Nói thì dễ, làm mới khó đấy ông ạ! Ông xem người Lamã đã làm tan nát Quê hương chúng ta, đã bắt bớ giam cầm bao chiến sĩ anh hùng chống ngoại xâm. Nhiều người “mù lòa” theo và cộng tác với Đế quốc ám hại dân ta, khiến cảnh nhiễu nhương thêm tang thương. Liệu ông làm được gì cho xứ sở này? “Để ngừa bệnh, hãy uống thuốc. Trước khi xét đoán, hãy tự kiểm điểm” (Hc 18, 19-20). Không khéo ông lại vào tù! Lấy ai cứu ông và cứu chúng tôi? Nhất là khi ông “ló mặt ra”, chúng tôi cùng quê cùng làng với ông bị vạ lây, sao thoát khỏi sự trừng trị của Lamã?

- Nơi hành vi Đức Giêsu: Nhưng thôi, không cần tranh luận nhiều với ông. Chúng tôi đã từng nghe nói ông làm nhiều điều hấp dẫn ở Capharnaum, như chữa lành mọi thứ bệnh tật và cứu cả người quỉ ám (x. Lc 4, 31-41). Vậy ông thử thi thố vài chiêu ngay làng này, chúng tôi có bằng chứng cụ thể trước mắt, sẽ tin ông.

Trả lời luận điệu thách đố này, Đức Giêsu phản ứng nhẹ nhàng nhưng cương quyết bằng tục ngữ khác : “ Tôi biết mà. “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại Quê hương mình”. Vì cái tâm lý khinh nhờn “bụt nhà không thiêng” của người đồng hương, mà Chúa Giêsu không làm một dấu lạ thi ân nào tại Nagiarét.

Tôi đoan chắc Quí vị không muốn tin tôi – một người tầm thường, cùng quê quán với Quí vị – lại có thể được Thiên Chúa trao một sứ vụ cao cả, một địa vị trổi vượt Quí vị. Quí vị không chấp nhận tôi, không muốn nghe tôi, y như ngày xưa không một ngôn sứ nào Thiên Chúa sai đến được cha ông ta muốn nghe. Sự tệ bạc ấy có bằng chứng hùng hồn: vào thời ngôn sứ Êlia, cả Nước hạn hán đói kém suốt 3 năm 6 tháng, mà tiên tri này không ra tay giúp một ai góa bụa trong dân Israel, trừ bà góa ở mãi Sarepta, miền Sidon. Thời Êlisa cũng thế, TC sai ngôn sứ này đi cứu chữa ông Naaman, người tận xứ Syria, khỏi cùi thay vì chữa lành những người phong cùi khác trong Nước. Sao có chuyện ấy? Chỉ vì Israel, dân Chúa chọn, không muốn tiếp nhận các ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Họ không muốn vâng nghe lời các ngôn sứ, không muốn cải đổi đời sống để hưởng Ân huệ tình thương của Chúa qua các Vị trung gian này.

Quí vị hôm nay không tin, không nghe, không tiếp nhận tôi thì sao đáng hưởng muôn điều tốt lành của Thiên Chúa, qua tôi. Sứ vụ Mêsia Cứu tinh nơi tôi không thể thực hiện cho Quí vị, những người từ khước Hồng Ân Thiên Chúa.

Mọi người phẫn nộ khi nghe những lời đối chất hùng hồn, đanh thép của Chúa Giêsu. Họ muốn tiêu diệt Người ngay lập tức, như quyết khử trừ một tên ba láp, kiêu căng, xúc phạm. Điều chưa hề xảy ra bao giờ đối với họ … Nhưng Chúa Giêsu thoát tay họ, vì chưa đến giờ “chết” của Người. Người còn phải rao giảng ở những nơi khác.

4. Ngày nay, chúng ta có muốn khử trừ những anh em, chị em sống giữa chúng ta hằng ngày, nhưng làm tông đồ khéo léo và kiên tâm hơn chúng ta? Ta muốn loại trừ họ, chỉ vì không chấp nhận nổi sự đạo đức, sự nổi tiếng, sự thành công của họ làm lu mờ chúng ta (x. Tv 37, 7). Có khi họ không bằng chúng ta trong sự thông minh, trong sở hữu của cải và cả về số lượng đông đảo bạn bè vây quanh do tài giao tiếp, ngoại giao tinh tế của ta. Nhưng ta vẫn ghen tương ngầm với cả sự hiền lành, nhã nhặn, đơn sơ chất phác khiến mọi người quí yêu họ.

Bài học xa xưa trong Phúc Âm vẫn còn “nóng” cho cảnh đời hôm nay.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXII Thường Niên

Lc 4, 31-37

Đầu lễ:

Thỉnh thoảng chúng ta có rơi vào tâm trạng âu lo, sợ lòng tin vào Đức Giêsu trên mặt đất này không còn nữa? Chúng ta sợ cho Đạo thánh Chúa sẽ có ngày giảm sút mạnh và uy quyền của Đức Giêsu ra mờ nhạt? Chúng ta dễ lầm không, khi dựa trên một số sự kiện, một số thống kê, một vài thời điềm nào đó để đưa ra những dự đoán đáng buồn? Lời Chúa hôm nay cung cấp một câu trả lời.

Giảng lễ:

I. Đức Giêsu: Bậc Thầy uy quyền.

Ngay từ khi bắt đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã xuất hiện như một Bậc Thầy có uy quyền trong cử chỉ, lời nói và hành động.

1.Ở quê hương Nazarét (x. Lc 4,16-22) hay ở thủ phủ Capharnaum (c. 31-37), một thương trường sầm uất phía Bắc, cạnh hồ Galilêa, Đức Giêsu tỏ ra luôn uy tín, hấp dẫn và tạo ấn tượng mạnh mẽ. Thiên hạ ngạc nhiên về cung cách giảng dạy của Người, mê man với những lời hay ý đẹp từ miệng Người và cả sửng sốt trước uy quyền của Người.

2. Danh tiếng Đức Giêsu vang dội khắp nơi: thật vậy, kẻ nghe Người thì hết lòng ca ngợi thán phục: “Lời Người là lời của Đấng có uy quyền” (c.32). Kẻ chứng kiến việc Người làm thấy rất uy và thế lực. Ra lệnh một tiếng, quỉ phải tuân xuất ngay khỏi người bị nhập. “Lời lạ lùng thật” (c.36), khiến quỉ vừa hãi (sợ bị tiêu diệt nên như năn nỉ trách oán Chúa) vừa phải mở miệng thần phục và xác nhận Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.41). Gọi Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa nghĩa là biết rõ nguồn gốc siêu phàm của Người, công nhận Người thánh thiện và quyền năng trổi vượt chúng.

Quỉ còn phải lụy, suy phục Đức Giêsu thì con người ta nhằm nhò gì! Thời Chúa Giêsu, có nhiều trường phái kinh sư chuyên bình luận Thánh Kinh và chiêu tập môn đệ. So với Chúa Giêsu, họ thua xa. Người nổi lên như một Bậc Thầy cao cả, quyền năng đầy ấn tượng và mê hoặc.

II. Chúa muôn dân.

1. Hơn 2000 năm qua, Chúa Giêsu vẫn còn nổi tiếng khắp nhân loại chúng ta: nổi tiếng ngay trong lòng những kẻ tin thần phục Người, lẫn người vô tín chống báng Người.

Dan Brown với tác phẩm The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) muốn phỉ báng, bôi nhọ Chúa Giêsu. Cho dù ông không yêu mến Người, tin Người là Đấng Cứu độ, ông vẫn không thoát được ảnh hưởng của Người. Ông sợ uy danh Người khắp chốn, nên ông ra sức chống để gieo sự ngờ vực, hoài nghi về Người. Ông muốn hạ bệ và bôi nhọ Người. Nhưng càng làm như vậy, ông càng làm cho người khác - những kẻ không tin và cả chúng ta - chú tâm vào Người và tìm hiểu Người kỹ hơn. Dù tiêu cực, nhưng ông trực tiếp “quảng cáo” cho Đức Giêsu. Ông đả phá, nhưng lại kích thích bao người tìm hiểu Con Người Đức Giêsu kỹ lưỡng hơn, đào sâu giáo lý Người dạy nhiều hơn. Và chúng ta thấy, chúng ta công nhận trải qua dòng lịch sử nhân loại, chính Đức Giêsu, lời Người giảng dạy, giáo lý chân thật của Người đã giải thoát bao tâm hồn và thúc đẩy những tâm trí đi tìm hạnh phúc. Đức Giêsu vẫn còn đó, đầy uy quyền: Người là Chúa muôn dân. Ma quỉ biết rõ Chúa Giêsu còn hơn cả chúng ta.

2. Các phương tiện truyền thông, sách vở ngày nay nói nhiều về Đức Giêsu (hơn 60.000 đầu sách với hàng triệu triệu ấn bản hàng năm). Cho dù thiên hạ chỉ nhìn nhận chiều kích nhân bản nơi Người thôi, thì Người vẫn thống lĩnh trong tâm trí mọi người. Đức Giêsu vẫn là Bậc Thầy vĩ đại, người lãnh đạo không thể chối cãi.

Còn ngày nào, ai đó vượt ra được khỏi chính mình, nhận ra Người thật là Con Thiên Chúa thì ngày ấy uy quyền Đức Giêsu lại tiếp tục chiếm lĩnh lòng họ và thế giới chung quanh họ. Lời Người, Ơn Cứu chuộc của Người lại có thể thấm sâu vào lòng họ để trục xuất ma quỷ và tội lỗi.

3. Cuộc đời của mỗi chúng ta, của cả Giáo Hội tiếp tục sống trong sự dằng co giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thế lực Thiên Chúa và quyền lực sự dữ (Satan), như Hiến chế Vui mừng và Hy vọng nói. Tin tưởng vào uy quyền của Đức Giêsu, chúng ta vẫn còn nghe tiếng quát của Người đối với ma quỉ: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”. Lời Cứu độ giải thoát đầy uy quyền ấy còn tiếp tục vang vọng trong lịch sử con người, trong không và thời gian của mỗi người và của cả Giáo Hội. Chúng ta tin rằng quỉ phải tuân lệnh xuất ra, mà không làm hại gì được ta, được Giáo Hội (c.35).

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật XXII Thường Niên

Lc 5, 1-11

Đầu lễ:

Có bao giờ chúng ta trải qua kinh nghiệm “khô khốc” này: điều không muốn, không thích mà cứ phải nhận, phải làm. Phêrô đâu muốn bỏ nghề chài lưới của ông; ông muốn Chúa xa ông. Vậy mà cuối cùng ông thua Chúa, chấp nhận đổi đời, đổi nghề lưới cá sang lưới người. Lưới người là cứu người; một việc của Chúa.

 Không phải mẻ lưới đầy ắp, nhưng chính quyền năng Chúa đã thu phục Phêrô và con tim của ông. Bằng mê hoặc nào Chúa đã lôi kéo chúng ta?

Giảng lễ:

I.Phêrô: từ kinh nghiệm ê chề, thất vọng đến kinh ngạc, hy vọng.

Chúa Giêsu tiếp tục rao giảng Nước Trời, ban lời dạy dỗ. Dân chúng lũ lượt kéo đến nghe, ngày càng đông, khiến cảnh chen lấn xảy ra. Điều đó chứng tỏ Lời chân lý, Lời cứu độ, chữa lành, Lời ban sự sống và hạnh phúc được nhiều người khát khao mong đợi. Thèm khát đến độ tranh giành!

Chúa Giêsu bước xuống con thuyền của Phêrô: con thuyền Giáo Hội mà Phêrô là chủ tàu. Chính từ nơi Giáo Hội, từ lòng Giáo Hội mà Chúa dạy dỗ, ban phát Lời cứu độ. Phêrô hẳn thấy mình sung sướng, quá vinh dự khi một Bậc Thầy mà bao người hăm hở tìm kiếm, chọn thuyền ông để bước xuống. Bao xúc động đối với một người đánh cá khiêm tốn, vô danh trên bờ hồ Ghênêzarét ngày xưa.

Nhưng mẻ cá lạ lùng sau đó còn làm ông xúc động hơn nữa: kinh nghiệm của một đời ngư phủ, đáy hồ nông sâu Phêrô đều tỏ. Vậy mà cùng với các bạn đồng nghiệp, đánh vật ngày đêm với từng con nước lên xuống vẫn hoài công, thất vọng ê chề. Thâu đêm, không một con cá nào cắn câu sa lưới. Ỷ vào kinh nghiệm, sức lực riêng mình dường như không thể. Ngược lại, chỉ một nỗ lực nhỏ, biết nghe theo Lời Chúa, mà kết quả rõ rệt là mẻ cá đầy nhóc khiến lưới muốn rách.

Phêrô biết làm theo lệnh Chúa, Chúa ban ơn. Ta cũng vâng lời, thả lưới. Chúa nhậm lời, giáng phúc. Lời Chúa được đón nhận, vâng theo, thi hành sẽ lớn lên, phát triển gấp bội nơi tâm hồn người nghe: tất cả là do Ơn Chúa. “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người cứ cày ruộng, đắp bờ, gieo vãi; Chúa sẽ làm cho giống má mọc lên và kết trái. Phêrô tin vào Chúa và quyền năng Chúa. Ông gặt hái thành công. Không phải mẻ lưới nhiều, bất ngờ làm Phêrô hoảng sợ. Mà ông kính sợ run rẩy trước quyền năng Chúa thì đúng hơn. Phần thưởng quá lớn lao cho một sự vâng phục nhỏ bé khiến ông cảm thấy mình bất xứng, tội lỗi trước Đấng rộng lượng thi ân giáng phúc. Một thuyền nữa đến giúp. Hai thuyền đầy cá gần chìm. Ơn phúc đổ xuống trên Phêrô và các bạn tràn trề, khiến lòng dạ ông no Ơn đầy ứ sắp chìm. Ông hoảng sợ trước quyền năng Chúa, ông khiếp đảm xin Chúa xa tránh ông.

II. Phêrô đổi đời, chuyển nghề lưới cá ra lưới người.

Thành công sao lại bỏ nghề chài lưới?

Phêrô xin Chúa tránh xa ông, để ông quay về với đời thường tẻ nhạt và chút kinh nghiệm bình dị? Không, Chúa chẳng những không lìa ông, còn chuyển đổi cả đời ông, “lên đời” cho ông. Giao cho ông một công việc to lớn: lưới người ta, cứu sống loài người.

Lại một lời quyền uy thay đổi cả cuộc đời, sự nghiệp con người Phêrô. Sao Chúa không giao công việc này cho mấy ông Biệt phái, mấy Kinh sư, Tiến sĩ trong Đền thờ: những kẻ rành phép đạo và chuyện đạo ở thời của Chúa, mà lại bổ nhiệm một ngư phủ tầm thường ít học không chức tước. Sự bổ nhiệm đầy bất ngờ: Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người cứu sống người ta” khiến Phêrô bối rối, ngỡ ngàng.

Lời trấn an của Chúa đã làm Phêrô hết sợ và ông dám “bỏ mọi sự” mà theo Người : phải chăng ông còn tự tin vào sức ông, hay giờ đây ông xin hàng Chúa, nghĩa là hoàn toàn cậy trông và vững tin vào quyền năng Chúa, Đấng thương gọi và giao việc cho ông.

Lưới cá với tất cả kinh nghiệm đời ngư dân của ông, ông không làm nổi đến cùng. Sao lưới người, ông không sợ được ? Ông làm gì có tài “thu phục nhân tâm”, nếu ông không hoàn toàn tin và dựa vào Chúa?

Ông làm chủ, nhưng Chúa lại cầm lái con thuyền Giáo Hội của ông.

Chuyện lạ: chính lúc Phêrô muốn Chúa xa ông, Chúa lại “chộp cẳng” ông giữ lại. Đời chúng ta có lúc nào giống thế không? Chúng ta đổi nghề đổi nghiệp từ bao giờ vậy?

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Lc 6, 6-11

Đầu lễ:

Chúa Giêsu vẫn chuyên chăm rao giảng Tin Mừng Cứu độ khắp nơi. Đặc biệt, các ngày Sabat, Người thường lui tới Hội Đường giảng dạy và ra tay làm phúc cứu người. Nhưng cũng chính nơi ấy, nơi Hội Đường mà người Do thái tụ họp nghe Lời Chúa và tôn vinh Thiên Chúa, lại diễn ra nhiều bi kịch của cuộc đời Đức Giêsu. Bi kịch hôm nay là một trong nhiều vụ đã xảy ra.

Giảng lễ:

I. Ngày Sabat được làm việc thiện không?

Hỏi gì vớ vẩn vậy? Làm việc dữ ai chả thấy không nên, chứ sao lại hỏi được làm việc thiện không? Vớ vẩn vậy mà vẫn là câu hỏi Đức Giêsu đã đặt ra cách nghiêm túc cho những người Pharisêu đang rình xem Đức Giêsu có chữa người bại tay trong ngày Sabat, để có cớ tố cáo Người lỗi luật.

Mà lỗi luật hay không giữ luật là coi thường luật, là làm xáo trộn tất cả lề luật, nền tảng cuộc sống của Do thái giáo. Gút lại, là khinh thường Giavê, đường lối huấn thị Ngài chỉ dạy cho Môsê.

Ngược lại, giữ luật nghiêm chỉnh là phụng thờ Giavê, là tôn vinh Thiên Chúa. Vậy có ra lệnh được làm điều lành hay không được làm cũng là sống vì luật, vì Thiên Chúa và nhân danh Người mà thôi.

Nhưng được làm điều lành và cấm điều dữ thì đã rõ, đã hẳn. Cái trớ trêu là tại sao không được làm, dù là việc thiện như chữa bệnh, trong ngày của Chúa? Hoá ra cuộc sống đạo như bị cắt đứt, phân chia ra thành có những thời khắc sống tử tế, bác ái; có những lúc lại không như vậy?

Sống thế, có phản ánh sâu xa ý nghĩa ngày của Chúa?

II. Ngày Sabat: ngày của Chúa, dành tôn vinh Chúa đã đành, nhưng có mưu ích cho con người được không?

Đồng ý tôn vinh Chúa là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong ngày của Chúa. Đó là bổn phận số một phải làm. Nhưng sẽ là tôn vinh Chúa hơn, nếu trong ngày đó cũng dành phục vụ con người: vì con người là kỳ công, là hạnh phúc và là vinh quang của Thiên Chúa mà! Sao lại có tính toán nhỏ nhen muốn tách bạch việc suy tôn Thiên Chúa ra khỏi việc cứu chữa con người? Việc cứu chữa con người, dù cấp bách, cũng phải hoãn lại trong ngày Sabat nhường chỗ cho việc tôn vinh Thiên Chúa, dẫu việc cứu lấy loài người là việc của Chúa đi nữa.

Làm sao có thể làm đẹp lòng Chúa, tôn vinh Thiên Chúa được khi loại việc cứu giúp đồng loại bằng mọi cách ra: đang khi Chúa lại đồng hoá con người với chính Chúa và giúp người (ví dụ đói cho ăn, khát cho uống, khách lạ tiếp rước, trần truồng cho mặc, đau ốm viếng thăm v.v…) là giúp chính Chúa (x. Mt 25, 40.45). “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé mọn của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (c.40). Đó là điều Chúa Giêsu, vị Kinh sư táo bạo, đã làm bất chấp lề luật và truyền thống của người biệt phái, ngay trong Hội Đường, ngay trong ngày Sabat. “Ngày ấy, được làm điều lành hay điều dữ, cứu người hay giết người” (Lc 6, 9).

Biệt phái sống vụ luật, chỉ biết luật và giữ luật cứng ngắc từng chữ. Theo họ có giữ luật sít sao mới là tôn vinh Thiên Chúa. Còn phá rào, không giữ luật là chống lại Thiên Chúa, chống lại truyền thống Do thái giáo cha ông để lại. Ngoan đạo phải là bám lấy truyền thống này. Cứ “logique” trên Chúa Giêsu không thể là một tiên tri lớn, một bậc thầy trong dân, một người ngoan đạo đáng dân chúng nể phục khi Người lỗi luật ngày Sabat như thế. Đó là lý do họ rình rập, có cớ tố cáo và phủ nhận Người là Mêsia Cứu thế. Đã một lần, cũng trong ngày Sabat, họ lôi cổ Người ra ngoài, kéo Người lên đỉnh đồi cao và phẫn nộ muốn xô Người xuống vực sâu, chỉ vì không tin Người là Mêsia nổi với gốc gác dân Galilêa, làng Nazarét (Lc 4, 16-30).

Chúa Giêsu hôm nay cho thấy những người Pharisêu đã hiểu sai luật ngày Sabat, khi cho rằng chuyện thần linh thượng giới không thể hoà nhập lẫn lộn với chuyện con người hạ giới… Đầu óc họ lệch lạc. Họ đã mất thăng bằng trong phán đoán, bởi không thể do dự được giữa việc cứu một mạng sống hoặc huỷ diệt nó, giữa việc làm một điều lành hoặc làm một điều dữ. Dữ là cứ để nguyên người ta trong tình cảnh khốn đốn!

Chẳng một ai trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, có nghĩa là mọi người chấp nhận Người có thể thực hiện việc chữa lành và Người đã làm ngay. Nhưng chính việc thiện ấy, việc tay bại của anh liệt giơ ra được và anh trở lại bình thường lại là cớ khiến các Biệt phái giận điên lên mất bình thường và tìm cách hại Đức Giêsu. Chỉ cần chút ghen tương, thù ghét lẻn vào hồn, sẽ biến lương tâm thành tà tâm có ý hại người.

Giáo Hội muốn trở nên sinh động và hữu ích, phải đổi mới, phải dám nghĩ, dám làm như Đức Giêsu. Noi gương Người không có nghĩa là đả phá, chối bỏ truyền thống; nhưng “cập nhật” truyền thống theo tinh thần cứu nhân độ thế của Đức Giêsu.

Rốt cuộc, con ngườigiá trị vô cùng hơn lề luật. Con người được hạnh phúc thì Thiên Chúa cũng được vinh danh! Ngày Sabat cũng được làm ra vì con người.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Lc 6, 12-19

Đầu lễ:

Công cuộc rao giảng Tin Mừng Cứu thế là một kế hoạch dài hơi, đòi kiên trì. Đức Giêsu không thực hiện một mình, vì Người biết trước không lâu sẽ ra đi. Bởi thế, Người sớm nghĩ tới hàng ngũ kế tục sự nghiệp là đông đảo các môn đệ và đặc biệt Nhóm Mười hai đầu não, sẽ là những sứ giả nối tiếp sứ mệnh của Người khắp nơi.

Chúng ta cũng là những người được Chúa tuyển chọn để tham gia cùng sứ vụ cao cả ấy. Xin Chúa dạy dỗ, huấn luyện chúng ta như xưa Chúa đã dày công đào tạo các Tông đồ.

Giảng lễ:

1. Lựa chọn các Tông đồ là việc hệ trọng.

Theo kế hoạch của Thiên Chúa, mọi người phải được hưởng Ơn Cứu độ. Thế nên, cần có những sứ giả được sai đi. Chữ Apostolos, dịch là tông đồ, có nghĩa là người được sai đi. Vậy chọn ai bây giờ giữa số đông các môn đệ mà Chúa Giêsu đã quy tụ được từ đó đây ? Chắc chắn Chúa biết rõ lòng quãng đại, khả năng cùng giới hạn của từng người. Nhưng ai xứng đáng? Đức Giêsu đã cầu nguyện sốt sắng thâu đêm, trước khi tuyển chọn các Tông đồ. Mà Người vốn thường xuyên cầu nguyện như thế, trước những sự kiện quan trọng trong đời. Theo Tin Mừng Luca kể, có tới 11 lần hệ trọng như vậy với việc cầu nguyện đi kèm. Cầu nguyện để xin ánh sáng và sức mạnh từ Chúa Cha, Đấng giúp lựa chọn đúng và khôn ngoan.

Đi tu là đáp lại tiếng Chúa mời gọi và tuyển chọn, nên gọi là Ơn Thiên triệu.

2. Xin mở sổ hộ khẩu các Tông đồ: có 12 vị được tuyển chọn.

Con số 12 tuyệt đẹp: nối với quá khứ, tượng trưng cho 12 bộ tộc Do thái, dân Israel cũ. Cho tương lai, 12 Tông đồ làm nên cấu trúc nền tảng của Israel mới là Hội Thánh Chúa Kitô lập, thay thế Israel cũ.

Theo thứ tự bản liệt kê của Luca: 12 Tông đồ được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm 4 người. Trước tiên, có 2 cặp anh em ruột: Simon – André, Giacôbê – Gioan. Hai cặp kế là bạn hữu của nhau: Philipphê thân với Bathôlômêo (ông này theo Gioan còn có tên là Nathanael) và Matthêu chơi với Thomas. Ngoài ra, Philipphê còn đánh bạn cả với André nữa, bởi khi thưa gì với Chúa Giêsu mà bí kế, Philipphê đều nhờ André đến giải gỡ (x. Ga 6, 5-8 ; 12, 20-22). Bốn vị còn lại tạo thành nhóm riêng: Giacôbe, con ông Alphê, gọi là Giacôbê hậu, sau làm Giám mục Giêrusalem. Ông này trùng tên với Giacôbê, anh của Gioan, gọi là Giacôbê tiền; cả hai con ông Giêbêđê. Simon biệt hiệu “nhiệt thành”, trùng tên với Simon gọi là Phêrô ở trên. Sự phân biệt cuối cùng là Giuđa, con ông Giacôbê, cũng gọi là Thađêô trùng tên với Giuđa Iscariot, kẻ nộp Chúa sau này. Như thế 12 Tông đồ có tới ba cặp trùng tên: 2 Giacôbê, 2 Simon và 2 Giuđa. Rồi 12 ông, có tới 5 vị cùng quê Betsaiđa là Simon - André, Giacôbê - Gioan và cả Philiphê nữa (x. Ga 1, 44). Sau khi tuyển chọn, Chúa Giêsu dẫn 12 Tông đồ xuống núi cho thấy toàn cảnh cánh đồng truyền giáo, gồm đông đảo dân Do thái và cả dân ngoại nữa.

3. Vài ghi nhận thêm về 12 Tông Đồ của Chúa.

Vì Chúa đã cầu nguyện và chọn lựa họ kỹ càng, nên được kể vào số 12 Tông đồ là một vinh dự lớn lao lắm. Hồi ấy rất nhiều thanh niên đã hăng hái, tình nguyện đi theo Chúa : một phần do sức thu hút mạnh mẽ từ nơi Chúa, một phần do lòng dân luôn khát khao cháy bỏng một Đấng Cứu tinh dân tộc trước nạn xâm lăng đô hộ của Lamã. Luca 10, 1-12 nhắc tới một đoàn thật đông, 72 Vị, gọi là các môn đệ. Đa phần họ được thu nhận cũng chỉ để làm trợ tá, đi tiên phong cho các Tông đồ mà thôi.

Có người hăm hở xin theo Chúa vẫn bị từ chối. Như trường hợp chàng thanh niên ở Ghêrasa được Chúa cứu khỏi một“lữ đoàn” ác quỉ ám hại. Anh ta biết ơn, nài van được theo; nhưng Chúa bảo cứ về mà loan truyền các ân huệ Thiên Chúa đã ban cho. Anh trở thành nhà truyền giáo khắp miền thập thành bên kia sông Giodan, miền đất thuộc Hylạp (x. Mc 5, 19-20).

Được ưu tuyển, nhưng nơi các Tông đồ yếu tố “con người xác thịt” còn đó nguyên vẹn: 12 Vị, trong đó đa số là ngư phủ, dù rất khác nhau nhưng tính tình chất phác đến cục mịch: Phêrô, trưởng nhóm, hăng hái nóng nảy, nhưng vẫn hèn yếu ngăn cản Thầy đi chịu chết và dám chối Thầy đến ba lần. Giacôbê và Gioan, biệt danh “sấm sét”, vì có lần nổi đoá đòi giáng lửa từ trời xuống thiêu rụi một làng Samaria đã từ chối tiếp đón Thầy trò các ông (x. Lc 9, 53-54). Cũng chính hai ông này lần khác đòi ngồi hai bên tả hữu Chúa (Mc 10, 35). Nghe tin Thầy sắp chết, giữa các Tông đồ vẫn còn tranh luận về thứ bậc cao thấp. Tệ hơn cả là Giuđa Iscariot, có tính gian lận (Ga 12, 6); rồi cũng vì tham 30 đồng bạc (giá bán một tên nô lệ) mà đã nộp Thầy. Đến lúc Chúa bị vây bắt, các Tông đồ nhanh chân bỏ chạy thoát thân. Chúa chết, tập thể tan đàn vỡ tổ…

Hẳn Chúa biết trước những khuyết điểm ấy nhưng vẫn kiên trì đào tạo các ông hơn 2 năm trời, trong đó ít nhất đã bỏ ra từ 6 đến 8 tháng huấn luyện ở hải ngoại, xa cách hẳn quần chúng Do thái.

Khi Chúa sống lại rồi các ông vẫn chưa chịu tin các phụ nữ về báo, còn cho họ là đàn bà lắm chuyện hồ đồ (x. Lc.24, 11). Chỉ sau khi họp cùng Đức Mẹ, cầu nguyện tĩnh tâm nhiều ngày, lãnh nhận Thánh Thần (x. Cv.1,14), các ông mới trở nên những chứng nhân can trường.

Những yếu tố “phàm nhân” nơi các Tông đồ có xa lạ với chúng ta không? Và chuyện gì nơi các ngài để lại những ưu tư hữu ích cho công cuộc đào luyện bản thân chúng ta nơi mái nhà Chủng viện này?

 

LỄ ĐỨC MẸ SẦU BI 15/9

Ga 19, 25-27

Đầu lễ:

Đời ngươi ai chả có sướng vui, sầu khổ. Nơi Đức Maria, những nỗi khổ trong đời chẳng hiếm so với nỗi vui; đặc biệt hơn những nỗi khổ của Mẹ lại gắn kết với nỗi khổ của Con, Đức Giêsu, nên việc kính nhớ các sự đau khổ của Mẹ trong Phụng vụ đi liền sau lễ Suy tôn Thánh giá.

Chúng ta cần học biết nối kết các đau khổ hy sinh hằng ngày của mỗi người vơi đau thương của Chúa Giêsu; nhờ Hy lễ bàn thờ này biến thành Niềm vui Cứu độ. Sao chẳng được, vì chúng ta là anh em của Chúa Giêsu, là chi thể trong Thân thể mầu nhiệm của Người và là con cái của Mẹ Sầu bi.

Giảng lễ:

I. Vài dòng lịch sử về ngày lễ.

1. Phụng vụ dành ngày 15/9, một ngày sau lễ Suy Tôn Thánh giá, để kính nhớ Mẹ Sầu bi (1). Lý do: Đức Maria hoàn toàn thông phần đau khổ với Chúa Cứu thế.

2. Lễ Đức Mẹ sầu bi hay còn gọi là lễ “Bảy sự thương khó Đức Bà”, vốn có nguồn gốc trong Phúc âm và Thánh truyền, được hình thành vào thời Trung cổ, đầu thế kỷ XIV. Có lẽ Chân phước Henri Xuydo (1295 hoặc 1300-1366) và các nhà thần bí miền sông Rhin của Dòng Đaminh (Rhenish mystics) đã có công đầu. Rồi ở Đức, thế kỷ XV, tuỳ từng nơi như Địa phận Cologne, Địa phận Erfurt… đã mừng. Năm 1667, Dòng Serviteurs (tôi tớ Đức Mẹ) bắt đầu phổ biến. Tới năm 1814, Đức Thánh Cha Piô VII cho phép toàn thế giới mừng kính.

3. Dầu sao, trong lời rao giảng và trong kinh nguyện Kitô giáo thì nỗi thống khổ của Đức Maria được đề cập đến từ lâu:

Từ thời các “Giáo phụ sa mạc”, thế kỷ thứ IV, Đan Viện Phụ Poemen đã nghẹn ngào kể sau lần ngài xuất thần : “Tâm trí tôi ở đó với Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đấng đang khóc bên thập giá Đấng Cứu độ. Tôi ước gì được mãi mãi khóc than cùng Mẹ” (Apothegms 144). Cùng thời, có thánh Ephrem đã viết một bài ca thương Đức Maria dưới chân thập giá. Bài ca hiện còn được hát trong Kinh chiều, thứ 7 Tuần Thánh của nghi lễ Syria. Năm 500, thánh Rômanô nhạc sĩ cũng sáng tác Thánh ca Đức Maria dưới chân thập giá.

Ở Tây phương, thánh Ambrôsiô, thánh Anselmô, thánh Bênađô và nhiều Vị khác đã suy niệmrao giảng sự đau thương của Đức Mẹ. Chủ đề thiêng liêng này trở nên hết sức phổ biến trong thế kỷ XIII, với các nhà giảng thuyết Phanxicô và Dòng các Tôi tớ Đức Mẹ. Bài ca thương Stabat Mater Dolorosa nổi tiếng, được quý chuộng tại các nước vùng Địa Trung hải, nay vẫn còn gợi lên bao bầu khí đạo đức khắp nơi.

II. Nỗi thống khổ của Đức Maria.

Đâu là ý nghĩa của ngày lễ?

Từ lâu, Isaia đã loan báo về một người tôi tớ đau khổ của Giavê (x. Is 50, 4-9a ; 52, 13 – 53, 12). Người tôi tớ ấy chính là Đức Giêsu, Đấng Cứu chuộc chúng ta. Người cũng là Con của Mẹ Maria, người con mà hồi ấu thơ khi Mẹ bồng trên tay dâng trong Đền thờ, Chúa Thánh Thần đã soi lòng cho ông Simêon tiên báo “về phần Bà, một lưỡi gươm sẽ xuyên thấu tâm hồn Bà” (Lc 2, 35). Cho đến tận giây phút cuối cùng, khi Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá, trút hơi thở trong nhục nhã đau thương, thì Gioan lại viết: “Đứng kề thập giá Đức Giêsu có Mẹ Người(Ga 19, 25). Từ khi loan báo có Đấng chịu đau khổ, tới khi xác định đau khổ ấy thuộc về con trẻ Giêsu, cho đến khi thập giá thể hiện và phơi bày rõ rệt trước mắt mọi cực hình Đức Giêsu gánh chịu vì nhân loại, Mẹ vẫn có đó đồng công kết hợp với Con trong mọi đau khổ. Từng nỗi khổ của Con là của Mẹ. Từng cực hình Con chịu, Mẹ chia Mẹ sớt và Mẹ an ủi Con.

Đức Maria hiện diện dưới chân thập tự, cùng đau khổ với Đức Giêsu vì tình mẫu tử máu mủ tự nhiên; nhưng Mẹ còn đau khổ với Chúa trong tư cách là Thiên Chúa cứu chuộc, vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn Mẹ. Đức Giêsu vừa đau khổ với tính cách là một người thật (chịu cám dỗ, chịu khổ nơi thân xác) vừa đau khổ trong tinh thần, trong tâm hồn với tính cách là một Thiên Chúa bị phủ nhận, bị chối từ và bị giết. Người trở thành Chiên hiến te, thành Lễ vật đền tội, thành vị Tư tế cao vời trổi vượt. Người gánh tội lỗi nhân loại, dâng đau khổ Người chịu lên Chúa Cha để đền tội và xin Ơn tha thứ cho chúng ta. Điều đó có kết quả là do “qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục thánh ý Cha” (Dt 5, 8) và có thể được như thế, vì - như thư Do thái khẳng định - Người thực là Con Thiên Chúa (Dt 4, 14).

Những khổ hình thập giá Đức Giêsu Con Mẹ chịu là chóp đỉnh những đau thương Mẹ gánh. Trước đó, các Phúc âm còn cho thấy những nỗi đau thương khác của Mẹ : như sự túng quẫn khi Chúa ra đời, không tìm được chỗ trọ (x. Lc 2, 27) ; cuộc tàn sát các Anh Hài tại Bêlem và Thánh gia trốn sang Aicập (x. Mt 2, 16-18). Ba ngày lo lắng tìm Chúa lạc trong Đền thờ (Lc 2, 41-50). Người đồng hương Nazarét ruồng bỏ (Lc 4, 28-30), đến nhà cầm quyền Do thái từ khước và mưu giết Chúa (Lc 11, 53-54 ; 19, 47-48). Chúa bị bắt và bị kết án tử. Chúa chịu đóng đinh và tử nạn. Tháo xác Chúa khỏi thập giá. Tẩm liệm và táng xác Chúa trong mồ… Từng nỗi khổ trong đời Chúa đều để lại những vết thương khoét sâu trong lòng Mẹ. Mọi tình huống, mọi diễn biến tâm lý của Chúa Mẹ đều theo dõi, cảm thương gắn bó sâu xa.

Mẹ còn xứng là Mẹ của những con người can đảm cam chịu khổ vì Chúa Kitô, là các thánh Tử đạo. Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo.

Bên thập giá, Đức Maria đầy đau khổ đã trở nên người Mẹ của Hội Thánh được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Kitô. Dưới chân thập giá, Mẹ còn là biểu trưng cho Israel mới là Giáo Hội, đã chịu xưng nhận Đấng bị đóng đinh là Mêsia. Đang khi “người môn đệ Chúa yêu” sẽ là biểu trưng cho Kitô giáo của những người  xuất thân từ ngoại giáo. Thông phần đau khổ với Chúa, Mẹ diễn tả mầu nhiệm người nữ trong Sách Khải huyền - gồm cả Israel và Giáo Hội - đang kêu la chuyển bụng (Kh 12, 2) và sẽ sinh vào thế gian, cùng với Chúa Phục sinh, “những người con còn lại của dòng dõi Bà” (Kh 12, 17).

Bức tượng Pieta trở nên nổi tiếng, vì - với hình ảnh Đức Mẹ ngồi ẵm thân xác đẫm máu của Chúa trên đầu gối - đã lột tả được mầu nhiệm đau thương của Đức Maria và Chúa Giêsu. Chỉ tiếc thay, chuỗi hạt Bảy Sự Thương Khó Đức Me, mà thập niên 60, khi ở Tiểu Chủng viện tôi hay được lần vào mỗi chiều thứ 7, dường như nay ít người còn để ý đến.

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXIII Thường Niên

Lc 6, 43-49

Đầu lễ:

Khi hoạt động, Chúa Giêsu nổi lên như một Bậc Thầy dạy đạo, một nhà linh hướng lỗi lạc có khả năng soi rọi lòng người và giúp kế cho con người sửa sai. Chẳng hạn hôm nay Chúa muốn chữa cái bệnh, cái tật “nói nhiều – làm ít” của chúng ta. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa tìm xem hiến kế của Chúa thế nà ?

Thánh Cornelio Giáo hoàng chúng ta mừng lễ hôm nay (+ 253) nổi tiếng là người hiền hậu và tiết độ. Chắc Ngài làm nhiều hơn nói. Thánh Cyprianô (200 - 258) cũng thế: trở lại đạo, Ngài phân phát hết của cho người nghèo, rồi đi truyền giáo. Sau cuộc bách hại đạo của bạo vương Đêciô, Ngài kiếm tiền lo giải thoát những người nô lệ. Cả hai là những vị tử đạo đã lấy cái chết là một hành động quyết liệt để minh chứng niềm tin.

Giảng lễ:

I. Có một định luật tự nhiên.

Đức Giêsu là Bậc Thầy dạy đạo; nhưng Người cũng là một nhà tâm lý giáo dục đại tài. Từ một định luật tự nhiên, nơi thiên nhiên cây cỏ, Người áp dụng vào con người và nhờ đó, chúng ta thấy rõ được lòng dạ chúng ta.

Định luật nơi thiên nhiên là: cây tốt sinh trái tốt; cây xấu sinh trái xấu. “Cứ xem quả sẽ biết cây”,“không có cây nào tốt lại cho quả sâu hay chẳng có cây nào sâu mà cho quả tốt cả” (Lc 6, 43-44).

Nơi con người cũng y như vậy : “người lương thiện thì làm điều thiện, vì lòng họ đầy sự thiện. Kẻ ác thì làm điều ác, vì sự ác tràn ngập lòng họ” (c.45). Ngập trong lòng, nên miệng nói ra toàn sự dữ ; tay chân nhúng vào việc dữ.

Khi nói tới tốt xấu, thiện ác là Đức Giêsu muốn đề cập tới vấn đề luân lý đạo đức. Người muốn dạy ta biết dùng giác quan để quan sát, thu thập hiện tượng, rồi dùng trí khôn suy xét biện phân phải trái, đúng sai và dùng ý chí lựa chọn điều phải làm, với tất cả tự do mà Người đã ban.

Tin Đức Giêsu, tất nhiên lắng nghe Lời Người dạy và sống theo tiêu chuẩn Tin Mừng Người đề ra. Hôm nay Chúa muốn dạy ta điều gì?

II. Sao “lạy Chúa, lạy Chúa, mà các con không làm điều Thầy dạy?” (c. 46)

Hoá ra Chúa trách chúng ta mắc bệnh nói nhiềulàm ít hay không làm gì cả. Nói hay, nói đẹp, hứa nhiều thì dễ; nhưng thực hành mới khó và nhiều người chẳng muốn làm.

Nhưng nói nhiều chưa hẳn là nói hay, nói đúng. Có khi nói ba xàm ba láp, không tin được. Hoặc nói phất phơ tầm phào, chẳngích lợi thực tiễn nào: ví dụ nói chuyện voi đẻ trứng! Có khi ba hoa chích choè, không đúng sự thật, còn có ý khoe khoang. Khoe cái nhúm kiến thức vụn vặt, lượm lặt, nghe lóm đó đây. Cha ông mình nói: Thùng rỗng kêu to. Ngọng hay nói. Dốt hay khoe. Có khi năng nói, năng lỗi: càng nói càng phơi bày cái dơ, cái xấu của mình ra. Kiểu nói bậy nói bạ: nói lung tung những điều không đứng đắn. Kiểu nói chày nói cối: tức nói bừa, không lý lẽ gì. Có người cứ mở miệng là nói bóng nói gió, nói cạnh nói khoé, nói chạm nọc kẻ khác. Ôi thôi, nói đến bã bọt mép ra, tức nói nhiều mà chẳng kết quả gì. Tệ hơn nữa là nói xong, quẹt mép, buông trôi, vô trách nhiệm

Chắc chắn Chúa Giêsu biết rõ hết những kiểu ăn nói ấy của chúng ta. Và đã đến lúc, vị lang y Giêsu tài ba muốn kê toa đưa ra bài thuốc chữa:

Cứ theo định luật tự nhiên ở trên : nói nhiều thì phải làm nhiều chư. Đàng này bắt mạch thấy nói nhiều mà làm ít, thì rõ là bệnh rồi. Phải chữa! Hai liều thuốc bổ sung nhau:

Thứ 1: Thay vì nói nhiều, Chúa khuyên hãy lắng nghe. Khi nghe thì không nói nữa. Người nghe là người khôn, bởi nghe là tiếp nhận, là học hỏi, là thu tích nhập tâm cái mới và chỉnh sửa cái sai. Mải nói, sao có giờ suy xét mà thấy mình sai. Như vậy, người biết lắng nghe là đã biết thu thập và sửa sai. Rồi phải chọn cái để nghe, chứ không nghe bừa nghe bãi. Âm để nghe là Lời Thầy dạy các con: Lời Chân lý, qua tai vào tận lòng.

Thứ 2 : Thay vì làm ít hãy gắng thực hành. Làm là học, là sống thực, là áp dụng điều đã học. Lao động giúp tiến bộ, phát triển, sáng tạo. Bởi làm là sản xuất ra, biến không thành có.

Biết mà không làm thì không thêm gì, không xây dựng được gì. Không làm sẽ không đạt, không đến nơi, không thành quả. Có làm mới chữa được biến chứng lười hoặc chỉ tay 5 ngón. Ta lại lưu ý: càng ở địa vị cao mà không hoạt động, thì càng không xứng đáng. Người xưa ví von chí lý : “Thuyền câu lơ lửng đã xong. Thuyền chài (thuyền lớn, ám chỉ địa vị lớn) lơ lửng uổng công thuyền chài”.

III. Vậy theo ý Chúa, ta gắng “nói ít - làm nhiều” sẽ hay hơn.

Nhưng tại sao? Vì,

- Nói mà không làm, sẽ như xây nhà ngay trên mặt đất, không có nền móng vững chắc. Sớm muộn sẽ sập tan tành.

- Ta lắng nghe, hiểu, đón nhận sứ điệp của Chúa Giêsu thôi chưa đủ, phải diễn tả sứ điệp ấy ra bằng cuộc sống, nghĩa là sống thực sứ điệp ấy. Người con trong Phúc âm vâng vâng dạ dạ rồi không đi làm, không xứng đáng như người con lúc đầu chối lệnh Cha nhưng sau lại đi làm (x. Mt 21, 28-31).

- Đọc nhiều kinh nguyện không đủ. Phải biến lời kinh ra hành động. Cầu nguyện đi đôi việc làm.

- “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17), Thánh Giacôbê nói vậy. Tin không đủ, phải vì đức tin dám dấn thân phục vụ anh em, phải sống niềm tin ấy. Đức tin cần minh chứng bằng những hy sinh, bằng đời sống bác ái, bằng việc “lột xác” hằng ngày chống lại mọi cám dỗ và khuynh hướng xấu. Đấu tranh cho công lý chưa đủ, còn phải thiết lập công bằng xã hội trong thực tế đời sống.

Đó là những lý do biện minh cho “nói ít – làm nhiều”.

Nói chín thì nên làm mười,

Nói mười làm chín kẻ cười người chê (Ca dao VN)

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật XXV Thường Niên

Lc 8, 16-18

Đầu lễ:

Lấy những chuyện vặt hay những vật bé nhỏ tầm thường hằng ngày ra (như việc nhồi bột làm bánh, việc kín múc nước ở giếng, đồng bạc đánh mất hay thắp sáng một ngọn đèn vv…) để dạy đạo, để truyền thụ những Chân lý cao siêu là nghề sư phạm lão luyện của Chúa Giêsu. Hôm nay từ ánh sáng của một ngọn đèn phát ra, Chúa giúp chúng ta nhận ra nguồn ánh sáng từ đâu. Sự đối nghịch ánh sáng – bóng tối giúp khám phá ra sự tăm tối của lòng người, của tội lỗi và sự cần thiết phải đón nhận ánh sáng Lời Chúa để sống dồi dào. Sau đó, Kitô hữu được gọi là con cái sự sáng, đến lượt phải soi sáng thế gian này. Ta hãy lắng nghe sứ điệp Lời Chúa.

Giảng lễ:

I. Ngọn đèn toả sáng là cái chi đây?

Bài Phúc Âm hôm nay quá ngắn ngủi: chỉ có 3 câu. Nhưng vừa đọc tới câu thứ 3, tôi như bị khựng lại và tự nhủ: “Chẳng lẽ Thánh sử Luca lạc đề? Vì mới đề cập tới chuyện đốt đèn để lên cao cho toả sáng và khi ánh sáng đã đẩy lui bóng tối, thì không có gì che giấu mà không bị lộ ra, tác giả lập tức “sang số”: “hãy để ý tới cách thức anh em nghe và ai đã có sẽ được cho thêm vv…” Sao lạ vậy?... Dầu sao, để tránh phê phán hồ đồ thiển cận, hiểu sai ý tứ mạch lạc thống nhất của tác giả, tôi lại hỏi: “ngọn đèn toả sáng ám chỉ gì đây?”

Ngược lên đoạn trước tìm hiểu, tôi bắt gặp dụ ngôn Người gieo giống và lời giải thích rất rõ ở câu 11: “Hạt giống là Lời Thiên Chúa”. Lời Thiên Chúa được gieo vãi, gặp đất tốt là những tâm hồn biết chuẩn bị đón nhận, sẽ lớn lên sinh hoa kết quả (x. Lc 8, 15). Tôi tò mò đọc tiếp đoạn sau, đề tài Lời Chúa còn nguyên: “Mẹ và anh em Ta là những kẻ nghe và làm theo Lời Thiên Chúa”. (c.21).

Động từ nghe ở câu 21 được lặp lại giống ở câu 18. Tôi chợt nhận ra: ngọn đèn toả sáng chính là Lời Thiên Chúa.

II. Lời Chúa là Ánh sáng.

Thật ra, ở mức độ trên hếttrước hết, ta phải hiểu ngọn đèn toả sáng đây chính là Thiên Chúa. Ngài là nguồn phát ra ánh sáng. Thánh Gioan Tông đồ trong lá thư thứ nhất của Người, đã giới thiệu: “Thiên Chúa là Sự sáng. Nơi Người không hề có tối tăm (1Ga 1, 5), cũng y như Gioan sẽ giới thiệu: “Thiên Chúa là Tình yêu”“Tình yêu tự Thiên Chúa phát ra” (1Ga 4, 7-8).

Nhưng vì Đức Giêsu là Thiên Chúa đã nhập thể làm Người ở giữa chúng ta, nên mở đầu Tin Mừng, Gioan không ngần ngại nói thẳng: “Ánh sáng đã đến thế gian. Đức Giêsu là Ánh sáng đích thực sáng soi mọi người” (Ga 1, 9). Và Gioan Tiền hô, ông đến chỉ “để làm chứng cho Sự Sáng” (c.7). Đêm Giáng sinh, vẫn ca ngợi con trẻ Giêsu là Ánh sáng: “Dân tộc ngồi trong tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng và kẻ ngồi trong bóng tối tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi” (Mt 4, 16). Chỉ tiếc rằng “sự sáng rạng rỡ trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sự sáng” (Ga 1, 5). Chúa Giêsu cũng nhận mình: “Tôi là Sự sáng đến thế gian, để ai tin thì không ở trong bóng tối” (Ga 12, 46). Truyền thống Giáo Hội đã ca ngợi Đức Giêsu là Mặt trời Công chính vì lẽ ấy.

Vẫn theo Gioan, Đức Giêsu chính là Lời Thiên Chúa được ban cho nhân loại. “Từ khởi nguyên đã có Lời, Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). “Lời đã thành xác phàm và ở giữa chúng ta” (c.14). Lời ai là chính người đó. Tin Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa, nghĩa là tin Người thật là Thiên Chúa. Thiên Chúa là Sự Sáng, Lời Ngài chính là Ánh Sáng vậy.

Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta qua Đức Giêsu, là Lời măc khải của Ngài. Ngài không hề muốn ẩn mình để chúng ta mù tịt về Ngài. Vì thế, Đức Giêsu mới dạy: “Đèn toả sáng thì đừng che đậy, úp lại hay giấu dưới gầm giường”. Lời Chúa được trao ban là để rao giảng, loan truyền khắp nơi. Ánh sáng Lời Chúa toả lan để xua đi bóng tối tăm tội lỗi, để soi đường chỉ lối. Hiểu hai câu 16, 17 của đoạn 8 Phúc Âm theo Luca như thế, ta mới thấy sự ăn khớp rất mạch lạc với câu 18 : “Hãy để ý cách thức các con nghe. Nghe đây là nghe Lời Chúa.

III. Cách thức tiếp nhận Lời Chúa là quan trọng.

Đón nhận Lời Chúa là đón nhận ánh sáng. Từ chối tiếp nhận Lời Chúa là từ chối ánh sáng, từ chối Sự thật, từ chối chính Thiên Chúa.

1. Thánh Luca muốn chúng ta chú ý đến cách tiếp nhận Lời Chúa. Ai càng muốn nghe, muốn đón nhận Lời Chúa thì Chúa càng ban thêm. Ngược lại, sẽ bị Chúa lấy đi. Lời Chúa gieo vào lòng ta, nếu gặp điều kiện tiếp nhận tốt, sẽ lớn lên, sinh hoa kết quả dồi dào, tức tăng năng suất. Nếu Lời Chúa được đem ra loan truyền hoặc được thực hiện trong cuộc sống, lời ấy lại tăng hiệu năng. Lời măc khải sẽ là ánh sáng bật mí, mở tung Mầu nhiệm nơi Chúa. Chúa không giấu, nhưng muốn ta biết sự thật nơi Ngài để ta tin và được sống (x. Ga 1, 17; 3, 15.17).

2. Ánh sáng Lời Chúa khi vào lòng chúng ta sẽ thắp sáng chúng ta. Đến lượt chúng ta lại phản quang ánh sáng Lời Chúa. Thánh Matthêu bảo: “Anh em là muối cho đời… Anh em là ánh sáng cho trần gian… Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 13.14.16). Do đó, lời-ánh-sáng của chúng ta sinh hiệu quả do mức độ nó phản ảnh Lời-Anh-sáng của Thiên Chúa. Bưng bít mình lại, không để ánh sáng Lời Chúa lọt vào, hồn ta ra tối tăm, sa đoạ thì miệng lưỡi ta sao thốt ra được những lời ảnh hưởng người nghe ? Thế giới hôm nay nhạy bén trước những lời dối trá, phản sự thật. Họ sẽ khước từ những lời đường mật, nhưng lập loè từ những con người bề ngoài thu hút nhưng thực chất là những chiếc đèn pha hết pin. Ta luôn cảnh giác tự hỏi xem đèn của chúng ta có còn chiếu sáng, và ánh sáng phát ra là từ nguồn nào đã “charge” (sạc) vào?

3. Thánh Phaolô giúp chúng ta ý thức điều đó, bằng lời nhận định và khuyên nhủ chân thành : “Xưa kia anh em là tối tăm, nhưng nay trong Chúa, anh em mới là ánh sáng ; anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng. Mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật… Vậy đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái tối tăm” (Ep 5, 8.11).

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXV Thường Niên

Lc 8, 19-21

Đầu lễ:

Chúa Giêsu có tỏ ra hững hờ, thậm chí xử sự thô lỗ với người Mẹ, Đấng sinh thành ra mình và với họ hàng mình không? Tình huống mà bài Phúc Âm hôm nay đặt ra không chỉ nằm ở bình diện nhân bản, ở phương cách xử thế, với tấm lòng thảo hiếu làm gốc mà còn đẩy chúng ta đi xa đến một bình diện cao siêu hơn : mối quan hệ họ hàng thiêng liêng với Chúa. Đấy mới là mối quan hệ mà Nhiệm cục Cứu Rỗi nhắm tới: gia đình của Thiên Chúa. Quan hệ họ hàng xác thịt chỉ là bàn đạp để tiến tới đó.

Giảng lễ:

I. “Mẹ Tôi và anh em Tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.

Nhiều người tỏ ra khó chịu về câu nói này của Chúa Giêsu, câu mà Người phát biểu liền sau khi nghe báo là có Mẹ và anh em Thầy ngoài kia muốn gặp Thầy. Thoạt nghe có vẻ sống sượng và giống như Chúa muốn từ chối gia đình Người.

Hiểu như thế là vội vã và không đúng tí nào! Không lẽ một Vị Thiên Chúa đáng suy phục đã dạy con người phải thảo kính cha mẹ (qua điều răn thứ 4 trong bảng 10 giới răn tạc vào đá, trao cho Môsê), lại tỏ ra hững hờ lạnh nhạt với người mẹ ruột thịt và thân quyến mình? Ngài nhập vào cõi trần để làm gì, nếu Ngài không tỏ ra gương mẫu hơn hẳn những người phàm? Nếu Ngài không sống trước điều Ngài dạy?

Có lẽ nhân cơ hội Mẹ và anh em Người đến thăm và còn đang chờ đợi ngoài kia, Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh thêm một điều với cử toạ đang chăm chú nghe Người để lưu ý, khích lệ họ phương cách bước vào mối quan hệ mới với Người: mối liên hệ họ hàng thiêng liêng, mối quan hệ đích thực không thua kém mối quan hệ xác thịt kia và còn hơn thế nữa.

II. Nghe và thực hành Lời Chúa sẽ trở thành họ hàng thiêng liêng với Chúa.

1. Biết nghe kẻ khác là biết mở lòng ra đón nhận họ. Không chỉ đón nhận bản thân họ, mà còn chờ đợi tiếp thu các ý kiến, ý muốn, tâm tư tình cảm, nỗi lòng của họ. Hơn nữa, sẵn lòng chia sẻ cảm thông mọi vui buồn sướng khổ trong đời họ. Nghe là đồng cảm, hoà mình, hiệp thông, chung số phận. Nghe là tôn trọng, đón nhận cái mới, chỉnh sửa cái sai lầm cũ kỹ. Nghe là chắt lọc để đổi mới.

2. Nghe Lời Chúa mà còn đem ra thực hành thì rõ ràng là chấp nhận Thánh ý và muốn sống theo. Muốn hành động và trở nên như Chúa Kitô. Là thực sự đi vào gia đình của Người, là gắn bó với tinh thần Người không chỉ trong đầu óc, trong con tim mà trong cả đời sống. Tóm lại, là liên kết thân phận và định mệnh, là sống chết với Đấng đã yêu mến nghe theo.

Đấy mới là họ hàng thật với Chúa. Làm thành một thân thể mầu nhiệm thiêng liêng với Người. Trong Giáo Hội, Chúa làm đầu và mọi người là chi thể anh em. Gắn bó với nhau trong Ân sủng, chia sẻ cùng một sự sống siêu nhiên, kín múc từ Lời Chúa và Mình Máu Chúa. Họ hàng ấy mới thực, mới rộng lớn phổ quát và trổi vượt trên họ hàng xác thịt, dù cỡ nào cũng nhỏ bé vô cùng.

Chúa vẫn chúc “phúc cho ai nghe và giữ Lời Chúa”. Chúa còn trách “Sao chúng con cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà không thực hành điều Thầy dạy” (Lc 6, 46). Không nghe và không muốn làm theo điều Chúa dạy tức trở nên xa lạ với Chúa, nếu không muốn nói là đã khước từ Chúa rồi. Lấy đâu còn là họ hàng. Và trong trường hợp như thế, có là họ hàng máu mủ ruột thịt đi nữa thì nào có ích gì?

III. Đức Maria đã làm Mẹ gấp đôi.

Nếu hiểu như thế, tôi cho rằng Đức Maria đã làm Mẹ gấp đôi : vừa là Mẹ máu mủ của Chúa, vừa là Mẹ của Giáo Hội, gồm những người họ hàng thiêng liêng với Chúa. Đức Giêsu, qua câu nói ấy, không trực tiếp nhưng đã gián tiếp ca ngợi Mẹ mình là người biết nghe và thi hành Lời Chúa cách tuyệt vời.

Hans Urs Von Balthasar, triết gia và thần học gia nổi tiếng người Thụy sĩ, thấm nhuần tư tưởng các Giáo phụ đã lập luận như sau :

-Đức Maria là Mẹ xác thịt của Chúa Giêsu đã hẳn. Mẹ là nơi Ngôi Lời thật sự đến ngự trong thân xác, thiết thân đến mức trở nên người con cùng xác thịt với Mẹ. Nhưng sở dĩ được thế, vì một cách thiêng liêng cả con người Mẹ, thể xác lẫn tâm linh, đã là nữ tỳ của Thiên Chúa, không nghe theo một thứ quy luật nào ngoài Lời Chúa : “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên sứ truyền”.

-Với tư cách là trinh nữ, tâm hồn trinh nguyên của Mẹ hoàn toàn được dành riêng để đón nghe Lời Thiên Chúa thôi. Tâm hồn ấy không bị bụi trần dục vọng làm vẩn đục, nên xứng thành nơi Ngôi Lời Nhập Thể.

-Cung lòng Mẹ có phúc, vì Mẹ đã nghe và giữ Lời Thiên Chúa (Lc 11, 27-28); vì Mẹ đã giữ lấy và suy niệm Lời đó trong lòng (Lc 2, 17.51).

Những ai sống chiêm niệm, sẽ thấy Đức Maria là một kiểu mẫu : nơi Mẹ, Lời Chúa không như một cái gì ở bên ngoài vào, nhưng ở ngay trung tâm chính mình nhờ đó Mẹ sống, Mẹ hoạt động và Mẹ có (Cv 17, 28). Đó là mầu nhiệm thẳm sâu nhất. Rồi nơi Mẹ, Lời Chúa cũng không là một lời nội tại đến mức lẫn lộn Lời ấy với chính con người mình, với một sự khôn ngoan nào đó mà ta sử dụng, do đã được ban cho cách tự nhiên và vĩnh viễn.

Ngay sau khi đã sinh ra Chúa Giêsu, Mẹ vẫn mang Người trong mình. Mẹ chỉ cần nhìn vào lòng mình, tấm lòng đầy ắp Người Con ấy là lại gặp thấy Người. Cả khi Mẹ ngạc nhiên đến mức không hiểu sao đứa con của Mẹ ở lại trong Đền thờ mà không báo trước; hoặc khi Người tỏ ra như không muốn đón tiếp Mẹ lúc Mẹ đến thăm; hoặc khi Người che dấu quyền năng mình suốt đời sống công khai, hy sinh mạng sống và cuối cùng, như muốn thoát khỏi tay Mẹ (lúc Mẹ ở dưới chân thập giá lại tặng ban cho Mẹ người con xa lạ là Gioan để thay thế), Mẹ vẫn đem hết sức mình lắng nghe Lời đang vang lên ngày càng mạnh mẽ – càng thần linh lại xem ra càng xa lạ – Ngôi Lời với những chiều kích làm tan nát lòng Mẹ ; mặc dù từ trước Mẹ đã thưa vâng cách triệt để và toàn diện rồi. Mẹ để cho Người đưa Mẹ đến nơi “Mẹ không muốn”, vì Lời Chúa mà Mẹ bước theo không phải là sự khôn ngoan của riêng Mẹ. Nhưng Mẹ đồng ý để Lời ấy dẫn đưa, vì Lời mà Mẹ yêu mến đã được gieo vào trong lòng Mẹ (Gc 1, 21).

Làm sao Chúa Giêsu dám lạnh lùng với một người Mẹ như vậy?

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật XXV Thường Niên

Lc 9, 1-6

LỄ THÁNH VINH SƠN

Đầu lễ:

Tưởng nhớ đến cuộc đời và sứ vụ tông đồ của Thánh Vinh Sơn Phaolô hôm nay sao tôi thấy trùng hợp với kế hoạch, đường lối truyền giáo của Chúa Giêsu và các Tông đồ xưa lạ lùng. Phải chăng Thánh Vinh Sơn, 16 thế kỷ sau, đã đặt gót chân của mình vào đúng bước đi của Thầy ngày trước?

Nếu như thế, ta càng có lý do yêu mến Thánh nhân nhiều hơn và bắt chước Người, để được bắt chước lại Chúa Giêsu và các Tông đồ trong sứ mệnh của ta ngày nay.

Giảng lễ:

I. Cuộc hội ngộ giữa Đức Giêsu và Thánh Vinh Sơn Phaolô.

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Nhóm mười hai Tông đồ được Chúa Giêsu huấn luyện, nay cộng tác với Người ra đi truyền giáo và Chúa cũng dạy họ phương cách truyền giáo sao cho hữu hiệu. Tình cờ nhưng hết sức thú vị, điều đó trùng khớp với đường lối kế hoạch và phương pháp truyền giáo của Thánh Vinh Sơn 16 thế kỷ sau. Nói cách khác, Đức Giêsu đã hội ngộ với Thánh Vinh Sơn và bắt gặp nơi người hậu duệ các Tông đồ, hình ảnh của chính các Tông đồ xưa đã hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chúa.

Ta có cảm tưởng như chính Chúa đã trực tiếp huấn luyện thánh Vinh Sơn hoặc Thánh nhân đã tái khám phá ra những nét chủ đạo trong công cuộc truyền giáo xưa của Chúa và các Tông đồ, để rồi lặp lại y chang.

-Xưa Chúa quan tâm đến việc huấn luyện các Tông đồ, rồi sai các ông đi thực tập truyền giáo bằng rao giảng về Nước Thiên Chúa, đi kèm với hoạt động cứu thế hết sức cụ thể là trừ quỉ và chữa lành mọi bệnh tật. Các ông làm được điều ấy với năng lực và quyền phép Chúa ban.

-Thánh Vinh Sơn, ở thời người, cũng lo lắng việc đào tạo ra được hàng ngũ các giáo sĩ tốt để truyền giáo, qua việc sáng lập Tu hội Truyền giáo Lazarit (năm 1625). Không chỉ rao giảng, Người còn cộng tác với bà Louise de Marillac sáng lập Tu hội Nữ tử Bác ái, chuyên phục vụ người nghèo, là tầng lớp rất kém giáo lý vì bị bỏ rơi. Kế hoạch và phương pháp như nhau.

II. Lời rao giảng cần đi đôi với việc phục vụ cụ thể.

1. Một thừa sai không chỉ biết nói, dù là nói hay giảng khéo về Đạo, mà còn phải biết hành động nữa. Cần lời nói để giải thích và soi sáng hành động; nhưng cũng cần hành động để chứng minh và tạo hiệu quả cho lời nói. Nói và hành động song song, và phải rập khuôn như Chúa Giêsu đã làm và các Tông đồ đã học theo; nếu không như thế sẽ là sự khôn khéo vặt vãnh của ta chứ không phải là hành động của Đức Kitô. Ta nhớ: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Các Tông đồ có trừ nổi quỉ và chữa được bệnh cũng là do quyền năng Chúa ban. Truyền giáo mà không dựa vào Ơn Chúa hỗ trợ, sẽ vô ích. Phêrô và các bạn ông vất vả thâu đêm nào được chi.

Ta dễ rơi vào hai kiểu bất cập: hoặc truyền giáo chỉ chú trọng vào lời rao giảng; hoặc bỏ lời nói, chỉ lưu tâm vào lối sống thôi. “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng” (1Co 9, 16), nhưng “đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 17). Ngày nay có những người thông thái, chỉ thích hùng biện tôn giáo hàng giờ. Ngược lại, cũng có những kẻ sống đạo hoàn toàn khép kín chỉ cho mình, gia đình mình, giáo xứ mình.

2. Bác ái như Thánh Vinh Sơn Phaolô chủ trương là phục vụ, là hoạt động tông đồ tích cực và đích thực. Bởi hoạt động Cứu thế của Chúa Giêsu không chỉ là rao giảng Nước Trời cho biết, cho hiểu để tin theo mà còn chữa lành: trục quỉ và cứu khỏi mọi bệnh tật.

Đọc bút ký của Thánh Vinh Sơn, ta ngạc nhiên thấy người “quí trọng việc phục vụ người nghèo hơn hết và phải thực hiện ngay không trì hoãn”. “Vì phục vụ người nghèo mà có bỏ cả buổi kinh nguyện đi nữa, cứ an tâm đừng bối rối”. Người coi việc phục vụ người nghèo ngang hàng việc đọc kinh nguyện. Người còn dám nói “bỏ kinh nguyện mà đi giúp người, hãy nhớ cũng là phục vụ Thiên Chúa. Khi đó, không phải là bỏ Chúa, bởi vì Người mà xa Người, nghĩa là bỏ một công việc của Thiên Chúa để thực hiện thay vào bằng một việc khác ngang hàng như vậy”. Đối với Thánh Vinh Sơn, “đức ái cao trọng hơn mọi lề luật. Hơn nữa, mọi sự đều qui về đức ái. Bởi đức ái là bà chúa cao cả, nên phải làm những gì nó đòi hỏi”.

Chỉ các Thánh mới nghĩ như vậy và xác định lập trường dứt khoát. “Hãy dấn thân phục vụ người nghèo”, Thánh Vinh Sơn khuyên, “họ là những kẻ Chúa ban để làm chủ, làm thầy ta đó”. Diễn nghĩa ra là người nghèo dạy ta sống phục vụ và giúp ta nên thánh.

