Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 9

DÒNG CON ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM HUẾ

Lưu hành nội bộ

9.2007

Lời ngỏ

Đây là một số bài giảng lễ, được trình bày trước hai cộng đoàn phụng vụ.

Qúi Thầy Đại Chủng Viện Huế và Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân, Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

Is 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66.80

Đầu lễ :

Hôm nay, mừng Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả. Ngoài Chúa Giêsu ra, trong nhân loại, Phụng vụ chỉ mừng ngày chào đời của 2 người: Đức Mẹ và Gioan Tẩy giả. Là những người chuẩn bị, cộng tác gần gũi cho Đấng Cứu Thế ra đời. (Các Thánh khác đều mừng ngày chết, về Trời, tức Sinh nhật trên Trời của các Ngài thôi).

Mắc tội Adam, ai cũng sinh ra trong tội lỗi : có gì để đáng mừng? Trừ khi là Thánh, về Trời, mới mừng. Nhưng chúng ta mừng Ngày sinh ra trần gian của Gioan, vì trước khi sinh ra Ngài được khỏi nguyên tội. (Cũng như chúng ta mừng Sinh nhật Chúa Giêsu và Đức Maria, vì Các Ngài không dính bén tội nguyên. Riêng Mẹ được ngăn ngừa trước khỏi vương tội tổ).

Giảng lễ :

I. Một Sinh nhật ngập niềm vui và đầy kinh ngạc.

Luca kể ngày Gioan sinh ra, mọi người từ cha mẹ, họ hàng thân thích đến hàng xóm láng giềng tới thăm đều vui.

Mẹ Gioan vui, vì Bà sinh được mụn con trong tuổi già. Lớn tuổi, son sẻ từ lâu mà sinh con thật mừng hết cỡ. Lại là ông con trai! Bà cảm nhận thấm thía lòng Chúa thương xót Bà chừng nào, khi cất đi cho Bà từ nay nỗi tủi hổ “phụ nữ có gia đình mà không con”.  Môt nỗi nhục lớn đối với đàn bà Do thái.

Bố Gioan vui, vì không nói ra, nhưng từ lâu ông cũng mong mỏi có được người con. Nhất là dịp cháu ra đời lại hết câm. Dường như Chúa buông tha cho sự nghi ngờ của ông trước đây.

Họ hàng vui lây và cả sửng sốt bỡ ngỡ. Điều lạ nữa đến từ cái vụ đặt tên cho cháu bé. Lẽ ra, theo thói thường Do thái, phải lấy tên Ông nội hay tên Bố đẻ cũng được, nhất là khi người Cha này đã gìa. Đặt tên trẻ ngay ngày sinh, theo tục cũ của Do thái (St 4,1; 21, 3-4) hay 8 ngày sau, vào dịp cắt bì cũng được (như thói quen sau Lưu đầy về, do chịu ảnh hưởng của Hi Lạp). Hỏi Mẹ đứa trẻ, thì Bà cứ nằng nặc tên Gioan. Một cái tên lạ lẫm trong dòng họ. Quay sang hỏi Bố (đang bị câm, nên phải viết ra bảng), vẫn một cái tên Gioan ấy. Cả hai nhất trí với tên do sứ thần Chúa truyền. Họ hàng đã hiểu, đấy là mệnh lệnh từ Trời cao. Có gì đặc biệt : một sự can thiệp từ Thiên Chúa. Bởi tên Gioan có nghĩa “Chúa muốn cứu độ” hay “Chúa chạnh lòng thương”.

Láng giềng vui luôn. Vui với Zacaria hết câm, vui với Êlisabeth hết tủi nhục và vui với Gioan, vì “đứa trẻ này rồi ra thế nào? Có bàn tay Chúa phù hộ em”. Suy nghĩ, họ thấy kinh sợ quyền năng Thiên Chúa và những sự lạ xảy ra chung quanh đứa trẻ nhanh chóng đồn thổi khắp vùng Giuđêa.

II. Kính sợ quyền năng Thiên Chúa.

1. Nơi Ơn gọi của Gioan : “Chúa gọi tôi từ dạ mẹ; lúc tôi chưa chào đời, Ngài đã nhắc đến tên tôi. Ngài nắn tôi từ dạ mẹ để nên tôi tớ Ngài”. Lời Isaða 49,1 cho thấy Gioan hình thành trong dạ mẹ cách đặc biệt, được sinh ra làm gì do quyền năng TC xếp đặt sẵn. Ta gọi đó là ơn gọi tiền định : Thiên Chúa chuẩn bị cho Đấng Cứu thế một tiền hô, với sứ mạng hết sức cao cả là “đem nhà Giacóp về cho Ngài và qui tụ dân Israel chung quanh Ngài” (c. 5). Chưa đủ, “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân...” (c. 6).

Thật ra, những lời sấm này áp dụng cho Israel, con dân mà Giavê tuyển chọn trước hết. Rồi tới Chúa Kitô, người tôi trung đích thật của Ngài. Sau cùng, lại có thể ám chỉ vào Gioan, tôi tớ của Đức Kitô. Dầu sao, quyền năng TC đã thể hiện rõ nét qua ơn gọi của Gioan, khiến ai nấy đều kính sợ.

2. Nơi phúc lành Gioan được hưởng: Thật diễm phúc khi Gioan còn trong dạ mẹ được Đức Maria và Chúa Giêsu đến viếng thăm. Ông nhảy mừng vì cuộc hội ngộ. Vui mừng vì được khỏi tội Adam, được làm tiên tri của Chúa. Quyền năng TC tiếp tục biểu lộ, đáng kinh ngạc, kính sợ.

Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là tiên tri của Đấng Tối Cao. Con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc1, 76). Chính Zacaria, khi hết câm, đã chúc tụng TC, mừng sinh nhật con mình bằng lấy lại ý tứ lời của Malaki 3, 1 (cf. Is 40, 3; Mc1, 2). Ông ca tụng tình thương, lòng nhân ái TC vì đến lúc Ngài ra tay cứu độ dân như đã hứa với tổ phụ Abraham (Bài ca chúc tụng Benedictus, Giờ kinh sáng). Tên Gioan nói lên tình thương cứu độ Dân Ngài : giờ ấy bắt đầu…

3. Nơi sứ mạng Gioan : Phaolô, ở bài đọc thứ hai (Cv13, 24-26), cho thấy sứ mạng Gioan là giới thiệu, loan báo ĐK, Đấng Cứu độ. Ông kêu gọi mọi người chịu Phép Rửa, tỏ lòng sám hối đón chào Đấng ấy. Đến sau ông, nhưng Đấng ấy cao cả tuyệt vời. So với Đấng ấy, cỡ Gioan không đáng cởi dây giầy.

Như vậy, qua lời chứng của Gioan, một lần nữa quyền năng TC lại tỏ lộ. Sứ mạng của Gioan thành công, khi ông làm nổi bật vai trò của Đấng Cứu thế. Nơi Đấng phải đến, quyền năng TC càng hiện thực.

Gioan, con người làm việc cho TC, theo kế hoạch của TC. Con người ấy, hôm nay ta mừng Sinh nhật, quá khiêm tốn, nên được Chúa Giêsu nâng lên : “Không ai trong nam giới quí trọng hơn Gioan”. Vậy ngày Gioan chào đời, đáng cho ta vui mừngcảm phục quyền năng TC.

Mừng Sinh nhật Gioan, cũng là mừng lòng thương xót cứu độ của TC được thực hiện.

 

Lễ Trọng

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ THÁNH PHAOLÔ, TÔNG ĐỒ.

Cv 12, 1-11; 2Tm 4, 6-8.17-18; Mt 16, 13-19

Đầu lễ :

“Con là Đá. Trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”. Chúa Giêsu xây Giáo Hội Người trên nền tảng Phêro, Vị Tông đồ cả trong nhóm 12. Ngài truyền bá Đạo mới Chúa Kitô cho người Do thái.

Vị có công loan Tin Mừng cho dân ngoại là Phaolô, được coi như cột trụ thứ hai của Giáo Hội.

Hai con người, hai tính cách khác biệt làm nên 2 cột trụ của tòa nhà Giáo Hội. Điều lạ trong Giáo Hội Công giáo ở  nơi hai người đứng đầu : một kẻ chối Chúa, một kẻ săn lùng bách hại Đạo Chúa. Không phải Chúa không biết, nhưng Người nhìn xuyên qua họ, thấy còn một cái gì đó…hết sức quí giá. Trên hết, là đức tinlòng nhiệt thành truyền giáo của các Ngài.

Giảng lễ :

Nơi con người Phêrô và Phaolô, nổi lên những nét tương phản, với những cuộc đời đầy kịch tính.

I. Dung mạo Phêrô, người anh cả.

1. Bộ mặt thứ nhất của Phêrô : lanh lợi, hăng hái, mạnh mẽ.

Sau khi thăm dò dư luận đánh giá mình là ai, Chúa Giêsu hỏi tiếp các môn đệ : “Còn chúng con, chúng con bảo Thầy là ai?”. Phêrô là kẻ nhanh nhẩu nhất, đã lên tiếng thay anh em : “Thầy là Đức Kitô, Con TC hằng sống” (Mt16, 15-16). Nhanh mà vẫn chuẩn xác, bởi lời phát biểu đức tin ấy được ơn trên soi sáng trợ giúp (c.17).

Lần kia, nghe Chúa đề nghị trước khi theo Người, kẻ muốn theo “hãy bán tất cả những gì đang có mà phân phát cho kẻ khó” và Chúa còn than phiền “người giàu khó vào được Nước TC”, Phêrô phản ứng tức khắc : “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ các của riêng tư mà theo Thầy” (Lc18, 22.24.28). Dịp khác, trước cảnh nhiều môn đồ rời bỏ Chúa vì cho rằng Người có những lời lẽ sống sượng, chói tai, Phêrô tuyên bố ngược lại : “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Chúng con tin nhận Thầy là Đấng Thánh của TC” (Ga6, 68-69). Cũng vậy, khi Chúa Giêsu loan báo Người sắp ra đi chịu chết và nơi Người đi các môn đồ không theo đến được, Phêrô lại hăng hái ra mặt : “Thưa Thầy, sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được? Con sẽ thí mạng con vì Thầy!”. Dường như Phêrô gióng thêm tiếng trống thúc quân : “Nào anh em, ta cùng lên Giêrusalem để chết với Thầy!”.

Trong vườn dầu, ông mạnh mẽ muốn bênh vực bảo vệ Thầy, nên đã rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ Vị Thượng tế. Con người ấy, tính cách ấy đáng khâm phục. Nhưng…

2. Bộ mặt thứ hai của Phêrô : nhát đảm và thấy rõ mình tội lỗi hèn mọn.

Mềm như bún trước đứa đầy tớ gái trong sân Thầy thượng tế. Cô ta mới dạm hỏi : “Cả ông nữa, ông không thuộc nhóm môn đệ của ông Giêsu sao?”. Phêrô đã chối phắt. Chối đi chối lại đến 3 lần (cf. Ga18, 17.25-27). Nhưng sau ánh mắt như hạch hỏi của Chúa, ông hối hận vô cùng, ra ngoài khóc lóc tội lỗi mình thảm thiết (cf. Lc22, 61-62). Ta nhớ trước kia, với mẻ cá lớn đầy kinh ngạc, ông nhận ra tình thương ưu đãi của Chúa. Chợt thấy mình bất xứng và quá tội lỗi trước ân huệ cao cả, nên phút chốc thẹn lòng ông xin Chúa rời xa ông (cf. Lc5, 4-8).

 II. Dung mạo Phaolô : kẻ bị khuất phục.

1. Phaolô : nhiệt thành, hăng hái, can đảm.

Vụ bắt hại tín hữu Chúa ở Đamas chứng tỏ ông rất nhiệt thành với Đạo cha ông. Tự ông xin chứng thư Tối cao pháp viện Do thái và xung phong đi làm chuyện này. Khi đã trở lại, bôn ba truyền giáo, ông vẫn hăng hái, can đảm không kém. Không sợ đói, sợ khát. Bất chấp mọi hiểm nguy đến từ đâu.

Ai tự cao tự đại khoe mình điều gì, ông thách luôn. Cỡ nào cũng xin chơi. Dám so sánh với thiên hạ về hết mọi mặt : bằng cấp, quyền hành; cắt bì, Do thái; biệt phái, tông đồ; kể cả việc được Chúa mặc khải và hiện ra. Ai tự hào là biệt phái, ông cũng xưng mình là biệt phái. Ai cho mình là công dân Đế quốc, ông cũng nhận là dân Rôma… (cf. Pl 3, 4-6; Cv 16, 37-39; 22, 25-29). Phaolô chẳng ngại tranh tụng cả với Phêrô về việc dân ngoại trở lại không buộc giữ luật Maisen, không phải chịu cắt bì (cf. Cv15,1-2.5-11.19-20.28-29).

2. Phaolô : thương người, mềm mại, khiêm tốn.

Thẳng thắn pha chút cứng cỏi, đanh thép khi tranh luận. Nhưng đọc một số thư ông, lại gặp cung giọng khác như năn nỉ. Ông thương Onêsimô, nô lệ bỏ trốn nhà. Coi hắn như con mình, như ruột thịt. Rồi đứng ra bảo lãnh, xin với Thêôphilê chủ nhân nhận lại, tiếp đón săn sóc…

Coi mình là Tông đồ hèn kém, sinh sau đẻ muộn. Nhận mình hèn mọn, yếu đuối trước mặt Chúa. Chỉ là tù nhân của Đức Kitô. “Sống là Đức Kitô; chết lại là mối lợi”. Có gì để vinh vang ? “Vinh dự của tôi là thâp giá Đức Kitô”, tức là đau khổ, là cái chết cứu đời của Người. Nếu cần khoe, tôi khoe điều ấy. Cái đó mới đáng gía thật.

Cảm phục, yêu mến hai Ngài. Trong cuộc đời, ta có yếu đuối sa ngã thế nào vẫn noi gương các Ngài, sống liên kết với hai Ngài. Bám lấy hai cột trụ này để xây dựng Hội Thánh Chúa Kitô bền vững, cũng là Hội thánh của Phêrô và Phaolô để lại.

 

Thứ Hai Tuần XII Thường Niên

Mt 7, 1-5

Đầu lễ :

Xin Lời Chúa mỗi ngày uốn nắn, dạy dỗ chúng con nên tốt hơn.

Giảng lễ :

I. “Thôi đi Tám!”

Chúa Giêsu nói ngắn gọn : « Các con đừng xét đoán”.

Tôi nghĩ đây không phải là một lời khuyên, mà là một mệnh lệnh. Chẳng có tiêu chuẩn nào để chúng ta có khả năng xét đoán cả :

1. Tầm nhìn và hiểu biết, trí khôn và phán đoán của chúng ta có giới hạn. Ta không hiểu hết, hiểu đúng được người khác (Lòng người ai dễ mà đo cho cùng!). Ta cũng không thấu triệt được hoàn cảnh, môi trường, cách sống riêng của từng người. Vậy dựa vào đâu để xét đoán anh chị em ta? Đang khi ta lại sẵn bao thành kiến trong đầu.

2. Thân phận chúng ta cũng yếu hèn, dễ sa ngã, dễ phạm tội như bao người khác. Sao ta thích lên mặt chê bai kẻ khác tệ, hoặc xấu hoặc không xài được?

3. Hơn nữa, quyền thẩm phán, xét đoán lại thuộc về Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Chúa muôn loài. Đấng Thượng trí, Khôn ngoan thấu suốt mọi bí ẩn sâu kín trong lòng ta. Có ma mãnh, thủ đoạn, che giấu thế nào đi nữa cũng chẳng thoát được con mắt Chúa. Từ trong lòng phát sinh sự dữ. Chỉ Chúa mới thấy được từ bên trong. Ta ưa làm chuyện khuất tất, lại còn đòi giành quyền của Thiên Chúa. Sao được? Đơn giản vì chuyện xét xử, tài phán thuộc về Chúa, không phải là việc của ta, thì hãy để cho Chúa.

II. Hãy nhìn lại mình.

1. Chúa không thích đe loi, chỉ để ta sợ mà biết tránh thôi. “Các con đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Hơn thế, Chúa là Đấng cầm cân công lý, rảy mực công bằng. Thi hành thưởng phạt trong tay Chúa : “Các con đong đấu nào, Thiên Chúa sẽ đong lại cho các con đấu ấy”. Sống tốt lành, được thưởng. Ăn ở thất đức, gian tà ắt bị trừng phạt. Lẽ tất nhiên là thế rồi!

2. Nhưng trên hết, Chúa muốn chúng ta nhìn thẳng vào mình. Lột mặt nạ giả hình của chúng ta ra (cf. Mt 7, 5), mà loại trừ cái xấu tận gốc.

Tâm lý thường tình : chúng ta hay thoái thác trách nhiệm, phủ nhận lỗi lầm, che đậy giấu kín tội mình nên chẳng muốn nhìn thẳng vào lòng mình. Ngại xét mình, đánh giá bản thân nên cái xà trong mắt ta, ta không hề thấy. Trái lại, vì ưa soi mói, nhìn chằm chằm vào anh chị em ta, nên dù là cọng rác, sợi tơ sợi tóc trong mắt anh em, ta đều thấy tỏ. Đi xưng tội, phải chăng có lúc chúng ta ưa kể tội người khác hơn là thú tội mình?

Thế là ta không cưỡng lại được sự xét đoán tha nhân, khi sự dữ đập vào mắt.

3. Vì biết trước ta không tránh được việc xét đoán, Chúa Giêsu khuyên : “Hãy lấy cái xà khỏi mắt con trước, rồi sẽ thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”. Nghĩa là thanh luyện, tẩy uế, cất sự dữ khỏi con người chúng ta trước đi, trước khi đòi “xát xà bông” anh em.

Vì không quen hay cố ý không muốn nhìn lại mình, nên ta yên trí mình tốt và ưa biện hộ : “Tôi đâu có xấu, có tệ thế đâu!”. “Thiên hạ không chơi được, tệ hết nước!

Chính cái tâm lý ấy, cách nghĩ ấy, lối sống ấy đã tố giác rằng cái xà thực sự đang ở trong mắt chúng ta và là cái xà gồ! (xà to).

 

Thứ Ba Tuần XII Thường Niên

Mt 7, 6.12-14

Đầu lễ :

Hôm nay chúng ta dâng Lễ ngoại lịch kính Chúa Thánh Thần, Đấng mà nhiều người than phiền hay bị quên lãng!

Ngài là Thần Chân Lý Chúa Cha ban cho chúng ta sau khi Chúa Giêsu về Trời. Xin Thánh Thần thương soi dẫn, dạy bảo chúng con hằng ngày sống đúng Ý Chúa.

Ngài là Đấng Thánh Hóa, đã biến đổi của lễ trên Bàn thờ thành Mình Máu Đức Kitô. Ngài ban Ân sủng và Sự sống Thiên Chúa cho ta, vì cũng chính Ngài đã phục sinh Thân thể Tử nạn của Đức Giêsu. Y như trước đó, Ngài đã “làm nên” thân thể Hài Nhi Giêsu trong dạ Đức Trinh Nữ.

Đấng “làm nên” Chúa Giêsu trong ngày Giáng sinh, cũng “làm nên” Giáo Hội trong ngày Hiện xuống viên mãn, khi qui tụ và hợp nhất các Tông Đồ quanh Mẹ Maria.

Xin thanh luyện chúng con khỏi tội lỗi, để chúng con được kết hợp với Đức Kitô Phục sinh và với nhau trong Thánh Lễ này.

Giảng lễ :

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta : “Qua cửa hẹp (lối hẹp) mà vào, vì cửa rộng và đường rộng đưa đến diệt vong”.

Chúa kỳ quá : thời buổi phát triển ngày nay, người ta nới rộng đường làm thành những xa lộ đẹp, êm ái, thẳng tắp dễ đi và dễ tăng tốc. Ai ưa đường hẹp!

I. Sao lại cửa hẹp?

Cửa hẹp gợi cho tôi ngay lập tức cảm giác gò bó, tù túng, giam hãm…hay hình ảnh con hẻm, ngõ cụt, hành lang chật hẹp, cửa đóng then cài…

Chúa nói ám chỉ, nên tôi nghĩ liền tới việc ăn chay, hãm mình, đền tội, sống khắc khổ, giữ giới răn, luật lệ… Lo lắng bao điều cấm kỵ, đề phòng sa ngã, tự vệ khỏi rơi xuống hố hầm. Nói chung là chịu đau khổ, vác thập giá. Ôi thôi, cửa hẹp gợi lên cái gì chẳng vui, chẳng thích, mất tự do và yêu đời. Cái khuôn chật hẹp, khắc khổ ấy tạo cuộc sống dễ co cụm vào mình, không màng gì người khác, không nghĩ gì chung quanh nữa.

Cửa hẹp: cánh cửa nhà tù, với nếp sống tù nhân? Ngõ bí và tối, cả cho không gian và lòng người?

II. Hẹp mà thông.

Nghĩ đi nghĩ lại, hình như tôi đã hiểu saikhông quí mến những đề nghị của Đức Giêsu.

Cửa hẹp, mà vẫn thông vẫn mở đấy chứ ! Lối hẹp chỉ là giải pháp giai đoạn, là lộ trình vượt qua, là giao thông hào thoát hiểm thông sang niềm vui, sự sống, tự do. Chẳng lẽ Đấng Cứu độ, muốn cứu cả thiên hạ, lại chẳng biết tới điều này? Nên cửa hẹp vẫn mở sang hạnh phúc thật, vững bền. Thoát diệt vong!

Đấy là “con đường” chẳng phải Chúa đẩy tôi vào, nhưng chính Chúa đã chọn bước qua và muốn tôi đi. Qua đau khổ tới vinh quang; qua tử nạn thập giá tới phục sinh thiên đàng; qua hãm mình đền tội sẽ đạt thánh thiện; qua khắc khổ sẽ đạt niềm vui, hạnh phúc cuối đường. Đấy là con đường Cứu độ của Đức Giêsu.

Cửa hẹp (lối hẹp), nói cho cùng, là cách sống hy sinh phục vụ quên mình, là tình yêu tha thứ xúc phạm, là công bằng bác ái nhân từ, là cho đi không màng nhận lại, là gieo vãi niềm tin Chân lý, là xây dựng an vui hòa bình… Lối ấy hẹp đòi bao cố gắng nỗ lực vượt lên chính mình hằng ngày; nhưng...

… Hẹp mà mở, đủ rộng mở vào thế giới tự do hoan lạc, vào vũ trụ hạnh phúc tuyệt vời của lòng ta, của lòng người. Hẹp mà thông vào Thiên Đàng Chúa sắm sẵn cho ta.

 

Thứ Tư Tuần XII Thường Niên

Mt 7, 15-20

THÁNH SYRILÔ, GIÁM MỤC ALEXANDRIA

Đầu lễ :

Công Đồng chung Êphêsô năm 431 gắn liền với tên tuổi Giám Mục Syrilô, thành Alexandria ta mừng Lễ hôm nay. 

Hồi đó, Giám Mục Constantinople là Nestorius đưa ra chủ trương sai lầm : ông chỉ coi Đức Maria là “Mẹ Chúa Kitô” (Christotokos) thôi, không thể sử dụng tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) cho Ngài được. Nestorius phủ nhận 2 bản tính nơi Chúa Giêsu, không tin Mầu nhiệm Nhập thể. Sai lầm ở chỗ không nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, không tin vào Thiên tính của Người.

Syrilô có công đẩy lui lạc thuyết này, được Đức Giáo Hoàng Cêlestinô phong danh hiệu tiến sĩ Hội thánh. Hiền từ, tài ba, bình tĩnh, nhã nhặn là nét nổi bật của con người Ngài. Nhưng để bảo vệ đức tin Công giáo, Ngài lại tỏ ra hết sức mạnh mẽ.

Xin cho chúng ta biết tin và sống theo điều Hội thánh dạy.

Giảng lễ :

I. Một thế giới “ngập” thông tin.

1. Chưa có thời đại nào như thời đại chúng ta đang sống: thế giới tràn ngập thông tin đủ loại. Choáng ngợp tin tức! Người ta nói tới “xa lộ thông tin”, tóm gọn trong 3 từ nhiều, nhanh, nhạy. Lượng thông tin nhiều. Tốc độ loan truyền nhanh. Tin sốt dẻo, nhạy bén, sắc xảo với nhiều góc độ bình luận khác nhau[1].

Nguyên chuyện sàng lọc tin đã đủ mệt rồi, nói chi tới việc tìm được những tin chính xáclợi ích thiết thực. Tiêu chuẩn nào đây?

2. Cùng với lượng lớn tin phổ biến hằng ngày, còn có biết bao nhiêu phát ngôn viên mở miệng. Nhiều kẻ nói hay, nói khéo tỏ ra bậc Thầy, ngôn sứ. Những nhà quảng cáo hấp dẫn, dễ đánh lừa, ta khó phân biệt sản phẩm tốt xấu. Những MC (Master Ceremony) truyền thanh, truyền hình lôi cuốn.

3. Trong lãnh vực kinh tế, chính trị: bao lý thuyết gia, bao nhà hoạch định tung ra những lập trường, quan điểm, đường lối khác nhau.

4. Trong lãnh vực tinh thần, ngoài các Tôn giáo lớn ra, còn biết bao nhiêu bè phái lớn nhỏ qui tụ từ vài trăm đến vài nghìn, vài triệu tín đồ. Hàng giáo sĩ, tín hữu sùng đạo tha hồ rao giảng những phương pháp sống, đường lối đi tìm hạnh phúc thật.

Một thế giới tràn ngập các sứ điệp được loan đi. Các Kitô hữu yếu kém, nhẹ dạ cũng dễ bị thao túng, lung lay, chao đảo. Biết tin ai bây giờ? Ai là ngôn sứ thật, ai là ngôn sứ giả? Thời Thánh Syrilô, Nestorius cũng là Giám Mục, nhưng đã rao giảng sai lầm, gây nên một lạc thuyết lung lạc đời sống đức tin Giáo Hội.

II. “Thuốc thử tốt xấu”.

Chúa Giêsu hôm nay giúp ta giải quyết ưu tư trên bằng việc phân định rõ ai thật, ai giả. Phương pháp của Người thật đơn giản, nhưng không thể sai lầm :

1. Đừng để mình bị đánh lừa bởi những lời lẽ hợp lý, hay ho, quyến rũ; bởi tài khéo nói, phát ngôn lịch lãm hay duyên dáng.

2. Phải xem xét cái gì ẩn giấu đàng sau những lời đó, đàng sau những phong cách bề ngoài đó. Hãy xem người rao giảng ấy sống thế nào, có phù hợp với điều mình rao giảng; kiểm tra lý thuyết của họ có phát sinh hoa trái tốt lành thực tiễn nào không?

3. Cây tốt sinh trái tốt. Tư tưởng tốt phát sinh hành động tốt. Thực hành một lời dạy không đưa đến hiệp nhất, đoàn kết mà chia rẽ; không đưa đến tình thương chia sẻ mà thù ghét, bạo động; không đưa đến bác ái vị tha mà chỉ thu tích, vị kỷ; không đưa đến sự tài bồi ích chung mà chỉ quyền lợi riêng tư, ích kỷ… chắc chắn đấy là ngôn sứ giả!

Hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ, Kitô hữu chúng ta thường xuyên bị theo dõi đánh giá theo những chuẩn mực ấy. Chúng ta bị “treo lơ lửng” giữa những lý thuyết, những thực hành và hiệu quả thực hành. Chờ xem chúng có khớp với nhau không?

 Người tốt, ắt việc phải tốt. Người xấu, việc xấu. Làm gì có trái vả giữa bụi găng! Không thể có chùm nho trong bụi gai được!

 

Thứ Hai Tuần XIII Thường Niên

Mt 8, 18-22

Đầu lễ :

Mỗi sáng, chúng ta dâng lên Thiên Chúa toàn năng ngày sống của chúng ta với bao ưu tư, lo lắng; vui buồn, sướng khổ; từng suy nghĩ, lời nói, hành vi, từng hơi thở. Nghĩa là trọn vẹn hồn xác, bản thân và cuộc sống. Chúng ta cậy dựa vào Đấng bao bọc chúng ta bằng Tình thương và Ân huệ của Ngài. Dâng Ngài cả tội lỗi chúng ta, để xin Ngài rộng lượng thứ tha.

Giảng lễ :

Ngoài đời, khi ký một bản hợp đồng làm ăn, buôn bán, kinh doanh hay liên doanh liên kết thành lập công ty xí nghiệp, người ta – những đối tác – luôn muốn có những điều kiện rõ ràng mạch lạc, thẳng thắn dứt khoát. Không mập mờ, ẩn khuất. Lòng tin nhau là chính yếu và dựa trên ấy là cơ bản. Những xử lý pháp qui chỉ cần đến khi có những tráo trở.

Đi tu, theo Chúa Giêsu cũng quyết liệt, rõ ràng, dứt khoát. Không có “chỗ” cho kẻ do dự, băn khoăn, chần chừ và đầu óc tính toán lợi hại. Chúa Giêsu muốn thế và Người không ngần ngại nói thẳng ra các điều kiện.

1. Theo Chúa, đầu tiên, là chấp nhận từ bỏ mọi sựtức khắc.

- Người thanh niên giàu có, vì “mê” của cải trần gian, tiếc nuối chúng, không thể theo Chúa. Bởi không thể làm tôi hai chủ : hoặc của cải hoặc Chúa. Chỉ có thể chọn một trong hai.

- Can đảm dứt khoát “tình cảm” với bao người thân yêu nhất, kể cả cha mẹ. “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Ta, vẫn không xứng với Ta”. Chúa không bảo chúng ta ghét cha ghét mẹ. Điều răn 4: thảo hiếu vẫn buộc chúng ta yêu mến, biết ơn công lao sinh thành, nuôi nấng, giáo dục của các ngài. Nhưng theo Chúa, phải can đảm từ giã các ngài để gắn bó với Chúa. Càng gắn bó với Chúa, thì càng gắn bó với cha mẹ hơn qua lời cầu nguyện, qua sự hy sinh cách xa hằng ngày. Một nghịch lý “hợp lý”. Chính cha mẹ, vì Chúa, cũng hy sinh chúng ta cho Chúa. Thật ra cả cha mẹ lẫn chúng ta đều thuộc về Chúa, là của Chúa; nên Chúa đòi hỏi cái gì thuộc về Người phải thuộc hẳn về Người là đúng. Chúa nói với kẻ “xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã” rằng “cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”. Nghĩa là chuyện đời, chuyện thế gian đã có kẻ sống ở thế gian lo. “Phần con hãy theo Thầy”.

Không chần chừ do dự. Trái lại, tức khắc, dứt khoát. Êlisê là môn đệ Êlia được chọn làm ngôn sứ. Ông chỉ xin Êlia về hôn cha mẹ để từ giã. Êlia bằng lòng. Vậy mà về nhà còn bắt cặp bò giết tế lễ, đãi người nhà một phen rồi mới chịu đi (cf. 1V 19, 16b.19-21). Đó là truyện trong Cựu ước. Trong Tân Ước, một người cũng xin Chúa Giêsu về từ biệt gia đình, Chúa bảo : “Ai tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”. Tiên vàn là Nước Trời. Cấp bách tìm kiếm Chúa, tìm Nước Trời… Quyết liệt quá! Dứt khoát quá! Mạnh mẽ quá! Có phải Chúa vô tư trước những yếu tố tâm lý, tình cảm loài người chúng ta hay sứ mệnh Nước Trời không cho chần chừ vì cấp bách?

2. Theo Chúa không tính toán, vụ lợi hay so đo hơn thiệt.

Có phải tình cờ mà chúng ta được nghe trong bài đọc 1 hôm nay cuộc mặc cả hơn thiệt của Abraham với Thiên Chúa?

Mặc dầu Chúa Giêsu hứa theo Chúa bảo đảm được “gấp trăm ở đời này” và “làm thợ thì đáng hưởng công”, nhưng do biết chúng ta thích tính toán mà Chúa Giêsu còn quả quyết: sẽ thanh toán sòng phẳng “đến đồng xu cuối cùng”. Chúa công bằng sẵn sàng làm điều đó. Nhưng chuyện ấy chưa đến, còn trong tương lai. Cứ tín nhiệm vào lời hứa sẽ thực hiện.

Còn hiện tại, “con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. Nghĩa là theo Chúa, phải chấp nhận cuộc sống bấp bênh. Không ỷ vào Chúa quyền năng, để lấy Chúa làm chỗ dựa an toàn. Như đi tu để có cơ hội học hành, tránh bôn ba vất vả, bữa no bữa đói thất thường. Sau 1975, nhiều nhà dòng cũng đi cuốc đất, vì phải lo toan “miếng cơm manh áo” hằng ngày giống bao người và vì vậy, mà nhiều em đã ra về. Cũng không phải đi tu để tìm tí danh giá cho cha mẹ, dòng họ, bản thân hay sự kính trọng của người đời. Hai môn đệ được mẹ đến xin Chúa sắp đặt “đứa ngồi bên tả, đứa bên hữu”: theo Chúa để mong một địa vị chăng? Chúa từ chối khéo : “Đấy là chuyện của Cha Ta”.

Vậy theo Chúa vì cái gì?

3. Theo Chúa vì Chúa, thế thôi.

Chúa là Đấng duy nhất ta tin, ta cậy, ta mến, ta chấp nhận bước theo và gắn bó. Tín nhiệm vào Chúa dựa trên uy tín, thế gia của chính Chúa thôi. Không trên bất cứ cơ sở nào khác.

Anh, chị hãy đi theo Tôi”. Cái tôi của ta yếu kém, bất tài bất lực, vô giá trị nên vô vọng. Chứ cái Tôi của Chúa uy quyền tuyệt đối, đáng tin. “Chính Ta đây”: chỉ một lời tuyên bố xác nhận nhân thân, lính tráng đi lùng bắt Chúa lăn kềnh ra đất hết cả.

Đấng ấy đủ hấp lực lôi kéo ta theo Người, vô điều kiện tiên quyết. Chúa gọi Lêvi: “Hãy theo Ta”. Ông bỏ bàn thuế, bỏ sở thuế, tức bỏ luôn nghề nghiệp đồng lương, cái bảo đảm nuôi thân và gia đình mà theo Chúa. Phó thác cuộc đời trong tay Chúa, Đấng “không có nơi gối đầu”.

 

Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên

Mt 8, 28-34

Đầu lễ :

Hôm nay thứ Tư, chúng ta dâng lễ ngoaị lịch kính Thánh Giuse, Vị Công Chính. Xin Ngài thương giúp chúng ta biết xa tránh tội, để nên thánh thiện công chính như Ngài.

Nhất định không để con người chúng ta bị ma quỉ lũng đoạn, tội lỗi đè bẹp.

Giảng lễ :

I. Thế giới ma quỉ.

1. Bài Tin Mừng hôm nay gợi lên một hình ảnh: có một bờ bên này ngăn cách với bờ bên kia. Cuộc sống với hai lãnh vực đối nghịch: lãnh vực của Thiên Chúa, của sự thiện, sự tốt lành, của sự sống an vui và lãnh vực của ma quỉ, của sự dữ, của sự tội, của chết chóc hãi hùng. Ma quỉ tung hoành nơi lãnh địa sự ác của nó, làm khổ người ta. Bằng chứng có hai người bị quỉ ám và chính những người này làm rối loạn đời sống trong làng. Chẳng ai dám bén mảng đến gần. Tội lỗi, ma quỉ gây khiếp sợ, lũng đoạn nhân gian.

Người Do thái vốn coi heo là loài vật nhơ nhớp. (Dân ngoại vốn dùng heo làm vật tế thần). Nơi những con vật nhơ uế sống chỉ vùng tội lỗi, vùng sự dữ thống trị. Nơi ấy đáng khinh bỉ vì nhơ nhớp. Ma quỉ, kẻ tội lỗi sống trong nhơ nhớp, sẽ chết thảm hại và như đàn heo, chung số phận vùi dập nơi vực thẳm.

2. Matthêu thuật có hai người bị quỉ ám; đang khi Marcô và Luca nói có một người thôi. Theo nhiều Giáo phụ, hai Thánh ký sau chỉ chú ý vào người bị quỉ ám làm khổ hơn và sau khi được khỏi lại xin theo Chúa. Còn người kia được khỏi, ra về, không tỏ cảm tình gì riêng nên các ông bỏ qua không nhắc tới.

3. Hai người mà bị một số rất đông quỉ ám: dường như Thiên Chúa rộng phép cho ma quỉ được tung hoành trên mặt đất này cho đến tận thế. Ma quỉ dữ đông lắm, nên ta phải cảnh giác đề phòng!

Cũng chính vì thế mà Chúa Giêsu không ngại đến vùng của ma quỉ để xua đuổi, loại trừ chúng. Chúa sẵn sàng cứu vớt mọi người, nhất là ai cần đến.

4. Điều kỳ quặc là Chúa trừ quỉ, cứu người - điều ấy quá tốt, ai cũng mong cũng chờ – nhưng sao lại cho phép ma quỉ nhập vào đàn heo đông tới 2000 con? Lao xuống biển hồ chết cả. Thiệt hại cho chủ nuôi, thường là những người giầu trong vùng. Phép lạ gây sợ hãi: nghe tin những người quỉ ám dữ tợn được khỏi, người ta muốn xô đến kiểm chứng tận nơi và tận mắt chiêm ngưỡng Đấng đã cứu chữa họ. Dầu sao dân vẫn nơm nớp lo sợ. Có thể những người bị thiệt của đã xin Chúa rời xa vùng đất của họ, sợ sự có mặt của Chúa sẽ còn gây thêm những thiệt hại vật chất khác cho họ chăng? Hay sợ Người là Đấng Thánh Trời sai đến phạt tội họ?

Luật cấm ăn thịt heo và người Do thái kiêng ăn. Vậy sao vẫn nuôi nhiều heo?  Vì đây là vùng dân ngoại, ít người Do thái ở.

II. Muốn hưởng Ân huệ, phải trả giá.

Nhiều người nghĩ giá Chúa làm phép lạ «cách khác», để khỏi gây thiệt hại… Họ chỉ muốn «được», mà chẳng muốn «mất», hay muốn «bỏ ra».

Mua hàng, phải trả tiền. Hưởng Ân huệ, phải trả giá.

Muốn hưởng công bình, phải đấu tranh và dấn thân thực hiện công lý.

Muốn chống tham nhũng, hối lộ, đừng chạy chọt đút lót. Nhiều người quen nghĩ rằng «không đưa phong bì», không được việc, nên cứ «vòng cửa sau». Thấy tiền, ai mà nhắm mắt lại?! Tôi cũng thế.

Muốn xóa hết đói nghèo, cần chia sẻ cơm bánh, của cải. Cần từ bỏ sống xa hoa, tiện nghi quá mức. Dám chi của nuôi bệnh nhân, nâng đỡ cô nhi quả phụ.

Kết : Nhiều điều tốt không thể thực hiện, vì chúng ta còn từ chối hy sinh đóng góp, không chịu thanh toán hóa đơn.

 

Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên

Mt 9, 9-13

Đầu lễ :

Mỗi thứ Sáu đầu tháng là dịp nhắc nhở tôi nghĩ tới lòng nhân từ thương xót tha thứ của Chúa. «Thánh Tâm Chúa Giêsu nguồn lân tuất vô cùng!»

Bài Phúc Âm hôm nay không chỉ cho tôi thấy rõ những ai là tội nhân, cần đến lòng thương xót Chúa; mà còn vạch trần cõi lòng những kẻ tự phụ cho mình là công chính, khỏe mạnh không cần thầy thuốc Giêsu. Thế giới chúng ta đang tự phụ, dửng dưng trước Ơn Cứu độ của Đức Giêsu. Nhưng liệu bệnh nhân có tự cứu nổi mình?

Xin với Thánh nữ Maria Goretti hôm nay mừng lễ - Ngài mang hai triều thiên trong trắng và tử đạo - giúp chúng ta chết đi cho xác thịt tội lỗi kiêu ngạo, để đánh đổi nếp sống Thiên Thần.

Xin mừng Lễ Bổn mạng của một chị mang Thánh hiệu hôm nay. Cầu cho đời chị hạnh phúc, vì được hưởng nhiều tình thương tha thứ của Chúa.

Giảng lễ :

I. Chúa Giêsu : «kẻ săn lùng tội nhân».

Xin phép Chúa cho con gọi Chúa như thế.

1. Chúa vô tội, không «đồng hội đồng thuyền» với bọn thu thuế và quân tội lỗi, sao lại có mặt ở giữa đám này? Cả đám đang vui rôm rả, «chén thù chén tạc» ở nhà Matthêu, thì nhóm Pharisêu phát hiện ra Chúa cũng ở đó với các môn đệ. Họ liền trách móc các đệ tử Người: «Sao Thầy các ông la cà ăn uống với bọn ấy?» Có phải Chúa ham vui, hay Matthêu mới theo Chúa mời Chúa và các môn đệ về nhà chén một bữa giới thiệu với đồng nghiệp và từ giã, hay vì lý do nào khác? Dầu sao, nếu là Đấng Mêssia hay ngôn sứ, đâu giao du thế được?

2. Matthêu là công chức, làm việc cho Lamã ở sở thuế. Nơi của vơ vét, thuế thu từ dân được đem dâng nộp cho Đế quốc cai trị. Thế là dân ghét, ghét vì làm tôi đồng lõa toa rập với Đế quốc và cả ghét vì không thiếu chuyện hối lộ, hà lạm, sách nhiễu dân. Dân coi các thuế viên như Matthêu là kẻ tội lỗi, đắc tội với Nước với dân.

Ngoài ra, thời Chúa Giêsu, tội nhân còn là những kẻ coi thường luật pháp, không tỉ mỉ tuân giữ những điều mà luật Maisen qui định. Rồi, trong thực tế, còn liệt vào hạng tội nhân là khối kẻ sống tội lỗi, làm bao điều dữ, xấu xa độc ác.

Tội chính trị, tội tôn giáo, tội hình sự… đủ cả. Bao kẻ bị coi là tội nhân thời Chúa Giêsu. Đám dân Do thái sùng đạo cha ông hay những người Pharisêu, tự xưng mình là đạo đức, rất ghét các hạng tội đồ này và họ không muốn tiếp xúc với bao giờ.

Chúa Giêsu, ngược lại, quan tâm tới tội nhân. Người không ngại gặp gỡ, đồng bàn dùng bữa. Dường như Người luôn đi bước trước, chủ động đến với tội nhân, vì Người biết họ cần Người. Vì họ, mà Người đến trần gian. Cũng vì họ bị xã hội coi khinh, tránh né, ruồng bỏ mà Người muốn tiếp cận, cứu vớt.

II. Kẻ đau ốm rất cần thầy thuốc.

Chúa Giêsu là chủ chăn nhân lành. Người thương yêu đàn chiên. Luôn săn sóc từng con chiên bị thương tích, chữa lành chiên bệnh tật, rong ruổi đi tìm chiên lạc. Vui mừng vì một tội nhân trở về. Vui như người đàn bà quét nhà tìm ra đồng bạc mất, đi khoe hết hàng xóm (cf. Lc 15, 1-10). Vui như người Cha già mãi ngóng đứa con hoang trở về; chỉ cần thấy trở về là giết bê béo ăn mừng. Quên hết mọi tội! (c. 11-32).

Chúa Giêsu ví mình là thầy thuốc. Có ai đau ốm mà chẳng cần người chữa trị? Đương thời, Chúa đã chữa lành cho bao bệnh nhân phần xác: đui mù, điếc câm, què quặt, phong cùi, quỉ ám, kể cả đã chết. Nhưng nhất là Người còn tỏ ra mình thật là Thiên Chúa đầy lòng thương xót, là Đấng Cứu độ được các ngôn sứ loan báo từ xưa. «Tội con đã được tha»: Người còn muốn chữa lành những tâm hồn đau khổ, tan nát vì tội, tuyệt vọng trong tội. «Con về, đừng phạm tội nữa»: dù ghét tội, không dung túng tội lỗi, nhưng Chúa không hề ghét kẻ có tội. Người kêu gọi họ sám hối trở về, mở lối cho họ lãnh ơn tha thứ. Người giúp họ nên công chính.

Thế nhưng khi bỏ đó 99 con chiên lành, để đi tìm một con chiên lạc, không có nghĩa là Chúa không đoái hoài đến những kẻ gọi là khỏe mạnh hay công chính. Chúa vẫn yêu họ. Đúng ra, trước mặt Chúa, nào có ai hoàn toàn công chính? «Nếu Chúa chấp tội, nào ai sống nổi được ư?» Có khi người công chính lúc trước đã là tội nhân; nên công chính, vì đã được Ơn công chính hóa. Trừ kẻ kiêu ngạo tự phụ, tự phong mình là công chính, thì Chúa không thể làm gì được nữa: vì sự tự mãn khiến họ chẳng muốn ai giúp đỡ, không cần được tha thứ cứu rỗi, không cần được thanh tẩy biến đổi.

Kết: Mấy ông Pharisêu tự mãn như thế. Chúa Giêsu phải nói thẳng với họ hãy về học biết ý nghĩa câu này: «Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế». Nghĩa là không phải các ngươi sẽ nên công chính nhờ thi hành bề ngoài những điều chiếu theo luật dạy (cứ tế lễ đầy đủ theo luật chỉ, Chúa hài lòng bỏ qua, miễn chấp tội), mà nhớ rằng Thiên Chúa ưa chuộng lòng nhân từ độ lượng thành tín bên trong, diễn ra nơi sự thương xót nhân nghĩa. Sự chân thật tự cõi lòng là nhận biết mình có tội cần tình thương tha thứ của Thiên Chúa.

 

Thứ Hai Tuần XIV Thường Niên

Mt 9, 18-26

Đầu lễ :

Hôm nay, giới phụ nữ được Chúa quan tâm, yêu thương đặc biệt: một bé gái được Chúa cứu sống ; một bà bệnh trọng 12 năm được chữa khỏi. Các bà, các chị phải cảm tạ Chúa nhiều hơn cánh đàn ông chúng tôi. Dầu sao, đàn ông chúng tôi cũng chia vui vì 2 phép lạ đặc biệt này và học hỏi được nhiều điều quí giá từ đó.

Chúng ta dâng lễ bây giờ cầu nguyện cho các Ân nhân và Thân nhân của chúng ta ở nhà quê và ở nhiều nơi khác. Xin Chúa gìn giữ, ban bình an và niềm tin sâu xa nơi Chúa cho họ.

Giảng lễ :

I. Đức tin đưa đến một phép lạ: chỉ là bài học vỡ lòng.

1. Thật ngoạn mục và tuyệt vời, khi mở miệng cầu xin một cái là Chúa làm phép lạ ngay. Như dựa theo lời van xin khẩn khoản của ông bố mà Chúa cứu sống ngay cô con gái vừa chết của ông. Chúa bảo con bé ngủ thôi, chết đâu. Ai nấy chế nhạo Người, gián tiếp nói rằng sự kiểm chứng của họ là đúng: con bé chết thật mà! Không sao, điều ấy càng làm tăng uy thế của Chúa. Chúa cứu sống dễ dàng một con bé chết thật và tin đồn vang xa khắp vùng.

2. Còn ngoạn mục và trên cả tuyệt vời nữa, khi không cần cầu xin, chỉ cần tin vững mạnh mà bệnh băng huyết đã 12 năm, một bệnh trọng, tức khắc được khỏi. Cũng dễ hiểu thôi: phụ nữ hay «mắc cỡ», nên không dám mở miệng trình bày bệnh tình của mình với Chúa giữa đám đông. Bà nghĩ bụng: «Chỉ cần sờ hay đụng nhẹ vào áo Người một cái là sẽ khỏi». Bà được toại nguyện. Đức tin ấy được thưởng công lập tức và Chúa đã khích lệ lòng tin Bà, để làm gương cho chúng ta.

3. Việc xin Chúa đến đặt tay lên đứa bé hay cử chỉ nhẹ nhàng chạm vào áo đã thành những cử chỉ ngày nay vẫn làm, qua cử hành các Bí tích như Rửa tội, Thêm sức, Xức dầu bệnh nhân v.v… Đặt tay để cầu ơn giáng phúc, để thông truyền uy lực. Đụng chạm đến mắt, đến tai… để mở mắt thấy ánh sáng, mở tai nghe Lời Chân lý. Không phải là những cử chỉ ma thuật, phù phép… mà là bắt chước Chúa Giêsu. Xin Chúa uy quyền thực hiện quyền năng cứu độ của Người: ban ơn tha tội, cứu vớt, chữa lành. Mỗi khi cử hành Bí tích, với lòng tin và cần có lòng tin, bao phép lạ vẫn còn âm thầm xảy ra cho linh hồn bao tín hữu, đem lại ơn ích cho cả Giáo Hội. Rượu bánh hóa nên Mình Máu Chúa: hằng ngày phép lạ vẫn xảy ra sau một lời truyền phép. Trên thế giới, vài nơi còn lưu giữ khăn thấm Máu thánh làm chứng tích, khi xảy ra một sự yếu tin.

Dù vậy đi nữa, đức tin được ca tụng đưa đến một phép lạ chỉ là bài học vỡ lòng. Cho rằng hễ tin tất yếu có phép lạ, đòi phải có phép lạ xảy ra ngay thì đấy chỉ là đức tin vụ lợi, non yếu, hèn kém.

II. Niềm tin không phép lạ: mới là bài học cao cấp.

1. Bình thường, chúng ta vẫn mong cầu là được, xin là có, tin là tức khắc xảy ra. Kẻ có đạo thèm cuộc sống luôn như thế: để danh Chúa được rạng, Đạo được sáng. Nhưng ...chúng ta lầm. Thứ Đạo ấy chỉ là đồng bóng, lòe thiên hạ. «Đi Đạo kiếm gạo mà ăn»: Thiên Chúa trở thành gã phù thủy lúc nào cũng vung chiếc đũa thần thi thố phép màu.

2. Đức tin không luôn luôn dẫn đến phép lạ. Có nhiều người phải chờ đợi lâu, Thiên Chúa mới đáp lại. Có người van xin, với niềm tin sâu xa, vẫn không bao giờ được. Chúa Phục sinh đã từng nói với Tôma: «Phúc cho ai không thấy mà tin». Đức tin mạnh không cần dựa trên phép lạ, trên những gì thấy kiểm chứng được.

3. Ta dám xin những điều không thể được. Không nên lấy tác động tin làm điều kiện thách đố, buộc Thiên Chúa phải ra tay ngay; phép lạ phải tới liền. Có người Ngài ban ơn chữa khỏi, đáp ứng nguyện vọng lời cầu; có người không. Không phải là Ngài không công bằng hay thiên vị, khi cho người này, từ chối người kia. Thi ân hay không, hoặc chưa đến lúc, là quyền Ngài. Bài học cao cấp là hãy vâng theo Thánh Ý Chúa muốn mà sống.

4. Điều Thiên Chúa ưng, đẹp lòng Ngài hơn cả là «xin cho Nước Cha trị đến; Ý Cha thể hiện». Chúng ta hãy mở lòng mình ra, phó thác cuộc đời trong tay Chúa, để đời ta tùy thuộc vào Thánh ý Ngài. Ngài dựng nên ta, là Cha ta, lo cho ta sao tùy ý. Như con cái mặc cha mẹ lo cho mình cách nào khéo, khôn ngoan nhất.

Đức tin tinh tuyền không phải là đức tin chờ đợi một phép lạ xảy ra tức khắc theo ý ta. Đâu phải là ta, mà chính Chúa lo lắng cho ta.

Thử thách tăng cường đức tin, đức cậy, đức mến nhiều hơn. Tin để biết trông cậy, yêu mến và phó mặc Thiên Chúa toàn năng. Ngay như cái chết, là mất mát thiệt hại cùng cực vậy đối với con người, nhưng với Chúa chỉ êm ru như một giấc ngủ thôi. Chỉ cần Chúa lay, Chúa kéo, Chúa muốn là chỗi dậy.

Vậy tốt hơn cả là «không thấy mà tin». Cứ tin mạnh mẽ mà không cần phải có phép lạ hỗ trợ.

 

Thứ Ba Tuần XIV Thường Niên

Mt 9, 32-38

Đầu lễ :

Sáng nay, chúng ta cùng nhau dâng lễ kính các Thiên Thần hộ thủ, cũng gọi là Thiên Thần Bổn mạng, là các Ân nhân cao quí của mỗi chúng ta.

Thiên Chúa gởi các Ngài đến săn sóc giữ gìn, dạy bảo ta ăn ngay ở lành, xa lánh tội, hướng thiện mà sống. Cảm tạ Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế và cũng biết ơn sự giúp đỡ của các Thiên Thần đối với từng người chúng ta. Xin các Ngài đừng nản lòng trước những sa ngã, yếu đuối của ta, vì từ trong cõi lòng, chúng ta đã nhiều lúc không muốn nghe lời các Ngài.

Giảng lễ :

Có nên phủ nhận một điều tốt lành ?

1. Chúa Giêsu hôm nay chữa một người câm bị quỉ nhập. Người làm hai việc một lúc: vừa trục xuất quỉ ra, vừa làm cho người câm nói được. Không những bản thân người dược chữa lành vui, gia đình mừng mà cả đám dân chúng đều kinh ngạc trước phép lạ này. Họ xác nhận: «Ở Đất Nước Israel, chưa hề thấy chuyện như thế bao giờ!» Nghĩa là đám đông thừa nhận phép lạ Chúa làm là đôc nhất vô nhị, xưa nay chưa ai có khả năng thực hiện chuyện ấy. Không ai đủ uy lực trừ được quỉ. Cũng chẳng thầy thuốc nào đủ tài chữa được câm. Tóm lại, dân thán phục kinh ngạc việc làm của Chúa Giêsu.

2. Trong khi những người Biệt phái, không chối bỏ được phép lạhiệu quả lạ lùng đã xảy ra, lại phủ nhận thành công ấy đến từ Chúa Giêsu, nghĩa là tìm cách triệt tiêu con người và uy thế của Chúa. Tại sao họ không muốn công nhận một điều thiện, một việc làm tốt lành của Chúa Giêsu và đi ngược lại ý kiến, cảm tình của đám đông? Tôi nghĩ có một số lý do:

- Thứ nhất có thể do ghen tương: người Biệt phái lãnh đạo tôn giáo tại các địa phương, hướng dẫn tinh thần sống đạo của dân chúng. Họ có vai trò nổi bật nơi các Hội đường, với nhiệm vụ giảng dạy giải thích Thánh Kinh. Nhiều Biệt phái vốn được kết nạp từ hàng ký lục rất uy tín với hiểu biết rộng về Thánh Kinh. Họ sợ uy tín lời giảng dạy và việc làm phúc cứu nhân độ thế của Đức Kitô sẽ tăng cao, nhanh chóng hạ bệloại trừ họ. Chúa Giêsu đã từng xuất hiện nhiều lần trong Hội đường và cuốn hút dân chúng. Thiên hạ thán phục lời giảng và phép lạ Người làm (cf. Lc 4, 15.22.32.36-37). Biết đâu Vị rabbi mới này sẽ tiến chiếm uy tín và vị thế đôc quyền xưa nay của Biệt phái tại địa phương, nhất nữa Chúa Giêsu lại không cùng nhóm với họ ?

- Thứ hai có thể do ích kỷ: Biệt phái không có khả năng, tài năng trừ quỉ và chữa bệnh xuất chúng như Chúa Giêsu. Không thể để một tài năng mới thâu tóm lòng ngưỡng mộ của dân và qua mặt mình được. Thế là họ bảo rằng CG dùng quyền thế quỉ vương, quỉ lớn mà trừ quỉ bé. Quyền năng của Chúa Giêsu bị chối bỏ và đổ thừa cho ma quỉ. Một kiểu đánh lận con đen! Nhưng họ tự mâu thuẫn: nếu quỉ lại diệt quỉ thì vương quốc của chúng còn gì?

- Thứ ba có thể do những xung đột ngấm ngầm giữa Chúa Giêsu và Biệt phái: người Biệt phái tự hào giỏi luật, giữ luật sabbat tỉ mỉ, nhất là luật thanh sạch. Họ tự hào mình đạo đức, công chính, là mẫu mực sống đạo cho dân. Dân nể họ. Vậy mà Chúa Giêsu tố giác họ hình thức, vụ luật, giả hình, tham lam, ưa chỗ nhất, nói mà không làm… Còn họ cho Chúa Giêsu là phạm thượng (khi tuyên bố tha tội), khinh lề luật đạo lý cha ông như ăn không rửa tay trước, lỗi luật sabat v.v… Biệt phái không thừa nhận việc tốt lành của Chúa Giêsu, tức muốn triệt hạ Người, một đối thủ nặng ký và nguy hiểm của họ, vì khả năng làm phép lạ và chữa mọi thứ bệnh tật của Chúa trổi vượt và gần như vô biên. Muốn là được.

3. Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, thường những lý do nào khiến ta dễ phủ nhận một điều thiện, điều tốt lành nơi người khác? Vì ghen tương, vì ích kỷ, sợ người hơn ta? Chối bỏ một điều thiện, một điều đúng, một điều hay có giống như từ chối sự thật, chân lý? Có khi nào vì đề cao mình, muốn đánh nổi mình mà hạ bệ người và loại trừ sự nghiệp kẻ khác ?

 

Thứ Năm Tuần XIV Thường Niên

Mt 10, 7-15

Đầu lễ :

Hôm nay, một lần nữa, chúng ta cầu nguyện cho việc truyền giáo khắp nơi của Giáo Hội. Chúng ta cũng mới đề cập đến những nét đẹp của bài học truyền giáo của Chúa Giêsu vào đầu tuần này, trong lễ CN XIV TN / C.

Đọc các Tin Mừng nhất lãm, cần phân biệt : nơi Mt 10, 7-15 ; Mc 6, 7-13 hoặc Lc 9, 1-6 Chúa sai nhóm 12 Tông đồ đi thực tập truyền giáo. Còn CN XIV TN vừa qua, với đoạn Lc 10, 1-12.17-20 Chúa sai 72 môn đệ khác. Nói chung, những gì Chúa căn dặn các thừa sai trước khi lên đường đều giống nhau nơi các Thánh sử, ngoại trừ vài chi tiết dị biệt.

Giảng lễ :

I. Sứ mệnh của thừa sai. Hành trang. Ứng xử.

1. Sứ mệnh : Chúa Giêsu sai 12 Tông đồ đi loan báo rằng: «Triều đại Nước Thúa Chúa đã đến gần». Chúa Giêsu chưa chịu chết và sống lại, nên chưa đến lúc rao giảng về Tin Mừng Cứu độ và Đấng Cứu độ. Bởi thế, ở những bước đầu thực tập truyền giáo, các Tông đồ chỉ loan Nước Thiên Chúa sắp đến. Hãy chuẩn bị tâm hồn.

Chúa Giêsu ban cho các Tông đồ khả năng chữa lành các bệnh phần xác và phần hồn. Đặc biệt phần hồn, trừ tận gốc mọi tội (phung hủi được sạch biểu thị tội lỗi được tẩy trừ). Loại luôn ảnh hưởng của ma quỉ, nguồn gây nên mọi giống tội.

Sứ mạng cấp bách. Hãy mau mắn lên đường !

2. Hành trang : Không lo ăn, lo mặc, lo tiên nghi nào cả. Thong dong, nhẹ nhõm lên đường. Đã sẵn sự quan phòng của Chúa. Cứ trông cậy!

3. Ứng xử : Nhà nào xứng đáng, ở lại và chúc phúc bình an cho họ. Nhà cố chấp, khép kín, không đón nhận Tin Mừng hãy ra đi. Không bịn rịn, tiếc xót. Ra đi liền. Gieo mầm nơi khác.

II. Vẫn còn đó những âu lo và cám dỗ buông xuôi.

Làm nông, ai đi gieo mà không mong gặt. Ai trồng mà chẳng ngóng thu hoạch. Đi buôn, cầu lãi. Kinh doanh, đón lời. Ngược lại, mất mùa, thất thu, lỗ lã sẽ gây chán nản, thất vọng. Người truyền bá sứ điệp Nước Trời, với bao cố gắng hy sinh, vẫn có thể không thành công. Do gặp đối kháng, hay nhẹ hơn, là những thái độ thờ ơ. Tình huống ấy dễ đưa đến ngã lòng, muốn buông xuôi tất cả. Linh mục, tu sĩ, giáo dân làm mục vụ cũng hay gặp thế bí, mau nhụt chí, chóng bỏ cuộc.

Chúa Giêsu biết trước những cơ sự này có thể xảy ra ở bất cứ thời đại nào. Người luyện cho các thừa sai một thái độ gần như «máu lạnh», một kiểu phản ứng «phớt tỉnh Ăng lê» bất chấp hậu quả thế nào.

III. Hãy «giũ bụi chân lại»

Với người Do thái, đây là cử chỉ ngụ ý khinh bỉ. Khinh bỉ ngoại bang, khi lui về Nước. Hoặc có ý làm chứng cho sự tệ bạc của nơi nào không muốn nhận Ơn Chúa, từ chối sứ điệp.

Không nên quá lo lắng, khổ sở vì thất bại. Đừng để mất tinh thần, dễ bị lên «cơn đau tim» khi gặp những thái độ lãnh đạm, từ khước, thậm chí chống đối. Tại những nơi truyền giáo hay ngay cả ở một Giáo xứ nào đó, linh mục, tu sĩ, nhà truyền giáo có thể gặp phải những hiện tượng «bão tố» gây khủng hoảng như trên. Đầu hàng: vô ích. Chống lại: càng hèn hạ. Tốt hơn cả  tìm đến những thửa đất khác để gieo.

Gieo vãicông việc của thừa sai. Gieo hoài, gieo khắp nơi, liên tục mọi lúc. Nơi này không được, dời đi nơi khác. Có nhiều loại đất tiếp nhận: đất sỏi đá, đất có gai, đất xấu, đất phì nhiêu thuận lợi. Tâm hồn con người cũng nhiều loại, với phẩm chất khác nhau. Thừa sai chỉ biết làm việc cho Chúa. Không lo kết quả. Không lo mùa gặt. Chúa liệu!

 

Thứ Sáu Tuần XIV Thường Niên

Mt 10, 16-23

Đầu lễ :

Thời tiết có lúc nắng lúc mưa. Cuộc đời mỗi người có lúc vui lúc buồn, lúc sướng lúc khổ. Tuy chẳng ai muốn khổ, vậy mà trong đời cứ có những tình huống xấu xảy r ; đôi khi ta chủ động tránh được nhờ tiên đoán. Cũng có những hoàn cảnh tệ hại, đến bất chợt nghiệt ngã, không tránh nổi cam chịu.

Còn Chúa Giêsu hôm nay lại nói tới môt cảnh sống nguy hiểm cho các Tông đồ, mà Người biết trước, báo trước không hề giấu giếm các ông. Theo Người, thực hiện lời Người truyền, các ông ra đi truyền giáo và phải vui lòng chịu lấy số phận khốn đốn, dù không hề muốn.

Chúng ta cầu nguyện cho các thừa sai ơn can đảm, sống nếp sống anh hùng.

Giảng lễ :

Như chiên giữa sói.

Khi sai các Tông đồ đi truyền giáo, Chúa Giêsu không giấu giếm rằng cuộc đời rao giảng chứng nhân của các ông thực sự nguy hiểm, với nhiều đau khổ thể xác tinh thần, kể cả sự thiệt mạng. Chúa Giêsu chắc chắn không chủ trương «thí tốt bắt xe», thí quân cờ trong kế hoạch của Người.

Nhưng đối với Chúa, còn gì giá trị hơn là phần rỗi các linh hồn, khiến Chúa sẽ phải chịu tử nạn. Đồ đệ của Người cũng cần hy sinh với Người để cứu lấy nhân loại. Hy sinh buộc trả giá!

Vì các linh hồn và cũng vì Chúa nữa, các môn đệ chấp nhận ra đi truyền giáo. Chúa sai các ông như chiên vào giữa sói. Bản chất của Người rao giảng, làm chứng cho Chúa phải luôn hiền lành như chiên và đơn sơ như bồ câu. Thế nhưng, ở giữa thế gian hung dữ như sói, họ phải tỏ ra khôn ngoan như loài rắn.

Tinh khôn như rắn, theo Chúa, là biết mai phục, đề phòng, canh chừng chứ không phải tấn công.

1. Canh chừng người đời: Họ sẽ tố giác, giao nộp các thừa sai cho vua chúa, quan quyền hay các nhà cầm quyền. Bị tra tấn, đánh đập trước Tòa.

Như vậy sẽ không thiếu những đau khổ thể xác, đi kèm với những cuộc săn lùng bắt bớ. Nhiều thừa sai ngoại quốc và cả cha ông chúng ta đã bị như thế, trải qua nhiều cuộc bách hại Đạo truớc đây thời vua chúa, viết lên những trang sử Tử đạo oai hùng.

2. Bị hạch tội và phải đối chất: Tội đây có thể là những điều người rao giảng dạy tin, dạy giữ vốn ngược với lề thói, đạo cổ truyền hay hiện hành ở một địa phương, của một nếp sống xã hội với nền luân lý khác hẳn luân lý Chúa Kitô.

Loan truyền chân lý Chúa Kitô, bênh vực đức tin Kitô giáo đương nhiên phải đương đầu với lẽ khôn ngoan của thế gian. Tuy nhiên, sẽ có Thánh Thần ngự trong lòng các thừa sai, nơi môi miệng họ, giúp họ ăn nói sao cho đúng đường lối thánh ý Thiên Chúa. Đây là một âu lo về  phương diện tâm trí: bởi khôn ngoan của Thiên Chúa trái khôn ngoan người đời và làm phật lòng họ.

3. Bị ruồng rẫy, ghét bỏ: Không chỉ bị ghét bởi kẻ thù, bởi những người chống đối Phúc Âm mà còn còn bị chính những người thân trong nhà phản đối. Vì Chúa, vì Tin Mừng sẽ có những cách hiểu, cách suy nghĩ, cách sống ngược với thế gian. Từ chỗ không đồng tình, đến đối kháng bằng cách ruồng rẫy, ghét bỏ. «Anh nộp em, em nộp anh. Cha nộp con, con chống cha mẹ» v.v… Một đau khổ nơi tinh thần!

4. Cuối cùng bị giết, bị thủ tiêu: Cao độ là các thừa sai bị tóm cổ, rồi bị giết. Họ được khuyến cáo là không đương đầu, nhưng sẽ lẩn trốn khi cần, khi có thể. Bị bách hại, hãy trốn từ thành này sang thành khác. Không được, cam chịu chết. Vẫn không lìa bỏ sứ mạng, sự nghiệp rao giảng.

Ngày nay, ở Phi Châu, ở một số Nước Hồi giáo như Indonesia, Iraq , Afghanistan hay cả Trung Hoa, Ấn độ, các thừa sai vẫn còn bị thủ tiêu. Số phận là thế: «Trò không hơn Thầy. Tớ không hơn chủ». Y hệt cuộc đời của ĐG!

Như vậy, cuộc đời chứng nhân thừa sai không hề dễ dãi, yên lành. Thế gian sẽ dựng đủ thứ tội để cáo buộc, đủ cái xấu để bêu rêu.

Nếu không có gì xảy ra, nếu chưa có ai buộc tội có lẽ thừa sai đã chưa bao giờ sống như là chứng nhân đích thật.

Kitô hữu quá yên hàn có thể là chứng nhân tồi.

 

Thứ Bảy Tuần XIV Thường Niên

Mt 10, 24-33

Đầu lễ :

Trong đêm chung kết 30.6 cuộc thi Hoa hậu VN toàn cầu 2007 (Miss Vietnam Global 2007), tổ chức tại Las Vegas, bang Nevada Mỹ, Hoa hậu Jennifer Lê khi trả lời ứng xử đã nói rằng thần tượng của cô chính là người mẹ đã hy sinh cả đời cho chồng con, để gia đình cô có một hạnh phúc thật sự  như hôm nay.

Ngay lập tức tôi liên tưởng đến Đức Maria, người mẹ thiêng liêng của chúng ta, mà chúng ta dâng lễ kính Ngài sáng thứ Bảy này. Trên trần gian, có nơi nào ấm êm và đáng tin cậy hơn là lòng mẹ? Trái tim Đức Maria được dành cho Chúa Giêsu, người anh cả và dành cho tất cả chúng ta, những người em của Chúa Giêsu. Dưới chân Thập giá, Chúa Giêsu đã gởi gắm Gioan, tức cả nhân loại này cho sự yêu thương chăm sóc của mẹ. Ta hoài nghi gì tình mẹ, để không muốn cậy nhờ Đức Maria bầu cử cho ta trước tòa Chúa?

Giảng lễ :

I. Con người, có họ với  “thỏ đế”

Điệp khúc, được nghe lập lại trong cả hai bài đọc sáng nay là «Đừng sợ», trở thành đề tài suy niệm.

Jean-Yves Garneau, tu sĩ Dòng Thánh Thể, bảo rằng cứ hỏi người ta sợ gì thì hết thảy trả lời giống nhau: sợ bệnh tật, sợ gặp tai nạn hay bị tấn công ngoài đường. Sợ cô đơn. Sợ xa cách người thân. Sợ mất của và mất việc. Sợ mất tiếng tốt và cuối cùng, sợ chết.

Sợ đủ thứ: từ những sợ hãi làm tổn thương bản thân (sức khỏe) đến tinh thần (danh dự, thế giá), đến những cái sở hữu (của cải, công việc). Chứng tỏ con người yếu kém, nhút nhát, bà con với «thỏ đế».

Sau khi đưa ra nhận xét tổng quát như trên, Vị tu sĩ mạnh dạn phê bình: chúng ta thường sợ những cái không đáng sợ. Lại sợ không đủ những điều đáng phải sợ. Chẳng hạn tại sao không sợ rằng mình mến Chúa, yêu người không đủ. Sợ thiếu bác ái, chia sẻ tài sản mình không đủ. Sợ không coi trọng Tin Mừng đủ, không cầu nguyện đủ, không nói đủ về Chúa Giêsu.

Nhiều người, cả Kitô hữu, sẽ ngỡ ngàng trước những câu hỏi này; bởi trong tâm trí họ, thường những cái sợ «chính đáng» này lại không hề xảy ra. Nhưng đời toàn là sợ hãi như vậy, thì cuộc sống nào có gì đáng sống?!

II. «Các con đừng sợ!»

Thực ra, Chúa Giêsu không hề muốn chúng ta sống trong sợ hãi. Bởi chúng ta đang sống trong tình thương quan phòng của Thiên Chúa bao bọc, che chở cả rồi.

Trước hết, đừng sợ gì: đi truyền giáo, dù đường xa dặm thẳng, cũng đừng sợ đói sợ khát, sợ thiếu mặc, thiếu tiền tiêu và tiện nghi tối thiểu (cf. Mt 10, 9-10). Thợ đáng hưởng công. Tin tưởng đã có Chúa lo liệu. Nhà đón nhận Tin mừng bình an sẽ cho trọ, sẽ giúp đỡ thừa sai…

TC quan phòng cả. Ngài dựng nên ta cao trọng hơn mọi loài, sao lại không yêu quí ta? Chim trời không gieo gặt, Chúa vẫn nuôi ăn. Bông hoa không lo cái mặc, Ngài vẫn trang hoàng chúng sặc sỡ. Con chim, bông hoa đáng gì với con người ? Biết lo, nhưng đừng sợ. Vì dầu chỉ là sợi tóc trên đầu thôi, TC đếm cả rồi. Một con chim rơi xuống đất, Thiên Chúa biết và không ngoài Thánh Ý.

Ngay cả đừng sợ chết. Sống chết ở trong tay Chúa. Chúa có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác, nên cũng đừng sợ ai.

Đúng. Đừng sợ thế gian . Đừng sợ kẻ hãm hại, giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Có sợ, thì sợ Đấng làm chủ cả xác hồn. Nhưng chúng ta là con cái Thiên Chúa, Ngài đâu muốn chúng ta phải sợ hãi Ngài, cho dù Ngài uy quyền và toàn năng. Tình yêu thương của Chúa là Cha đủ cho chúng ta vững dạ an lòng. Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu thường nghĩ vậy.

Sợ người đời ta sẽ không dám công bố Tin Mừng cách công khai. Đang khi Đức Giê su dạy dỗ ta điều gì dù âm thầm, Người vẫn muốn ta rêu rao giữa ban ngày nơi công công (c. 27).

Sợ người đời, ta cũng không dám tuyên xưng đức tin, không dám nhận mình là Kitô hữu. Coi chừng « ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên Trời » (c. 33)

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II cũng khuyên tất cả chúng ta : «Đừng sợ!». Đừng sợ bất cứ gì, bất cứ ai. Bởi tin rằng: có Chúa là có tất cả. Có Thánh Thần hướng dẫn. Có Ơn cứu độ. Có bến bờ Hạnh Phúc. Mất Chúa là mất tất cả. Tình yêu TC xua tan mọi nỗi sợ hãi (cf. 1Ga 4, 18) và Phaolô khẳng định «ai tin cậy vào Chúa sẽ bạo dạn rao giảng Lời TC không chút sợ hãi» (Pl 1, 14). 

 

Ngày 16.7

LỄ ĐỨC TRINH NỮ MARIA NÚI CARMEL

1V 18, 42b-45a ; Gl 4, 4-7 ; Ga 19, 25-27

Đầu lễ :

Xin mừng lễ Bổn mạng của Dòng.

Xin chia mừng với Quí Soeurs, Dòng Carmel, trong ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria tước hiệu núi Carmel với bao Hồng Phúc từ Chúa đến qua Mẹ.

Chúng ta vui vì có một người Mẹ «tràn đầy niềm tin vững vàng nơi Thiên Chúa», luôn  cầu nguyện gắn bó với kế hoạch cứu chuộc của Ngài». Mẹ là gương mẫu, cũng là Đấng phù trợ chúng ta trên đường tiến về Thiên Quốc.

Có Mẹ, chúng ta vững tâm sải bước.

Giảng lễ :

Không biết các Dòng khác mừng lễ Bổn mạng ở đâu: ở đồng bằng? Hay như các Dòng truyền giáo, mừng ngoài đường sá chăng? Nhưng chắc chắn, để mừng lễ Bổn mạng Dòng Carmel, phải leo núi. Leo lên đỉnh núi Carmel. Và hôm nay, tôi tình nguyện làm vận động viên leo núi.

I. Núi Carmel : bãi chiến trường sôi sục vì đức tin (1V 18, 20-40).

1. Tôi lên núi Carmel lần thứ 1, bắt gặp Êlia, Vị ngôn sứ duy nhất của Thiên Chúa đang thách đấu ngoan cường với 450 tiên tri của Thần Baal. Núi Carmel là nơi Thánh Kinh cho thấy vẻ đẹp của một cuộc chiến đấu thực sự sôi sục của Êlia, để bảo vệ đức tin tinh ròng của Israel vào Giavê. Lửa trời đã xuống thiêu rụi của lễ trên bàn thờ của Êlia dâng kính và cầu khẩn danh Giavê. Chiến thắng rạng ngời: toàn dân khâm phục sấp mặt xuống đất: «Giavê chính là TC thật». Phía bại trận: các tiên tri của Thần Baal bị tiêu diệt cùng với thần minh họ.

2. Các Soeurs Dòng Carmel thân mến,

Các Soeurs không ở trong Dòng, mà đang ở trên đỉnh cao của ngọn núi Carmel đức tin: đức tin tông truyền và vẹn tuyền của Giáo Hội. Nếu ở ngoài trần gian, đức tin Kitô hữu có thể bị chao đảo bởi bao lạc thuyết, bè phái chống lại Giáo Hội thì chính trên núi Carmel này, Các Soeurs hãy lãnh sứ mạng ôm ấp, giữ gìn, phát huy đức tin tinh ròng sáng chói của Giáo Hội. Êlia Tổ phụ – và cả Giáo Hội – muốn ủy thác điều đó cho các Soeurs, hậu duệ của Ngài. Đức tin ngày đêm phải được nung nấu ở đây, nơi Dòng Carmel này, dẫu bao thăng trầm của thế sự.

Ca Nhập lễ hôm nay ca tụng vẻ đẹp rực rỡ của núi Carmel và thiên hạ nhìn thấy ánh huy hoàng, rực rỡ của Đức Chúa. Phải chăng còn là ánh sáng rực rỡ của đức tin vào Chúa là Thiên Chúa thật, duy nhất và toàn năng. Thiên Chúa rạng ngời trên các thần minh.

II. Núi Carmel: lò luyện của đời sống cầu nguyện (1V 18, 42b-45a).

1. Tôi lên núi Carmel lần thứ 2: lại bắt gặp Êlia đang cầu nguyện. Ông cầu nguyện tha thiết, kiên trì và vững tin. Kết quả: mưa Hồng Ân ào ào đổ xuống như trút. Mưa Ân Huệ của Thiên Chúa chảy ra dạt dào từ đời sống cầu nguyện liên lỉ, chân thành làm no mặt đất, làm thỏa thuê các tâm hồn đang «hạn hán» từ lâu.

2. Dường như thời khắc ở đây, trong Dòng Carmel này, của các Soeurs chỉ là để cầu nguyện, như cung cách của Êlia. Sứ mạng của các Soeurs quan trọng lắm, cũng hãnh diện lắm, là khơi tìm nguồn sống cho Giáo Hội. Là bảo đảm cho Giáo Hội được hưởng no nê Ân Huệ Thiên Chúa, là tránh những cơn hạn hán cho loài người bằngqua đời sống cầu nguyện. Các Soeurs cầu nguyện thay cho những kẻ nguội lạnh, khô khan, vô đạo bất tín như chúng tôi đây. Không phải một lần cầu, mà bảy lần cầu. Bảy lần leo núi và nhìn về phía biển lòng lân tuất của Thiên Chúa. Bảy Ân Huệ Thánh Thần, bảy Bí Tích, bảy ngày trọn vẹn cả tuần để cầu nguyện: con số 7 đẹp và hoàn hảo!

3. Thế nhưng tôi có cảm giác rõ rệt Phụng vụ hôm nay không phải dành cho Êlia & để ca ngợi Êlia. Xưa rồi Tám! Êlia vẫn là con người của quá khứ, của một Israel đã ra hư đốn phản Giavê, bội Đạo. Êlia được Thiên Chúa dùng như kiểu mẫu, để cảnh báo Israel và cả chúng ta, biết quay về với Thiên Chúa, về với niềm tin tinh ròng và gắn bó với Thiên Chúa bằng quan hệ bền chặt: cầu nguyện. Ông biểu trưng cho số ít còn lại, số sót của Israel tiếp tục trung thành với Giavê, cũng như cụ Simêon, như bà Anna, như Gioan Tẩy giả. Đặc biệt nổi lên trong số họ là Đức Maria: con người ấp ủ, gẫm suy Lời Chúa ngày đêm trong lòng; con người của niềm tin «xin vâng» tuyệt đối nơi Thiên Chúa và con người của «motif (mẫu hình) cầu nguyện giữa các Tông đồ» (giữa Hội Thánh) trong ngày Hiện Xuống. Con người dẫn đưa chúng ta đến đỉnh Calvariô: núi thánh là Đức Kitô, để tin vào Người, chúng ta được cứu độ.

III. Núi Calvariô: đỉnh Thập giá, gặp Đức Giêsu Đấng Cứu độ.

Dầu sao núi Carmel, ngọn núi của đức tin, của cầu nguyện, của Êlia vẫn là ngọn núi của thời Cựu Ước. Núi ấy tiên báo những ngọn núi của Tân Ước: núi Bát Phúc nơi công bố Hiến chương Nước Trời; núi Thabor nơi nếm trước cảnh Phục sinh-Thiên đàng; nhất là núi Calvariô, nơi gặp Đức Giêsu Đấng thực hiện sự cứu độ.

Phải nhờ Đức Maria, chúng ta mới có thể leo tới núi này.

Ngay từ  thế kỷ 12, bên giòng suối Êlia trên núi Carmel, các đan sĩ đầu tiên lập Dòng đã chọn Đức Trinh Nữ Maria làm Bổn mạng. Ngài là Mẹ của các đan sĩ, người Mẹ gương mẫu hướng dẫn đời sống đức tin và cầu nguyện. Êlia được coi là bậc Tổ phụ thôi.

Sự cậy nhờ Đức Maria để đến chân Thập giá gặp Đấng Cứu độ không chỉ phổ biến từ  thế kỷ 14, trong Dòng Carmel với các con cái trong Dòng, mà nay trong cả Giáo Hội: chúng ta mới đọc trong Lời nguyện nhập lễ: «Vì lời ĐứcTrinh Nữ Maria cầu thay nguyện giúp, xin Chúa luôn bảo vệ và hướng dẫn chúng con trên đường đời, để chúng con tiến thẳng về núi thánh là Đức Kitô».

Tiến tới đấy để hưởng muôn Ân Huệ từ cuộc bàn giao lịch sử: Đức Giêsu gởi gắm Gioan, tức cả nhân loại này, cho Đức Maria Thân Mẫu Người chăm sóc. «Thưa Mẹ, đây là con Mẹ» và với Gioan « Đây là Mẹ của anh».

Người con ấy rước Mẹ về nhà mình. Giáo Hội từ đó tin nhận Đức Giêsu là người anh cả và Maria, Mẹ Đức Giêsu, là Mẹ thiêng liêng của mình. Thánh Phaolô giải thích rõ trong thư Galata hôm nay (4, 47): nhờ cuộc bàn giao ấy, cuộc bàn giao từ người con của một người đàn bà, chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử, trở thành con cái Thiên Chúa, có thể thưa với Ngài là «Abba, Cha ơi». Từ đây, chúng ta được thừa kế mọi Ân Huệ cứu độ trong Nước Trời. Phải chăng đây cũng là ý tưởng chủ yếu triển khai trong Kinh Tiền tụng ngày lễ hôm nay?!

IV. Tiến tới núi Thiên Quốc : nơi vinh quang Cha tỏ hiện.

Đức Maria không chỉ đưa chúng ta tới đỉnh Calvariô, đỉnh Thập giá để gặp Đấng Cứu độ, mà Mẹ còn giúp ta đón nhận Ơn Cứu độ từ Con Mẹ như là «năng lực» để chúng ta – là lữ hành – có thể tiến thẳng về núi vinh quang của Cha trên trời.

Trên hành trình leo cao và tiến xa về núi Thiên Quốc này, Đức Maria vẫn nổi bật lên như «dấu chỉ của niềm cậy trông an ủi, đã chiếu rọi bước đường chúng ta đi» (Kinh Tiền tụng). Chúng ta vui, nhìn ngắm Mẹ như một hình ảnh hoàn hảo để tiến bước (id) ; nhưng chúng ta còn hân hoan vì có Mẹ là Đấng phù trợ  chúng ta, mà ta «có thể hợp tác tích cực hơn vào công trình cứu độ của Cha» (Kinh Dâng lễ).

Chính vì thế, Giáo Hội dạy ta «trong ngày lễ hôm nay, khi mừng kính Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của Dòng Carmel, chúng con xin dâng lời ca hát, chúc tụng, tôn vinh Cha » (Kinh Tiền tụng).

Đấy là mục tiêu tối hậu của ngày lễ trọng đại này. Một lần nữa, xin mừng lễ Bổn mạng của Dòng. Hôm nay là ngày Hội leo núi: kính chúc các vận động viên leo khỏe, thành công.

 

Thứ Tư Tuần XV Thường Niên

Mt 11, 25-27

Đầu lễ :

Cảm tạ Thiên Chúa ban cho chúng con một ngày mới để sống.

Xin dâng đôi tai chúng con, để được lắng nghe Lời Ngài dạy dỗ. Xin dâng trí chúng con, để hiểu được những suy nghĩ của Ngài. Xin dâng con tim chúng con, để yêu điều Ngài muốn. Xin dâng ý chí chúng con, để chọn sống theo điều Ngài hướng dẫn.

Giảng lễ :

Có những bí mật nơi Thiên Chúa không hề có ai biết, nếu không được mặc khải ra. Những bí mật hay những mầu nhiệm sâu kín ấy chỉ có «Cha biết Con và Con biết Cha» mà thôi. Nhưng Cha lại ủy thác cho Con mọi sự và để tùy Con chọn ai mà tỏ lộ cho (cf. Mt 11, 27).

Dầu sao Người Con rất tế nhị – Người Con từ nơi Cha mà đến – chỉ muốn làm theo ý của Cha. Mà sở thích ấy là «Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết, mà lại mặc khải cho những người bé mọn» (c. 25).

Tôi thắc mắc: « Sao Chúa không mặc khải cho người khôn ngoan thông thái, bởi sẵn thông minh họ dễ nắm bắt, hiểu nhanh và hiểu sâu xa các mầu nhiệm hơn những người vô học, ít học, hèn kém bé mọn chứ?»

I. Sự khác biệt rất cách biệt giữa Thiên Chúa và loài người.

Thì ra… sự khôn ngoan của Thiên Chúa không giống như sự khôn ngoan ở đời. Thiên Chúa suy nghĩ, lựa chọn, hành động theo những chuẩn mực khác hẳn loài người. «Như trời cao hơn đất bao nhiêu, tư tưởng của Ta cũng trổi vượt hơn tư tưởng các ngươi bấy nhiêu» (Is 55, 9).

1. Ở đời, người nhanh kẻ mạnh tiến lên phía trước; kẻ chậm người yếu lùi lại đàng sau. Kẻ giàu ngồi chơi xơi nước, búng tiền ra là có mọi thứ, có luôn cả tiên (bởi có tiền mua tiên cũng được! ). Người nghèo, nghèo rớt mùng tơi hay trắng tay, đừng hy vọng tiến thân. Kẻ uy tín, có máu mặt, được vị nể có quyền ăn nói, phát biểu. Sở hữu nhiều của cải nói gì ai cũng nghe, há miệng có người đút; trong khi anh thấp cổ bé miệng, khố rách áo ôm làm gì có tiếng nói hay có gào thét chẳng ai buồn «dểnh» tai.

Ôi, cái «nhẽ» khôn ngoan ở đời là như vậy !

2. Còn nơi Thiên Chúa, khác hẳn: Ngài «hạ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, nâng kẻ hèn mọn lên». Mạnh là yếu, yếu thành mạnh. Kẻ đầu hết sẽ nên rốt hết và ngược lại. Ai muốn làm lớn, hãy làm tôi người khác. Ai xin áo ngoài cho luôn áo trong. Ai vả má này, giơ luôn má kia…

II. Cô bé lọ lem có thể thành nàng công chúa.

Chúa Giêsu hôm nay qua lời nói và thái độ Người làm tôi chới với.

1. Người bảo: «Cha giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết » mầu nhiệm, sự khôn ngoan nơi Thiên Chúa, nhưng lại «mặc khải cho kẻ bé mọn».

Bởi kẻ thông thái thường kiêu ngạo, tự mãn về mình: biết hết, hiểu hết. Cho mình quá đủ, dư thừa, chẳng cần đón nhận thêm điều gì. Nên họ dễ khép lòng mình lại, ngay cả đối với Chân lý và Hồng Ân của Chúa trời đất.

Còn kẻ nghèo, dốt nát biết phận mình thiếu thốn, bất cập, không đủ nên họ sống khiêm tốn, sẵn lòng lắng nghe Sự thật, đón nhận Tình thương, Ân huệ Thiên Chúa. Họ hiểu rõ phận mình, nên dễ thông cảm với những người cùng cảnh ngộ. Nghèo, dốt lấy gì mà vênh váo, kênh kiệu với ai. Nên họ sống cậy trông, đợi chờ, mở rộng cõi lòng, hồn nhiên hy vọng. Tâm hồn họ như đất khát mưa…

2. Chúa Giêsu khoái họ, thán phục họ. Người đắc chí thấy họ sống như vậy mà cất tiếng ngợi khen Cha. Ngợi khen Cha vì họ.

Những người bé mọn trong Tin Mừng chính là họ: những người thấp kém địa vị xã hội, không ăn học, thiếu kiến thức, không thành công mấy ở đời. Nhưng trái tim lại nhạy cảm và cởi mở trước mầu nhiệm Thiên Chúa. Anh giàu, người thông thái không có được tấm lòng ấy!

Rất có thể có những người thông thái khôn ngoan thực sự, nhưng họ không kiêu ngạo với vốn kiến thức và sự khôn ngoan của mình. Họ cũng được coi là người bé mọn của Tin Mừng, vì có trái tim giống những người kia.

Thế mới biết một chút kiêu ngạo đã quá thừa, còn khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ. Không hề đủ và nhất là không thể đủ trước mặt Thiên Chúa được.

 

20.7

Lễ Kính

NGÔN SỨ ÊLIA, TỔ PHỤ DÒNG CARMEL

Đầu lễ :

Trong hàng ngũ các ngôn sứ của Israel, Êlia là một gương mặt lớn nổi bật. Ông nổi tiếng trong vụ đấu tranh bảo vệ quyền lợi Thiên Chúa và cũng vang danh không kém trong việc bảo vệ quyền lợi con người.

Riêng đối với Dòng Carmel, Ngài là Tổ phụ để lại cho con cái một cách sống: mọi giây phút luôn đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, luôn tìm kiếm Thánh Nhan Chúa, làm hiển Danh Chúa và trở nên nhân chứng Tình yêu Chúa.

Giảng lễ :

I. Êlia : chiến sĩ đấu tranh cho việc tôn thờ Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và toàn năng.

1. Trước lưu đầy, do liên kết buôn bán với Nước lân bang Phênixia, mà Vua Omri đã tạo dựng được một thời đại bề ngoài vẻ vang, phồn vinh. Nhưng đời sống tôn giáo thiêng liêng bên trong là một thất bại hoàn toàn. Lý do: để giữ tình giao hảo bền chặt với Phênixia, ông đã cưới công chúa Nước này tên là Izabel cho con trai Akhab của ông. Chính bà vợ ngoại giáo ấy đã đem sự sùng bái thần Baal của xứ mình vào đất Israel, xây đền thờ Baal ở thủ đô Samari, lập ra hàng ngũ pháp sư thao túng và lũng đoạn nền thờ tự Giavê. Dân bỏ Chúa.

Sách các Vua quyển I (16, 25-26) phê phán: Omri ăn ở thất đức, chọc giận Giavê với các thần phù phiếm. Con dâu của ông dần giết hại các tiên tri của Chúa. Một mình Êlia thoát khỏi bàn tay sát nhân. Bởi thế, giữa bà Izabel và Êlia nảy ra một mối thù mãn đại.

2. Điều phải đến đã đến: một ngày kia, trên núi Carmel xảy ra cuộc thách đấu giữa 450 pháp sư thần Baal và Êlia, xem Thần bên nào là chân thật quyền năng. Êlia đã chiến thắng. Các pháp sư thần Baal thua cuộc, bị tiêu diệt (cf. 1V 18, 20-40). Izabel mất mặt, lại còn mất cả hàng ngũ thuộc hạ, nên ra sức săn lùng Êlia để giết trả thù.

3. Bởi thế, Êlia nổi tiếng chống lại ngẫu tượng để bảo vệ quyền lợi Thiên Chúa. Ông muốn chứng minh cho toàn dân thấy chỉ có Giavê mới là Thiên Chúa thật, quyền năng, hằng sống phải tin. Là Vị Thần duy nhất đáng thượng tôn kính thờ. Êlia bênh vực sự sống còn của Đạo Giavê và chỉ ra rằng các thần minh khác chỉ là hư ảo so với Ngài. Chống lại sự sùng bái ngẫu tượng, Êlia đã gián tiếp phô bày ý nghĩa lời Giao Ước của Thiên Chúa với dân Ngài. Dân phải trung thành với Giavê, với Giao Ước.

II. Êlia : chiến sĩ đấu tranh cho an sinh & công bằng xã hội.

1. Êlia từng là Ân nhân cứu sống phò nguy, trong thời hạn hán, khi làm cho hũ bột của bà góa Sarepta không vơi và chóe dầu của bà không cạn (cf. 1V 17, 14-16). Tiếp đó, nhờ lời khẩn cầu của ông mà con của bà góa được sống lại (c. 21-23) và trời đổ mưa chấm dứt khô hạn đói khổ (cf. 1V 18, 41-45).

2. Ông còn tuyên án tử của Giavê trên vợ chồng Vua Akhab độc ác, vốn âm mưu giết Nabot để cướp vườn nho (cf. 1V 21, 17-24). Ông phản đối nhà Vua về một bất công xã hội rất đê hèn mà Vua và Hoàng hậu đều liên can. Ở Yzrơel, Nabot có một vườn nho sát cạnh cơ sở nhà Vua và ông này thèm muốn nó. Nabot không chịu bán, vì đó là cơ nghiệp của tổ tiên để lại. Nhà Vua buồn rầu, tuyệt vọng. Izabel, vợ Vua vốn thâm đôc, nhúng vào. Bà bày mưu vu cáo Nabot can tội nguyền rủa Thiên Chúa và nhà Vua, nên ông bị xử ném đá chết. Nhà Vua chiếm được vườn nho. Như vậy, bất công Vua gây ra là cướp của, chiếm dụng đất và tội ác tày đình: giết người cố tình. Hình phạt Giavê dành cho Hoàng tộc: chó sẽ liếm máu nhà Vua tại nơi đã giết Nabot và chó sẽ xé thịt Izabel bên tường lũy Yzrơel (cf. 1V 21, 19.23).

3. Chống bất công xã hội, Êlia tố giác sự sa đọa của Vua cũng như dân trong đời sống đức tin và luân lý. Ông thức tỉnh lương tâm của những người làm điều xấu, vì đời sống của họ đang góp phần làm cho Vương quốc của sự tội lớn lên mạnh mẽ. Trong khi sứ mệnh của các tiên tri, theo lời Thánh Phêrô trong thư 1 của Ngài (1Pr 1, 8-12), là phải «nghiên cứu tìm hiểu về Ơn cứu độ, tuyên sấm cho mọi người biết ân sủng này của TC». Bởi «thành quả của đức tin nơi Thiên Chúa là Ơn cứu độ con người» (id).

Êlia đã truyền đạt thông điệp ấy đến Israel và đến cả chúng ta hôm nay.

III. Êlia : con người của những cảm nghiệm đời sống nội tâm sâu xa.

1. Êlia biểu trưng cho sự sống: những phép lạ của ông đều liên quan đến sự sốngphò sự sống: cầu mưa, giải hạn hán; cứu đói cứu khổ; làm cho sống lại v.v… Chính ông cảm nghiệm về những cái chết tức tưởi của các tiên tri của Chúa bị Izabel sát hại, mà chỉ mình ông thoát chết. Ông quí hóa sự sống nơi bản thân ông bao nhiêu, ông càng đau buồn trước sự sống còn của Đạo Chúa bấy nhiêu. Dân bỏ Chúa, đồng nghĩa với dân phải chết. Chỉ có Giavê mới làm cho dân được sống, vì Ngài quyền năng và hằng sống. Dân đói, dân khổ gặp hạn sắp chết: đó là hình ảnh của sự thiếu vắng Ân huệ Giavê, đói Hồng ân, đói Nguồn sống. Chính Giavê cứu sống Maisen, rồi cha ông người Do thóai khỏi tay Pharaô Ai Cập và  cả trong sa mạc.

2. Theo luật thách đấu, khi kết thúc, phía thua là các pháp sư Baal chịu mất mạng. Nhưng Hoàng hậu Izabel vẫn căm thù, quyết tìm giết Êlia, khiến ông mất ăn mất ngủ phải trốn vào sa mạc. Lại đói lại khát sau một ngày trốn chạy. Sự sống mong manh. Ông quay ra hận Chúa. Ông nghĩ ông bênh vực Chúa mà giờ đây số phận của ông thế này. Đâu hơn gì cha ông xưa kia chết đói chết khát trong sa mạc. Ông hờn dỗi với Chúa: xin Chúa giết con đi cho rồi! Rồi ông mệt, thiếp đi… Nhưng Thần sứ Chúa tiếp lương thực cho ông, thúc giục ông mấy lần dậy ăn bánh nướng và uống nước. Nhờ lương thần ấy, ông được bổ sức đi suốt 40 ngày đêm tới núi Horeb của Thiên Chúa.

Lữ hành đường xa: 40 ngày đêm trong sa mạc cuộc đời, giữa bao đắng cay khổ ải của thân phận con người bấp bênh. Thắng đó, rồi thua đó. Vui đó, sướng đó; rồi buồn đó, khổ đó, thất vọng đó. Không có Chúa dìu đưa, tiếp sức, nuôi sống lấy gì về Thiên quốc hội ngộ với Ngài?

Êlia cảm nghiệm sâu xa sự trợ lực này của Thiên Chúa trong đời mình: không có Chúa, không chiến thắng. Không có Chúa, không thể sống. Chúa là chốn ta nương tựa ngay giữa những thất vọng, thất bại ê chề.

3. Ông tiến lên núi Horeb để gặp Chúa. Ông đứng trước Nhan Chúa, ông kề sự hiện diện của Chúa mà chẳng thấy Chúa đâu. Chúa không ở trong gió bão, trong đất động, trong lửa cháy, trong thiên nhiên dữ dội. Chúng chỉ là dấu hiệu của việc Thần hiện. Ông sợ hãi, che mặt.

Sức mấy con người dám đối mặt với Thiên Chúa: kinh nghiệm, Maisen phải tụt giầy khi tiến gần Thiên Chúa, nơi bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (Xh 3, 5). Cũng như trên núi Sinai, ông phải nép mình trong kẽ đá, khi vinh quang Chúa lướt qua (Xh 33, 18-23).

4. Chỉ khi gió hiu hiu thổi, Thiên Chúa mới cất tiếng nói với Êlia (x. 1V 19, 12-13). Êlia đối thoại, tâm tình với Chúa. Giavê bộc lộ tỉ tê trong thinh lặng, nơi thầm kín của các tâm hồn, chứ không nơi xô bồ ồn ào, kinh thiên động địa của cuộc sống này. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện trong bầu khí như thế.

5. Êlia rời bỏ đất Israel, ngược đường hành hương về núi Sinað. Nơi xưa Maisen và tổ tiên người Do thái đã ký kết Giao Ước với Giavê, nhìn nhận Giavê là Chúa của họ và Chúa hứa bảo vệ dân Ngài. Dân Chúa giờ đây bỏ Chúa, theo thờ Baal thần ngoại. Êlia phải lội ngược dòng, về lại nguồn Sinað để phục hồi nguyên vẹn đức tin của Giao Ước. Nơi đó, Êlia hội ngộ với Giavê, với Maisen.

Maisen tượng trưng cho pháp luật. Êlia đại diện cho các tiên tri. Lề luật và ngôn sứ là nền tảng, là tất cả Cựu Ước, là Giao Ước cũ ký kết với Giavê. Tiếc thay Giao Ước cũ đã bị phản bội!

6. Nay trên núi Thabor, thấy trước Chúa Giêsu Đấng Cứu độ thực hiện Giao Ước mới với ba Tông đồ, tượng trưng cho Giáo Hội, đoàn dân Israel mới trung thành với Thiên Chúa. Một cuộc bàn giao lịch sử  giữa mới diễn ra, nên có mặt Maisen và Êlia. Hai ông chỉ từ biệt Chúa Giêsu và các Tông đồ, khi Phêrô và đồng bạn không còn ngủ mê, nhưng đã tỉnh hẳn để nhận nối tiếp sứ mệnh của hai ông (cf. Lc 9, 28-36).

Êlia, con người đầy cảm nghiệm về đời sống nội tâm. Êlia đã để lại cho chúng ta kinh nghiệm của một người suốt đời sống trước sự hiện diện của Chúa, đi tìm Dung Nhan Chúa và nhiệt thành phục vụ cho vinh hiển Chúa. Ông hoàn tất sứ  mạng vẻ vang của một Đại Tiên tri, cứu lấy đời sống đức tin và luân lý, hướng chúng ta về Ơn Cứu độ trong Đức Kitô.

 



[1]  Qua sách vở, báo chí ; thư điện tử (e-mail) ; tin nhn (messenger) ; điện thoại bàn và di động ; phim nh, truyn thanh truyn hình ; băng nhc & đĩa đủ loại.


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái