Trang Chủ > Chia Sẻ > Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái

 

Lm. Đaminh Vũ Đình Thái

Suy niệm Lời Chúa 4

ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ

.Lưu hành nội bộ.

11.2006

Lời ngỏ

Đây là một ít bài giảng lễ An Táng, lễ Giỗ, lễ Cầu Hồn đã trình bày đây đó, ở Đại Chủng Viện Huế và ở một số Cộng đoàn Giáo xứ.

Như ngọn nến nhỏ thắp lên cầu nguyện; như chút hương trầm mặc niệm trong Tháng Các linh hồn.

Tài liệu chỉ dành “lưu hành nội bộ”.

Người viết cám ơn người đọc và xin vui lòng chỉ dẫn những sai lầm.

 

CÁC ĐẲNG 2.11

Ga 19, 1.23-27a ; Rm 5, 5-11; Ga 6, 37- 40

conduong.jpgĐầu lễ:

Chúng ta vừa bước vào tháng 11, tháng dành riêng cầu nguyện cho các kẻ đã qua đời. Thực ra, chẳng ngày nào mà Giáo Hội, qua các Thánh Lễ, lại chẳng cầu nguyện cho họ. Nhưng tháng này, Giáo Hội muốn chúng ta sống ý thức hơnthực hành mạnh mẽ hơn việc đạo đức này. Như vậy, hôm nay quả là dịp tốt để dâng lễ cầu nguyện cho mọi tín hữu đã khuất; trong đó có ông bà, cha mẹ, thân quyến, bạn hữu và các bậc thầy của chúng ta nơi Chủng Viện này. Nhờ Ơn cứu chuộc của Đức Kitô, xin cho mọi người đã “vắng bóng”được tha thứ mọi tội lỗi và hưởng phúc lộc Thiên đàng”.

Để xứng đáng dâng lễ và cầu ơn, chúng ta xin Chúa thanh luyện chúng ta trước.

Giảng lễ:

I.Tôi tin có đời sau.Tôi tin sự sống lại và sự sống vĩnh cửu.

Chẳng phải là tín hữu ngày nay chúng ta mới hùng hồn tuyên tín như thế (Credo). Nhưng từ xa xưa, Gióp đã tuyên bố: “Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Ngài, Đấng mắt tôi nhìn thấy không phải là người xa lạ” (G 19, 26-27a). Ông tin có đời sau. Ông tin rằng Đấng hằng bênh vực ông vẫn sống và sau cùng, Ngài sẽ đứng lên trên cõi đất để cứu ông. Niềm tin của ông bền vững, chắc chắn đến độ ông ước ao lời ấy của ông được tạc vào đá cho đến muôn đời.

Là tín hữu, chúng ta xác tín mạnh mẽ vào lời của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu chuộc chúng ta, khi Người nói: “Ý của Đấng sai tôi là tất cả những kẻ Ngài đã ban cho tôi, tôi không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết (Ga 6, 39). “Ai tin vào Người Con, thì được sống muôn đời” (Ga 6, 40).

Không để mất một ai nghĩa là thế nào? Thánh Phaolô, qua thư Rôma, giải thích rõ ràng rằng “ngay khi chúng ta còn là tội nhân, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Người chết cho chúng ta được cứu, khi chúng ta không có sức làm được gì để cứu lấy mình”. Không để mất một ai là “bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng. Ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Ngài vẫn để Con Ngài chết. Ngài muốn cứu chúng ta khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, bằng cách cho chúng ta được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra. Làm như vậy là để chúng ta được hoà giải với Thiên Chúa. Giải pháp ấy là kế hoạch cứu chuộc được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 5, 6-11).

Chúng ta nhắc lại Lời Chúa như vậy để củng cố thêm niềm tin của chúng ta vào đời sau, vào sự sống lạicuộc sống trường sinh hạnh phúc với Chúa. Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện cho những người đã chết được, nếu tiên vàn chúng ta còn hiểu nhạt nhoà mơ hồ về Tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Kitô như thế.

II. Phải cầu nguyện cho những vong nhân.

Cầu nguyện cho những người đã khuất là một bổn phận không thể xao lãng của chúng ta.

Biết Chúa cứu, tin rằng Chúa không để mất một ai là một chuyện. Nhưng Giáo Hội luôn dạy chúng ta phải, bằng tinh thần hiệp thông luôn cầu nguyện cho mọi tín hữu đã qua đời, chứ không được ỷ lại vào Chúa.

Công đồng Vatican II nhắc lại mầu nhiệm Giáo Hội cùng thông công như sau: “Trong số những môn đệ Chúa, có những kẻ tiếp tục cuộc hành trình nơi dương thế, có những kẻ đã hoàn tất cuộc sống này nhưng đang được tinh luyện và có những người đang được chiêm ngưỡng rõ ràng Thiên Chúa Ba Ngôi vinh hiển. Cả ba thành phần đều hiệp thông với nhau trong đức mến và truyền thông cho nhau những của cải thiêng liêng. Nhận biết đúng đắn sự hiệp thông này trong toàn Nhiệm thể Chúa Kitô, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, cầu nguyện cho những người đã chết”.

Hơn nữa, người tín hữu đã chết trong Ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa sạch hết mọi tội, và chưa đền tội bằng những hình phạt tạm thời đời này, thì không thể vào thẳng Thiên đàng được, vì chưa xứng đáng hưởng Thánh Nhan Chúa. Thánh Gioan cảnh báo rõ trong sách Khải huyền: “Tất cả những gì ô uế, cũng như bất cứ ai làm điều ghê tởm và gian tà, đều không được vào thành…” (Kh 21, 27). Tất nhiên, họ phải chờ tinh luyện xong mới vào được Thiên đàng. Thời gian đó là thời gian xa cách Chúa. Nên Công đồng Florence (1439) mới định tín có luyện ngục để tinh luyện các linh hồn.

Purgatorium, chỉ luyện ngục, có nghĩa là tinh luyện.

Bởi thế, hằng ngày Giáo Hội dâng lễ nài xin Ơn tha thứ cứu độ của Chúa Giêsu cho các linh hồn; suốt tháng 11 này và đặc biệt hôm nay ngày 2.11 còn tăng lên gấp 3 (mỗi Linh mục được làm 3 lễ trong ngày). Giáo Hội kêu gọi chúng ta luôn nhớ về và sốt sắng cầu nguyện cho những người đã khuất. Cầu nguyện là góp phần mình vào mở kho Ân xá, nhường cho các linh hồn nơi luyện ngục, khi họ không thể làm được việc lành cứu mình. Giáo Hội còn khuyến khích đi viếng nghĩa địa, sửa sang mồ mả và cầu nguyện cho các linh hồn, vì: “Mồ thật chôn các người chết là trái tim của người sống (Tục ngữ).

Thế nên, người sống có nhớ đến, có cầu…thì người chết mới mát mẻ thanh nhàn. Thật ra, không phải cầu cho người “chết”. Nếu chết là chấm tận, hết chuyện thì cầu làm gì và ích lợi gì? Nhưng là cầu cho nguời vượt qua cõi chết, đi vào cõi sống muôn đời.

 

LỄ AN TÁNG

Mt 25, 1-13

Đầu lễ:

Chết là gặp gỡkết hợp bất khả phân ly với Chúa Kitô. Nếu thế, bài Tin Mừng “10 cô phụ dâu đi đón chàng rể” trong khung cảnh lễ An táng hôm nay thật thích hợp, để chúng ta đến tiễn đưa người quá cố này về “nhà chồng”, về ngôi nhà mà ông sẽ sống muôn đời, hay đúng hơn là đời đời kiếp kiếp.

Giảng lễ:

I. Sống là hẹn hò.

Đời người mãi mãi là cuộc hành trình tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Không ai xác định được thời hẹn, nhưng có thể xác quyết được điểm hẹn.

1.Không hẹn giờ: “Chàng rể đến”, đó là tiếng hô của người xướng lễ báo hiệu tiệc cưới bắt đầu. Tại sao các cô phụ dâu lại luýnh quýnh cả lên như vậy? Chẳng qua là vì chàng rể đến mà không hẹn giờ trước. Khác với phong tục Việt nam ngày xưa: Chàng rể đến nhiều khi còn phải đợi ngoài ngõ, chờ đúng giờ tốt mới được nhà gái cho phép vào.

Dù sao, chờ đợi luôn là yếu tố tất nhiên phải có đi kèm với hẹn hò ước nguyện. Không riêng gì người quá cố, mà cả chúng ta đây luôn sống trong niềm hy vọng về một Đấng vẫn đang hiện diệnđồng hành, nhưng vẫn chưa phải là giáp mặt. Có lúc ta thoáng thấy Người, dường như nghe được cả tiếng Người mời gọi; nhưng rồi lại hụt hẫng (như hai môn đệ trên đường đi Emmaus), vì Người không còn ở đó, mà lại hẹn gặp ở nơi khác.

2. Nhưng hẹn gặp: Dụ ngôn cho biết cả mười cô phụ dâu mệt mỏi đợi chờ và đã ngủ thiếp đi, nhưng trong thâm tâm các cô vẫn đinh ninh chàng rể sẽ đến. Chẳng bao lâu nữa chàng sẽ đến! Chẳng bao lâu nữa giây phút cuối cùng của đời người sẽ đi vào vĩnh cửu, giống như giây phút lìa trần của người hấp hối.

Giây phút chia ly để lại sự thương nhớ cho người tại thế, nhưng lại có thể là nỗi vui mừng khôn tả của người đã khuất, vì bây giờ không còn là đợi chờ hẹn gặp, mà là gặp gỡ diện đối diện.

Lẽ nào ta không vui niềm vui của các cô phụ dâu khi tiệc cưới bắt đầu, khi tân lang đang ở giữa họ? Lẽ nào ta không vui với ông M., khi ông đang ở với Chúa Giêsu, Đấng cả đời ông đã chờ đợi hẹn hò gặp mặt.

II. Chết là gặp gỡ.

Chết không phải là hết: bởi sự chết không phải là đích điểm mà chỉ là bước khởi đầu của gặp gỡ, của hạnh phúc hưởng kiến Thiên Chúa.

1. Khai mở sự sống: Làm người ai chẳng hy vọng hay khao khát ? Thế mà cái chết lại cắt ngang mọi dự định tính toán, bỏ dở mọi thành đạt của con người. Thế nhưng niềm tin Kitô giáo không cho phép dừng lại ở cái chết.

Đời sống của người đã khuất chỉ là thay hình đổi dạng, chứ không bị tiêu diệt. Đối với người yêu mến Chúa thì đó lại là ngày “sinh nhật Nước Trời”, như lời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu trên giường hấp hối: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”.

Theo sau quan tài là kẻ than người khóc, còn bản thân người quá cố mới chỉ là bắt đầu, vì thời kỳ thai nghén lâu dài nay đã chấm dứt và sự sống vĩnh cửu dường như mới khởi sự.

Thế gian hôm nay vẫn đẫy dẫy sự chết, nhưng chết chỉ là trong giây lát như để bước đi từ tạm thời sang vĩnh cửu. Tuổi thơ phải qua đi mới đến tuổi trưởng thành. Con sâu phải lột xác trong đau đớn mới thành con bướm và hạt lúa cũng phải chết đi trong lòng đất mới trổ sinh mầm sống mới.

Sự sống mới ấy là gì nếu không phải là được chấp nhận vào sự sống vĩnh cửu, là gặp gỡ thân tình với Đấng là nguyên thuỷ và cùng đích của mọi loài ?

2. Khởi đầu gặp gỡ: Dụ ngôn mười cô phụ dâu làm nổi bật ý tưởng phải tỉnh thức và sẵn sàng trước những bất ngờ, nhất là những bất ngờ về sự chết (Mt 25,13). Dụ ngôn còn cho thấy niềm hoan hỷ được gặp mặt chàng rể trong tiệc cưới Nước Trời của các cô khôn ngoan. Sở dĩ được gọi là khôn, vì các cô biết lo liệu, không phung phí để có thể thắp sáng đời mình vào giây phút trọng đại khi chàng rể đến.

Thực ra trong quãng đời tại thế, tìm Chúa và gặp Chúa là hai mặt của một quá trình. Tìm Chúa là đã gặp Chúa. Càng gặp gỡ càng thôi thúc kiếm tìm như cảm nghiệm của Thánh Augustinô: “Tâm hồn con vẫn khắc khoải chờ mong cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”.

Chúng ta cầu xin cho người quá cố này bắt đầu một cuộc gặp gỡ bất khả phân ly với Đấng là hạnh phúc đích thực. Xin ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô Phục sinh thắp sáng đời họ, để họ theo Người vào phòng cưới Nước Trời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa từng cầu nguyện với Chúa Cha: “Con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha ban cho con cũng sẽ ở đó với con” (Ga 17, 24). Vậy khi Chúa mong ước về cùng Chúa Cha, thì Chúa cũng muốn sự có mặt của con (của ông M.) nghĩa là bao lâu con chưa về trời thì trong lòng Chúa vẫn có bóng hình của con, vẫn hẹn hò và chờ đợi con. Hôm nay người thân yêu của con đã ra đi trước con về Bến Hẹn và đang chờ đón con, vì chúng con có chung một Điểm Hẹn là chính Chúa. Xin cho người thân yêu của con sớm được yên nghỉ bên Chúa, để một ngày kia đời con đến hẹn cũng sẽ gặp được cả Chúa lẫn người thân.

(theo Phạm Công Phương, trong Đồng Hành).

 

LỄ AN TÁNG

Sự ra đi của anh Hội nhắc nhở chúng ta ba điểm sau đây:

1.Đời người vắn vỏi.

Tv 88, 48-49 : “Xin nhớ rằng đời con là một kiếp phù du. Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi.

Sống làm người ai không phải chết. Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?”.

Gv 1,1: Đời là phù vân! Tất cả phù vân và mọi sự chỉ là phù vân! “Đời sống con người chóng qua như cỏ” (Tv 102). Đời con người như hoa cỏ. Cỏ mau héo, hoa chóng tàn. Đời con như hoa sớm nở tối tàn…

Tv 102, 15-16: “Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi. Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng. Một cơn gió thoảng là xong. Chốn xưa mình ở cũng không biết mình”.

Nhưng người có niềm tin vào Thiên Chúa thì nhìn cái chết theo chiều hướng khác. Sinh ký tử quy: chết là về với Chúa, là về nhà Cha. Nên cuộc sống trần gian chỉ là tạm bợ, là giai đoạn chuẩn bị tiến về cõi đời đời. Nếu chuẩn bị tốt có thể ra đi sớm và bình an.

2. Cái chết nào cũng có tính bất ngờ của nó.

Nay tôi đang khỏe mạnh; ai dám bảo rằng mai không đau yếu, không thể chết. Không biết chồng chết trước hay vợ con chết trước, già chết trước hay trẻ chết trước. Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay không trời !

Cái chết thật bất ngờ. Không hẹn chẳng hò. Anh Hội ra đi đột ngột, không một lời từ giã. “Sinh hữu hạn. Tử bất kỳ”.

Số người Công giáo chết đột ngột không kịp chịu các phép Bí Tích là 1/3.

Học hành thi cử, buôn bán làm ăn thành công hay thất bại đều có thể rút ra những bài học hữu ích cho bản thân gọi là kinh nghiệm. Trong mọi thứ kinh nghiệm ở đời thì có một cái không bao giờ có kinh nghiệm cả: CHẾT!

Không ai biết trước mình chết lúc nào, ở đâu (trong nhà, ngoài đường), cách nào !

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI về cuối đời đã có những suy tư về sự chết người ta còn giữ được. Người viết: “Đã đến giờ tôi phải ra đi(2Tm 4, 6). “Tôi biết rằng sắp đến thời tôi phải bỏ lều tạm này” (2Pr 1, 14). Hồi kết thúc đã điểm!

3. Hãy sẵn sàng.

Chúa Giêsu dạy: “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến” (Lc 12, 40).

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới gõ cửa, mở ngay” (Lc 12, 35-36).

Một người mẹ cắt nghĩa cho cô con gái bé bỏng về cái chết cuả cha cô. Vì em quá nhỏ chưa đủ trí khôn hình dung được, nên người mẹ nói rằng: “Chúa đã gọi cha con, rồi dần dần Ngài cũng sẽ gọi mẹ con mình về sum họp”. Cô bé ngẩng cao đầu nhìn mẹ: “Mẹ con mình gói sẵn quần áo nhé! Để nếu Chúa gọi sớm mình có thể đi ngay. Đừng bắt Chúa chờ !”

Kết: Hãy sẵn sàng, vì:

1. “Mỗi người sẽ lãnh nhận những gì tương xứng với các việc tốt hay xấu đã làm” (2Cr 5, 10).

2. Đến ngày phán xét, “mỗi người sẽ phải trả lời về chính mình trước mặt Thiên Chúa” (Rm 14, 12), “về tất cả những việc vô luân và tất cả những lời hỗn xược xúc phạm” (Gd 15).

3. Phải “thanh toán đến đồng xu cuối cùng” (Lc12, 59), vì Chúa công minh.

 

LỄ GIỖ

1. Cái chết làm chúng ta hoá ra trơ trụi.

Đến giờ chết mới hay chức quyền, danh vọng đời này giả trá.

Philipphê II là vua Iphanho, khi gần chết, gọi Hoàng thái Tử đến trước mặt, đoạn cởi long bào ra chỉ vào ngực mình đầy giòi bọ cắn rúc nhức nhối: “Hoàng thái Tử con ơi, hãy xem đây để biết thân phận người đời chết ra thế nào, và mọi sự sang trọng thế gian này đến lúc cùng là thế nào”.

Ông Thêôđorê giải thích: Sự chết chẳng vị của cải, không nể chức quyền. Đứa quần rách áo ôm, hay Đấng đai mang cẩm bào thảy đều nên mồi cho giòi bọ rúc rỉa thối tha như nhau. Vậy mọi người, đến khi chết, dầu cho là Đấng làm Vua cũng chẳng đem theo được vật gì xuống huyệt, phải bỏ mọi sự sang trọng vinh hiển nơi giường mình tắt thở, như lời Ca vịnh: “Khi chết chẳng lấy được gì đi hết ; sự sang trọng cũng chẳng theo mình được xuống mồ” (Tv 48, 18).

Cái chết làm chúng ta hoá ra trơ trụi. Chết là sự bóc lột tàn nhẫn nhất. Lúc ấy, lòng con người chẳng còn ham hố chi những sự ở đời, dù là vợ con, công danh, sự nghiệp, tiền của.

Kẻ vô tín, không tin ở đời sau, thấy cái chết là sự chấm tận phũ phàng. Như lời Thánh Kinh: “Đối với mắt người đời, chết là như đi vào cõi tiêu diệt”.

Thánh Antoine kể rằng lúc Hoàng Đế Alexandre Cả băng hà, có một quân tử kia la lên: “Kìa người hôm qua đạp đất dưới chân, nay bị đất vùi lên mình. Hôm qua cả bầu trời không phỉ tình, nay bảy tấc đất đã đủ dư ; hôm qua là đại tướng có vô số binh lính, trị khắp thiên hạ, nay chỉ có mấy âm công khiêng đi vùi lấp dưới mồ. Thôi, hãy nghe Lời Chúa phán: Hỡi con người, thân con chỉ là một nắm bụi tro, còn khoe khoang nỗi chi?” (Hc 10, 9).

Sao cuộc sống cứ mãi dốc tâm dốc lực mua công danh, sự nghiệp chốn đời này. Chết đến, mọi sự chẳng còn, mọi mưu mô toan tính đều hỏng mất hết, như lời Thánh Kinh:Đến ngày ấy, mọi sự đo lường đều trật cả” (Tv 15, 4).

2. Hãy sống lành để chết lành, vì mọi việc lành sẽ theo ta về đời sau.

Thánh Phaolô tu rừng, đánh dẹp xác thịt 60 năm trong hang núi. Đến giờ chết được êm ái hơn Hoàng đế Cicéron thống trị Lamã.

Thánh Phêlixê tu dòng khó khăn, cả đời hãm mình ép xác hèn hạ cực khổ, đến giờ giã từ thế gian, được an nhàn khôn xiết. Trong khi Henri VIII là vua nước Anh, trót đời ngự ngai vàng bệ ngọc sang trọng lẫy lừng, đến giờ chết khốn cực vô cùng.

Vậy để chết lành, ngay từ bây giờ ở đời này, phải tập từ bỏ. Từ bỏ tội lỗi, đam mê xác thịt, quyền lực danh vọng, địa vị. Sự từ bỏ ấy được Thánh Phaolô ví là có vợ hãy ở như không có, có của sống như không có gì.

Phải luyện tập từ bỏ để ra đi được bình an, không nuối tiếc. Chỉ có ân phúc việc lành mới theo ta về đời sau.

Hãy sống bác ái phục vụ Chúa trong tha nhân. Mt 25 nói rằng giờ chết Chúa sẽ hạch hỏi, thẩm xét chúng ta về các việc lành, việc bác ái đối với anh em. Coi đó là làm cho chính Chúa : “Xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta mình trần cho mặc…”.

Kẻ ở đời quen chịu thua ma quỉ cám dỗ, để nó lấn hiếp mình; trong giờ lâm chung sao trông thắng nó được ? Giờ ấy phải có thần lực mới đổi lòng được. Thế mà cả đời tội lỗi, sống ích kỷ sao mong giờ chết Chúa ban ơn chống trả.

Có đức tin, phải biết chuẩn bị chết lành. Hãy tập từ bỏ mọi sự và ma quỉ, dâng mình cho Chúa.

 

LỄ GIỖ

Chết không phải là mất.

1. Một bé gái hỏi mẹ rằng bà ngoại mới chết hiện đang ở đâu. Mẹ đáp:-Bà đang ở với Chúa Giêsu trên Thiên đàng.

Hôm sau bà mẹ nói chuyện với bạn, tỏ ý đau buồn nhắc đến mẹ mình mới mất. Bé gái ngạc nhiên hỏi mẹ:-Khi mẹ mất vật gì, tức là mẹ không biết nó ở đâu, có phải không mẹ? Mẹ đáp:-Phải. Bé hỏi:-Mẹ biết là bà ngoại đang ở với Chúa, sao mẹ lại nói là bà mất ?

Bà mẹ chợt tỉnh, không đau buồn nữa mà ý thức rằng mẹ mình đang vui vẻ bên Chúa.

(Trích Truyện hay ý đẹp 3, trang 246).

2. Kính thưa Quí Ông Bà, Anh Chị Em,

a) Chết không phải là mất, mà chết là đi về, về với Đấng Tạo-Hoá-Cội-nguồn, nơi mình phát xuất ra; chết là về Thiên đàng hưởng hạnh phúc với Chúa.

Người trộm lành,-ta quen gọi là trộm lành-đã là trộm, sao lại lành được? Lành không phải vì anh ta lành thánh vô tội (chính vì tội mà anh ta bị đóng đinh), cũng không phải vì anh “điếc không sợ súng”, bị án đóng đinh mà hiên ngang không sợ chết; nhưng vì anh ta biết sám hối và cậy trông vào Ơn Cứu độ của Chúa. Chính Chúa trên Thánh giá tha tội và ban hạnh phúc Nước Trời cho anh: “Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ hưởng phúc trên Thiên đàng với Ta”. Lành vì được phúc của Chúa. Sau chết được về cõi phúc đời đời, gọi là Thiên đàng; chết rồi hưởng mặt Chúa, ở với Chúa sau khi được tha thứ. Gọi đấy là lành, vì chiếm được phúc thật.

b) Thánh Phaolô ý thức điều đó rất rõ, nên ngài nói: “Đối với tôi sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi!”. Nghĩa là gì ? Sống là do Chúa, bởi Chúa, nhờ Chúa mà có; vì Chúa mà sống. Chết là được Chúa, về với Chúa, “chiếm lĩnh” Chúa hoàn toàn nên là một mối lợi. Ngài còn nói: “Nếu Chúa muốn ngài tiếp tục sống ở trần gian này mà có ích cho anh em, thì ngài vâng ý Chúa mà sống. Còn nếu Chúa đưa về với Chúa, thì đấy là một phúc lợi cho ngài”.

Chúng ta hay than vãn, buồn sầu trước cái chết hoặc trước một số phận. Có khi vì chúng ta chưa ý thức rõ rệt điều đó; hoặc là có ý thức, nhưng đức tin chúng ta chưa đủ vững mạnh để tuyệt đối cậy dựa vào Chúa.

Một khi có Chúa mà Chúa là tất cả, là hạnh phúc tuyệt đối của ta thì sống hay chết không thành vấn đề phải lo âu. Sống mà sống trong Chúa, có Chúa là sống tốt, sống đẹp. Đáng ca tụng, đáng sống. Chết mà có Chúa, được Chúa là chết vinh quang, chết hạnh phúc. Còn sống mà không có Chúa thì chết quả là mất thực sự: mất Chúa, mất hạnh phúc.

Là Kitô hữu, chúng ta hãy tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Giêsu.Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta”. “Ta là Sự Sống lại và là Sự Sống. Ai tin ta dầu có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”.

Nếu vậy, chết đâu phải là mất mát để ta đáng phải mãi buồn.

 

LỄ GIỖ

1. Cuộc sống ở đời này - cuộc sống của thân xác chúng ta - thật mong manh, ngắn ngủi:

a) Thánh Kinh nói: “Đời người như hoa sớm nở chiều tàn”. Có những em bé chết yểu khi chưa nhìn rõ mặt cha, khi chưa cất tiếng gọi mẹ. Có những thanh niên đương độ xuân thì đã nằm xuống nơi chiến địa, trên công trường.

Thánh Thomas tiến sĩ chết : 49 tuổi; Nguyễn Huệ: 40 tuổi; Hàn mạc Tử: 28 tuổi; Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu: 24 tuổi ; Thánh nữ Maria Goretti: 12 tuổi và Chúa Giêsu: 33 tuổi.

Ngay cả chúng ta lúc này đang ngồi đây có gì là bảo đảm? Ngày mai, hay biết đâu chỉ vài giờ sau một cơn bệnh tật (trúng gió) hay một tai nạn sẽ cướp mất ngay lập tức sự sống thân xác này.

b) Người sống 70, 80 đã là thọ. Ông Cậu tôi sống góp mặt với đời được 61 tuổi đã là quí và cũng không thoát khỏi một thông lệ: cơn bệnh quái ác đã vùi dập số mạng. Ông Cậu tôi ý thức rõ: đời người quả mong manh, vắn vỏi.

c) Thế nên, người ta thèm sống, sợ chết. Ai cũng tham sinh uý tử.

Người ta không ngớt “chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu”. Trăm năm đời người có là gì so với thực vật: cây bách cây tùng (hàng mấy trăm năm). So với động vật: con rùa (sống hàng bao thế kỷ).

Cụ già tóc bạc da mồi vẫn ham sống, sợ chết. Đức Hồng Y Mercier sống 74 tuổi, khi thấy sự chết đến gõ cửa phòng, đã buồn rầu khóc than: “Ôi đau đớn thay, phải mang theo vào lòng đất bao nhiêu dự định”.

Có người sống lâu gia tăng công trạng như vua Đavit; cũng có người sống lâu chất chứa tội ác như vua Salômon. Có người qua đi muôn đời nhắc nhớ, tiếc nuối; có người còn sống đã khối kẻ oán hận rủa hờn.

Khoa học cố lắm cũng không ngăn con người khỏi chết, có chăng chỉ kéo dài cuộc sống thêm được chút ít thời gian nữa: năm 1850, trung bình con người sống đến 40 tuổi; năm 2000: hơn 60 tuổi.

Vậy phải chăng sống lâu không quan trọng bằng sống lành?

Phải chăng chết vinh hơn sống nhục?

Phải chăng sống ngọt sống bùi, dẫu ngắn ngủi cũng cao quí hơn, đáng ước ao hơn là sống dai dẳng mà sống khê sống sượng!

Cha ông vẫn nói: Thà rằng ăn nửa quả hồng,

Còn hơn ăn cả chùm sung chát lè !

2.Ông Cậu tôi chắc chắn giờ này hiểu rõ đời sống không hệ ở thời gian vắn dài, nhưng là ở phẩm chất của cuộc sống.

Ông hiểu rõ lời Phúc Âm: “Ai ham sống, sẽ mất sống” (Ga 12, 25). Còn ai mất mạng sống đời này vì Ta, tức vì Chúa, sẽ giữ linh hồn được sống đời sau.

Thật ra, chúng ta sợ chết vì chết gây chia lìa, xa cách người thân; chết khiến ta không đem theo được những cái cả đời ta mất công tìm kiếm, tích góp; chết mang theo một bí ẩn: ai có kinh nghiệm sau chết sẽ ra sao?

3. Chỉ mình Đức Kitô có kinh nghiệm này: vì Người là sự Phục sinh. Người duy nhất tự sống lại từ cõi chết. “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin ta sẽ không chết đời đời”.

Tội Ađam-Evà đã đem đau khổ, sự chết chóc vào trần gian.

Chúa Giêsu đã chết, chấp nhận chết thay để chuộc tội ta. Người không cứu ta khỏi cái chết thể lý, mặc dù Người có thể và Người đã bao lần làm phép lạ (bằng uy quyền Thiên Chúa của Người) làm hồi sinh sự sống thân xác. Nhưng bằng sự sống lại đã giải thoát ta khỏi chết muôn đời, nghĩa là khỏi sự chết thiệt mất phần linh hồn. Ta có tin vào Ơn Cứu Độ của Người không?

Nếu có, thì giờ đây ta hãy sốt sắng dâng lễ tế cứu độ của Người, để xin cho người thân yêu của chúng ta, linh hồn Giuse, khỏi chết đời đời.

 

Lễ Cầu hồn

Kn 4, 7-15

TUỔI GIÀ ĐÁNG KÍNH TRỌNG

1. Tại Quê hương Chúa Giêsu, cũng giống như tại miền Viễn Đông Việt Nam chúng ta, người ta vốn trọng tuổi già. Quả vậy, Thánh Kinh nêu bật và ca ngợi “tuổi già đáng kính trọng”. Quí lão nhân ở đời được nể trọng, không chỉ vì cao niên tóc bạc trường thọ, mà còn vì nhiều lý do khác nữa.

2. Tuổi già được coi là Ân huệ của Chúa, phúc lành của Chúa.

.Xưa: Nhân sinh thất thập cổ lai hy (sống 70 hiếm). Người nào thọ đấy là dấu Chúa ưu đãi họ.

.Già, được kính trọng, vì tuổi già khôn ngoan. Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Học cái kinh nghiệm của người già khi vào đời và hỏi cái thật thà của con trẻ lúc tại gia.

.Già đẹp lòng Chúa: không phải Chúa “kỳ thị” những tuổi khác và “thiên vị” tuổi già. Dù sao, già có một quá trình phục vụ Chúa lâu, đầy công phúc. Sống lâu lắm tội, nhưng sống lâu cũng dầy cơ hội lập công. Dĩ nhiên, không tính toán kiểu biệt phái, vì Ơn cứu độ vượt xa công trạng mỗi người.

.Tuổi già là một cuộc đời trong sạch.

Thanh khiết, sạch trong là cuộc đời của những con người biết chuẩn bị, trông chờ Ơn cứu độ như cụ ông Simêon, cụ bà Anna, cụ Abraham, cụ Noe, Tôbia cha…

Tất cả nêu gương đạo đức, phục vụ, sống liêm chính, hết lòng thờ phượng Chúa, trông cậy trong phó thác và vượt thử thách.

. Vì Chúa yêu dấu các cụ, nên ban Ơn giúp sức họ phòng tránh bao dịp hiểm nghèo, “kẻo gian tà biến đổi lòng họ, sự gian dối lừa đảo linh hồn họ”.

1. Cảm tạ những người cha, những bà mẹ, các bậc ông bà sống thọ.

Các Đấng dù đã khuất vẫn là Niềm vui, Niềm hãnh diện của con cháu hôm nay, nhất là nơi việc nêu gương sáng hằng ngày cho con cháu trước đây.

Nhiều dịp các Đấng đã góp ý với bao sáng kiến, góp công với bao nỗ lực xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian.

2. Xin cho các Ngài được hưởng lòng từ bi Chúa và được kể vào số những kẻ Chúa chọn.

3. Là con cháu, chúng ta noi gương đạo hạnh của các cụ. Quyết trung kiên với đức tin, đức cậy, đức mến. Giữ đạo son sắt một lòng như cụ Êlêazarô : Thà chết hơn làm gương xấu cho tuổi trẻ.

-Năng cầu nguyện cho người khác như cụ Abraham.

-Ý thức trách nhiệm dạy dỗ con cái bền tâm sống đạo, tha thứ cho kẻ xúc phạm như Thánh Phụng.

-Cậy trông Ơn cứu độ như cụ Simêon, để được cùng sum họp trong nhà Chúa đông vui với bao nhiêu cụ, giờ đã là Thánh cả.

 

LỄ AN TÁNG

Is 38, 1- 6.21- 22.7- 8

Mt 12, 1-8

Đầu lễ:

“Sống gởi, thác về”. Đúng, Bà cố Maria đã sống gởi thân xác ở trần gian này trong một quãng đời người 58 năm và nay Chúa gọi Bà cố về với Chúa. Trong ngày tiễn đưa Bà cố về gặp Đấng là Tình Yêu, là Hạnh Phúc tuyệt đối của đời mình, chúng ta không chỉ cầu cho Bà cố ra đi tốt đẹp, bình an và nghỉ yên trong Chúa, mà còn có dịp suy nghĩ về cuộc sống chết này và chuẩn bị cho cuộc ra đi gặp Chúa của chúng ta mai ngày nữa.

Giảng lễ:

I. Con người ham sống, sợ chết.

Con người ta, nói chung, đều ham sống và sợ chết.

1. Ham cuộc sống ở đời này: Có khi đời ban cho quá nhiều đặc ân đặc lợi, bổng lộc như đang sở hữu nhiều của cải, vị cao chức trọng, cuộc sống an nhàn hưởng thụ, khoái lạc vv… thành ra chết sớm thì tiếc xót vô cùng. Chẳng hạn vua Êzêkia trong bài đọc 1 chúng ta vừa nghe. Khi Chúa sai tiên tri Isaia đến nói với vua rằng: “Ông chẳng sống được bao lâu nữa đâu, sẽ chết thôi. Vậy lo mà thu xếp việc nhà việc nước đi thôi”. Nghe vậy vua đau đớn quay mặt vào tường, khóc nức khóc nở, có lúc gào to lên nữa. Nước mắt lã chã đầm đìa vì nuối tiếc cuộc sống tại thế này.

2. Bởi vậy, người ta sợ chết lắm: cứ nghĩ chết là hết, là chấm tận mọi sự, lìa bỏ mọi người thân yêu. Người ta cho cái chết là sự tàn bạo khủng khiếp nhất đối với thân phận một con người. Chết người đau xót ngàn vạn lần cháy nhà, mất của. Người ta còn truy tầm cả nguyên nhân cái chết và thường ra là đổ vạ cho bệnh tật. Nhất là những thứ bệnh trọng, trầm kha không thể cứu chữa. Như ung thư chẳng hạn: Bác sĩ, Khoa học vẫn bó tay…

Sách thánh nói rằng vua Êzêkia lâm trọng bệnh nguy tử là do một chỗ bị ung nhọt. Cái nhọt nào đến nỗi chết vậy? Tôi nghi là bệnh ung thư.

3. Nhưng nói cho cùng, bệnh tật dù nặng đến đâu đi chăng nữa, nhằm nhò gì với Chúa. Sinh thời Chúa Giêsu chữa đủ mọi loại bệnh tật: mù, câm, điếc, què, băng huyết… kể cả quỉ ám, kể cả hấp hối hay “lăn quay” ra rồi như con gái ông Zairô; nằm trong quan tài như con trai bà goá thành Naim hay muốn thối rữa trong mồ như Lazarô. Chúa muốn là chữa khỏi bệnh, Chúa muốn là cho hồi sinh sống lại ngay lập tức.

4. Thế nên bài đọc 1 còn muốn kín đáo nhắn nhủ chúng ta rằng: trước cái chết, đừng sợ. Hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa. Ngài là Đấng cầm quyền sinh tử, Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Sống chết là ở trong tay Ngài. “Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ sống”. Chúa nói với Martha như vậy.

Chúa biết rõ chúng ta tham sinh uý tử, ham sống sợ chết; nên trước những giòng nước mắt và lời cầu nguyện thảm thiết của vua Êzêkia, Chúa đã cho ông sống thêm 15 năm tại thế nữa. Còn che chở thành trì và vua khỏi rơi vào tay vua Assur xâm lăng. Thế mới biết Chúa thật độ lượng, thương xót chúng ta vô cùng.

Bà cố Maria cũng bị bệnh, trọng bệnh; nhưng Chúa vẫn để bà tỉnh táocó thời giờ chuẩn bị tốt cho sự ra đi quyết liệt của mình. Phải chăng đấy cũng là một ân huệ, một cách tỏ lòng thương xót của Chúa. Về điều này, chắc chắn con cháu chúng ta không hề ân hận.

Đối với Kitô hữu, đức tin nơi Chúa dạy cho biết chết không phải là hết. Bởi chết không phải là đích điểm tàn lụi, mà lại là bước khởi đầu của một cuộc gặp gỡ, của cuộc hưởng kiến hạnh phúc với Thiên Chúa.

II. Chết là gặp gỡ.

Đời người mãi là một hành trình không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Chết là trở về, là gặp lại vĩnh viễnbất khả phân ly với Đấng là Tạo Hoá, là Nguồn Cội của mọi loài.

1. Có điều, chết không hẹn giờ: Chàng rể là Chúa Kitô có khi đến chậm, nhưng lại đến thình lình, nên bắt buộc các cô phù dâu phải chuẩn bị thôi. Các cô khờ dại luýnh quýnh cả lên do thiếu chuẩn bị tốt. Sống là chờ đợi ngày giờ ra đi, và ra đi vì có ước nguyện, có hẹn hò gặp Đấng vô hình, Đấng mà cuộc sống tại thế này ta chưa hề giáp mặt. Vậy nên, muốn cuộc gặp gỡ diễn ra tốt đẹp, đúng thì cần chuẩn bị cho cuộc ra đi. Tôi tin Bà cố đã làm được điều đó. Đây là điểm chúng ta có thể vui mừng với Bà cố.

2. Hai môn đệ trên đường Emmaus thoáng nhận ra Chúa, nhưng rồi Người lại hẹn gặp nơi khác. Hẹn gặp là lẽ tất nhiên, một khi đã tin nhờ biết rõ Đấng đã chết nay sống lại rồi. Đấng ấy là Đấng Cứu độ giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, sự chết và nỗi sợ hãi. Chết để bước vào đời sống mới, đời sống phục sinh; nên chết là lúc khai mở cuộc sống bất diệt. Nó hoàn toàn khác biệt và cao cấp so với sự sống quá tầm thường, hữu hạn ở đời này, nên chẳng thiệt gì mà tiếc nuối cuộc đời này. Người khuất đi sẽ thay hình đổi dạng, chứ không hề bị tiêu diệt. Họ mặc chiếc áo mới được giặt trong máu Con Chiên chuộc tội, để đi vào cõi hạnh phúc đời đời. Đối với người tin và trung tín với Chúa, ngày chết lại là ngày “Sinh nhật Nước Trời”, như lời Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nói trên giường hấp hối: “Tôi không chết, nhưng đang bước vào cõi sống”.

Theo sau quan tài, chúng ta hay nghe kẻ than người khóc; nhưng dưới ánh sáng đức tin, tôi nghĩ bản thân người quá cố lại vui. Biết đâu giờ này Bà cố vui, vui thực sự vì thấy sống ở đời như thời gian thai nghén, chờ đợi trong quặn đau; giây phút chết đi là cuộc “vượt cạn” lần cuối, để sự sống vĩnh cửu bắt đầu sinh ra.

Thế nên, Vua Êzêkia, khi cầu nguyện với Chúa, đã khéo nhắc Chúa rằng “Xin Chúa nhớ cho, cả đời con đã trung tín và thành tâm bước đi trước Nhan Chúa”. Tôi nghĩ đây cũng là lời cầu nguyện của Bà cố khi ra đi, khi chuẩn bị gặp Chúa : cuộc gặp của người con trọn đời trung tín với Chúa đến hơi thở cuối cùng. Ai bền vững trong đức tin sẽ được cứu rỗi.

III.Gặp Đấng là Tình Yêu: điểm tựa cuối cùng xua tan sợ hãi.

Tìm và mong khắc khoải gặp Chúa thì khi được gặp sẽ sung sướng dường nào. Bởi cuộc gặp gỡ này không còn phân ly bao giờ nữa với Đấng là Hạnh Phúc đích thực.

Trong bài Tin Mừng, tôi mê nhất lời này: “Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu: Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông chẳng lên án kẻ vô tội”. Chúa khác chúng ta lắm, khác các ông biệt phái Do thái tối ngày chỉ dò xét, hạch sách, bắt bẻ, lên án kết tội. Chúng ta vừa nghe họ bắt bẻ các môn đệ Chúa lỗi luật ngày Sabát… Chúng ta cũng hay chấp nhất, kết tội nhau. Còn Chúa, Chúa khẳng định Chúa là Tình Yêu, Người chỉ muốn lòng nhân từ. Nên trước tội nhân bị tố cáo, Chúa sẵn lòng tha: Tội con đã được tha. Con về đừng phạm tội nữa”. Tin vào lòng nhân từ của Chúa, cũng có nghĩa là tin vào Ơn tha thứ cứu độ.Đức Tin của con đã cứu con”. Chúa thường động viên những kẻ vững lòng tin nơi Chúa như thế.

Ta không có lý do gì để sợ tội mình không được tha. Cũng không có lý do gì để sợ bị tiêu diệt, mất phần linh hồn, ngoại trừ cố chấp trong tội và cố tình bỏ Chúa. “Ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ sống và ai sống mà tin Ta sẽ không chết đời đời.

Tình yêu độ lượng của Chúa thôi thúc Chúa xử sự với chúng ta như vậy. Đang khi người Do thái cứ nghĩ rằng muốn làm nguôi ngoai lòng Chúa, thì cứ bám luật mà sống, cứ dâng lễ tế thật nhiều như thể lắm quà biếu xén, đút lót, hối lộ, Chúa sẽ mềm lòng bỏ qua tha hết cho họ. Thật ra làm thế là coi thường Chúa, xúc phạm đến tình thương vô cùng của Chúa và còn là dựa vào công trạng bổng lộc của mình nữa. Chúa đâu bắt lỗi Đavit và thuộc hạ, ngay cả khi họ phạm luật đã ăn bánh tiến trong Đền Thờ, thứ bánh chỉ dành cho tư tế.

Bởi cảm nghiệm được sâu xa lòng nhân từ xót thương tha thứ của Chúa, Thánh Augustinô đã nói: “Tôi sống mà tâm hồn cứ khắc khoải mong chờ mãi, cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa”. Các Thánh đâu có sợ chết!

Hôm nay chúng ta dâng lễ An táng, để tiễn đưa Bà cố Maria về Bến Hẹnchính Chúa. Tôi tin Bà cố sẽ được hưởng lòng nhân từ thứ tha cứu độ của Chúa. Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện với Chúa Cha thế này: “Con muốn rằng Con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho Con cũng ở đó với Con” (Ga 17, 24). Khi Chúa về cùng Cha, Chúa vẫn muốn sự có mặt của Bà cố Maria, của tôi, của chúng ta, của hết mọi người. Bao lâu ta chưa về trời, thì bấy lâu trong lòng Chúa vẫn có hình bóng ta, vẫn hẹn hò chờ đợi ta.

Bà cố hôm nay đi trước chúng ta và bên Chúa hưởng bình an, Bà cố lại mong chờ hẹn ngày sẽ gặp lại con cháu và chúng ta trong Chúa là Hạnh Phúc của tất cả.

 

LỄ GIỖ 2 NĂM

Đức Cố Hồng Y F.X.NGUYỄN VĂN THUẬN.

(Ngày 15.9.2004 tại Chapelle, 88 Avenue Denfert Rochereau, 14e arrond, PARIS)

Hôm nay là Lễ giỗ 2 năm của Đức Cố Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận. Cám ơn Cha Minh đã có nhã ý mời tôi chia sẻ một vài cảm tưởng riêng về Ngài dịp này. Tôi sẵn lòng, vì trước đây tôi cũng là chủng sinh của Địa phận Nha Trang, từng thọ ơn Ngài là chủ chăn rất nhiều.

Quả thực, Ngài là Vị Cha tinh thần mà cuộc đời đã để lại nhiều ấn tượng; sự ra đi gieo niềm thương nhớ luyến tiếc nơi nhiều người.

Cũng cám ơn Quí ông bà anh chị em sẵn lòng nghe những phát biểu còn non yếu, bất cập, thô thiển của tôi về Ngài. Vì nói về Ngài, lẽ ra cần nhiều Vị giảng thuyết hùng hồn tài ba.

1. Cảm nghiệm đầu tiên của tôi về Đức Cố Hồng Y Thuận: Đó là một con người sống đơn giản, không màu mè, kiểu cách.

Tôi không dám dùng chữ đơn sơ, vì sợ có người hiểu lầm bảo tôi đánh giá Đức Hồng Y đơn sơ như trẻ con. Ngài đơn giản, không màu mè ngay trong cung cách giảng thuyết của một Vị Chủ chăn : Ta nhớ Ngài đã đi đây đó giảng thuyết rất nhiều và thu hút người nghe.

Trước đây, khi còn ở Địa phận Nha Trang, tôi thấy cách giảng thuyết của Ngài thế này: Kể vài ba câu chuyện. Ví dụ chuyện thời sự quốc tế đây đó; rồi chuyện trong Nước; rồi chuyện ở một xứ đạo nào đó trong Giáo Phận. Những câu chuyện thường mang tính cách hài hước kín đáo hay chút hóm hỉnh. Người nghe cười nhẹ và có cảm giác ban đầu chẳng ăn nhập gì với nhau. Nhưng vài ba phút cuối, Ngài mới xâu kết ý nghĩa các câu chuyện lại với nhau theo một chủ ý muốn nói. Rồi dẫn đến kết luận gợi ý nhanh chóng và kết thúc.

Người nghe ngỡ ngàng cứ theo dõi, chờ đợi thêm. Rồi chưng hửng, thèm thuồng. Cách giảng ấy kích thích, bắt người nghe phải suy nghĩ bổ sung thêm về ý nghĩa của các câu chuyện và đâu là điều Đức Cha còn muốn nhắn nhủ thêm từ đó.

2. Đơn giản, vì Ngài không viết sách luận thuyết về Thần học hay hùng hồn diễn giải theo kiểu thường tình của các nhà thần học, thuyết giảng đại tài. Ngài viết trong những chương đầu của cuốn Chứng nhân hy vọng : «Con không quen nói nhiều về khoa học và thần học. Cha biết con chỉ là một cựu tù nhân»[1]. «Hãy nói như con cảm thấy. Hãy làm như Đức Giáo Hoàng đã  bảo con. Với tâm tình khiêm tốn đơn sơ!»[2

Thế nhưng, đơn giản không màu mè không có nghĩa là bên trong rỗng tuếch, nông cạn. Không có gì để nói. Không biết cách nói hay diễn tả. Nếu thế thì Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều có thèm gì muốn nghe và mời Ngài giảng tĩnh tâm vào năm 2000, năm khai mở thiên niên kỷ thứ ba!

Đơn giản mà vẫn không xa lìa Kinh Thánh, truyền thống Công Giáo và Giáo Huấn của Giáo Hội. Chính Đức Gioan Phaolô II đã khen ngợi Ngài, sau khi nghe giảng: «Hiền Đệ đã dựa vào Kinh Thánh & Giáo huấn của các Giáo Phụ, cũng như trên kinh nghiệm bản thân mà Hiền Đệ thủ đắc đặc biệt khi bị cầm tù vì Chúa Kitô và Giáo Hội của Người. Hiền Đệ đã làm nổi bật sức mạnh của Lời Chúa, Lời mà đối với các môn đệ Chúa Kitô vốn là sức mạnh của niềm tin, là lương thực cho tâm hồn, và là nguồn mạch tinh khiết và trường cửu cho đời sống thiêng liêng của họ»[3]

3. Đơn giản không có nghĩa là hững hờ, vô bổ, vô tích sự. Không quan tâm, lạnh lùng hay vô thưởng vô phạt.

a) Cuộc sống đơn giản của Ngài đã từng thấm sâu khi Ngài còn ở Việt Nam, ở Chủng Viện, ở Địa phận: Lần kia, có dịp dự bữa ăn ngồi gần Đức Cha. Dĩ nhiên ở tình huống đó, tôi bẽn lẽn, ăn ít và ăn chậm. Ngài ăn nhanh hơn. Nhưng vẫn để ý và sau đó, gắp bỏ cho tôi nhiều lần. Chờ tôi ăn xong, Ngài mới làm dấu kết thúc.Tôi cảm nhận thấy Ngài quan tâm đến Chủng sinh, Linh mục với tâm hồn người Cha và trái tim săn sóc của người Mẹ.

Cứ thế, các bài giảng thuyết đơn giản của Ngài đã lan tỏa sang tận Mỹ Châu Hoa Kỳ …và len lỏi vào cả lòng Đức Giáo Hoàng, Giáo Triều Rôma, trung ương Giáo Hội. Chỉ vì Ngài đã xác tín vào Tình Yêu đổi mới của Chúa Kitô, khai mở một nẻo đường hy vọng tràn trề cho mọi người bước theo.

b) Đơn giản mà không u uất thất vọng, đầu hàng đau khổ, cam tủi nhục đổi vinh quang tạm thời. Ngài xác định: «Tôi mang sợi giây này và Thánh giá này hằng ngày trên mình (sợi giây các Đức Giám Mục vẫn đeo), không phải để nhớ lại kỷ niệm ngục tù». Nhiều khi người khác nhớ lại uất hận, căm tức. Còn Ngài: «mà để giúp tôi luôn xác tín rằng…chỉ có Tình Yêu Chúa Kitô mới thay đổi được trái tim con người»[4]

Chính Tình Yêu Chúa Kitô đó đã làm mềm lòng những anh coi ngục. Có người đã để cho Ngài được viết sách tu đức khi bị quản thúc tại làng Giang Xá, để các Linh Mục ở cách xa Ngài cả 300 cây số đến gặp Ngài ban đêm để được nghe nói về Công Đồng Vaticanô II (vì trước ở miền Bắc không có ai dự CĐ Vaticanô II cả). Cán bộ coi tù dẫn Ngài đi xức dầu bệnh nhân ban đêm và cả nhờ ông ta, mà Ngài đã truyền chức Linh Mục cho nhiều chủng sinh các Giáo Phận gởi tới trong tù![5].

Rồi ngay cả khi cán bộ không biết phải viết báo cáo hằng tháng về Ngài ra sao, Ngài đã thảo giùm. Rồi anh ta ký. Cấp trên xem, khen, thưởng chai rượu cam. Đem về hai người uống chung với nhau: cán bộ coi tù và Ngài[6]

c) Đấy, đơn giản mà không rỗng tuếch, nhưng hữu hiệu: những con đường không hiểu được của Thiên Chúa! Ngay trong đớn đau, vẫn làm mục vụ, vẫn cậy trông. Vẫn gặp được an ủi. Vẫn hy vọng ngập tràn. Đơn giản, nhưng lại là chứng nhân của niềm tin và hy vọng.

Đức Thánh Cha kết luận về các bài giảng tĩnh tâm của Ngài : “Qua những lời huynh đệ và đầy khích lệ, Hiền Đệ đã dẫn đưa chúng tôi trên những nẻo đường hy vọng mà Chúa Kitô đã mở ra cho chúng ta… và kêu gọi chúng ta luôn canh tân trên bình diện bản thân và Giáo Hội”[7]4. Đơn giản mà vẫn hào hứng, đầy tính thuyết phục.

Đơn giản mà không ở nhưng, nhưng hoạt động như một chứng nhân tích cực. Và đơn giản mà vẫn không thấp hèn, tẻ nhạt ; nhưng ẩn chứa một ý chí cao thượng, tình cảm chân chính vĩ đại. Xin đan cử lời Ngài viết về Mẹ mình, bà cố Elisabeth : “Mỗi tối, mẹ dạy con những chuyện Kinh Thánh. Mẹ kể cho con lịch sử các Thánh Tử Đạo VN, nhất là về tổ tiên chúng ta. Mẹ dạy con yêu mến Tổ Quốc. Mẹ giới thiệu Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng như mẫu gương các nhân đức kitô giáo. Mẹ là phụ nữ mạnh mẽ đã chôn táng các anh em mình bị những kẻ phản bội thảm sát, những người mà Mẹ đã chân thành tha thứ sau đó, luôn tiếp đón họ như thể không có gì xảy ra. Khi con ở tù, Mẹ là nguồn an ủi nâng đỡ lớn lao cho con. Mẹ nói với mọi người : Xin cầu nguyện để con tôi được trung thành với Giáo Hội và ở lại nơi nào Chúa muốn”[8]

Đơn giản mà hòa quyệnbay bổng : những tâm tình yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội tột độ hòa quyện vào tình yêu đối với Tổ Quốc, dân tộc, gia đình…

5. Đơn giản nhẹ nhàng, mà vẫn sâu đậm lắng đọng :

Con có một Tổ Quốc VN, Quê Hương yêu quí ngàn đời. Một Nước VN, một dân tộc VN, một tâm hồn VN, một văn hóa VN, một truyền thống VN. Là người Công giáo VN, con phải yêu Tổ Quốc gấp bội[9]

Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận là thế. Đó là cảm nghiệm của tôi về Ngài: Một người VN yêu Tổ Quốc, yêu đồng bào. Một chứng nhân hy vọng, yêu Thiên Chúa, yêu Giáo Hội.

 

NHỚ VỀ LỄ GIỖ TỔ XUÂN BÍCH

21.11.2005

        Sắc XUÂN xưa rực trời quá khứ,

                    Màu BÍCH nay ngát ánh cậy, tin.

                    Dẫu đời bảy nổi ba chìm

                    Mẹ ôm hiện tại, Mẹ bồng tương lai.

*

     Hương XUÂN xưa quyện về chân Mẹ,

                    Hồn BÍCH nay cậy, mến dạt dào.

                    Đời con dẫu sóng ba đào,

         Vững tin nơi Mẹ xông vào tương lai.

                         Nắng Gia Liêm   05.11.05


1] Phanxicô Xavie NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng nhân hy vọng. Các bài giảng tĩnh tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma trong Nhà nguyện Mẹ Đấng Cứu Thế, [ Nguyên bản tiếng Ý, người dịch: Lm. Giuse Trần đức Anh, op. v Lm. Giuse Hoàng Minh Thắng ], Carthage, Missouri : Regina, 2000, tr. 17.

[2]Ibd.

[3]Ibd., p. 13. Đức Giáo Hoàng trích nguồn Dei Verbum 21.

[4]Trích dẫn câu ghi trên một bức hình của Ngài.

[5]Cf. Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN THUẬN, Op.cit., p. 199.

6]Cf. Ibd., p. 199.

[7] Ibd., p. 14.

[8] Ibd., p. 15.

[9]Trích dẫn câu ghi trên một bức hình của Ngài.


Các bài viết mới hơn
     LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI VÀ LỄ MÂN CÔI. Lm. Dom Vũ Đình Thái
     SỐNG MẦU NHIỆM GIÁO HỘI VÀ TINH THẦN PHỤNG TỰ. Lm. Đaminh. Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 10. Lm. Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 9. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 8. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 7. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 6. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 5. Lm Đaminh Vũ Đình Thái

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 3. Lm Đaminh Vũ Đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 2. Lm Đaminh Vũ đình Thái
     SUY NIỆM LỜI CHÚA 1 . Lm Đaminh Vũ Đình Thái