3. Chúa Giêsu đã có ý hướng đó khi dặn các môn đệ ra đi truyền giáo “đừng mang gì” (bao bị, lương thực, tiền bạc, áo quần…). Hãy ra đi trong khó nghèophó thác cho Chúa. Nghèo thực sự, để dễ cảm thông chia sẻ thân phận người nghèo. Nghèo để hồn thanh thản, dễ chú tâm hơn vào Lời Chúa và lời giảng ; để chân tay đỡ vướng víu và lòng trí đỡ nặng nề bởi vật chất của cải. Ta dễ bị cám dỗ luôn muốn  làm việc tông đồ với quỹ kếch xù và phương tiện dồi dào, hiện đại. Nên nhớ rằng Giáo Hội được xây dựng trên 12 ngư phủ nghèo nàn và Chúa ban đầu chinh phục thế giới với cây thập giá.

Tinh thần Thánh Vinh Sơn: truyền giáobác ái cứu người là trên hết. Tinh thần ấy từ đâu ra, nếu không phải là thâu lượm từ nơi Đức Kitô và các Tông đồ của Người?

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật XXV Thường Niên

Lc 9, 7-9

Đầu lễ:

Chỉ với một lòng tin khiêm nhương, chúng ta mới tránh khỏi sự vấp phạm vì Đức Kitô. Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy ở thời đại nào Con Người Đức Giêsu cũng vẫn là một dấu hỏi lớn, một thắc mắc gây bối rối. Căn tính của Đức Giêsu là gì? Đâu phải ai cũng đạt được câu trả lời xuôi chảy của Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Đức tin không hề là chiếc bánh ngọt dễ ăn dễ nuốt. Không thể có đức tin vững chắc mà không phải do Ơn Trời ban.

Giảng lễ:

Đức Giêsu, Người gây thắc mắc và bối rối cho mọi thời.

Không chỉ xưa kia, mà xuyên lịch sử con người, thời nào Đức Giêsu cũng là một vấn nạn cho họ. Một Đức Giêsu luôn gây thắc mắc và bối rối lương tâm cho biết bao người, từ vua, quan, lính tráng đến thứ dân, từ đám đông đến cá nhân.

I. Thiên hạ bảo Thầy là ai?

1. Có người bảo là Gioan từ cõi chết sống lại: Ta biết dân chúng ai cũng quí mến, nể phục Gioan. Ông biểu trưng cho Chân lý, là thành luỹ bảo vệ Sự thật. Ông xác nhận Sự thật đầu tiên ông không phải là Đức Kitô, Đấng đến sau ông lớn hơn ông. Ông chỉ là “tiếng hô trong sa mạc để dọn đường” (Mt 3, 3). Sự thật không được che đậy, giấu diếm, nên ông  can đảm và thẳng thắn bảo đám Biệt phái và bè Sađốc rằng họ chỉ là nòi rắn độc, không thoát được cơn thịnh nộ Thiên Chúa. Không biết hối cải và sinh quả phúc thì họ sẽ bị chặt và quăng vào lửa, vì lưỡi rìu đã kề sẵn ở gốc cây (x. Mt 3, 7-10). Ông không ngại can ngăn quận vương Hêrôđê không được lấy vợ anh mình (x. Mc 6, 18). Ông là cây cổ thụ vươn cao ngạo nghễ, nhưng trước Đức Kitô ông lại cúi mình xin Người thanh tẩy cho. Vì Sự thật và là chứng nhân cho Sự thật ông đã mất đầu. Ngay Hêrôđê phải nể sợ ông là người công chính và lành thánh (c.20).

Vậy thiên hạ cho Đức Giêsu là Gioan sống lại, nghĩa là Đức Giêsu mạnh mẽ và hào hùng là Chân lý bất khuất, là Sự thật của Thiên Chúa không thể bị tiêu diệt. Sự thật mà cho đến khi Đức Giêsu sắp bị tuyên án, Philatô vẫn không tìm ra tội trạng phủ nhận và còn sợ hãi hỏi: “ông từ đâu mà đến?” (Ga 19, 9), “sự thật nơi ông là gì?” (18, 38).

2. Người khác cho Đức Giêsu là Elia tái hiện đấy : Dựa vào sứ ngôn Malaki 3,  23, người Do thái vẫn tin là Elia sẽ trở lại trước khi Ngày của Giavê đến. Elia bênh vực, bảo vệ sự sống còn của Đạo Giavê và hàng ngũ ngôn sứ của Ngài, vào thời ông đang bị hoàng hậu Izabel theo đạo ngoại tàn sát, ám hại. Ông nổi tiếng trong vụ thách đấu với 450 sư sãi Baal rằng thần của họ chỉ là hư ảo, so với Giavê hằng sống là Vị Thần đích thật phải thượng tôn kính thờ. Elia là ân nhân cứu sống phò nguy, trong thời hạn hán, khi làm cho hũ bột của bà goá Sarepta không vơi và chóe dầu của bà không cạn (x. 1V 17, 14-16). Tiếp đó, nhờ lời khẩn cầu của ông mà con của bà goá được sống lại (c.21-23) và trời đổ mưa chấm dứt khô hạn đói khổ (x. 1V 18, 41-45). Ông đã tuyên án tử của Giavê trên vợ chồng vua Akhab độc ác, vốn âm mưu giết Nabot để cướp vườn nho (x. 1V 21, 17-24). Elia là biểu tượng cho Sự sống: sự sống tuôn trào từ Giavê hằng sống trên thiên nhiên, trên con người và Israel. Bởi thế, lưu truyền Do thái không những tin Elia chưa chết, mà còn tin ông sẽ trở lại trần thế khi Đấng Thiên sai quang lâm (supra và x. Mc 9, 11-12).

Dư luận cho Đức Giêsu là Elia nghĩa là cách nào đó nhìn nhận Người có quyền năng của Thiên Chúa hằng sống. Người nắm giữ sự sống, sự chết trong tay và có thể làm cho kẻ chết hồi sinh dễ dàng (ví dụ: con trai bà góa Naim, Lazarô…).

3. Kẻ khác lại cho Đức Giêsu là một ngôn sứ, có nghĩa Người là Đường dẫn dân đến cùng Giavê. “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga.14,6). Tóm lại, Đức Giêsu là Đường dẫn mọi người đến Sự thật và Sự sống (id) qua hình tượng Ngôn sứ, Gioan và Elia mà dân chúng đã tưởng nghĩ ra.

II. Còn Hêrôđê: nghe tin về Đức Giêsu, tại sao ông phân vân xao xuyến trong lòng?

Danh tiếng Chúa Giêsu lan rộng, vang dội khắp nơi. Đến tai quận vương Hêrôđê, khiến ông bồn chồn ăn không ngon ngủ không yên. Luca bảo là ông phân vân lắm. Ông phân vân là phải: Hồn ông xao xuyến, lương tâm không lúc nào yên. Ông không thể quên cái chết rùng rợn của Gioan, do lệnh của ông. Chỉ vì ông lỡ thề vội với con gái nàng Hêrôđia và cũng vì sĩ diện trước đám quần thần dự tiệc (x. Mc 16, 22-28). Đức Giêsu xuất hiện. Đám đông đồn thổi là Gioan sống lại. Hêrôđê cũng buồn phiền tự hỏi hay là Gioan ấy, người mà ông nể sợ vì công chính và lành thánh, đã bị chính ông chặt đầu, giờ trở lại để minh oan ? Những lời cảnh cáo mạnh mẽ và thẳng thắn của Gioan - không được lấy vợ anh mình - cứ dằn vặt lòng dạ ông, nhưng lẽ phải cứ xoáy sâu vào tai ông khiến ông vẫn thích nghe (c.20). Rồi ông muốn gặp Đức Giêsu để cho ra lẽ ấy. Một ngày nào đó ông sẽ được gặp Người thôi; nhưng xót xa thay, cũng như với Gioan, ông đã để cho An sủng tuột mất khỏi tầm tay!

Rõ ràng sự hiện diện của Đức Giêsu đã làm Hêrôđê bối rối.

III. Thời đại chúng ta vẫn còn bối rối về Đức Giêsu.

Trải dòng lịch sử, con người không ngớt tìm hiểu và đặt câu hỏi về Đức Giêsu. Người là ai? Có là Thiên Chúa thật hay chỉ là một con người như bao con người khác? Một phù thuỷ lừa lọc, một  ảo thuật gia lôi cuốn đánh lừa người khác ? Một tay mất trí, cuồng tín và cường điệu ? Một kẻ xúi dân làm loạn? Một kẻ kiêu ngạo, báng đạo cha ông hay mị dân tinh khôn?

Kẻ hữu tín lẫn bất tín ở thế gian này tiếp tục tra vấn về Người; những kẻ càng chống đối Người  (như Dan Brown ở thời đại chúng ta) càng phải đặt vấn đề về Người nhiều.

Khám phá ra căn tính của Người còn thiên vạn nan. Kẻ đạt thì ít, người chưa thì nhiều. Suốt lịch sử, đã có bao nhiêu lạc giáo, ly giáo; đã có bao cuộc tranh cãi về Người chưa ngã ngũ. Dường như lý tríđức tin không ngừng tranh chấp (đọc thêm bài diễn văn của Đức Bênêdictô XVI tại Đại học Regensburg, Đức ngày 12.9.2006). Sự thật về Chúa Kitô và về Tin Mừng của Người vẫn là một thách đố gây bối rối triền miên.

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật XXV Thường Niên

Lc 9, 43b-45

LỄ THÁNH GIÊRÔNIMÔ,

LINH MỤC và TIẾN SĨ HỘI THÁNH

Đầu lễ:

Đi nhiều nơi, tích luỹ nhiều kiến thức qua nhiều môn học, Thánh Giêrônimô (thế kỷ IV) được chon làm Bí thư cho ĐGH Damasus. Nhưng trước và sau đó, thánh nhân đã có kinh nghiệm hai năm về đời sống khổ tu và có thời gian quản trị 1 dòng nam, 3 dòng nữ. Vốn giỏi các cổ ngữ Hêbrơ và Hylạp, khi ở Bethlem, Ngài đã dịch Thánh Kinh Hylạp sang Latinh và để lại cho chúng ta bản Thánh Kinh la ngữ thời danh gọi là Vulgata.

Câu bình luận về Thánh Kinh nổi tiếng của Ngài là: “Ai không biết Thánh Kinh, là không biết Đức Kitô”.

Giảng lễ:

I. “Vui Xuân, không quên nhiệm vụ”.

Đó là câu nói cấp trên thường dùng để nhắc nhở cấp dưới, hay các đồng sự nhắc nhở nhau, đặc biệt trong những dịp vui khiến nhiều người dễ mất cảnh giác hoặc xao lãng mục tiêu bổn phận.

Chúa Giêsu là Người luôn tỉnh táo. Suốt cuộc đời, Người hằng ý thức về sứ mệnh Cứu độ của mình, sứ mệnh cao cả chẳng hề lãng quên. Thuở niên thiếu, khi ngồi giữa các tiến sĩ trong Đền thờ, Người đã nêu bật ý thức ấy và đề cao trách nhiệm: “Sao Cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết là con lo bổn phận nơi nhà Cha con sao?” (Lc 2, 49). Hồi ấy, cha mẹ Đức Giêsu đâu hiểu lời Người vừa nói (ibd). Sau này, nhân lúc Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay, thân xác đói khiến tinh thần dễ suy xụp, ma quỉ đã cám dỗ Chúa từ bỏ sứ mệnh, đánh đổi lấy thế gian và mọi vinh hoa lợi lộc. Đức Giêsu đã đuổi Satan cút đi và bảo: “Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi” (Lc 4, 7.10). Lần khác, cũng y luận điệu của Satan, Phêrô muốn cản ngăn Chúa thi hành sứ mệnh Cứu độ, đề nghị Chúa đổi giải pháp thập giá bằng giải pháp chiến thắng vinh quang, Chúa đã mắng đuổi ông: “Anh cút đi. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). Ý thức chịu chết để cứu nhân loại, để vâng theo Thánh ý Chúa Cha còn đeo bám Người cho đến khi tàn hơi trên Thánh giá, nên Người mới nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30).

Thế đấy. Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đâu quên mục tiêu Cứu đo. Người không chỉ ý thức điều đó nơi mình Người, vì liên quan đến Người; nhưng Người còn muốn bảo cho các môn đệ rõ để hiệp thông với Người, vì các ông là đồ đệ thân tín được kêu gọi cộng tác vào kế đồ này. “Các con nghe cho kỹ. Này Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” (Lc 9, 44). Tiếc thay các môn đệ không hiểu ý nghĩa lời đó, cũng như nhiều người bỡ ngỡ trước tất cả các việc Chúa làm (c.43b.45). Chúng ta ai cũng quen nhìn cái trước mắt, thấy cái chung quanh, nên dễ đánh mất kế hoạch đường dài, mục tiêu chính yếu.

II. Các Tông đồ sợ không dám hỏi Chúa về Lời Người.

Sao lại sợ biết, sợ biết thấu đáo những gì Chúa Giêsu thổ lộ nhiều lần về cái chết của Người sắp chịu? Các ông không muốn hỏi thêm, vì trong thâm tâm các ông không muốn Thầy phải chết. Chết là thất bại. Thầy mà chết là đổ vỡ hết mọi chuyện, mọi toan tính của các ông. Theo Thầy hoá ra công dã tràng ; nên lòng trí các ông không muốn nghĩ gì về cái chết của Thầy chút nào. Chúa có nói toẹt ra hay ám chỉ soi sáng trước rằng “không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình cho những kẻ mình yêu” (Ga 15, 13), các ông cũng chẳng lưu tâm.

Ý nghĩ thật bận lòng các Tông đồ là chuyện ai cao, ai thấp; ai làm lớn, ai chịu làm nhỏ; ai ngồi bên tả, ai ngồi bên hữu (Mt 20, 20-23). Cái chết thập giá chỉ là cái cớ vấp phạm cho các ông. Đó là ngõ cụt, bước đường cùng. Các ông không thể bỏ được ý nghĩ về một Mêsia trần thế, chiến thắng với thành quả là khôi phục vinh quang của Israel, làm cho dân được tuyển chọn thành dân hùng mạnh thống trị muôn dân; trong đó, dĩ nhiên các Tông đồ có những địa vị xứng đáng !

Chúng ta thông cảm cho các Tông đồ: với tham vọng như thế, làm sao các ông chấp nhận được Đấng Mêsia bị nộp vào tay loài người để bị đóng đinh thập giá. Càng yêu Thầy, càng thấy những việc Thầy đang làm, càng không chịu được giải pháp của Thầy lấy đâu hiểu được Lời Thầy.

Vì sợ Thầy mắng mà không muốn hỏi lại Thầy hay vì sợ hỏi lại, Thầy sẽ đưa vấn đề ấy ra đào sâu thê ? Điều cốt yếu là nó chẳng phù hợp với lòng mình. Thôi, im lặng. Thôi, né tránh vấn đề cho xong!

III. Chúng ta cũng là những người né tránh.

Hy sinh chịu khổ, chịu chết để cứu nhân loại là giải pháp của Thiên Chúa, nên nó là cốt lõi đời sống toàn diện của Chúa Giêsu. Nó cho thấy tại sao Người đến trần gian; nó giải thích mọi Lời Người nói, mọi việc Người làm. Chúa Giêsu biết trước đường lối này nghịch với ý nghĩ của các Tông đồ và dễ đẩy các ông rơi vào thất vọng. Bởi thế, Chúa phải nói rõ trước, chuẩn bị lòng các ông trước…

Tin theo Đức Giêsu, nhưng chúng ta vẫn thường xuyên sợ những đòi hỏi của Lời Người, của đức tin. Đức tin bắt chúng ta nhiều khi phải vượt khó, phải đương đầu với vất vả, đau khổ, hy sinh hằng ngày. Phải vác thập giá mà đi theo Chúa, nên ta ngại, ta ớn, ta né tránh. Né tránh lập trường và kỷ luật Hội Thánh khuyên phải giữ ; né tránh nghe hiểu rõ những giải thích cặn kẽ về Chúa ; né tránh tìm hiểu xem ý Chúa là gì và sẽ dẫn tôi đi về đâu. Vì né tránh đòi hỏi của đời Kitô hữu, nên né tránh dấn thân. Tinh vi hơn, chúng ta tìm cách giải thích Lời Chúa theo cách của chúng ta, làm cho sứ điệp của Chúa loãng ra để không còn là đòi hỏi bắt buộc, cấp bách nữa. Chúng ta sống bằng sự khôn ngoan của người đời. Đang khi Thánh Giêrônimô lại bảo: “Không biết Thánh Kinh là không biết uy lực và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đâu cả. Không biết Thánh Kinh thì cũng không biết Đức Kitô”. Sao xưng mình là Kitô hữu được? Đạo đức không nằm ở tuyên ngôn, khẩu hiệu, nhưng là vác lấy thập giá thật của đời mình.

 

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Đầu lễ:

Lễ Đức Mẹ Mân Côi la lễ trung tâm của tháng 10. Từ đó tháng này mang danh xưng là tháng Mân Côi.

Nhờ phép lần hạt Mân côi và các Mầu nhiệm, xin cho chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa và Đức Mẹ, thêm thánh thiện nhờ luyện tập các nhân đưc theo gương các Ngài và cùng với Đức Mẹ, phục vụ Giáo Hội Chúa Kitô để cứu rỗi các chi thể của Người.

Giảng lễ:

I. Vài dòng lịch sử Kinh Mân Côi và lễ Mân Côi:

Lịch sử thành hình Kinh Mân Côi kéo dài từ thế kỷ XII-XVI:

1. Từ lâu đời, trước thế kỷ XII, các tín hữu vốn đã quen lặp lại lời Thiên sứ Gabriel chào kính Đức Mẹ, thậm chí cả trong Kinh Phụng vụ với những tiền xướng hoặc Ca hiệp lễ.

2. Sau đó, nơi một vài đan viện cho phép các đan sĩ không biết đọc Kinh Nhật tụng được thay thế bằng 150 Kinh Lạy Cha (thay vì 150 Thánh vịnh như trong Kinh Nhật tụng).

3. Tục lệ này được giáo dân thế kỷ XII bắt chước, thành thói tục đọc 1 chuỗi 150 Kinh Kính Mừng (Dầu sao, thời ấy Kinh Kính Mừng chỉ gồm có lời của Thiên sứ Gabriellời của bà Isave, tức chỉ bằng ½ kinh chúng ta đọc ngày nay. Phần 2 của Kinh là lời của Giáo Hội thành hình trong những thế kỷ 14-15. Mặt khác, các đan sĩ cũng không đọc một mạch 150 Kinh Lạy Cha, nhưng chia thành 3 phần tương ứng với những giờ kinh Phụng vụ).

4. Dựa theo đó, (thế kỷ XIV), đan sĩ Henricô Kalkar (dòng Chartreux) chia “bộ Thánh vịnh Đức Mẹ” thành 15 chục; ở đầu mỗi chục thêm Kinh Lạy Cha.

5. Cùng thời này (thế kỷ XIV) nảy ra truyền thuyết về việc Đức Mẹ ban tràng hạt cho thánh Đaminh. Nhưng công quảng bá, giảng thuyết và phổ biến trong các Hiệp hội Thánh mẫu là do tu sĩ Alain de la Roche, op và dòng Đaminh.

6. Thế kỷ XV mới có việc suy gẫm các mầu nhiệm Phúc Âm kèm theo việc đọc Kinh Kính Mừng. Từ 1410-1439, đan sĩ Đôminicô Prussia (dòng Chartreux ở Cologne) đề nghị hình thức mới: thay vì đọc 150 Kinh Kính Mừng thì rút còn 50 thôi, mà mỗi Kinh Kính Mừng lại được kết thúc với một đoạn Phúc Âm ngắn tưởng nhớ các mầu nhiệm Đức Kitô*. Sáng kiến này được nhiều người tán thưởng, và người ta đếm có tới 300 câu Phúc Âm được gắn vào Kinh Kính Mừng.

7. Thánh vịnh Đức Mẹđổi thànhvòng hoa hồng trinh nữ Maria (rosarium = vòng hoa hồng. Rosa : hoa hồng) và cải tổ việc đọc: vòng 150 kinh chia thành 3 phần,  dành suy niệm các mầu nhiệm Nhập Thể, Tử nạn Chúa Kitô, vinh hiển Chúa Kitô và Mẹ Maria.

8. Thế kỷ XVI : năm 1521, cha Albertô da Castello (Dòng Đaminh) đã đơn giản cách đọc bằng việc phân chia ba mầu nhiệm lớn thành 15 mầu nhiệm nhỏ.

1569 Đức Thánh Cha Piô V, Dòng Đaminh, xác định việc đọc kinh Mân Côi bằng sắc chiếu Consueverunt romani pontifices (17.9.1569). Cũng chính Đức Piô V đã thiết lập lễ Mân Côi để kính nhớ việc chiến thắng đạo quân Thổ nhĩ kỳ ở vịnh Lepantô (7.10.1571), nhờ lời bầu cử của Đức Mẹ Mân Côi.

9. Tiếp theo, rất nhiều Giáo hoàng (đặc biệt Đức Lêo XIII với 12 Thông điệp và 2 Tông thư) đã cổ động khuyến khích việc đọc Kinh Mân Côi và ban nhiều ân xá kèm theo. Ví dụ: Ai lần một chuỗi chung trong các nhà thờ, nhà nguyện, gia đình hay cộng đoàn tu, trong hiệp hội đạo đức được hưởng một đại xá. Đọc trong những hoàn cảnh khác, được một tiểu xá (Ench. Indulg., concessio 48)

10. Sau những lần Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức và Fatima, việc đọc kinh Mân Côi càng được đẩy mạnh hơn nữa – cách riêng trong hai thế kỷ XIX và XX (từ Đức Lêo XIII…).

11. Đài phát thanh Vatican truyền thanh Kinh Mân Côi mỗi ngày và Đức Gioan Phaolô II chủ sự buổi đọc Kinh Mân Côi vào mỗi thứ 7 đầu tháng.

II. Ý nghĩa và giá trị:

Trong Tông huấn Marialis cultus, Đức Phaolô VI đã vạch ra những giá trị của Kinh Mân Côi như sau: đó là một kinh nguyện dựa trên Phúc Âm, giúp cho việc chiêm niệm và sát với Kinh nguyện Phụng vụ.

1. Kinh nguyện đơn giản:

-Kết cấu: Lạy Cha, Kính mừng, Sáng danh là những kinh ai cũng thuộc.

-Thích hợp cho những người đơn sơ, bình dân và dành cho những tâm hồn mang tinh thần khó nghèo Phúc Âm.

2. Kinh nguyện chiêm niệm:

-Đơn giản, nhưng nội dung phong phú. Tín hữu được mời chiêm ngắm những mầu nhiệm căn bản của đức tin Kitô giáo: Nhập thể và Vượt qua.

-Việc lặp đi lặp lại những câu kinh tạo ra sự thanh thản nội tâm để chiêm ngắm những cảnh tượng của cuộc đời Chúa Cứu thế.

3. Kinh nguyện huấn giáo:

Việc xướng lên các mầu nhiệm hoặc giải thích chúng là cơ hội để học hỏiđào sâu thêm những chân lý căn bản của đức tin và đáp lại cũng với tâm tình thuận nhận tin yêu.

4. Kinh nguyện sát với cuộc đời:

Cùng với Đức Maria, chúng ta rảo qua cuộc sống của Chúa Giêsu và Đức Mẹ qua những chặng đường Nazarét, Bêlem, Giêrusalem; qua những biến cố vui thương buồn, người tín hữu gặp thấy những bài học cho cuộc sống thường nhật của mình.

5. Kinh nguyện thanh luyện, tu đức:

Nhờ chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Mẹ, tín hữu học đòi những nhân đức của các Vị, cố gắng hoạ cuộc đời mình theo gương của các Vị.

6. Kinh nguyện dẫn vào phụng vụ:

Những mầu nhiệm Mân Côi dựa vào Phúc Âm, đặc biệt mầu nhiệm Nhập thể và Vượt qua, chuẩn bị tâm hồn tín hữu cử hành sốt sắng các Bí tích, đặc biệt là Thánh Thể, tưởng niệm cuộc Tử nạn và Sống lại của Đức Kitô.

Mong chúng ta hiểu, ý thức, sống Kinh nguyện Mân côi hằng ngày. Nhờ đó thêm thánh thiện, thêm Ơn sủng và lòng yêu mến Chúa cùng Đức Mẹ.

 

THÁNG MÂN CÔI

VỚI PHÉP LẦN HẠT MÂN CÔI

I. Lịch sử tháng Mân Côi.

1.Từ xưa, Giáo Hội vẫn tôn sùng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại

.Các Đức Giáo Hoàng lập nhiều lễ khác nhau trong niên lịch Công Giáo.

.Dành trọn 2 tháng : tháng 5 (tháng hoa) và tháng 10 (tháng mân côi)

.Thói quen dâng ngày thứ 7 hàng tuần kính Mẹ. Giáo Hội thừa nhận, cho cử hành lễ ngoại lịch các thứ 7, nhất là thứ 7 đầu tháng.

2. Các sử gia hiện đại:

.Phép Mân Côi được manh nha từ lâu. Giáo hữu có tập quán xâu hạt trái cây (mân: lần, côi : hạt trai) làm chuỗi đếm Kinh Lạy Cha, Kính mừng hoặc kinh nào khác.

.Thời trước, giáo hữu quen đọc mỗi tuần lễ 150 Kinh Kính mừng (bắt chước giáo sĩ đọc mỗi tuần 150 Ca vịnh Đavit).

.Chắc một điều, nhờ sự đôn đốc của Cha Alain, phép lần hạt mân côi đã dần mặc hình thức cố định và được Dòng Đaminh rao truyền khắp nơi.

3. Theo lời cha Alain, qua đời 1475, Thánh Đaminh đã được Đức Mẹ hiện ra 1206 tại Prouilly, Languedoc (nước Pháp) dạy cho phép lần hạt mân côi để phá tan bè rối đang hoành hành.

Cha Alain (Linh mục dòng Đaminh, người Tây ban nha ?) có sáng kiến viết một tập nhỏ dạy cách suy gẫm 15 mầu nhiệm Kinh Mân Côi để trong tháng 10, giáo dân có dịp suy gẫm những mầu nhiệm cao cả trong Đạo hơn các tháng khác.

4. Các Đức Giám mục nhiệt liệt ban khen và phổ biến tập nhỏ đó trong toàn quốc (Tây ban Nha), vì là tiếng chuông kêu gọi con cái Mẹ thi đua dùng Kinh Mân côi như khí giới thiêng chống kẻ thù Thiên Chúa và Giáo Hội.

5. Nghe tin kết quả thu được tốt đẹp, Đức Pio IX (1846-1878) rất hài lòng ban nhiều ơn cho những người tham gia tôn sùng Đức Mẹ trong tháng 10.

6. Dầu sao, việc tôn sùng ấy có tính địa phương.

Đời Đức Lêo XIII (1878-1903) mới phổ biến khắp nơi trong thế giới Công giáo.

.Năm 1883, Đức Lêo XIII ban hành Thông điệp Supremi Apostolatus 1.9.1883, thiết lập tháng Mân côi.

Chỉ rõ điều phải làm

- Chuỗi Mân Côi,

- Kinh cầu Đức Bà,

- Kinh thánh cả Giuse,

- Phép lành Thánh Thể.

Mục đích: chữa bệnh thời đại của Giáo Hội và Xã hội

- Chê ghét đời sống cần lao đơn giản,

- Sợ hãi đau khổ,

- Ham mê lạc thú quá độ,

- Quên lãng kho tàng châu báu đời sau.

.Mấy năm sau, Ngài còn ban hành Thông điệp khác thúc giục giáo dân sùng kính, trông cậy phép lần hạt Mân côi với ý cầu cho Đức Giáo Hoàng được trả lại tự do (vì từ 1870, nước Toà Thánh bị tiếm đoạt. Các Đức Giáo Hoàng như bị tù lỏng trong điện Vatican*).

*Sau nhiều năm cầu nguyện, 1929, thời điểm thuận lợi, Toà thánh đã ký hiệp ước Latran với Chính phủ Ý và lấy lại tự do.

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên
Lc 11, 29-32

Đầu lễ:

Lời Chúa luôn có tính thời sự cập nhật; nghĩa là ở bất cứ nơi đâu, vào thời điểm nào và đối với bất cứ thính giả nào, Lời Chúa luôn đưa ra sự dạy dỗ, khêu gợi lòng tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Lời khuyên lơn có, đe doạ cũng có để sinh ích lợi cho phần rỗi chúng ta; nhưng chúng ta đừng tỏ ra ương ngạnh cứng lòng tin như các Ký lục, Biệt phái hay bè Sađốc xưa. Bởi Chúa Giêsu không thể chấp nhận sự thách thức Người, chứng tỏ con người coi thường Thiên Chúa, tạo thành coi thường Tạo Hoá.

Giảng lễ:

Chúa vẫn giảng đạo kèm nhiều phép lạ. Bởi thế, thu hút dân chúng kéo đến vây đông. Người tin rất nhiều, mà kẻ không tin phá thối cũng không ít. Hôm nay Luca không nói rõ khiến chúng ta lầm tưởng là Chúa mắng mỏ đám dân đến nghe Người; nhưng thực ra đối tượng là mấy ông Ký lục và Biệt phái (x. Mt 12, 38) và cả bè Sađốc nữa (x. Mt 16, 1) mà Matthêu không ngại vạch mặt chỉ tên.

Họ vốn nghĩ Đấng Mêsia, vị Cứu tinh dân tộc, phải làm nhiều phép lạ. Xưa Môsê, thay mặt Chúa lãnh đạo dân, đã chẳng thi thố bao phép lạ trước Pharaô và trước dân là gì! Vậy Đức Giêsu, nếu thật sự là ngôn sứ cao cả, là Mêsia thì phải có dấu lạ. Bằng chứng nhận Mêsia của Chúa Giêsu sẽ là một dấu lạ nhãn tiềntức khắc, buộc người ta phải tin. Bằng không, Chúa chỉ là Mêsia “giả”, Mêsia “dổm”. Vì thế, Ký lục và Biệt phái “muốn Thầy cho thấy một dấu lạ” (Mt 12, 38). Nơi khác, Matthêu bảo Biệt phái và Sađốc đến thử thách Chúa Giêsu, nên mới xin một dấu lạ từ trời cao (x. Mt 16, 1). Đám dân được mấy lần ăn no từ các phép lạ hoá bánh ra nhiều, có lẽ chỉ khoái những phép lạ manna từ trời rơi xuống, như kiểu xưa Môsê đã ban cho cha ông họ trong Samạc! Marcô còn nhấn mạnh: biệt phái xuất hiện để tranh luận với Đức Giêsu, để thử Người nên mới đòi dấu lạ từ trời. Trước thách thưc ấy, Chúa phải rên lên, từ khước làm phép lạ, rời bỏ họ lên đò mà qua bờ bên kia (x. Mc 8, 12-13).

I. Một thế hệ gian ác.

Chúa Giêsu than vãn, đưa ra nhận xét rằng: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác” (Lc 11, 29). Chẳng phải thế hệ này thôi mà ngay thế hệ trước, cha ông người Do thái đã như thế. Hình như sự gian ác có tính di truyền và dễ lây lan. Thế hệ Israel ngày trước đã bị nhiều tiên tri coi là gian ác. Gian, vì họ không sống trung thực, không thật với lòng mình. Họ không trung thành với giao ước ký kết, không nhìn nhận Giavê, không giữ giới răn huấn lệnh của Ngài. Israel gian tà bao lần phản bội, bất tín bất trung. Đã gian còn ác. Ac, vì giết hại các tiên tri Thiên Chúa sai đến (Mt 23, 30). Rõ ràng Matthêu gợi ý cho chúng ta thấy được điều đó, vì hai lần ở hai chỗ đều viết: “Thế hệ xấu xa và ngoại tình” (Mt 12, 39 và 16, 4).

Thế hệ ký lục biệt phái, thời Chúa Giêsu, cũng không kém gian ác, không thua gì cha ông họ. Gian, vì vẫn cứng lòng không tin vào Chúa Giêsu, vẫn không muốn nghe Lời Người. Nhiều lần Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu đã nặng lời gọi ký lục, biệt phái và sađốc là “đồ mãng xà, nòi rắn độc” (Mt 3, 7; 23, 33) hay nhẹ cũng là “bọn giả hình” (Mt 23, 13.14.15.23.25.27.29). Họ gian manh, thiếu trung thực: bất nhất giữa lời nói và hành vi, dạy một đàng làm một nẻo, thậm chí nói mà không làm (Mt 23, 3), đặt gánh nặng lên vai người khác, còn họ không muốn tra ngón tay lay thử (c. 4). Ăn cỗ và ở Hội đường, thích chỗ nhất; thích được chào kính là Thầy (Rabbi) (c. 6 và 7). Gian, vì là kẻ dẫn đường mù quáng: dạy người ta giữ điều tỉ mỉ, còn những điều hệ trọng trong luật lại bỏ qua (c. 23). Gian, vì bên ngoài giữ luật tẩy uế nhưng bên trong đầy tham ô và vô độ (c. 25) ; bên ngoài ra vẻ công chính đạo đức nhưng bên trong thì giả hình, vô đạo làm bộ cầu nguyện lâu (c.5.14 & 28). Họ cũng tàn ác cách tinh vi: chẳng hạn “khoá cửa Nước Trời, chặn người ta lại. Chính họ chẳng vào, mà kẻ muốn vào cũng chẳng để cho vào” (c. 13). Giỏi “ngốn nhà cửa các bà goá” (c. 14). Đặc biệt “với kẻ tòng giáo, có khi biến họ thành con cái hoả ngục gấp đôi các ngươi” (c. 15). Hơn nữa, thế hệ nay đã lấy đầu Gioan Tẩy giả và cũng sẽ kết án tử hình Đức Giêsu, sau khi đã săn đuổi Người từ thành này sang thành khác, có lúc muốn xô Người xuống vực thẳm. Từ đầu Phúc Am Gioan đã lưu ý: “Người đến và người nhà đã không đón nhận Người” (Ga 1, 11); đang khi lại sẵn lòng tha chết cho một tên cướp là Baraba (Ga 18, 39-40). Thế không gian ác là gì!

II. Chúa từ chối làm phép lạ; nhưng mời gọi tin.

1. Nếu tin, có khi Chúa làm phép lạ tưởng thưởng; nhưng thách thức thì không bao giờ. Nếu cần, xưa đã có dấu lạ ông Giona và nay, chính bản thân Đức Giêsu đang là một dấu lạ tỏ tường. Có mắt có trí sẽ nhận ra: bao phép lạ Chúa làm chữa lành mọi thứ bệnh tật, trừ quỉ, tha tội, cho kẻ chết sống lại chẳng đủ để họ tin vào sứ mệnh cứu thế của Người ư? Sao họ rành việc đoán định thời tiết, như “ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa” (Mt 16, 2-3), còn các phép lạ Chúa vẫn làm là dấu chỉ thời Thiên Sai đã đến thì lại không?

2. Phải chăng thế hệ chúng ta cũng gian ác, lòng không trung thực hay thay đổi, nên có thấy mà không nhận ra, có nhìn mà không hiểu và chạy theo điều mới lạ? Chúng ta có thích đặt lòng tin, lòng sùng đạo và sống đạo dựa trên những phép lạ xảy ra hay nghe tin đồn xảy ra ở đâu đó? Có khi nào Lời rao giảng của Chúa Giêsu (Mt 7, 28-29), bao công việc Người đã thực hiện, kể cả việc sống lại của Người đủ cho ta tin vào sứ mạng cứu thế của Người (Mc 8, 17-21; Ga 2, 11; 1Co 1, 22) và quyền năng của Thiên Chúa, mà không cần kiểm tra thẻ căn cước hay bằng chứng nhận của Người?

3. Xưa, Giona chưa đi được một phần ba thành phố Ninivê, thủ đô Assur, thì dân chúng đã tin vào Thiên Chúa và nhà Vua loan báo phải ăn chay sám hối. Không cần bằng chứng, cả thành đã tin và Chúa đã tha phạt. Nữ hoàng Saba chỉ nghe nói vua Salomon rất khôn ngoan, bà đã “từ tận cùng trái đất đến để nghe ông” (Mt 12, 42). Sao lại từ chối không chịu tin vào Đức Giêsu, khi Người nói về phán xét còn thấu đáo hơn Giona và sự khôn ngoan của Người còn vượt xa khôn ngoan của vua Salômon ? Bởi chính Người là sự khôn ngoan.

Thiên Chúa vẫn luôn tỏ mình ra nơi thụ tạo, nơi các dấu chỉ thời đại, nơi các biến cố trong và ngoài Giáo Hội. Chẳng cứ gì các ký lục và biệt phái, chúng ta cũng sẽ bị dân Ninivê và nữ hoàng Saba đứng lên đối chất, tố cáo trong ngày sau hết, nếu chúng ta tiếp tục tỏ ra cứng lòng tin.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Lc 11, 37-41

LỄ THÁNH IGNATIÔ ANTIÔKIA

Đầu lễ:

Thanh Ignatio (+107) là môn đệ Thánh Gioan Tông đồ, làm Giám mục thành Antiokia. Nổi tiếng là chủ chăn nhiệt thành với nhiệm vụ và hăng say truyền giáo. Bị tố cáo là truyền bá tà đạo, chống lại các thần minh nhà vua. Bị điệu về Rôma làm mồi cho thú dữ xé thây. Sắp chết, Ngài còn nghĩ sẽ là “miếng mồi ngon của Đức Kitô, được răng thú nghiền nát thành tấm bánh tuyển chọn”. Xin cho chúng ta không sợ gian khó, vững tâm làm chứng cho Chúa giữa mọi nghịch cảnh trong đời.

Giảng lễ:

 I. Chúa Giêsu lật tẩy lòng dạ ông Pharisêu.

1. Nói huệch toẹt và gợi hình hơn, tôi bảo Chúa Giêsu hôm nay “moi tim gan, lôi ruột” ông Pharisêu ra ngoài. Trong một tình thế lật ngược, thay vì ông Pharisêu “sửa lưng” Chúa, thì Chúa lại “nắn gân” ông; đúng hơn giúp ông biết giữ luật trong sạch của Do thái thế nào cho phải, cho tốt hơn. Dầu sao, dịp này ông Pharisêu đã bị “giải phẩu” và để lộ hết chân tướng!

2. Bữa ăn thân thiện trở thành cơ hội cho ông Pharisêu tiếp cận thật gần quan sát Chúa, để có cớ trách móc và lên mặt với Chúa. Thông thường người ta mời nhau ăn uống là để kết bạn, tỏ tình thân ái. Ăn là cơ hội chia sẻ, hiệp thông, trao đổi niềm vui và thông chia nguồn sống. Ghét nhau chẳng mấy khi mời nhau bao giờ. Ông Pharisêu mời Chúa dùng bữa tại nhà, chưa hẳn vì tin yêu mộ mến Chúa. Biết đâu chỉ là dịp hiếm có để theo dõi lời ăn tiếng nói, cử chỉ động thái hay dò la quan điểm lập trường của Chúa Giêsu, bởi lâu nay ông chỉ nghe đồn về Chúa từ xa.

3. Rõ ràng, quả tang hôm nay ông biệt phái tận mắt thấy Chúa Giêsu lên giường ăn (người Do thái hồi xưa đâu có ngồi bàn ăn như chúng ta) mà không rửa tay theo tục lệ Do thái trước. Đấng Mêsia hay ngôn sứ cao cả của Israel thì không thể coi thường luật lệ hay tập tục cha ông được. Đấng Thánh thì càng phải nêu gương mẫu tôn trọng luật lệ chứ. Quả Thầy nào trò nấy! Hèn chi có lần Matthêu 15, 2 kể là biệt phái và ký lục cũng đã mắng vốn Chúa Giêsu về cái vụ môn đệ Chúa không rửa tay trước khi dùng bữa.

4. Không phải đến thời Pasteur người ta mới biết sợ vi trùng. Từ lâu luật Môsê đã phổ biến một phương pháp vô trùng, một hệ thống luật liên quan đến vấn đề “sạch và dơ”, với các nghi thức tỉ mỉ được quy định (x. Lv 11-16) mà người biệt phái cố gắng thực hành, rồi áp đặt cho mọi người. Sau đó, triển khai thành những tục lệ như phải rửa tay trước bữa ăn. Tại sao? Đâu chỉ là giữ vệ sinh tay chân thường thức như chúng ta vẫn hiểu, mà là giữ luật tẩy uế. Phải tẩy uế, bởi từ sáng, người ta đã tiếp xúc với đủ thứ đồ vật, đủ thứ người có thể bị ô nhơ theo luật. Rửa tay là tẩy uế đã, rồi mới tạ ơn Thiên Chúa về bữa ăn được.

5. Chúa Giêsu nhìn vào chiều sâu và không để bị lầm bởi cái trong sạch bên ngoài. Người phân biệt hẳn cái sạch bên ngoài với cái sạch bên trong, khác nhau hoàn toàn. Phải sạch cả trong lẫn ngoài; chứ không chỉ sạch đẹp bên ngoài mà trong lòng dơ nhớp tội lỗi. Hoá ra là dối trá, giả tạo như nấm mồ tô vôi: ngoài đẹp, trong hôi thối !

Biệt phái giả hình, giữ luật tẩy uế bề ngoài mà không chú trọng tâm hồn, nếu không muốn nói là lơ luôn bên trong. Sự lây nhiễm đáng kể nằm ở bên trong và nguy hiểm hơn bệnh tật. Bởi bệnh tật huỷ hoại thân xác, nhưng tội lỗi giết chết tâm hồn, tiêu diệt con người. Đối với Chúa Giêsu, sự uế tạp theo lề luật không đáng kể là gì cả trước những tội lỗi trong lòng người ta. Vậy nên, Người mới lột mặt nạ ông Pharisêu: Này ông, bên ngoài các ông rửa sạch chén dĩa (hay rửa sạch tay) thì phải rồi, nhưng sao trong lòng các ông đầy chuyện cướp bóc, gian tà. Chỉ sạch cái bên ngoài mà không sạch cõi lòng: sống vậy thật là ngốc nghếch! Thiên Chúa biết rõ cả trong lẫn ngoài; Ngài làm nên cả cái bên trong lẫn bên ngoài, Ngài lượng giá cả hai. Nếu bên ngoài không dơ, thì cần chi phải rửa ?!

II. Chúa Giêsu “quảng cáo” thuốc tẩy hữu hiệu bên trong.

Trên ti vi, người ta quảng cáo bột giặt Omo là sản phẩm tẩy trắng nhất. Chúa Giêsu không hành nghề quảng cáo, tiếp thị ; nhưng là lương y tâm hồn, hôm hay, Người chỉ dạy ông Pharisêu cách tẩy sạch tâm hồn bên trong bằng sản phẩm của Người là tình thương, bác ái bố thí.

Chính cái bên trong, nội tâm thầm kín của con người mới quan trọng và đáng nói. Nếu tâm không thanh lòng không sạch thì có gột rửa cách mấy bề ngoài cũng không ăn thua gì. Muốn thanh tẩy cõi lòng, phải sám hối tội lỗi, cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Việc nhắc nhở sám hối, quay về lại với Giavê là điều các ngôn sứ xưa vẫn làm. Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, khi bắt đầu rao giảng Nước Trời, cũng đã mạnh mẽ kêu gọi (x. Mt 3, 2; 4, 17). Sám hối là điều kiện hưởng sự thứ tha. Rồi lại cũng chính Thiên Chúa mới có thể thanh luyện tâm hồn và đổi mới con tim. “Xin ban cho con quả tim trong sạch”. Tác giả Thánh vịnh từ lâu đã ý thức việc cầu xin với Chúa, Đấng duy nhất có khả năng thanh luyện rửa sạch: “Xin dùng cành hương thảo rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền. Xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết”. Được tha thứ là lúc tình thương của Chúa đổ ngập cõi lòng. Lòng ông biệt phái không có tình yêu: không yêu Chúa, mà cũng chẳng yêu tha nhân; nên mới có chuyện gian tà tham ô, bóc lột của cải bà goá. Vơ vét về mình là ích kỷ. Nên Chúa mới đề nghị sống bác ái, hướng về kẻ khác, bố thí cho đi thì hồn mới sạch lòng mới trong, tâm tư mới rũ hết gian tham được. Thương kẻ khác là thương thân, thương mình vậy. Bố thí là cho đi, nên mới đuổi được cái gian tham, mới trục được cái ác độc.

Tôi đôi khi giống biệt phái: để ý bề ngoài hơn quan tâm bề trong. Do vậy thích đón kẻ chức quyền diện bảnh bao, hào nhoáng bề ngoài hơn tiếp kẻ ốm đau nghèo khổ, mặc rách rưới, bẩn thỉu. Không hề quan tâm tình trạng nội tâm của họ; đến khi họ đi rồi, nghĩ lại thấy xấu hổ vô cùng. Lúc ấy lời Thánh Phaolô trong thư Colosê 2, 8 như trách móc tôi: “Coi chừng… lại sống theo truyền thống người phàm… chứ không theo Đức Kitô tí nào”.

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Lc 10, 1-9

LỄ KÍNH THÁNH LUCA, THÁNH SỬ

Đầu lễ:

Luca là nhà văn điêu luyện, cũng la thầy thuốc thuần hậu. Còn là cộng sự truyền giáo đắc lực của Phaolô, đã giúp Phaolô thành lập giáo đoàn Philipphê phồn thịnh.

 Là tác giả Phúc Âm thứ ba, ông muốn chứng minh Chúa Giêsu có thần tính của Thiên Chúa. Ca tụng Thiên Chúa là Đấng từ bi, dễ tha thứ và hay thương xót. Ông đề cao địa vị siêu việt của Mẹ Maria.

 Là tác giả sách Tông đồ Công vụ, ông mô tả lịch sử của Giáo Hội sơ khai, với những nét chấm phá vừa linh hoạt, vừa hào hùng. Am tường thế giới Hylạp, rành rẽ tập tục Do thái và sấm ngôn Cựu Ước ; nhưng ông lại đánh mất lý lịch đời mình ở biển sâu khiêm tốn.

Giảng lễ:

 Tại sao ngày lễ kính Thánh Luca hôm nay lại chọn đọc đoạn Phúc Âm Lc 10, 1-9? Tôi suy đoán vì vài lý do: 1) Luca không thuộc nhóm Mười Hai Tông đồ nên không đọc đoạn liên quan đến các Tông đồ, mà đọc đoạn đề cập tới số đông Bảy mươi hai môn đệ. Vì Luca là môn đệ thân tín với Phaolô. 2) Đoạn Tin Mừng hôm nay nói về việc truyền giáo, mà Luca lại là nhà truyền giáo đại tài, hăng say, luôn sát cánh cùng Phaolô trong các cuộc truyền giáo; đặc biệt trong những tình huống Phaolô gặp cảnh ngặt nghèo như bị áp giải với tính cách tù nhân, bị giam lỏng, hay bị cầm tù cuối đời. Đến độ trong chúc thư trước khi chết viết từ ngục tù khoảng năm 65, thư 2Tm 4, 11, Phaolô nói: “Bên mình cha chỉ còn Luca mà thôi”. Một con người gắn bó suốt đời, trọn tình vẹn nghĩa !

Truyền giáo đâu phải dễ.

Ít nhất phải học một khoá đào tạo từ trường truyền giáo của Thầy Giêsu, để có được ý thức truyền giáo trong đầu và cách thức truyền giáo thực hiện bên ngoài, để không rơi vào bất cứ ảo tưởng nào. Bài Phúc Âm hôm nay của Luca cho thấy rõ hai điểm đó.

1. Về ý thức truyền giáo.

 Trước hết kẻ được sai đi truyền giáo phải nhận thức mình chỉ là thừa sai, là thợ làm việc trên cánh đồng truyền giáo mà chủ là chính Chúa. Chính chủ sẽ sai thợ và thợ làm việc cho chủ, vì chủ chứ không cho mình. Và chủ muốn chọn những thợ lành nghề, truyền giáo khéo. Mà thợ chất lượng thế này lại quá ít, đang khi mùa gặt rất dồi dào phong phú. Tính cách phong phú của mùa gặt nhắc nhở sự khẩn trương, cấp bách. Không thể chần chừ, vì lúa đã chín, chín nhiều và thợ phải làm việc gấp đôi, gấp ba mới kịp. Sự thu hoạch tuỳ thuộc phẩm chất, năng lực và cả số lượng thợ được sai đi làm việc. Do đó, cũng đặt ra vấn đề phải cầu nguyện để chủ sai đủ số thợ, để chủ có thể tìm kiếm được nhiều ơn gọi thật và đào luyện ra nhiều thừa sai tốt vững chắc.

2. Về cách thức truyền giáo.

Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo; Giáo Hội lãnh nhận sứ mệnh cao cả ấy từ Chúa Kitô. Truyền giáo là đem Ơn cứu độ đến cho người khác, cho muôn dân. Ơn cứu độ cần thiết thực sự cho hết mọi người. Tuy nhiên, truyền giáo không vì thế mà được phép cưỡng bức ai nghe theo hay áp đặt sứ điệp cách bạo động. Nhà truyền giáo không biến mình trở thành kẻ hống hách và quyền lực, vì họ được sai đi như chiên con giữa bầy sói. Sói có thể xâu xé, sát hại chiên chứ không hề bao giờ có chuyện ngược lại. Các nhà truyền giáo ngày xưa thấm thía điều này hơn cả. Ra đi truyền giáo là chấp nhận treo vận mệnh mình trước mọi mối nguy hiểm đến từ sói dữ. Số phận nhà truyền giáo là thế : sinh nghề tử nghiệp. Người nghe tự do tin hay từ khước sứ điệp. Còn phận chiên là hiến tế đời mình cho công cuộc truyền giáo. Tính cách quyết liệt của thừa sai là ở chỗ đó.

Thừa sai phải sống siêu thoát, khó nghèo. Đi truyền giáo không bám vào phương tiện lớn lao, không dựa trên ngân quỹ kếch sù. Không dựa vào sức lực loài người, nên không cần đến tài năng siêu việt, lôi cuốn mê hoặc kẻ khác. Chính Chúa soi sáng và ban lòng tin cho kẻ thụ giáo. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép: tức đừng quá bận tâm về tiện nghi cuộc sống. Các giá trị trần gian, các bảo đảm trần thế, những an toàn vật chất không quan trọng và cần thiết cho lắm; để nhà truyền giáo không bị chúng chi phối, trì kéo hoá ra nặng nề. Thanh thản nhẹ nhàng ra đi, tin cậy phó thác nơi Chúa. Khó nghèo để dễ hoà nhập, hoà đồng. Cậy dựa thái quá vào vật chất, quá lo lắng về nó sẽ xao lãng bổn phận lập tức.

