“CHỈ CÓ MỘT ĐIỀU CẦN THIẾT MÀ THÔI . . . ”
(Lc 10, 42)
Trong thế giới ngày nay, con người đã khám phá ra nhiều điều mới, phát minh ra những điều kỳ diệu trong phạm vi khoa học và kỹ thuật; sản xuất ra những đồ vật thật tinh xảo và dồi dào phong phú. Do đó, con người có dư dật các phương tiện làm cho đời sống dễ dãi hơn, có sự chọn lựa dễ dàng hơn và làm việc cũng bớt cực nhọc hơn. Ngay tại Việt Nam hiện tượng này cũng được nhận ra cách dễ dàng, cho dù không phải là mọi nơi và với mọi người, sự sung túc, giầu có, đều giống nhau. Nhưng điều này sẽ được sửa lại một cách dễ dàng, nếu xã hội tạo ra những cơ hội để mọi người có được công ăn việc làm, có đồng lương tương đối ổn định, hay thu hoạch khả quan, và khi thất thu vì những tai ương thiên nhiên, thì được xã hội nâng đỡ trong cuộc sống. Từ điều kiện sung túc và phong phú vật chất này, nơi con người tăng thêm lòng mong ước chiếm hữu và hưởng thụ. Đôi khi lòng mong chiếm hữu này còn đạt tới mức vô độ và qua những hành động thiếu công bằng, thiếu bác ái.
Trước hiện tượng và tâm trạng xã hội bên ngoài, lời kêu gọi của Phúc âm về thái độ khước từ của cải, từ bỏ vật chất, việc tách rời khỏi các tham lam vật chất, để thăng tiến mình và để phục vụ Nước Trời, trở nên thật xa lạ và khó chấp nhận. Điều này ảnh hưởng tới cả đời sống tận hiến nơi các linh mục hay tu sĩ. Từ sau Công đồng chung Vaticanô II, một vài thay đổi về cái nhìn đối với của cải, với đời sống khắc khổ hãm mình. Đời sống tu trì và tận hiến, cũng được nhìn lại, vừa để đi vào cái nhìn chung của Công đồng chung Vaticanô II về việc canh tân sinh hoạt của Giáo Hội và các phần tử của Giáo Hội, vừa làm cho cái nhìn về đời sống thánh hiến trong sáng và hấp dẫn, lối kéo thực sự, cũng như trở nên chứng tá về sự hiện diện của Thiên Chúa và các giá trị của Phúc âm trong thế giới ngày nay.
Trong bài này, tôi chỉ chú ý vào một khía cạnh của đời sống thánh hiến. Các suy tư này được kín múc lấy từ câu trả lời của Chúa Giêsu với Martha, khi Bà xin Chúa sai Maria đi giúp bà một tay, vì bà bận rộn, lo nhiều truyện. Bà Martha thưa với Chúa: “Xin Thày bảo em con giúp con một tay” (Lc 10, 40). Chúa Giêsu trả lời bà: “Martha, Martha, con lo lắng và bận bã nhiều truyện quá, chỉ có một điều cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và không bị lấy đi” (Lc 10, 41-42). Tiếng Latin nói: “Unum est necessarium”. Từ ngữ “unum” ( = “một cái, một điều”, thay vì dịch là “một sự vật, một thái độ duy nhất”, làm nhẹ đi tư tưởng của câu nói của Chúa Giêsu). Câu nói trên mô tả cái cốt lõi của giáo huấn mà Chúa Giêsu muốn dạy về về việc dứt bỏ vật chất để đi tìm điều duy nhất là Thiên Chúa. Đây là một lời khiển trách hay một lời xác quyết một chân lý cần được suy tư cho thấu đáo, và áp dụng vào đời sống thánh hiến và tu trì. Chúng ta không muốn bàn tới ở đây. Suy tư này còn được trợ giúp thêm với câu truyện chàng thanh niên giầu có đến xin Chúa Giêsu chỉ bảo con đường đạt tới sự sống đời đời, mà thánh sử Marco tường thuật lại trong Phúc âm của ngài, chương thứ 10, 17-31. Marcô ghi lại câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thanh niên, khi anh năn nỉ xin Chúa chỉ cho con đường đạt tới sự trọn lành, ngoài con đường giữ các giới luật (Torah) của Maisen để lại: “Anh chỉ thiếu một điều mà thôi, hãy về bán hết của cải rồi đến theo Ta”. Marco nói rõ: “Một điều còn thiếu cho anh mà thôi”, và thiếu điều này, thì cái mức độ hoàn thiện chưa thể nói tới. Như vậy chúng ta thấy cùng một ý nghĩa của hai câu nói trong hai bản văn của Luca và Marco, chỉ khác về cách diễn tả, một bản văn trình bày dưới hình thức tiêu cực: “một điều còn thiếu”; còn bản văn kia trình bày dưới hình thức tích cực: “có một điều cần mà thôi”.
Trong bài suy niệm này, chúng ta muốn gợi ý tới cái thiếu và cái cần thiết trong đời sống của người thánh hiến, tu trì (linh mục và tu sĩ): đó là “thiếu Chúa” hoặc “chỉ có Chúa mới cần thiết mà thôi”.
1. Cảm nghiệm của các Thánh
Đọc lại truyện các thánh trong Giáo Hội, chúng ta nhận ra các ngài đã cảm nghiệm được cái thiếu và cái cần thiết của đời sống con người, và đời sống thiêng liêng của các ngài. Vì thế các ngài đã lo đi tìm con đường lấp đầy cái thiếu và có được cái cần thiết cho cuộc đời của mình. Các ngài có một cuộc sống rất con người, và có khi còn ngược lại với lối sống của con người, ngược với đức tin nữa, như Saulê trước khi trở lại, như Augustinô trước khi lãnh nhận bí tích rửa tội, và bà mẹ Monica đã phải khóc nhiều vì Augustinô, con của mình; hoặc như Chân phước Charles de Foucauld, vị sáng lập Tiểu đệ Chúa Giêsu. Nhưng trong chính cuộc sống cụ thể, hiện sinh đó, nhờ ơn thánh Chúa và thiện chí đi tìm chân lý, các ngài nhận ra cái thiếu, và ước mong cái cần thiết cho cuộc sống của mình. Thế rồi tùy theo mỗi thời đại, việc thể hiện hành động tìm kiếm này khác nhau theo hoàn cảnh xã hội, bối cảnh tôn giáo và Kitô Giáo, cũng như tâm lý cá nhân, để lại những tấm gương sống động và hấp dẫn cho chúng ta.
Chúng ta có những vị tiền phong cho cuộc tìm kiếm cái cần thiết của đời sống, như Phaolô ẩn tu (236-347), thánh Antôn (251-356), rồi thánh Pacomio (286-346). Ba vị này sống bên Ai Cập, và từ cuộc sống an nhàn trong xã hội, các ngài cảm thấy cái thiếu và điều cần thiết nội tâm, nên đã đi vào sa mạc, tìm một lối sống trong thinh lặng, hãm mình và cầu nguyện, để tìm ra bóng dáng và sự hiện diện của Thiên Chúa, vị duy nhất cần thiết cho cuộc sống. Còn thánh Giêrolamo (347-420) đã sang Palestina, sống ẩn dật tại Belem, và từ cái thinh lặng này, ngài nhận ra Thiên Chúa duy nhất, sự cần thiết của Lời Chúa, từ đó chuyên chăm học tiếng Do Thái, để dịch Kinh thánh ra tiếng Latin, để lại cho chúng con đường chắc chắn, là Lời Chúa, dẫn đến Thiên Chúa.
Đáng chú ý nhất là Thánh Basiliô Cả (331-379), tại Cesarea de Cappadocia. Ngài đã thảo ra hai bộ luật (dài và ngắn) làm kim chỉ nam cho đời sống đan sĩ và tu trì trong các thế hệ sau. Ngài cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa và qua các Bộ luật, ngài muốn chỉ cho các thế hệ mai sau hiểu biết thế nào là điều cần thiết trong cuộc sống, và đời tu trì, sống theo luật lệ sẽ giúp đưa con người thánh hiến dễ dàng đến với Thiên Chúa. Điểm đặc biệt của linh đạo tu trì của thánh Basiliô Cả, đó là, đời sống tu trì, dưới bất cứ hình thức nào, không thể ở ngoài Giáo Hội. Vì thế ngài đã xin vị giám mục phê chuẩn bộ luật ngài soạn ra, cũng như việc khấn dòng được cử hành trước mặt vị giám mục.
Thánh Augustino trong tư cách giám mục thành Hippona, bên Phi Châu, đã sống đời tu trì và giáo sĩ, trong một cộng đoàn huynh đệ với các vị giáo sĩ khác, cùng nhau đi tìm Thiên Chúa và sống với Thiên Chúa. Từ cảm nghiệm siêu nhiên cá nhân và tập thể này, Ngài đã soạn thảo một bộ luật cho các thành viên của cộng đoàn của Ngài. Bộ luật này trở nên chỉ nam cho các bộ luật của các dòng tu giáo sĩ về sau này.
Tiếp theo là thánh Martino de Tours (316-397) đã quảng bá đời đan sĩ và tu trì bên Tây phương, nhất là tại Nước Pháp, với việc thành lập đan viện thứ nhất ở Pháp, tức là đan viện Ligugé. Ngài vừa sống trong cô tịch và vừa đảm nhận việc rao giảng bên ngoài. Chính ngài cũng đi rao giảng khắp nước Pháp chống lại các sai lầm lạc đạo vào thời đó.
Vai trò của thánh Gioan Cassiano (360-430) trong đời sống đan sĩ và tu trì cũng không kém quan trọng. Ngài sống nhiều năm bên Ai Cập như một vị ẩn sĩ. Sau đó thánh nhân sang Pháp, thiết lập hai đan viện Saint-Victoire, một cho đan sĩ nam, và nữ đan viện Saint - Sauveur. Ngài đã soạn thảo tỉ mỉ các sinh hoạt của đời sống đan sĩ trong cuốn Les Institutions monastiques và là người đầu tiên đưa ra nền thần học về đời sống đan sĩ.
Nhưng vị đáng nói cách đặc biệt hơn hết đó là Thánh Beneđicto (480-541), sáng lập Dòng Beneđicto với việc sáng tác bộ luật thời danh Beneđicto vào thế kỷ thứ V, Bộ luật mà Đức Giáo Hoàng Gregoriô Cả (540-604), một tu sĩ Dòng Beneđictô, và vị đan sĩ đầu tiên làm Giáo Hoàng, đã phổ biến cho cả Âu Châu, bên Pháp, Aí Nhĩ Lan (với thánh Colombano), Scotland. Cuộc sống của Thánh nhân và Bộ luật “Regula” của ngài ra đời vào thời gian đế quốc Rôma sụp đổ, vì thế đời sống chính trị cũng như đời sống giáo hội trở nên hỗn loạn. Nguyên tắc chỉ đạo trong Bộ luật của thánh Beneđicto (Regula sancti Benedicti) là làm sao để cộng đoàn tu sĩ sống như một gia đình theo tinh thần Kitô giáo: vị đứng đầu (abbas) là một người cha, các tu sĩ là anh em với nhau (fratres). Châm ngôn cho sinh hoạt cộng đoàn là cầu nguyện và làm việc (ora et labora). Nhưng nguyên tắc chỉ đạo thiêng liêng là: không được đặt gì trên Thiên Chúa.
Giáo Hội và xã hội trải qua một thời cực thịnh và hòa hợp dưới thời các Hoàng đế và với tính cách độc tôn của Bộ luật Beneđictô và các tu viện thuộc dòng Beneđictô. Nhưng từ thế kỷ thức 13, Giáo Hội mang một bộ mặt thiếu nét chứng tá phúc âm rõ ràng, nhất là phạm vi khó nghèo, từ các vị giám mục, các đan viện, kể cả các đan viện cải cách sau dòng Beneđictô, giữ nhiều tài sản, vì thế đời sống cũng có nhiều phóng túng, không hợp với tinh thần khó nghèo phúc âm. Từ đây chúng ta thấy phát sinh các dòng “Hành Khất”, như dòng Phanxicô (Thánh Phanxicô Assisi, 1182-1226), dòng Thánh Dominicô (1209-1255), Dòng Carmelo khởi đầu từ năm 1235, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Servi di Maria, từ năm 1240). Dần dần các Dòng “Hành Khất” này thành lập ở các thành phố và thi hành cả nhiệm vụ rao giảng, truyền giáo. Từ sự việc này người ta tranh luận về khía cạnh chiêm niệm và khía cạnh tông đồ và hoạt động của các dòng tu, nhất là các đan viện. Trước đây, hai đặc tính này chỉ là hai chặng đường của hành trình tiến tới bậc trọn lành, bây giờ, hai khía cạnh này lại là đặc tính của hai bậc tu trì khác nhau, như trong suy tư của thánh Tôma Aquino (1227-1274). Như vậy con đường bù đắp cái thiếu và đi tìm cái cần thiết được thể hiện qua hai lối sống, chiêm niệm và hoạt động, và do đó cũng có hai loại ơn gọi chiêm niệm và hoạt động tông đồ.
Dòng Tên Chúa Giêsu, với thánh sáng lập Inhaxiô de Loyola (1491-1556), đã cho một cái nhìn mới về đời sống tu trì, về đặc sủng và về lời đáp của con người trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Ơn gọi là do một cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, và của Chúa Thánh Thần và qua khẩu hiệu “Ad maiorem gloriam Dei” (= Để vinh danh Thiên Chúa mỗi ngày lớn lên hơn nữa). Mỗi cá nhân đáp lại với ơn gọi này và thực hiện trong cộng đoàn. Ngay trong hoạt động tông đồ tu sĩ Dòng Tên cũng theo cảm nghiệm về Thiên Chúa và vì thế người tu sĩ phải học làm sao để phân định ra cảm nghiệm này. Do đó cảm nghiệm về Thiên Chúa và phân định cảm nghiệm về Thiên Chúa là hai cột trụ của linh đạo Dòng Tên. Việc phân định cảm nghiệm này chắc chắn nhất là trong Giáo Hội, nên Dòng tên còn có một lời khấn thứ tư về vâng lời Đức Giáo Hoàng.
Trong số các Thánh Nữ chúng ta lưu ý tới Thánh Angela Merici (1474-1540), người Ý, sáng lập Dòng Ursulines. Dòng này đánh dấu một thay đổi lớn lao trong đời sống tu trì của nữ giới. Vì từ nay, dòng Nữ vừa có tính cách chiêm niệm, vừa có họat động tông đồ, thay vì chỉ sống đời chiêm niệm mà thôi.
Đó là một vài gương thánh cho thấy mối ưu tư của các vị sáng lập Dòng tu, từ đầu cho đến nay, là làm sao để Thiên Chúa trên hết và phục vụ Ngài cách không do dự, đắn đo hay tính toán. Trong đời sống cá nhân, các vị thánh đã cảm nghiệm sâu xa việc đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất của đời sống mình, và trong mọi sinh hoạt của đời mình. Tinh thần khởi hứng và chi phối các điều khoản của mọi Hiến pháp, Hiến chương các Dòng tu, là đặt Thiên Chúa trên hết, ở chỗ nhất. Sau đây chúng ta sẽ trình bày giáo huấn của Đức đương kim Giáo Hoàng Beneđicto XVI về việc bù đắp cái thiếu và đi tìm cái cần thiết trong đời sống tu trì, đan sĩ và tu hội đời.
2. Giáo huấn của Đức Thánh Cha Benedicto XVI
Khi trình bày giáo huấn của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI về việc bù đắp cái thiếu và đi tìm cái cần thiết chúng ta dựa vào một số các bài diễn văn của Ngài đọc trước các thành viên của Đại Tu Hội mà một số Dòng đến gặp Đức Thánh Cha tại Rôma, hoặc các văn kiện khác của Tòa Thánh, như của Bộ Tu Sĩ.
Với các thành viên tham dự Đại Hội của Dòng Tên ngày 21 tháng 2 năm 2008, tại Vaticanô, Đức Thánh Cha Beneđictô nhắc nhở cho các vị này về vai trò và giá trị hiện thực của Phương Pháp Linh Thao của Thánh Inhaxiô de Loyola để lại cho thời đại ngày nay. Vì Phương Pháp Linh Thao đem lại cho con người đang bị thế tục hóa, tương đối hóa, một mốc điểm chắc chắn để tiến lên trong đời sống đức tin, làm sao để Thiên Chúa chiếm chỗ nhất và trên hết trong cuộc sống. Đức Thánh Cha nói như sau: “Linh Thao là nguồn suối của linh đạo của Anh Em và là gốc ngọn phát sinh ra Hiến Pháp của Anh Em, nhưng đó cũng là ơn huệ Thánh Thần của Thiên Chúa ban cho toàn thể Giáo Hội: vì thế bổn phận của Anh Em là tiếp tục làm cho Linh Thao trở nên dụng cụ quý báu và hữu hiệu để làm thăng tiến đời sống siêu nhiên của các linh hồn, giúp họ đi vào con đường cầu nguyện, suy niệm, trong thế giới bị tục hóa này mà trong đó Thiên Chúa hình như trống vắng . . . Trong một thời đại, như thời đại ngày nay, trong đó tình trạng hỗn độn và có nhiều sứ điệp từ đâu gửi tới, các hoàn cảnh lại thay đổi một cách thật mau lẹ, điều này gây ra khó khăn thật lớn và đặc biệt với các người đồng thời với chúng ta có thể xếp đặt lại cho thứ tự cuộc sống của mình và biết cương quyết và hân hoan đáp lại tiếng gọi mà Thiên Chúa gửi đến mỗi người chúng ta, thì Linh Thao hiến tặng một con đường và một phương pháp đặc biệt quý hóa để đi tìm và gặp được Thiên Chúa, trong chính chúng ta, chung quanh chúng ta và trong mọi sự, để có thể nhận ra thánh ý của Ngài và đem ra thực hành”. Qua đoạn văn này, chúng ta nhận ra một vài nét liên quan tới bài suy tư của chúng ta: đó là hiện tượng trong thế giới này Thiên Chúa hình như trống vắng . . . và việc chính yếu căn bản của con người là đi tìm và gặp được Thiên Chúa, trong chính chúng ta, chung quanh chúng ta và trong mọi sự, để có thể nhận ra thánh ý của Ngài và dem ra thực hành“ (Báo Sequela Christi, số 1, 2008, tr. 51-55, tr. 55). Đúng vậy, Thiên Chúa phải có mặt trong thế giới này, nhưng Ngài lại vắng bóng, hình ảnh của Ngài thực sự trống vắng. Và vì thế Giáo Hội, và chúng ta cùng với Giáo Hội, phải giúp con người đi tìm và gặp được Thiên Chúa. Lời than phiền và kêu gọi này gửi tới mọi người trong Giáo Hội, đặc biệt với các tu sĩ, các người thánh hiến, những người đã dâng hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, để hằng ngày đi tìm dung nhan của Ngài mà thôi (coi Thánh vịnh 67 (66), 2). Linh Thao của Thánh Inhaxio de Loyola, là một trong những phương tiện, trong nhiều con đường linh đạo khác giúp chúng ta thực hiện điều chính yếu của đời sống chúng ta, đó người ta nhận ra cái thiếu Thiên Chúa và đi tìm cái cần thiết, phải đi tìm Ngài là Đấng duy nhất chúng ta phải tôn thờ.
Rồi trong cuộc gặp gỡ các thành viên Tổng Tu Nghị Dòng Don Bosco, ngày 31-3-2008, Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, cũng nhấn mạnh về chỗ đứng nhất của Thiên Chúa trong đời sống người tu trì Salesiano. Thiên Chúa không thể thiếu vắng trong cuộc đời của họ. Phần người tu sĩ Salesiano cũng phải luôn đi tìm Thiên Chúa, điều này được Đức Thánh Cha coi là bổn phận tiên quyết và quan trọng nhất. Tôi xin trích dịch phần bài diễn văn liên hệ tới chủ đề này như sau: “Thưa các thành viên Tổng Tu Nghị Dòng Salésien quý mến, . . . Với chủ đề “Hãy cho tôi các linh hồn, còn các điều khác, thì lấy đi”, Tổng Tu Nghị của Anh Em đề nghị ra điều này là làm thế nào làm cho sống lại nơi mỗi thành phần Salésien và trong tất cả Hội Dòng, sự hăng say tông đồ. Điều này giúp nhận ra dễ dàng hơn tính cách đặc biệt của chân tướng một tu sĩ Dòng Salésien, làm sao để họ luôn ý thức hơn nữa về căn tính của mình như là một con người thánh hiến vì vinh danh Thiên Chúa” họ luôn được hun đúc bởi nhiệt huyết mục vụ “vì phần rỗi các linh hồn”. . . . Tât cả Hội Dòng phải liên tục hướng tới “việc tưởng nhớ lại một cách sống động cách thế sống và hành động của Chúa Giêsu như Ngôi Lời nhập thể trước mặt Chúa Cha và trước mặt anh em mình” (Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 22).
Chúa Kitô phải là trung tâm của đời sống chúng ta !. Phải để cho Ngài nắm chắc lấy chúng ta và tất cả phải luôn phát xuất từ Ngài. Tất cả những điều khác phải được coi như là “một sự mất mát đi đứng trước sự nhận biết cao cả của Chúa Kitô Giêsu” và mọi sự phải được coi là “rơm rác, để chiếm được cái lợi là Chúa Kitô” (Pl 3, 8). Từ đây nảy sinh tình yêu với Chúa Kitô, khát vọng làm sao để nên một với Ngài khi việc có được cùng một tâm tình và cách sống của Ngài, qua việc từ bỏ với lòng tin tưởng phó thác vào Chúa Cha, qua việc hăng say lo cho sứ vụ truyền giảng Tin Mừng, điều làm nên mỗi người Salésien: họ phải cảm thấy rằng mình được chọn để đi theo Chúa Kitô vâng lời, khó nghèo và trong sạch, theo giáo huấn và gương lành của Thánh Don Bosco . . . Vì thế Tôi xin Anh Em hãy giúp các Anh Em của mình luôn giữ và làm sống động sự trung thành với ơn gọi của mình. . . . Vì thế “đời sống thiêng liêng phải chiếm chỗ nhất trong chương trình” của Hội Dòng của Anh Em (x. (Tông huấn Đời sống thánh hiến, số 93). Lời Chúa và Phụng Vụ phải là nguồn suối của linh đạo salésien ! Đặc biệt là việc đọc Lời Chúa với cầu nguyện (Lectio divina) hằng ngày mỗi tu sĩ Salésien thực hiện, và Thánh Thể, được cử hành mỗi ngày trong cộng đoàn, trở nên của nuôi dưỡng và sự trợ giúp cho họ. Từ đây mới phát sinh ra linh đạo nhiệt huyết tông đồ và tình hiệp thông trong Giáo Hội” (Báo Sequela Christi, số 1, 2008, 56-60, tr. 57. 58). Nếu đọc tất cả bài diễn văn này, chúng ta có cảm tưởng, qua các tu sĩ Salésiens, Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tu sĩ, các người thánh hiến, đừng vì lý do gì mà nghi ngờ về ơn gọi tu trì của mình, cũng đừng chán nản buông xuôi trong đời thánh hiến. Liên hệ với chủ đề của chúng ta, lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha gửi tới các Tu sĩ Dòng Salésien, ngoài những điểm riêng biệt của Dòng, đã nhấn mạnh tới việc họ phải đặt Chúa Kitô là trung điểm của đời sống và tất cả đời sống, hoạt động tông đồ mục vụ, của người tu sĩ Salésien nói riêng và tu sĩ nói chung, họ phải phát xuất từ Chúa Kitô và nuôi dưỡng bằng tình mến yêu Ngài. Để được như thế Đức Thánh Cha nhấn mạnh lại các phương thế truyền thống trong đời sống tu trì phải thực hiện, đó là cầu nguyện, đọc Lời Chúa, tham dự Thánh Thể và Phụng vụ, và các việc đạo đức khác. Các việc này phải được tuân giữ cách hết sức trung thành để có thể giúp họ bù đắp cái thiếu và đi tìm cái cần thiết của đời sống tu trì và thánh hiến: tức là Thiên Chúa và công việc của Ngài.
Với hai trích dẫn các lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Beneđictô XVI với Dòng Tên và Dòng Salésien, chúng ta có thể nhận ra giáo huấn của Đức Thánh Cha về chỗ đứng nhất của Thiên Chúa trong đời sống tu trì và thánh hiến, và từ đó, sự thánh thiện, đời sống đạo đức thiêng liêng cần phải lưu ý và trung thành thực hiện do các người thánh hiến. Người tu trì được kêu mời để sống cho Thiên Chúa mà thôi. Đó là hệ luận của ơn gọi mà họ đã tự do chọn lựa và tuyên khấn. Từ đây họ kín múc được năng lực cần thiết cho việc tông đồ.
3. Một vài nhận xét cá nhân
Một câu hỏi rất thức thời
Trong một thế giới tục hóa và có nhiều thay đổi lớn lao và nhanh chóng về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế, và với cái nhìn mới về môi sinh, và việc toàn cầu hóa, chính người tu sĩ tự hỏi mình: tôi là ai trong xã hội và trong Giáo Hội hôm nay? Câu hỏi này xem ra có vẻ thừa, và vô nghĩa, vì họ vẫn hiện diện và làm việc trong các môi trường tu trì, và vẫn được kính nể trong các môi trường đó hay ngoài xã hội.
Tuy nhiên câu hỏi này cũng được đặt ra vì nhiều lý do khác nhau, ngay từ thời sau Công đồntg chung Vaticanô, với cái nhìn mới về sinh hoạt của Giáo Hội, và sau cơn khủng hoảng chung trong Giáo Hội tiếp theo Công đồng. Câu hỏi này được đặt ra nhất là nơi những người trẻ đang đi tìm con đường ơn gọi thánh hiến và tu trì. Các nhà xã hội đặt câu hỏi về các kết quả thăm dò và con số giảm sút của tu sĩ làm cho người ta nghi ngờ về căn tính và giá trị của người tu sĩ. Ngay cả tại Việt Nam điều này cũng được nhận ra phần nào, và rồi mỗi ngày thêm rõ ràng hơn.
Câu hỏi này được đặt ra, vì những khó khăn gặp phải trong sinh hoạt tông đồ và trong đời sống cộng đoàn, vì thiếu thông cảm giữa các thế hệ trong Dòng Tu. Câu trả lời chỉ có là hãy kiên nhẫn và tin vào ơn của Chúa, mà quên trả lời rằng: họ chưa đặt Thiên Chúa vào chỗ nhất và trung tâm điểm đời sống mình. Ngay vấn đề quyền bính cũng cần được đặt lại để hiểu cho đúng (xem Huấn thị của Bộ về Hiệp Hội đời sống thánh hiến và hiệp hội tông đồ, Phục vụ của quyền bính và việc vâng lời, Lạy Chúa con tìm kiếm dung nhan Chúa, ngày 11-5-2008). Có những lúc người ta không dám đặt ra câu hỏi này, vì có một mối lo sợ bàng bạc cho cuộc sống bấp bênh sẽ xẩy ra, và họ để yên và sống trôi qua.
Mỗi nơi trong Giáo Hội có đặt câu hỏi này và theo cách thế khác nhau, cũng như có những câu trả lời khác nhau. Bao nhiêu phân tích về mặt xã hội, nhân chủng, tâm lý, tu đức, đức tin, được thực hiện, để cho thấy được cái mấu cớ của việc giảm sút trong đời tu trì, kể cả lượng và phẩm. Những đại hội, chia sẻ, về vấn đề, đều nhắm cho thấy rõ vấn đề và lối giải quyết vấn đề. Nhưng vấn đề vẫn còn nguyên. Từ đây phát sinh một thái độ bi quan và điều này gây thiệt hại lớn cho sinh hoạt tu trì. Chính vì quên chỗ đứng trung tâm của Thiên Chúa trong cuộc sống thánh hiến.
Ơn gọi nơi người trẻ Á Châu
Chúng ta đưa mắt nhìn qua về người trẻ tại Á Châu (xem bài viết của Nữ tu Bernadette Sangma, F.M.A., Il mondo giovanile nella vasta e pluriforme culturadel Continente asiatico, trong Báo Sequela, số 2007/01, trang 259-265). Một số trong họ sẽ đáp lại tiếng Chúa gọi để sống đời tu trì, thánh hiến. Theo thống kê thì trong số 1 tỉ người trẻ trên thế giới, thì hơn 60% người trẻ sống tại lục địa Á Châu. Như vậy người trẻ không chỉ là tương lai của nhân loại, mà ngay bây giờ họ cũng là thành phần then chốt của Á Châu. Từ đây thì Giáo Hội tại Á Châu không phải chỉ là Giáo Hội trẻ, mà cũng sẽ là Giáo Hội của những người trẻ. Nơi người trẻ Á Châu, người ta nhận thấy họ sống trong môi trường của những nền văn hóa đã có từ mấy ngàn năm, họ chịu ảnh hưởng của các giá trị tôn giáo lớn phát xuất từ Á Châu, như Do Thái Giáo, Kitô Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, và các truyền thống tôn giáo như Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Zoroastro, Sikh, Jainisme, Shintoisme. Ngày nay họ còn bị trào lưu duy vật và hưởng thụ ảnh hưởng rất nhiều. Người trẻ tại Á Châu bị buộc sống trong cảnh nghèo túng và muốn di đi nơi khác để đời sống được tươi đẹp hơn, dễ dàng hơn. Rồi các giá trị văn hóa, xã hội và tôn giáo cũng đang đổi thay, điều mà chúng ta phải lưu ý khi tiếp cận với người trẻ Á Châu. Họ như mất đi các giá trị văn hóa cũ, mà lại chưa sắm cho mình các giá trị văn hóa chân chính khác. Tuy nhiên các nhà chuyên môn về tôn giáo tại Á Châu nhận định nơi người trẻ tại Á Châu mang trong mình một mầm mống đức tin nào đó về Thiên Chúa, mà một khi được khơi dậy, đức tin này sẽ phát triển tốt đẹp. Từ đây tôn giáo dễ ảnh hưởng, các nhà truyền giáo, cũng như các nhà giáo dục, dễ truyền đạt đức tin và các giá trị cao đẹp, và như vậy các nhà giáo dục đời sống tu trì cũng có cơ hội đưa mầm mống ơn gọi cho họ. Nhưng phải làm thế nào để niềm tin vào Thiên Chúa được sáng tỏ rõ ràng, để họ hiểu rằng chỉ Thiên Chúa mới làm thỏa mãn những gì họ mong muốn cho cuộc đời. Như vậy thửa đất đã sẵn và công việc của Giáo Hội sẽ được thực hiện theo sự khôn ngoan và kiên nhẫn, như người gieo giống trong Phúc âm (xem Mc 4).
Truyền thống và canh tân
Để trả lời cho vấn đề khủng hoảng trong Giáo Hội, chúng ta theo phương pháp phân tích mà Đức Giáo Hoàng Beneđicto XVI đã đưa ra trong việc hiểu cho đúng Công đồng chung Vaticanô II (xem bài Diễn văn sau khi được bầu làm Giáo Hoàng trong Thánh Lễ Khai mạc sứ vụ mục tử toàn cầu của Ngài), và nhất là trong bài diễn văn đọc trước Hồng Y đoàn đến chúc mừng Ngài, dịp Giáng Sinh năm 2005, ngày 23-12-2005). Chìa khóa của việc giải quyết vấn đề là trung thành với truyền thống của Giáo Hội và có canh tân, tiến bộ trong sinh hoạt của Giáo Hội. Hai tiêu chuẩn: truyền thống và sáng tạo, đó là nguyên tắc giúp chúng ta giải quyết vấn đề khủng hoảng trong Giáo Hội. Nhiều người đã quên hay bỏ hẳn truyền thống, và chỉ lưu ý tới những cái mới lạ và tạo ra những điều mới lạ. Có người chỉ chỉ bo bo nắm lấy truyền thống mà không nhìn vào thực tế đang biến chuyển về mọi mặt. Ở đây chúng ta thấy cái khó trong mọi hoàn cảnh của Giáo Hội và các môi trường khác của Giáo Hội, làm sao có được cái nhìn quân bình này: vừa trung thành với truyền thống, và vừa có óc canh tân sáng tạo. Làm sao có được những người có được cái nhìn quân bình này. Công đồng chung Vaticanô II đã đưa ra đường hướng cho đời sống tu trì trong thời đại mới: hãy trở về nguồn gốc của mình và trung thành với đặc sủng của mội Hội Dòng, và lo canh tân theo các chỉ dẫn của Công đồng, như được đề ra trong Hiến chế về Giáo Hội, về Phụng vụ, về Lời Chúa, về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Sắc Lệnh Đức ái toàn hảo, Sắc lệnh về đời sống và chức vụ của linh mục, Sắc lệnh về việc huấn luyện linh mục, và các Sắc lệnh khác, như về truyền giáo . . .
Cái nhìn của đức tin
Khi chúng ta đọc một số bài diễn văn của Đức Thánh Cha Beneđicto XVI, chúng ta có thể nhận ra thái độ đức tin này. Ngài thường phân tích vấn đề, đưa ra các lý chứng của lý trí, của khoa học nhân bản, và sau cùng là cái nhìn đức tin của người Kitô hữu. Ngài không sợ các khó khăn và đương đầu với các khó khăn, hay với các khía cạnh tiêu cực xẩy đến, như lực lượng chống đối Giáo Hội, từ nhiều phía, hoặc những suy giảm trong Giáo Hội, cho dù Giáo Hội có thể trở thành “số sót”, như Kinh Thánh nói về Israel. Sau cùng Ngài đưa ra một xác quyết đức tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa và hành động của Thiên Chúa trong lịch sử. Và như vậy Giáo hội không có lý do gì để sợ hãi, mà phải luôn tin tưởng vào Thiên Chúa. Niềm tin này không miễn trừ cho Giáo Hội phải làm việc, đưa ra các sáng kiến, đối thoại, tìm ra các phương thức sinh hoạt theo kịp đà tiến của nhân loại và xã hội. Và để có ơn Chúa và sự trợ giúp của Thiên Chúa, Giáo Hội phải quỳ gối thờ lạy, phải cầu xin, phải chạy đến với Chúa, như các Thánh Tông đồ xưa, đến đánh thức Chúa dậy, và xin Chúa cứu chữa khỏi sóng gió (x. Mt 8, 25). Như vậy lời cầu nguyện luôn là việc làm song song hay là điểm kết của mọi phân tích, chọn lựa cho vấn đề, vì “không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được”(Ga 15, 5). Đức Thánh Cha khuyên bảo các linh mục, khi lo sợ cầu nguyện thì không làm hết việc mục vụ. Nhưng Đức Thánh Cha trả lời: việc cầu nguyện, dành thời giờ để cầu nguyện, cũng là một phần, và là phần chính yếu của hoạt động mục vụ của các linh mục. Vì linh mục như người cầu bầu cho Dân, như câu Xướng Đáp Kinh chiều II, sau bài đọc Lời Chúa, Phần chung các thánh mục tử đọc như sau: “X. Đây là người đã sống hết tình với anh em, và cầu nguyện nhiều cho dân chúng. Đ. Đã hy sinh tính mạng vì anh em.
Tóm lại khi người tu sĩ không để thiếu Chúa trong cuộc sống của mình và lưu ý tới điều cần thiết cho đời sống của họ, là Thiên Chúa chiếm chỗ nhất, thì họ hạnh phúc sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, họ có khả năng tự giải quyết mọi khó khăn trong đời sống tu trì. Trong ơn thánh Chúa, đời sống tu trì sẽ vững mạnh hơn mỗi ngày, sẽ trưởng thành hơn và có được ánh sáng đức tin để nhìn, để phán đoán và giải quyết các vấn đề.
Như vậy cuối cùng thì vấn đề được kết luận là đời sống tu trì và thánh hiến phải đặt điểm then chốt đó là chỉ có một điều cần thiết mà thôi, một điều luôn thiếu và một điều phải đi tìm luôn trong đời thánh hiến tu trì: THIÊN CHÚA PHẢI Ở TRÊN HẾT VÀ CHIẾM ĐỊA VỊ CHÍNH TRONG ĐỜI SỐNG TU SĨ.
Rôma, ngày 2-2-2010: Ngày Đời sống thánh hiến.
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả