CHÚA NHẬT 23 TN
HÃY LÀM VIỆC GÌ CŨNG TỐT ĐẸP……
Con người không ai hoàn hảo, ai cũng mang trên thân xác mình những khiếm khuyết, bất toàn. Tuy nhiên, có những khiếm khuyết, bất toàn xem ra vô hại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự sống. Nhưng đó có thể lại là một trở ngại rất lớn cho tiến trình làm người, nên người và nên thánh. Đó là Câm và Điếc. Thật vậy, so với những khuyết tật khác, xem ra người câm điếc chịu đựng nhiều bất hạnh hơn: vì không thể bày tỏ được lòng mình, cũng không thể nghe được những gì người ta nói, họ như bị cách ly, bị hiểu lầm, trở nên xa lạ và cô độc. Người câm điếc có thể nhìn thấy cả thế giới, nhưng đó là một thế giới câm lặng, đóng kín đầy bí ẩn, sẽ phải mãi mãi sống trong sự cô độc lẻ loi và bị loại trừ.
Người câm điếc thành Siđon trong tin mừng hôm nay, đã lâm vào tình cảnh bi đát và đáng thương như thế, bởi không thể đối thoại với người khác, không được người khác hiểu, nên lúc nào anh cũng gậm nhấm nỗi buồn. Anh đau khổ biết bao vì không được nói với ai, cũng như chẳng được nghe ai nói với mình. Anh không thể hiểu người khác và người khác cũng khó mà hiểu được anh. Cảm thông tình cảnh bi đát ấy, Chúa Giêsu đã chữa anh khỏi câm và điếc, để từ nay, anh có thể liên hệ, hòa nhập vào cuộc sống với mọi người mà không còn tự ti mặc cảm.
Lắng nghe câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho một người câm điếc hôm nay, không chỉ có ý nghĩa với người đó, mà cũng có ý nghĩa đối với chúng ta. Có ý nghĩa không phải vì chúng ta câm điếc, mà vì chúng ta được Chúa ban cho hai khả năng quý báu đó. Tuy nhiên, nhận được hai ơn ban ấy không hẳn là ai cũng biết sử dụng cho đúng và tốt đẹp. Bởi nhiều người có đôi tai tốt nhưng không biết lắng nghe, nhiều người có miệng lưỡi tốt nhưng không biết nói những điều đáng nói. Bởi chúng ta tuy không câm điếc về phần xác, nhưng có thể lại mắc chứng câm điếc vô cùng nguy hiểm, đó là câm điếc tâm linh. Thật thế, chúng ta rơi vào chứng câm điếc tâm linh, khi lòng trí đầy những dục vọng thấp hèn, đầy những tính toán vụ lợi đến nỗi không còn thời giờ lắng nghe và đón nhận Lời hằng sống của Thiên Chúa. Tính kiêu căng tự mãn làm lòng người ra ươn lười, chai sạn không còn nghe được lời mời gọi sám hối và đổi mới của tin mừng. Chúng ta câm điếc khi chỉ biết nghĩ đến bản thân mình mà không nghe thấy những nỗi niềm ray rứt của người khác, không nói được lời khích lệ, cảm thông và nâng đỡ tha nhân. Chúng ta câm điếc khi mải mê với thú vui riêng tư, những toan tính hưởng thụ mà không thấy những thiếu thốn khổ sở của anh em trong nhà và dửng dưng thờ ơ trước đau khổ của những người tật nguyền, bệnh hoạn. Chúng ta câm điếc khi miệng lưỡi không còn biết ca tụng Thiên Chúa, mà chỉ biết lắp bắp những lời giả dối, nịnh hót và lươn lẹo. Chỉ biết thốt lên lời độc ác, thô lỗ, chua cay, lời gây oán thù và chia rẽ. Hoặc những lời hoa mỹ văn chương nhưng chứa đầy cạm bẫy của tham lam, trục lợi. Chúng ta có thể trở thành kẻ câm điếc khi chỉ biết thốt lên những lời lạ lẫm, khó nghe vì hèn nhát không dám nói lên sự thật, vì ngượng ngùng không nói được lời hoà giải thứ tha.
Hôm nay, Chúa Giêsu đã đến, Ngài đã chạm vào cõi lòng u buồn, cô đơn và tủi nhục của người câm điếc để vực anh dậy, mở lòng anh ra và dẫn đưa anh vào một cuộc sống mới, sự hiện diện của Chúa Giêsu đã làm cho những người ngoại giáo miền Thập tỉnh phải kinh ngạc và trầm trồ thán phục: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả”. Những điều tốt đẹp như thế vẫn đang đến với mỗi người chúng ta. Vậy, ước gì mỗi người chúng ta cũng hãy mở rộng tấm lòng với lời mời gọi “Ephata” đầy quyền năng chữa lành và đổi mới của Chúa, để Chúa chữa lành và biến đổi chúng ta thành những con người mới, những con người của thời đại thiên sai. Những con người mạnh dạn cởi bỏ nếp sống cũ hẹp hòi, khép kín mà đón nhận tha nhân bằng con tim biết tha thứ và yêu thương, để phá vỡ những bức tường giả dối, dửng dưng, nghi kỵ, bất hòa để dựng xây tình hiệp thông huynh đệ. Nhất là, để chúng ta cao rao ngợi khen Chúa, để tuyên xưng đức tin, để truyền rao chân lý cứu độ cho mọi người và để những người ngoại giáo xung quanh cũng cất tiếng nói rằng: “ Ôi, người công giáo làm việc gì cũng tốt đẹp cả”. Nguyện xin Chúa chúc lành cho những cố gắng ấy của mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Paul Nguyễn Nguyên