“Đừng chào hỏi ai dọc đường” nghĩa là đi thẳng đến đích. Nhắm cái chính yếu của công việc phải làm, chứ không loay hoay loanh quanh mất thì giờ. Chúa không có ý bảo ta coi thường phép lịch sự ở đời, sống khinh khỉnh khinh người. Những gì có tính nghi thức rườm rà kiểu Đông phương không nên quan trọng hoá cho lắm. Lối hành xử  tốt nhất vẫn là gieo niềm vui, chúc bình an cho mọi người : sự bình an nội tâm là kết quả của truyền giáo, của lòng tin cậy mến nơi Chúa đạt được.

Gặp đâu trọ đấy. Có gì ăn nấy. Đơn giản hoá cuộc sống phức tạp và đừng phức tạp hoá những điều đơn giản. Sự dễ dãi dung dị, bình dân nơi nhà truyền giáo cho thấy Tin Mừng là quà tặng của Thiên Chúa được đem “cho không biếu không” và người thợ không đòi được hưởng lương, bổng lộc trả công hay chiều chuộng.

Điều quan trọng trên hếttrước hết đối với nhà truyền giáo là trao gởi người nghe Ân sủng và Tình thương của Thiên Chúa. Dấu chứng Nước Trời hiện diện nơi kẻ thụ giáo. Ân sủng và Tình thương ấy sẽ chữa lành mọi đau yếu bệnh hoạn nơi các tâm hồn đang cần cứu độ.

Chỉ thị truyền giáo của Đức Giêsu thật tuyệt vời, rất thực tế. Ai không muốn đón nhận sứ điệp, nhà truyền giáo sẽ đi nơi khác. Không bận tâm lâu, không mất thời giờ. Thừa sai là người hoạt động và kết quả đến từ nơi Chúa. Chẳng việc gì ngồi đó mà than vãn về những khó khăn.

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Lc 11, 47-54

Đầu lễ:

Tin Mừng Luca 11, 47-54 giúp ta suy nghĩ điều này: Đối mặt với Cái Ác xảy ra hằng ngày, chúng ta làm gì? Né tránh hay bình tĩnh đón nhận. Đón nhận là dám nhìn thẳng vào sự thật, mong chờ sự thật giải thoát chúng ta.

Chúa Giêsu có vạch trần tội ác của người Pharisêu thì cũng là để họ giáp mặt với sự thật trong đời họ, nhờ đó mà họ tìm đường đến sự sống. Chúng ta có sợ sự thật lên tiếng, nên tìm cach che đậy, giấu kín, ém nhẹm cái xấu điều ác, thậm chí bóp méo sự thật đi?

Giảng lễ:

Chúa Giêsu là một con người mạnh mẽ. Người không hề sợ hãi khi phải tố giác những sai lầm hay tội ác. Không bởi ác ý tiêu diệt ai, vì Người là đường dẫn đến sự sống. Cũng không để người ta ở lì trong mê lầm, vì Người là ánh sáng và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Người giúp nhận ra chân lý để hoán cải, bởi Người là sự thật giải phóng chúng ta. Không ai bịt miệng được sự thật.

Bởi thế đã một lần Chúa Giêsu nói thẳng với người Pharisêu rằng : “Khốn cho các ngươi ! Các ngươi xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết họ. Như vậy, các ngươi vừa làm chứng, vừa tán thành việc làm của cha ông các ngươi, vì cha ông các ngươi giết, còn các ngươi xây mồ!” (Lc 11, 47-48).

I. Dòng dõi những kẻ sát nhân.

Cha ông người Do thái đã sát hại bao ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến trong quá khứ. Họ đến để làm chứng về Thiên Chúa tình thương đã cứu Israel, tố giác Israel đương phản bội lìa Ngài và mời gọi họ hoán cải trở về. Chúa Giêsu cho thấy không chỉ một lần, nhưng rất nhiều lần người Do thái đã âm mưu ám hại như thế, từ vụ giết chết Abel xảy ra đầu tiên cho đến vụ cuối cùng kể lại trong Thánh Kinh đối với ông Zacaria, gục xuống ngay giữa bàn thờ và đền thánh. Tính cách tàn ác đó xuyên suốt lịch sử và máu người công chính kêu thấu tới Trời.

Thế nhưng, thế hệ con cháu họ chưa chừa, nên mới bị hạch tội. Thật ra, thời Chúa Giêsu, người Do thái đã bắt đầu xây mộ cho các ngôn sứ, những chứng nhân của chân lý đã bị cha ông họ loại trư. Làm vậy, dường như họ chứng tỏ là con cháu bây giờ không đồng ý với tội ác của bậc cha anh ngày trước. Như thương hại các tiên tri đã bị giết oan uổng. Việc xây mồ mả cho các tiên tri gián tiếp làm chứngcông nhận họ là người của Chúa sai đến, thi hành đường lối Thiên Chúa và thay mặt Ngài cảnh tỉnh Israel. Xây mồ là chuộc lỗi cha ông và xác nhận sự gian ác đã xảy ra.

Người thời Chúa Giêsu và chúng ta có thể lầm, nếu Chúa Giêsu đã không vạch trần tội ác đời con cháu. Không thua gì cha ông, hiện nay con cháu vẫn tán thành việc làm của cha ông hồi trước. Họ đã chẳng lao đầu vào cùng một thứ tội ác giết người là gì, khi họ chặt đầu Gioan Tẩy giả và hơn thế nữa, họ tiếp tục săn lùng, kết án, giết chết Đức Giêsu cách ô nhục. Con cháu kẻ sát nhân ngày xưa vẫn còn lầm lạc, vẫn còn bước đi trong tối tăm, bởi họ không thể nhận ra Đức Giêsu là đại ngôn sứ, vị Mêsia Cứu tinh dân tộc đang ở giữa họ. Chả trách gì, Chúa từng gọi đám ký lục, biệt phái cứng lòng, mù quáng, đầy gian ác là : “Nòi rắn độc ! Đồ mãng xà !” (Mt 3, 7 ; 23, 33).

Lời sách Khôn ngoan vẫn ứng nghiệm: “Ta hãy bức hiếp tên công chính nghèo hèn; kẻ goá bụa ta đừng buông tha; bọn tóc bạc già nua cũng chẳng nể” (Kn 2, 10). “Nào chúng ta gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta. Nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (c.12). Hổ phụ sinh hổ tử. Hổ con có le còn hơn hổ cha ngày xưa: cũng nhất định không dung tha kẻ không nghĩ như mình, không sống như mình, không cùng lập trường hay cùng phe với mình. “Nếu tên công chính là Con Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ đến giúp nó. Còn ta hãy kết án nó, bắt nó phải chết cách ô nhục” (c.18.20). Những lời này phải chăng ám chỉ cái chết của Đức Giêsu, Người bỏ mình trước âm mưu và lòng dạ thâm độc của người Do thái.

II. Ác giả ác báo: thế hệ này sẽ bị hạch tội.Thế hệ này phải trả nợ máu.

Không phải Thiên Chúa độc ác, thích báo thù. Vì rõ ràng Đức Giêsu măc khải về Cha Người, một Thiên Chúa giàu tình thương và hay tha thứ. Nhưng hợp với tư tưởng người Pharisêu hơn, có lẽ phải là một Thiên Chúa báo thù : Ngài luôn báo thù mạnh mẽ trước địch thù. Bởi dường như người ta không muốn chấp nhận sự hiện hữu của một Thien Chúa nhân từ độ lượng. Đoạn 2, câu 19 sách Khôn ngoan ám chỉ điều đó : “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào”.

Thiên Chúa có nhân từ đến mấy cũng phải xét xử đến đồng xu cuối cùng và giữ vững cán cân công lý. Thế hệ gian ác thời Chúa Giêsu đã phải trả giá cho lối cư xử vô luân, cho việc giết hại Chúa Giêsu, bằng sự kiện Giêrusalem bị phá huỷ năm 70 và dân Do thái bị phân tán.

Không chỉ ông Pharisêu gian ác bị Chúa Giêsu lật tẩy, mà các nhà thông luật Do thái cũng thế. Họ rành rọt luật lệ Maisen, giải thích và hướng dẫn người ta vào đạo và sống đạo lý cha ông truyền lại. Họ nắm giữ chìa khoá hiểu biết sự thật, nhưng lại bóp méo lề luật và giam hãm người ta trong những thực hành bề ngoài. Còn bên trong phớt lờ, để tội lỗisự ác vẫn lộng hành. Thế nên, họ đóng cửa sự thật cho họ và từ chối nhận người khác vào.

Chúa Giêsu là Sự thật Thiên Chúa. Người là chìa khoá mở cửa vào Sự thật cho hết mọi người. Các ông luật sĩ và Pharisêu không dám nhìn vào sự thật của lòng mình và đời mình. Chúng ta nhiều khi cũng thế, né tránh sự thật, bởi sự thật luôn trách móc những tư tưởng và hành động của chúng ta.

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXVIII Thường Niên

Lc 12, 1-7

Đầu lễ:

“Thật thà là cha gian dối !”

Sự khôn ngoan ở đời thấy rõ điều này. Trong đời sống luân lý, đạo đức của môn đệ, của con cái Thiên Chúa, Chúa Giêsu lưu ý chúng ta đề phòng sự gian dối giả hình bề ngoài. Thiên Chúa yêu thích tâm hồn chân thật. Nếp sống ngay thẳng cao cấp, quý chuộng bội phần, đến độ mất mạng cũng phải sống thẳng sống ngay. Kẻ sống thật đáng là cha kẻ sống giả hình.

Giảng lễ:

Hôm nay Chúa dạy các môn đệ phải đề phòng men Pharisêu, tức tính giả hình. Đừng nghĩ giả hình chỉ liên quan tới một mình người sống giả hình. Nó như vi khuẩn, như nấm, như men lây lan nhanh lắm. Chỉ cần chút men thôi đủ làm dậy cả đống bột, nên nhất định phải đề phòng ảnh hưởng xấu lan rộng của thói sống giả hình, vốn là căn tính của biệt phái.

Mà giả hình là sống không thật, sống giấu diếm che đậy sự thật. Làm cho người khác nhìn từ bên ngoài bị lầm, hiểu sai về sự thật bên trong. Sự thật bên trong có khi là gian tham, độc ác mà bị lớp sơn giả hình che đậy.

I. Sự thật sẽ thắng.

Chúa Giêsu yêu mến các môn đệ với tình Cha con, tình Thầy trò ; nhưng có gì lại tâm tình thổ lộ với các ông như kẻ tâm phúc, nên còn gọi họ là bạn hữu. Bạn thì dễ nói thẳng, nói thật. Hơn thế, vì thân tín với các môn đệ là những người Chúa đang huấn luyện làm việc cho Chúa, cho sự nghiệp Nước Trời, nên Chúa Giêsu nhất định không muốn các ông lây nhiễm bệnh giả hình xấu xa của biệt phái. Nước Chúa không thể là mảnh đất màu mỡ cho giống mầm dối trá. Ơn Cứu độ không có chi bí mật phải giấu diếm. Tin Mừng đòi hỏi được rao giảng và công bố. Đời sống luân lý Kitô giáo là công khai cho mọi người, mọi dân tộc. Bởi vậy con cái Giáo Hội không gì phải e ngại sự thật đến nỗi sống không dám bộc lộ chân tướng. Vậy,

II. Hãy sống ngay sống thẳng, sống thật.

1. Lòng ngay dạ thẳng không sợ gì cả. Cây ngay không sợ chết đứng, nên Chúa dặn đừng sợ. Chẳng hạn học hành thi cử : nếu học thật, thi thật thì việc gì phải chạy điểm, chạy trường, chạy văn bằng. Rồi dẫn tới chứng chỉ dổm, văn bằng giả, tiến sĩ giả. Tiến sĩ giả đào tạo ra nhân tài thật và giỏi được không ? Chối bỏ thực lực, bám theo chỉ tiêu nên mới nâng cao thành tích để đạt mức khen và thưởng. Cuối cùng, chỉ là dối trá, dối lòng dối người. Một xã hội gồm toàn những con người sống gian dối, giả hình hậu quả sẽ thế nào ? Người sống ngay sống thật có thể bị trù dập, tẩy chay. Đừng sợ. Con cái Chúa, vì làm chứng cho sự thật, sẽ không sợ thành kẻ “lạc loài không giống ai” trong một xã hội đa phần là gian giảo đi nữa.

2. Sở dĩ biệt phái sống giả hình, vì họ vụ hình thức, bận tâm cái bề ngoài. Thích ngồi chỗ nhất danh giá, thích được trọng vọng vị nể là bậc thầy đạo đức trong dân. Thực tế, nội tâm rỗng tuếch, vì không xây dựng trên lòng mến Chúa, yêu người. Biệt phái không tin Đức Giêsu, cũng chẳng yêu ai nên mới tham ô của người khác, mới quàng gánh nặng lên vai lên cổ thiên hạ. Họ có che đậy cách mấy cái xấu xa của họ thì đến lúc nào đó cũng bị lộ ra qua lời nói và việc làm, qua cung cách sống và giao tiếp. Người Việt chúng ta thường nói: “Cây kim bọc trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra !” Không gì che giấu mà không bị tỏ lộ. Sống ngay sống thật không sợ những ẩn kín nhất trong con tim mình sẽ bị phanh phui.

3. Không gì ngăn cản được, sự thật sẽ phơi bày ra ánh sáng: Báo đăng một cô gái bị mất tích. Người ta suy đoán là cô bị giết chết, bị chôn vùi đâu đó mất dấu. Công an vào cuộc mười mấy năm bất lực, không tìm ra chứng tích và thủ phạm. Vụ án có thể là hình sự ấy dường như đi vào ngõ cụt và bị lãng quên… Bỗng một hôm người ta còng tay dắt về ngôi làng cô gái ở miền Trung một anh thanh niên là kỹ sư đang công tác xa tận miền cao nguyên Tây Bắc. Hoá ra trong khi đào móng một công trình, công nhân gặp một bộ xương người và từ đó, người ta lần ra đầu mối. Thủ phạm chính là người yêu xưa, suốt thời gian trước đã sống tốt bên ngoài, khéo che đậy đến độ không ai có thể nghi ngờ gì, ngay cả người nhà cô gái và dân chúng địa phương. Vụ án được lật lại…

4. Hãy làm chứng cho sự thật, mà không sợ chết. Đừng sợ gì, cũng đừng sợ ai cho dầu phải chết vì sự thật. Đó là đòi hỏi tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với môn đệ của Người, cũng là đối với Kitô hữu chúng ta, con cái Người. Cái chết đe doạ có thể làm chúng ta nhụt chí, khiếp sợ rồi đâm ra sống giả dối quanh co lượn lẹo. Nhưng Chúa bảo đừng sợ những kẻ giết được thân xác chúng con, mà không giết được linh hồn. Nếu sợ hãy kính sợ mình Thiên Chúa thôi: Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Đấng có thể giết chết, “ném vào hoả ngục”, và có thể ban cho sống, sống dồi dào. Đấng uy quyền và rất mực công thẳng, nên phải sợ ; nhưng không phải sợ hãi mà kính sợ, vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu, cứu độ, tha thứ. Thiên Chúa không bỏ qua điều gì xấu xa mà không xét xử, nhưng Ngài cũng không để sót không tính đến bất cứ điều gì tốt lành dù nhỏ nhoi đến đâu. Sợi tóc trên đầu Ngài còn kiểm soát biết đến, huống hồ con người quí giá bội phần. Con người công chính, sống ngay thẳng thật thà còn quí hơn. Dám liều chết mất mạng vì sự thật là tính cách ưu việt, là phẩm giá cao vời của nếp sống Kitô hữu, của môn đệ đích thực Chúa Kitô.

Chúng ta nghĩ sao? Thoả hiệp với thế gian, vì vị nể và sợ hậu quả mà sống giả hình gian dối hay vì tin vào sự thật, tình yêu và quyền năng Thiên Chúa mà sống ngay thẳng. Kitô hữu phải nhớ rằng lúc nàoở đâu mình cũng sống dưới ánh mắt của Thiên Chúa.

 

 



(1) Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam, với tước hiệu Nữ Vương các Thánh Tử đạo Việt Nam làm Bổn mạng, cũng tưởng niệm sự đau khổ của Đức Mẹ ban đầu vào ngày thứ 6 Tuần V Mùa Chay, tức thứ 6 sau Chúa Nhật Thương khó, nhưng nay đã dời sang ngày 15/9.

*  14 câu : đời ẩn dật Chúa Giêsu
     6 câu : đời công khai
   24 câu : tưởng nhớ tử nạn
     6 câu : nhớ khải  hoàn của Chúa và Đức Mẹ


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái