Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Phục Sinh

CHỦ NHẬT 4 PHỤC SINH A

Mục tử tốt lành

small_1305123359_nv.jpgChúa Giê su tuyên bố: “Ta là cửa chuồng chiên” rồi sau đó, Ngài lại khẳng định thêm: “Ta là Mục tử tốt lành”, một tước hiệu không mang một chút tham vọng nào, nhưng nói lên ý muốn phục vụ của Ngài. Ngài là đấng chăm sóc, che chở, hướng dẫn, hoàn toàn khác hẳn một người chuyên khai thác bầy chiên. Trong một thế giới mà các lãnh tụ tìm mọi cách củng cố quyền hành của mình, thì Ngài đã hiến ban mạng sống để cho đàn chiên Ngài sống dồi dào hơn.

Sách Công vụ  2, 14a.36-41

Thánh Phê rô kêu gọi tất cả mọi người sám hối. “Họ đau đớn trong tâm hồn”. Lời rao giảng của Ngài khiến một số đông người xin chịu phép Rửa

Thánh Vịnh  22

Chúa là Mục tử, chính Ngài luôn gìn giữ tôi. Ngài đồng hành với tôi qua mọi nẻo đường. Ngài là Bạn đường che chở tôi và giúp tôi vựot qua những bước khó khăn. Sự hiện diện của Ngài khiến tôi an lòng.

Thư 1 Phê rô 2, 20b-25

Gợi lại sự đau khổ ghê gớm Đức Ki tô phải chịu, Thánh Phê rô mời gọi các tín hữu hãy đi theo bước chân của Ngài. Ngài đã chấp nhận đau khổ bất công để trung thành với Cha và để yêu thương chúng ta. Ngài đã gánh lấy tội lỗi chúng ta, nhờ đó mà Ngài đã thay đổi hướng đi và ý nghĩa cuộc đời chúng ta. Giờ đây, Ngài là Mục tử chăn dắt chúng ta và dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa Cha.

Tin mừng: Ga 10, 1-10

NGỮ CẢNH

Diễn từ về “Mục tử tốt lành” tiếp nối với trình thuật đi trước, do đó được đặt trong bối cảnh các biến cố trong lễ lều (7,1-10,21), tạo thành một khối duy nhất và mạch lạc.

Chúa Giê su bắt đầu bằng một dụ ngôn không áp dụng cho Ngài hay một ai khác (10,1-5), nhưng người Pha ri sêu không hiểu dụ ngôn (10,6). Tiếp đến, Chúa Giê su tiếp tục khai triển thêm chủ đề bằng hai dụ ngôn áp dụng cho sứ mang của Ngài: dụ ngôn về cái cửa (10,7-10) và dụ ngôn về người mục tử tốt lành (10,11-18).

TÌM HIỂU

Quả thật, quả thật: cách mở đầu long trọng nầy đánh dấu một phân đọan mới trong bài diễn từ và một giai đoạn mới trong giáo huấn của Ngài.

Ràn chiên: kiểu nói chỉ một khuôn viên được giới hạn bằng tường rào bằng đá ở thôn quê, không hòan toàn đóng kín, để nhốt các đoàn vật ban đêm. Đàn chiên trong truyền thống tiên tri, theo một nghĩa nào đó luôn luôn chỉ Israên (Ed 34) và từ aule chỉ ràn chiên còn có nghĩa là hành lang đền thờ nơi dân Thiên Chúa tập họp. “Chúng ta là dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt. Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn, tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi, tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người” (Tv 100,3-4).

Cửa: cả khi Chúa Giê su không xác định dụ ngôn nầy áp dụng cho ai thì việc ám chỉ đến Israên cũng phải được các thính giả hiểu. Vào bằng cửa có nghĩa là nắm lấy quyền hành do thánh ý Thiên Chúa Cha. Điều đó đã đúng cho các vua (“các mục tử Israên”, x. c. 11) không phải là những kẻ tiếm quyền và vẫn trung thành với Chúa. Và lại càng đúng hơn nữa cho Chúa Giê su, được đức tin dân chúng tiếp nhận, sẽ vào Giêrusalem “nhân danh Chúa” (12,13).

Trèo: dân tộc Israên đã là đối tượng cho nhiều tham vọng ngoại bang muốn thống trị vì những lí do không dính dáng gì đến tôn giáo cả.

Người giữ cửa: là người đầy tớ của vị mục tử chăn dắt đàn chiên. Chỉ có người nầy mới có quyền lên tiếng qui tụ đàn chiên. X. Mc 13,34.

Nghe tiếng: người Mục tử dùng một tiếng nói riêng biệt để gọi và qui tụ đàn chiên. Chúa Giê su sẽ áp dụng cho chính mình hình ảnh ấy để nói về những người nghe tiếng Ngài hoặc từ chối tin (10, 27). Ngài sẽ nói với Phi la tô rằng: “Ai thuộc về chân lí thì nghe tiếng Ta” (18,37).

Chiên: Mục tử tách biệt ra khỏi ràn những con không thụôc về đàn của mình. Đó là hình ảnh phán xử: chỉ những con chiên tin nhận Ngài mới đi theo Ngài. Đây có lẽ cũng là một lời loan báo phân biệt giữa Israen từ chối tin vá các môn đồ sẽ trở thành Giáo Hội.

Rồi dẫn chúng ra: dụ ngôn còn giả thiết một cuộc lên đường (10,5). Giáo Hội phái tách mình ra khỏi Israen còn ở trong ràn chiên để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới giữa các dân tộc. Nhưng Chúa Giê su đi đầu cuộc xuất hành mới nầy.

Người lạ: dường như Chúa Giê su khá lạc quan: thời nào cũng thế, các tiến sĩ giả đều có đồ đệ đi theo mình. Tuy nhiên Ngài khẳng định rằng một thứ bản năng cho phép dân Thiên Chúa phân biệt tiếng nói của người mục tử đích thực và những người mục tử xấu.

Họ không hiểu: nếu không được giải thích, thì dụ ngôn nầy vẫn bí nhiệm. Những người Pha ri sêu không những thiếu trực giác: họ còn thiếu thiện chí nên không thể tiếp nhận biến cố mà họ đang sống. Đó chính là điều lên án họ. Đàn chiên bỏ họ mà chạy trốn.

Ta là: cả hai dụ ngôn mới bắt đầu bằng kiểu nói long trọng “Ta là” (10,7.11).

Cửa: dụ ngôn thứ nhất được khai triển theo hai bước. Trước tiên Chúa Giê su là cửa đàn chiên (10,7-8), trong cùng một nghĩa đó sau nầy Ngài sẽ nói: “Ta là Sự Sống” (14,6). Thật vậy, Ngài là “trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tm 2,5; x. thêm Ep 2,18). Khi Ngài gặp các môn đệ đầu tiên, Ngài đã loan báo sự đổi mới cái nhìn của Gia cóp về “cửa thiêng đàng” (St 28, 17): “Các anh sẽ thấy trời rộng mở” (1,51).

Mọi kẻ đến: rõ ràng đây không phải là các tổ phụ, cũng không phải là các tiên tri, mà có lẽ là các người thuộc bè Dê lốt, những người gây ra những cuộc đột kích, như băng đảng Barabas (18,40) hoặc như Têuđa và Giuđa người Ga li lê (Cv 5,35-37) đã đến trước Chúa Giê su: hành động bạo lực của họ không khai mạc Nước Thiên Chúa đến, như tin mừng loan báo. Họ thuộc thành phần những người “leo lối khác mà đột nhập vào ràn chiên” (10,1). Có lẽ Gioan cũng nghĩ đến những thiên sai giả của Giáo Hội sơ khai và những kẻ được loan báo sẽ xuất hiện trong thời cuối cùng (1Ga 2,18).

Chiên đã không nghe họ: chỉ có người mục tử do Thiên Chúa ủy phái đến mới có thể khiến cho dân nghe mình. Gamaliên đã nói về các môn đệ: “Nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá hủy; còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quí vị không thể nào phá hủy được” (Cv 5,38-39).

Ta là cửa: bước thứ hai (10,9-10): giờ thì cửa dùng cho vị Mục tử, chứ không cho đàn chiên. Những ai nói và hành động nhân danh Chúa Giê su thì mới đi qua cửa.

Sẽ được cứu: ai đi ngang Chúa Giê su sẽ có thể bảo đảm hoàn thành sứ mạng của mình, “đi và đến” một cách tự do; “tìm thấy đồng cỏ” là chức năng thứ nhất của người mục tử (x. Tv 23,1-2). 

Kẻ trộm: là người muốn hành động trên kẻ khác mà không đi ngang qua Chúa Giê su. “Ai không ở với Ta, là chống lại Ta” (Lc 11,23). Hắn chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng của mình: “Khốn cho các mục tử Israên, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các người uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các người giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt”(Êd 34,2-3).

Được sống: hành vi phá hoại của kẻ trộm làm nổi bật vai trò tích cực của Chúa Giê su. Mục tiêu của sứ mạng Ngài là sự sống (x. 10,28 x. thêm 1,4;5,21.24-29; 6,33-48; 20,31).

Dồi dào: ba lần, các phép lạ của Chúa Giê su được đánh dấu bởi ý tưởng phong phú (2,6; 6,11.13;21,11). Tòan công trình của Chúa Giê su được đặt dưới dấu chỉ lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Nơi đâu tội lỗi đầy tràn, ân sủng càng chan chứa” (Rm 5,20).

SỨ ĐIỆP

Bài tin mùng chủ nhật hôm nay nói với chúng ta về một mầu nhiệm cao cả của Đức Ki tô: Ngài được Thiên Chúa đặt làm mục tử chăn dắt đoàn dân Chúa. Đầu bài diễn từ, Chúa Giê su đã long trọng nói lên điều đó: “Thật, Ta bảo thật các ông”.

Đọan tin mừng bao gồm hai dụ ngôn, dụ ngôn về người mục tử và về cửa ràn (chuồng) chiên. Có sự khác biệt to lớn giữa người mục tử đích thực và kẻ trộm. Người mục tử đi qua cửa để vào ràn chiên, và chiên nghe theo tiếng của ông. Còn kẻ trộm thì không như vậy, vì họ không qua cửa mà vào, và chiên không quen tiếng của họ. Sứ điệp nhắm gửi đến những người biệt phái đã không hiểu gì hết. Thế nên nó kéo dài thêm dụ ngôn thứ hai. Chúa Giê su tự cho mình là cửa cho chiên ra vào.

Chúa Giê su đi rảo khắp các thành thị và làng mạc để rao giảng tin mừng. Ngài gặp những đám dân lang thang không ai lãnh đạo, không có mục tử hướng dẫn. Tâm hồn Ngài xúc động trước tình cảnh đau thương ấy. Nhất là thảm cảnh bơ vơ tất tưởi vì đói khát về phần thiêng liêng. Các lãnh đạo tôn giáo lẽ ra phải quan tâm chăm sóc thì gần như đã bỏ mặc họ.

Ngày nay cũng thế, có nhiều người sống không mục tiêu, không đức tin, không cùng đích cho cuộc đời. Họ bị cuốn trôi dạt theo mọi hướng; khi có phương tiện, họ lao vào hưởng thụ trong việc tiêu xài và giải trí. Cuộc sống hối hả như chạy nhưng lại không biết chạy đi đâu. Thánh Tông đồ Phê rô mời gọi chúng ta hiểu và cảm thông sự chờ đợi lo lắng của họ và làm mọi cách để đưa tất cả những người nầy về với Mục tử nhân lành đang chăm sóc chúng ta. Đón nhận, dạy dỗ, giáo hoá và đồng hành với tất cả những người đó bằng sự quan tâm đặc biệt của Giáo Hội.

Đức Ki tô đưa ra những lời rất mạnh mẽ chống lại các mục tử xấu của Israel. Ngài gọi họ đúng là những tay lái buôn, vì họ không quan tâm gì đến nỗi ưu tư của dân, mà chỉ nghĩ đến lợi lộc của riêng mình. Họ hành động như “những kẻ đầu trộm đuôi cướp”, đến chỉ để cướp bóc và phá huỷ mà thôi. Những mục tử giả hiệu đó  ngày nay vẫn còn đang hoạt động dưới nhiều hình thức. Các giáo phái mọc lên như nấm, và tìm mọi cách lôi kéo người ta về với mình. Họ dùng tôn giáo để khống chế và để lợi dụng. Đặc biệt họ để ý đến những người đã bị suy yếu vì cuộc đời. Họ lạm dụng sự dễ tin và sự sợ hãi của họ. Thay vì loan báo tin mừng như một tin vui, họ dùng Kinh Thánh để đưa ra những lời hăm doạ về ngày của Thiên Chúa. Các giáo phái là một thách đố thực sự đối với Giáo Hội ngày nay. Liệu chúng ta có thể tiếp cận với những lo âu của con người thời nay với lòng kính trọng và quảng đại để đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ không ?

Lời Chúa Giê su nói cũng nhắm đến từng người chúng ta. Chúng ta được mời gọi sống như thế nào để hoàn tất sứ mạng nhân loại và Giáo Hội. Tất cả, ít hay nhiều, chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau. Nhưng làm thế nào để chu toàn những trách nhiệm đó ? Như một sự phục vụ hoặc như một phương tiện để tìm lợi lộc ích kỉ cho mình ?

Ngày hôm nay, chúng ta được hướng về Chúa Giê su Vị “Mục tử tốt lành, vị Mục tử chân thật, cống hiến cả đời mình để cứu lấy đàn chiên”, Ngài nói: “Ta đến để cho đàn chiên được sống và được sống dồi dào”. Trong Chúa Giê su, chính Thiên Chúa đến gần. Và chính đó là điều mà người Pha ri sêu không chấp nhận. Họ đề cao sự linh thánh Thiên Chúa đến nỗi họ không thể chấp nhận sự gần gủi của Người nơi Chúa Giê su. Họ chỉ thấy sự thánh thiện cao vời của Người và vực thẳm ngăn cách họ.

Hơn ai hết, Chúa Giê su hiểu rõ người Pha ri sêu về điều đó. Thật vậy, Thiên Chúa là đấng Thánh vô cùng, đấng không thể đạt tới. Bằng sức lực riêng của mình, con người không thể đi đạt tới Người. Chính Ngài cũng đã từng dạy: “Ta là Đàng, là Sự Thật, và là Sự sống, không ai đến được với cha mà không qua Thầy”.

Do vậy, bài tin mừng nầy mời gọi chúng ta đặt Đức Ki tô trở lại trong trung tâm cuộc sống để Ngài hướng dẫn. Chắc chắn, Ngài không còn hữu hình, nhưng Ngài hứa sẽ hiện diện với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Trước khi biến khỏi tầm nhìn của họ, Ngài đã giao phó cho các tông đồ và toàn thể Giao Hội sứ mạng loan báo Tin Mừng và làm chứng niềm Hi vọng Ngài đặt nơi họ.

Hôm nay, Đức Ki tô nhắc chúng ta rằng Ngài nhờ chúng ta chia sẻ sứ mạng qui tụ của Ngài: “Như Cha đã sai ta, Ta cũng sai anh em”. Lời mời gọi chia sẻ sứ mạng được ngỏ đến từng người chúng ta. Và vì vậy, Ngài không gửi chúng ta đi một mình, nhưng cùng đồng hành với những người khác.

Nếu chúng ta thông hiệp Mình và Máu Đức Ki tô chính là để kín múc tận nguồn ơn thánh; để đi vào trong chương trình yêu thương đã thúc đẩy Chúa Giê su.  Xin Ngài ban cho chúng ta sức mạnh và can đảm, để luôn turng thành đến cùng trong những trách nhiệm mà chúng ta được trao phó.

ĐÀO SÂU

1. HỎI. Tiên tri Êdêkiên đã nói gì về các mục tử lãnh đạo dân Israel?

THƯA. Tiên tri quả quyết rằng thay vì sống như những vị Đại diện Mục tử Tối cao trong Công chính và đức Ái, họ là những Mục tử cho riêng mình, mà không quan tâm gì đến đòan chiên. Vì thế, án xử của Thiên Chúa sẽ rất nghiêm khắc đối với họ. (x. Ed 34, 1-31).

2. HỎI. Trong CƯ, chúng ta thấy có hình ảnh về Vua-Mục tử; điều ấy có đặc biệt đối với dân Híp pri không?

THƯA. Không, hình ảnh Đấng Mục tử-Vua đã có từ xa xưa và nằm trong di sản văn chương của vùng Á đông. Tiên tri Giê rê mia áp dụng hình ảnh Vua-Mục tử cho Vua Ít ra ên để trách họ đã không làm tròn nhiệm vụ mà Thiên Chúa đã đòi hỏi họ (x. Gr 2,8; 10,21; 23,1-3): Thiên Chúa sẽ phái đến các mục tử mới để phục vụ dân Ngài trong sự công chính (x. Gr 3,15; 23,4). Ngòai ra, Tiên tri còn loan báo rằng trong các mục tử ấy, sẽ có một “Chồi non chính trực” là Đấng Messia (x. Gr 23,5-6).

3. HỎI. Tiên tri Êdêkiên có khác với Giê rê mia về điều ấy không?

THƯA. Không, thậm chí xét về cơ bản, ông còn lặp lại những gì mà Giê rêmia đã nói. Sau nầy tiên tri Da ca ria cũng sẽ lặp lại trong  chương 11 sách của ông. Êdêkiên trách các mục tử, vua và lãnh đạo Ít ra ên về tội ác của họ: Chúa sẽ lấy lại đàn chiên mà họ đã chăn dắt không đúng cách và là Mục tử độc nhất của đàn chiên (dân Ít ra ên). Ê dê kiên loan báo một Thần quyền sẽ xuất hiện. Trong thực tế, thần quyền sẽ được thực hiện khi từ lưu đày trở về,  khi không thể tái lập được nền quân chủ. Chỉ về sau Đức Gia vê sẽ ban cho dân Người một vị Mục tử, một quân vương, một Đa vít mới.

4. HỎI. Êdêkiên có nghĩ đến đấng Messia khi loan báo một Đa vít mới sẽ xuất hiện không?

THƯA. Có, vị Tiên tri nói đến điều đó khi mô tả vương quốc của vị Quân vương và qua danh xưng Đa vít mà vị tiên tri gán cho Ngài.

5. HỎI. Có phải Huấn quyền Giáo Hội cũng có một vai trò chăn dắt không?

THƯA. Đúng vậy, nhiệm vụ ấy phát sinh từ Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân lọai trong Đức Ki tô.

6. HỎI. Tại sao Đức Ki tô đã muốn rằng quyền Giáo huấn của Giáo Hội chia sẻ quyền mục tử tối cao của Ngài?

THƯA. Bởi vì các ki tô hữu cầm được gìn giữ khỏi những lệch lạc hay sai lầm về đức tin. Do đó, nhiệm vụ mục tử của Huấn quyền nhằm gìn giữ dân Thiên Chúa luôn được ở trong chân lí cứu độ. Để hoàn thành việc phục vụ đó, Đức Ki tô đã ban cho các vị mục tử ơn đặc biệt không sai lầm về đức tin và luân lí. (GLCG s. 887).

7. HỎI. Thánh Phê rô, trong lời rao giảng, đã ám chỉ đến hình ảnh mục tử và đàn chiên của mình?

THƯA. Đúng, trong 1Pr 2,25, vị thủ lãnh các tông tồ quả quyết rằng nhân lọai, trước khi Đức Ki tô đến, đã là đàn chiên lang thang; giờ các con chiên đi theo Đức Ki tô, thuộc thành phần đàn chiên mà Chúa Giê su là Mục tử  và là Giám mục, do đó họ không còn bơ vơ nữa.

8. HỎI. Nhiệm vụ “Mục tử” chỉ được thi hành bởi Nhóm Mười Hai tông đồ?

THƯA. Không, thực ra, Tân Ước quả quyết rằng nhiệm vụ ấy đã được chuyển thông, qua việc đặt tay, cho những người được lựa chọn, bởi chính các Tông đồ hoặc các đồ đệ các tông đồ (x. 1 Tm 3,1; 2 Tm 1,6; Tt 1,5).

9. HỎI. Nhưng nhiệm vụ Mục tử có đồng nghĩa với nhiệm vụ Tư tế không? Nếu như thế thì toàn thể Giáo hội là một dân tộc tự tế và do đó, tất cả các tín hữu Ki tô là mục tử chăng?

THƯA. Đúng như thế, toàn thể Giáo hội của Đức Ki tô tạo thành một dân tộc tư tế và do bí tích Rửa tội, được thông phần vào chức tư tế tối cao của Đức Ki tô. Quyền năng ấy được định nghĩa là chức tư tế thông thường của các tín hữu và là nền tảng của chức tư tế thừa tác, chức vụ sau nầy nhằm phục vụ cho chức vụ trước. Chức tư tế thừa tác được trao ban qua Bí tích Truyền chức và thi hành chức năng phục vụ nhân danh Đức Ki tô là đầu ở giữa cộng đòan.

10. HỎI. Để gọi các mục tử giả, Chúa Giê su dùng từ “tên trộm” không đủ sao mà còn phải dùng cả từ “tên cướp” (x. c 1) nữa?

THƯA. Sở dĩ Chúa Giê su nói mạnh như thế là muốn làm nổi bật hình ảnh xấu xa của tên trộm đàn chiên, để nhấn mạnh đến tính trầm trọng nơi hành vi của anh ta. Tên trôm là kẻ lén lấy cắp của cải người khác, còn tên cướp là kẻ cướp giật của cải người khác.

11. HỎI. Thánh Gioan muốn nói gì khi nói rõ các hành vi của người mục tử?

THƯA. Để làm nổi bật hình ảnh người mục tử rất ân cần với đàn chiên: Chúa yêu mến đàn chiên, đã thí mạng sống nhằm Cứu độ mọi người. Như người chăn chiên dẫn chiên ra  ngòai, thì Ngài cũng dẫn những kẻ theo người trên Con Đường Sự Sống. Như người mục tử dẫn đầu dàn chiên, Chúa Giê su cũng dẫn đầu đi trước các tìn hữu của Ngài để chuẩn bị cho mỗi người một chỗ trên Nước Chúa.

12. HỎI. Còn các chiên phải hành động ra sao?

THƯA. Các con chiên phải tỏ ra ngoan ngoản đi theo vị mục tử của mình vì nhận ra tiếng gọi của chủ chăn; Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy ngoan ngoãn vâng theo Ngài; ai vâng phục Thiên Chúa thì có lòng khiêm nhường. Với lòng khiêm nhường và vâng phục giáo huấn của Đức Ki tô, chúng ta có thể lắng nghe và nhận ra tiếng gọi của Ngài giữa cảnh xô bồ của thế gian muốn nghi ngờ chân lí của Chúa Giê su Ki tô mà Thánh Kinh và Thành truyền đã truyền lại cho chúng ta.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống_Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần VII Phục Sinh_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần VII Phục Sinh_Tân Quang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Sau Tuần VII Phục Sinh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần VII Phục Sinh_ Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên_Lm Giuse Đỗ Đức Trí

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A- MỤC TỬ VÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN.Nt. Maria Lê Hương
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH NĂM A- Mục tử thật - mục tử giả. Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     NGƯỜI BẠN ĐỒNG HÀNH
     MỜI ÔNG Ở LẠI VỚI CHÚNG TÔI
     EMMAUS
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN III PHỤC SINH NĂM A.
     GẶP GỠ CHÚA GIÊSU PHỤC SINH. Lm Phaolô Nguyễn Văn Đông
     THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN II PHỤC SINH NĂM A-THUỘC VỀ TRỜI CAO. Lm. Đaminh Nguyễn Thành Tiến
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT II PHỤC SINH NĂM A- Bình an cho các con !. Lm Phao Lô Nguyễn văn Đông