Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 18

CHỦ NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN

tinhyeu8ed6.jpgChúng ta đang đứng trước một lựa chọn: Sở hữu hoặc Hiện hữu. Quan tâm lớn nhất của con người là Sở hữu. Trong khi của cải duy nhất tồn tại là Tình yêu tạo trong ta một thực tại thiêng liêng vĩnh cửu. Tình yêu đòi buộc chúng ta phải quên chính mình, và chỉ phát sinh từ sự chết nội tâm của chúng ta mà thôi.

Giảng Viên 1,2; 2,21-23

Sách Giảng Viên chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc lữ hành thiêng liêng của Dân Ít ra ên. Nó diễn tả tâm tình của một người chán nản vì theo đuổi sự giàu sang và quyền quí. Khi đặt vấn đề về ý nghĩa của cuộc sống, nó chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm ráo riết niềm hạnh phúc, trong một hướng thiêng liêng hơn.

Thánh vịnh 89

Trước nhan Thiên Chúa, con người, hữu thể đơn thuần, hay chết, tội lỗi là ai? Nó có nhận ra sứ mỏng dòn của mình không! Ước gì Thiên Chúa dẫn con người vào sự Khôn Ngoan của Người để cuối cùng ban cho con người được SỐNG.

Thư Cô lô sê 3,1-5.9-11

Cuộc sống thực sự chỉ có thể được sinh ra từ sự tái định hướng ước mơ bản năng của con người. Nó phải tiến tới một vũ trụ mới hướng về Thiên Chúa. Đó là một cái chết nội tâm, nhưng cũng cho phép tiến tới sự sung mãn của Sự sống, một sự sống được thể hiện ngang qua một tình huynh đệ đại đồng.

Tin mừng  Lc 12, 13-21

Không rời viễn ảnh của phần thứ nhất, diễn từ giờ đây nói tới thái độ của người môn đệ trước sự giàu sang. Chúa Giê su cảnh giác đám đông chống lại mọi thứ thèm muốn (12,15-21). Rồi sau đó, Ngài mời gọi các môn đệ bỏ mình cho Thiên Chúa (12,22-32) và tự trở nên nghèo bằng cách làm phúc (12,33-34).

NGỮ CẢNH

Toàn chương 12 là gồm các bài giảng dài của Chúa Giê su dành cho các môn đệ (12,1-12), rồi cho đám đông (12,13-21), một lần nữa cho các môn đệ (12,22-53), rồi lại với đám đông (12,54-13,21). Thỉnh thỏang có một vài ngắt đọan. Đoạn nầy gồm có các chủ đề như sau:

1. Can đảm làm chứng nhân (12,1-12)

2. Đoạn tuyệt và tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng (12,13-34).

3. Tỉnh thức trong tinh thần phục vụ (12,35-48)

4. Các mục tiêu trong sứ vụ của Chúa Giê su (12,49-53).

Đọan văn của chúng ta nói về thái độ của người môn đệ đứng trước mọi thứ của cải trần gian. Chúa Giê su cảnh giác mọi người trước sự mê tham của cải (12,13-21) trước khi mời gọi các môn đệ của Ngài hãy phó thác cho Thiên Chúa (12,22-32), và bố thí để trở nên nghèo (12,33-34).

TÌM HIỂU

Xin Thầy bảo: chúng ta có thể so sánh lời cầu xin và trả lời của Chúa Giê su với lời cầu xin của Matta (“Thầy hãy nói với em con”) và giáo huấn của Chúa Giê su (10,38-42).

Chia phần gia tài: Chúa Giê su từ chối xen mình vào một cuộc tranh chấp của cải trần gian. Ngài không khinh chê thực tại nầy, tuy nhiên sứ mạng của Ngài thuộc lãnh vực khác: đem lại cho các mối tương quan giữa con người ý nghĩa sâu xa nhất.

Của cải: của cải ở đây dĩ nhiên bao hàm không những của cải vật chất mà còn mọi khía cạnh của sự tự mãn. Chẳng hạn như việc sở hữu lề luật – men pha ri sêu (12,1). Luật không chống lại Thiên Chúa, mà chỉ là một con đường đưa tới Người. Con người không được bận tâm đến điều mình sở hữu, nhưng tiếp nhận điều mà Thiên Chúa ban cho.

Đồ ngốc: những dự định của con người không bị đánh giá là ngốc, vì được họach định bởi sự khôn ngoan của con người. Nhưng người nầy khi làm điều đó, ông ta lại đóng kín với riêng mình; và không cần đến Thiên Chúa. Khi muốn coi mình là một người biết sống (x. Gr 17,11; Kn 15,8), người ta tự tách mình ra khỏi nguồn sống. Đây lại không phải là điều mà Giê rê mi a (2,13) tố cáo sao?: “Chúng đã bỏ Ta là mạch nước trường sinh để làm những hồ nứt rạn, không giữ được nước”.

Mạng ngươi: Thiên Chúa ban cho sự sống và Người lấy lại khi Người muốn (12,5). Ai muốn cứu mạng sống thì sẽ mất (9,24). Cần phải chấp nhận chết cho chính mình để sống trong Thiên Chúa.

Thu tích của cải cho mình: x. 12,31. Của cải duy nhất là của cải của Nước Thiên Chúa (6,20).

SỨ ĐIỆP

Các bài đọc chủ nhật hôm nay có thể làm cho chúng ta khó chịu.

Qô hê lết không phải mà triết gia, nhưng là một nhà giảng thuyết, một tín hữu viết cho các tín hữu của mình. Ông nói rằng con người xây dựng cuộc đời mình trên những giá trị hư không. Họ vất vả thu tích của cải. Họ phung phí sức lực để làm giàu cho cuộc sống gia đình và xã hội. Rồi đến cuối đời, họ nhận ra rằng tất cả chỉ là phù vân và họ đã lầm đường.

Vì thế bài đọc nầy đặt cho chúng ta câu hỏi nền tảng. Đúng hơn, đó là một lời mời gọi trở về cốt lõi của lòng tin. Điều trước tiên là nhớ rằng Thiên Chúa là đấng Tạo dựng nên chúng ta và Người say mê yêu thương thế gian. Mọi cố gắng tìm kiếm hạnh phúc bên ngòai Thiên Chúa đều như công dã tràng. Tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta là đều là ơn ban của Thiên Chúa. Thái độ duy nhất xứng đáng cho một người tín hữu là đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa và xây dựng cuộc sống của chúng ta trong Người. Chúng ta được qui hướng về hai giới luật yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Đó là nơi mà chúng ta tìm ra hạnh phúc đích thực duy nhất.

Bài tin mừng kể lại câu chuyện về người thanh niên đến với Chúa Giê su để xin Ngài làm trọng tài chia gia sản nhà anh. Ai cũng biết rõ đó là kiểu tranh chấp thường thấy khắp nơi, và khiến người ta lo lắng suốt đời. Chúa Giê su mạnh mẽ phản ứng lại. Sứ mạng của Ngài không phải là làm quan án lo chuyện làm ăn thay cho chúng ta. Để giải quyết những chuyện ấy, chúng ta hãy đi đến các nhà chức trách. Còn đối với Ngài, thì ưu tiên lớn nhất chính là làm sao để tin mừng được loan báo cho tất cả mọi người. Toàn bộ Tin mừng nói với chúng ta rằng chúng ta được dựng nên cho Thiên Chúa. Đó là niềm đam mê lớn của Chúa Giê su. Nếu chúng ta tiếp nhận sứ điệp hi vọng ấy, chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta. Và để giúp mọi người hiểu rõ hơn, Chúa Giê su kể câu chuyện về một địa chủ giàu có muốn khoe cho mọi người thấy mình giàu. Đồng lúa mênh  mong đem lại hòa màu nhiều không chỗ chứa, đặt ra cho ông ta một vấn đề: ông không biết trữ nó vào đâu vì kho lẫm của ông thì quá nhỏ hẹp.

Bấy giờ ông quyết định xây thêm những kho lớn hơn để chứa tất cả sản nghiệp của mình. Ông nghĩ rằng khi thực hiện xong dự tính ấy, ông có thể an tâm thụ hưởng cuộc sống giàu sang. Có nhiều người cũng có những dự phóng tương tự. Và để làm điều đó, họ chấp nhận làm mọi sự cả những điều bất lương.

Nhưng Thiên Chúa cho người ấy hiểu rằng đó là điều điên khùng. Họ xây dựng đời mình bằng việc thu tích của cải. Họ chỉ quan tâm đến việc làm ra càng nhiều của cải càng tốt. Nhưng không chắc sẽ được hưởng dùng, nhất là họ phung phí súc khỏe để ki cóp nó. Và những thứ nầy sẽ không đem lại một ích lợi gì cả sau khi chết. Chúng sẽ qua tay người khác, và có nguy cơ bị phung phí. Thánh Au gu ti nô đã nhắn nhủ: “Bạn đã tạo ra một sản nghiệp; đời của bạn chất chứa đầy sự lo lắng không sinh lợi. Vì thế, cuộc đời không có ý nghĩa gì cả”.

Hôm nay, Chúa Giê su mời gọi chúng ta hãy đảo ngược các giá trị trần thế. Ngài khuyên chúng ta hãy trở nên giàu có cho Thiên Chúa. Thánh Tông đồ Phao lô cũng khuyên bảo chúng ta điều tương tự bằng một kiểu nói khác: “Anh em hãy tìm kiếm những thực tại trên trời”. Nhờ phép Rửa tội, chúng ta đã trở nên những con người mới được tái tạo theo hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn phải sống giữa những thực tại trần gian. Chính đó là nơi mà chúng ta phải chiến đấu chống lại một những khuynh hướng không thích hợp, đặc biệt là thờ phượng các bục thần. Điều mà Chúa Giê su muốn dạy, đó là cả cuộc sống chúng ta phải hướng về Thiên Chúa. Ở  ngòai Người, tất cả đều là phù vân.

Xây dựng cuộc đời trên Thiên Chúa, điều đó đòi hỏi phải liên kết với Đức Ki tô. Ngài là Đường, là Sự thật và là Sự sống. Chính nhờ Ngài mà chúng ta được mời gọi vượt qua để đến với Thiên Chúa Cha. Nếu chúng ta dành cho Người vị trí ưu tiên, cuộc đời chúng ta sẽ đầy tràn tình yêu của Người. Chúng ta sẽ biết cách yêu thương như Ngài và cùng với Ngài cống hiến những gì tốt đẹp nhất của chúng ta. Nhưng tình yêu ấy đến từ Chúa, cũng giống như ánh sáng. Nếu chúng ta muốn giải sáng và tỏa sáng chung quanh, chúng ta phải để thời giờ mà tiếp nhận nó.

Để chấm dứt, tôi xin kể lại một chứng từ: có một vị Giám mục kia đã được mời đến tham dự một bữa cơm gia đình. Cuối bữa ăn, mấy đứa trẻ khoe với ngài thiên thần của chúng. Nghe nói thế, ngài vô cùng ngạc nhiên, nhưng cũng đi theo chúng cùng với cha mẹ đến một căn phòng. Họ đứng trước một đứa bé trai tàn tật, tứ chi hoàn toàn bị tê bại. Bà mẹ đã nói cho ngài biết rằng bé Mi ca e là một thiên thần mà Thiên Chúa gởi đến để dạy cho cả nhà biết yêu thương. Và khi họ đã học được bài học quan trọng ấy, bé sẽ trở về với Chúa. Vị Giám mục vô cùng xúc động và sau vài giây im lặng ngài đã trả lời: “Các con nói đúng. Và Cha ước mong nhiều người hơn nữa có thể nhận ra các sứ giả mà Thiên Chúa gửi đến để học bài học: Làm sao để yêu thương?

Ước gì chúng ta có thể nhớ mãi sứ điệp nầy: kho tàng của chúng ta ở trong tim chúng ta.


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên_Lm. Phêrô Trần Lê Thành Nhân
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Thứ Ba Tuần XVIII Thường Niên_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVIII Thường Niên_Nt. M. Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVIII Thường Niên C_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVIII Thường niên - Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVIII Thường Niên - Nt. Thiên Thảo SJP

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM CHÚA NHẬT TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM C. Lm HK