Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 1-12 > Tuần 4

CHÚA NHẬT TUẦN IV THƯỜNG NIÊN C

THI HÀNH CHỨC NĂNG NGÔN SỨ

Lời Chúa  Lc 4,21-30

CN TUẦN 4 TN.jpg21 Khi ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.” 22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời ân sủng từ miệng Người nói ra.

Họ bảo nhau : “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” 23 Người nói với họ : “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !” 24 Người nói tiếp : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; 26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi-. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Suy niệm

Mỗi tín hữu từ khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được tham dự vào ba chức năng của Chúa Giêsu: Tư Tế, Ngôn Sứ, Mục Tử và có trách nhiệm thi hành các chức năng này trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ nghĩ trách nhiệm này là của các linh mục tu sĩ, vì thế họ đòi hỏi rất nhiều nơi các linh mục tu sĩ, còn chính mình thì dường như đứng ngoài những bổn phận này.

Hôm nay, các bài đọc Lời Chúa nói đến sứ mạng Ngôn Sứ của Chúa Giêsu. Các ngôn sứ trong Kinh Thánh đôi khi cũng được gọi là những nhà tiên tri, nhưng thực ra vai trò, trách nhiệm của các ngôn sứ không chỉ là tiên báo về các sự kiện sắp xảy ra. Trái lại, các ngài được Thiên Chúa mời gọi, tuyển chọn để nói lời của Thiên Chúa, truyền đạt ý Chúa cho dân. Các ngôn sứ của Kinh Thánh là những người mang cùng số phận với dân Chúa, cùng chung chia, thăng trầm với dân tộc của mình và còn phải chịu vô vàn đau khổ, bị chống đối và loại trừ, cuối cùng còn phải chịu thiệt mạng chỉ vì trung thành với sứ vụ Chúa trao phó.

Bài đọc một kể lại ơn gọi làm ngôn sứ của Giêrêmia. Giêrêmia sống trong giai đoạn đất Israen bị người Babylon xâm chiếm và bắt đi lưu đày. Cuộc đời ngôn sứ của ông gắn liền với vận mệnh đất nước, cùng chung nỗi đau với dân tộc. Trong khi các vua quan muốn tìm những giải pháp ngoại giao, chính trị, thì Giêrêmia lại kêu gọi mọi người tin tưởng vào đường lối của Thiên Chúa. Lời của ông đã không được vua quan đất Giuđa đón nhận, trái lại, họ còn coi ông như kẻ phá đám, như người gây rối và coi ông ông như kẻ thù. Họ bắt bớ hành hạ ông chỉ vì ông đã nói những điều trái ngược lại với cách hành xử của họ, vì không đồng tình với cách giải quyết khủng hoàng đất nước theo kiểu thế gian.

Vì ý thức sứ mạng Thiên Chú trao phó, Ngôn sứ Giêrêmia đã chấp nhận tất cả sự ngược đãi, ông tin rằng chính Thiên Chúa là Đấng đã kêu gọi ông từ trong lòng mẹ, đã thánh hoá và đặt ông làm ngôn sứ cho dân để nói lời của Chúa cho dân. Giêrêmia tin rằng, Thiên Chúa là Đấng bảo vệ và làm cho ông trở nên kiên cường, vững mạnh để đương đầu với những kẻ thù phản đối ông: “Ngươi đừng sợ…Ta sẽ làm cho người trở nên thành trì kiên cố… chúng sẽ giao chiến với ngươi nhưng không làm gì được người.” Với niềm tin sắt đá đặt nơi Thiên Chúa, Gierêmia đã kiên trì thi hành sứ mạng nói lời của Chúa cho dù bị chống đối, bắt bớ, tù đầy.

Đức Giêsu chính là vị ngôn sứ được Thiên Chúa Cha sai đến trần gian để nói cho mọi người về Thiên Chúa và kêu gọi mọi người quay trở lại với Thiên Chúa. Người cùng phải chịu chung số phận như các ngôn sứ khác, bị bắt bớ và bị giết chết. Tin Mừng Luca thuật lại việc Đức Giêsu khởi đầu sứ mạng rao giảng Tin Mừng tại Nazareth.  Ngài vào hội đường, và với sự tôn trọng dành cho một vị thầy trẻ mới xuất hiện, người ta trao cho Ngài đọc sách. Đức Giêsu đã đọc đoạn sánh Isaia nói về sứ mạng ngôn sứ: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Ngài đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ...công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa.” Lời ngôn sứ này chắc chắn những người Do Thái cũng đã nghe nhiều lần. Tuy nhiên, hôm nay Đức Giêsu gây cho họ sự ngạc nhiên lẫn thán phục khi Người khẳng định: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh tai quý vị vừa nghe.”

Nhiều người Do Thái trong hội đường khi nghe Đức Giêsu nói như thế, thì hiểu ngay, Đức Giêsu muốn nói đến lời Kinh Thánh đó đang ứng nghiệm nơi con người và sứ mạng của Ngài. Vì thế, họ bắt đầu bực bội bàn tán với nhau: “Ông này không phải là con ông Giuse đó sao? Những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphanaum, thì cũng hãy làm tại quê ông xem nào!” Khi bàn tán với nhau những lời này, chứng tỏ những người Nazareth tỏ ra coi thường thế giá gia đình của Đức Giêsu. Họ nghĩ rằng “con ông thợ mộc” thì không thuộc gia đình ngôn sứ và không thể làm ngôn sứ được. Họ còn muốn thách thức Đức Giêsu, vì nếu đã ứng nghiệm lời của Isaia như Ngài vừa tuyên bố, thì hãy làm những dấu lạ như Isaia đã làm, hoặc ít nhất hãy làm phép lạ cho nước hoá thành rượu như tại Cana để khao đãi dân làng một bữa ra mắt mọi người.

Đức Giêsu đã không tự ái trước những lời mỉa mai của dân làng, trái lại Ngài giải thích cho họ thấy rằng, cho dù là Isaia hay Êlia hay bất cứ vị ngôn sứ đích thực nào, thì cũng chỉ mời gọi mọi người tin vào Thiên Chúa mà thôi. Đức Giêsu đã nhắc lại hai phép lạ xảy ra thời tiên tri Êlia và Êlisa. Êlia đã nhân danh Thiên Chúa khiến cho trời khô hạn, không có mưa suốt ba năm sáu tháng, mọi người rơi vào đói kém, nhưng có một bà goá ở Sarepta đã hết mực tin vào Thiên Chúa qua lời của Êlia nên đã được nuôi sống. Cũng vậy Naman là một tể tướng của dân Sirya vì tin vào Thiên Chúa của Israel và tin vào lời của Êlisa, nên đã được chữa lành khỏi bệnh phong cùi. Cả bà goá Sarepta và Naaman đều là những người dân ngoại, nhưng họ đã có lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào lời của vị ngôn sứ, họ đã được Chúa cứu chữa. Trong khi đó, những người Do Thái vì không tin nên không đón nhận đuợc ơn Chúa. Trong các lời rao giảng của mình, Đức Giêsu không chỉ kêu gọi mọi người tin vào Thiên Chúa, mà còn phải tin vào Ngài chính là Thiên Chúa. Điều này chắc chắn càng khiến cho những người Do Thái tức giận và phản đối.

Người Do Thái trong hội đường hôm đó, khi nghe Đức Giêsu giải thích và so sánh như thế, họ phẫn nộ và tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu. “Họ đứng dậy lôi Người ra khỏi thành… kéo Người lên đỉnh núi để xô xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.” Tin Mừng cho thấy, ngay từ ngày đầu tiên khi thi hành sứ mạng ngôn sứ, Đức Giêsu đã bị người Do Thái từ chối, họ dùng bạo lực để đối xử với Đức Giêsu và ngang nhiên tìm cách loại trừ Ngài ra khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề nao núng, sợ hãi, Ngài điềm tĩnh và như một Đấng đầy uy quyền, Ngài băng qua giữa họ mà đi. Ngài không trốn tránh lén lút, nhưng hiên ngang bước đi để tiếp tục sứ vụ loan báo Nước trời cho mọi người.

Thưa quý OBACE, nhờ ơn của Bí Tích Rửa tội, chúng ta được tham dự, được chia sẻ vào ba chức năng của Đức Giêsu: Tư Tế, Mục Tử và Ngôn Sứ. Chức năng ngôn sứ đòi chúng ta phải giới thiệu Chúa cho anh chị em chung quanh bằng lời nói và việc làm. Chúng ta sẽ không làm những phép lạ như các ngôn sứ trong Cựu ước hoặc như Đức Giêsu, nhưng với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta có thể làm những phép lạ hằng ngày. Chúng ta có thể làm phép lạ như: biến gia đình và cuộc đời mình thành dấu chỉ của tình yêu thương; chúng ta có thể làm cho tình yêu thương được lan toà đến mọi người qua các việc làm và cách cư xử tốt lành của chúng ta.

Nếu như lời của Isaia: Thánh Thần chúa ngự xuống trên tôi, sai tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó… đã ứng nghiệm nơi con người và sứ mạng của Đức Giêsu, thì những lời ấy cũng phải được ứng nghiệm và biến thành việc làm cụ thể nơi mỗi tín hữu. Chúng ta đã được đón nhận Chúa Thánh Thần, được xức dầu thánh hiến và được sai đi để công bố tình yêu thương và ơn cứu độ của Chúa cho mọi người. Chúng ta cũng sẽ phải là những người sẵn sàng cúi xuống để phục vụ, không ngại bẩn, không ngại khó để băng bó những tâm hồn đau thương, bị bỏ rơi hất hủi, bị tổn thương trong gia đình nơi xóm ngõ. Chúng ta cũng sẽ phải là những người sống tình yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa, đem tình yêu thương tha thứ ấy đến cho cho những người đang bị tổn thương trong tâm hồn; những người bị tổn thương cũng có thể là những người thân trong gia đình, người nghèo khổ, bị mọi người coi thường, bị đồng nghiệp ghét bỏ… chúng ta được mời gọi bước đến với họ giúp họ chữa lành những tổn thương ấy.

Xin Chúa giúp chúng ta kiên trì thực thi sứ mạng ngôn sứ, nói Lời Chúa, làm theo ý Chúa qua đời sống thường ngay, cho dù có vì sứ mạng này mà bị người đời coi thường khinh miệt. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần IV Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Giao Thừa_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên_Lm Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần IV Thường Niên C_Lm. Đan Vinh - HSTM

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần V Thường Niên Năm C - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường Niên_Lm. Minh Anh, Tgp. Huế
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần IV Thường NIên - Ngọc Biển SSP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần IV Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần IV Thường Niên - Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
     Suy Niệm Lời Chúa Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giuesu Trong Đền Thánh - Lm J.P
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần IV Thường Niên - Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B_ Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật IV Thường Niên Năm B_Lm. Đan Vinh
     Lời nói trong giao tiếp - Giuse Phạm Đình Ngọc SJ