PHỚT
LỜ LƯƠNG TÂM
“Vua
sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa”.
Kính
thưa Anh Chị em,
Câu
chuyện về cái chết của Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhận
định phản ứng của hai con người, vua Hêrôđê và bà Hêrôđia; những con người ‘phớt
lờ lương tâm’.
Khi
nghe những lời nhắc nhở trực tiếp của Gioan Tẩy Giả, “Vua không được lấy vợ anh
mình”, Hêrôđê cũng thích nghe và có chút phân vân. Điều đó cho thấy lương tâm
ông vẫn còn, nó đang lên tiếng và đang hoạt động. Tiếc thay! Tiếng nói kia quá yếu
ớt, quá nhỏ, đó chỉ là tiếng thều thào giữa một rừng âm thanh sôi động cuốn hút
hơn; âm thanh của sắc dục, âm thanh của vũ trường, tiệc tùng; âm thanh của
thách thức danh dự. Phải, Thiên Chúa luôn tìm cách khơi gợi trong tâm hồn chúng
ta qua những con người, những biến cố, đôi khi rất đỗi trầm lắng nhưng thi thoảng
cũng rất hãi hùng; đó có thể đó là một cuốn sách hay, một bài suy niệm, một kỷ
niệm, một cảm giác phân vân, một gương sáng hay thậm chí, một tai nạn… Thế
nhưng, điều quan trọng là tâm hồn chúng ta có đủ nhạy bén, đủ rộng mở, đủ lắng đọng
để tiếp tục đón nhận, đào sâu và nghiệm ra cho đời mình một thông điệp, một ý
nghĩa nào đó hay không; hoặc khác nào Hêrôđê, chúng ta vẫn ‘phớt lờ lương tâm’,
để rồi, tất cả lạc trôi ơ hờ.
Khác
với Hêrôđê, bà Hêrôđia không hề hời hợt nhưng phản ứng của bà là cảm thấy tức tối,
căm thù vì những lời cảnh tỉnh ‘trần trụi’ của Gioan; không chỉ ‘phớt lờ lương
tâm’, đúng hơn, bà đã giết chết lương tâm, lương tâm bà không còn. Từ đó, mối bận
tâm của bà là xoá sổ Gioan, giết chết Gioan. Mối thâm thù ấy, nỗi bận tâm ấy đã
trở nên một ám ảnh; điều đó được thấy trong câu trả lời của bà cho Salômê, con
gái mình; lạnh lùng, quyết đoán và gọn lỏn, “Xin đầu của Gioan”.
Sự
thật và sự thiện chỉ có đất sống nếu lòng chúng ta biết yêu quý cũng như biết
nuôi dưỡng nó. Để sự thật và sự thiện có thể lớn lên, chúng ta xét xem điều gì
đang vướng bận trong tâm hồn mình. Điều vướng bận đã nằm ở đó bao lâu và liệu
chúng ta có đủ nghị lực để cầu nguyện, van xin, hầu giải gỡ nó cho con tim mình
thanh thản không; trước một vướng bận, đừng bao giờ ‘phớt lờ lương tâm’. Tác giả
thư Do Thái hôm nay khuyên nhủ, “Trong nếp sống, anh em đừng tham lam; hãy bằng
lòng với những gì đang có”, sống một lương tâm công thẳng khi con tim hướng về
“Chúa là sự sáng và là Đấng cứu độ tôi” như tâm tình Thánh Vịnh đáp ca hôm nay bày
tỏ.
Nói
về sự hư đốn của con tim, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một so sánh tuyệt vời giữa
Đavít và Salomon. Đavít từng là một tội nhân được Chúa thứ tha và đã trở thành
thánh nhân; Salomon tuy khôn ngoan, vĩ đại nhưng Chúa lại chối từ. Điều khá lạ
lùng và thú vị ở đây là chúng ta không biết Salomon đã phạm những tội nào, vì
xem ra Salomon có một đời sống quân bình, chuẩn mực; đang khi Đavít, phụ vương ông,
lại có một đời sống không tốt vì đã phạm tội rỡ ràng. Thế mà, Đavít làm thánh,
được gọi là thánh vương; Salomon bị coi là người có tâm hồn lìa xa Thiên Chúa.
Anh
Chị em,
Đavít
nghe tiếng Chúa, ông đã đổi thay; Salomon được Chúa cảnh tỉnh, nhưng ông đã lờ
đi. Trong ca khúc “Thập giá minh chứng tình yêu”, Ngọc Linh viết, Thập giá “là
lương tâm nhân loại”. Khi ‘phớt lờ lương tâm’, chúng ta khước từ Thập giá. Hãy
nhìn vào Thập giá Chúa Giêsu để lương tâm có thể cất tiếng; hãy nghe cho được
tiếng nói của lương tâm; lương tâm là mẹ của linh hồn. Mỗi khi đêm về, hãy dừng
lại ít phút, cho tâm hồn được trầm lắng hầu chúng ta có thể nghe được tiếng thì
thầm tự cõi lòng; ở đó, Chúa Thánh Thần cũng lên tiếng. Ngạc nhiên thay! Tiếng
lương tâm cũng là tiếng nói của chính Chúa Thánh Thần, Đấng hoạt động không ngưng
nghỉ mà biến đổi tâm hồn, Đấng sẵn sàng đổ đầy ân sủng cho những ai có lòng sám
hối.
Chúng
ta có thể cầu nguyện,
“Lạy
Chúa, ma quỷ luôn đi những bước rất tiệm tiến để dẫn con vào mê hồn trận, xin
giúp con thanh tĩnh để có thể nghe được tiếng thì thầm của Thánh Thần; đừng để con
‘phớt lờ lương tâm’ như Hêrôđê và Hêrôđia, nhưng biết ăn năn như Đavít, hầu có
thể nhảy xộc vào lòng thương xót Chúa”, Amen.
Lm.
Minh Anh, Tgp. Huế