Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

 

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 1

DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM HUẾ

.Lưu hành nội bộ.

6.2006

    

Lời ngỏ

Đây là một số bài giảng lễ, đã trình bày trước hai cộng đoàn phụng vụ:

Qúi Thầy Đại Chủng Viện Huế và Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Ga 5, 17-23

Đầu lễ:

Chúng ta đã bước đi quá nửa hành trình Mùa Chay rồi. Giai đoạn này Mùa Chay không còn vang vọng âm hưởng những lời kêu gọi ăn chay, sám hối mạnh mẽ như những tuần trước đây, mà đang nói với chúng ta về Ơn Cứu Độ và niềm vui đến từ một Đấng Cứu Độ. Đấng ấy sẽ chết vì lý do nào để đem Ơn Cứu Độ lại cho chúng ta.

Giảng lễ:

Thực tình mà nói, người Do thái lên án Chúa Giêsu vì hai thứ tội chính:

1. Lỗi luật Sabat:

Không đơn thuần chỉ là phạm luật ngày hưu lễ, lỗi luật Đạo. Người Do thái cho rằng Đức Giêsu đã muốn phá đổ cả nền tế tự Do thái; nghĩa là Người chống lại Do thái giáo, đả phá luôn truyền thống Đạo cha ông để lại. Đang khi Do thái giáo lại là lý do thống nhất, là nền tảng duy nhất hóa cả dân tộc, gồm 12 chi tộc. Đánh đổ nền tế tự Do thái đồng nghĩa với phá hoại dân tộc.

Rõ ràng Đức Giêsu tuyên bố: “Cứ phá đổ Đền thờ (Giêrusalem) nầy đi, trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Người Do thái tự nhủ: phải chăng ông ta khinh mạn Yahvé, khinh mạn Đền thờ của Người và đòi thay thế bằng thứ “tôn giáo” của riêng mình? Thái độ nầy quả nguy hiểm!

Luật không cho chữa bệnh ngày lễ nghỉ. Vậy mà ông ta trong ngày đó đã chữa người bại liệt khỏi bệnh; còn dí dỏm khiêu khích ngầm: “Cha Ta hằng làm việc, nên Ta cũng làm việc luôn”. Luôn cả ngày Sabat!

2. Lộng ngôn phạm thượng:

Đức Giêsu đòi ngang hàng với Thiên Chúa, không chỉ khi coi Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là Cha mình, mà còn dám bảo “Cha Ta với Ta là một”.

Hơn nữa, Người còn hành động như Thiên Chúa: Đức Giêsu tha tội cho người bại liệt, rồi chữa lành cho anh luôn sau đó, để minh chứng cho quyền tha tội của mình. Trong Cựu Ước, rõ ràng chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền nầy (x.Tv 103,3; Is 43,25). Nhưng Đức Giêsu vẫn khẳng định: “Điều gì Cha làm, thì con cũng làm như vậy” (Ga 5,19). Uy quyền tiếp theo mà Đức Giêsu chứng tỏ là có thể làm cho kẻ chết sống lại. Chúng ta quá biết các vụ con trai bà góa Naim chỗi dậy từ trong quan tài, con gái ông Yairô sống lại và chàng Lazarô từ cõi chết hồi sinh. Nên bệnh mà được chữa khỏi xem ra là chuyện nhỏ. Chính khi tỏ ra mình có quyền trên sự sống và sự chết, Đức Giêsu cho thấy Người thực sự nắm cái quyền vốn thuộc về Đấng Tạo Hóa, là quyền sinh sát muôn loài. “Chúa Cha làm cho kẻ chết chỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì Người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý” (c. 21). Hơn nữa, Đức Giêsu còn nhận cho mình quyền xét xử thiên hạ và khẳng quyết mình xét xử luôn công minh, đúng ý Thiên Chúa. “Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính Con như tôn kính Cha” (c. 22- 23).

Đối với người Do thái, khi chưa tin nổi hay không tin Đức Giêsu là Thiên Chúa thật có quyền tha tội, có quyền sinh sát và xét xử nữa, thì chuyện kết án Người là lộng ngôn, phạm thượng là hiển nhiên.

Riêng phía Đức Giêsu, Người có ý chứng minh mình là Đấng Cứu Độ, là Thiên Chúa thật. Từ chối tôn vinh Người là từ chối tôn vinh Thiên Chúa.

Muốn hưởng Ơn Cứu Độ: phải hợp tác với Đức Kitô. Làm bản hợp đồng mà phía đối tác là chúng ta, vốn liếng bỏ ra chỉ là tin Người là Đấng Cứu Độ. Tin tuyệt đối và trọn vẹn.

Thứ Năm sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Ga 5, 31-47

Đầu lễ:

Lời lẽ của Đức Giêsu hôm nay như một lời than phiền trách móc, hay đúng hơn như một lời tố cáo, hay mạnh hơn nữa như một lời buộc tội những người Do thái cứng lòng tin vào Người là Đấng Cứu Độ họ. Không những không tin, họ thực sự còn muốn triệt tiêu Người. Đó là lý do đưa đến cái chết của Đức Giêsu diễn ra trong Tuần Thánh.

Đối chiếu vào bản thân chúng ta, đón nhận và hưởng Ơn Cứu Độ, hay từ khước để phải trầm luân, hoàn toàn tùy thuộc vào mức độ lòng tin của chúng ta nơi Đức Giêsu. Chính thế giá chân chính của Thiên Chúa, chính công việc của Đức Giêsu đã thực hiện, chính Thánh Kinh là Lời linh hứng của Thiên Chúa có đủ khơi dậy đức tin và tình yêu Chúa Giêsu nơi chúng ta không?

Giảng lễ:

“Tôi biết rõ các ông, Tôi biết rõ lòng các ông không tin Tôi”. Đức Giêsu nói thẳng với người Do thái như thế. Bởi vậy, Đức Giêsu không muốn tự đứng ra làm chứng về mình. “Các ông không tin Tôi, thì sao tin Lời chứng của Tôi là thật được! Sẽ có người khác làm chứng về Tôi. Người khác là ai?

a.Trước hết là Gioan Tẩy Giả

Người Do thái tin ông này. Từ quan chí dân, lính tráng, thương gia, mọi hạng người chạy đến với Gioan, nghe lời ông giảng, sám hối và lãnh phép rửa của ông.

Thế nhưng, chính Gioan tuyên bố: “Tôi không phải là Đức Kitô, Đấng đến sau tôi, lớn hơn tôi, có trước tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Tôi phải bé đi để Người tỏ mình cho Israel...”. Chúa Giêsu xác nhận lời chứng của Gioan là sự thật. Nhưng cũng vì làm chứng cho sự thật, mà Gioan mất đầu. (Ta nhớ lại vụ Gioan can ngăn vua không được lấy vợ anh mình và ông bị mất đầu, vì vua trót hứa với con gái của bà Hêrôđia).

Gioan là ngọn đèn chói sáng, uy tín như vậy. Nhưng Đức Giêsu bảo thực ra Người cũng không cần lời chứng của một phàm nhân. Người chỉ nhắc lại như chứng cớ, để nếu suy nghĩ lại, người Do thái sẽ được hưởng Ơn Cứu Độ thôi.

b. Thế giá thứ hai cao cả hơn Gioan nhiều: đó là chứng của Chúa Cha.

Chúa Cha sai Chúa Giêsu xuống trần thi hành việc cứu thế nên Người đứng ra làm chứng cho Chúa Giêsu. “Con là Con chí ái Ta, kẻ Ta sủng mộ” ngay từ khi bắt đầu cuộc đời công khai. Rồi không ai có quyền và cũng chẳng ai có thể làm được công việc của Thiên Chúa, nếu Người không ban cho. Thế mà Đức Giêsu bảo - như Phúc Âm hôm qua chúng ta đã nghe - “Tôi không tự mình làm điều gì, mà đã không thấy Chúa Cha làm. Cha làm sao, Tôi làm như vậy”.

Việc của Chúa Cha là việc của Tạo Hóa: tha tội, cho kẻ chết chỗi dậy, ban sự sống cho họ. Người Do thái không nghe tiếng Chúa Cha, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người; nhưng họ tin vào Thánh Kinh Cựu Ước, tin vào Môsê. Công việc cứu thế ấy Chúa Giêsu đã làm: không những người cứu chữa mọi người bệnh tật, tha tội, còn làm cho hồi sinh được v.v… Những việc đó đủ làm chứng rằng Người từ Chúa Cha mà đến và Cha đã sai Người.

Tiếc thay… người Do thái một mực không tin, cho dù có lúc họ thán phục các phép lạ Người làm và thần phục Lời Người dạy dỗ như  Đấng có uy quyền.

c. Thế giá thứ ba làm chứng về Chúa Giêsu là Thánh Kinh.

Người Do thái tin vào Thánh Kinh Cựu Ước. Tin vào một Đấng Mêsia cứu thế. Thánh Kinh đã làm chứng về Đấng ấy là Thiên Sai, với sứ mạng cứu thế, nghĩa là giải thoát và ban sự sống đời đời. Tất cả Thánh Kinh Cựu ước đều qui về Đức Kitô, làm chứng về Người. Nhưng họ không tin, cũng chẳng muốn đến cùng Người để được sự sống.

d. Thế giá thứ tư làm chứng về Chúa Giêsu là Môsê.

Ông này là nhà lãnh đạo thế giá của cha ông người Do thái. Họ không thể phủ nhận uy tín và tầm vóc vĩ đại của Môsê. Vậy mà Môsê đã viết và làm chứng về Đức Giêsu. Trong Tân Ước, chúng ta thấy chính ông - đại diện luật pháp và cả Êlia, đại diện các tiên tri nữa - đã hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu và làm chứng về công cuộc cứu thế của Đức Giêsu. Thế mà người Do thái vẫn chai lì không tin.

Kết:  Chúa Giêsu chẳng thèm tố cáo họ với Chúa Cha. Người tố cáo sẽ là Môsê, chính kẻ họ ngưỡng mộ. Họ cũng chẳng yêu mến Thiên Chúa, bởi nếu yêu mến Thiên Chúa thì đã tin vào Lời Thiên Chúa măc khải trong Thánh Kinh và tin vào Đức Giêsu... Mỉa mai thay, họ dễ tin người đời!

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Ga 7, 1-2.10.25-30

Đầu lễ:

Chúa Nhật IV Mùa Chay được sử dụng áo lễ màu hồng, vì tuần lễ nầy muốn loan báo Niềm Vui Ơn Cứu Độ. Nhưng khi giới thiệu Đấng Cứu Thế, Phụng Vụ cũng cho thấy những lý do dẫn đến cái chết của Người. Có một lý do đặc biệt khiến người Do thái không tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Cứu Tinh của họ. Chúng ta lắng nghe Lời Chúa và để ý xem đó là lý do gì.

Giảng lễ:

1. Điều gì khiến người Do thái khó tin, khó chấp nhận Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Thiên Sai cứu thế được xức dầu. Phải chăng họ vấp phải tảng đá ngầm: đánh giá Người dựa trên hồ sơ lý lịch, thế giá ở đời. Mà dựa trên ấy thì dễ hụt hẫng, dễ thất vọng: bởi ai cũng biết nào ở Nagiarét có cái gì hay, có cái gì tốt đâu? Nơi “khỉ ho cò gáy” ấy sao sản sinh ra được bậc vĩ nhân?

2. Có lẽ thời nay, tâm lý và đầu óc chúng ta cũng chẳng thay đổi gì so với người Do thái xưa: Cũng khó tin, khó chấp nhận ai đó hay ý kiến của họ, vì căn cứ vào nguồn gốc lý lịch quá rõ, quá tầm thường của họ. Chúng ta cho rằng chúng ta sống cùng thời, nắm rất vững và hiểu rõ hoàn cảnh xuất thân và ngọn nguồn cha mẹ của họ.

Ngược lại, ta dễ nể, dễ kính, dễ tin nghe ai đó mà thân thế sự nghiệp, lai lịch nguồn gốc thuộc “hạng cao cấp” như giàu có, địa vị thế giá, bằng cấp khoa bảng hay làm ăn phát tài, đi đứng dõng tướng.

3. Thực ra, đó là một căn bệnh “u ám mê muội”, khiến người Do thái đánh mất cái nhìn trong sáng và nhận thức nhạy bén: họ không thấy được ở nơi Đức Giêsu phàm nhân một Đức Giêsu khác “song hành” mang chiều kích Thiên Chúa. Cho dù Đức Giêsu có khản cổ yêu cầu các ông hãy tin Tôi đi: “Cha là Đấng đã sai Tôi, là Đấng chân thật. Tôi tự nơi Người mà đến, Tôi biết Người và chính Người đã sai tôi. Tôi đâu tự mình mà đến”.

Đã không tin, thì cũng chẳng muốn nghe, nên lời lẽ của Đức Giêsu cũng dễ bị gác bỏ ngoài tai. Người Do thái là vậy.

4. Chúng ta nay biết rất ít về Chúa Kitô, ngoại trừ giáo huấn của Người còn để lại trong Phúc Âm. Tuy nhiên, chúng ta có dễ dàng vấp phạm vì giáo huấn ấy không? Nhiều khi thấy giáo huấn của Người quá đơn giản, trong sáng, có người còn dám bảo là thấp tè tè mặt đất đến độ thất vọng. Bởi Người đâu có muốn triết lý cao siêu; đâu đòi hỏi những điều khó khăn phi thường khiến chúng ta không giữ không noi theo được.

5. Cũng vậy, đôi khi chúng ta dễ thất vọng vì Hội Thánh:

Sao Hội Thánh cứng ngắc, cổ hủ trong lập trường, trong chủ trương đường lối, trong lời dạy? Và do đó, chúng ta dễ hoài nghi Hội Thánh của Chúa Kitô “là Bí tích cứu độ”... để chạy theo học thuyết trào lưu mới lạ, mang dáng dấp cấp tiến, thoáng đãng, tiến bộ. Nhưng thực ra lại hết sức “thế gian” và chẳng có tí chất Phúc Âm nào cả; nghĩa là không đến từ Thiên Chúa, nên cũng chẳng có sức cứu độ ai.

6. Đức Giêsu đã đóng đinh cái khuynh hướng ấy vào thập giá, để chân tuớng Thiên Chúa Cứu Độ của Người được tỏ hiện. Viên sĩ quan ngoại đạo thi hành án tử cho Người, trong một phút chốc nhìn lên Thánh giá, đã phải thốt lên: “Đúng thật, ông nầy là người công chính”. Nghĩa là Đấng mà người Do thái từ chối không tin là Cứu Thế, giờ lộ diện chân tướng ấy. Ông ta nói phải; ông ta công chính; ông ta đúng là Đấng Cứu Thế như đã yêu cầu tin tưởng và là Đấng mà Chúa Cha sai đến cho người Do thái và cho cả nhân loại chúng ta.

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Ga 7, 40- 53

Đầu lễ:

Ơn Cứu Độ và niềm tin vào Chúa Giêsu trở thành cao trào vào cuối tuần này. Ngưòi ta có thể vì tin hay không tin vào Chúa Giêsu, về cùng phe hay chống đối lại Đức Giêsu mà đâm ra chia rẽ nhau. Nhưng trong đức tin, ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu rỗi. Tin vào Chúa Giêsu, ta dám kiên trì hay bỏ cuộc ? Đức tin một khi đã quyết, luôn phải trả giá; cái giá ấy là vì Chúa dám lội ngược dòng với người khác.

Giảng lễ:

1. Chia rẽ vì Chúa Giêsu là một sự kiện có thực không những từ xa xưa, thời Chúa Giêsu, mà còn kéo dài tới ngày nay, với mức độ đáng lưu ý.

Thời trước, dân chúng bình dân nhận xét đánh giá Chúa Giêsu khác hẳn giới lãnh đạo, các Thượng tế và Biệt phái. Dân nghe Lời Chúa Giêsu giảng, chứng kiến các phép lạ khác nhau Chúa Giêsu làm thì thán phục. Họ cho Chúa Giêsu hoặc là một tiên tri, hoặc là Đấng Kitô. Nhưng kiểm tra lại trong Thánh Kinh thì Đấng Kitô phải xuất thân từ dòng dõi vua Đavit và từ Bêlem, làng của vua, chứ không từ Galilê. Mà Chúa Giêsu lại được coi như người làng Nagiaret, xứ Galilê, nên dân đâm ra chia rẽ. Dầu sao họ còn tin vào Chúa Giêsu và đề cao Người.

Ngược lại, hàng ngũ lãnh đạo, hay giới Pharisiêu chẳng ai tin vào Người. Có cảm tình với Chúa Giêsu, Nicôđêmô, là một người Biệt Phái, ở vào trường hợp hiếm hoi. Tin còn không, lấy đâu ra chuyện đề cao Người, cho dù không biết bao lần họ được phúc mục kích các phép lạ Chúa làm và nghe Lời Chúa giảng. Họ theo dõi Chúa chỉ để bắt bẻ Người phạm luật. Mà nói đến luật pháp ai còn rành hơn họ?

Thời nay, ngay tại Giêrusalem trong thánh đường có mộ Chúa Giêsu, những con người xưng mình thuộc về Đức Kitô vẫn còn tranh chấp nhau từng mảnh đất. Và ai dám đặt chân lên mảnh đất không thuộc tôn giáo mình, sẽ lập tức được trả về đúng chỗ cho trật tự.

2. Còn Chúa Giêsu, chính Người đã nói trước: “Ta đến để đem gươm giáo, để chia rẽ con trai với cha, con gái với mẹ và nàng dâu với mẹ chồng”. Tức là ngay từ nội bộ, người trong một nhà có thể không cùng lập trường, chia rẽ, khác biệt nhau về Chúa Kitô. Hoặc theo Người hoặc chống lại Người. Không có thái độ lừng chừng “nửa nạc nửa mỡ”.

3. Muốn tin và thuộc về Đức Kitô, cần từ bỏ những lý lẽ của lý trí. Chính những người bé mọn, khiêm nhường dễ thích ứng hơn với giáo lý và đòi hỏi của sứ điệp Đức Giêsu, lại dễ thâm nhập vào mầu nhiệm của Người. Dường như con tim của họ mẫn cảm và dễ mách bảo điều gì cùng cung nhịp rung cảm với trái tim Chúa Giêsu. Rốt cuộc, cả những vệ binh lo việc giữ gìn trật tự công cộng là những người ít học, nhưng lại có những suy nghĩ đúng và sáng suốt về Đức Giêsu: “Xưa nay chưa từng có ai ăn nói như ông ấy”. Nhận xét chân thành, nhưng quá sáng suốt và phải lẽ này đã gây nhức nhối cho những biệt phái, khiến họ phản ứng bực tức, lồng lộn lên: “Các anh bị mê hoặc rồi sao?”

Vậy thì ai mê ai tỉnh, ai dại ai khôn khi tin vào Đức Giêsu? Mãi mãi Người là dấu chỉ chia rẽ và chống đối giữa các hạng người. Nhưng kẻ tin, như Pascal nói, phải chịu đựng chấp nhận, chịu hấp hối cùng với Đức Giêsu cho đến thời sau cùng, chân lý sự thật sẽ hiển tỏ.

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 8, 1-11

1. Cái chết Cứu độ của Chúa là cái chết sinh hoa kết trái.“Hạt lúa mì chết đi sẽ sinh nhiều bông hạt khác”. Một trong những hoa trái của ơn Cứu độ là lòng nhân từ khoan dung tha thứ tội khiên của Chúa.

2. Hôm nay, ta thấy Đức Giêsu tha thứ một cách nhẹ nhàng tội lỗi của người phụ nữ ngoại tình. Đang khi những người khác - họ là đại diện cho chúng ta - lại muốn tố cáo chị cách nhục nhã; xỉ vả bôi nhọ chị cách công khai.

Chúng ta xưa nay vốn có thói quen xoi mói cách tàn nhẫn lương tâm và cách sống của người khác, dường như muốn bắt họ phải nhìn nhận sự yếu kém, hèn hạ, với bao tội vạ của họ. Vậy mà chỉ cần bình tâm xét mình, chúng ta sẽ thấy ngượng nghịu xấu hổ, đến độ chỉ còn nước cắm mặt rút lui…

3. “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đấy ơn phúc Cứu độ không thiếu”. Hãy vững tin như thế và hãy sám hối về những gì trong ta nghịch lại với lòng nhân từ xót thương, thứ tha của Chúa.

4. Thánh lễ bây giờ được dâng cầu cho linh hồn Giuse, một người thân của một Thầy trong chúng ta mới qua đời. Xin Chúa thương cứu vớt, vì sự sống đời đời vốn chính là hoa trái của Ơn Cứu độ.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 8, 21-30

Đầu lễ:

Có khám phá ra các chiều kích khác nhau của Ơn Cứu Độ, chúng ta mới hiểu được giá trị cao vời của cái chết của Đức Kitô và hết lòng khâm phục, tin tưởng nơi Người, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Đức tin mở ra kho tàng Ân Sủng Cứu Độ. Những anh em Tin Lành vẫn nhấn mạnh điểm này. Còn Đức Giêsu: “Các ông không tin Tôi, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết”. Đức tin là điều kiện để ta xứng hưởng nhận sự sống đời đời là hoa trái của Ơn Cứu Độ.

Giảng lễ:

“Nếu các ông không tin” ... và giả như chúng ta ngày nay vẫn không tin thì sao?

Thì sao? Thì ăn phải đũa của mấy ông biệt phái xưa kia kiêu căng, nhưng hẹp hòi và cứng lòng. Cứng lòng để phải chết đi trong tội.

1. Bài Tin Mừng hôm nay là một trình thuật đầy sắc màu nghịch lý:

Một bên là Chúa Giêsu, một bên là Biệt phái Do thái; và cũng thế, nếu chúng ta lần ngược về một chuỗi những bài Tin Mừng theo Gioan tuần trước đây. Chúa Giêsu ra đi, nhưng không đi tự tử, mà bị kết án là kẻ tội lỗi và bị giết chết. Đang khi các Biệt phái rành rọt luật đạo, sống đạo đức nêu gương cho dân, Đức Giêsu lại bảo là sẽ chết khi còn mang tội nơi mình.

Khi các ông giương cao Tôi lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu. Nghĩa là Tôi không chết, vẫn sống, sống mãi; nhưng đi vào vinh quang trên trời, trở về với Cha Tôi Đấng đã sai Tôi và Người vẫn ở với Tôi. Tôi không thuộc thế gian này, bởi Tôi từ thượng giới, từ Thiên Chúa mà đến. Tôi nói những điều Cha Tôi đã dạy, làm những điều Cha Tôi đã làm. Tôi không tự mình làm điều gì; Cha Tôi làm sao, Tôi làm như vậy. Tôi hành động như Thiên Chúa Tạo Hóa: tha tội, ban sự sống và còn xét xử muôn dân. Trong khi các ông vẫn sống ở dưới đất, bởi các ông từ hạ giới mà ra. Các ông không tin Tôi Hằng Hữu, nên tội còn ở trong các ông và các ông sẽ chết đi trong tội.

Tôi không tự đứng ra làm chứng về mình. Đã có Gioan Tẩy Giả. Từ quan chí dân các ông đã chạy đến với Gioan, nghe lời ông giảng, sám hối và chịu phép rửa của ông. Thế nhưng, Gioan bảo “tôi không phải là Đức Kitô. Đấng đến sau tôi, có trước tôi, lớn hơn tôi, tôi không đáng cởi dây giày Người....” Vậy mà các ông đâu tin lời chứng của Gioan Tẩy Giả là sự thật? Các ông lại đã lấy đầu của Gioan, cũng vì sự thật ông đã làm chứng.

Các ông cũng chẳng muốn tin vào chứng của Chúa Cha. Sai Tôi xuống trần thi hành việc cứu thế, ngay từ buổi đầu đời công khai của Tôi, Thiên Chúa đã làm chứng về Tôi: “Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, hãy nghe Lời Người”. Các ông chưa bao giờ thấy tôn nhan Thiên Chúa, chưa bao giờ nghe tiếng Người, các ông chẳng muốn giữ Lời Người trong Thánh Kinh, vì các ông đâu có tin Tôi là Lời Người được sai đến...

Các ông nghiên cứu Thánh Kinh nghĩ rằng, sẽ tìm trong đó sự sống đời đời. Chính Thánh Kinh lại làm chứng về Tôi. Các ông không muốn đến cùng Tôi để được sống. Các ông không thể phủ nhận thế giá uy tín và tầm vóc vĩ đại của Môsê, tổ phụ cha ông chúng ta. Nhưng nếu các ông tin ông Môsê, hẳn các ông sẽ tin Tôi. Bởi lẽ ông ấy đã viết và làm chứng về Tôi (cùng với ông Êlia nữa). Tôi không thèm tố cáo các ông với Chúa Cha. Chính Môsê, kẻ các ông ngưỡng mộ, sẽ tố cáo lại các ông.

2. Giả sử ngày nay chúng ta vẫn không tin Đức Giêsu thì sao?

Nên nhớ ánh sáng leo lét của lý trí không thể soi sáng mọi mặt về Chân tính của Người.

Muốn tin, cần bắt lý lẽ của lý trí tuân phục lý lẽ của đức tin. Tận hố sâu của sự vùi dập là khổ nhục Thập giá của Đức Kitô, là cái chết ô nhục, nhưng từ đó vẫn mọc lên Thánh giá vinh quang đem lại Ơn Cứu Độ đầy hân hoan. Chúng ta có tự cứu nổi mình và cứu được người khác trong tột độ của niềm tự hào kiêu ngạo, ỷ vào mình không?

Không tin, tức muốn Đức Giêsu biến tan thành mây khói, thì nay lại thấy Người trở thành vị Thiên Chúa tối thượng thế giới đang tìm kiếm, sau khi người Do thái tuyên bố Đức Giêsu đã chết rồi.

Không tin Đức Kitô của Thiên Chúa, thì cũng sẽ không tin Thiên Chúa của Đức Kitô, và mất luôn sự sống người ban cho. Chúng ta sẽ nặn ra cho mình những Thượng đế khác: những ngẫu tượng đủ loại, vì chẳng thể nào sống mà không có Thượng Đế.

Nếu Thiên Chúa của mạc khải bị vùi lấp đi, thì việc sùng bái con người sẽ lên ngôi: tranh ảnh tài tử, ngôi sao điện ảnh, thể thao, ca nhạc đang thay dần chỗ cho ảnh tượng thánh. Chúng ta thờ quấy thờ tà, một thứ “loạn luân” trong đức thờ phượng với đủ mọi loại mê tín. Đó sẽ là một thế gian giàu có sự nghèo nàn và phô trương trống vắng.

“Các ông sẽ chết trong tội các ông”. Có tới 3 lần Đức Giêsu khẳng định như thế trong cùng bài Tin mừng ngắn ngủi hôm nay.

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 8, 31-42

Đầu lễ:

 Mấy ngày nay chúng ta đề cập tới Hoa Trái của Ơn Cứu Độ. Một trong những hoa trái ấy nữa là biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa, con cái sự tự do đích thực thay vì làm nô lệ cho sự tội. Đó là nội dung của Tin Mừng hôm nay.

Muốn được vậy, hãy tin vào Chúa Giêsu, đồng nghĩa với tin vào Lời Người. Lời ấy đưa chúng ta vào sự thật của Thiên Chúa, sự thật giải phóng chúng ta.

Người Do thái có tự hào mình là con dòng cháu giống Abraham đi nữa, thì vẫn ở dưới quyền lực của tội, vì vẫn thuộc về dòng giống loài người đã sa ngã phạm tội. Có chăng là hãy tự hào vì Abraham là con người biết tin, biết nghe Lời Thiên Chúa.

Chúng ta hãy học biết nghe Lời Đức Giêsu và hãy xin lỗi Chúa về tất cả những gì trong ta đã làm lu mờ hình ảnh con cái Thiên Chúa.

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 8, 51-59

Đầu lễ:

Tuần lễ liền trước Tuần Thánh có thói quen gọi là Tuần lễ ném đá, bởi vì các xung đột giữa người Do thái và Đức Giêsu đã lên tới cao trào. Họ muốn lượm đá để ném, để giết Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu vẫn không thối lui. Người muốn vâng theo thánh ý Chúa Cha cho đến chết, để chúng ta cũng biết vâng lời Thiên Chúa mà được sống.

Giảng lễ:

"Ai giữ Lời Tôi, sẽ không bao giờ phải chết".

1. Trong một xã hội có cơ cấu, chúng ta luôn phải thực hiện và sống theo các bản hợp đồng. Dài hạn như hợp đồng hôn nhân; ngắn hạn như hợp đồng mua bán. Dạng hợp đồng nào cũng đòi hai bên đối tác phải tôn trọng nội dung bản hợp đồng, tức ràng buộc với những lời cam kết, tuân giữ lời hứa sau khi hạ bút ký.

Điều đó trong quan hệ xã hội ta gọi là chữ Tín. Lơ là quên lãng, hay cố tình bỏ qua đều để lại những hậu quả có khi rất nghiêm trọng trong cuộc sống.

2. Trong lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã vào cuộc ký kết nhiều giao ước, mà lòng trung tín giữ lời hứa - cam kết trở thành luật tối thượng.

Abraham đáp lại tiếng Chúa gọi, lên đường. Ông tin và giữ lời giao ước với Đức Chúa. Nên Chúa giao ước đã ban cho ông dòng dõi đông đảo, quê hương thanh tú.

Môsê và toàn dân Israel đã ký kết giao ước Sinai, để khi họ tuân giữ giao ước và thánh chỉ, Chúa sẽ mãi là Chúa của dân, hộ phù dân và dân là thần dân của Chúa. Dân được che chở, được sống nhờ Chúa.

Đức Giêsu còn thi hành Lời Thiên Chúa triệt để hơn nữa, đến độ đã bỏ mạng vì vâng nghe theo thánh ý Chúa Cha. Người đã nhận thành quả vĩ đại của giao ước mới ký kết trong máu mình là Ơn cứu sống một đoàn dân mới đông đảo và sắm được Quê hương Thiên đàng.

Abraham, Môsê đã giữ Lời Thiên Chúa, trung tín vơí giao ước. Về phía Thiên Chúa, tác giả Thánh vịnh nói: “Chúa ghi nhớ giao ước Người đến muôn đời”. Thế nhưng, người Do thái - dòng dõi Abraham, Môsê, đứa con thừa tự lời hứa - lại không bắt chước Abraham, Môsê, không giữ Lời Thiên Chúa. Do đó mà vận mạng dân tộc đã trải qua bao điêu linh khốn khổ, tan tác vì mất Nước và lưu đày.

3.Hôm nay, Đức Giêsu trước những ngày bước vào Tuần Tử nạn, vì trung thành tuân giữ thực thi thánh ý Chúa Cha, đã nhắc lại cho người Do thái, cho người Biệt phái và cho cả chúng ta: để được sống phải trung tín, phải tuân giữ Lời Thiên Chúa.

Qua phép rửa, qua hợp đồng ấy, chúng ta trở thành Con Thiên Chúa và ràng buộc với Thiên Chúa, bằng cách tuân giữ lề luật, thực thi thánh ý. Chúng ta chết đi cho tội lỗi và sống lại, được sống dồi dào trong Đức Kitô. Trở thành Kitô hữu chúng ta phải vâng nghe Lời Người, vì Người là Lời Thiên Chúa nhập thể cứu độ.

Đức Giêsu đã nêu gương tuân giữ Lời Thiên Chúa: “Cha Tôi, Đấng các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người (Ga 8, 54b-55). Các ông chẳng thấy tôn nhan Người, các ông không giữ Lời Người trong lòng (Ga 5,38). Còn Tôi, Tôi biết Người và Tôi giữ Lời Người” (Ga 8, 55b).

Người Do thái cho Đức Giêsu là bị quỷ ám, hay điên khùng. Đúng Người điên khùng vì trung tín, vì vâng theo Thánh ý Cha đến chết. Sự điên khùng của Thập giá ấy đã đem lại sự sống đời đời cho muôn người. Đang khi sự không vâng lời Thiên Chúa của Ađam cũ đã kéo theo sự chết.

Abraham, vị Tổ Phụ ngày trước, là con người biết vâng Lời Thiên Chúa. Ông biết nhìn về phía trước, trông ngóng “Ngày của Đức Giêsu đến”, ngày Người hoàn tất sự vâng Lời Thiên Chúa trên Thập giá. Và ông đã thấy trước thành quả của sự vâng Thánh ý Thiên Chúa đó của Đức Giêsu, nên ông vui mừng hân hoan. Bởi Đức Giêsu đến hoàn thành mọi Lời Thiên Chúa đã hứa cho các Tổ phụ dân Do thái.

Phải chăng vâng giữ Lời Thiên Chúa là chìa khóa mở cửa sự sống cho chúng ta? Đức Giêsu đã dạy: “Ai giữ Lời Tôi, sẽ không phải chết!”.

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 10, 31-42

Đầu lễ:

Khi xung đột đã lên đỉnh điểm, người Do Thái nhặt đá ném Chúa Giêsu và muốn bắt Người, nhưng Người thoát hiểm vì chưa đến “giờ của Người”. Dầu sao, bài sách Giêrêmia cho thấy làn sóng tố cáo đã dâng cao mạnh mẽ và bài Tin Mừng theo Gioan cho biết một trong những lý do quan trọng người Do thái lên án, kết tội Đức Giêsu là phạm thượng, đòi ngang hàng Thiên Chúa. Một tội chỉ có cửa tử, mà không còn lối thoát. Về phần chúng con, lạy Chúa, những tội lỗi nào khiến Chúa phải lãnh án tử? Xin Chúa thứ tha.

Giảng lễ:

Đã đến lúc người Do thái bộc lộ thẳng thừng ý định giết Đức Giêsu, với lý do rõ rệt kèm theo: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì việc tốt ông làm, nhưng vì lời nói phạm thượng của ông: là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”.

Đức Giêsu thừa sức đối đáp với họ. Người dựa trên thế giá của Thánh Kinh mà người Do thái vốn tin hết lòng và trên chính việc làm của Người, điều họ muốn gạt sang một bên, vì khó phủ nhận được giá trị tốt lành và còn độc đáo nữa.

1. Trước hết, các ông bảo tôi là người phàm mà tự cho mình là Thiên Chúa ư ? Các ông tin vào Thánh Kinh không sai lầm, không thể hủy bỏ. Vậy mà luật lệ của các ông trong Thánh Kinh làm chứng rằng phàm nhân vẫn được tôn phong lên hàng Thần Thánh. Chẳng hạn trong Xuất Hành 7, 1 : Giavê nói với Môsê : “Ta cho ngươi làm thần trên Pharaô” (chỉ vì Chúa sai Môsê đi nói với Pharaô, Vua Ai Cập, những điều Chúa đã phán với ông, mà ông không chịu cho rằng ông cứng lưỡi cứng miệng làm sao Pharaô nghe ông). Rồi trong Xuất Hành 4, 16 cũng luận điệu từ chối ấy, khi Chúa sai Môsê đi nói Lời Chúa với dân. Chúa nổi giận mắng ông, nhưng rồi lại chiều ông, chọn Aharon anh ông, làm phát ngôn viên thay ông, mà vẫn tôn ông lên như là Thiên Chúa cả đối với Aharon.

Hay như lời Thánh Vịnh 82, 6 nói về các Vua Chúa, các thẩm phán Israel, liệt họ vào hạng "Thần" cả. Không phải vì họ thánh thiêng gì, nhưng vì nơi họ, Lời Thiên Chúa được thi thố ra. Còn nơi Chúa Giêsu hơn thế vô cùng: Chúa Giêsu là Lời Thiên Chúa đã hiện thân. Người là chính Thiên Chúa đang nói với họ qua lốt người phàm. Người duy nhất với Cha: “Cha trong Ta, Ta trong Cha” (Ga 10, 38), “Cha với Ta là một” (Ga 10, 30).

2. Nếu các ngươi không tin lời Ta, tức không tin vào chính Ta, các ngươi vẫn có thể nhìn, nhận xét, đánh giá việc Ta làm. Những công việc ấy đủ làm chứng Ta là ai.

Ta không làm những việc chỉ là tốt lành cho mọi người, như chữa người mù, câm, điếc, cùi, quỷ ám và đủ loại bệnh tật là những việc chỉ quyền năng Thiên Chúa (Xh 4, 11); nhưng còn làm chính những công việc của Thiên Chúa các ngươi, những công việc không phàm nhân nào làm nổi và không được quyền làm thế: là tha tội cứu sống. Ta tha tội cho người bại liệt và chữa lành anh luôn (Mc 2, 1-12), làm bằng chứng Ta ngang hàng Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Ơn Cứu Độ bao trùm cả hồn và xác. (Quả thực, trong Thánh Vịnh 103, 3, chỉ Giavê mới là Đấng tha thứ mọi tội lỗi, chữa mọi tật nguyền, cứu sinh mạng khỏi hố sâu, cho no đầy hạnh phúc, kể cả làm hồi xuân. Trong Is 43, 25: "Cũng chính Ta (Giavê) Đấng xóa tội ngươi phạm. Vì Ta, chứ không vì lễ tế các ngươi và các lỗi lầm của các ngươi Ta không còn nhớ".

Chúa Giêsu chứng tỏ Người hơn hẳn các vị lang y chữa bệnh thông thường và nổi danh thời ấy. Quyền tha tội của Người là quyền siêu nhiên, thiêng liêng, thần linh. Quyền thuộc về Thiên Chúa. Ai thi hành quyền ấy, thực là Thiên Chúa.

Hơn nữa việc tha tội, theo các tiên tri loan báo, còn là dấu chỉ thời kỳ cứu độ (Gr 31, 33-34. Ez 36, 25-29). Là hành vi nền tảng của Ơn Cứu Độ, trọng tâm Giao ước mới (ký kết bằng máu, để đem lại ơn tha tội). Việc tha tội lẽ ra làm ở Đền thờ Giêrusalem với lễ "hiến dâng để tha tội" (Lv 6, 17-23): cách người Do thái vẫn làm để cầu ơn tha tội. Chúa Giêsu vừa là Đấng tha tội, vừa là Đền thờ. Người làm ở đâu chả được, bất cứ lúc nào và nơi nào Người muốn.

Rồi Người còn cho con trai bà góa Naim chỗi dậy từ trong quan tài, con gái ông Giairô sống lại (Lc 8,49-56), Lazarô từ cõi chết hồi sinh, (và sau nầy cả phục sinh chính mình). Đức Giêsu nắm quyền sinh tử của Tạo Hóa trong tay. Người làm chủ sự sống và sự chết. Người ban sự sống cho kẻ đã chết: "Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống!Nguồn mạch sự sống là chính Ngươi. Sự việc này cũng kín đáo mạc khải Người là Mêsia : Vị Cứu Tinh Israel đợi trông. Ơn Phục Sinh không chỉ dành cho nhân loại tội lỗi đã chết đi trong tội ; nhưng tiên vàn cho thấy niềm khao khát của Êzêkiel 37, 1-14 về một Israel, một dân tộc đã chết được hồi sinh chỗi dậy từ đống xương khô là thật. Riêng cái vụ Chúa Giêsu cho đứa con trai bà góa Naim chỗi dậy từ trong quan tài, Lc 7, 11-17 mô tả và nhìn nhận đó là dấu "Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người" (c. 16).

Thôi, ta không cần dẫn chứng và chú giải nhiều. Hãy để cho Gioan Thánh sử kết luận: "Nhiều người đến gặp Chúa Giêsu hôm ấy... và ở đó, họ đã tin vào Người." (Ga 10, 42). Cũng lại lời cuối cùng của bài Tin Mừng theo Gioan đọc ngày thứ Ba tuần này: “Khi Chúa Giêsu nói thế thì có nhiều kẻ tin vào Người.”(Ga 8, 30)

May phúc niềm tin vào lời Chúa Giêsu, vào chính Người và vào việc Người làm vẫn còn trên mặt đất, dù Chúa Giêsu đã ở vào hoàn cảnh tồi tệ: Hôm nay, Người bị dồn vào chân tường!

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật V Mùa Chay

Ga 11, 45-56

Đầu lễ:

Chúa chết để đem lại ơn tha thứ tội lỗi, để ban sự sống đời đời cho chúng ta, để làm cho chúng ta mềm lòng ra tin, nghe, giữ, vâng phục Thiên Chúa (bù lại sự bất tuân phục của Ađam và loài người). Nhưng chung cuộc lại là chuộc lấy, thâu hồi, qui tụ mọi người về cho Chúa Cha. “Khi ta bị treo lên Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Tất cả sứ điệp Mùa Chay quả là hữu ích cho mọi tín hữu, đặc biệt cho các dự tòng sẽ tiến đến Bí tích Rửa tội trong đêm Vọng Phục Sinh.

Giảng lễ:

1.Tu sĩ Jean Malo có một nhận xét thế này: việc các Kitô hữu ngày nay đánh mất đi chiều kích cộng đồng trong đời sống đức tin là một nguy cơ nghiêm trọng... Do họ quên hay cố tình quên điều hệ trọng là phải qui tụ lại với nhau, nên một số lớn Kitô hữu không còn cảm thấy hương vị hay nhu cầu phải họp nhau lại xây dựng cộng đoàn nữa. Hơn bao giờ, trong thời buổi này, nhiều người muốn tách biệt ra khỏi Giáo Hội ; nhiều người không còn cảm giác thoải mái trong hình hài Kitô hữu của mình. Kẻ khác cho rằng giữ đạo là chuyện cá nhân, giữa mình với Thiên Chúa thôi.

2.Họ đâu còn ý thức rằng Thiên Chúa rất thiết tha với chương trình: qui tụ mọi người thành một gia đình, sống trong bình an và yêu thương, như anh chị em quanh một Cha chung: lạy Cha chúng con...

Từ lâu Thiên Chúa đã bộc lộ điều đó qua miệng lưỡi Êzêkiel: “Ta sẽ qui tụ chúng từ khắp nơi và đem về xứ sở chúng. Ta sẽ biến chúng thành một dân tộc duy nhất trên xứ sở này... và một vị Vua duy nhất sẽ làm Vua chúng”.

Với Đức Giêsu, Đấng thi hành đường lối Chúa Cha, Người chết không phải cho dân tộc mình mà thôi, mà còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về trong hiệp nhất. Thánh Gioan nhắc nhở ta như vậy.

3. Trong Kinh nguyện Tạ ơn số II và III, chúng ta vẫn khẩn xin: “Lạy Cha nhân từ, xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi về với Cha”.

4. Muốn đạt được sự qui tụ ấy, chúng ta cần nhiều yếu tố kết hiệp: “Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha mọi người" (Ep 4, 5-6a).

Hơn bao giờ hết, những cụm từ đẹp đẽ như tình huynh đệ, hòa bình và hiệp nhất, năm châu bốn bể anh em một nhà, tình hữu nghị... vẫn vang lên bên tai con người ngày nay; nhưng cũng hơn bao giờ hết, xuất hiện đầy dẫy những hiểu lầm chia rẽ, những kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, những chiến tranh và hận thù, khủng bố và trả thù.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải ưu tư về chiến thuật và chiến lược sống của mình.

Khó lòng hy vọng có được tình huynh đệ, khi còn phân biệt trên và dưới, xa và gần, nguồn gốc lai lịch, giàu nghèo, khả năng và mức độ tài năng.

Khó lòng mà tính chuyện hòa bình, khi còn phe này phe kia, khối Đông và Tây, Nam và Bắc, Tây Phương và Hồi Giáo, vũ trang và tái vũ trang, phòng ngự và đánh phủ đầu.

Khó lòng mơ về hiệp nhất khi còn ngăn cách tôi anh, chị em với chúng ta. “Ai gieo giống nào, sẽ gặt giống ấy” (Gl 6, 7).

Phải chăng Chúa Giêsu cũng chết đi cho mọi khuynh hướng ích kỷ và chia rẽ nơi chúng ta ? Để qui tụ muôn dân về một mối cho Thiên Chúa. Hôm nay ta thấy hoa trái của Ơn Cứu Độ còn là hợp nhất muôn dân.

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật II Phục Sinh

Ga 3, 1-8

1. Muốn hiểu mầu nhiệm Phục Sinh, không gì bằng đọc Tin Mừng Gioan và hãy để cho thánh Gioan dẫn dắt chúng ta đi.

Hôm nay và ba ngày kế tiếp, Thánh Gioan giúp chúng ta đào sâu mầu nhiệm Phục Sinh bằng bài tường thuật cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và Nicôđêmô. Ông nầy vốn là một thủ lãnh người Do Thái, là một Pharisiêu chính tông; nhưng không giống những người Pharisiêu khác chuyên dò xét, hạch sách, bắt bẻ, chống đối Đức Giêsu. Ông có thiện cảm với Chúa: khi nghe Người giảng; thấy việc Người làm đã nhận ra Người đúng bậc tôn sư. Ông muốn gặp Người ban đêm, không phải vì hèn nhát sợ sệt, nhưng muốn tránh những cặp mắt cú vọ, để giữa sự tĩnh mịch của màn đêm ông được Đức Giêsu dìu sâu vào hiểu biết mầu nhiệm Người.

2. Tâm sự của Đức Giêsu được Gioan tóm gọn vào 2 khái niệm, diễn tả bằng 2 cặp từ dấu lạ tái sinh.

Trong ngôn ngữ của Gioan, dấu lạ hay phép lạ là một. Nó diễn tả một sự kiện hay một việc xảy ra bên ngoài, nhưng hiệu quả khác thường ảnh hưởng sâu xa làm biến đổi hẳn cái cố hữu, hay cả bên trong. Một biến cố khác thường như vậy không thể giải thích và hiểu được cách tự nhiên là một phép lạ. Trong đời sống Ân sủng cũng xảy ra một điều gì tương tự. Ngày nay chúng ta hiểu “dấu lạ” là chỉ về các Bí tích (dấu bề ngoài, đem lại hiệu quả lạ lùng biến đổi bề trong).

Tái sinh không có nghĩa sinh lại bởi người nữ hay được sinh ra từ bụng mẹ một lần nữa. Mà tái sinh là sinh ra bởi Ơn Trời, sinh ra lại trong Ân Sủng Thánh Thần. Nước và Thần Khí: nước thanh tẩy tội lỗi và Thần Khí thánh hóa tác thành ta nên Tạo Vật mới, thành viên của Nước Trời.         

Sinh ra lần thứ nhất là con người xác thịt, nhưng sinh ra lần hai là con người thiêng liêng đã chết đi cho tội và đã sống lại, thông dự vào sự sống Phục Sinh của Đức Kitô. Thần Khí tái sinh chúng ta cũng chính là Pneuma, hơi thở của Chúa Cha, đã làm cho cục đất hình hài con người được nặn nên ban đầu sống động và có sự sống. Công trình của Thần Khí là biến đổi chúng ta, nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa của mình và gắn kết với Đức Kitô.

Nói cách khác, Chúa Giêsu đã dẫn dắt Nicôđêmô trải qua một tiến trình đức tin, đi vào sự sống Phục sinh của Người. Đức Tin không phải là kết quả của lý trí, của lý luận hay của một hưng phấn tình cảm tạm thời nào đó. Mà là một sự tìm kiếm khao khát Thiên Chúa thường xuyên, một cuộc tranh đấu liên lỉ thành khẩn với bản thân mình, chấp nhận để cuộc đời mình được khởi sự lại, làm lại tất cả (metanoia).  

Để được như vậy, Phúc Âm Nhất Lãm đưa ra điều kiện là phải “trở nên trẻ thơ, bé mọn, nghèo khó”, để Thánh Thần uốn nắn, làm việc.

Thánh Gioan chuyên môn hơn đã mô tả quá trình tái sinh, nhờ quyền năng Thánh Thần, đưa đến Ơn Cứu Độ.

Còn Thánh Phaolô đề cập đến hệ quả của biến cố nầy sẽ biến chúng ta thành “thọ tạo mới” (Gl 6,15), thành phần tử Giáo Hội, công dân Nước Trời, sống bằng sự sống Phục Sinh.

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật III Phục Sinh

Ga 6, 30-35

1. Nơi người Do thái hình thành một thứ tôn giáo kỳ lạ. Một thứ tôn giáo “chờ sung rụng”, ỷ lại vào Thiên Chúa mà đánh mất những nỗ lực cố gắng riêng của mình.

Họ nói với Đức Giêsu: “Xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh mà ông hứa nhân danh Thiên Chúa”. Thế là khỏi phải làm lụng gì cả! Trong câu chuyện của người phụ nữ Samarie bên bờ giếng, chị nói với Đức Giêsu: “Xin cho tôi thứ nước không hề khát ấy, để tôi khỏi phải ra giếng sâu kín nước hằng ngày”.

 Một thứ tôn giáo ỷ lại vào Thiên Chúa, không còn nỗ lực bản thân, nên đánh mất mình. Họ chỉ mong chờ một Đấng Mêsia Cứu tinh chuyên làm phép lạ kinh tế, cho họ dư dật sung sướng và thống trị lân bang. Kiểu sống ấy khiến họ dễ nuối tiếc “củ hành củ tỏi” Ai Cập.

2. Thứ tôn giáo ấy sẽ dẫn đến chỗ lầm lẫn đối tượng hay đánh mất mục tiêu chính  yếu là Yahvé Thiên Chúa của họ.

Cha ông họ sùng bái Môsê, vì Môsê đã đương đầu với Pharaô và cứu họ thoát đất Ai Cập. Thật ra là bằng những phép lạ ngoạn mục của Thiên Chúa và quyền uy của Người, chứ đâu bởi uy lực của Môsê. Trong sa mạc khổ sở đói khát, Môsê đã cho họ ăn manna no lòng và tìm mạch nước cho họ đã khát. Thực ra không phải do quyền năng của Môsê - Đức Giêsu bảo những người Do Thái - mà là do Cha Tôi từ trời ban cho.

Họ lầm lẫn đối tượng tôn sùng. Sau nầy họ còn đánh mất cả Yahvé, khi họ quay sang thờ các thần Baal của dân ngoại, mục tiêu mới của họ. Các tiên tri Chúa sai đến nhắc nhở họ, họ giết đi ; họ giết luôn cả Đức Giêsu, Đấng Thiên Chúa làm người, vị Cứu Tinh đích thực của họ : Đấng là Bánh trường sinh và Nước hằng sống.

3. Thứ tôn giáo dễ dãi ấy chỉ là trò đánh tráo, tà thuật. Họ đánh mất mình, hạ giá mình. Họ cũng đánh mất Thiên Chúa, hạ giá Thiên Chúa. Họ quay ra nặn “bò vàng” để thờ, nặn ra Thiên Chúa của họ, chứ không phải là  Thiên Chúa như chính Người là. Họ phóng chiếu những ham muốn của mình lên thành hình ảnh Thiên Chúa, họ “sử dụng” Thiên Chúa thay vì đi tìm Người. Họ vạch cho Thiên Chúa con đường phải đi, thay vì đi trên nẻo đường Thiên Chúa dẫn dắt. Họ đòi Thiên Chúa thi ân, chứ không cần hoán cải trở lại. Thứ tôn giáo ấy làm sao có thể “nguyện xin ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!”

Mc Kenzie nói đúng: “Cầu nguyện là chuyện vãn với Thiên Chúa, chứ không phải là cố gắng thuyết phục Người”.

Người Do thái thay vì đặt mình lên lòng bàn tay yêu thương nhân từ của Thiên Chúa để được Người chăm sóc, thì lại muốn đặt Thiên Chúa vào bàn tay của họ để nhào nặn, nhồi uốn Người theo ý họ.

Tôn giáo cạm bẫy nầy chúng ta dễ sa vào không?

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh

Ga 6, 44-51

Đầu lễ:

Hôm nay thứ năm đầu tháng, tưởng niệm việc Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta ăn “Bánh Thiên Thần” mỗi ngày, ít nhất cũng mong hiểu lấy một vài góc độ hay vài tầng lớp ý nghĩa khác nhau của việc “Chúa hiến thân mình” làm Thần lương nuôi sống chúng ta. Để từ đó, hết lòng tôn thờ, mến yêu, cảm tạ, và khát khao kết hợp mật thiết với Thánh Thể.

Giảng lễ:

Diễn từ Bánh hằng sống của Chúa Giêsu vốn nằm trong chiều kích hoạt động cứu thế của Người và có tầm quan trọng đặc biệt, bởi Thánh Thể là trung tâm và đỉnh cao của đời sống Kitô hữu.

1. Mở đầu, Đức Giêsu cho thấy: cuộc sống của chúng ta là một hành trình. Chúng ta mỗi ngày đều là lữ khách đường dài, đáp lại lời mời gọi của Chúa Cha lên đường. Người dìu dắt, lôi kéo ta đi, đi về hạnh phúc chung cuộc. Nhưng nếp sống chung cuộc ấy lại là nếp sống phục sinh, mà chính Đức Giêsu Đấng sống lại sẽ cho chúng ta được sống lại như Người: “Tôi sẽ cho người ấy sống lại”.

Đường dài, lại bước theo Đấng vô hình (vì có ai thấy Chúa Cha đâu, ngoại trừ Đấng từ Cha mà đến), thế nên lữ khách sải bước theo ánh sáng đức tin. Thiên Chúa, từ xa xưa, đã soi sáng dạy dỗ để Israel tin vào Người mà vững bước. Nay, Đức Giêsu cũng nhắc lại với chúng ta: “Ai nghe, đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì đến với Tôi”. Mà đến với Tôi, tin Tôi cũng sẽ “được sống đời đời”. Chính Tôi là Người ban sự sống đời đời ấy, vì “Tôi là Bánh trường sinh”.

2. Thế nhưng, Đức Giêsu cảnh báo ngay để phân biệt lương thực nuôi sống có nhiều thứ : Xưa, trong sa mạc, cha ông người Do thái được ăn no manna, được giải khát trong cái đói khát cùng quẫn của hoang địa. Nhưng rồi, họ đã chết. Bởi đó cũng chỉ là của ăn thức uống tạm bợ, đi đường. Thứ lương thực vật chất Thiên Chúa ban, để giải cứu một tình huống sa cơ nhất định.

Rồi tiếp theo những vụ hóa bánh ra nhiều, những phép lạ nuôi đám đông khoảng 4000 người (Mt 15, 38), 5000 người (Mt 14, 21) ăn no còn dư và sau đó khiến họ chạy xô đi tìm Người làm phép lạ. Thực ra, Đức Giêsu chỉ muốn minh chứng mình chính là Thiên Chúa giàu lòng thương dân, dư khả năng nuôi dân, cứu dân. Thế nhưng, khi biết rõ họ chỉ đeo bám Người để được ăn no thỏa thuê và không phải làm, thì Đức Giêsu đã rút lui và hẹn gặp lại các môn đệ ngày hôm sau ở bờ hồ bên kia.

Đúng, cần phải đổi bờ, thay bờ ý nghĩa, sang bờ bên kia thì mới có thể hiểu đúng sứ mạng cứu thế của Người, mới khám phá ra được chiều sâu ý nghĩa của thứ lương thực đích thực: “Bánh ban sự sống trường sinh là Tôi. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”.

3. Chúa Giêsu đồng hóa Bánh mới với bản thân Người. Ai ăn bánh này, ai lập quan hệ với Người, ai tin vào Người thì sẽ được sống. Mối liên hệ đó là liên hệ với mầu nhiệm Phục Sinh, cho phép con người sống trong sự phục sinh. Khi sống lại, trở thành nguồn mạch phục sinh, Đức Kitô có khả năng ban sự sống cho thế gian. “Bánh Tôi ban tặng cho thế gian được sống chính là Thịt Máu Tôi đây”: thịt máu phục sinh, đầy sức sống chứ không phải thân xác cứng đờ do sức nặng của tội lỗi và bị sự chết thống trị đè bẹp.

Như vậy, Chúa chia sẻ, thông truyền chính sự sống Phục Sinh của Người cho chúng ta: sự sống bất diệt, đời đời!

4. Khi ban Mình Máu làm lương thực trường sinh, Chúa Kitô trở thành một con người sống hy sinh cho tha nhân, không chỉ trong lý tưởng hay trong suy nghĩ mà thôi: Người đã sống sự trao ban này trong thân xác Người. Ban mạng sống là trao ban máu thịt mình. Không phải máu thịt bầy nhầy, tan rữa của tử nạn nữa, mà là máu thịt của phục sinh, của trường sinh. Chúa Giêsu là tấm bánh đích thực cho người khác.

Khi hiệp thông với Máu Thịt này, ta được tham dự vào sự phục sinh của Đức Kitô. Ta mang sự sống Thiên Chúa nơi mình, ta lại trở thành tấm bánh, thành món quà, là hạnh phúc trao ban cho thế gian. Vì mang trong mình Chúa Kitô phục sinh, một Chúa Kitô cho tha nhân, khi đó ta không còn nghĩ về mình, lo cho mình nữa. Ta hết ích kỷ, ta sẵn sàng để cho người khác sử dụng đời mình, cho đến tận cùng của sự mỏi mệt, khổ đau, đến tận cùng khả năng làm tôi tớ của chúng ta.

Cần nghiêm túc hiểu về ý định và hành động của Chúa Kitô khi ban mình làm lương thực này, để đến lượt tôi là Kitô hữu, tôi lại là “sự sống cho đi”. Bác ái nảy sinh trong tôi. Nếu mỗi người là vậy, thế giới sẽ hạnh phúc. Và lễ xong, ta có thể đi bình an thực sự.

 

Thứ Sáu sau Chúa Nhật III Phục Sinh

Ga 6, 52-59

Đầu lễ:

Hôm nay thứ sáu đầu tháng, chúng ta dâng Thánh lễ kính Thánh Tâm Chúa. Trái tim biểu lộ tình yêu và trao ban tình yêu. Tình yêu giữ những người yêu ở lại với nhau, hiện diện cho nhau và tình yêu đòi những người yêu hiệp thông, chia sẻ sự sống cho nhau. Phải chăng đó là điều Thánh Tâm Chúa đã thực hiện và bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở lại? Xin cho chúng ta hiểu được ngôn ngữ Tình Yêu và cõi lòng của Chúa, Đấng đã yêu và hiến mạng vì ta.

Giảng lễ:

Hôm ấy, Đức Giêsu bước vào hội đường Capharnaum, như bước vào giữa lòng Do thái giáo, tôn giáo Môsê và cha ông người Do thái đã truyền lại cho họ. Ở đó, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố : “Tổ tiên các ông ăn manna và đã chết. Tôi có thứ bánh làm sống muôn đời. Bánh tôi ban là Thịt và Máu Tôi. Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Tôi, các ông không có sự sống nơi mình. Kẻ ăn Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Kẻ ăn Tôi, sẽ nhờ Tôi mà được sống”.

Những lời lẽ như vậy làm cho người Do Thái bị "choc" (sốc) và ngay lập tức, cuộc tranh luận nổi lên sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?”

Chúng ta hiểu vấn đề này thế nào?

1. Nếu hiểu việc rước Mình và Máu Chúa theo ngôn ngữ hiện thực, thì hóa ra từ hơn 2000 năm nay, chúng ta vây quanh một xác chết và ăn lớp tro bụi của thân thể một con người, dù con người ấy mang tên Giêsu, hay gì đi nữa. Không!

2. Ngược lại, cũng không thể chấp nhận Lời từ miệng Chúa là một thứ ngôn ngữ biểu trưng: nghĩa là việc gọi là “ăn Thịt và uống Máu” ấy chỉ là nhớ lại suông Mình và Máu Người đã đổ ra, gợi nhớ lại cuộc đời và hoạt động của Người và nhiều lắm là rút lấy những cảm hứng từ đấy. Không! Lời Chúa chính xác cụ thể hơn.

3. Phải nhờ những phạm trù Thánh Kinh, để hiểu việc ăn uống Mình Máu Chúa là thứ ngôn ngữ hy lễ. Ăn uống là hiệp thông vào, chia sẻ với Thần Thánh.

Trong hy lễ hiệp thông ngày xưa, mọi người tham dự đều chia sẻ một thứ lương thực: lương thực tế lễ thường là một con chiên hay một con dê non. Tất cả đều dâng lên cho Chúa. Nhưng sau đó, người ta lấy máu tế hiến vẩy lên đám đông, cho chạm đến mọi người. Dấu chỉ Thiên Chúa đã chạm tới tất cả, gắn kết với mọi người, hiện diện trong mọi người. Rồi dành một phần con vật tế lễ đem đốt trên bàn thờ, chỉ rằng hiến lễ dâng lên thuộc trọn về Chúa. Phần còn lại của hiến vật được chia sẻ giữa các người tham dự: nói lên muôn người đã hiệp thông với Thần Thánh, thuộc về Thần Thánh. Những gì dâng lên, được Thiên Chúa ban trở lại, nghĩa là con người tiếp nhận ân huệ của Thiên Chúa, lòng quảng đại của Người. Nghi lễ này không hoàn toàn xuất phát từ con người. Thiên Chúa đã ban ý nghĩa cho những hành động hy tế đó.

Qua hy lễ hiệp thông, Thiên Chúa đến với chúng ta, lập quan hệ kết giao mật thiết, làm cho chúng ta hiện diện trong Người. Qua việc chia sẻ tế vật, con người hiệp thông vào ân huệ tình thươngsự sống của Thiên Chúa. Đức Kitô chính là con chiên hiến tế dâng lên Chúa Cha. Đức Kitô đổ máu, trở thành của lễ cứu độ, trở thành lương thần nuôi sống để ai ăn và uống, sẽ ở trong Người sống sự sống thần linh của Người.

Đức Giêsu đã sử dụng ngôn ngữ và ý nghĩa hy lễ hiệp thông của người Do thái, của Do thái giáo, nhưng chuyển tải vào đó nội dung mới, chất liệu mới: hiến vật là chính Người và sự sống muôn đời là do Người ban. Ngày nay chúng ta vẫn được mời gọi thực hiện điều đó.

Tôi nhớ lại câu truyện: một nhà dân tộc học kể bên Phi Châu có một bộ lạc “kỳ lạ”. Hễ cha mẹ già là họ đưa lên một cành cây, rồi con cháu ở dưới rung gốc cây. Nếu cha mẹ trên cây còn sức bám, không rơi xuống thì sau đó họ đem xuống nuôi tiếp. Còn nếu yếu sức, bị rơi xuống, thì con cháu làm thịt cha mẹ để ăn (rơi xuống là dấu Trời không còn muốn để sống). Giết và ăn thịt cha mẹ: bộ tộc này nghĩ rằng như thế là không an táng cha mẹ trong lòng đất, nhưng an táng cha mẹ trong lòng con cháu. Để cha mẹ mãi ở với, hiện diện với con cháu. Để máu thịt cha mẹ hoà tan vào máu thịt con cháu, nuôi con cháu lớn lên. Sự sống của cha mẹ tiếp tục hòa tan và nối tiếp bằng sự sống của con cháu. Một sự hiệp thông trọn vẹn và toàn hảo? Chúng ta có dám nghĩ và dám làm như họ không? Ai đúng ai sai? Người cổ lỗ hay người văn minh?

Tôi cũng thấy thật “kỳ lạ”: mỗi khi một người mẹ thương con, yêu con, nựng con, họ hay cắn vào tai, vào mũi, vào má đứa trẻ. Để làm gì vậy? Phải chăng tình yêu mẹ - con được diễn tả qua vô thức, qua một bản năng gốc: yêu là muốn kết hợp, muốn nên một, muốn "ăn tươi nuốt sống" con mình. Để sự sống mình tan biến vào và nuôi sống người con. Để con ở trong mình.

Phải chăng Đức Kitô tình yêu muốn làm một điều gì đó tương tự với chúng ta?

 

Thứ Bảy sau Chúa Nhật III Phục Sinh

Ga 6, 60-69

Đầu lễ:

Hôm nay thứ bảy đầu tháng, lại là đầu tháng hoa kính Đức Mẹ. Chúng ta không thể nào không nhớ đến người Mẹ yêu quí của chúng ta, người mẹ Vô Nhiễm hằng bao bọc che chở đoàn con “vô nhiễm” này. Chúng ta tưởng nhớ đến Mẹ, tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ tạ ơn Thiên Chúa trong Thánh lễ này. Xin Mẹ phù hộ chúng ta sống cuộc đời trong trắng, phó thác, gắn bó với Đức Giêsu Con Mẹ, vì ai giữ được Đức Giêsu trong con tim mình cho bằng Mẹ.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt ra vấn đề: nhờ đâu có thể ở lại với Đức Giêsu được?

Giảng lễ:

Lời lẽ mấy hôm nay của Đức Giêsu tiếp tục thách thức những người nghe: không chỉ những người Do thái bị "choc" (sốc) và tranh cãi ồn ào; nhưng ngay các môn đệ Chúa, nhiều ông cũng bị dội và cảm thấy lời Người chướng tai quá!

Thông thường, trong Tin Mừng theo Gioan, sau một phép lạ hay một dấu chỉ, thính giả hay khán giả được mời gọi lựa chọn một thái độ: tin hoặc không tin, chấp nhận hay chối từ. Điều này hệ trọng, bởi nó kéo theo quyết định: ở lại với Đức Giêsu hay rũ áo ra đi.

Ai sẽ rũ áo ra đi, rời bỏ Đức Giêsu?

 Không loại trừ nhiều môn đệ Chúa. Lúc đầu, có thể họ đã sốt mến theo Người, vì thấy Người giảng dạy như Đấng có uy quyền và khôn ngoan (Mt 7, 28-29). Tiếng tăm Người vang dội khắp nơi, vì bao phép lạ chữa lành mọi thứ bệnh hoạn tật nguyền (Mt 4, 23-24), khiến thiên hạ từ muôn phương đổ xô đến với Người (c.25). Các môn đệ cũng bị Chúa thu hút như bao người của đám đông.

Nhưng rồi các môn đệ có thể lẩn tránh dần do mức độ đòi hỏi của việc tin vào Chúa. Có lần Chúa Giêsu đã tung trái bóng thăm dò: “Người ta bảo Thầy là ai? Còn chúng con, chúng con bảo Thầy là ai?” Nếu không vượt qua được chính mình, được tầm nhìn “xác thịt” quá giới hạn và quáng gà, thì lẩn tránh Chúa cũng dễ thôi. Nhất nữa, khi Chúa đưa ra những tiêu chuẩn của một môn đồ chân chính: không chỉ “lạy Chúa, lạy Chúa”, dạ dạ vâng vâng con tin, mà còn phải thi hành ý Cha Ta. Nghĩa là tin, xưng mình có đạo là một chuyện, còn phải sống đạo tích cực nữa (Mt 7, 21), thậm chí phải nên toàn hảo. Nguyên chuyện từ bỏ của cải, về “bán gia tài phân phát cho kẻ nghèo” rồi theo Ta đã là khó rồi (Mt 19, 21-22).

Hơn nữa, có những môn đệ không thể nào chịu đựng nổi măc khải của Chúa. Muốn hiểu và chấp nhận được mầu nhiệm, phải có ơn Trời, phải để cho Thần Khí làm việc. Thần Khí soi sáng giúp hiểu và làm cho sống. “Lời Thầy nói với các con là Thần Khí và là sự sống”. Không có ơn Trời ban và giúp đỡ, thì đúng là có “tai nghe mà không hiểu, có mắt nhìn mà không thấy”. Chúa Giêsu thấu rõ những cõi lòng, nơi những thuận lợi và bất lợi trước lòng tin diễn ra. Nhưng Người không thể nào che đậy chân lý và mầu nhiệm Thiên Chúa, mà không muốn tỏ lộ ra, vì “Người là đường, là chân lý và là sự sống” (Ga 14,6). Ngay cả phải loan báo về mầu nhiệm tử nạn cho các Tông đồ biết, đang khi danh tiếng còn đó, Người vẫn không hề né tránh.

2. Vậy ai có thể ở lại, gắn bó với Đức Giêsu?

Nhìn chung, đó là những kẻ can đảm, dám dứt những mối tình cảm riêng tư gia đình (rời bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng mình), rồi vác khổ giá mình mà đi theo Chúa. Hoặc dám xa lìa của cải (Lc 14, 26-27. 33), không lo ăn gì mặc gì, không áy náy bận tâm về cuộc sống và tin tưởng phó thác hoàn toàn cho Đấng quan phòng (Lc 12,22-30). Chỉ biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa (c.31) và sẵn sàng để cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10).

Đa số các môn đệ, các tông đồ đi theo Chúa và ở lại được với Chúa, đã chấp nhận tinh thần này. Nhưng trên hết, phải kể Đức Maria, Mẹ chúng ta, qua lời "xin vâng" Thánh Ý Chúa ngọt ngào, bất chấp những nghịch lý và nghịch cảnh: như thụ thai mà không biết đến người nam, như chịu thai trước khi về chung sống với Giuse. Không một lời biện hộ, giải thích hay bất chấp cả sự hiểu lầm đương nhiên của Giuse v.v...

Dầu sao, chọn lựa Đức Giêsu, dám đặt trọn niềm tin hy vọng vào Người, dám đặt cược cả cuộc sống duy nhất nơi mình Người, phải là do ơn Chúa Cha ban cho. Đức Giêsu nói rõ: “Không ai đến với Thầy nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6, 65). Ngay sau khi Phêrô tuyên tín: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu cũng bảo thẳng: “Không phải thịt máu măc khải cho ngươi, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời” (Mt 6,16-17).

Thế nên, “bỏ Thầy con biết theo ai. Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68) là một gắn kết thuộc lãnh vực tình cảm hơn là lý trí. Không thể dựa trên một suy luận hợp lý nào! Cho dù “theo Thầy sẽ được gấp bội ở đời này và được sự sống đời đời” (Mt 19, 29) thì cũng không thể nấp sau những đặc quyền, đặc lợi ấy mà gắn bó với Chúa được!

 

LỄ THÁNH PHILIPPHÊ VÀ GIACÔBÊ TÔNG ĐỒ

Lễ Kính

Đầu lễ:

Cả hai là Tông đồ của Đức Giêsu. Philipphê, mẫu người ngoại giao, con thoi, tiếp xúc nhiều, đã giới thiệu Nathanael cho Đức Giêsu. Còn Giacôbê, một thành viên của nhóm 12, làm Giám Mục Giêrusalem. Lễ Kính hai Người là cơ hội nhắc nhở chúng ta ý thức trách nhiệm Mục Tử Truyền giáo. Để làm chứng cho mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh phải bắt chước các Tông Đồ ; hãy học cách nhào vào, tiếp cận thật gần, thật thân mật với Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta mỗi ngày. Thánh lễ là phương thế tuyệt hảo để làm công việc ấy.

Giảng lễ:

1. Tông Đồ Philipphê: Quê Betsaida, đồng hương với 4 ông: Phêrô, Andrê, Giacôbê, Gioan. Trong bảng kê danh sách các Tông Đồ, ông ở ngôi vị thứ năm. Sau Andrê và Gioan có công chiêu mộ Phêrô là anh em ruột, Philipphê là người thứ ba có công thuyết phục bạn mình là Nathanael. Lôi kéo anh em ruột thịt đến với Chúa có lẽ dễ hơn là thuyết phục bạn bè. Nếu thế, công khó của Philipphê đáng kể hơn. Philipphê giới thiệu Nathanael, Chúa chịu liền, vì thấy rõ trước ông nầy ngay thẳng, trong “bụng không có ngụy kế”.

Có lẽ Philipphê tính tình dễ thương, có tài lôi cuốn thiên hạ. Trong danh sách các tông đồ hai cặp đầu tiên là huynh đệ: Phêrô và Andrê; Giacôbê và Gioan. Đang khi hai cặp kế là bạn bè: Philipphê với Bathôlômêô; Matthêu với Tôma. Có người luận ra là Philipphê thân với Bathôlômêô và Bathôlômêô chính là Nathanael.

Nhưng trong dịp Chúa hoá bánh ra nhiều nuôi 5 ngàn miệng ăn, Chúa hỏi Philipphê một câu. Ông mắc tịt và Andrê đến gỡ rối (Ga 6,5-8). Hai người có thể cũng thân nhau, vì nơi khác Ga 12, 20-22 kể: có những người Hy Lạp đi hành hương muốn ra mắt Chúa Giêsu, họ nhờ Philipphê. Ông nầy báo cho Andrê biết, rồi cả hai đến thưa Chúa Giêsu. Philipphê xem ra lắm bạn, nhiều bằng hữu.

Rồi, trong bữa tiêcVượt Qua Chúa Giêsu cử hành với các Tông Đồ, theo thói quen nghi lễ, người ta đọc một bài dài tả lại việc TC cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập. Để trả lời một  câu hỏi của Tôma, Chúa Giêsu đang giảng về đường lối dẫn tới Chúa Cha. Chúa Giêsu cho biết “Người sắp về cùng Cha, ai theo đạo mà nghe Người thì sẽ có ngày được đoàn tụ bên Cha”. Nghe Chúa Giêsu mô tả Chúa Cha tha thiết, Philipphê buột miệng tâu: “Thưa Thầy, xin cho chúng con thấy Cha, như thế là mãn nguyện”. Dường như chính lời thỉnh cầu nầy của Philipphê đã khơi nguồn cảm hứng dồi dào khiến Chúa Giêsu bắt đầu thuyết một bài dài bộc lộ hết mối tương quan giữa Người với Cha. Đồng thời cho thấy lòng Người thương các môn đệ chừng nào, vì họ sắp bơ vơ trước một thế giới thù nghịch. Cám ơn Philipphê đã khéo làm cho Chúa Giêsu bộc lộ bao tâm tư tha thiết, sâu lắng trước giờ đi chịu chết.

2. Thánh Giacôbê ta mừng lễ hôm nay gọi là Giacôbê trẻ hay Giacôbê hậu, con ông Alphê (để phân biệt với Giacôbê già hay Giacôbê tiền là con ông Giêbêđê, là anh ruột của Gioan). Trong đoàn 12 Tông đồ,  ta có thể phân ra làm 3 nhóm : nhóm đầu gồm 2 cặp anh em ruột : Phêrô - Andrê ; Giacôbê - Gioan ; nhóm hai gồm 2 cặp bạn bè : Philipphê - Bathôlômêô ; Matthêu - Tôma ; nhóm 3 gồm những người còn lại.

Theo Mc 15, 40 thì dưới chân Thập giá có Maria Magdala; Maria mẹ Giacôbê trẻ và Giuse. Rồi nếu lại đem so sánh Mt 13, 55 với Mc 6, 3, ta sẽ thấy 2 anh em nầy có chung một mẹ là Maria, người Nazarét, bà con với Chúa Giêsu. Như vậy, Giacôbê trẻ là một tông đồ có họ với Chúa Giêsu. Rốt cuộc trong số 12 Tông đồ, có ít nhất 3 vị là bà con với Chúa Giêsu : 2 anh em ruột Giacôbê và Gioan, con ông Giêbêdê và bà Salomê, và Giacôbê trẻ con ông Alphê và bà Maria. (Người em ruột của Giacôbê trẻ không ở trong tông đồ đoàn).

Thánh Phaolô còn cho biết, trong thư  gởi giáo đoàn Galata, là ông lên Giêrusalem hội kiến với Kêpha (Phêrô), nhân tiện ông chỉ đi thăm  Giacôbê, người anh em của Đức  Chúa, chứ đã không gặp một vị tông đồ nào khác. Giacôbê nầy là Giacôbê hậu, được Phêrô bổ dụng làm Giám Mục Giêrusalem, bấy giờ là giáo đoàn trung ương của Hội Thánh (Cv 12, 17).

Bốn năm sau, khi kết thúc hành trình truyền giáo thứ nhất, Phaolô lại lên Giêrusalem để tham gia buổi họp Công đồng Giêrusalem đầu tiên. Chính Giacôbê hậu đã cầm đầu phái đoàn tông đồ ra bắt tay Phaolô và Barnaba, và tiếp nhận vào đoàn. Giacôbê đứng đầu giáo đoàn Giêrusalem; ở vị trí cao trong Giáo Hội thời ấy, ông đã tiếp lời Phêrô trên diễn đàn và được quyền ra quyết nghị cho toàn Giáo Hội (Cv 15, 13-21).

Khi giáo đoàn Giêrusalem bị ảnh hưởng bởi nạn đói lớn (Cv 11,27-30), chính Phaolô và Barnaba đã huy động vật chất từ hai giáo đoàn Philip và Corintô về giúp đỡ các tín hữu gốc Do Thái tại Giêrusalem. Giacôbê tiếp nhận và phân phối nguồn viện trợ nầy. Nhưng thế giá Giacôbê lãnh đạo thành công ở đây khiến Giêrusalem, ngược lại, trở thành nguồn viện trợ nhiều ơn thiêng liêng cho các giáo đoàn hải ngoại.

Trong lá thư của mình, Giacôbê với kinh nghiệm từng phân phát vật chất viện trợ, đã kêu gọi những người có tiền đừng lạm dụng, trái lại phải rộng tay giúp đỡ người nghèo.

Thương thay! Philipphê đi truyền giáo đã chịu đóng đinh vì Chúa. Còn Giacôbê, Giám mục tài năng của Giêrusalem, lại bị đám biệt phái và loạn dân xô từ đền thờ xuống và ném đá chết năm 62.

Tại Rôma, xác hai Người được an táng cạnh nhau.

 

LỄ THÁNH GIUSE LAO ĐỘNG 1-5

Cộng đoàn chúng ta mừng lễ Thánh Giuse lao động vào ngày 1-5 cũng là ngày Quốc Tế Lao Động. Đức Piô XII lập lễ nầy năm 1955. Nhiều người đã chọn Thánh Giuse lao động làm Quan Thầy, với ước muốn cần mẫn làm việc để sống theo gương Người.

Vậy lao động có ý nghĩa gì?

1. Đời sống lao động cao qúi:

Cha Ta hằng làm việc, nên Ta cũng làm việc”, Chúa Giêsu nói vậy.

Quả vậy, từ đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất trong 6 ngày. Công trình của Người tốt đẹp, đáng khâm phục. Người đưa giá trị lao động vào trần gian. Người tạo dựng vạn vật, để vạn vật làm vinh danh Người. Sự phong phú đa loại của vạn vật và trật tự vũ trụ là dấu Thiên Chúa toàn năng, là kỳ tích công trình của Người.

Thiên Chúa cho con người tham gia sáng tạo bằng sự chế tạo và lao động. Con người trở nên đồng sáng tạo với Thiên Chúa.

Thánh Giuse sống nghề thợ mộc chuyên nghiệp (Mt 13, 55). Chúa Giêsu cũng theo nghề ấy cho đến khi ra truyền đạo (Mc 6,3). Công việc của Thánh Giuse xưa chủ yếu là cất nhà cửa, đẽo cuốc cày, làm bánh xe, đóng hòm xiểng. Hẳn có lúc Thánh Giuse cũng “tha phương cầu thực”, đi xa làm ăn nuôi sống gia đình.

2. Giá trị lao động:

Nghề: để kiếm sống, nuôi thân, săn sóc gia đình, tương trợ xã hội, phục vụ loài người. Để không ăn bám. Không trở thành gánh nặng cho kẻ khác. Không làm mình vong thân.

Lao động chống bất công, tránh tội ác trộm cắp: nhàn cư vi bất thiện.

Lao động cải tạo thiên nhiên đem lại lợi ích cho con người, nhưng không huỷ hoại thiên nhiên. Góp phần vào công trình tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa.

Lao động không phải là mục đích của cuộc đời, nhưng là phương tiện cần thiết phát huy tài năng, làm ra của cải nuôi sống con người. Theo Giuse, con người không phục vụ lao động (lao động không phải là thần tượng), nhưng trái lại, lao động phục vụ con người và con người phục vụ Thiên Chúa. Lao động là “vinh quang” là thế!

Lao động: vì danh Chúa, vì hạnh phúc cho mình và xã hội, nên là một nghĩa vụ, một vinh dự cho con người. Là điều kiện để tiến bộ, mở mang kiến thức, làm chủ thiên nhiên. Là con đường phục vụ Thiên Chúa, đưa tới cõi trường sinh. Ta được lãnh thưởng tùy công việc làm ở trần gian (Mt 16, 27).

Tuy nhiên, lao động còn là hệ lụy của tội, là hình phạt đền tội. Để sửa chữa thói hư nết xấu, tội lỗi đã phạm, tội nhân thường bị lao công.

Lao động nhân bản hoá thiên nhiên hoang dã. Để lại dấu ấn đẹp của con người là những công trình văn hoá, nghệ thuật, y tế, thể thao, khoa học... nhằm giải trí, phục hồi sức khoẻ, nâng cao kiến thức và đời sống; đặc biệt là xóa đi dấu tích chiến tranh, bom đạn.

Lao động để liên đới bác ái. Các tổ chức từ thiện giúp phát triển con người toàn diện (từ hiểu biết, có nghề sinh sống, đến tương trợ). Thời kỳ sơ khai: Giáo Hội đã sống như thế. Thời Trung Cổ, Kitô hữu cũng lập “công xã”, một hình thức bảo đảm đời sống dân nghèo trong tình yêu theo gương mẫu Phúc Âm.

Lao động: chuẩn bị tương lai. Góp phần vào làm cho cái Chân, Thiện, Mỹ của Nước Chúa dần lộ diện, cho Nước Trời thành đạt trong ngày sau hết. Chuẩn bị chung kết.

3. Thánh hóa lao động:

Sống tinh thần: cầu nguyện và lao động. Vừa chiêm niệm, vừa hoạt động; vừa trong, vừa ngoài. Thánh lễ nào cũng dâng lễ vật để hiến thánh, kèm với việc dâng lao công con người.

Lao động không là quan trọng nhất. Tối ưu tiên vẫn là việc phụng sự Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc trường sinh. Có thực mới vực được đạo: đúng! Nhưng có thực nhờ ai? Có thực bằng mọi giá: nguy cơ hoặc đầu cơ tích trữ hoặc dẫn đến gian tham trộm cướp! Nhớ rằng của đời sau mới bền vững.

Xin không thất nghiệp, biết làm ăn chân chính như Giuse: người công chính. Không mánh mung bằng mọi giá. Không điêu ngoa, ăn lời cắt cổ, cho vay nặng lãi. Lao động tự nó có tính thiện hảo khách quan. Hãy sống đời sống thế tục trong tinh thần đức tin.

Thánh Phaolô: “Phàm điều gì anh em làm (ngôn, hành), mọi sự hãy làm vì danh Đức Giêsu và nhờ Người cảm tạ Chúa Cha” (Cl 3, 17).

Đừng coi rẻ việc tay chân. Đừng khinh những người lao động, những người còn sống như nô lệ, đầy tớ... Lao động trí óc và lao động chân tay là hai mặt của một cuộc đời có ý nghĩa!

 
TÂM S PHÊRÔ

Lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Tông Đồ 29-6-2006.

 Kỷ niệm ngày Đấng Kế vị Phêrô, Đức Bênêdictô XVI,   thụ phong linh mục được 55 năm (1951).

1.  Ta vẫn là ta :

Bồng bềnh biển rộng,

Gió trời lồng lộng,

Xốc lưới ra khơi.

Nuôi sống phận người,

Sóng đời bất chấp.

(Ga 21, 3-7)

2.  Ta vẫn là ta :

Sáng trong quyết liệt,

Yêu Thầy mãnh liệt.

Dẫu ai bỏ Thầy,

Lòng ta không chầy,

Bám Thầy tiến bước.

(Mt 26, 33. 35)

3. Ta vẫn là ta :

Trụ cột cả nhóm

Đăng đàn nhanh tiếng

Thề trước muôn loài,

Huynh đệ chẳng phai.

Phêrô là thế !

(Mc 8, 29; Lc 12, 41; Lc 9, 33)

4 Ta vẫn là ta :

“Kỳ đà cản mũi”.

Bị Thầy mắng chửi

Ngựa chứng sa trường.

Ngăn Thầy bỏ buông

Hành trình Cứu Độ.

(Mt 16, 21-23)

5. Ta vẫn là ta :

Hung “hăng tiết vịt”

Cứ hứa rồi tịt

Nên ớn tiếng gà,

Nhắc nhở hồn ta

Bao lần chối Chúa !

(Lc 22, 33-34).

6. Ta vẫn là ta :

Mãnh hổ gan dạ,

Chai lì như ĐÁ.

Trung kiên mến Thầy,

Dẫu còn bầy hầy

Ba lần chưa vẹn.

(Ga 21, 15-17)

7.Ta vẫn là ta :

Mài gươm quyết tử.

Vụ truyền lịch sử :

Thượng tế bề tôi

Hỗn hào lôi thôi,

Xin ngay tí huyết !

(Ga 18, 10)

8.  Ta vẫn là ta :

Sao nàng lại đến

Tò mò kiếm chuyện,

Lật tẩy đàn ông ?

Tim đau mênh mông,

Lệ trào hối hận.

(Lc 22, 56 - 57. 61- 62)

9.  Ta vẫn là ta :

Căm nàng cay đắng

Đàn bà : thuốc đắng !

Níu  gió ra khơi...

Ôm hận trọn đời

Một lần nhát đảm

(Lc 22, 62)

GIÓ BÊ LEM

05. 01. 06

 


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn