THẾ GIỚI ĐAU KHỔ ĐÃ
TÌM ĐƯỢC NGUỒN HẠNH PHÚC
Năm 2020 vừa qua
quả là một năm hết sức tồi tệ. Đại dịch COVID 19 vẫn còn đang đe doạ sự tồn
vong của thế giới cho đến hôm nay. Nhân loại vẫn đang sợ hãi tìm cách đối phó với
chủng virus nguy hiểm này. Ảnh hưởng của covid không chỉ là sự sợ hãi, mà nó
còn ảnh hưởng trực tiếp đến nồi cơm, túi tiền của từng người, từng gia đình. Nó
khiến cho nhiều gia đình chao đảo, công ty xí nghiệp điêu đứng và mọi hoạt động
xã hội bị ngưng trệ. Cùng với dịch bệnh, năm 2020 vừa qua còn là năm của chiến
tranh, thiên tai khắp nơi trên thế giới. Trong lúc miền Tây Việt Nam bị hạn
hán, ngập mặn nặng nề, thì miền Trung lại bị mưa lũ càn quét kiến cho hàng triệu
người lâm cảnh màn trời chiếu đất. Điểm lại những sự kiện lớn như thế cho chúng
ta cảm giác năm qua là một năm u ám, bất hạnh và đau khổ triền miên của con người.
Chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người vẫn hy vọng một tương lai mới với nhiều niềm
vui và hy vọng sẽ mở ra cho nhân loại.
Các bài đọc Lời Chúa nhắc đến một giai đoạn trong
quá khứ, cũng mang một bầu khi u ám tương tự như ngày hôm nay. Con người và thế
giới lúc đó đang bị nhiều thứ đau khổ, bệnh tật giày vò. Mọi người như rơi vào
bế tắc. Tuy nhiên, phía cuối đường hầm luôn là cánh cửa mở ra tương lai, giữa
màn đêm tăm tối của khổ đau vẫn còn những tia sáng của niềm hy vọng. Chính
Thiên Chúa đã mở ra cho con người cánh cửa tương lai. Chính Ngài là ánh sáng hy
vọng đem đến sự đổi mới cho thế giới.
Nhân vật ông Gióp
trong bài đọc một có thể là đại diện cho một thế giới bế tắc như thế. Từ một
con người giàu có, uy tín nhất trong vùng, vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn,
ông đã mất tất cả, nhà cửa, tài sản, vợ con, chính bản thân ông còn phải mang một
căn bệnh ghê sợ. Trong lúc mất tất cả như vậy, ông Gióp có dịp suy gẫm về cuộc
đời, về thân phận con người và về sự mau qua của thế giới vật chất này. Ông nói
rằng: “Cuộc sống con người chỉ là khổ dịch,
lao đao vất vả như kẻ làm thuê; gia tài của tôi là những tháng ngày vô vọng, số
phận của tôi là đau khổ ê chề. Lúc đi ngủ đã phải lo chuyện khi trời sáng, lúc
thức dậy đã phải lo chuyện lúc hoàng hôn; ngày đời thấm thoát tựa thoi đưa mà
không một niềm hy vọng”. Tuy nhiên, khi gẫm suy về cuộc đời và kiếp nhân
sinh như thế, ông Gióp đã không rơi vào tuyệt vọng chán nản, nhưng ông vẫn đặt
niềm hy vọng nơi Chúa. Vì, ông tin rằng từ hơi thở, đến ngày giờ và cả mạng sống
của ông, đều do bởi tay Chúa xếp đặt.
Trong đoạn Tin Mừng
hôm nay, thánh Marcô cho thấy một thế giới, một xã hội ngập tràn trong đau khổ
bệnh tật. Theo quan niệm Do Thái, đau khổ bệnh tật đều do ma quỷ, tội lỗi gây
ra. Vì thế, có thể nói, Thánh Marcô muốn mô tả một thế giới lúc đó đang bị chìm
trong ảnh hưởng của ma quỷ và tội lỗi. Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng đến
để giải thóat con người khỏi đau khổ, bệnh tật, tức là giải thoát con người khỏi
ma quỷ và tội lỗi, mở ra cho con người một chân trời mới, một cuộc sống mới.
Câu chuyện được kể
lại trong khung thời gian của một ngày từ sáng sớm cho đến lúc đêm về: “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu đến thăm nhà ông
Simon Phêrô. Bà mẹ vợ của Simon đang sốt nặng nằm trên giường. Chúa Giêsu tiến
đến, Người cầm lấy tay bà và đỡ bà chỗi dậy. Cơn sốt chấm dứt và bà phục vụ các
Ngài”. Bà mẹ của Simon là hình ảnh đại diện cho những con người đau khổ vì
bệnh tật dày vò, bị những cơn sốt của xã hội làm cho tê liệt, không chỗi dậy để
phục vụ Chúa và các Tông đồ được. Chúa Giêsu đang bước đến với mỗi người, Người
đang đưa tay ra để kéo con người ra khỏi tình trạng sốt liệt trong tâm hồn và
những cơn sốt của xã hội. Những ai nắm lấy tay Chúa Giêsu sẽ được Người nâng đỡ
và kéo ra khỏi tình trạng sốt liệt ấy, để ta có thể thanh thoát phục vụ Chúa và
Giáo Hội.
“Chiều đến khi mặt trời đã lặn…”, túc là
lúc màn đêm và thế lực của bóng tối bao trùm, “…người ta đem đến cho Chúa mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám. Cả
thành xúm lại trước cửa và Chúa Giêsu đã chữa mọi thứ bệnh và trừ nhiều quỷ”.
Với cách mô tả này, thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy, một thế giới, một xã hội
ngập tràn trong đau khổ bởi các thứ bệnh tật do tội lỗi gây nên và một nhân loại
hoàn toàn bị chi phối ám nhập của ma quỷ và bóng tối. Chúa Giêsu xuất hiện với
quyền năng của một vị Thiên Chúa và với một trái tim đầy lòng xót thương. Người
đã ra tay cứu chữa đủ mọi thứ bệnh, do đủ mọi thứ tội gây nên và Người xua đuổi
nhiều quỷ ma đã từng ám nhập con người và thế giới. Chúa Giêsu là Đấng giải
thoát nhân loại khỏi mọi đau khổ thể xác và tinh thần.
“Sáng sớm, lúc trời còn tối, Người chỗi dậy,
đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Với chi tiết này, thánh Marcô muốn
cho thấy, Chúa Giêsu thi hành sứ mạng trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha,
Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha qua cầu nguyện và làm theo thánh ý Chúa Cha
trong mọi việc. Việc Chúa Giêsu chỗi dậy từ rất sớm và tìm nơi vắng vẻ để cầu
nguyện, còn cho thấy một ngày làm việc và rao giảng của Chúa Giêsu được bắt đầu
bằng việc gặp gỡ với Thiên Chúa, đón nhận năng lượng và sức mạnh từ nơi Thiên
Chúa.
Simon và các bạn
đi tìm Chúa Giêsu, họ thưa với Chúa: “Mọi
người đang tìm Thầy!” Chúa Giêsu trả lời: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để thầy còn
rao giảng ở đó nữa”. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho thấy Chúa Giêsu làm việc
liên lỉ, không ngừng nghỉ. Ngài khao khát đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến
cho toàn nhân loại mọi thời, mọi nơi. Sứ mạng của Người là đem ơn cứu độ đến
cho toàn nhân loại. Vì thế, Chúa Giêsu đã miệt mài với sứ mạng này, Người không
muốn để một nơi nào hay người nào, phải chịu cảnh trói buộc của ma quỷ và tội lỗi.
Thưa quý OBACE,
Chúa Giêsu đã đem tình thương và ơn cứu độ đến cho nhân loại. Tuy nhiên, con
người ngày nay không muốn tin nhận Người, không muốn để cho Người thi hành sứ vụ
cứu độ thế giới. Con người ngày nay dường như muốn từ chối và loại trừ Thiên
Chúa ra khỏi cuộc sống cá nhân cũng như xã hội, không muốn để Thiên Chúa can
thiệp vào cuộc sống mình. Nhiều người tín hữu chỉ muốn nhốt Chúa trong nhà thờ,
không muốn để Chúa bước vào gia đình và không muốn Chúa hiện diện trong công việc.
Ma quỷ đã khéo léo lợi dụng tình trạng này để gieo rắc đau khổ, hận thù vào thế
giới. Nó khơi dậy sự kiêu căng, ích kỷ, tham vọng trong mỗi người để từ đó nó
gây ra cho thế giới biết bao bất công, bệnh tật và tai ương khác.
Không chỉ thế giới
bị chìm ngập bởi bóng tối của sự dữ, sự xấu, ma quỷ còn đem sự xấu và sự dữ vào
các gia đình. Nó gây sự bất hòa bất ổn trong gia đình, nó xúi giục mọi người
chuyên chăm làm ăn, học hành đến độ bỏ quên Thiên Chúa và bỏ quên người thân
trong gia đình. Từ đó, khiến cho các gia đình trở nên lạnh lẽo, thiếu niềm vui,
thiếu tiếng cười. Ma quỷ cũng khéo léo tạo sự kiêu hãnh, tự hào trong những người
thành công, dẫn những người này đến việc cậy dựa vào của cải vật chất, tự tôn,
tự mãn đối với mọi người, dẫn đến việc khinh thường người khác.
Chúa Giêsu đến
là để đem lại cho nhân loại một cuộc sống mới, ban lại cho ta sự tự do của con
cái Chúa. Chúa Giêsu chỉ cho con người cách sống sao cho phù hợp với ơn gọi là
con Thiên Chúa, sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong cầu nguyện, lấy Chúa
là sức mạnh để loại trừ khỏi bản thân những ràng buộc của ma quỷ và tội lỗi.
Chúa Giêsu còn muốn chúng ta trở thành các cộng tác viên của Người, trở nên
cánh tay nối dài của Chúa để xoa dịu nỗi đau của nhân loại hôm nay, qua những
việc làm yêu thương cách cụ thể.
Thánh Phaolô trong
bài đọc hai nhắc cho chúng ta sứ mạng phải rao giảng Tin Mừng tình thương của
Chúa cho thế giới hôm nay. Đừng để mình rơi vào những tham vọng hoặc tự hào, tự
cao theo kiểu thế gian, nhưng biến mình thành người phục vụ cho Tin Mừng của
Chúa Giêsu, vì đó là ơn gọi và là bổn phận của tất cả mọi tín hữu.
Xin Chúa biến đổi
mỗi người nên những con người mới, thấm nhuần Tin Mừng của Chúa Giêsu và là những
cộng tác viên nhiệt thành của Chúa. Xin cho mỗi người tích cực đem tình thương
của Chúa đến cho gia đình và cho mọi người, làm cho thế giới mỗi ngày thêm nhiều
tình yêu hơn, nhiều hy vọng hơn và cuộc sống nhiều niềm vui hơn. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí