Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ

(Giới thiệu 3 bài Nguyện gẫm, dịp Tĩnh tâm các Linh mục Giáo Phận Xuân Lộc,

tại TGM XL từ 2 - 5.1.2012)

                                       14485591260780329.jpg

Bài 1                              THIÊN CHÚA THIẾT LẬP NỀN PHỤNG TỰ

                                    VÀ GIÁO DỤC CON NGƯỜI QUA PHỤNG TỰ

   I. Thờ lạy. (quì)

   Chúng con thờ lạy TC Ba Ngôi toàn năng và chí thánh :

- là Chúa Cha, Thánh Phụ của ĐG Kitô, cũng là Cha của chúng con; là Đấng sáng tạo vũ trụ, quan phòng lịch sử loài người.

- là Chúa Con, Con một yêu dấu của Cha, cũng là Đấng chuộc tội nhân loại.

- là Chúa Thánh Thần, Tình yêu của Cha và Con, cũng là Đấng soi trí mở lòng, thánh hóa chúng con.

Xin thờ lạy, tôn vinh, chúc tụng Ba Ngôi ngay từ những giây phút đầu tiên trong ngày sống và tĩnh tâm của chúng con.

Năm thứ 2, trong chương trình ngũ niên chuẩn bị mừng Kim khánh Giáo Phận, chúng con muốn suy niệm và sống chủ đề riêng của Giáo phận : gia đình và giáo xứ : cộng đoàn Phụng tự. Dù sao, nơi phụng tự và qua cách thực hiện phụng tự, chúng con còn biểu lộ mầu nhiệm Giáo Hội sống mầu nhiệm đó sung mãn, theo chủ đề nữa mà Hội Đồng G.Mục VN gần đây gợi lên cho chúng con. Chúng con, các cha chánh và phó của các giáo xứ, làm sao lơ là với Phụng tự của GH được, khi chính chúng con đang là những đầu tàu của các cộng đoàn phụng tự giáo xứ khắp nơi trong Địa phận?

II. Suy niệm. (ngồi)

A. TC đã thiết lập nền Phụng tự cho con người.

1. Mọi lễ nghi phụng tự đều diễn tả mối liên quan giữa con người và TC. Chính Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải, đã khởi xướng nên mối liên quan Phụng tự này.

- TC đã bắc cầu liên lạc với tổ phụ Abraham, khi mời gọi ông lên đường bước đi theo Ngài. Cũng chính Vị TC ấy đã gắn bó với Noe, với các tổ phụ Do Thái; đặc biệt với Môsê khi tỏ mình ra cho ông để ông đứng đầu dẫn dắt dân được chọn đi vào Giao ước : mối quan hệ đặc biệt với Yahvé. Trong mối quan hệ Giao ước này, Yahvé tỏ mình ra là Chúa của Israel, Đấng bao bọc che chở họ. Còn Israel cam kết nhận Yahvé là Chúa của mình, kèm bổn phận phải yêu mến tôn thờ và trung thành với Ngài.

- Cũng từ đó, Chúa đã chọn Israel làm thành dân tư tế của Chúa (Kh 5,10), dân vương đế thờ phượng Chúa trong đức nghĩa tín thành, vì Chúa là Đấng giải phóng dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa đi bước trước, chìa tay ban phúc thi ân. Đáp lại, con người thờ lạy TC, Vị ân nhân cao cả, trong Phụng tự dưới hình thức cộng đoàn. Cả Israel là một dân tư tế, một cộng đoàn phụng thờ. Để rồi đối với một tập thể tế lễ như vậy, bước cần thiết tiếp theo là phải có đại diện tế lễ và đương nhiên, phát sinh hàng ngũ tế sư, giáo sĩ.

- Việc phụng tự chỉ rõ con người cần đến TC, Đấng Tạo Hóa thi ân. Không chỉ nói lên con người - trong tư cách là tạo vật - phụ thuộc, hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài, mà còn diễn tả chính bổn phận con người phải thi hành : phụng sự Đấng Tạo Hóa. Trong tiếng Hy bá, phụng tự có gốc từ chữ abad,  nghĩa là phụng sự. Rồi đâu chỉ con người, mà cả vũ trụ hữu hình và thế giới vô hình đều phải phụng thờ Đấng Tạo Hóa.

2. Mối liên quan với TC mang tính phụng tự này, ngay từ đầu tiếc thay đã bị Adam - Eva bẻ gãy.   Tổ tông loài người rất sớm đã không muốn vâng lời qui thuận, phục tùng TC. Nghe lời dụ dỗ ngọt ngào của Satan, con người muốn “nhảy lên” làm chủ, tự quyết định vận mệnh của mình và chối từ Tạo Hóa. Dù vậy, con người vẫn không thể thoát ra khỏi quĩ đạo thần linh đang bao bọc mình.

3. Theo giòng thời gian, hàng tư tế, lễ vật đầu mùa và hy tế xuất hiện trong phụng tự.

- Các Tổ phụ ban đầu, khi cầu khẩn Yahvé, đã thiết lập bàn thờ và dâng hiến của lễ.

- Các của lễ xưa, chẳng hạn như thời Caїn và Abel, hoàn toàn là sản phẩm của nếp sống nông nghiệp. Trồng trọt thì dâng hoa trái, hoặc chăn nuôi thì dâng dê cừu. Hiến lễ toàn thiêu súc vật dâng lên Chúa nhằm báo trước Hiến lễ hoàn hảo của ĐK thôi.

- Hàng tư tế Lêvi, bắt nguồn từ Aaron, báo trước hàng tư tế của Tân Ước được tuyển chọn và nhận quyền tế lễ qua BT. Truyền chức.

B. TC giáo dục con người qua phụng tự.

   1. Lễ vật biểu lộ lòng thành của con người. Thế nhưng qua mọi hình thức lễ tế, dần dà TC bộc lộ cho con người biết rằng thực ra Ngài không cần và cũng không muốn nhận bất cứ lễ vật nào : dù hoa trái, dù súc vật (mỡ chiên cừu Chúa không ưng), thậm chí cả việc sát tế con người, như Abraham sát tế con dâng Chúa (St 22; 2V 16,3).

2. Nền tế tự Israel một thời đã nhiễm nặng từ bên ngoài nạn mãi dâm thánh. Cho dù có hiểu con cái là một ân huệ thần linh và con đàn cháu đống là một phúc lành đi nữa, thì cũng không vì vậy mà để cho việc cầu tự trong các buổi nghi lễ tôn thờ Yahvé được diễn ra theo cách thức dân ngoại thường làm : cầu thần mắn đẻ và bắt chước bằng việc ăn ở phò sinh bừa bãi. TC muốn loại trừ nạn  dâm ô này ra khỏi khung cảnh, bầu khí tế tự của Israel.

3. Không chỉ thanh tẩy bầu khí, khung cảnh tế tự; không chỉ muốn thay dần mọi thứ lễ vật chưa phù hợp (để sau này đón nhận ĐK là hiến vật duy nhất hoàn hảo, đẹp lòng TC), TC cho thấy chỉ mình Ngài là Đối tượng độc nhất, duy nhất của đức thờ phượng của Israel. “Không có thần nào khác ngoài Ta”. Yahvé đòi sự độc quyền và độc tôn dành cho Ngài đã, trước khi mặc khải độc thần. “Chính Ta là Yahvé, không ai bằng Ta. Ngoài Ta ra, không có thần nào khác”. Dân khác có thần của họ, mặc kệ! Israel chỉ có mình Yahvé, thờ mình Ngài. Sống giữa môi trường chung quanh đa thần, phải chăng TC, nhà giáo dục, muốn khắc phục cái khuynh hướng này - cái cám dỗ, quyến rũ chạy theo đa thần - đang tiềm ẩn trong tâm não Israel.

Loại trừ thần ngoại xong, tiến tới cấm thờ ảnh tượng theo kiểu dân ngoại tạc tượng ảnh thần của họ để thờ. Israel không được bắt chước họ tạc tượng ảnh các thần. Dễ sa vào thờ ngẫu thần; mà các thứ do con người tạo ra chỉ là gỗ đá vô hồn, vô tri, vô giác, bất lực. Tất nhiên lý do mọi thụ tạo không thể nào thay thế Tạo Hóa, hay diễn tả đúng và đầy đủ về TC được. Không hình ảnh thọ tạo nào tượng trưng TC vô hình được. Không thể tạo ra, rồi chiếm hữu Yahvé như một thứ vật linh thánh. Không thể đồng hóa Yahvé với các ngẫu tượng; không thể sùng bái Yahvé theo cách thế tế tự ngẫu tượng. Bởi vậy hạ bệ Yahvé rồi (như trường hợp Giêrôbôam đã làm : cf. 1V 2). Thực sự, Ezêkiel đã cảnh báo Đền thờ nhơ nhớp bởi thờ ngẫu tượng (Ez 37, 26tt).

4. Nếu Israel chỉ thờ một TC chân thật và duy nhất, thì họ còn phải nhớ rằng việc tạ ơn Ngài luôn chính đáng, bởi Ngài là nguồn mọi ân huệ. Việc đó đã tỏ rõ trong quá khứ qua công cuộc giải phóng của Yahvé rồi. Nhưng việc trung thành với tế tự còn là để bảo đảm việc trung thành với Giao ước, tức trung thành với Yahvé, cũng là bảo đảm cho việc thi ân của Ngài còn tiếp diễn trong hiện tại và khích lệ niềm hy vọng lớn lao trong tương lai. Nhưng cần phải canh tân nền tế tự này, nên các ngôn sứ mới loan báo một Giao ước mới. Một mối quan hệ phụng tự mới với TC sẽ hình thành...

5. Qua thúc đẩy của các ngôn sứ, chẳng hạn Ezêkiel, việc thờ phượng của Israel còn dần đi vào chiều hướng nội tâm, siêu nhiên hơn là giữ những luật lệ và hình thức tế tự bên ngoài. Sách Sáng thế 4,3tt từ lâu đã khéo hướng đến nội tâm của người dâng tiến.

6. Bối cảnh nội tâm hóa sự thờ phượng khiến nơi thờ phượng dần không còn quan trọng nữa. Đền thờ có thể bị phá hủy. TC chuẩn bị cho bước tiến dài đến thời Tân ước có thể chấp nhận không phải thờ TC nơi nào cả (không phải ở Đền thờ Giêrusalem, ở Bêthel hay một nơi nào khác) mà trong Thần Khí và Sự thật, nơi Thân mình ĐK phục sinh. Điều này Israel đã cảm nghiệm mạnh mẽ, rõ ràng trước kia ngay trong thời kỳ lưu đầy, lúc mà Israel hoàn toàn vẫn thờ Yahvé được, cho dù Đền thờ chẳng còn, hy lễ không còn, hàng tư tế không còn...

Gần thời Tân ước, chính tu phái Qumrân đã ước ao có một nền Phụng tự mới, một hàng tư tế mới (tách khỏi tế tự Giêrusalem) và một Đền thờ canh tân. Báo trước nền tế tự Kitô giáo ra đời.

Như vậy, theo thời gian, TC quả thực muốn giáo dục con người qua phụng tự, để con người dần biết thờ phượng Ngài đúng cách.

III. Chiêm ngắm. (đứng)

Xin quí Cha dành vài phút thờ lạy, chiêm ngắm, kết hợp với Ba Ngôi trong đáy lòng. Với ao ước sống đức thờ phượng chân thật và canh tân.

IV. Cầu nguyện - Dốc lòng. (quì)

• Lạy Cha chí thánh, là Linh mục tất cả chúng con đều là những tư tế của Cha. Để có thể thi hành việc tế lễ Cha xứng đáng, bản thân mỗi linh mục chúng con phải thánh. Nhờ được thánh hiến và sống thánh mới gọi là “xứng chút nào đó” với Cha và xứng thi hành việc thánh. Xin cho chúng con luôn ý thức điều này để không ngừng nên thánh mỗi ngày, vì hằng ngày chúng con không ngớt hướng về Cha là Đấng trọn lành và thi hành không ngơi sứ vụ thánh hóa dân Cha.

• Là thừa tác viên tế lễ, B.T truyền chức cũng ủy thác cho chúng con vai trò đại diện cả cộng đoàn. Chúng con phải giúp giáo dân tế lễ thật xứng đáng và đón nhận Ơn thánh chuyển thông qua đời sống P.vụ cách tốt nhất. Tạo mối hiệp thông trong một cử hành duy nhất thánh thiện, là hy lễ của ĐK, hy lễ có giá trị đẹp lòng Cha và sinh Ơn cứu độ. Mọi phụng tự, do chúng con thi hành và hướng dẫn, phải được cộng đoàn cử hành cách trân trọng, thánh thiện, xứng đáng cả trong lẫn ngoài: trong ý hướng và ngoài hành vi.

Chúng con xin dâng lên Cha hai điều dốc lòng trên, như những ước nguyện chân thành đầu ngày sống và suốt năm sẽ chú tâm đến đời sống phụng tự này. Xin Cha thương nhận, ban ơn trợ giúp chúng con.

 

Bài 2                              ĐỨC KITÔ CANH TÂN PHỤNG TỰ CŨ,

THIẾT LẬP PHỤNG TỰ MỚI.

I. Thờ lạy. (quì)

Một ngày mới nữa đến với chúng con, cũng là ngày thứ ba của tuần tĩnh tâm Lm trong Giáo Phận, chúng con đặt mình trước mặt Chúa, lạy Chúa Giêsu Lm Thượng Phẩm, để bày tỏ lòng chúng con luôn yêu mến gắn bó với Chúa và cảm tạ Chúa đã cho chúng con tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa.

Chúng con ý thức rằng, qua BT. Truyền chức, không những chúng con được chia sẻ chức vị tư tế cao quí của Chúa, để có thể tế lễ và hành động nhân danh chính Chúa; nhưng đồng thời chúng con cũng được ủy quyền đại diện cộng đoàn dân Chúa, để có thể hành động nhân danh cộng đoàn và Giáo Hội.

Chúng con xin Chúa ngự trị trong chúng con luôn mãi, để qua sự kết hiệp mật thiết hằng ngày với Chúa và nhờ Chúa là Chủ tế tối cao, việc phụng tự của từng cá nhân chúng con và của cả tập thể Giáo Hội luôn được thực hiện tốt nhất và hiệu quả nhất.

Xin Chúa Thánh Thần sáng soi tâm trí chúng con giờ này, giúp chúng con hiểu và nhận ra được CG đã chủ động thiết lập nên nền phụng tự mới nơi Giáo Hội như thế nào.

II. Suy niệm. (ngồi)

A. ĐK chấm dứt Phụng tự cổ bằng cách canh tânhoàn tất.

1. Đức Giêsu:

- Bảo đảm sự nối tiếp giữa phụng tự cũ và mới, ĐG vẫn một mực tuân giữ các nghi thức cũ, nhưng  làm cho nó thấm nhiễm dần tinh thần mới : tinh thần cầu nguyện với lòng hiếu thảo thắm tình Cha-Con. Người đã dạy các môn đệ Kinh “Lạy Cha chúng con...”

    - Nhiều lần ĐG vào Hội đường cầu nguyện, đọc sách thánh, giảng giải Lời Chúa. Người cũng thường lên Giêrusalem để dự các nghi lễ theo luật, giảng dạy trong Đền thờ. Mười hai tuổi, mốc tuổi thiếu niên Do thái bước vào đời sống trưởng thành tâm linh, Người hiện diện giữa hàng tiến sĩ, với những trao đổi dẫn họ đến kinh ngạc thán phục sự khôn ngoan của Người. ĐG ý thức Đền thờ là của Cha Người. Người thờ phượng Cha ở đó và ưu tiên làm những công việc Cha giao. Bởi thế, không ngại, Người đã mạnh mẽ làm một cuộc thanh tẩy nơi thờ phượng (cf. Ga 2,14tt). “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Rồi ĐG còn loan báo Đền thờ đó sẽ được thay thế bằng Đền thờ mới là Thân xác phục sinh của Người. Trước kia, Êzêkiel đã từng mô tả Đền thờ mới của Giao ước mới là trung tâm phụng tự của một dân trung tín (cf. Ez 40-48).

- Bởi thế, như các ngôn sứ, ĐG đòi hỏi dân thờ phượng phải có tinh thần phụng tự : tâm hồn trong sạch (Mt 23, 16-23). Nên việc thanh tẩy theo nghi thức bề ngoài là vô ích. Để TC chấp nhận phụng tự, sứ ngôn ngay từ thời hồi hương đã chỉ cho biết dân phải trở thành một cộng đoàn huynh đệ thật sự (cf. Is 58,6t.9t.13; 66,1t). Sau, nền phụng tự mới còn phải mở ra thành phổ quát để đón nhận cả lương dân.

- Riêng lễ vật Tân ước vượt xa các hy lễ xưa : giờ không còn là hoa trái ruộng vườn, súc vật chăn nuôi hay máu bò dê chiên cừu, mà là hy tế của chính ĐG.

2. Giáo Hội sơ khai :

- Như ĐK, các Tông đồ lúc đầu vẫn cầu nguyện trong đền thờ và giảng dạy tại đó (cf. Cv 2,46; 5,21).

- Nhưng sớm vượt qua cách thức ấy, Stêphanô tuyên bố Đền thờ đích thực là nơi TC ngự và ĐK cai trị (Cf. Cv 6,13t).

- Riêng Paul, nể nang những người Do thái trở lại, chấp thuận tham dự những việc phụng tự mà họ vẫn trung thành tuân giữ (cf. Cv 21, 24.26), nhưng dạy rằng việc cắt bì hết giá trị & Kitô hữu không phải tuân theo những qui luật cũ. Phụng tự Kitô giáo là phụng tự mới (Gl 5,1.6).

