Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 8

Đại chủng viện Huế

.Lưu hành nội bộ.

7.2007

Lời ngỏ

Đây là một số bài giảng lễ,đã trình bày trước hai cộng đoàn phụng vụ:

Qúi Thầy Đại Chủng Viện Huế và Qúi Soeurs Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân,Huế.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

Thứ Ba Tuần I Thường Niên

Mc 1, 21b-28

Đầu lễ:

Truyền thống đẹp, nổi bật của người Do thái là việc họ tụ họp nhau vào ngày Sabat tại Hội đường để nghe Lời Thiên Chúa & cầu nguyện. Chúa Giêsu không hề lơ là với tập tục đạo đức này. Ngày hưu lễ, Người thường vào Hội đường giảng dạy. Người giảng như Đấng có uy quyền. Uy quyền đến từ Lời giảng: Ai cũng thán phục cách thức dạy dỗ và giáo lý của Người. Uy quyền còn đến từ hành vi Cứu thế: Chúa Giêsu trừ đuổi quỉ cũng là để cứu vớt con người khỏi sự hãm hại, hành hạ của ma quỉ. Không dễ gì ma quỉ tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Thánh Thiên Chúa, nếu trước hết nó đã không qui phục quyền Người.

Xin quyền năng của Đức Giêsu bao phủ, biến đổi con người chúng ta, để lời nóiviệc làm của chúng ta - với tư cách là Kitô hữu - phản ảnh trung thực và kéo dài mãi uy tín của Người trên mặt đất này. Chúng ta trở thành công cụ chuyển tải Lời và Ân huệ cứu độ của Người đến mọi nơi, mọi thời, mọi người.

Giảng lễ:

I. Uy quyền của Đức Giêsu đến từ Lời Người giảng dạy.

Chúa Giêsu giảng trong Hội đường. Ai cũng ngạc nhiên cách Người giảng & thán phục Lời Người dạy. Người Do thái đã từng nghe nhiều kinh sư giảng dạy, giải thích Thánh Kinh trong Hội đường của họ; nhưng với Đức Giêsu hoàn toàn khác. Người trổi vượt tất cả.

Chúng ta tự vấn: tiếng nói hằng ngày của chúng ta gieo tin tưởng hay tạo ngờ vực nơi người khác? Nghe chúng ta, người khác có tin được chúng ta? Qua lời nói, chúng ta có tạo được uy tín & thanh thế cho mình? Giữa bao tiếng nói “có thẩm quyền” nổi lên ở cõi đời này, tiếng nói của chúng ta có trổi vượt?

Lời nói là thước đo sự thật, sự đúng đắn, ngay thẳng của cõi lòng. Nếu lời nói của chúng ta quanh co, lượn lẹo, gian dối, lừa lọc…ta có biết sửa sai và lấy lại uy tín cho mình. Uy quyền, sự tin tưởng tín nhiệm nơi lời nói của chúng ta chỉ có thể tái lập nếu mỗi ngày ta chuyên cần, chăm chỉ tập lắng nghe Lời Đức Giêsu, Lời uy quyền số một. Bởi thế, việc đọc, suy niệm Tin Mừng hằng ngày là phương pháp không thể sao lãng.

Rabindranath Tagore, văn hào kiêm triết gia Ấn Độ có nhận xét như sau : một sợi dây đàn guitare chỉ phát ra âm thanh du dương khi được căng ra, ràng buộc vào với cây đàn. Hoặc một cây cà chua chỉ mơn mởn và đâm nhiều trái, nếu nó được cột dựa vào một cọc thẳng đứng; còn ngã xoài trên mặt đất, lá bị dập nát, cây héo úa đi. Với sự ràng buộc gắn bó với Lời Chúa, với sự nâng đỡ của Chúa, chúng ta mới tạo ra được uy tín cho mình & lời nói của mình

II. Uy quyền của Đức Giêsu đến từ hành vi cứu thế của Người.

Một người bị quỉ nhập, Chúa Giêsu trục đuổi quỉ ra để cứu anh. Hành vi của Người là hành vi cứu nhân độ thế. Nó hướng về người khác để phù giúp, để ban ơn, để giải thoát. Hành vi ấy mang Tình thương Ơn Cứu độ của Thiên Chúa đến cho trần gian như quà tặng vô giá. Nó là bác ái đúng nghĩa, vì nó hướng về tha nhân và phục vụ hạnh phúc mọi người.

Còn hành vi của chúng ta trở nên rỗng tuếch, vô ích, thiếu xây dựng khi nó thuần vị kỷ, qui ngã chứ không vị tha. Đấy là chưa muốn nói đến những hành vi khác có tính tàn ác nguy hiểm, khi nó muốn xâm phạm danh dự, gây thiệt hại quyền lợi kẻ khác.

Trong hành vi/hành động, chúng ta chỉ có thể “gỡ lại” uy tín cho mình khi liên kết với hành vi Cứu thế của Đức Kitô. Mỗi ngày chúng ta xin ơn biết hành xử trong Đức Kitô, gắn hành động của chúng ta với công cuộc Cứu độ của Người. Cuốn sách của François Durwell: “ Trong Đức Kitô Cứu thế ” nhấn mạnh chữ “trong”.

Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được”. Vậy có làm gì “ra hồn, nên cơm nên cháo” chắc hẳn phải nhờ cậy vào Chúa rồi!

Khi hôn sách Phúc Âm, Linh Mục thầm đọc : “Nhờ Lời Tin Mừng vừa đọc, xin Chúa xóa tội chúng con”. Ta có thể bắt chước như thế mà khấn xin: “Nhờ Lời Tin Mừng vừa nghe, xin Chúa uốn nắn lời nói chúng con”. Hoặc “nhờ Lời Tin Mừng vừa nghe, xin Chúa làm cho hành vi chúng con nên tốt lành”.

 

Thứ Tư Tuần I Thường Niên

Mc 1, 29-39

Đầu lễ:

Hôm nay thứ Tư, chúng ta dâng Lễ kính Thánh Giuse, người lao động. Chắc chắn Ngài đã chỉ dẫn Đức Giêsu, Con Ngài, biết cần mẫn làm việc. Qua trình thuật một ngày sống của Chúa Giêsu, Mc cho thấy Người đã say mê làm việc thế nào. Nhịp làm việc của Chúa Giêsu tất bật, sinh động với những nét sáng đặc thù mà bất cứ linh mục, tu sĩ nào hoạt động mục vụ cũng cần khám phá, học hỏi, bắt chước.

Giảng lễ:

I. Một ngày mục vụ tất bật.

Chúa Giêsu hăng say rao giảng Tin Mừng Cứu độ và thực hiện sứ mệnh Thiên sai đúng như Isaia đã loan báo (cf. Is 61, 1t; 42, 7 hoặc Cv 10, 38). Mc 1, 21-39 ghi lại một ngày hoạt động mục vụ bận rộn của Chúa Giêsu với thời khóa biểu dày đặc: Vào ngày Sabat, thường là buổi sáng theo thói quen Do thái, Chúa Giêsu giảng dạy tại Hội đường và nhân đó, chữa luôn cho một người bị quỉ nhập. Ra về, Chúa Giêsu ghé thăm nhà người thân của Thánh Phêrô, chữa mẹ vợ ông hết sốt. Ban chiều phục vụ đủ loại bệnh nhân tới tận tối. Sáng hôm sau vẫn thức dậy sớm, cầu nguyện trước khi lại lên đường bắt tay vào một ngày mới rao giảngchữa lành mọi bệnh nhân.

Một Đức Giêsu hoạt động miệt mài, có lúc không có giờ ăn uống ngủ nghỉ (cf. Mc 3, 20), bộc lộ cho ta những nét chủ yếu sau đây:

1. Chúa Giêsu dấn thân thực sự vào công việc, vào sứ mệnh Chúa Cha trao phó, với tinh thần trách nhiệm cao. Công việc chìm ngập, thúc đẩy tứ phía khiến Người mang hình ảnh một người tất bật suốt ngày, giống như một ai đó trong thời hiện đại quay cuồng với đủ thứ việc lớn nhỏ, từ sáng sớm mở mắt đến tối mịt và cả tận khuya. Không thấy nơi nào trong PÂ, các Thánh sử mô tả CG có giờ ung dung giải lao hay ngồi tán gẫu “lai rai vài ly, vài sợi” như cánh đàn ông thời chúng ta hôm nay. Thậm chí đêm hôm khuya khoắt, Người còn đàm đạo với Nicôđêmô để khêu gợi hành trình đức tin cho ông (cf. Ga 3,1-8). Đức Giêsu hoạt động liên tục, mà không thấy tỏ dấu hiệu chán chường, than mệt hay bỏ cuộc hay “đùn” việc cho người khác.

2. Người không từ chối, hất hủi, không tiếp đón ai. Dân chúng lũ lượt đến vây quanh nghe Người, đem theo đủ loại bệnh nhân tật nguyền, kể cả những kẻ bị quỉ ám. Không chỉ ngoài đường, trên sườn đồi, ngoài bãi biển, giữa thiên nhiên mà cả trong nhà tư, nơi Hội đường công cộng. Ban ngày không đủ, tranh thủ ban đêm. Không tính toán lợi hại, không màng chi đến mình (con chim có tổ, cáo có hang, con người không chỗ gối đầu). Ai cần là có mặt, là cứu giúp. Còn người muốn nghe, còn kẻ muốn cứu là mở miệng ra tay. Chẳng kỳ thị. Chẳng đặt điều kiện tiên quyết nào cả. Không phong bì. Không quà cáp. Không kẻ đón người đưa. Có khi trước tin đồn ầm ã, Người còn cản ngăn, như bất cần danh cần tiếng.

Đang khi để lo an ninh cho các Vị nguyên thủ các Quốc gia đến Hà Nội họp APEC16, Nhà Nước VN đã phải huy động bao nhiêu người; chưa kể các phương tiện và đoàn an ninh của họ tiền hô, hậu ủng. Họ ở những khách sạn loại sang nhất. Ăn uống, đi lại được phục vụ đêm ngày.

3. Thế nhưng, không phải vì thế mà Người không biết dừng lại. Sự dấn thân đa dạng như chạy đua với thời gian chẳng làm Người quên mối liên hệ thâm tình với Chúa Cha. Chưa hừng đông, Người đã dậy cầu nguyện. Người không bỏ việc đạo đức, thiêng liêng, sự kết hiệp mật thiết với Đấng đã sai Người xuống trần. Có lẽ qua việc cầu nguyện, Đức Giêsu đã gặp lại Chúa Cha, báo cáo cho Cha mọi công việc đã làm và tái xác nhận mình vẫn còn tuân thủ, vâng theo Thánh Ý Cha, muốn thực hiện Ý Cha đến cùng. Tất cả vì Cha, vì nhân loại, vì Tình yêu Cứu độ.

Người biết xen kẽ việc giảng dạy với việc phục vụ chữa bệnh bằng những cuộc thăm viếng mục vụ: an ủi, động viên những tâm hồn đau yếu. Chẳng hạn đến thăm nhà Simon & Anrê, chữa khỏi sốt nhạc mẫu Phêrô. Không phải chỉ theo phép lịch sự muốn đáp lễ những bữa cơm có thể Simon & Anrê đã nhiều lần khoản đãi Người.

4. Trước những thành công vang dội, không thấy Đức Giêsu “hểnh mũi”, hả hê khoái chí mà chỉ tạ ơn Thiên Chúa. Đức Giêsu nhiều lần dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, khi cầu nguyện, khi ngồi vào bàn ăn với môn đệ, khi hóa bánh ra nhiều.

Những lúc bị chống đối, bị ruồng bỏ, thậm chí nhiều lần nguy hiểm tới sinh mạng, không thấy Đức Giêsu phẫn uất nguyền rủa. Đời Người với đau khổ luôn được hiến dâng lên Cha thành Của lễ đền tội nhân loại, xứng danh “Tôi tớ đau khổ của Giavê” và “Chiên gánh tội đời”.

II. Ngày sống và làm việc của chúng ta thế nào?

Có tròn đầy, đẹp đẽ, đầy hy sinh vì tha nhân như ngày sống hoạt động của Đức Giêsu? Hiệu năng làm việc của chúng ta có sung mãn, hiệu quả công việc chúng ta có phong phú? Chúng ta có bỏ bê Thiên Chúa vì công việc? Có vì công việc, vì lấy cớ  bận bịu mà lãng quên tình bạn, tình người, tình Chúa?

Mệt nhọc khó khăn có làm chúng ta nản chí, buông xuôi? Sự va chạm hằng ngày có hủy hoại sự hăng say và năng lực làm việc của chúng ta? Chúng ta học tập nơi Đức Giêsu điều gì để vượt khó?

Chúa Giêsu là nhà điều phối chương trình làm việc rất khéo: làm những công việc hôm nay, mà không quên những công việc ngày mai. Không ngủ vùi trên thành quả, mà quên tương lai với những gì còn phải làm. Không chỉ say việc ở đây mà quên việc ở nơi khác. Đức Giêsu bảo Người còn phải rao giảng ở những nơi xa (cf. Mc 1, 38). Sứ mạng Cứu thế không hề đóng khung vào một nơi, một dân tộc, một hạng người nào. Chúng ta có tầm nhìn “vừa vi mô vừa vĩ mô” như Người không?

Chúng ta vẫn thường ham nói hơn ham làm, thích “xây pháo đài” hơn được sai đi.Đức tin không việc làm là đức tin chết”. Hành động cụ thể hùng hồn hơn lời nói suông. Công trình hoàn tất giá trị hơn những dự án to lớn mà viễn vông. Tiếc thay, có những người lời nói của họ hùng hồn như sóng biển, nhưng cuộc sống lại phẳng lặng như mặt nước ao tù (x. THIÊN PHÚC, Lời gọi yêu thương, nơi: năm xb (?), tr. 72.).

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI không ngại nhắn nhủ: “Giáo Hội ngày nay cần các chứng nhân hơn là những người rao giảng”.

 

Thứ Năm Tuần I Thường Niên

Mc 1, 40-45

Đầu lễ:

Có ai trong chúng ta chưa bao giờ tận mắt thấy người phong cùi? Nếu đã thấy, chắc chẳng một ai muốn mình sẽ bị như thế. Chỉ mong mình đừng bị và mong người đã bị sớm được khỏi. Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, không những dư sức chữa khỏi người cùi hủi nơi thân xác, mà còn chữa lành cả bệnh cùi trong tâm hồn. Với điều kiện : “Hãy đi gặp tư tế”.

Thánh Lễ là cơ hội và là nơi cho chúng ta gặp Đấng chữa lành là Đức Giêsu, Vị Thượng tế duy nhất của Tân Ước.

Giảng lễ:

Nói đến bệnh phong cùi, ai cũng ghê sợ. Ngày xưa, nó là thứ bệnh bên Đông phương nhiều người mắc phải, hay lây lại bất trị. Pháp luật khắt khe với người bị bệnh này. Họ bị mọi người khinh bỉ, bị trục xuất khỏi gia đình làng nước. Sống cô thân buồn tủi nơi hoang địa hiu quạnh.

Đã vậy, về mặt đạo đức, còn bị coi là chứng tật “dơ nhớp”  (Lv 13, 10-11.15), khiến ai gặp, tiếp xúc với họ cũng bị “uế nhơ” luôn. Từ xa thấy ai đến gần, họ phải la lên “dơ nhớp”, để người kia tránh (Lv 13, 15.45t). Bệnh nhân loại này thực sự bị hất hủi, thiếu thốn mọi thứ, nhất là tình thương… Nhưng hên quá, hôm ấy người phong cùi gặp được Đức Giêsu giàu lòng nhân ái, đã làm phép lạ cứu chữa.

I. Tôi mê cõi lòng người phong cùi.

Đừng ai nghe lộn! Tôi không thích bị phong cùi, nhưng đọc PÂ tôi mê cõi lòng của người bị phong. Này nhé, anh ta biết rõ tình trạng bi đát của mình và biết đúng mình đang cần gì. Cần được cứu chữa cho khỏi : khỏi bệnh, khỏi cô đơn tủi nhục. Anh cần tình thương của mọi người. Thân xác anh đau khổ vì bệnh, tàn tạ vì đói, nhưng nhất là anh có thể chết thiếu tình thương đồng loại. Lòng ao ước được giải thoát khỏi sự khốn đốn xác hồn ấy, khiến anh bất chấp sự ngăn cấm tiếp xúc với người khác của luật, xông đến quì mọp xuống dưới chân Chúa Giêsu và van xin. Lc 5,12 bảo anh sấp mình xuống đất. Anh là kẻ ăn mày tình thương của Chúa trong khiêm tốn và thành khẩn. Còn danh dự gì cho người cùi nữa mà lên mặt với đời, với ai chứ ?! Thế là ĐG, hiện thân Tình thương Cứu độ của Thiên Chúa, đụng vào anh bất chấp sự có thể bị lây và bất chấp cả luật “nhơ uế” cấm tiếp xúc. Tình thương cúi xuống, lấp đầy sự khát thèm của người bị phong.

Mà không ngờ người bị phong khôn thật. Quá khôn, khi anh không hấp tấp mở miệng xin ngay cho được khỏi bệnh hay được giải ngay nỗi cô đơn do cơn khát thèm tình thương thiếu thốn đã lâu. Anh thưa rằng: “Nếu Ngài muốn, thì Ngài chữa tôi…” Anh chọn theo Ý muốn của Chúa. Anh phó thác hồn xác anh trong tay Chúa, tin tưởng vào tình thương sự quan phòng của Chúa. Anh trọng Ý Chúa hơn ý riêng anh, dù ý riêng anh muốn khỏi bệnh ngay lập tức, nhưng mặc Chúa. Không lẽ Chúa từ chối khi Chúa là Tình thương Cứu độ và lý do Người xuống trần cũng chỉ vì đem tình yêu Cứu độ đến cho mọi người, cho những ai cần đến. Chính anh là kẻ đang cần.

Thái độ phó thác, tin tưởng, cậy trông ấy của anh muốn nói rằng TC là Tình thương. Không phải lo gì, Tình thương biết cách hành xử của Tình thương. Tình thương không thể làm ngơ. Trước thái độ khôn ngoan, tin tưởng tuyệt đối của anh, CG đã mủi lòng, động lòng thương. Mc viết Chúa Tình thương chạm đến anh, chữa anh. Chúa bảo: “Tôi muốn, tôi cho anh được khỏi bệnh”.

Tôi mê cõi lòng của anh cùi là thế. Ước gì trong đời tôi, tôi học được anh, biết gãi đúng “chỗ ngứa” của con tim, cõi lòng TC. Những con người hiểu được ý muốn, cõi lòng của nhau dường như không cần phải xin xỏ, phải rậm lời nữa. Tôi cũng thèm cõi lòng của Chúa. Giá mà trước những ai đang đói khát tình thương, tôi biết ban phát, chia sẻ, cho đi tình yêu như Chúa. Tôi thích nhận hơn là cho. Còn Chúa chỉ muốn cho mà thôi! Mong mọi kẻ nhận được tình thương cũng biết cho đi tình thương như thế.

II. Xin chỉ dẫn con đường về hiệp thông với Giáo Hội.

Sau khi chữa lành anh cùi, Chúa chỉ dẫn cho anh cách thức tìm về hòa nhập lại với đời sống cộng đồng xã hội: gia đình, làng nước.

Người Do thái gọi bệnh nhân khỏi bệnh cùi là kẻ “được sạch” (Lv 13, 13). Theo luật, họ phải đi trình diện với tư tế, để sau khi dâng lễ vật ở Đền thờ về (nếu bệnh nhân thuộc gia đình giàu có, lễ vật dâng sẽ là 1 chiên mẹ và 2 chiên con. Còn nếu nghèo, sẽ chỉ dâng 1 chiên con và đôi chim câu (Lv 14, 1-32) họ sẽ lãnh “chứng chỉ khỏi bệnh” và được tái nhập vào cuộc sống chung. Từ đó, lại dự các nghi lễ tôn giáo với quyền lợi đầy đủ như mọi kẻ bình thường.

Điều Chúa dặn kỹ bệnh nhân là phải giữ bí mật, không được tiết lộ Ơn lạ khỏi bệnh Chúa vừa ban. Chẳng qua là Chúa không muốn thiên hạ sớm biết người là Cứu thế, vì quan niệm cứu thế sai lầm của người Do thái sẽ làm hỏng chương trình kế hoạch của Người.

Các nhà tu đức, thiêng liêng thường dựa vào chỉ dẫn “hãy đi trình diện tư tế ” của Chúa để khuyên chúng ta : mỗi khi phạm tội, tâm hồn chúng ta hóa ra dơ uế phong hủi. Cần tẩy uế cho sạch nơi Bí tích Giải tội, mà tác nhân ngồi tòa là Linh mục. “Hãy đi trình diện tư tế” theo lời dặn của Chúa, trở thành lời khuyên mẫu mực về một trình tự thực hành cho đời sống tâm linh. Người phong cùi nơi thân xác, khi khỏi, được về hòa nhập với cộng đồng xã hội. Người phong cùi nơi tâm hồn, khi được sạch, cũng tìm về hiệp thông lại với Giáo Hội : những kẻ sống trong Ân sủng Tình thương Cứu độ của Đức Kitô & được sạch cùi hủi nhờ giòng máu thanh tẩy của Người.

Thứ Năm hằng tuần chúng ta tưởng nhớ tới điều đó.

 

Thứ Sáu Tuần I Thường Niên

Mc 2, 1-12

Đầu lễ:

Marcô hôm nay thuật lại cho chúng ta chuyện Chúa chữa một người bại liệt ở Capharnaum.

Câu chuyện tựa một bức tranh đẹp, với nhiều màu sắc sáng rực : đám đông háo hức nghe Chúa giảng. Bốn người bạn hỗ trợ một kẻ liệt. Rồi kẻ liệt được tha tội, được chữa khỏi trong nháy mắt, sung sướng chỗi dậy vác chõng trở về. Thiên hạ sửng sốt, lé mắt, tôn vinh Thiên Chúa. Một phép lạ ngoạn mục nhiều người chưa thấy bao giờ.

Nhưng trong bức tranh vẫn có một mảng tối : mấy kinh sư chứng kiến phép lạ, mắt thấy tỏ tường kẻ liệt chỗi dậy đi được mà lòng vẫn mù tối, không thể nhận ra uy quyền Thiên Chúa nơi con người Đức Giêsu, không nhận ra Người chính là TC có quyền tha tội. Tha là chuộc tội, là cứu vớt : một công việc của TC & chỉ thuộc về TC.

Chúng ta nay còn hoài nghi Đức Giêsu không? Vậy mà vấn đề vẫn lập lại hoài suốt lịch sử con người.  

Giảng lễ:

1. Tình bạn, tình người thắm thiết.

Một người liệt trên chõng có tới bốn người khiêng. Bốn người bạn hợp lực giúp đỡ. Tình người nâng đỡ nhau đằm thắm. Có thể là bạn, có thể là hàng xóm. “Bán anh em xa, mua xóm láng giềng gần”… Sớm tối, tắt đèn có nhau. Đưa bệnh nhân đến thẳng trước mặt Đức Giêsu không được, họ bèn nghĩ kế dỡ mái nhà, thòng dây thả xuống. Công việc khá khó, vất vả nhưng chẳng nề vì tình bằng hữu làng xóm không thiếu. Niềm tin chắc CG sẽ cứu chữa dư thừa, nên mới ra sức giúp người bệnh.

Càng khâm phục họ, càng thấy đời mình cần đoàn kết hợp lực giúp nhau, mỗi khi có ai cần đến. Không phải vì thương hại, mà vì tình đồng loại, tình người, tình bác ái, tình đồng đạo. Trên cơ sở nào sự hỗ trợ nhau trong cuộc sống vẫn cao đẹp, quí giá? Nhất nữa, giúp nhau đến gặp Chúa. Còn gì hay hơn là giới hạn, khiếm khuyết, bất lực mà vẫn đến được với Chúa nhờ & qua tha nhân.

Thật đau buồn, khi ai đó cản ngăn ta đến với Chúa. Có thể lắm. Làm sao ta tự lo cho mình được, khi bị liệt? Nếu bị cản, phải vượt khó. Chỉ có nước leo lên, dỡ mái. Phải hướng tâm hồn lên, bóc dỡ chướng ngại trong đời mới gặp được Chúa.

2. Tình Chúa bao dung sâu thẳm.

CG tha tội, rồi mới chữa khỏi liệt. Chữa bại liệt là để chứng minh quyền tha tội, hay nói cách khác chứng minh mình là Thiên Chúa thật.

Chữa liệt là chữa bề ngoài, với kết quả kiểm chứng được bằng mắt. Lang y thầy thuốc giỏi có thể. Còn tha tội là chữa bề trong, kết quả nơi tâm hồn không thấy được bằng mắt. Chỉ có thể cảm nhận bằng óc, bằng tim, bằng cõi lòng. Nhưng chỉ Thiên Chúa mới có thể chữa tận bên trong, vì Ngài tha được tội tẩy được lỗi lầm. Tha tội là dấu Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, nhưng khốn thay các kinh sư không nhận ra, còn cho là phạm thượng. Đối với Đức Giêsu cả hai điều đều dễ, khác với những thầy thuốc thông thường may ra chỉ chữa được liệt. Chữa liệt mà không tha được tội là mới chạm tới cái bề ngoài, cái ngọn chứ đâu đã “giải phẫu” điều trị được tâm hồn thầm kín bên trong

Với CG : tha tộitrước hết, vì chữa tận gốc tâm hồn người ta. Chữa liệt lập tức, tại chỗ chỉ là cách để nhận ra quyền tha tội. ĐG muốn làm chứng mình là Thiên Chúa, nên tha được tội. Người làm cái chức năng kẻ khác bó tay, không thể. Có người nhận ra dấu lạ chữa bệnh để tôn vinh suy phục quyền năng TC. Lại có người thấy, mà không nhận ra. Trí họ chẳng hiểu, tai không nghe, mắt như mù. Thậm chí còn ra mặt chống cự lại Đức Giêsu. Nhưng Chúa thấu biết điều đang nghĩ trong lòng!

Dầu sao, việc CG vừa tha tội, vừa chữa bại liệt là dấu Ân sủng-Tình thương Cứu độ tuôn đổ trên cả hồn lẫn xác người bệnh. Không chỉ chữa thân xác mà không chữa tâm hồn. Không chỉ lưu tâm tới hồn mà bỏ rơi thân xác. Con người là một hợp thể duy nhất xác hồn. CG biết rõ tình trạng bệnh tật của cả xác lẫn hồn. Người chữa trị cả hai với tình thương bao dung, tầm nhìn sâu thẳm.

3. Tương quan giữa bệnh tật và tội lỗi.

Người Do thái vốn nhìn, hiểu, cho rằng bệnh tật chính là hậu quả của tội. Của tội nguyên tổ hay tội riêng (cá nhân), của tội cha ông hay tội chính mình. Như thế, có tội nên mới bị bại liệt và bại liệt là dấu tỏ tường phạm tội rồi. CG không phủ nhận hoàn toàn quan điểm này, nhưng cho biết không phải lúc nào bệnh tật cũng là hình phạt của tội lỗi. Trong truyện “người mù từ thủa mới sinh”, CG cho thấy không nhất thiết mắc bệnh là mắc tội, dù là tội cha mẹ để lại hay tội bản thân đi nữa.

Dầu sao, trường hợp người bại liệt hôm nay, có lẽ có mối liên hệ nào đó giữa tội và bệnh liệt. Nên CG vừa tha tội, vừa chữa liệt. Và vì người Do thái vốn hiểu bệnh tật là do tội lỗi, nên muốn khỏi bệnh phải khỏi tội đã. Hết bệnh, hết hình phạt thì phải cất căn nguyên tội lỗi trước. CG làm như thế không chê không trách vào đâu được. Nhưng các kinh sư không tin, không thể chấp nhận CG - một phàm nhân - lại có quyền tha tội, là điều vốn TC sở hữu độc quyền. Như vậy, khi CG tha tội là Người phạm thượng cướp quyền Thiên Chúa rồi.

Ngày nay, giữa bệnh thể lý và bệnh tâm hồn có mối liên hệ chặt che. Y học, tâm lý học, thần học & luân lý học đều đồng tình con người là một hợp thể duy nhất. Phải quan tâm đến sức khỏe toàn diện, phải chữa trị toàn vẹn con người. Sự chỗi dậy về thể lý đi đôi sự vươn lên về tâm hồn. “Tinh thần minh mẫn trong thân xác tráng kiện”. Từ “chỗi dậy” trong PÂ vốn được dùng chỉ sự phục sinh : cả hồn xác đều chỗi dậy, sống lại.

4. Tương quan giữa chữa bệnh và tha thứ.

Tuy nhiên, không thể không phân biệttha thứ chữa lành khác hẳn nhau. Một bác sĩ chữa bệnh có thể không yêu bệnh nhân, vô cảm hoàn toàn. Có thể chữa bệnh vì nghề nghiệp, vì nhiệm vụ, vì sinh kế. Đang khi tha thứ biểu lộ tình yêu bao dung sâu xa. Tha thứ thiết lập mối tương quan định mệnh. Tha là trao ban lòng thương xót, khoan dung, không chấp nhất lỗi lầm, bắt bẻ thiếu sót. Là trả lại sự bình an cho tâm hồn. Là cởi trói về phía TC. Kẻ được tha, về phần mình, cảm nhận sự bất xứng trước tình thương tha thứ, ân huệ rộng lượng. Càng thấy mình bất xứng, càng hối hận ăn năn muốn thoát ra tình cảnh mạt hèn bằng cải chừa.

Con người có thể sống trong một thân xác bại liệt, có khi bại liệt suốt đời; nhưng không thể sống mà không có lòng thương xót, không cần ai giúp đỡ; nhất là lòng thương xót của TC, đối với ai mang danh xưng Kitô hữu.

Khi phạm tội sẽ trở thành bất lực, thành tê liệt không thể thông hiệp với Ơn Chúa, với tình Chúa và tình Hội thánh. Vì tội làm tê liệt ý chí, tình cảm, trí khôn và năng lực con người hướng về Chúa.

 

Thứ Tư Tuần IV Thường Niên

Mc 6, 1-6

THÁNH GIOAN BOSCÔ, LINH MỤC

(1815-1888)

Đầu lễ:

Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gioan Boscô, một nhà giáo dục thanh thiếu niên đại tài. Ngài hăng say với công cuộc giáo dục các thiếu niên vô gia cư, nghèo khổ vì yêu chúng. Chúng ta cảm phục Ngài đã chủ trương giáo dục bằng tấm lòng dịu hiền vui vẻ, tận tụy, hy sinh của một người mẹ. Ngài dạy các em gắn bó với Chúa qua đời sống cầu nguyện & năng nhận lãnh các Bí tích. Ngài sáng lập Dòng Salésien (nam có, nữ có) và cả Hội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhằm nâng đỡ ơn thiên triệu linh mục.

Chúng ta cầu nguyện cho các Bề Trên, các chị trong Ban huấn luyện Hội Dòng Vô Nhiễm chúng ta, để cũng được sự nâng đỡ yểm trợ của Thánh Don Boscô trong công cuộc giáo dục thanh niên, đặc biệt thanh thiếu nữ ngày nay.

Giảng lễ:

1. “Gần chùa gọi Bụt bằng anh”.

Cứ cho phép tôi tạm hiểu nội dung bài TM (Mc 6, 1-6) hôm nay là như thế. Nghĩa là CG bị khinh rẻ ngay tại chính quê nhà của mình, giữa đám bà con họ hàng thân thuộc.

Trong một chuyến về quê với các môn đệ và theo thông lệ, ngày sabat, Chúa vào giảng dạy trong Hội đường. Tư cách ngôn sứ của Người nổi bật khiến thính giả mê tít. sự khôn ngoan từ miệng lưỡi Người; kinh ngạc về những phép lạ Người làm. Nhưng điều đó không loại được thắc mắc : bởi đâu ông ta được như thế?

Tra cứu cội nguồn thì rõ ông ta là con bác thợ mộc Giuse và bà Maria. Anh em, chị em, họ hàng đều là người lối xóm ở giữa chúng ta đây. Và những người Do thái đã không tin Người là Vị cứu tinh Mêsia, là bậc Ngôn sứ vĩ đại xuất thân từ làng họ. Đúng là “gần chùa gọi Bụt bằng anh” hay “quá quen hóa bùn”. Mặc dầu họ vừa thán phục vừa kinh ngạc trước những lời nói & hành động cứu chữa của Người.

2. Kinh nghiệm về sự quá gần, quá quen.

Thỉnh thoảng tôi có kinh nghiệm này, khi chụp hình cho ai đó : người ta sợ chụp gần, vì dễ lộ ra cái bệch bạc quá lố của son phấn, hoặc ngại bị thấy cái thô ráp kệch cỡm của khuôn mặt đã quá “date” (già) hoặc đầy khuyết điểm. Khi lùi ra xa một chút sẽ thấy được toàn cảnh tổng quát tuyệt đẹp hay bức chân dung không còn nét tật xấu nào.

Khi ta quá gần, quá kề, quá quen một ai đó ta dễ khinh rẻ coi thường họ. Có lúc coi thường chị em, có lúc coi thường cả các Bề trên. Không tôn trọng họ cho đủ; thản hoặc phát giác họ cũng đầy những khuyết điểm khiến ta khó chịu, không phục.

Về mặt tâm lý cũng cho thấy sự quá quen thuộc khiến chúng ta mau chán, dễ quên dễ sao lãng ngay cả những cái mà trước đó có lúc ta hăm hở quí hóa, thích thú ra mặt. Từ chỗ không quan tâm tới đối tượng nữa đến chỗ coi thường luôn, khoảng cách quá ngắn.

Cần xem xét lại thường xuyên từng cảnh huống sống quá gần gũi, quen thuộc mới có thể tái khám phá ra điều mới mẻ, từ những gì xem ra đã nhàm chán tẻ nhạt, không còn gây hứng khởi. Khi đó, ta hãy bắt chước trẻ con. Trẻ dễ có cái nhìn ngạc nhiên, thán phục trước bất cứ điều gì, trước bất cứ ai không đơn giản vì chúng tò mò, mà vì đầu óc chúng không bị những thành kiến phủ dầy.

Hằng ngày chúng ta có thể gặp bao nỗi chán chường đưa đến vỡ mộng chỉ vì cái “quá quen hóa bùn” này! Nhiều khi nó bộc lộ sự yếu kém trong cái nhìn, cách đánh giá phân tích thiếu chiều sâu của chúng ta và nó còn diễn tả chính cái hời hợt, kém mặn nồng về mặt tình cảm của chúng ta nữa.

3. Kinh nghiệm về đời sống thiêng liêng khi đã thành thói quen.

Bao lần chúng ta trách mình rằng sao tôi dễ lo ra, quá khô khan khi nguyện gẫm, khi cầu nguyện, khi dâng lễ v.v… Khối dịp rước lễ, chẳng thấy sốt sắng mến Chúa, gắn bó với Chúa gì cả. Đúng! Điều ấy là hậu quả của những việc làm theo thói quen đã ra nhàm chán, hoặc vì thiếu chú tâm hoặc không có nỗ lực chuẩn bị chu đáo trước bằng cầu nguyện.

tin, yêu mới đưa đến tín nhiệm, gắn bó bền chặt với Chúa bằng những hiểu biết sâu xa. Chỉ biết Chúa là một con người tầm thường như mọi người – con của bác thợ mộc – thì không thể nào khám phá thêm rằng Người còn là Con TC, là Đấng Cứu thế.

Qua lớp vỏ, lớp áo che đậy phải làm sao nhìn ra được thực tính, thực chất (bản chất đích thật) của một con người. Nơi Chúa, có nhận ra Người là Cứu thế thì mới thấy sống không thể không có Người.

 

Thứ Năm Tuần IV Thường Niên

Mc 6, 7-13

Đầu lễ:

CG huấn luyện các Tông đồ để họ trở thành thừa sai truyền giáo. Do đó, cùng với ý thức về trách nhiệm truyền giáo, các Tông đồ cần phải được sai đi thực tập truyền giáo để có thêm kinh nghiệm thực tế trong đời.

Theo các nhà nghiên cứu Thánh Kinh, vào đầu tháng giêng năm 29, Chúa đã sai đồ đệ đi từng hai người một vào các xóm làng Do thái để truyền giáo. Việc đi xa đến các lãnh địa dân ngoại, kể cả xứ Samaria, dành sau này. Còn bước đầu tập sự, khu vực truyền giáo giới hạn nhỏ và gần hơn, trong phạm vi dân Do thái (x. Lc 9, 1-2; Mc 6, 7 so với Mt 10, 5-6). Quan trọng là xem Chúa dặn dò các môn sinh điều gì?

Hôm nay, chúng ta nhớ đến việc truyền giáo của CG, của các Tông đồ xưa và cầu nguyện cho việc truyền giáo trong Giáo Hội hôm nay, đang được tiếp nối bằng biết bao thừa sai nam nữ, trong đó có sự đóng góp của Dòng con Đức Mẹ Vô nhiễm chúng ta.

Giảng lễ:

1. Uy quyền của Vị thừa sai ngày xưa.

Điều hấp dẫn, thú vị và tạo bỡ ngỡ cho chúng ta chính là việc Chúa sai các Tông đồ đi giảng mà còn thông cho họ quyền năng làm phép lạ trừ quỉ, chữa bệnh và cho cả kẻ chết sống lại. Có bậc tôn sư nào ở trần gian, sai các môn sinh đi truyền bá học thuyết của mình, lại có thể làm được như vậy? ĐG phải là TC thật mới trao ban quyền phép ấy cho các Tông đồ được. Việc tin vào lời giảng của các Ngài và hiệu quả phép lạ các Ngài làm là tin vào quyền năng TC tỏ hiện nơi ĐG, chứ không phải dựa vào sự khôn ngoan hay tài cán loài người (cf. 1Co 2, 5). Chúng ta lưu ý điều này để thấy kết quả truyền giáo là do Chúa, bởi Chúa chứ không bởi sức riêng của ta. Các Tông đồ hay chúng ta chỉ là công cụ Người dùng và Người hỗ trợ ban ơn cho người nghe, cùng với cố gắng góp sức của người rao giảng. Mà những góp sức này cũng vẫn dựa vào ơn Người thông ban cho.

2. Những chỉ thị truyền giáo của CG.

Tư cách người rao giảng:

Thanh thoát, nhẹ nhàng khi lên đường. Không lo lắng bận bịu về cái ăn (không mang lương thực), cái mặc (không mang 2 áo, không mang bao bị), cái chi tiêu (không tiền giắt lưng). Để biết phó thác vào Chúa. Đơn sơ, nghèo khó để dễ hòa đồng gần gũi với kẻ nghèo và kẻ mình muốn giảng Tin Mừng cho. Chúa xem ra như dạy làm lơ luôn cả đến những cái cần thiết (không mang gì khi đi đường). Tinh thần tự do, rảnh rang. Tư thái thong dong không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì, sẽ dễ làm chứng tá. Dễ từ bỏ phô trương của cải, tài năng mà khẳng định chỉ con người mình mới là dụng cụ tốt để loan báo Tin Mừng. Làm chứng về Tin Mừng, về Bát Phúc bằng chính nếp sống đơn sơ, khó nghèo ấy. Nếu người tông đồ nào đầu óc vị kỷ, chỉ nghĩ tới mình, sẽ lỉnh kỉnh với những đồ đạc, vật dụng, tiện nghi cuộc sống. Đố người ấy có thể mau mắn lên đường, sẵn sàng dấn thân và không mất thì giờ. Khi đồ đạc không chiếm chỗ không gian, không làm bận tâm thì kẻ ấy dễ được đón tiếp & được chia sẻ. Thiếu thốn tất cả để vị thừa sai rộng chỗ chất chứa Tin Mừng và khi ấy chứng tá đời sống tràn trề. Người nghe quan tâm tới sứ điệp, chứ không chú trọng đến những món quà vật chất trao đổi làm kỷ niệm.

Ngày xưa, người Do thái và khách viễn du quen mang theo ít bánh, ít tiền lặn lưng (để khỏi mua bán với người khác tín ngưỡng) hoặc vì thói quen, các người giàu có Do thái và Hy lạp vẫn lỉnh kỉnh đủ thứ hành trang trên lộ trình của họ, mà CG nhắc nhở các Tông đồ không được thế. Làm thế, sẽ ngăn trở bổn phận.

Điều mâu thuẫn giữa các tác giả nhất lãm là có Đấng bảo được đi giầy và cầm gậy, có Đấng bảo không. Nhiều người tưởng tượng đã cắt nghĩa nào gậy để chống, để tự vệ; nào gậy hiểu nghĩa đen, nghĩa bóng v.v… Thực tế, người Hy lạp và Do thái giàu có quen mang cho oai. Matthêu và Luca cho rằng làm thế sẽ không còn tinh thần khó khăn PÂ và mất đi sự tin cậy nơi TC quan phòng. Riêng Marcô có thể nghĩ rằng dù dạy khó nghèo, nhưng những cái tối cần thiết Chúa vẫn không cấm. Ví như cầm gậy cho oai, thì chẳng cần; nhưng để chống đỡ khi băng qua nơi đồi núi lởm chởm, thì Chúa cấm làm gì?

Về cách xử sự ở đời:

Phải khôn ngoan thận trọng. Tìm nhà tử tế mà trọ cho xứng thanh danh vị Tông đồ. Đừng nhẹ dạ đổi chỗ trọ luôn, vì tính thích thay đổi hay nông nổi. Chỗ tốt, hẳn hoi có thể trọ lâu đến khi ra đi. Chỗ không muốn đón tiếp, không muốn nghe Lời chân lý, cứ giũ bụi chân. Theo phong tục Do thái : ngụ ý khinh bỉ ngoại bang, khi lui về Nước. Nhưng theo CG, chỉ có ý làm chứng cho sự tệ bạc của nơi không muốn nhận Ơn Chúa.

Về nội dung rao giảng:

Lúc các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, CG chưa chịu chết và sống lại. Ơn cứu chuộc còn đang tiếp diễn, nên các Ngài sẽ không rao giảng về CG Cứu thế, như sau ngày lễ Hiện xuống. Hiện nay, chỉ rao giảng như Gioan Tiền hô, kêu gọi người ta ăn năn sám hối hầu đáng gia nhập và lãnh Ơn cứu chuộc trong Nước TC. Hoạt động đơn giản, vừa mức trong đợt ra quân lần đầu này của các Tông đồ là phục vụ đời sống con người: trừ quỉ, xức dầu chữa bệnh, an ủi những kẻ bất hạnh.

 

Thứ Hai Tuần V Thường Niên

Mc 6, 53-56

THÁNH AGATHA, TRINH NỮ TỬ ĐẠO

(+251)

Đầu lễ:

Thánh Agatha người Ý chúng ta kính nhớ hôm nay sở hữu tới hai hào quang vinh hiển : hào quang trinh nữ và hào quang tử đạo (năm 251). Do từ chối lời cầu hôn của Quan trấn Sicilia là Quintianô, nên ông này trả thù bắt giam Ngài, lấy cớ là người Công giáo. Rồi tra tấn, hành hạ, sỉ nhục. Nướng Ngài trên giường sắt, trên than hồng và mảnh chai nhọn. Sự can đảm của Thánh Nữ khiến cả thành phố náo động. Cuối cùng, Ngài bị tống ngục đến chết rũ tù.

Là Vị Thánh được 2 Giáo Hoàng xây Thánh đường tôn kính : 1) vào năm 500, với Đức Thánh Cha Simacus; 2) vào năm 592, với Đức Thánh Cha Grégoire cả. Riêng Thánh Mêthôđiô ca ngợi rằng : “Tên Ngài có nghĩa là tốt lành, vì Ngài thuộc về TC”… “Là Trinh nữ, vì đã đính hôn với Vị Hôn Phu duy nhất là ĐK”… “Là Vị Tử đạo xa xưa, từ đầu với sự chiến đấu hiển hách. Còn là Vị Tử đạo của thời ta, vì Ngài dường như còn chiến thắng vẻ vang với bao phép lạ vẫn xảy ra hằng ngày”.

Giảng lễ:

1. Khi Chúa ghé thăm mảnh đất con người.

CG và các môn đệ vượt biển hồ Tibêria, lên bờ. Người ghé vào vùng đất Gennesareth, nằm giữa Capharnaum về phía Bắc và Magdala với Tiberiade về phía Nam. Cả vùng chỉ rộng 24 km2 ; nhưng khí hậu mát, phong cảnh đẹp, đất đai phì nhiêu, bốn mùa hoa trái tốt tươi. Nơi được sách Talmud gọi là “lạc uyển”, là vùng du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng chăng, nên khắp chốn có mặt các bệnh nhân? Hoa quả nơi đây thơm ngon tuyệt vời, đến độ luật còn phải cấm tải xuống bán ở Giáo đô, sợ khách hành hương mê thưởng thức mà quên cả việc lễ bái.

CG “ghé” vào mảnh đất này. Những con người ở đây từ lâu nghe biết Chúa hay làm phép lạ. Chợt họ nhận ra Chúa; tin loan đi, khiến cả vùng đổ xô đi săn lùng Chúa. Dân cáng đủ mọi hạng bệnh nhân đến, cậy nhờ Chúa chữa. Kẻ ốm người đau được đặt la liệt ngoài đường, ngoài chợ. Đông quá, có người chỉ xin được chạm tới gấu áo choàng của Người. Hễ ai chạm đến, đều khỏi.

Tôi chợt nhận ra hình ảnh đẹp : Đấng Cứu thế tất bật với việc cứu thế độ nhân, qua một ngày miệt mài hoạt động. Không than vãn, tiếc xót thì giờ.

Có nhiều cõi nhân gian hôm nay Chúa đã ghé thăm, mà sao không nhận nổi ra Người? Mà những mảnh đất con người này bề ngoài rất sung túc : nào siêu thị với thực phẩm đồ dùng cao cấp ê hề; nào nhà cao cửa rộng, khách sạn 5 sao không thiếu… nhưng vẫn đầy dẫy bên trong những bệnh nhân. Cả “thế giới” bệnh hoạn, tội lỗi. Mấy ai xin chạm đến Chúa, để được chữa lành? Mà sao bệnh nhân xưa lại mong chạm đến áo choàng của Người? Ta nhớ lại ngày trước Êlia trao áo choàng cho Êlisê. Ông muốn trao ban thần trí, bao trùm môn đệ bằng năng lực uy quyền làm phép lạ của mình và muốn môn đệ tiếp nối sứ mệnh mình đã thực hiện. Bệnh nhân chỉ cần đụng đến áo choàng của Chúa, là được đón nhận lấy thần trí năng lực chữa lành của Chúa ngay. Đó là sứ mệnh cứu thế Chúa đang thực hiện và muốn lan tới mọi người. Chỉ nhờ Chúa, chạm tới Chúa mà được khỏi mọi bệnh hoạn.

2. Hôm nay, Chúa vẫn còn muốn chữa lành.

Sứ mạng cứu thế của Chúa còn tiếp tục, chưa hoàn tất trên mặt đất.

ĐG là ánh sáng của TC. Xưa, với cuộc sáng tạo lần thứ nhất, ánh sáng của TC xuất hiện trên mặt đất tối tăm trống rỗng đã xua đi bóng tối và làm cho sự sống nơi vạn vật phát triển (bài đọc1). Với Đức Kitô, cuộc sáng tạo lần thứ hai được thực hiện. Người là ánh sáng đã đem Chân lý và Sự sống của TC đến trên cõi nhân gian.

ĐG còn mang Tình thương của TC đến cho nhân loại bệnh hoạn, thiếu thốn. ĐG thường chạnh lòng thương trước đám đông, khi thấy họ đói khát, đau ốm, bơ vơ như đàn chiên không người chăn. Ngày nay, con người bệnh hoạn vẫn cậy dựa vào khoa học, máy móc, kỹ thuật. Nhưng không chỉ có thế. Chính Tình thương mới xoa dịu, chữa lành con người. Chính Tình thương muốn cứu chữa mới thúc đẩy người ta tìm tòi mọi phương thế.

CG chữa lành bằng sự hiện diện, bằng lời nói, bằng sự tiếp xúc trực tiếp và ngay cả gián tiếp từ xa. Người phục hồi sự sống bằng chính năng lực TC của Người, bởi Người là Sự Phục sinh và là sự bất diệt ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy đến với CG bằng tất cả con người tật nguyền, bệnh hoạn, yếu hèn, tầm thường, tội lỗi bất xứng của chúng ta. Vì ĐG cứu thế (theo PÂ Marcô) không từ chối ai.

Chúng ta thường tiếc nuối thời gian, lấy lý do công việc bận bịu để không đến với CG. Thực chất, đức tin chúng ta còn non yếu, lòng cậy trông kém cỏilòng mến thiếu nồng nàn. “Lạy Chúa, con chẳng đáng… xin Chúa nói một lời, thì con sẽ được lành mạnh”.

Toàn diện bài PÂ cho thấy : ĐG muốn chăm sóc và chữa lành chúng ta. Đám đông và bệnh nhân từ mọi ngóc ngách thôn xóm, làng mạc khắp vùng tuôn đến với CG, ám chỉ toàn nhân loại. Phép lạ cứu chữa cứ còn xảy ra, nếu ta tìm đến Tình thương cứu độ bằng lòng tin tưởng như đám đông & bệnh nhân xưa ở Gennesareth.

Tình thương cứu chữa hôm nay thể hiện nơi Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích cứu độ, Bí Tích của sự hiệp thông với sự sống của TC. Bí Tích “Chúa Giêsu ở với”, thăm viếng mảnh đất con người để tẩy sạch, chữa lành mọi ốm đau và bồi dưỡng chúng ta bằng Mình và Máu Người.

 

Thứ Ba Tuần V Thường Niên

Mc 7, 1-13

THÁNH PHAOLÔ MIKI VÀ CÁC BẠN TỬ ĐẠO

Đầu lễ:

50 năm sau ngày Thánh Phanxicô Xaviê đến Nhật Bản (15.8.1549), Hội Thánh Nhật Bản đã lớn mạnh tới gần 200 ngàn tín hữu và một Tỉnh Dòng Dòng Tên hình thành với hơn 120 tu sĩ, mà đa số là người bản xứ.

Y như ở VN, nhà cầm quyền Nhật Bản hồi ấy sợ những người Công giáo làm nội gián, đồng lõa với Đế quốc xâm lăng Đất Nước, nên ra lệnh cấm Đạo. Thế là 26 người vừa Linh mục, Tu sĩ, Giáo dân đã bị bắt vào cuối 1596 tại Myako & Osaka; trong đó có Tu sĩ-Linh mục Phaolô Miki.

Tất cả đều bị sỉ nhục, chịu khổ, bị treo trên các thập giá và kết liễu cuộc đời bằng những nhát gươm. Chúng ta kính nhớ, mừng phúc tử đạo của Quí Ngài hôm nay như một tấm gương sống đức tin trung kiên với Chúa.

Giảng lễ:

Hôm nay, nhóm biệt phái và một số kinh sư trách móc CG về việc các môn đệ Người không giữ truyền thống cha ông là rửa tay cẩn thận trước khi ăn. Điều mà người đạo đức Pharisêu và mọi người Do thái bình thường đều tôn trọng tuân giữ hằng ngày.

Tất cả đều bắt nguồn từ luật “sạch và dơ” trong Cựu Ước. Phân biệt người sạch và dơ, đồ sạch và dơ, thức ăn sạch và dơ v.v… rồi triển khai thành những tập tục tẩy uế nâng lên hàng Thánh luật, được các Thầy dạy luật & nhóm đạo đức Pharisêu  phổ biến và giữ tỉ mỉ. Chẳng hạn, đi chợ về không ăn, nếu chưa lau mình (rantizentai) hoặc tắm rửa (baptizentai) (Mc 7,3). Những cái ở chợ mua về, như rau cỏ cũng không ăn khi chưa rửa qua (c. 4).

1. Một dân tộc nhơ uế và giả hình.

CG phản ứng lời trách móc của nhóm người trên, bằng trưng dẫn lời ngôn sứ  Isaia báo trước về một dân tộc bất trung, nhơ uế & giả hình (Is 29, 13).

Dân bất trung, vì bỏ Chúa đi thờ thần ngoại. “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Thế là nhơ uế tự cõi lòng rồi, chứ không chỉ bề ngoài thân xác. Hơn nữa, “chúng thờ phượng Ta cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”. Vậy mấy ông kinh sư gọi là đạo đức kia đã chẳng giả hình là gì, khi coi thường gạt bỏ giới răn TC để thay bằng luật phàm nhân, tức ôm lấy các tập tục cha ông và do các thế hệ truyền lại cho nhau. Vậy khinh thường luật Chúa để tỉ mỉ giữ tục lệ loài người không tội sao? Và tội nào to hơn giữa một đàng bỏ luật Chúa, với một đàng không giữ truyền thống cha ông để lại?

Không rửa tay trước khi ăn, dưới mắt người biệt phái và một số kinh sư, là các môn đệ Chúa đã phạm tội khinh thường các thánh lệ. Bởi rửa tay như là quốc tục, thánh lệ có từ lâu đời. Sách Talmud từng chỉ dẫn tục rửa tay cách tỉ mỉ như sau : phải lấy nước ở bình đồng, bình sành hay bình gỗ… Phải rửa từ khuỷu tay trở xuống… Phải rửa tay 2 lần : 1 lần vì tay bẩn, 1 lần nữa để sạch hết nước bẩn dính ở tay. CG cho thấy thật phi lý khi chú tâm giữ tỉ mỉ cái bề ngoài mà lơ là cái bề trong. Bề ngoài là qui định phàm nhân, là vệ sinh thường thức. (Cũng tốt thôi, nếu vì vệ sinh mà rửa tay trước khi ăn). Nhưng nếu tay đã sạch thì sao? Cứ phải rửa, nghĩa là vịn vào cớ luật dơ uế phải tuân chứ không vì cần sạch. Máy móc, câu nệ là ở chỗ đó! Mà sao lo cái sạch bề ngoài, lại chẳng đoái hoài cái sạch bề trong tí nào. Cõi lòng lìa xa Chúa, bỏ luật Chúa thờ thần ngoại (như cha ông xưa).  Hay cái tâm háo danh, hám lợi ưa ngồi chỗ nhất trong hội đường & sẵn sàng nuốt trọn của cải bà góa (như biệt phái, luật sĩ nay). Cái nhơ uế ấy sao không quan tâm tẩy uế? CG vạch trần việc giả hình đáng ghét này.

2. Tệ bạc hết nước nói!

Xa Chúa, bỏ luật Chúa là phản bội, bạc bẽo với Chúa. Rồi cũng vì bỏ ngoài luật Chúa, mà tệ bạc luôn với cha mẹ. Thật “hết thuốc chữa” lòng dạ người Do thái, nhất là lòng các ông Pharisêu và luật sĩ giả hình.

Rõ ràng lệnh truyền của Chúa, qua Maisen, là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” và “kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì bị xử tử”. Còn các ông lại dạy và loan truyền rằng : “Của cải con có để giúp cha mẹ đều là korban, là lễ phẩm dâng Chúa cả rồi, thì con không được phép làm gì để giúp cha mẹ nữa”. Thật vậy, theo luật Do thái, hễ của gì đã tuyên bốdâng cúng rồi, thì chủ của vẫn còn được hưởng lợi tức bởi của đó, nhưng người khác – như cha mẹ – lại không có quyền hưởng nhờ nữa. Thế là người ta có cớ  để né tránh luôn bổn phận hiếu thảo, giúp đỡ cha mẹ (ràng buộc bởi điều răn thứ 4), vì đã tuyên bố tài sản mình là korban, của dâng Chúa rồi. Cha mẹ đừng ngóng chờ con cái giúp đỡ gì nữa. Ôi, cái tệ bạc, cái lượn lẹo luồn lách đáng khinh bỉ là ở chỗ đó. Luật TC, luật tự  nhiên Chúa ban hành không giữ mà giữ luật Do thái, thứ luật do luật sĩ thêm vào, chỉ vẽ, đưa đến sai lầm, tệ bạc quái ác là thế. CG vạch trần, tố cáo thậm phải và lời tiên tri Isaia báo xưa rất đúng!

3. Chúng ta có sống đạo và hành đạo không?

Câu hỏi còn lại đối với chúng ta ngày nay là thế. Chúng ta có thấy truyền thống con người, những cái con người thêm thắt vào, bịa đặt ra, che lấp cả những gì TC đòi hỏi. Cái chính mất đi, cái phụ dành chỗ và ràng buộc. Cái đơn sơ và cốt yếu của TC bị lấn át để cái phức tạp và hão huyền của con người cột trói chúng ta lại. Chúng ta còn muốn sống đạo & hành đạo cách trong sáng theo đường lối của TC không?

Nay, chúng ta cũng giống Pharisêu và luật sĩ giả hình xưa. Chúng ta thường nghe phàn nàn - từ chính giữa những người có đạo chúng ta - rằng : kitô hữu nói hơn là sốnglàm điều Chúa dạy. Vẫn đi lễ, đọc kinh nhưng bỏ rơi thực hành bác ái. Có khi đi lễ Chúa nhật, xưng tội theo mùa để được yên lương tâm. Bố thí để lấy danh v.v… Luật Chúa, luật Giáo Hội vẫn xa vời, nhưng qui định của Cha sở, của Ban hành giáo, của Thầy xứ, tục làng lệ xóm thì rõ ràng và đậm nét hơn nhiều.

 

Thứ Tư Tuần V Thường Niên

Mc 7, 14-23

Đầu lễ:

Hôm nay thứ Tư, chúng ta kính nhớ Thánh Giuse, thân phụ ĐG, hôn phu Đức Maria. Chúng ta cảm mến Thánh Cả đã sống thánh thiện, chu toàn vai trò & trách nhiệm cao cả của một người chồng và một người cha. Chúng ta kính phục Ngài, xuyên qua một cuộc đời âm thầm, trầm lắng như chìm vào bóng tối; để trên nền phông (fond) ấy cuộc đời Đức Maria và nhất là cuộc đời ĐG trở nên chói ngời hơn. Dầu sao đọc PÂ, chúng ta vẫn nhận ra được CÁI TÂM của Ngài quá lành, quá trong, quá sáng đến độ để diễn tả tâm hồn ấy, Thánh Kinh tóm gọn Ngài là Đấng Công Chính.

CG hôm nay, qua Tin Mừng, cũng dạy chúng ta lưu ý đến cái TÂM của mình. Tốt xấu, lành dữ, hay dở đều xuất phát từ tâm địa con người ra cả.

Xin Chúa thánh hóa lòng dạ chúng ta nên giống Thánh Giuse.

Giảng lễ:

1. Nếu như thế, lòng người có phải là “lòng lang dạ sói”?

Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp bài Tin Mừng hôm qua. CG mới vạch trần, tố cáo sự giả hình trơ trẽn, đáng khinh của các kinh sư & biệt phái khi chăm giữ tập tục bề ngoài mà lòng lìa xa Chúa, bỏ luật Chúa và né tránh luôn bổn phận chăm lo hiếu thảo với cha mẹ. Rồi Chúa quay nhìn đám đông kết luận : “Chẳng có cái gì từ ngoài vào trong con người có thể làm con người ra ô uế được; chỉ những cái từ con người xuất ra mới làm con người ra ô uế”. Như vậy điều bất chính, xấu xa từ ý nghĩ, thâm tâm, bụng dạ con người mà ra cả. Chúa thêm :”Ai có tai nghe thì nghe”.

Tất nhiên Pharisêu và luật sĩ, thù địch của Chúa, đã nghe và đã hiểu rằng Chúa có ý châm biếm họ. Họ tức điên tiết lộn ruột; đang khi các Tông đồ chẳng hiểu “ất giáp” gì. Về đến nhà, Chúa phải giải thích cho các Ngài.

2. Lời giải thích của Chúa.

Cái từ bên ngoài vào, ví dụ thức ăn, sao làm con người ra ô uế được? Bởi thức ăn không đi vào tâm trí, vào cõi lòng mà đi thẳng vào bụng vào ruột rồi được thải ra ngoài. Phần nào bổ dưỡng sự sống, sinh ích cho cơ thể thì đã được thẩm thấu vào máu và châu lưu đi khắp nơi nuôi thân rồi. Cặn bã không cần thiết sẽ được bài tiết ra. Cái bị đào thải ra không đáng sợ, vì nó được tống đi không còn lưu lại bên trong gây ung thối nhiễm trùng. Thế nên, Chúa tuyên bố : “Mọi thức ăn đều sạch”.

Còn cái từ trong xuất ra mới làm con người ô uế : tức từ lòng người, phát sinh bao ý định xấu xa : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kêu ngạo, ngông cuồng v.v…Giả sử Chúa kê khai thêm,  có lẽ danh mục điều xấu sẽ dài lê thê còn hơn cả “sớ táo quân” dịp cuối năm nữa.

3. Bao chuyện buồn nôn của chúng ta.

Chuyện ban đầu liên quan đến mấy ông Pharisêu và luật sĩ; nhưng khi kết luận rút tỉa bài học, Chúa lại quay sang nói với đám đông. Phải chăng Người cũng muốn nói với chúng ta, để dạy dỗ ta?

Tôi không cho Chúa có ác ý gì khi nói những điều trên. Nhưng nhất định là Người muốn cho một liều thuốc cam tích tán, để làm tiêu xẹp đi những cái “bụng chướng” đầy sự dữ trong mỗi người chúng ta.

Chúng ta thường phê phán : “Trên Internet, trong “băng”, người ta tung lên bao hình ảnh sexy, những thước phim lõa lồ, những tiểu thuyết dâm ô khêu gợi”. Tất cả từ đâu ra? Từ lòng dạ con người vốn tích chứa điều xấu, sự dữ, hám lợi. Nhưng từ “ô uế” mà CG dùng đây, không chỉ liên quan đến những gì là thanh sạch hay uế nhơ mà thôi, mà còn bao hàm những gì phản lại tình thương. Chẳng hạn từ lòng con người phát sinh ra những âm mưu thôn tính, những đe dọa thù hằn khử trừ nhau, gây bao cuộc chiến tranh khốc liệt. Vì yêu mình, nên ta dám làm những điều ghê tởm, đâm thuê chém mướn : muốn không được, đâm ra bất mãn, sinh sự, gây gỗ. Không thỏa mãn, quay ra cắn càn làm bậy. Cũng có khi vì ghen tương mà thù vặt, để dằn mặt đối phương cho chừa, cho biết mặt đàn anh đàn chị, cho biết thế nào là “lễ phép”.

Sự dữ trong lòng chính là những tình cảm của chúng ta ngược với những tâm tình của CG. Chúng ta tìm kiếm những điều ngược với những mối phúc : kẻ hiền lành bị ta chê là nhu nhược. Kẻ khiêm nhượng bị chê là yếu đuối. Kẻ đau khổ khóc lóc bị coi là nhát đảm, thiếu nghị lực v.v…

Muốn khử trừ, tống khứ sự dữ ra khỏi lòng dạ tâm trí chúng ta, rất cần đến Ơn Chúa trợ giúp. Bởi sự thường, sự dữ ẩn nấp trong con người chúng ta tác hại trên lương tâm chúng ta, khiến nó biến chất thành ác tâm, dã tâm, manh tâm, thú tâm. Rồi từ đó, ta dễ suy “bụng ta ra bụng người”.

Kết : Hẳn ta còn nhớ câu truyện hai nhà sư đến bên bờ sông. Thấy một cô gái ăn vận đẹp, loay hoay rụt rè không dám lội qua. Một nhà sư có ý muốn giúp cô gái, liền cõng ngay cô lên vai và lội qua sông. Rồi thả ở bờ bên kia. Thế nhưng lại bị nhà sư thứ hai trách móc suốt chặng đường còn lại. Về tới chùa, vẫn chưa nguôi. Nhà sư làm phúc ban đầu im lặng cúi đầu. Cuối cùng, không chịu nổi nữa, đã buột miệng trả lời : “Cô gái tôi đã thả ở bờ sông. Sao Thầy còn mãi giữ cô ấy trong lòng cho đến giờ này?”. Thế mới biết hố ngăn cách giữa hai người quá sâu cũng tại cái TÂM. Cùng tu mà hai cái TÂM khác nhau.

 

Thứ Năm Tuần V Thường Niên

Mc 7, 24-30

Đầu lễ:

Thỉnh thoảng CG thực hiện một chuyến xuất ngoại cùng với các môn đệ. Lần này, Người chọn thành Tyrô, miền Tây Bắc xứ Galilêa. Chắc chắn không phải để tham quan du lịch hay học tập như chúng ta bây giờ, mà để an dưỡng tinh thần tránh xa những cặp mắt thù địch. Nhân tiện có thể huấn luyện các Tông đồ tại môi trường mới, xa lạ : môi trường mà mai ngày các ông phải vươn tới. Vì vậy, Người trọ một nhà nọ mà không muốn cho ai biết. Thế nhưng, chẳng giấu mình được. Một người đàn bà ngoại đã tìm đến cầu cứu Người chữa con gái bị quỉ ám. Cuộc tiếp xúc của bà với Chúa để lại cho chúng ta những bài học quí giá. Hãy học với bà những tâm tình & thái độ tốt lành, bắt chước bà để biết sống với Chúa.

Chúng ta hướng về Tình Yêu Thánh Thể để xin Ơn tha thứ tội lỗi.

Giảng lễ:

I. Miếng võ “nhập nội” của người đàn bà ngoại.

Những người ngoại, không phải Do thái, ở miền đó được Matthêu gọi chung là người Canaan (cf. Mt 15, 22). Nhưng Marcô cho biết chi tiết hơn nữa về người đàn bà đất Canaan này. Bà mang quốc tịch Hy lạp, gốc Syrô-Phênixi, xứ Syria. Có đứa con gái bị quỉ ám muốn xin Chúa chữa.

Cuộc tiếp xúc giữa bà với CG xem ra gay go, cả về hai phương diện khách quan và chủ quan. Cuối cùng, bà đã chiến thắng và toại nguyện : con bà được khỏi mà Chúa chẳng cần tới nhà để chữa. Tôi cho rằng bà đại thắng lợi theo yêu cầu, vì khôn khéo trong cách ăn nói xử sự với Chúa. Phải chăng bà có “chiêu võ độc” tung ra để nhập nội vào tim lòng Chúa?

Khách quan mà nói, Chúa là người Do thái đang ở vùng đất ngoại. Cuộc đến đó của Chúa và các môn đệ xem ra kín đáo, dè dặt; bởi từ lâu rồi dân Do thái rất căm ghét dân ngoại. Luật Môsê luôn ngăn cấm mọi sự tiếp xúc với họ. Dân ngoại bị khinh bỉ như “loài chó”. Bất cứ cuộc tiếp xúc nào cũng sẽ làm cho người Do thái ra nhơ nhớp, vì bức tường bất cảm thông phân cách giữa Do thái và ngoại bang ấy. Trong bối cảnh ấy, không phải là một người đàn ông mà lại là một phụ nữ ngoại dám đến gần một kinh sư Do thái (c.25) thì quả là táo bạo!

Hơn nữa, nơi Mt 15, 24 CG xác nhận “Thầy chỉ được sai đến với “các chiên lạc nhà Israel” mà thôi”. Vậy làm sao các môn đệ hiểu nổi đây, khi Thầy mình lại đem bánh của con cái cho dân ngoại hưởng trước?

Nhưng thôi, ta quay về với sân khấu cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa CG & người phụ nữ để thấy được những nét chủ động, chủ quan đến từ cung cách thái độ của hai phía.

Cách thuật chuyện của Marcô sống động : vừa nghe nói đến Người, bà nhào tới phủ phục dưới chân. Phủ phục là hành vi tôn kính, là động thái rốt mực của đầy tớ để lãnh ý chủ, của kẻ ăn mày van xin ân huệ. Thái độ ấy không phải là thái độ của kỳ thị, cách ngăn, đối kháng. Người đàn bà muốn biểu lộ tấm lòng khiêm nhường, trông cậy, tin yêu sâu xa. Bà mở miệng van xin Người trừ quỉ cho con gái bà. Marcô kể suông vậy. Nhưng nơi Matthêu lời van xin ấy là : “ Lạy Thầy, lạy Con Vua Đavít, xin thương xót tôi! Con gái tôi bị quỉ làm khổ”. Bà là dân ngoại, sao lại đặt mình vào địa vị con cái Israel, xưng Người là Con Vua Đavít, nghĩa là thần phục Người là Mêsia Thiên sai Cứu thế, theo quan điểm chính trị tôn giáo của Israel bấy giờ. Bà xin lòng từ bi, thương xót của TC. Bà nhắm thẳng vào tim gan cõi lòng TC, vì Ngài chẳng là Tình Yêu, là Đấng Cứu độ thì còn là gì?! Rồi bà trình bày nỗi khổ của con bà, đang bị quỉ ám hại cột trói. Trông đợi Chúa cứu.

Chúa không đáp nửa lời, Matthêu nói rõ vậy. Chúa khinh khi dân ngoại như những người Do thái khác chăng? Dửng dưng, lạnh lùng là một lối đáp trả không lời đáp, đúng ra như là từ chối. Hay Chúa làm bộ, vờ như không nghe thấy, để chờ đợi thêm điều chi đây?

Sự thinh lặng kéo dài đẩy tình huống ra nặng nề, khiến các môn đệ là những người đầu tiên không chịu đựng nổi, mở miệng can thiệp : “Thôi Thầy cho mụ ta về, vì mụ cứ theo chúng ta mà léo nhéo mãi”. Lòng của các môn đệ chỉ được đến đấy. Xua mụ ta về. Cho xong chuyện. Được chăng hay chớ !

Lúc này, Chúa mở miệng (với môn đệ chứ không phải với bà) : “Thầy chỉ được sai đến với con chiên lạc nhà Israel” (chỉ dân Do thái). Lời phán của Chúa như gáo nước lạnh tạt thốc vào bà, như xô đổ lòng cậy trông của bà. Nhưng bà không tuyệt vọng : “Lạy Thầy, xin cưú lấy tôi” (Mt) – “Trước tiên hãy để con cái no nê đã. Không được lấy bánh dành cho con, mà ném cho chó con” (Mc). Không còn che giấu gì nữa. Từ chối ra mặt. Khinh bỉ ra mặt rồi. Nếu không, sao ví người ngoại là chó. Chẳng phải chó to nữa. Chỉ đáng lũ chó con. Thành ngữ “chó con” vốn ám chỉ dân ngoại xem ra quá khắt khe, thô bỉ. Ở tình huống kịch tính gay cấn này, gặp tôi tôi quay lưng về thẳng, không để lại một lời chào. Thế mà người đàn bà ngoại chẳng hề tỏ dấu thất vọng, chán nản : “Lạy Thầy, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn cũng được ăn những mảnh vụn con cái làm rơi xuống”. Bà thừa nhận ý Chúa là đúng, cách xử sự của Chúa là phải. Bà còn nhận phận mình chỉ là chó con dưới gầm bàn, dưới cấp Israel là con cái trong nhà. Không ngang bằng được. Vì vậy chỉ đáng hưởng của thừa con cái đánh rơi hay loại ra thôi. Hết ý! Chẳng còn lời lẽ nào khôn ngoan, tế nhị, khiêm tốn hơn.

Chính Chúa đã tạo ra một tình huống thử thách bà cao độ. Rồi chính Chúa đến lúc này gút lại phải công nhận lòng tin cậy tuyệt vời của bà : “Vì bà nói thế – tức vì bà tin như vậybà cứ về đi, quỉ xuất khỏi con gái bà rồi”.

II. Sự khiêm nhượng cởi mở tất cả.

Tôi không trách Chúa dằng co với bà, vì tôi hiểu Chúa muốn thế để nên bài học quí giá cho chúng ta. Tôi cảm mến, phục thái độ khiêm tốn, tin cậy hết mực của bà. Tôi nghiệm ra rằng khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ, nhưng kiêu ngạo chỉ một chút đã thừa. Lòng khiêm nhượng cởi mở tất cả, cởi được cõi lòng, “lương tâm Do thái” của CG. Thế là từ con tim nhân ái của Chúa, tình thương cứu độ trào ra ào ạt.

Bà không thuộc dân Giao ước, nhưng có niềm tin của Abraham, bà xứng đáng hưởng ân phúc của người con trong gia đình Israel (đang khi nhiều con cái trong nhà, vì không tin nhận CG, sẽ bị loại trừ ra ngoài). Niềm tin, sự cậy trông, tình yêu khiêm hạ hóa giải tất cả cách kỳ diệu. CG và bà đã phá vỡ bức tường cốt thép phân cách Do thái – dân ngoại (cf. Ep 2, 13-18). Tôi khám phá thêm : phản ứng lại tranh luận “sạch và dơ” với biệt phái & luật sĩ, CG xuất ngoại, tiếp xúc với dân ngoại để chứng tỏ dân ngoại không phải là dân nhơ nhớp. Kẻ ngoại cũng được dự Bàn tiệc Nước Trời. Phúc Âm không hề có biên giới.

Kết:

- Làm cách nào để hưởng những vụn bánh, những Ân huệ của TC? Có nên bắt chước người đàn bà ngoại này?

- Có khi nào tôi nghĩ mình có Đạo mà kỳ thị kẻ ngoại, muốn giữ độc quyền những ân huệ TC, quà tặng Tin Mừng hay muốn chia sẻ với đồng loại?

- Làm thế nào để thế giới này công bằng hơn trong phân phối lương thực, lương thực vật chất và thiêng liêng; tôn trọng sự thật hơn trong ưu tư phục vụ người nghèo? Điều gì khiến con tim chúng ta cởi mở, trở nên mới mẻ, nhạy cảm & quảng đại hơn trước nhu cầu tha nhân? Chúng ta có đặt điều kiện nào cho phục vụ, cho bác ái? Bởi có người vẫn còn chủ trương : “Nó phải xin lỗi tôi đã, tôi mới tha. Chứ không, đừng hòng!”

Chỉ có cách sống đức tin như người đàn bà ngoại mới chuyển đổi cuộc sống, đảo lộn hoàn cảnh lịch sử, mở đường cho Ân sủng & Tình thương của TC thâm nhập.

 

Thứ Sáu Tuần V Thường Niên

Mc 7, 31-37

Đầu lễ:

Cuối năm, những người làm ăn buôn bán có thói quen tính sổ, đúc kết thành quả một năm sinh sống & rút tỉa kinh nghiệm. Thua lỗ, sang năm bày keo khác. Về mặt thiêng liêng, chúng ta cũng nhìn lại một năm qua với bao thành bại. Xin Chúa tha thứ những thiếu sót và tội lỗi chất chồng.

Chúng ta dâng Thánh lễ bây giờ XIN ƠN THA TỘI cuối năm cho tất cả chúng ta và hiệp ý đặc biệt cầu nguyện cho 2 linh hồn Gioan và Anna, song thân của Thầy Lê văn Thắng, lớp Thần I.

Giảng lễ:

1. Chúa Giêsu : Vị phù thủy điệu nghệ chăng?

CG rời Tyr và Sidon thuộc vùng Syro-Phénicie, phía Tây Bắc Galilêa. Rồi băng qua miền Thập tỉnh (mười thành của Hy lạp, là công trình của Tướng Pompê, gồm : Seythopolis, Pella, Gadara, Dio, Hippô, Philadelphie, Gê ra sa, Kanatha, Damas và Abila) của Hi lạp ở phía Bắc Pérée, tức vùng đất mạn Đông Bắc bao quanh biển hồ Galilêa và bờ sông Giodan. Vẫn thuộc phần đất dân ngoại. Người ta đem đến cho Chúa một người điếc câm, để xin Người đặt tay chữa lành. Người đặt ngón tay vào tai anh, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời đọc lời Epphetha (hãy mở ra). Lập tức tai anh nghe được, lưỡi hết cứng anh nói được.

Nhiều người hôm nay đọc thấy những hành vi ấy của CG không hiểu, đâm ra khó chịu và thắc mắc: CG là phù thủy chăng? Sao Người làm mấy cử chỉ giống ông cốt, bà đồng hoặc tựa mấy ông lang băm, lang vườn nào đó? Qua môn Bí tích học, Giáo Hội soi sáng cho chúng ta hiểu rằng đó là những cử chỉ vẫn làm khi cử hành các Bí tích. Là dấu chỉ bề ngoài chuyển thông Ơn thánh bên trong.

Trước tiên, việc chữa lành các người câm điếc được các Thánh sử ưa thích kể lại, ít nhất là 6 lần trong PÂ, rất chi tiết. CG cũng thích trưng dẫn những lần đó như dấu chỉ thời Mêsia được các ngôn sứ loan báo. Các nhà Thánh kinh còn cho rằng bài tường thuật của Thánh Marcô được trích từ sách Nghi thức khai tâm Kitô giáo đầu tiên, trong đó có vô số những nghi thức mở mắt, thông mũi, mở miệng, thông tai bằng việc đặt tay. Những cử chỉ rất truyền thống, có ngay từ đầu. Nó không phù phép ma thuật gì cả, nếu chúng ta hiểu nước bọt, theo Thánh kinh, giống như một thứ khí đông đặc mang ý nghĩa Ơn Thần khí tái tạo con người. Marcô giữ lại từ Epphetha, vốn là một từ dùng trong Phụng vụ Rửa tội thời sơ khai.

Còn việc dùng tay đụng chạm tới là một hành vi vừa mang dấu tha tội, vừa có nghĩa là đặt lời cứu rỗi lên miệng lưỡi ai đó, để sai đi loan báo. Chẳng hạn xưa Chúa đã chữa lành tật nói lắp của Môsê và bảo “ngươi hãy đi. Chính Ta ở với miệng ngươi và Ta sẽ dạy ngươi điều ngươi phải nói” (Xh 4, 10-12). Isaða cũng được một Seraphim gắp cục than hồng trên bàn thờ đụng vào miệng, để thanh tẩy miệng lưỡi nhơ nhớp & tha tội (Is 6, 6). Chúa cũng đụng đến miệng Giêrêmia và đặt Lời Ngài trong miệng ông, để ông trở thành ngôn sứ.

2. Đi xa hơn việc thông lỗ tai, cởi trói lưỡi.

Tại sao việc chữa lành người điếc, câm có tầm quan trọng trong các sách Tin Mừng? Bởi câm điếc và thiếu lòng tin vốn liên kết với nhau, theo Cựu Ước. Trong Tân Ước, CG thường than phiền rằng chúng ta có tai mà không nghe : “Ai có tai nghe, hãy nghe!”.

Hóa ra thính tai mà vẫn điếc! Điếc không nghe được Lời Chúa. Nghe mà không hiểu. Cho nên phải chữa tai, mở tai để không chỉ nghe tiếng động âm thanh mà còn nghe được lời, hiểu được ý. Chữa miệng câm không chỉ để hết ngọng, nói được mà là để loan báo Lời Tin Mừng, để mở miệng cao rao ca ngợi, chúc tụng tôn vinh, tạ ơn, tạ lỗi & xin ơn.

Điếc câm: không nghe, không nói, nên không hiểu đã khổ. Có tai, có miệng nghe được, nói được mà vẫn không thông hiểu Lời Chúa, vẫn không tường Ý Chúa, vẫn không thấu đạt đường đạo đức thiêng liêng thì xem ra còn khổ hơn. Vì tâm vẫn bị điếc, hồn vẫn bị câm (y như có mắt mà không thấy thì hoặc là mù mắt thật, hoặc là mù tối lòng dạ). Các Tông đồ nhiều khi vẫn rơi vào tình huống ấy, khiến Chúa về nhà phải giải thích, soi sáng thêm.

Ngày nay, đưa ta đến bên giếng Rửa tội, Linh mục vẫn đặt tay cầu ơn; rồi sờ tay lên tai, lên miệng để chữa điếc, chữa câm. Ta có điếc, câm đâu mà chữa? Không, để biến mỗi người thành ngôn sứ, với tai để nghe Lời và miệng để loan báo.

 

Thứ Bảy Tuần V Thường Niên

Mc 8, 1-10

THÁNH SCOLASTICA

(+543)

Đầu lễ:

Thánh Scolastica chúng ta kính nhớ hôm nay là em ruột, sinh đôi với Thánh Benoýt. Mẹ mất sớm, được người cha hiền, ngoan đạo chăm sóc, nên cả hai sớm hưởng lòng đạo đức của cha. Hết mực yêu thương giúp đỡ nhau, yêu mến Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa. Tận hiến cho Chúa như một trinh nữ, Thánh Scolastica đã lập nhiều Dòng, phụng sự Chúa và các linh hồn, với tinh thần tu đức đúc kết từ sự gặp gỡ thường xuyên với người anh.

Trước khi chia tay về nghỉ Tết, xin kính chúc trước tuổi mới  Cha Giám Đốc, Quí Cha, Quí Soeurs, Quí Thầy và Quí Vị tất cả. Xin kính gởi lời chào thăm đến ba má & người thân của Quí Thầy,  Quí Soeurs, Quí Vị. Xin chúc tuổi mới họ.

Chúng ta dâng lễ cầu bình an năm mới cho gia đình chúng ta, những người còn sống & xin cho những người thân đã qua đời được hưởng Nhan Chúa.

Giảng lễ:

I. Hóa bánh ra nhiều : 1 lần hay 2 lần?

Theo các sách chú giải Thánh kinh cũ, vì Mt và Mc đều kể lại tới 2 lần hóa bánh ra nhiều, nên có 2 phép lạ chăng? Có thể như thế, nếu căn cứ vào những mô tả khác nhau như lần đầu có 5 tấm bánh và 2 con cá, phát cho 5 ngàn thực khách, còn dư 12 giỏ (Mc 6, 30-44). Lần sau 7 bánh và ít cá, nuôi 4 ngàn người ăn, thừa 7 gùi (Mc 8, 1-10). Khách ăn lần trước từ Capharnaum đến và ăn ở địa hạt thứ vương Hêrôđê Philipphê. Khách lần sau ăn ở miền Thập tỉnh. Địa điểm chưa chuẩn xác : theo Matthêu là Magadan, có người (Eusêbiô) cho là một xóm ở hạt Ghêrasa, phía Đông biển hồ. Ý kiến này xem ra không hợp câu truyện Thánh ký thuật. Người khác (Abel) cho là ở Magdala, tức Elmeijdel ngày nay. Còn Marcô lại bảo ở Danmanukha, một địa điểm mà các nhà địa dư chịu không tìm thấy. Nên cho rằng người sao lục nguyên văn đầu tiên đã viết sai. Một điều theo hành trình truyền giáo có thể nhận chắc : Chúa ở bờ hồ mạn Đông sang bờ bên Tây nơi có lũng Gennesareth.

Một số nhà Thánh kinh khác, dựa cách của khoa phê bình lịch sử ngày nay, cho rằng có thể việc hóa bánh ra nhiều xảy ra 1 lần, mà tường thuật nhiều lần, vì các Thánh sử không bận tâm kiểm tra tài liệu gốc. Bài tường thuật thứ nhì của Marcô này (Mc 8, 1-10) dường như xuất phát từ một truyền thống cổ xưa hơn và truyền lại y nguyên, không tìm cách liên kết gì với các biến cố trước đó trong Tin Mừng. Sự khác biệt về những con số không đáng ngại lắm, vì nhiều tường thuật khác trong các sách nhất lãm những khác biệt còn đáng ngại hơn. Tin Mừng không phải là một biên bản ghi lại sự kiện chặt chẽ, có tính khoa học. Chỉ nhằm mô tả sự thật của Ơn Cứu độ được loan báo. Nếu cứ thuật lại theo nhiều chứng nhân, thì dễ có những bản tường thuật khác nhau, nhưng đều thật cả. Y như những bản tường thuật và bình luận thật khác nhau về cùng một trận bóng đá. Y như cùng một sự kiện mà có 2 buổi truyền hình trắng đenmàu khác nhau; mà không ai bảo buổi này thật, buổi kia giả cả. Sự thật như nhau, diễn tả khác nhau. Mt, Mc, Lc, Ga có thể viết khác nhau, nhưng vẫn là sự kiện ấy. Các nhà điêu khắc, các họa sĩ chẳng diễn tả khác nhau cùng một CK là gì?! Vậy mà ta vẫn nhận ra cùng một đức tin, một lòng mến như nhau. Lễ nghi Đông phương và lễ nghi Rôma dù tuyệt vời, vẫn khác xa nhau vời vợi, nhưng chỉ diễn tả một lòng thờ phượng.

Mầu nhiệm CK thật bao la phong phú. Mỗi Thánh sử chỉ cống hiến cho ta một số khía cạnh nào đó thôi. Nhưng có vậy thì Mầu nhiệm mới tỏa sáng ở mọi góc cạnh và ta mới thỏa thuê chiêm ngắm, dù nhìn từ bất cứ tọa độ nào.

II. Vẻ đẹp hay sự thật của tường thuật Marcô.

Đó là một đám rất đông dân chúng đói khát không có gì ăn. Được CG thương hại, nuôi sống, cho ăn. Chúa là sự sống, là bánh trường sinh nỡ nào để cả đám đói, xỉu khi ra về vì đã theo mình 3 ngày rồi. Nuôi sống là “nghề” của Chúa. Đấng Cứu độ không thể để nhân loại lầm than đói khổ được. Tình thương cứu độ cũng rất cụ thể, khởi đi từ nhu cầu cơ bản.

Nuôi đám dân tại chỗ đã hẳn, mà cả những kẻ ở xa đến cũng hưởng no nê. Mà đám đông nào theo Chúa ròng rã nhiều ngày vậy ? Dân Do thái, Israel cũ chăng? Không, Giáo Hội đã hiểu về mình; những Kitô hữu mang danh Kitô vì đã tin theo Chúa. Những kẻ ở xa đến là ai? Là dân Do thái từ các thành kế cận, là khách hành hương đi đường dịp ấy? Không, GH lại hiểu về các dân tộc khác từ khắp mặt đất gia nhập vào đám đông, là GH cùng hưởng Bàn tiệc Nước Trời. Một đàng chỉ là hình bóng. Một đàng là thực tại.

Điều gì cấm Giáo Hội, cấm chúng ta hiểu như thế. Bởi từ lâu truyền thống GH, Các Vị Giáo phụ vẫn hiểu và cắt nghĩa phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi sống hằng nghìn nghìn người ăn no, ám chỉ Bí tích Thánh Thể. Bí tích làm nên Hội Thánh và nuôi sống Hội Thánh. Những người phát bánh chẳng phải là các Tông đồ, các môn đệ Chúa là gì. Họ là thừa tác viên phân phát Mầu nhiệm thánh của Tân Ước. Và rồi hàng loạt những cụm từ mô tả : “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn chúc tụng, bẻ ra và phân phát v.v…”. Chẳng phải là ngôn ngữ của Phụng vụ Thánh Thể thời GH sơ khai và cả ngày nay của chúng ta sao!

Cuối cùng, đám đông thật đông vẫn ăn đủ, ăn noăn còn dư nữa. Quả tình, Ơn Chúa không bao giờ thiếu. Đáp ứng tất cả mọi nguyện vọng, dù chúng ta tham lam khao khát đến đâu. Bởi “tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa” (bài hát). Rồi nếu dư, phải thu lại. VN ta vẫn coi hạt cơm là hạt ngọc quí Trời ban. Người Do thái coi bánh là lộc thánh của TC, không được phí phạm. Sự sống cao quí, được nuôi dưỡng bằng cơm bánh; vì thế coi thường vứt bỏ là một tội. Ơn Chúa cũng không được vung phí


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 4. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái