THỨ BA TUẦN IV THƯỜNG
NIÊN
MỒNG 1 TẾT
BÌNH AN
Lời
Chúa Mt 6,25-34
25 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các
môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo lắng cho mạng sống : lấy gì
mà ăn ; cũng đừng lo lắng cho thân thể : lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng
hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao ? 26 Hãy xem chim trời : chúng không
gieo, không gặt, không thu tích vào kho ; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi
chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? 27 Hỏi có ai trong anh em có thể
nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không ?
28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng
làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào : chúng không làm
lụng, không kéo sợi ; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết
: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông
hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay
còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ
là anh em, ôi những kẻ kém lòng tin !
31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự
hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? 32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại
vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ
đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước
Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm
cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày
mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
Suy
niệm
Bình
an là điệp khúc được lặp đi lặp lại trong suốt các cử hành phụng vụ, nhất là trong
phụng vụ Thánh lễ. Chính Chúa Giê-su khi xuống thế làm người đã mang Bình an
cho nhân loại “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho người Chúa
thương”. Và sau khi sống lại Người hiện ra và chúc ban Bình an cho các Tông đồ
“Chúc anh em bình an”. Vì thế, lời chúc phúc và lời cầu Bình an cho nhau trở
thành nét đẹp của người Ki-tô hữu. Sứ điệp đầu năm mới mà Tin Mừng Mat-thêu muốn
gửi đến cho chúng ta hôm nay là đừng lo lắng, cứ tin tưởng phó thác vào Thiên
Chúa. Đây như một lời cầu chúc “hãy bình an” mà Chúa Giê-su nói với mỗi người
chúng ta.
Ai
trong chúng ta không nhiều thì ít đều có những nỗi lo cho bản thân, cho gia
đình, cho xã hội và thế giới. Nỗi lo đó dường như đi theo suốt hành trình cuộc
đời con người: lúc trẻ thì lo tương lai, học hành, thi cử…trưởng thành thì lo
công việc, gia đình…về già lo sức khỏe, tuổi tác, con cháu…Ngay cả những tu sĩ,
linh mục là những người tưởng chừng như không còn hoặc ít vướng bận những lo
toan trần thế cũng không thiếu những nỗi lo. Quả thật, lo lắng cho cuộc sống là
điều cần thiết, nói lên trách nhiệm của chúng ta với cuộc đời của mình cũng như
của người khác. Sâu xa hơn nó cho thấy chúng ta đang cộng tác tích cực với Chúa
để hoàn thiện bản thân và hoàn thành Thánh ý Chúa muốn ta thực hiện trên trần
gian này.
Thế
nhưng, con người luôn lo lắng cách thái quá đến nỗi lo hơn, thậm chí lo luôn cả
phần của Chúa. Quyên mất Chúa là Chủ, là Đấng ban phát cho con người tất cả. Chúa
Giê-su dạy con người nhìn vào chim trời và hoa cỏ ngoài đồng mà rút lấy bài học
cho mình. “chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho”, “chúng không
làm lụng, không kéo sợi”. Bao nhiêu chữ “không” chẳng bằng một chữ “có”. Bởi vì
chúng có Thiên Chúa cho ăn và cho mặc. Chúng không lo lao nhọc vất vả, không phải
khổ công tìm kiếm thế mà vẫn được ăn no, được mặc đẹp nhờ có Thiên Chúa an bài
mọi sự. Chẳng lẽ con người lại không được Chúa thương hơn chúng sao?
“Đời
là bể khổ” vì quan niệm về cuộc đời như thế nên giáo lý nhà Phật dạy cho con
người những con đường và phương thế để “diệt khổ”. Thế nhưng nhân loại chưa và
không bao giờ hết khổ. Vẫn còn đó những mảnh đời khốn khổ vì chiến tranh, hận
thù, tranh chấp, vì nghèo đói, bệnh tật, vì lòng người còn đầy “tham, sân,
si”…Chúa Giê-su là Thiên Chúa đầy quyền năng thế mà khi vào trần gian Ngài cũng
không nhằm mục đích xóa tan những đau khổ của con người. Người cũng trải qua những
đau khổ như con người, và vì để cứu chuộc con người nữa. Chính Người đã nói
“Ngày nào có cái khổ của ngày đó” không phải để con người bi quan nhưng là để
chúng ta biết vươn lên trên những sự kiếm tìm vật chất nhằm sống trọn niềm vui
và hạnh phúc trong sự tín thác vào Thiên Chúa.
Cái
lo và cái khổ khiến con người khó có được bình an. Nhưng bình an không phải là
khi con người có được cuộc sống đầy đủ tiện nghi, dư tràn vật chất. Vì có biết
bao người vẫn rơi vào bế tắc, đau khổ khi có cuộc sống sung túc đó thôi. Bình
an cũng không phải là khi mọi sự yên lành, ổn định. Bởi bình an bên ngoài chưa
hẳn có bình an bên trong. Một thứ Bình an nội tâm, bình an tâm hồn mà con người
cần đến chỉ có nơi Chúa mà thôi. Vì
thế, điều ưu tiên trước hết và trên hết không phải là lo tìm kiếm những
thứ bên ngoài, của cải vật chất nhưng là tìm kiếm “Nước Thiên Chúa và đức công
chính của Người”. Bởi dù ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, khỏe hay yếu…thì kết
thúc cuộc đời là cái chết. Ta được ăn ngon mặc đẹp ở đời khi hơi thở không còn
thì nó chẳng là gì. Thân xác rồi trở về cát bụi. Trong mọi sự biết chăm lo tìm
kiếm Thiên Chúa, có Chúa trong cuộc đời mình mới có sự bình an tâm hồn.
Lạy
Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa lại ban cho chúng con thêm một mùa xuân mới.
Trong giờ phút của ngày đầu năm xin Chúa ban bình an cho mỗi người chúng con,
cho gia đình, cho quê hương đất nước chúng con. Xin cho chúng con trong khi tìm
kiếm của ăn nuôi sống thì cũng biết phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa, vào sự
quan phòng của Ngài. Để dù giữa cuộc sống còn bao khó khăn, dù cuộc đời còn bao
nỗi bận tâm thì chúng con cũng luôn tìm được sự bình an trong Chúa. Amen
Nt.
M. Nhật Nguyệt