B. ĐK thiết lập nguồn gốc, nền tảng cho phụng vụ mới.

1. Đức Giêsu :

- ĐG cho thấy phụng tự mới là phụng tự thiêng liêng : không hẳn là không cần nghi thức, bởi Người vẫn “ngồi vào bàn, cầm lấy bánh và rượu”. Nhưng không thể không có Thánh Linh, Đấng làm cho những người được tái sinh có khả năng thờ phượng (cf. Ga 4,23t).

- Thánh Marcô bảo ĐG, qua hy tế của Người, đã ký kết Giao ước mới (Mc 10,45).

- Còn thư Do thái khẳng định : hy tế ấy đem lại ý nghĩa đầy đủ & hiệu lực, đến độ làm mất hiệu lực của phụng tự cũ (cf. Dt 10, 1-18). Bởi Giao ước mới đã thay thế Giao ước cũ (bị phản bội) và phụng tự mới được thiết lập cũng thay thế phụng tự cũ. Nơi phụng tự mới có Ơn tha tội & truyền thông sự sống vĩnh cửu cho những người thông phần Máu Thịt ĐG (Ga 1,29; 6,51).

- Khi cử hành Bữa tiệc Ly, ĐG khai mạc hy tế cứu độ ấy. Người truyền nhắc lại việc này (Lc 22,19t).

2. Giáo Hội đã vâng lời :

- Trong các cử hành phụng tự mới thủa sơ khai của Giáo Hội, các môn đệ đã kết thúc kinh nguyện và bữa ăn của họ bằng việc “bẻ bánh” (cf. Cv 2,42; 20,7.11).

- Từ khi cử hành Thánh Thể có nghi lễ và ý nghĩa riêng, nó đã được lưu truyền thành truyền thống phụng tự trong Giáo Hội do chính ĐG khai sinh, thiết lập.

- Paul có lần đã nhắc lại cho những người đã quên những yêu sách của cử hành Thánh Thể (cf. 1Co 10,16; 11,24).

- Để tham dự Phép Thánh Thể, cần gia nhập Giáo Hội trước bằng nghi thức Rửa tội mà ĐG qui định (Mt 28,19), như là điều kiện của đời sống mới. Đời sống ấy được nuôi dưỡng bằng việc thông hiệp Thánh Thể, nơi cử hành phụng tự mới (Mc 16,16; Ga 3,5).

- Thần Khí được ban cho những người chịu Phép Rửa (Cv 8,15tt), nên những người ấy đầy Thần Khí khi cử hành và tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa.

- Phụng tự mới phát triển với cử hành ngày Chúa Nhật, ngày ĐK phục sinh, ngày đầu tuần (Cv 20,7; 1Co 16,2), cũng là ngày của Chúa (Kh 1,10) và dần dà có thêm trương độ cả những ngày trong tuần. Luật phụng tự mới, với các qui định, là để bảo đảm trật tự an bình (1Co 11,5-16).

III. Chiêm ngắm. (đứng)

Xin quí cha dành ít phút chiêm ngắm, kết hợp thân mật với ĐK là Linh Mục Thượng Phẩm của Tân Ước; cũng là Tư tế tối cao, mẫu mực của nếp sống hàng tư tế chúng ta. Một sự kết hợp giúp “định hình, định dạng” lại con người tư tế chúng ta, gắn kết đời sống và sứ vụ chúng ta vào CK, để một khi đã “đồng hóa” với Người thì mọi sự đều có thể “nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về TC là Cha toàn năng”.

IV. Cầu nguyện - Dốc lòng. (quì)

     1. Lạy Chúa Giêsu Linh Mục, với chức tư tế thừa tác đã lãnh nhận, chúng con được tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa và nhờ đó, khi tế lễ hay cử hành các Bí Tích, chúng con đã hành động nhân danh ngôi vị Chúa Kitô (in persona Christi). Chính Chúa hiện diện và tế lễ Chúa Cha, khi chúng con họp nhau cử hành phụng tự. Chúa hiện diện qua các dấu chỉ : nơi bàn thờ đã được thánh hiến làm phép, nơi Thánh giá có tượng Chúa chịu nạn mà chúng con cung kính thờ lạy, nơi Lời Chúa được công bố, nơi thừa tác viên có chức thánh tuyên đọc Phúc Âm và rao giảng, nơi cộng đoàn tín hữu phụng tự và đặc biệt nơi Thánh Thể, hy tế tình yêu cứu độ. Ý thức cao độ điều này giúp chúng con nỗ lực đảm nhiệm và đóng cho xứng vai, tròn vai trong mọi cử hành thánh. Gọi là thánh, vì do chính Chúa hành động.

