ĐOẢN KHÚC 33: MUỘN MÀNG
“Đêm đến, không ai có thể làm việc được nữa” (Yn 9:4).
Nói câu này, Chúa nhắc nhở môn đệ về thời gian. Ngày còn bé, ta mong thời gian chóng tới để mau làm người lớn. Tuổi xế chiều, ta mong thời gian chậm lại để khỏi mau chết. Đâu là mốc thời gian đưa ta lên, đâu là khởi điểm kéo ta xuống? Thời gian không lên tiếng nói. Người ta sống quá thường trong thời gian, vì thế người ta ít để ý về thời gian. Thực tế, giữa ta và thời gian là một tiếp cận cọ sát không ngừng. Một cuộc giằng co không ngơi nghỉ giữa sống và chết. Kinh nghiệm về thời gian thường là những kinh nghiệm nuối tiếc. Muộn màng.
Muộn màng trong thời gian vật lý là muộn màng không thể lấy lại. Người ta thường nhủ lòng mình bằng những lý luận xem ra là hay, nhưng xét kỹ hơn, có lẽ phải đặt lại cái nhìn. Thí dụ, hôm nay tôi không muốn đọc kinh, tôi thường nhủ lòng rằng ngày mai tôi sẽ đọc bù lại gấp đôi. Mỗi ngày tôi sản xuất hai ký bột. Hôm nay không làm thì ngày mai tôi sản xuất bốn ký, gọi là bù lại hai ký hôm qua. Rồi tôi hài lòng về thái độ ấy. Xét về số lượng theo kinh tế sản xuất thì xem ra đúng lắm. Và luận cứ này cho ta an tâm. Nhưng xét theo khía cạnh thời gian thì vẫn có những vướng víu, cần suy nghĩ lại.
Làm sao mà nói có thể “bù” được, mất là mất. Những gì mất ở hôm qua là hôm qua trọn vẹn không có. Hôm qua, trên khung cửi ấy không có đường tơ. Những mũi chỉ thêu trên tấm thảm hôm nay là của ngày hôm nay. Ta không thể lấy mũi chỉ ngày hôm nay, quay về may vào tấm thảm thời gian hôm qua.
Khi nói làm “bù” lại những gì hôm qua không làm, đấy chỉ là một cách nói an ủi lương tâm. Hành động làm “bù”, thật ra chỉ là làm “đủ” cái ta phải làm. Ly nước đã đầy thì người ta không thể đổ thêm. Khi đổ thêm được, đấy là dấu chỉ ly nước còn vơi, và phần đổ “thêm” ấy, chẳng phải là thêm, mà chỉ là “đủ” cho ly nước mà thôi. Thí dụ phải yêu và lòng hiếu thảo là một ly nước. Tôi phải sống trọn vện tình yêu, và lòng hiếu thảo ấy như một ly nước đầy. Hôm qua tôi đã không hiếu thảo đủ, hôm nay hối hận, tôi hiếu thảo “thêm”. Nếu hôm nay tôi hiếu thảo trọn vẹn như tôi phải sống, nghĩa là ly nước hiếu thảo hôm nay phải đầy, như thế, tôi hiếu thảo “bù” thêm vào đâu được?
Cứ thường, ta không sống trọn vẹn ly nước cuộc đời ta phải sống. Ngày nào nó cũng vơi. Ta không nhìn thấy cái vơi này. Thí dụ, hôm qua ly nước tình yêu trong gia đình của ta cạn mãi gần đáy: Có thể đó là lòng nhỏ nhen, là gay gắt, là không chung thuỷ. Lúc ấy ta mới giật mình. Nhìn lại tâm hồn, ta nhủ thầm, ngày mai sẽ bù lại bằng yêu thương nhièu hơn. Hôm sau, để “bù” lại, ta có yêu thương thật. Rồi ta thấy mình hân hoan thơi thới.
Thật ra, cái thơi thới hân hoan ấy chỉ là hành động sống đủ điều ta phải sống, chứ không bù thêm gì cả. Những gì đã mất vẫn mất. Nuối tiếc phần đã mất hôm qua làm ta chua xót, rồi sự chua xót ấy xát vào lương tâm làm ta hối hận. Cái đau nhức này là sức mạnh đẩy ta sống “đủ” điều ta phải sống hôm nay. Không có cái hối hận này, có thể ta lại chỉ sống nửa ly nước thôi. Ta không sống đầy ly nước cuộc đời mà ta phải sống. Hằng ngày, ta sống nửa chừng. Hôm trước quá vơi, hôm sau ta “bù” bằng cách sống đầy. Xét kỹ, ly cuộc đời, có thể là ly nước tình yêu, ly nước trách nhiệm, ly nước trí tuệ của mỗi ngày, nếu ta sống trọn vẹn như ta phải sống thì ly nước ấy tự nó đầy rồi, còn chỗ nào mà “bù” mà “thêm” được nữa.
Ngày rời làng quê, tôi như cây tre vừa chớm lớn. Ngày trở lại, hình ảnh cũ còn đó, mà sao đất trời đổi thay nhiều quá. Chung quanh không còn những cây tre già che gió. Biết bao người đã khuất bóng, về thế giới bên kia. Ai cũng có những dấu ấn thời gian trong đời sống. Nhìn lại những dấu ấn ấy cũng có lúc cần thiết. Bởi không có sống “bù”, sống “thêm” những gì hôm qua ta đã không sống, nếu không nhing lại dấu ấn quá khứ.
Tuổi thơ ai cũng có những kỷ niệm thật thơ bé. Tôi sán kỷ niệm này vào một chiều cuối hè. Nó ngủ yên lặng trong một trang vở đời sống. Ngày đó, tôi đến chào bác tôi về trường đi học lại. Tuổi thơ mà, trong hè rong chơi với nắng, với ruộng đồng cỏ dại, hết hè, bây giờ lại xa nhà, rồi bài vở thi cử, lòng sao bịn rịn. Những kỷ niệm bùi ngùi về tháng ngày nhập học, giờ nhìn lại thấy hồn nhiên làm sao. Nhưng kỷ niệm một chiều bên gốc cây đu đủ ở đầu nhà bác tôi, hôm nay nhìn lại không thấy êm ả. Nó ngủ yên trong trang vở cuộc sống đã mấy chục năm qua. Hôm nay, nó bóc đi cái hồn nhiên ngày cũ, thành cái muộn màng.
Cứ sắp hết hè là tôi phải đi chào mọi người trong gia tộc để đi học xa. Các Cha ở nhà trường dạy như thế. Thấy cháu lại sắp đi xa thì cô, dì, chú, bác nào cũng hay cho tiền để làm hành trang lên đường. Còn bé, nhưng tôi đã mơ màng hiểu thế giới của người lớn. Có người cho tôi tiền, nhưng mục đích là cho mẹ tôi hay để quà tặng ấy như món nợ nói thầm cho mẹ tôi biết mà xử thế. Còn riêng bac, bác gọi tôi ra gốc cây đu đủ ở đầu nhà, bác dúi vào túi tôi tờ 20 đồng. Bác khuyên tôi ngoan ngoãn và chịu khó học để sau được
”làm cha”. Bác không cho ai biết là bác cho tôi tiền. Tôi còn nhớ giọng của bác. Nó thành thật làm sao. Bác bảo không có nhiều tiền, khi nào có, bác sẽ cho. Bác làm tôi xúc động. Tôi tin lời bác ngay. Vì ai cũng thấy bác nghèo. Tôi vẫn thấy trưa nắng bác xách giỏ mò cua, tát cá ở những mương nước. Tôi nhớ rõ lắm cái dúi tay kín đáo ấy. Tôi nhớ rõ lắm cái giỏ tre và cái chậu nhôm để tát cá. Tôi nhớ rõ lắm cái nắng của một miền quê. Khi chợt nghe bác nói bác muốn cho tôi nhiều hơn mà bác không có. Lòng tôi chùng xuống. Tôi thấy cái nghèo trong gia đình bác bày ra trước mặt. Những cái ly cũ, cáu vết trà đựng trong chiếc đĩa nhôm không biết từ bao giờ. Mấy cái ghế đã phải dóng thêm nhiều đinh mà vẫn không chắc. Căn nhà xùm xụp tối. Chiếc màn gió ngăn riêng cái chái ngả màu, rách nhiều chỗ. Hình ảnh cuộc đời và căn nhà của bác tôi biết từ lâu, nhưng bấy giờ nó mới thổi mạnh và quất vào tâm thức tôi một thực tại rất cụ thể: Bác nghèo nhưng bác có tình thương đối với tôi. Tâm thức của tuổi thơ rất đơn sơ. Nó bảo tôi trả lại tiền cho bác đi. Tôi muốn ứa nước mắt. Tôi muốn bảo bác rằng: “Thôi, cháu không lấy tiền của bác đâu.” Nhưng tôi không nói được. Tôi không biết làm gì. Bác không cho thời gian để cái trí non dại ấy biết phản ứng. Bác xoa đầu tôi: “Cháu nhớ chịu khó học nhé.” Rồi đi vào nhà. Dường như bác cũng đọc được sự xúc động của tôi. Hay là bác cũng muốn tránh sự xúc động của chính bác vì thấy mình nghèo. Một tờ lịch rơi xuống vào lúc cuối ngày. Nhưng tờ lịch hôm đó không giống những tờ lịch khác. Có giọt nước mắt rơi theo.
Về nhà trường, những tuần lễ đầu, nhiều tối tôi suy nghĩ vì thấy bác tội nghiệp quá. Bác thương mình mà bác nghèo. Tôi không ngờ kỷ niệm đó theo tôi mãi. Tôi dán tờ giấy hai chục vào cuốn nhật ký linh hồn. Cuốn sách mà Cha linh hướng bảo tôi cố giữ, viết những gì xẩy ra cho linh hồn, viết mỗi ngày một đoạn tâm sự với Chúa. Cuốn sách bé với những cành hoa tôi nắn nót tô mầu ở mỗi đầu trang. Tờ giấy hai chục như một kỷ niệm trong hành trình tâm hồn của tôi tuổi mới lớn. Về sau này, tôi không còn tâm trạng hối hận, trách cứ mình sao đã không can đảm mà chối từ, dám nhận tiền của bác khi bác nghèo vậy. Tôi giã từ dần dần từng năm trung học. Cái suy nghĩ ngày xư bé ấy theo thời gian thay vào một bình an mới. Cuốn nhật ký linh hồn kia thành những trang sách kỷ niệm tuổi thơi tôi cất vào ngăn kéo của quãng đời thứ nhất.
Rồi đến ngày mặc áo dòng. Bắt đầu tập suy tư như người lớn. Có những ước mơ cho ngày mình làm người lớn. Có những ước mơ cho ngày mình làm người lớn. Khi rở lại cuốn nhật ký nhỏ, tôi ước mong có ngày là linh mục. Ngày đó, tôi sẽ khoe bác tờ giấy hai chục mà tôi đã ủi phẳng phiu giữ kỹ bao nhiêu năm. Nhưng thời gian có những định mệnh của nó. Tuổi trẻ ấy cũng là năm tháng của chiến tranh. Chẳng ngày nào không nghe tiếng súng vọng về. Rồi những gì phải đến đã đén. Sau những ngày lánh nạn, trở lại nhà xứ, tôi thấy đồ đạc vương vãi ngổn ngang khắp cả. Tôi giật mình nghĩ đến cuốn nhật ký. Không còn nữa! Những tấm hình chụp, tất cả những gì tôi viết về tuổi thơ của tôi đã cháy theo chiến tranh. Trên thềm cửa, chung quanh nhà thờ, dưới tháp chuông, chỗ nào cũng có vỏ đạn sáng tinh màu đồng. Những mũi đạn đã bắn đi thật xa rồi. Chỉ còn lại là những tút vỏ nằm im thôi. Đầu đạn đã bay đi những đâu. Có ai ngã xuống. Nào ai biết có những mũi đạn vô hình bắn vào tâm hồn tôi. Tôi không muốn tin là những tấm kỷ niệm, những dòng chữ viết về tuổi thơ tôi bị mất. Nhưng định mệnh không bao giờ lên tiếng, nó im lặng phũ phàng như thời gian. Cái mơ ước có này làm linh mục rồi khoe bác về hai chục đồng đó không còn nữa. Cuốn nhật ký với tờ giấy bác đã ra tro than, thản niên như sự chết. Tôi đứng giữa tro tàn nhìn lại thời gian mà thấy muộn màng mất rồi.
Thời gian bao giờ cũng có những nhiệm mầu khó hiểu. Mười mấy năm kỷ niệm ngủ bình an, ôm mơ mộng mị. Rồi, búng mẹ một tàn bụi rơi xuống đường, thời gian như bước chân quay gót đi. Tôi không thể tìm lại được kỷ niệm đó, ngoài những lúc nghĩ về quá khứ với tiếc nhớ của thời gian ghi dấu trong tâm hồn.
Rồi. Bỗng dưng một ngày tôi bỏ nước ra đi. Bỏ lại tất cả. Chỉ còn hành trang ước mơ là linh mục mang theo trên lối tôi đi. Một hành trình ra đi khó hiểu nhất trong đời. Tôi nghĩ không bao giờ có ngày gặp lại bác tôi nữa. Thời gian đưa đất nước vào những ngày nghèo đói. Tôi không biết bác làm gì để sống. Tuổi đời già yếu theo tan cau khô dần, lá trầu vàng rồi sẽ rụng xuống. Bác có còn xách chiếc giỏ tre đi tát cá ven đường? Đã xa quá rồi, tôi không thể hình dung được những gì xẩy ra ở nơi ấy.
Thời gian đến. Ngày thụ phong linh mục, tôi nhận quà tặng, nhận hoa chú mừng, nhưng tôi cứ nhớ đến hai chục đồng ở gốc cây đu đủ mấy mươi năm về trước. Buổi tối đó âm thầm làm sao. Rất vắng vì không ai biết.
Thời gian, có những muộn màng. Thời gian, có những hiểu biết vuột tầm nhìn. Rồi, một ngày không ngờ, tôi hồi họpp biết bao khi được trở về quê cũ lần đầu tiên. Trong những quà tặng, tôi nghĩ đến bác già yếu. Tôi mua cho bác quà gì đây? Tôi biết mình không thể nhắc lại kỷ niệm mấy mươi năm cũ vì bác già rồi. Đồng tiền đã cháy, chắc bác chả còn nhớ gì. Cài ngày tôi mới vào nhà sau gần 20 năm xa cách. Làm sao nói được. Có những khuôn mặt tôi thấy quen lắm mà không sao nhớ nổi. Ồn ào. Kẻ ra người vào. Cảm xúc mừng vui của dòng tộc. Con còn nhớ bác này không? Con có biết cô kia không? Trong cái tình cảm ồn ào ấy, tôi vẫn không quên người bác cũ. Tôi nghĩ bác phải già lắm rồi. Không biết ai là người đó trong đám đông hỗn độn này. Tôi đang có một trò chơi đi tìm người.
Tôi đợi cho những ngày đầu tạm trôi đi. Tôi chờ những con sóng tình cảm tích luỹ trong dòng tộc mười mấy năm qua dịu lại, rồi tôi sẽ thăm bác. Tôi sung sướng nghĩ bây giờ tôi có thể giúp bác một số tiền cho những ngày tháng cuối đời này của bác. Tôi sẽ im lặng giữ kỷ niệm cũ. Nhưng định mệnh có những nghiệt ngã riêng. Khi hỏi thăm thì người nhà cho biết bác ấy đã chết rồi. Câu trả lời như câu thông tin bình thường. Nhưng với tôi thì khác, tôi thấy bầu trời mang mây như những sợi tóc bạc ngậm ngùi. Những lá trầu trong liên tưởng của tôi về hình bác đã thực sự rơi tàn theo đất ẩm. Tính nhẩm ra, bác chết trước tháng ngày tôi thụ phong linh mục không bao xa.
Nhìn lại quá khứ đi qua. Tôi gọi những kỷ niệm ấy là muộng màng của thời gian.
Chúa hay nói về muộn màng của thời gian. Chẳng hạn câu chuyện người giàu có và Lazarô nghèo khổ. Chết rồi, người giàu kia đối diện cuộc sống vĩnh hằng của mình. Ông muốn anh em ông biết cuộc sống đời sau như thế nào để khi còn ở trần thế biết cách mà sống. Nhưng mọi sự đã xong. Ông muốn Lazarô đến cho mình chút nước để đỡ nóng. Nhưng trễ rồi: “Giữa chúng ta có một vực thẳm lớn, bên này muốn qua bên kia cũng không được.” (Lc 16:26). Rồi câu chuyện hồng thuỷ. Người ta ăn uống chơi bời, cho đến ngày Noe vào tàu mà họ chẳng biết. Họ bị hồng thuỷ cuốn trôi đi tất cả. Biết dòng nước dâng thì quá muộn. Câu chuyện mười cô trinh nữ đi đón chàng rể cũng thế. Năm cô khờ dại đem đèn mà không đem dầu theo. Lúc đi mua dầu thì chàng rể tới (Mt. 25:1-13). Trở lại, cửa đã đóng. Thời gian, ôi! Lại muộn màng nữa rồi.
Lạy Chúa, những giây phút con hay phủ lòng rằng con sẽ làm bù ngày mai điều con phải làm hôm nay là con đang dối lòng đấy thôi. Thiệt thòi biết bao. Xin cho con lấy những hối tiếc quá khứ mà cho lòng mình tiếc xót để con sống trọn một ngày con phải sống. Sống đầy ly nước tình yêu, ly nước lòng hiếu thảo, ly nước trí tuệ. Và, những muộn màng trong đời phải nhắc con đừng để muộn màng ngày cuối đời của mình, một thứ muộn màng thiêng liêng liên quan đến hạnh phúc đời đời.
Tác giả Nguyễn Tầm Thường, sj.