CHÚA NHẬT II MC B : TÌM LẠI PHẨM GIÁ
VÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA NƠI MÌNH
Có một người chặt củi trên
rừng tình cờ bắt được một tổ chim có một quả trứng bên trong. Anh liền đem quả
trứng về nhà cho con gà ấp. Ít lâu sau, quả trứng nở ra một chú phượng hoàng
con rất đẹp. Tuy nhiên, vì được ấp bởi một con gà và vì chung quanh mình cũng
chỉ là những chú gà nên phượng hoàng con không hề biết mình là phượng hoàng.
Ngày ngày, chú theo đàn gà đi kiếm ăn như những con gà khác. Một ngày kia, ngước
lên trời, chú thấy có những con chim giống mình đang sải cánh bay lượn trên bầu
trời. Những con chim kia bay lại và nói với phượng hoàng con rằng : Mi không phải
là loài gà, mà là phượng hoàng, là vua của các loài chim, mi phải giang rộng
đôi cánh để bay lên bầu trời chứ không thể theo sau đàn gà như thế được. Soi
mình dưới dòng suối, quả thật chú thấy mình không giống gà tí nào mà lại giống
những cánh phượng hoàng trên bầu trời. Chú tự tin giang cánh và lấy hết sức
mình để bay lên cao. Kể từ đó, chú phượng hoàng giũ bỏ kiếp làm gà để trở thành
phượng hoàng tung bay trên bầu trời.
Thưa quý OBACE, các bài đọc
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người phải trở về và khôi phục lại phẩm giá đích
thực của mình là những người con của Thiên Chúa, mà tội lỗi và những lôi kéo của
thế gian đã làm chúng ta quên mất ơn gọi và phẩm giá cao quý đó. Ơn gọi và phẩm
giá này, chúng ta đã nhận được nhờ Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa là Chúa
Giêsu đã chết và sống lại để ban cho chúng ta.
Tin Mừng hôm nay cho thấy,
Thiên Chúa Cha đã long trọng tái khẳng định Chúa Giêu là Con yêu quý của Ngài
trước mặt các Tông đồ là những chứng nhân. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn,
Chúa Giêsu đem theo những tông đồ thân tín nhất lên một ngọn núi cao. Ở đó,
Ngài tỏ lộ vinh quang của một vị Thiên Chúa trước mắt các ông. Dù trước đây đã
được đi theo Chúa, được chứng kiến các phép lạ Chúa làm và nghe những lời giảng
dạy của Chúa, nhưng có vẻ các Tông đồ vẫn chưa hoàn toàn xác tín vào Chúa Giêsu
là Đấng Cứu thế. Vì cũng giống như nhiều người Do Thái khác, các ông cũng chỉ
mong đợi một Đấng Cứu Thế quyền lực chứ không muốn một Đấng Cứu Thế khiêm nhu
như một người tôi tớ.
Trong cuộc biến đổi hình dạng
này, Chúa Giêsu muốn cho các Tông đồ thấy rằng, Ngài không chỉ là một vị Thầy
quyền năng, nhưng ẩn khuất nơi con người của Ngài còn là mội vị Thiên Chúa. Tin
Mừng đã diễn tả vinh quang Thiên Chúa bằng cách so sánh : Áo Người trở nên rực
rỡ trắng tinh, không có thợ giặt nào của trần gian có thể giặt được như thế.
Tác giả Tin Mừng còn kể tiếp : Các môn đệ thấy ông Elia và ông Môse hiện ra đàm
đạo với Chúa Giêsu. Sự xuất hiện của hai gương mặt lớn thời Cựu Ước, Êlia và
Môsê, đại diện cho Lề luật và các Ngôn sứ, nói lên rằng : Tin Mừng nhận ra Chúa
Giêsu chính là trung tâm, là Đấng mà toàn bộ Cựu Ước hướng tới.
Các Tông đồ hết sức hạnh
phúc khi chứng kiến cuộc biến đổi hình dạng của Thầy mình. Các ông ngây ngất
khi được nếm hưởng một chút vinh quang Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Simon Phêrô
và các Tông đồ muốn kéo dài mãi giây phút hạnh phúc ấy. Các ông đã xin được cắm
lều ở lại luôn trên núi. Tuy nhiên, mục đích của Chúa Giêsu khi cho các Tông đồ
thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài là để chuẩn bị cho các ông đón nhận biến cố
tử nạn khổ giá sắp tới. Từ trong đám mây bao phủ, có tiếng phán : Đây là Con Ta
yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Lời này chắc chắn Thiên Chúa Cha muốn nói với
các Tông đồ, vì chung quanh không còn ai khác. Thiên Chúa Cha muốn các Tông đồ
vâng lời Chúa Giêsu, lời đó là lời nào ? Từ trên núi xuống, Chúa Giêsu bắt đầu
nói với các ông về cái chết và sự sống lại của Ngài. Đó là điều các Tông đồ
không hiểu, không muốn, nhưng lại là điều các ông phải chấp nhận, cần vâng nghe
và đón nhận khi sự việc xảy ra.
Qua biến cố biến hình,
Thiên Chúa Cha không chỉ giới thiệu Con của Ngài cho các Tông đồ, mà Ngài như
muốn trao nộp người Con ấy cho nhân loại : Đây là Con ta yêu dấu. Việc trao nộp
này dù là một đau đớn, mất mát, nhưng vì yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa đã
chấp nhận cuộc trao đổi để Con Một của mình trở nên một con người trong nhân loại,
trở nên một hy lễ đền tội và để đón nhận cả nhân loại làm con của mình.
Lời của Thiên Chúa không
phải lúc nào cũng dễ dàng để vâng nghe. Ngày xưa, tổ phụ Apbraham đã vâng nghe
lời Thiên Chúa đến tột cùng, ông không hối tiếc để dâng đứa con duy nhất cho
Thiên Chúa, dù tâm hồn ông đau đớn, nát tan. Thiên Chúa đã thử ông khi Ngài nói
: Ngươi hãy đem người con duy nhất của người là Isaac, mà dâng nó làm của lễ
toàn thiêu trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho. Mặc dù đau đớn trong lòng, dù phải
chính tay sát tế con mình, thế nhưng vì vâng phục Thiên Chúa hoàn toàn, Apraham
đã không một lời oán trách Thiên Chúa, ông đã hoàn toàn vâng nghe lời Chúa truyền
dạy.
Thiên Chúa chỉ thử thách sự
vâng phục của Apbraham. Ngài không nỡ để ông mất hết hy vọng, Ngài đã hiểu được
tấm lòng của Apbraham và đã trả lại đứa con cho ông. Không chỉ thế, để đáp lại
thái độ sẵn sàng vâng nghe của Apbraham, Thiên Chúa một lần nữa lặp lại lời cam
kết với ông : Ta sẽ giáng phúc cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên như
sao trên trời và như cát bãi biển. Đó chính là phần thưởng cho những ai yêu mến
và vâng phục Thiên Chúa.
Thánh Phaolô đã nhận ra
tình yêu thương và lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa dành cho những ai vâng
nghe lời Chúa Giêsu truyền dạy, khi cho thấy rằng, Thiên Chúa không bao giờ hẹp
hòi với con người ; trái lại, Ngài luôn quảng đại, yêu thương và tha thứ, vì :
Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả
cho chúng ta ?
Thiên Chúa vì yêu thương
nhân loại mà chấp nhận một cuộc trao đổi. Ngài ban tặng Chúa Giêsu, Con của
Ngài cho thế gian và đón nhận mỗi chúng ta làm con của Ngài. Qua Bí tích Rửa tội,
chúng ta thực sự được thanh tẩy và trở nên con Thiên Chúa. Tuy nhiên, tội lỗi
và những lôi kéo của thế gian và sự lừa đảo của ma quỷ đã khiến cho nhiều người
quên mất ơn gọi và phẩm giá làm con Thiên Chúa của mình. Nhiều người đã để tội
lỗi làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình bị biến dạng hoặc lu mờ. Nhiều người
khác đã để thế gian lôi kéo làm quên lối về, hoặc do sống buông thả kiến họ mãi
cứ lầm lũi như con phượng hoàng đi theo đàn gà trong câu chuyện kể trên.
Mùa Chay chính là dịp để mỗi
người soi lại mình trong tấm gương là Chúa Giêsu, để nhận ra địa vị làm con
Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta, để mỗi người hãy sống tâm
tình con thảo với Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã sống. Thiên Chúa không đòi
chúng ta điều gì hơn, là muốn chúng ta vâng phục và yêu mến Ngài. Vâng phục
Thiên Chúa không làm cho chúng ta trở nên thấp kém hay vong thân, nhưng trái lại,
khi vâng phục Thiên Chúa, chúng ta được gieo mình vào vòng tay yêu thương và được
sự bảo bọc của Thiên Chúa là Cha. Cũng vậy, Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài
không phải vì Ngài cần đến tình yêu của chúng ta, nhưng khi yêu mến Chúa, chúng
ta sẽ đón nhận được sức sống và được sống trong Chúa.
Giống như ngày đầu năm mới,
chúng ta làm mới lại nhà cửa, con người. Cũng vậy, mùa Chay là mùa để mỗi người
làm mới lại bản thân trước mặt Thiên Chúa, lau chùi khỏi chúng ta những bụi bặm
của lối sống lười biếng, hời hợt, cũ kỹ để mang lấy một thái độ mới, một lối sống
mới. Hãy làm mới lại tương quan của chúng ta với Chúa qua việc thanh tẩy mình
khỏi những dơ bẩn của tội lỗi để đến với Chúa với một tâm hồn trong sạch, hiếu
thảo. Điều quan trọng Chúa muốn nơi chúng ta là hãy vâng nghe lời của Chúa
Giêsu, Con của Ngài.
Hãy để tai và để tâm lắng
nghe lời Chúa mỗi ngày trong Thánh lễ, vì nơi đây, Lời Chúa được dọn sẵn cho mỗi
người, phù hợp cho từng hoàn cảnh sống của con người. Lời Chúa cũng cần được lắng
nghe nơi gia đình qua các giờ kinh sớm tối. Hãy để cho Lời Chúa thấm vào tâm hồn
và hướng dẫn mọi công việc, toan tính và hành động, giúp mỗi người chu toàn bổn
phận của mình theo ý Chúa.
Xin Chúa qua sự bầu cử của
Mẹ Maria, cho mỗi người nhờ vâng nghe lời Chúa, được thanh luyện mỗi ngày nên tốt
đẹp hơn, nên xứng đáng là con yêu dấu của Chúa hơn, giúp chúng ta ngẩng cao đầu
và tung cánh bay trong bầu trời yêu thương của Thiên Chúa. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp.
Xuân Lộc