2. Lạy Chúa Giêsu Linh mục, khi tế lễ, cử hành các Bí Tích, chúng con còn hành động nhân danh Giáo Hội. Chúng con cần chuẩn bị cộng đoàn tế lễ cho xứng đáng, vì cộng đoàn ấy là Dân tư tế, Dân mới do Chúa thiết lập và thánh hóa. Dân đó đang làm nên một Thân thể nhiệm mầu, có Chúa Kitô là Đầu để kết hợp và đón nhận sự sống thần linh thông truyền cho. Dân đó đang là Hiền Thê xinh đẹp tinh tuyền của Chúa, có Thánh Thần ngự trị bên trong luôn trang điểm (cf. Ep 4,11-12; 1Co 12,4, làm tươi trẻ và canh tân bằng muôn Ân sủng để có thể kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình[1]. Năm nay, các Giám Mục VN muốn chúng con tìm hiểu và sống Mầu nhiệm Giáo hội. Mà mọi sinh hoạt của Giáo hội đều qui về Phụng vụ, nên không lãnh vực nào giúp chúng con sống dồi dào mãnh liệt, bày tỏ Mầu nhiệm Giáo hội rõ ràng cho bằng nếp sống phụng tự. Xin cho các cha xứ chúng con lưu tâm huấn luyện giáo dân sống và phô bày Mầu nhiệm Giáo hội cùng cầu nguyện, hiệp thông, phục vụ và truyền giáo đặc biệt ngang qua các cử hành phụng tự.

Hiến chế Phụng vụ thánh của Công Đồng Vat. 2 ngay từ đầu nêu rõ : “Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu đem cuộc sống mình diễn tả và biểu lộ cho những người khác Mầu nhiệm CK và bản tính đích thực của G.Hội chân chính, một GH có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa hàm chứa những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa chiêm niệm, vừa hiện diện nơi trần thế nhưng đồng thời cũng là lữ khách” (số 2). Trong GH ấy, yếu tố nhân loại qui hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải qui hướng về những thực tại vô hình, hoạt động phải hướng về chiêm niệm và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lại là nơi chúng ta đang tìm kiếm (id).

“Phụng vụ ấy còn kiến tạo những người bên trong GH thành đền thánh trong Chúa, thành nơi cư ngụ của TC trong Thánh Thần[2]để đạt tới mức tuổi sung mãn của CK” (id).

“Phụng vụ ấy còn kiện cường sức lực cho họ cách lạ lùng để rao giảng ĐK; và như vậy phụng vụ cũng bày tỏ cho những kẻ bên ngoài thấy GH như một dấu chỉ ... qui tụ con cái TC thành một đàn chiên theo một Chúa chiên”[3](id).

Không còn hoài nghi, bộ mặt và cách sống của GH được bộc lộ ngang qua phụng tự. Nhờ lịch cử hành phụng tự trải ra trong thời gian, nhận ra được các Mầu nhiệm của TC mặc khải trong lịch sử và chân tướng của GH. Một GH không phụng tự, dám nói được sẽ hoàn toàn là thế gian... Bởi vậy, xin Chúa giúp chúng con ý thức : củng cố phụng tự là xây dựng GH.

 

Bài 3                                             PHỤNG TỰ KITÔ GIÁO

I. Thờ lạy. (quì)

Giây phút đầu tiên trong ngày mới, ngày tĩnh tâm thứ tư này của các Lm trong Giáo phận, chúng con dâng tâm tình yêu mến, phụng thờ lên Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba TC, Đấng được CG xin Cha ban xuống cho trần gian và đặc biệt cho GH.

- Chúa Thánh Thần là Đấng ngự trị trong GH và trong tâm hồn tín hữu (cf. 1Co 3,16). Xin thương đến ngự trong lòng chúng con như ngự giữa đền thờ (cf. 6,19).

- CTT đã đến trong ngày Lễ Hiện Xuống để qui tụ, thánh hóa và ban sự sống vĩnh cửu cho GH. Xin đến với chúng con trong ngày tĩnh tâm này để giúp chúng con cầu nguyện như là những dưỡng tử yêu quí của Chúa Cha (cf. Gl 4,6; Rm 8,15-16.26). Xin cũng huấn luyện chúng con hiểu những điều cốt thiết của phụng tự Kitô giáo do CK thiết lập và để lại cho chúng con.

- Xin dẫn dắt GH và cách riêng chúng con, các Lm, bằng muôn Ơn theo phẩm chức và đoàn sủng, để chúng con sống Mầu nhiệm GH trong sự hiệp thông phụng vụ tươi trẻ và canh tân, trong sự phục vụ lẫn nhau và truyền giáo đầy tình bác ái.

II. Suy niệm. (ngồi)

A. Hy tế của ĐK : nền tảng của phụng tự Kitô giáo.

 Tính mới mẻ của phụng tự Kitô giáo do nền tảng của nó mang lại : đó là “hy tế hoàn hảo và vĩnh viễn của ĐK, Con TC” (Dt 1,2t) :

   • một mặt, nó làm vinh danh Cha hoàn toàn, khi hy tế ấy đẹp lòng Cha.

   • một mặt, nó đem Ơn tha thứ, thanh tẩy, thánh hóa làm cho những kẻ tham dự vào phụng tự mới xứng đáng đi vào tương quan thờ phượng đầy tình con thảo của ĐK dâng lên Cha Người và hưởng lấy hiệu quả là sự sống đời đời (Dt 7,26; 8,1t; 9,14.26).

B. Ba chiều kích của phụng tự Kitô giáo.

- Phụng tự của Giáo Hội (cũng như của Israel) luôn có 3 khía cạnh : 1) tưởng niệm (quá khứ). 2) hiện đại hóa công trình TC trong hiện tại. 3) gieo hy vọng tương lai về ngày ĐK, vinh quang của TC, tỏ hiện đầy đủ.

Dù có vay mượn nhiều nghi thức của phụng tự cổ xưa, phụng tự Kitô giáo không còn là hình bóng, mà là chính hình ảnh của phụng tự phải đến, phụng tự tương lai trong Nước Trời.

- Khi cử hành, phụng tự Kitô giáo luôn nhắc lại, không nhắc lại suông, mà hiện tại hóa với đầy đủ hiệu lực gọi là tưởng niệm đích thực về :

1) một hành động quá khứ : một lễ vật ĐK dâng lên vì phần rỗi chúng ta; một lễ vật mà kết quả là sự Phục sinh và Ân huệ Thánh Linh.

   • hành động này đã chấm dứt phụng tự cũ, vì theo thư Do thái (Dt 7,18-28) nó đã hoàn tất phụng tự kia và cũng bởi phụng tự kia chỉ diễn tả & nâng đỡ sự trông đợi đầy tin tưởng & khiêm tốn vào Ơn Cứu rỗi, chứ không ban Ơn ấy.

   • ĐK, khi lập Phép Thánh Thể, muốn ban cho ta phương thế để nhận lãnh lấy kết quả hy tế trên bàn thờ thập giá Người.

2) Vì thế, một cử hành phụng tự trong hiện tại, luôn là một hiệp thông với hy lễ xưa của ĐK. Một sự hiệp thông đầy năng lực, giúp chúng ta chuẩn bị một hiệp thông khác, là sự hiệp thông đời đời trên Thiên quốc.

• Nghi thức Thánh Thể : trung tâm phụng tự mới trở thành nguồn ban sự sống thần linh, là dấu hiệu & phương thế của sự hiệp thông ấy.

Ai muốn hiệp thông, phải tham dự vào và ăn uống Thánh Thể.

• Cũng qua nghi thức Thánh Thể, ĐK vinh hiển hiện diện một cách mầu nhiệm để chúng ta hiệp nhất với Mình và Máu Người đã dâng. Lại qua sự hiệp nhất này, nhờ ĐK và với Thánh Linh, chúng ta trở thành một thân thể tôn vinh Cha (1 Co 10,16t).

3) Bằng cách thế ấy, ta tiến dần về Đền thánh Thiên quốc (Dt 10,19tt), nơi ĐK, Linh Mục đời đời ngự (Dt 7,24t). Ở đó, việc tôn thờ Cha chỉ diễn ra trong tinh thần và chân lý, là việc phụng tự duy nhất xứng hợp với TC hằng sống (Ga 4,23t).

• Việc phụng tự trên Thiên quốc là do Chiên Con hy sinh cử hành, chủ sự trước ngai TC trên trời, là Đền thờ thật của TC, nơi hòm bia Giao ước hiện diện thật sự (Kh 5,6).

• Những người được chọn sẽ tôn vinh TC bằng bài ca Sanctus mà Isaia nghe vọng lại (Kh 4,2-11). Họ cũng tôn vinh Chiên Con (Kh 14,1), Đấng đã làm cho họ thành một Vương quốc tư tế và nối kết họ vào phụng tự hoàn hảo của Người (Kh 5,9-13), từ phụng tự dưới đất cho tới phụng tự trên trời.

Sự nối kết này - vào ĐK và vào phụng tự của Người - đã thực hiện nhờ Phép Rửa, nơi chúng ta chết cho tội & sống cho sự thánh thiện của ĐK Phục sinh (Rm 6,1-11). Đòi hỏi luân lý cho việc thông phần vào hiến lễ Mình & Máu ĐK là phải sạch tội. Phạm tội là bất xứng & tự luận phạt khi ăn uống Hy tế (1Co 11,27tt). Phêrô phải tẩy sạch mới dự phần với Thầy, là kết hợp với tình yêu hiến tế và lòng trung thành  bền bỉ vâng theo ý Cha của ĐK. Nhờ vậy, Người trở thành hy vật sống động được TC chấp nhận (Ep 5,1t; Rm 12,1t).

Đó là phụng tự thiêng liêng và là việc tạ ơn liên lỉ dâng lên Cha của ĐG (Col 3,12-17)..

C. Ngày chấm dứt phụng tự Kitô giáo ở trần gian.

Trong ngày sau hết, mọi nghi thức phụng tự mang tính loan báo ngày ấy sẽ kết thúc.

Bây giờ, là thời gian dương  thế chờ đợi “ngày Con Chiên đến”, sẽ cứ còn cử hành phụng tự trần gian, bởi tín hữu phải luôn cầm đèn sáng trong tay tỉnh thức đợi chờ. Một khi Con Chiên đến đáp ứng lời mời gọi khẩn nài tha thiết của Hiền thê (Manaratha : Chúa ơi, xin hãy đến!) và cùng nàng hoàn tất lễ cưới (cf. 1Co 1,26), thì cửa phòng cưới khép lại. Phụng tự trần gian chấm dứt!

Ở Giêrusalem trên trời, không còn Đền thờ, không còn dấu chỉ. Cũng không còn tội nhân, nên không cầu Ơn tha thứ, cứu độ nữa, mà chỉ còn hưởng phúc lành trọn hảo là phần thưởng của Ơn ấy. Người ta sẽ thờ Cha như người con. Thấy Cha nhãn tiền. Vinh quang TC tỏ rạng trong thế giới đổi mới.

III. Chiêm ngắm. (đứng)

Xin quí cha dành ít phút kết hợp với Chúa Thánh Thần, Đấng soi sáng lòng trí chúng ta khi chúng ta đọc, nghe, suy niệm và giảng dạy LC. Ngài cũng nâng đỡ tâm tình và chuyển những lời  cầu nguyện của chúng ta lên trước ngai tòa TC. Ngài ban Ơn thánh hóa chúng ta khi chúng ta cử hành các Bí Tích, đặc biệt BT Thánh Thể... Gọn một lời, Ngài là linh hồn của nếp sống phụng tự của GH, khi làm cho phụng tự ấy sống động, linh hoạt và đem lại hiệu lực tràn đầy.  

IV. Cầu nguyện - Dốc lòng. (quì)

Lạy Chúa Thánh Thần, khi cử hành Hiến lễ cứu độ của ĐK nơi bàn thờ, chúng con đã kêu cầu Ngài hai lần và cả hai lần, Ngài đều có vai trò hết sức đặc biệt. Trước truyền phép, CTT đã thánh hóa của lễ là bánh và rượu trên bàn thờ, biến đổi nên Mình và Máu ĐK, Đấng cứu chuộc nhân loại. Ngài đã tác thành, làm nên thân mình của ĐK tử nạn và phục sinh, là Đầu của GH. Thế rồi, sau Truyền phép, lại chính CTT đã qui tụ, hợp nhất mọi tín hữu chi thể nên một thân thể nhiệm mầu trong ĐK. Vậy là Ngài cũng làm nên GH, cho mọi thành phần kết hợp với nhau và với CK trong tình yêu (Thánh Thể), để cuối cùng dâng hiến tất cả cho Chúa Cha.

Xin CTT canh tân, đổi mới GH và mỗi chúng con hằng ngày. Xin trang điểm GH Hiền thê của CK bằng hoa quả Thánh Thần của Ngài (cf. Ep 4,11-12; 1 Co 12,4). Lạy CTT, nhờ Ngài dẫn dắt, xin cho chúng con biết sống Mầu nhiêm GH trong mọi hoạt động của đời sống chúng con và đặc biệt qua việc phụng tự hằng ngày.

 

 

 

 

 

 



[1]  x. Thánh Irênêô, Adv. Haer.III, 24,1.

[2]  x. Ep 2,21-22.

[3]  x. Ga 10,16.


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái