Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 6

ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

.Lưu hành nội bộ.

3.2007

LỜI NGỎ

Đây là một số bài giảng lễ TUẦN THÁNH, năm C đã tham khảo, biên soạn lại và trình bày trước cộng đoàn phụng vụ: Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

Chúa Nhật Lễ Lá năm C

Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22, 14-23, 56

Đầu lễ :

Chúa Nhật lễ lá khai mạc Tuần Thánh. Phụng vụ cử hành những mầu nhiệm trọng đại nhất trong lịch sử Cứu độ. Chúng ta đáp lại bằng việc dự mọi lễ nghi sốt sắng, với lòng yêu mến Đức Giêsu Tử nạn và Phục sinh, mong được hưởng Ơn cứu độ của Người.

Giảng lễ :

I. Đức Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem với tư cách Đấng Mêsia - Vua .

Qua đau khổ mới tới vinh quang. Qua cái chết mới đạt Phục Sinh vinh hiển. Đó là con đường cứu độ Đức Giêsu đã đi mà Tuần Thánh diễn tả lại chi tiết, nhưng Phụng vụ lễ lá cho ta cái nhìn tổng hợp:

Vinh quang Phục Sinh được thấy trước qua việc Đức Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem, trong sự hồ hởi của dân chúng và sự tung hô vang dội của các môn đệ. Quang cảnh y hệt như cuộc diễu hành sau lễ đăng quang của các vua Cựu Ước. Ở đây, nó còn gợi lên trước chiến thắng của Đấng Phục Sinh và đám đông là hình ảnh của Giáo Hội gồm những người được tuyển chọn và cứu độ đang lũ lượt tiến về thành thánh Giêrusalem trên trời theo sau Đức Kitô, Đấng mở đường Cứu độ.

Khía cạnh đau khổ là cái chết của Đức Kitô được diễn tả qua bài thương khó cũng trong Thánh lễ hôm nay.

Cuộc kiệu lá

1. Trước lễ, chúng ta vừa kiệu lá. Cuộc rước lá, được thực hành ở Giêrusalem từ thế kỷ thứ IV và ở Giáo Hội Tây Phương từ thế kỷ thứ VIII và IX, nhằm làm sống lại sự kiện xưa Chúa tiến vào thành Giêrusalem với tư cách Đấng Thiên sai Cứu độ-Vua, mà toàn dân Israel chờ mong đã 3, 4 thế kỷ.

Trước hết, Chúa sai hai môn đệ đi mượn một con lừa: Sai đi là một dấu chỉ cho thấy mọi sự xảy ra như đã sắp đặt từ trước, vì đây là kế hoạch cứu độ Thiên Chúa đã ấn định từ ngàn đời. Trong Cựu Ước, Giavê sai các ngôn sứ và sứ giả. Trong Tân Ước, chính Đức Giêsu sai đi. Từ lúc khai mào sứ vụ ở Galilê, Chúa đã sai hai môn đệ đi trước Người. Chuẩn bị lễ Vượt Qua, Chúa cũng sai hai ông đi. Trước khi vào Thành, Chúa lại sai. Đây là cử chỉ mang màu sắc thiên sai và báo trước một biến cố thánh. “Các anh hãy đi Các anh sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ”.

Con lừa con lại là một dấu chỉ nữa. Lừa con đã được ngôn sứ Zacaria báo trước là con vật Đấng Mêsia sẽ cỡi (Za 9, 9). Ông còn bảo Đức Mêsia sẽ đến dưới hình hài một con người khiêm tốn hòa bình: “Hãy bảo thiếu nữ Sion: kìa Đức Vua đến với ngươi, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của thú vật chở đồ”. Lừa chẳng phải là con vật hòa bình, con vật của hạng cùng đinh, của những người khiêm tốn dùng để cỡi; khác với ngựa là con vật của chiến tranh, của lính tráng, của nhà giàu thường cỡi.

Mà Đức Giêsu là Vị Vua Thiên sai hòa bình. Vương quyền của Người không thuộc trần thế. Người đâu có tham vọng tranh chấp và thống trị nào. Thực ra, chẳng có cái gì mà không bởi Người mà có và thuộc về Người. Người phải dành quyền làm chủ với ai?

Con lừa con không có yên. Các môn đệ đặt lên lưng nó chiếc áo để Đức Giêsu có thể ngồi lên. Đám đông bắt chước trải áo khoác của họ xuống mặt đường. Nhớ lại đó là cử chỉ tiếp theo sự lên ngôi của Các Vị Vua. Sách 2V 9, 12-13 kể: “Khi Giêhu được tôn làm Vua, tất cả vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: Giêhu làm Vua”.

Luca không chỉ nghĩ tới lễ đăng quang của Giêhu mà cả Vua Salômon nữa: các thuộc hạ Đavit đỡ hoàng tử của Vua lên một con la, đi xuống đồi Sion. Khi Salômon được xức dầu tấn phong làm vua, dân chúng đi theo sau ông vui mừng tung hô(1V1, 33-40). Các môn đệ đỡ Đức Giêsu (Con Vua Đavit) lên lừa con gần như tại chính nơi ngày xưa dân chúng tung hô vua Salômon; và trên triền núi Oliu, lòng tràn ngập niềm vui, họ ngợi khen Thiên Chúa: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118). Câu Tv này (118, 26) hôm Đức Giêsu vào thành Giêrusalem trọng thể lại tuôn ra từ cửa miệng đoàn môn đệ đang đầy hứng khởi. Tất cả chứng minh cho chúng ta thấy Đức Giêsu đang vào thành trong tư cách một Đấng Mêsia-Vua là gì?!

Người lại dẫn đầu đoàn môn đệ. Luca nói thế, cho ta thấy quyết tâm của Đức Giêsu vào thành để chịu chết. Người can đảm tiến đến cuộc thương khó. Người mở đường cứu độtổ chức cuộc vào thành Giêrusalem. Người đâu hèn nhát trước sứ vụ cứu độ gian khổ.

2. Tiếng tung hô của các môn đệ còn nháy lại lời ca vang của các thiên thần ở Bêlem xưa: “Bình an trên trời cao, vinh quang trên các tầng trời”. Họ biến bài ca các thiên thần thành bài ca của mình. Họ biến cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem trần thế thành cuộc khải hoàn của Đức Kitô Phục sinh được tôn vinh trên trời. Bình an trên trời cao”. Người cùng các môn đệ và đám đông, nghĩa là cùng Hội Thánh, những kẻ tin Người đang khải hoàn tiến về Giêrusalem trên trời. Đang ở dưới đất mà họ không còn nhìn thấy Người ở dưới đất nữa, nhưng đang ở trên trời rồi: “Vinh quang trên các tầng trời”. Phụng vụ dưới đất đi vào nhà thờ sẽ giúp chúng ta kết hợp với Phụng vụ thiên quốc, phụng vụ của các thiên thần mà ca tụng sự Phục sinh vinh hiển của Đức Kitô: là Vua Cứu độ, là Chúa chúng ta trên cao.

Niềm vui ấy sao câm nín đi được. Các ông Pharisêu yêu cầu Đức Giêsu quở trách các môn đệ để các ông bớt hăng, im đi. Nhưng Đức Giêsu trả lời: “nếu họ im lặng thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên. Vạn vật đều vui mừng vì sự Phục sinh, vì Ơn Cứu độ!

II. Đức Giêsu khải hoàn là Vua, nhưng là Vua cứu độ chịu thương khó tử nạn.

Bài Tin Mừng theo Luca, tức bài Thương khó, cho thấy bi kịch bắt đầu:

1. “Giuđa, ngươi dùng cái hôn để nộp Con Người sao?”, Đức Giêsu cho những người chung quanh thấy Người không phải chỉ là bậc thầy trong cả thái độ và lời nói Họ xin phép Chúa cho dùng gươm, tức chiến đấu chống lại sự dữ. Chúa Giêsu tỏ ra thật là Chúa: Người bảo “thôi cứ để như vậy”, tức cứ tuân theo Thánh ý đường lối Chúa Cha và chữa lành tai đầy tớ Thượng Tế.

2. Qua bài tường thuật, ta không thấy Đức Giêsu bị bắt như một người có tội. Ngược lại vẫn thấy Người là Chúa trong tư cách cao cả của Chúa. Tâm tư tội lỗi và phản bội không thể nhìn ra điều đó. Chỉ có cõi lòng giống như cõi lòng hối hận của một Phêrô trở lại đón nhận được cái nhìn thương xót tha thứ của Chúa, mới giúp nhận ra được Đức Giêsu vô tội đang bị kết án bất công để cứu độ chúng ta.

Trước tòa Do thái, chẳng ai đối diện được với Người. Thầy Thượng tế như bị chìm đi Họ chỉ muốn biết Người có phải là Đấng Thiên sai không? Còn Người thì bộc lộ tâm tư họ ra và cho biết nay tới lúc Con Người ngự bên hữu Thiên Chúa toàn năng. Như vậy, ai đang xử ai? Đến nỗi chính họ thốt ra: “Vậy ra ông là Con của Thiên Chúa”. Và họ chẳng dám coi lời khẳng định của Người là phạm thượng! Tại tòa Do thái, Luca cho chúng ta thấy Đức Giêsu là Chúa.

Trước tòa Philatô (tòa Rôma): ông này trở đi trở lại nhận định “không tìm ra tội trạng nào nơi người ấy”. Ông nại đến cả thái độ của Hêrôđê cũng không thấy Người có tội gì. Đức Giêsu có cần trả lời gì đâu. Đúng ra, Người nói một câu để đáp lại câu Philatô hỏi ông là Vua dân Do thái sao; nhưng lại có ý khẳng định dứt khoát bản chất cao cả của mình: chính ông nói thế!

Còn Hêrôđe cũng bị moi lòng dạ ra. Từ lâu, ông chỉ mong được giáp mặt Đức Giêsu để thấy một phép lạ, vì người ta đồn thổi dữ quá Hêrôđê đắm trong bùn sao cất cánh nổi? Nước Trời không phải là chuyện kỳ lạ, nhưng là Ơn độ trì đổi mới con người. Thế nên Đức Giêsu lặng thinh trước mặt Hêrôđê. Đạo của Người, đạo Cứu độ, sẽ chẳng bao giờ nói gì với những con người chỉ hiếu kỳ, chuộng lạ mà thôi. Hạng ấy chỉ nhìn Đạo như một gánh xiếc và Đức Giêsu như một tay chuyên nghề ảo thuật?

Chúng ta có tin Đức Giêsu là Chúa, là Vua Cứu độ chúng ta không? Nếu có, hãy can đảm và sốt sắng đi vào cuộc Thương khó với Người. Nhưng đừng khóc các vết thương của Người nhe, vì Luca không chú trọng đến khía cạnh đau khổ của cuộc Tử nạn. Ông muốn trình bày Đức Giêsu vô tội, là Chúa Cứu độ chúng ta. Muốn hưởng Ơn cứu độ, chúng ta hãy khóc tội lỗi mình trước, y như Phêrô vậy; hoặc như lời khuyên của Đức Giêsu đối với các phụ nữ Giêrusalem: “Đừng khóc thương Ta. Hãy khóc thương các ngươi và con cháu”.Đấy mới là nguyên cớ gây nên cái chết của Chúa và chặn lối không cho lòng thương xót của Chúa chảy vào lòng ta.     

 

Thứ Hai Tuần Thánh

Is 42, 1-7; Ga 12, 1-11

Đầu lễ :

Những ngày đầu Tuần Thánh, chân dung Đấng Cứu độ được bộc lộ rõ nét hơn qua các bài đọc Thánh Kinh. Đấng ấy là Người tôi trung của Thiên Chúa, là tôi tớ đau khổ của Đức Giavê, mà ngòi bút tinh tế của Isaia cũng như của Gioan hôm nay đã lột tả tính cách độc đáo của Người.

Xin ơn cảm mến Người và khát khao Ơn cứu độ.

Giảng lễ :

Isaia giới thiệu Đấng Cứu độ là tôi trung của Thiên Chúa. Người tôi tớ làm hài lòng Thiên Chúa, vì những lý do sau (là những lý do bộc lộ tính cách riêng biệt của Người):

1. Người sống dịu dàng, hiền lành: không thích gây hấn, cãi cọ, ầm ĩ. Có ai nghe tiếng Người giữa phố phường? Không to miệng, không lớn tiếng. Ta nhớ lại trong các phiên tòa xử Người, Người không tranh tụng biện hộ. Người ta vu oan cáo vạ, chứ làm gì thấy Người có tội tình gì. Cả Hêrôđê lẫn  Philatô đều thấy thế.

2. Người cực kỳ lân tuất, độ lượng: không muốn hạch sách, kết tội ai. Nâng đỡ vô cùng, thương xót vô biên: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy. Tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi”.

3. Người tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa va ý định của Ngài là kéo Ơn cứu độ đến cho loài người. Người ý thức sứ mạng của mình là đến thiết lập công lý trên mặt đất, làm cho công lý ấy sáng tỏ trước muôn dân. Nói cách khác là làm cho mọi người thấy đức công chính của Thiên Chúagiải thoát những kẻ cơ khổ ngồi trong bóng tối sự chết, mở mắt cho kẻ mù lòa, đưa ra khỏi ngục tù những người bị giam giữ.

4. Người sẽ thi hành sứ mạng cách can đảm, không yếu hèn, không lụy phục. Vì nơi Người luôn có Thần Khí ở với, ủng hộ.

Còn Gioan thì bảo đấy là Người tôi tớ đau khổ, sẽ phải chịu chết. Cái chết của Người được Gioan ám chỉ trước qua việc Maria xức dầu thơm lên chân Chúa. Lúc bấy giờ Chúa đang ở nhà các bạn hữu là Martha, Maria và Lazarô. Chỉ 6 ngày trước lễ Vượt qua.

Maria lấy dầu thơm xức lên chân Người. Có thể bà làm việc ấy vì quý khách, diễn tả lòng biết ơn Đức Giêsu đã cứu sống em mình. Dầu này mua vào dịp Lazarô chết chăng? Những người có mặt dễ nhận ra thái độ ấy của Maria là tôn trọng Đức Giêsu, quý mến Người. Còn Chúa thì nghĩ đến việc mình sắp chết và cũng nghĩ cử chỉ này là cử chỉ ướp xác. Rõ ràng Đức Giêsu không phản ứng cấm đoán, cứ để Maria làm theo ý Bà. Chỉ có Giuda gây rối, phá bĩnh, phản ứng mạnh vì khuynh hướng tham lam, tiếc của chứ thương hại gì kẻ nghèo (Ga 12, 6). Chúa muốn dùng cơ hội này khẳng định mình sắp chịu chết để chuộc tội muôn dân.

Chúa Giêsu đích thật là người tôi tớ đau khổ của Giavê: việc xức dầu thơm chỉ cái chết và sự mai táng Chúa. Gioan muốn dẫn chúng ta vào bầu khí đó, bầu khí của Tuần Thánh.

Ông thừa nhận Đức Giêsu mọi khi sống bình dị, khó nghèo, sẵn sàng lấy đá gối đầu mà ngủ. Có bao giờ Người muốn sống xa hoa, phí phạm đâu? Hẳn Giuđa Iscariốt biết rõ điều đó. Vậy có quan tâm tới người nghèo thì hãy có tấm lòng yêu thương họ chân thật cụ thể, chứ đừng có giả nhân giả nghĩa như Giuđa. Cái ác ở đời luôn khéo che đậy. Còn cái tốt, cái hay thật cũng vì khoác áo khiêm tốn, kín đáo nên dễ mấy ai nhận ra?

Thế nên Chúa Giêsu thật cô đơn lúc này. Bạn bè chẳng hiểu, chẳng biết tâm trạng của Người. Nơi nương tựa duy nhất chỉ là Thiên Chúa Cha và ý định của Cha mà Đức Giêsu rắp tâm vâng phục muốn thi hành.

Chúng ta muốn cử hành mầu nhiệm sự chết của Đức Kitô và hiệp thông trọn vẹn vào đó, hãy lôi dầu thơm của chúng ta ra. Đó là lòng sốt sắng tham dự mọi lễ nghi Phụng vụ Tuần này.

 

Thứ Ba Tuần Thánh

Is 49, 1-6; Ga 13, 21-33. 36-38

Đầu lễ:

Phụng vụ hôm nay để lộ tâm trạng của Đức Giêsu trước cái chết gần kề, vì âm mưu nộp Thầy của Giuđa không còn là chuyện hoài nghi nữa.

Chúng ta ở góc độ nào khi hướng về cái chết ấy? Thái độ của Giuđa, của Phêrô hay của các môn đệ khác sẽ giúp ích gì cho chúng ta?

Giảng lễ:

1. Cái chết của Chúa Giêsu đã gần kề. Giuđa, kẻ phản bội đã ló mặt; âm mưu nộp Thầy, giết Thầy giờ lộ diện. Gioan viết: “Khi Giuđa ra đi, trời đã tối” (Ga 13, 21). Tối tăm của không gian một phần, cộng thêm sự đen tối của lòng dạ đầy âm mưu thâm độc. Rõ ràng Phúc Âm cho thấy “Satan đã nhập vào y” (c. 27).

Chẳng phải mình Giuđa tìm cách nộp Thầy. Hắn tệ bạc đã hẳn; còn các tông đồ khác sống lâu bên Thầy nữa. Được dày công đào luyện, vậy mà có ai gắn bó với Thầy đâu? Chỉ thời gian ngắn nữa Phêrô sẽ chối Thầy và các môn đệ khác bỏ Thầy; cả đám cao bay xa chạy. Chúa Giêsu thấy xót xa, tâm thần xao xuyến. Có cái gì đó như phí sức lực, uổng công vô ích. Và sứ mạng hầu như thất bại. “Tôi đã vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì?” (Is 49, 4).

Thế nhưng cũng ngay lúc ấy, Thần Khí Thiên Chúa vực Chúa Giêsu dậy. Người ý thức rõ cái chết tất đến, nhưng lại mở đường tới vinh quang. “Ngươi là tôi trung của Ta. Ta dùng ngươi để biểu lộ vinh quang” (Is 49, 3). Chúa Giêsu vững tâm bước vào cuộc khổ nạn, vì giờ Người làm vinh hiển Cha cũng là lúc Cha làm vinh hiển Con (Ga 13, 31-32).

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn ý thức mạnh mẽ tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình và cho nhân loại. Không yêu sao Thiên Chúa quan tâm nặn ra hình hài Người và tuyển chọn Người từ khi còn trong lòng mẹ? Không yêu nhân loại này sao Thiên Chúa trao cho Người sứ mạng cao cả là 1) Quy tụ Israel về một mối, bằng cách tái lập các chi tộc nhà Giacob. 2) Chưa đủ, Người còn nên Ánh sáng muôn dân và đem Ơn Cứu độ đến cho mọi người.

2. Hội Thánh tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô là đem Tin Mừng và ánh sáng của Thiên Chúa đến mút cùng trái đất. Sứ mạng ấy không kém cam go, bởi vẫn là con đường hẹp của Thập giá. Con đường tử nạn của bao thừa sai trong quá khứ và hiện tại, của ai còn “sẵn sàng” đi vào con đường ấy.

Phêrô hăng hái, nhưng bồng bột, không lường hết được những chiều kích đau thương của Thập giá. Sau này, ông sẽ đi vào với tính cách người tôi tớ bị bách hại của Đức Kitô; nhưng chỉ sau khi nhận lãnh Thánh Thần Chúng ta cũng trở nên mạnh mẽ khi có Thánh Thần. Nếu không, sẽ yếu đuối như Phêrô với lòng đạo đức bốc đồng từng lúc. Hoặc tệ hơn, sớm muộn sẽ nộp Thầy bằng cái hôn giả dối như Giuđa mà thôi.

 

Thứ Tư Tuần Thánh

Is 50, 4-9a; Mt 26, 14-25

Đầu lễ:

Lành dữ, tốt xấu là 2 thực tại của đời sống con người. Nó trà trộn vào nhau đến khó phân biệt, nếu không có Chúa giúp đỡ để nhận ra. Chúa chính là Sự thiện, giúp các Tông Đồ nhận ra Giuđa là sự ác. Thiện ác tranh giành, đẩy quyền lực của mình tới cùng. Nhưng Đức Kitô đã chiến thắng chung cuộc. Hãy vững tin và bước đi theo Người, cho dù sự dữ phủ đầu Người bằng cái chết lúc đầu.

Giảng lễ:

Ai ghiền xem phim Hồng Kông hay Trung Quốc đều nhận thấy hầu hết các phim có nội dung là cuộc đấu tranh giằng co giữa 2 phe tốt và xấu, lành và dữ, thiện và ác. Khốc liệt, kịch tính để rồi cuối cùng gian ác, bạo tàn bị đập tan và cái thiện, cái chân, cái mỹ chung cuộc chiến thắng.

Phụng vụ hôm nay cũng cho tôi cảm giác ấy: Giuđa, đại biểu sự dữ và Chúa Giêsu, phía thiện, đang đẩy những quyết định của mình đến cùng.

Sự dữ muốn tiêu diệt sự thiện, nên Giuđa quyết định nộp Thầy mình. Giá bán là 30 đồng bạc thời ấy. Tương đương giá 1 thửa ruộng nhỏ hay 1 tháng công nhật (mỗi ngày 1 đồng) hay cỡ giá 1 tên nô lệ (bằng 12 đồng vàng Việt Nam thuở trước). Đáng là bao, nhưng lại là tất cả đối với một kẻ phản bội, âm mưu đen tối, một kẻ cắp tham của (cf.Ga 12, 6). Giuđa giỏi che giấu lòng dạ, đến độ các tông đồ khác chẳng ai hay biết, nếu Chúa Giêsu không lật tẩy tố giác. Ở đời, dính vào tiền, dễ bị hư hỏng. Không còn muốn cậy dựa vào Thiên Chúa nữa, vì “không ai có thể làm tôi hai chủ”.

Bản thân chúng ta đôi khi rơi vào vòng xoáy sự ác một cách bất ngờ, khó hiểu. Phải cảnh giác! Sự ác luôn là một mầu nhiệm lẩn quất quanh ta. Nó núp dưới mọi chiêu bài, hình thức, kể cả khoác áo đạo đức. Chẳng hạn vì người nghèo, vì thương người vv

Thường chúng ta dễ phạm tội, khi tai không còn muốn nghe Lời Chúa, trí không còn tìm kiếm Thánh ý Chúa, miệng không còn ca tụng Chân lý, lòng bất trung bất tín với Chúa. Khi đó, Satan đột nhập vào và sự ác tung hoành.

Phía thiện là Đức Giêsu, lại chọn con đường hẹp Thập giá mà đi. Thế gian không gặp được Người, hay chối bỏ Người vì thế gian sợ đau khổ, chông gai. Biết sự thương khó đang đến với mình mà Chúa Giêsu vẫn chấp nhận nộp mình để vâng và thi hành ý Cha. Nhờ đó, lập công đền tội đời và cứu đời.

Biết rõ lòng dạ Giuđa là xấu, Chúa vẫn gọi tuyển ông. Chúa tôn trọng sự tự do lựa chọn lối sống, phát triển con người của ông. Sự thiện không toa rập, đồng lõa, dung túng sự dữ. Sẵn sàng vạch mặt chỉ tên.

Chúa Giêsu không tiêu diệt kẻ dữ, nhưng đón nhận hậu quả sự dữ đổ lên đầu mình. Bởi Người là chiên gánh tội trần gian. Là người tôi tớ thống khổ mà Isaia lột tả rõ nét: “hiền như con chiên bị điệu đi xén lông. Vô tội, mà cứ đưa lưng chịu đòn, giơ má chịu giật râu. Trơ như đá, không hổ thẹn, không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, vì tin cậy Thiên Chúa phù trợ mình” (Is 50, 6-7).

Kẻ ác “chấm chung một đĩa với Thầy” (Mt 26, 23). Lành dữ ở đời trà trộn, chung lộn vào nhau. Đến ngày tận thế là mùa gặt, mới sàng lọc tốt xấu, mới phân tách lúa thóc với cỏ lùng. Rác rưới bị thiêu đốt, lúa thóc dồn vào kho!

 

LỄ TIỆC LY

Thứ Năm Tuần Thánh

Xh 12, 1-8.11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13,1-15

Đầu lễ :

Thứ Năm Tuần Thánh: 1 ngày trọng đại để tưởng niệm 3 sự kiện quan trọng:

1. Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền chức : nhớ chức tư tế vương giả (tín hữu). Nhớ chức tư tế thừa tác (giáo sĩ). Gây chú ý nhiều trong Thánh lễ Truyền Dầu ban sáng.

2. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể : Bí Tích Tình yêu, Bí tích Cứu độ. Chúa ban mình nuôi sống chúng ta và ở với gắn bó nên một với ta. Tha thiết, thân mật.

3. Chúa Giêsu công bố Luật yêu thương (nghi lễ Rửa chân) : luật cốt yếu của Đạo.

Giảng lễ:

Chiều nay, chúng ta được sống những giờ phút sống cuối cùng của Chúa Giêsu ở trần gian này. Chúng ta cử hành giờ của Đức Giêsu Kitô từ giã các môn đệ yêu dấu, bằng những việc thâm thúy và quan trọng nhất, mà dường như Người để dành đến hôm nay mới làm.

Người làm 2 việc biểu lộ cùng một ý nghĩa: Rửa chân môn đệ và ban Thịt Máu Người cho các ông. Hai việc chỉ nhằm một mục đích biểu thị Tình Yêu muốn cứu rỗi ban hạnh phúc cho loài người.

Thật vậy, Chúa xuống thế chỉ vì yêu thương chúng ta và mang tình yêu của Chúa Cha đến cho loài người. Suốt đời, Đức Giêsu đã tỏ nhiều thái độ, làm nhiều hành vi, nói nhiều lời êm ái để kêu gọi sự gắn bó yêu thương. Hôm nay Người làm 2 hành động cuối cùng để nói hết tình hết nghĩa với loài người.

I. Rửa chân.

Đang chủ sự bàn ăn, Đức Giêsu làm cho môn đệ sửng sốt khi đứng lên, cởi áo ngoài ra, thắt lưng lại, cầm thau lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Việc kỳ lạ làm sao?!

Người tự do, tự lập không bao giờ làm như vậy. Chỉ có nô lệ khi chủ bảo mới chịu làm công việc ấy. Nay Đức Giêsu là Thầy, là Chủ, là Chúa của các môn đệ mà lại làm như vậy.

Phêrô phản kháng thay cho anh em. Chúa bảo: cứ để Thầy làm, sau này con sẽ hiểu Và bây giờ Hội Thánh hiểu, chúng ta hiểu. Chúng ta biết Chúa yêu thương loài người, muốn nhắc loài người lên đồng phận, chia sẻ sự sống và hạnh phúc đời đời với Chúa.

Loài người tội lỗi lạc xa Chúa, thì tình yêu buộc Chúa phải đi tìm loài người. Gặp người muốn yêu thương rồi, Chúa phải bỏ cương vị cao trọng đi, cởi áo cao trọng hơn đó ra để đồng phận với loài người.

Hơn nữa, để chứng tỏ tình yêu của Chúa chân thật, không có một ẩn ý lợi dụng nào cả, Đức Giêsu còn thắt lưng lại như tôi tớ, nói lên rằng tình yêu của Chúa chỉ muốn phục vụ nâng cao loài người lên mà thôi.

Chưa hết, tình yêu của Chúa còn muốn chấp nhận cả những cái ít giá trị, nếu không muốn nói là xấu xa nữa nơi con người, mà biểu tượng là đôi chân đi đất của con người. Chúa đến, Chúa rửa, Chúa lau, Chúa như muốn bảo không những Chúa yêu mặt, yêu thân con người, mà yêu cả đến đôi chân họ nữa. Yêu con người tội lỗi. Yêu họ đến cùng để họ cùng được ngồi ngang hàng với Chúa, được nghe Lời Chúa âu yếm: “Chúng con gọi Thầy là Chúa, là Chủ thật rất đúng, nhưng từ nay chúng con là bạn hữu của Thầy. Thầy không muốn gọi các con là tôi tớ”

Giuđa Iscariốt, kẻ bội phản, có hiểu được tình yêu này không? Nét nổi bật của Đức Giêsu khi đối diện với con người này vẫn là lòng nhân đạo và sự tự chủ của Người. Đức Giêsu đã không khai trừ Giuđa ra khỏi hồng ân của nghi lễ Rửa chân. Ngài không xử tệ: sẵn sàng hạ mình ngay cả trước kẻ phản bội Ngươi. Cử chỉ ấy mới minh họa một tình yêu mà Gioan gọi là “yêu cho đến cùng” của Đức Giêsu, yêu cả kẻ thù, như Người vẫn dạy.

Phêrô có hiểu không, sao dám từ chối? Từ chối để Chúa rửa, là từ chối được thanh tẩy sao xứng đáng dự phần với Chúa, xứng đáng được cứu độ và hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Đức Giêsu lúc nào cũng sẵn sàng cởi áo ra, nghĩa là lột xác, xóa bỏ thân mình để trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Người là Chúa mà chấp nhận luôn khom lưng làm công việc của một nô lệ ngoại quốc (bởi nô lệ Do thái cũng không bó buộc phải rửa chân cho chủ mình). Đó là biểu tượng, hành vi hư vô hóa mình trên Thập giá! Hiến mạng mình vì tha nhân.

Ôi con người chúng tôi hôm nay sao khó hạ mình quá! Nhất là khi đang khoác bên ngoài chiếc áo chức tước này nọ. Yêu thật là chấp nhận người khác và muốn cứu họ bằng cái giá phải trả là chính quyền lợi bản thân mình.

Cứ dấu này nhận ra các con là môn đệ Thầy, là các con yêu thương nhau”.

II. Lập phép Thánh Thể.

Hành vi thứ 2 của Chúa là lập Phép Thánh Thể để ban Thịt Máu mình cho môn đệ, để chia sẻ sự sống mình cho loài người, để ở trong con người, gắn bó với loài người thành một thân thể.

Nếu hiểu Rửa chân là hành động báo trước tử nạn và nếu hiểu việc trao ban Mình Máu hôm nay là việc hiến dâng mạng sống ngày mai trên Thập giá, thì chúng ta còn phải còn phải hiểu thế nào về tình Chúa yêu thương ta?

Yêu đến bỏ mình chịu chết, đến hiến cả mạng sống: sao ta còn có thể làm ngơ, lạnh lùng với một tình yêu như vậy? Trái tim chúng ta là đá mãi sao?!

Chiều hôm nay là buổi chiều yêu thương. Thánh lễ này là bàn tiệc yêu thương. Có khả năng yêu bao nhiêu, chúng ta hãy đem ra đáp trả hết đi. Đáp trả tình yêu của Chúa, nên phải bùi ngùi than khóc sự vô ân bạc nghĩa của chúng ta khi tham dự lễ nghi Rửa chân. Phải đem hết khả năng yêu lại Chúa khi thấy Chúa ban Thịt Máu mình hy sinh cho chúng ta. Và đừng quên Chúa vẫn sống, vẫn ở gần chúng ta không những trong Bí tích Thánh Thể, nên từ nay chúng ta năng đến với bí tích này hơn, mà Chúa còn ở trong cả Hội Thánh nữa, nên chúng ta hãy nghe Lời Chúa: “chúng con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”.

Đấy là quy luật bác ái, là luật tình yêu cốt yếu trong Đạo Chúa long trọng công bố hôm nay. Ai không yêu thương là ở ngoài quỹ đạo của Chúa, của Đạo, của Hội Thánh. Mà ai ở trong Hội Thánh, không sống bằng tình yêu sẽ không thuộc về Hội Thánh nữa, y như Giuđa Iscariốt ở giữa các môn đệ có rửa chân mà không sạch, có hôn Chúa nhưng chỉ để nộp Người.

Ước gì khi tham dự việc Rửa chân và việc lập Phép Thánh Thể hôm nay, chúng ta thấy rõ hơn tình yêu của Chúa và chúng ta muốn đáp trả lại tình yêu ấy cho đến cùng, đối với cả Chúa và với cả anh chị em.

Tham dự việc Rửa chân, chúng ta có ân hận vì đã không yêu Chúa và thương anh em cho đủ?

Khi rước Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta có muốn trao ban thân xác, khả năng chúng ta cho Chúa và cho phần rỗi của anh chị em?

Tình yêu của Chúa vẫn cật vấn những kẻ đang yêu như Phêrô nhưng vụng về hoặc không biết yêu như Giuđa Iscariốt mà phản bội!

 

SUY TÔN THÁNH GIÁ

Thứ Sáu Tuần Thánh

Is 52, 13-53, 12; Dt 4, 14-16; 5, 7-9; Ga 18, 1-19, 42

Đầu nghi thức :

1. Suốt Mùa Chay và trong Tuần Thánh này, chúng ta đã tổ chức ngắm nguyện, suy nghĩ, chia sẻ nhiều về Mầu nhiệm Chúa chịu chết.

2. Sáng sớm hôm nay, thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta đã đi Đàng Thánh giá. Trong ngày còn giữ chay kiêng thịt để kết hiệp với Chúa trong Mầu nhiệm Tử nạn.

3. Giờ đây, tương đương với giờ Chúa chết xưa, còn là cao điểm để chúng ta chiêm ngưỡng Mầu nhiệm này.

Không được quên là mọi hành vi đạo đức trong ngày của chúng ta - từ việc làm Dấu Thánh giá, đến dâng lễ - phải tham chiếu về Mầu nhiệm Thánh giá mới có Ơn cứu độ. Chính việc Chúa chết trên Thánh giá trong ngày thứ Sáu hôm nay làm cho mọi Thánh lễ hằng ngày trở thành hy tế sinh Ơn cứu độ cho trần gian. Thánh Thể cử hành tưởng niệm hôm qua cũng tiên báo Hy tế Thánh giá hôm nay. Cả hai chỉ là một thực tại.

Vì sao Thánh giá, là Mầu nhiệm Chúa chịu chết, lại quan trọng đến thế?

Giảng lễ :

I. Vì sao Chúa chết ô nhục?

Bóng Thập giá thứ Sáu Tuần Thánh bao trùm địa cầu. Chúng ta nhìn lên: kìa, một xác người treo trên cây gỗ. Những giọt máu từ các vết thương loang lổ chảy thấm xuống lòng đất. Sao Chúa chết quá bi thảm?

1. Phải chăng

- vì ông Giêsu đã xách động quần chúng nổi loạn? (Lc 23, 2-5).

- vì ông đã có ý tưởng phá hủy Đền thờ Giêrusalem (Mc 14, 58; Mt 26, 61).

- vì ông phạm thượng, dám xưng mình là Đấng Thiên sai, là Con Thiên Chúa (Mt 26, 65; Mc 14, 64; Lc 22, 71; Ga 19, 7), kể cả có quyền tha tội thiên hạ.

- Hay vì các kỳ lão ghen tương (Mc15,10) và sợ dân chúng bỏ họ đi theo ông (Lc 22, 2).

- Hay vì môn đệ Giuđa muốn bán Thầy mình (Mc14, 10).

2. Xét về các lý do chính trị, xã hội: chính Philatô xác nhận:

- Ông Giêsu đã không làm điều gì đáng chết (Lc 23, 14.22).

- Hêrôđê cũng không thấy Ngài có tội gì (x. Lc 23, 15).

- Và lời tự thú của Giuđa cũng chứng minh sự vô tội của Người: “Tôi đã nhúng tay vào một cuộc đổ máu oan uổng” (Mt 27, 4).

3. Phải chăng như vậy Đức Giêsu thật là Người đầy tớ đau khổ của Đức Giavê (Is 52, 13- 53, 12), là nạn nhân vô tội của tội ác loài người.

Tất cả các hành vi phản bội, hận thù, ghen tương, cáo gian, bỏ vạ, hèn nhát, sợ sệt của Thượng tế, của Hội đồng Do Thái, các biệt phái và luật sĩ, các người theo phái Hêrôđê và Saducêô, cho đến tên lính canh, đứa tớ gái, đám đông a dua và cả Philatô - kẻ muốn tha Chúa Giêsu - đều chứng tỏ họ là tội nhân, chứ không phải Chúa. Mọi người có tội: chẳng ai có lương tâm bình yên, chân thật trong vụ án này. Mới thấy cuộc xử án này bất công và tội lỗi không cơ chứ ? Những người lên án lại là những người có tội, còn tội nhân bị xét xử lại là Đấng ban Ơn cứu độ.

Đúng, tất cả do tội. Tội là một mãnh lực làm lòng con người ra tối tăm, nham hiểm và kiềm chế con người trong vòng nô lệ. Loài người nói chung đều có tội và cần Ơn cứu độ.

4. Thánh Kinh cho thấy Đức Kitô đã chếttội thế gian. Người vô tội đã tình nguyện trở thành tội vì ta và gánh chịu hậu quả của tội là cái chết trên Thập giá (2Cr 5, 21). Thánh Phaolô mô tả tội như một mãnh lực độc hại chỉ tổ gây ra chết chóc (Rm 6, 23). Với cái chết như khí giới nguy hiểm, tội thống trị loài người (Rm 5, 12-21).

5. Theo quan niệm Thánh Kinh, tội là hành động phản bội giao ước tình yêu, cắt đứt liên lạc sự sống với Thiên Chúa, gây chết chóc toàn diện và vĩnh viễn cho loài người, nếu Thiên Chúa không tự động tái lập sự sống.

Sách Khôn Ngoan Cựu Ước cho thấy một mãnh lực ma quái đã nhúng vào và gây nên cơ sự: “ quỷ dữ ghen tương, nên sự chết đã đột nhập vào thế gian” (Kn 2, 24). Sự chết đây không phải là cái chết thân xác thuộc bản tính tự nhiên, nhưng là chết trong tâm hồn, chết vĩnh cửu mà cái chết thể lý từ nay chỉ là một hình ảnh.

Tội xuất hiện chồng chất và gieo rắc sự chết khắp nơi

Tội mạnh như thác lũ và cái chết là bằng chứng chiến thắng của nó.

II. Nhưng, qua bài Thương khó, Gioan thấy gì trên Thánh giá?

Ông thấy rõ một Đức Giêsu đã chết vì tội lỗi mọi người. Vì gánh tội nhân loại mà Chúa chịu chết, nhưng không để sự chết đè bẹp. Trái lại, Người luôn xuất hiện trong tư thế của một Đấng Cứu Thế hoàn hảo mà Cựu Ước đã loan báo.

1. Đầu tiên, khi bị điệu đến nhà Hanna là thân phụ của vị Thượng tế Caipha, Đức Giêsu đã để lộ khuôn mặt tư tế của mình. Người là Thượng tế đã giang tay khẩn cầu cho ta trên Thánh giá.

Cái áo dài một đường chỉ của Chúa bị đem ra rút thăm đã gợi lên hình ảnh cái áo dài của Thầy Thượng tế.

- Ngày xưa, dân Do thái - trong ngày lễ gọi là ngày Xá tội - đã đặt cả tin tưởng vào Vị Thượng tế của Đạo cũ, khi ông bước vào nơi Cực Thánh, dâng máu chiên bò để xin ơn tha tội cho dân.

- Ngày nay, Gioan trình bày giới thiệu, nhưng thư Hy Bá quảng diễn dạy cho ta biết chúng ta có Vị Thượng tế mới trổi vượt hết thảy. Người là Đức Kitô, Thượng tế của Đạo mới, đã dùng chính máu mình chứ không phải máu chiên bò làm Hy lễ để xin ơn tha tội cho ta. Hy lễ của Người thật giá trị, bởi Người thụ nạn cũng chỉ vì hết lòng tôn kính vâng phục Thánh Ý Chúa Cha và bù sự bất tuân phục của nhân loại nơi cây trái cấm.

2. Thứ đến, Đức Giêsu là Chiên Vượt Qua mới mà hy tế không được để gẫy một cái xương nào. Đúng vậy, Phúc Âm bảo những người lính không đánh dập ống chân Chúa, như đã làm đối với hai người tử tội hai bên.

Ai ngờ sự kiện này trùng hợp với việc cũng vào giờ ấy, trong Đền Thờ, các tư tế đang giết các con chiên vượt qua để người ta đem về ăn trong gia đình, nhắc nhở Chúa đã cứu dân ra khỏi đất nô lệ Ai Cập. Người ta cẩn thận không được để con chiên bị giết gãy một cái xương nào.

Và chúng ta cũng có ngờ đâu rằng Gioan Tẩy giả đã nói đúng khi, cách đây 3 năm, ông nhìn Đức Giêsu đi qua và nói với hai môn đệ rằng: “Kia là Con Chiên Thiên Chúa gánh tội thiên hạ”. Gioan lại là một trong hai môn đệ nghe những lời ấy, nên hôm nay ông thấy ứng nghiệm lời ấy một cách quá tuyệt vời. Đức Giêsu trở thành Con Chiên Vượt Qua rồi trên Thánh giá.  

3. Rồi, một người lính đâm cạnh sườn Chúa: máu và nước chảy ra. Một hành vi đùa giỡn hay vô tình? Cái không ngờ là lại thi hành Ý Chúa nhiệm mầu, thể hiện lời tiên tri Zacaria báo: “Đấng cứu dân bị đâm thủng cạnh sườn!”. Người ta nhìn lên và Ơn cứu độ chảy xuống theo dòng nước và máu. Máu nói lên lễ hy sinh đền tội. Nước gợi lên sự sống. Thánh Thần làm tái sinh mọi loài. Gioan thấy ngay Đức Giêsu là Đền thờ Giêrusalem mới có nước sự sống mới phục sinh mọi loài chảy ra từ bên hông.

Như vậy, Người vừa là Thượng tế, vừa là Hy lễ, vừa là Đền thờ mới, tức là tất cả nền móng Đạo mới chúng ta.

 4. Chưa hết, cuối cùng Gioan cho thấy Đức Giêsu xuất hiện với đầy vẻ uy nghi lẫm liệt và vương quyền của một Vị Hoàng Đế trước mặt Philatô.

Cái oai của Đức Giêsu đã có ngay trong vườn Cây Dầu khi Người phán một lời bọn lính đã ngã lăn ra.

Trước mặt Philatô là ông quan xét xử Người, Người đã chinh phục, đúng ra là khuất phục ông ta khiến ông ta bị ám ảnh phải đem Người ra trước mặt dân tuyên bố: “Này là Vua các ngươi!”.

Cũng chính Philatô đã từ chối không sửa lại bảng viết để trên đầu Thánh giá Đức Giêsu: “Ông này là Vua dân Do thái” (INRI). Như vậy với Gioan, Đức Giêsu thật là Vua Tình yêu khi chịu đóng đinh vì chúng ta.

Những gì chúng ta vừa phân tích dựa trên Luca, phải chăng đã hội đủ những lý do để chúng ta hiểu tại sao hôm nay chúng ta phải suy tôn Thánh giá, cảm phục cái chết cứu độ của Đức Giêsu. Chúng ta hãy hôn chân Người thành kính để bày tỏ lòng cảm mến biết ơn. Một cái hôn nồng nàn sự biết ơn cũng phải là một cái hôn đầy nước mắt thú nhận tội lỗi, y như cái hôn mà Maria xưa đã đặt vào chân Chúa khi Người còn sống. 

 

Vọng Phục sinh năm C

Rm 6, 3-11; Lc 24, 1-12

LÀM SÁNG LÊN ƠN PHỤC SINH

Giảng lễ :

1. Trong Đêm Cực Thánh này, cùng với Giáo Hội, chúng ta hân hoan mừng Mầu nhiệm Chúa Giêsu Phục sinh. Anh sáng chan hòa, hoa nến rực rỡ, thánh ca vui tươi, lễ nghi trang trọng. Tất cả hòa nhịp phát huy và nuôi dưỡng lòng sốt sắng êm ái trong tâm hồn chúng ta. Nhưng đó chỉ là bước đầu.

2. Chúng ta còn phải đưa Mầu nhiệm Chúa sống lại vào trong tâm hồn, để khi tan lễ, tắt đèn, nhạc im, mọi sự lại trở về im lặng, ánh sáng nhiệm mầu Chúa Phục sinh vẫn cháy tỏ trong lòng ta; Ơn Phục sinh vẫn lan tỏa và sáng rực trong ta. Có thế những đau thương khốn khổ của cuộc đời mới vơi đi, tan biến nhường chỗ cho niềm hạnh phúc vui sướng của Chúa Phục sinh thống trị.

3. Làm được như vậy không dễ đâu

- Bởi vì đối với Mầu nhiệm Chúa chịu chết, chúng ta dễ nhớ. Người chết giữa ban ngày với sự chứng kiến của bao người và cây Thánh giá kia không ai chối bỏ được rằng không có.

- Còn đối với việc Chúa Phục sinh thì khác. Việc ấy xảy ra vào         khoảng tờ mờ sáng như lời Sách thánh kể. Có ai xem thấy đâu. Thoạt đầu chỉ một vài phụ nữ được Thiên thần hiện ra cho biết, rồi được Chúa sống lại gặp trong giây lát, và mãi sau dần dần các môn đệ mới được xem thấy vào một vài lúc đặc biệt.

4. Tại sao việc Chúa chết thì rõ ràng, không che đậy; còn việc Người Sống lại như luôn bị bao trùm trong một làn sương, mà chỉ con mắt đức tin mới xuyên qua và nhìn thấy được?

Câu trả lời không khó: nó nằm ngay trong lòng chúng ta, sẵn trong nếp   sống xã hội:

- Tội lỗi, sự ác không lan tràn phơi bày trong và ngoài chúng ta sao?

- Còn thiện, sự đổi mới, sự thánh thiện lại luôn luôn như lúc ẩn lúc hiện. Mầu nhiệm Phục sinh phải đi tìm mới gặp, nhưng nếu tìm sẽ thấy. Gương các phụ nữ đi tìm Chúa chịu chết, vì thương nhớ Chúa: họ đi tìm sự chết và đã gặp sự sống.

5. Cảnh đời chúng ta có quá nhiều đau đớn tang thương, quá nhiều sự dữ. Thập giá là thực tại không che đậy. Chúng ta không tìm ra ánh sáng Phục sinh cho cuộc đời, tại ta không muốn hay cố tránh cố quên thôi.

- Không có Ơn Phục sinh cho những người chỉ biết hưởng thụ.

- Không có Ơn Phục sinh cho đời ta, nếu ta không khao khát đón nhận và cho thế gian này, nếu ta không muốn loan truyền Tin Mừng Phục sinhlàm sáng lên Ơn ấy giữa cuộc đời tối tăm này.

Tuần báo Tuổi trẻ CN số tháng 9/ 97 tác giả Đăng Quang ghi lại một cảnh đời như sau:

1. Ông đang sửa chiếc đồng hồ đeo tay ở một tiệm bên đường Trần Huy Liệu thì thấy một gã đàn ông 50 tuổi mình trần bước vào, hỏi mượn người thợ sửa đồng hồ chiếc kìm. Gã cố bẻ một mẩu sắt nhỏ trên tay thành ba mũi nhọn chĩa ra ba hướng. Trên cổ gã đeo một sợi dây to để thòng xuống ngực một Thánh giá. Tôi tò mò hỏi người thợ sửa đồng hồ: “Để làm gì vậy?”. Người thợ nháy mắt nói nhỏ: “Để vứt mẩu sắt xuống đường cho xe đạp cán. Ông ta làm nghề vá ép mà!

Nhìn thanh sắt trên tay, rồi nhìn Thánh giá nơi ngực gã, tôi ngao ngán sợ sợ. Bẻ xong thanh sắt, gã bước xuống lòng đường đi một quãng ném thanh sắt xuống, rồi điềm nhiên trở về vị trí vá xe bên cạnh một thùng sắt và chiếc bơm hơi ung dung chờ đợi.

Tôi định đến nói với gã ta điều gì đó, nhưng chưa kịp thì nghe tiếng xe xì. Một chiếc xích lô chở một bà mẹ và hai đứa con. Lão đạp xích lô nhìn xe xì, mồ hôi đã sẵn lại càng vã ra. Lão tìm quanh bánh xe, cố gỡ mẩu sắt ra quăng lên lề đường, miệng lầu bầu chửi đổng.

Gã đàn ông ở trần, ngực đeo Thánh giá vẫn ngồi yên chờ đợi. Chắc thế nào người đạp xích lô cũng đưa xe vào vá. Nhưng không, anh xích lô như vô tình gò người đẩy chiếc xe nặng nhọc đi. Gã đàn ông tiếc rẻ, nhổ bãi nước bọt cho rỗng miệng, trước khi buông thõng mấy câu chửi thề. Gã đưa mắt nhìn mẩu sắt chỉa nhọn, có lẽ muốn nhặt lại và làm lại từ đầu…Ngay lúc ấy, một cụ già bước tới, thấy thanh sắt, bà cúi xuống nhặt lên bỏ vào chiếc giỏ đang xách trên tay, sợ có người đạp phải.

2. Cảnh đời trên đây có quá nhiều nhân vật liên đới:

- Có gã vá xe với mẩu sắt nhọn đang vãi cái xấu, cái ác trên đường đời. Hình như đôi tay gã quen gieo điều dữ, nhưng kề đấy ngực lão lại đeo Thánh giá. Phải chăng lão tin Chúa, nhưng tin vào sự chếtkhông tin sự Phục sinh.

- Có người thợ sửa đồng hồ hiểu lòng dạ gã vá xe, nhưng vẫn đóng góp chiếc kìm cho gã uốn mẩu sắt thành nhọn, cho dã tâm của gã thêm sắc bén.

- Có tác giả đứng nhìn mà chưa kịp hành động hay không dám hành động ngăn cản sự ác.

- Có những nạn nhân của cuộc đời, của cái ác là lão đạp xích lô, là mẹ con người đàn bà đi xe.

- Chỉ có cụ bà sắp lìa cuộc đời, nhưng vẫn còn đủ nghị lực muốn góp phần nhặt đi cái xấu, cái ác trong đời, để làm cho sân khấu cuộc đời sáng hẳn lên, đẹp thêm lên.

3. Người ta chỉ nhìn thấy cánh rừng đổ nát, mà không nghe thấy tiếng thì thào của những mầm sống đang nhô lên.

Người ta chỉ nhìn thấy những cảnh đời đen bạc với những tội lỗicái ác tung hoành, mà không nhận ra bao nhiêu cái thiện âm thầm từng ngày.

Bao lâu cái thiện còn chiếu sáng, Ơn Phục sinh còn lan tỏa và lấn lướt được cái ác, thì cảnh đời vẫn đẹp và cuộc đời vẫn tiếp tục có ý nghĩađáng sống.

Lòng tôi để chất chứa cái chết, sự dữ, cái ác hay để đón nhận Ơn Phục sinh và Chúa Phục sinh? Tôi làm gì cho Ơn Phục sinh sáng lên trong lòng tôi, trong đời tôi và cuộc đời này?

Thà đốt lên một ngọn nến, một ánh sáng sức sống Phục sinh còn hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối. Tôi chán đời, tôi hận đời, tôi bỏ đời hay tôi biến đời thành cảnh vật thần linh, cảnh sống Phục sinh Thiên đàng?

Niềm tin Phục sinh không bao giờ cho phép tôi bó tay bỏ cuộc. Sống Ơn Phục sinh của Chúa là gieo rắc sự thiện, truyền bá cái tốt, làm cho đời đáng chán thành đáng sống và sống dồi dào hạnh phúc. Chúa Giêsu nói: “Ta đến cho chúng được sống và sống dồi dào”.

Sự thiện cho dù chỉ là những giọt nước giữa đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước ấy, đại dương sẽ ít đi. Dù chỉ là những việc thiện nhỏ, nhưng nếu không có những việc thiện nhỏ âm thầm từng ngày ấy, cảnh đời sẽ đen tối biết chừng nào! Tội lỗi và sự chết sẽ thống trị!

Chúa Phục sinh xua tan tối tăm tội lỗi.

Tôi nhận ánh sáng Phục sinh để đem tắt đi hay làm bừng sáng lên?

     

 

 

 

 

 

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái