CHỦ NHẬT 3 CHAY B
Bởi những giới hạn nhất định, chúng ta thường phải rất khó khăn khi tìm biết Thánh ý Thiên Chúa. Để soi sáng chúng ta, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến, sống và trải nghiệm những giới hạn của con người để dạy cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Tình yêu và không muốn gì khác hơn là cứu độ chúng ta.
Sách Xuất hành 20,1-17:
Đúng là một HIẾN CHƯƠNG của TỰ DO. Được giải thoát khỏi ách nô lệ, dân Thiên Chúa không còn giống như các dân tộc khác. Họ không được để những ước muốn nhân loại chế ngự nữa, nhưng phải để mình được tự do, thong dong hoàn toàn. Họ cũng không được tạo cho mình những vị thần linh theo họa ảnh của họ, theo ước muốn của họ. THẬP GIỚI mà họ phải tuân giữ, được tóm trọn trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân.
THÁNH VỊNH 18:
Thiên nhiên phản ánh sự hòan thiện trong chương trình của Thiên Chúa. Theo cách của mình, nó mạc khải cho chúng ta biết về Thiên Chúa. Còn chúng ta, chúng ta phải chúc khen vinh quang Thiên Chúa khi nhìn ngắm thiên nhiên.
Thư 1 Cr 1,22-25
Sự khôn ngoan mà thánh Phao lô nói đến không giống như sự khôn ngoan của con người. Điều khôn ngoan đối với Thiên Chúa thì lại bị coi là điên rồ đối với con người. Tuy nhiên chỉ có sự khôn ngoan của Thiên Chúa mới có thể dẫn ta đến hạnh phúc thật, đến sự sống đời đời.
Tin mừng Ga 2,18-25
Cần phải tin rằng Chúa Giê su chính là đền thờ mới
NGỮ CẢNH
Biến cố nầy rất quan trọng được tất cả các sách Tin Mừng thuật lại. Đặc biệt tin mừng Gioan còn thêm giáo huấn về việc Đền thờ bị phá hủy rồi được xây dựng lại, điều mà các tin mừng nhất lãm đặt ở trình thuật Thương khó.
Cả bốn tin mừng đều nêu lên giáo huấn chung là nền phụng tự cổ đã lỗi thời và bị thay thế. Chỉ có Ga cho thấy Chúa Giê su mạc khải vị trí trung tâm của Ngài trong nền phụng tự mới.
Do đó, phần đầu sách tin mừng Gio an được dành để tập họp các biến cố báo trước cuộc chuyển đổi từ Giao Ước cũ sang Giao Ước mới: Ca na (2,1-12), dấu chỉ đền thờ (2,13-22), Ni cô đê mô (3,1-21), Sa ma ri ta nô (4,1-42).
Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:
(2,18): người do thái đòi dấu lạ
(2,19): Chúa Giê su cho biết dấu lạ: Ngài xây dựng lại đền thờ bị phá.
(2,20): người do thái hiểu sai
(2,21-22): đền thờ chính là thân thể Chúa Giê su. Các môn đệ tin vào lời Ngài.
(2,23-25): Chúa Giê su không tin những người tin vào Ngài vào dịp lễ Vượt qua, vì Ngài biết rõ tâm hồn họ.
TÌM HIỂU
Lễ Vượt qua: đây là lễ Vượt qua đầu tiên mà Ga nói tới. Hai lần khác là vào dịp hoá bánh ra nhiều (6,4) và cuộc Khổ nạn (11,55;12,1;13,1). Toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu là cuộc đổi mới lễ Vượt qua.
Nhưng đặt biến cố thanh tẩy đền thờ vào thời điểm nào trong cuộc đời Chúa Giê su? Các tin mừng nhất lãm chỉ nói tới một lễ Vượt qua duy nhất vào cuối đời Chúa Giêsu nên không thể đặt biến cố nầy vào một dịp khác. Do vậy người ta có khuynh hướng chấp nhận thời biểu của Ga. Nhưng thật khó mà nghĩ rằng Chúa Giêsu lại có thể bắt đầu sứ mạng của mình theo lối đó và tiếp tục sứ mạng một thời gian dài sau khi thách thức thẩm quyền do thái giáo. Ga đặt biến cố nầy một thời gian lâu trước các tác giả khác vì muốn gán cho nó đầy đủ ý nghĩa.
Đền thờ: từ hi ngữ là hierón chỉ toàn thể các toà nhà chung quanh ngôi đền thờ.
Những kẻ bán chiên: vì khách hành hương có bổn phận phải dâng hi lễ nên một kiểu kinh doanh buôn bán lớn được hình thành chung quanh đền thờ thậm chí trong cả các hành lang và các cổng ra vào và điều nầy hoàn toàn đi ngược lại với sự thánh thiện của đền thờ.
Roi: qua chi tiết nầy, Ga muốn nhấn mạnh đến uy lực nơi hành vi của Chúa Giê su. Với toàn bộ khung cảnh và tất cả các lời nói đi sau, tác giả muốn gợi ý rằng Chúa Giê su hành động với một sức mạnh đáng sợ của một sứ giả của Thiên Chúa (x. giải thích Mc 11,15-17): “Và bỗng nhiên Chúa Thượng đi vào Thánh điện, đấng mà các ngươi tìm kiếm…Ai đứng được khi Ngài xuất hiện” (Ml 3,1).
Nơi buôn bán: Tiên tri Dacaria loan báo rằng trong ngày khai mạc, Nước Chúa “sẽ không còn một thương gia (= người Canaan) nào nữa trong nhà của Chúa” (14,21); dấu chỉ cho thấy sự thờ phượng kèm theo việc mua bán bị bãi bỏ.
Phải thiệt thân: lời trích dẫn Tv 69,10. Ga gợi ý rằng hành vi của Chúa Giê su sẽ dẫn Ngài đến cái chết. Chỉ sau Phục sinh, các môn đệ mới có thể thực hiện được so sánh ấy.
Các ông cứ phá huỷ: khi những người kí lục đòi một dấu chỉ (Mt 12,38-40), Chúa Giê su hướng họ đến sự sống lại. Điều đó cũng xảy ra ở đây. Ngài nói về đền thờ bằng đá. Động từ ở thể mệnh lệnh cách “các ông cứ phá huỷ” không phải là một lời thách thức, nhưng mời gọi: các anh có thể phá huỷ nó, nhưng nó không còn là một nơi thờ phượng thực sự nữa. Theo chiều hướng tiên tri Giê rê mia, Chúa Giê su loan báo đền thờ bị sụp đổ và một chế độ mới sẽ đến.
Từ trong hi ngữ là naos (x. ở trên c.14) được dùng ở đây để chỉ gian cực Thánh, nơi Thiên Chúa hiện diện.
Ba ngày: lúc đầu trong CƯ kiểu nói nầy không mang một ý nghĩa đặc trưng nào, dần dần sau đó, nó loan báo sự can thiệp của Thiên Chúa: “Sau hai ngày, Người sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba sẽ cho chúng ta chỗi dậy” (Hs 6,2).
Sau Phục sinh kiểu nói đó mang một ý nghĩa chính xác hơn: khoảng thời gian từ sự chết đến khi sống lại của Chúa Giê su.
Tôi sẽ xây dựng lại: Chúa Giê su nói về đền thờ nào? Ngài hướng tâm trí các môn đệ của Ngài và người Do thái, vốn chỉ biết đền thờ bằng đá, đến một đền thờ mới và mầu nhiệm hơn mà chính Ngài sẽ cho phục hồi. Bằng cách đó Ngài chuẩn bị họ hiểu rằng Ngài là đấng sáng lập và là nơi thánh của Giao Ước mới.
Bốn mươi sáu năm: theo Lc 3,1 thì Chúa Giê su bắt đầu sứ vụ của Ngài vào năm 15 thời hoàng đế Ti bê ri ô, tức là năm 27 thiên niên kỉ trước. Ngoài ra nhờ Giô xép Fla vi ô, sử gia người do thái (37-100 sau CN), chúng ta cũng biết rằng công cuộc tái thiết đền thờ khởi sự từ thời Hê rô đê I vào năm 20/19 trước CN. Vào thời Chúa Giê su chưa hoàn tất và có lẽ không bao giờ hoàn tất.
Chính thân thể Người: đối với người ki tô hữu sống biến cố phục sinh, nơi Thiên Chúa hiện diện, điểm gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người trong phụng tự, từ nay là chính thân xác Chúa Giê su. Ga khai triển sự xác tín đó qua nhiều đọan văn khác nhau (lời tựa, cuộc đàm thoại với người phụ nữ Sa ma ri, ngọn giáo..).
Sau phục sinh, các môn đệ sẽ hiểu ý nghĩa lời Chúa Giê su. Ngài qui chiếu đến chính thân xác của Ngài: người Do thái huỷ diệt thân xác của Ngài, nhưng Ngài sẽ chỗi dậy từ trong cõi chết.
Có nhiều kẻ: âm vang của câu 11. Ở Cana, các môn đệ đã vượt qua trạng thái những người môn đệ bình thường của một thầy Rabbi để bắt đầu trở thành một nhóm nhỏ các tín hữu. Ở Giê ru sa lem con số những người tin theo tăng dần.
Không tin họ: Gio an tự đặt mình ở tầm mức lịch sử. Các dấu chỉ mà Chúa Giê su đã thực hiện chí ít cũng đánh thức một đức tin mong manh: “Các ông mà không nhìn thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông không tin đâu” (4,48). Và khi kết luận, Ga sẽ ghi chú rằng “Người đã làm ngần ấy dấu lạ trước mặt họ, thế mà họ vẫn không tin vào Người” (12,37).
Ghi chú còn mang một tầm mức thần học. Đức tin mà quá tuỳ thuộc vào các dấu chỉ và đòi hỏi phải có dấu chỉ như điều kiện tiên quyết (2,18; 6,30) không những có nguy cơ vấp ngã, mà còn đi ngược lại với đức tin đích thực.
SỨ ĐIỆP
Đoạn tin mừng nầy thường được gọi là câu chuyện Chúa Giê su đuổi “những kẻ buôn bán trong đền thờ”, và gọi cơn phẫn nộ của Chúa Giê su là “cơn giận thánh”.
Nhưng bài tin mừng nầy còn đi xa hơn: điều mà Chúa Giê su bác bỏ không phải là việc thương mại. Ngài tấn công vào một tệ nạn trầm trọng hơn nhiều. Sự hiện diện của những người buôn bán là điều thiết yếu để cho việc phụng tự có thể tiến hành, vì những người hành hương có thể tìm tại chỗ tất cả những thứ mà họ cần để dâng hi tế. Đối với họ, điều đó thật thuận tiện.
Thật ra, cơn giận của Chúa Giê su không nhằm chống lại những người buôn bán cho bằng chống lại chính việc thờ phượng bị thương mại hóa theo kiểu ấy. Khi lật nhào các quày buôn bán, Ngài lật đổ chính tôn giáo và phá hủy đền thờ. Hành động đó gây phẩn nộ cho tất cả mọi người, nhất là khi biết rằng đền thờ Giê ru sa lem có một vị trí trong tâm hồn mọi người Do thái. Trong suốt 46 năm trời, họ đã làm hết sức mình để xây dựng lại từ đống hoang tàn phế tích. Và vừa xong thì Chúa Giê su lại nói đến việc phá hủy. Câu chuyện hết sức tế nhị. Vậy chúng ta thử tìm hiểu xem qua hành vi ấy Ngài muốn nói gì với người Do thái đang lắng nghe Ngài? Và với chúng ta hôm nay ?
« Hãy phá hủy đền thờ nầy và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại ». Thánh Gioan tường thuật chi tiết chính xác quan trọng ấy. Đền thờ mà Ngài nói, đó là Thân xác của Ngài, nghĩa là toàn thân Ngài. Chúa Giê su mạnh dạn đem chính mình thay thế đền thờ.
Nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, đó là đền thờ: Chúa Giê su là sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi có Lời Thiên Chúa, đó là đền thờ : Chúa Giê su là Lời Thiên Chúa. Nơi có phụng tự Thiên Chúa, đó là đền thờ: Chúa Giê su chính là sự tôn vinh Thiên Chúa. Tất cả những điều đó, các môn đệ chỉ có thể hiểu sau khi Chúa Giê su sống lại từ cõi chết. Nhưng sứ điệp của tin mừng ấy vẫn còn vang xa hơn. Để hiểu, chúng ta phải so sánh với một lời nói khác: « Điều gì mà anh làm cho một người bé nhất của Thầy, chính là anh em làm cho Thầy » (Mt 25). Thân mình Đức Ki tô, đền thờ của Thiên Chúa, đó là tất cả chúng ta. Như thế sứ điệp của Đức Ki tô đi xa hơn những gì mà chúng ta có thể tưởng tượng. Sứ điệp mà Ngài muốn gửi đến chúng ta hôm nay gồm hai điều.
Điều thứ nhất: đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán. Điều thứ hai: Đừng biến nhà Cha ta vốn là nhà chung cho mọi người, thành nhà dành riêng cho một ít người.
«Đừng biến nhà Cha ta thành nơi buôn bán ». Nói cách khác: « Đừng biến lời cầu nguyện thành dịch vụ buôn bán ». Giống như: « Lạy Chúa, con dâng Chúa lễ vật nầy để xin cho con thành công trong chuyện mần ăn của con ». Nhiều người tin rằng họ càng dâng nhiều, Thiên Chúa càng ban cho họ nhiều. Nhiều người tưởng rằng Thiên Chúa đòi chúng ta dâng tiến hương thơm và hi tế để can thiệp. Ngài không phải là đấng chờ đợi những lời khẩn cầu không ngừng của chúng ta và những hi sinh khắc khổ của chúng ta để động lòng. Chúa Giê su không muốn người ta bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa đích thật. Ngài muốn rằng nhà Cha Ngài mở ra với lời cầu nguyện tin yêu của con cái.
Người ta không cầu nguyện để cho Ngài biết nhu cầu của mình, nhưng bởi vì Ngài đã biết những gì mà chúng ta cần. Người ta không cầu ngyện để Ngài hành động nhưng bởi vì người ta biết rằng Ngài hành động để mang lại điều tốt nhất. Người ta không cầu nguyện để được Ngài yêu thương nhưng bởi vì người ta biết rằng người ta được Ngài yêu thương. Người ta không cầu nguyện để Ngài ở với chúng ta trong những ngày vui hay buồn, nhưng bởi vì Ngài ở với chúng ta. Không phải con người hành động trên Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa muốn hành động nơi tâm hồn con người. Cũng giống như mỗi sáng chúng ta mở cửa nhà để đón ánh sáng: không phải chúng ta làm cho mặt trời mọc lên, nhưng chúng ta cho phép ánh nắng mặt trời roi chiếu vào nhà và soi sáng trong nhà. Cầu nguyện cũng giống như thế: không phải chúng ta nhắc Thiên Chúa nhớ Ngài phải soi sáng cho chúng ta, nhưng chính chúng ta để Ngài soi sáng chúng ta. Cầu nguyện là mở cửa tâm hồn chúng ta để đón nhận ánh sáng của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện như thế không phải là một cuộc mặc cả buôn bán với Thiên Chúa. Nó là sự tiếp nhận tình yêu nhưng không của Ngài.
Lời trách cứ thứ hai của Chúa Giê su: « Anh em biến nhà Cha Ta, nhà của tất cả mọi người, thành nhà dành riêng cho một số ít người ». Ngài rất phẫn nộ chống lại các thầy tư tế Do thái giáo vì đã theo một thứ tôn giáo dựa trên sự loại trừ. Họ thiết đặt một loạt các rào cản và lưới chắn: bên ngoài là tiền đường dành cho dân ngoại; người ngoại chỉ được vào đến đó. Kế đến là khu vực dành cho các phụ nữ. Rồi đến người do thái. Và sau cùng là khu vực thánh dành cho Thầy Thượng tế. Một trong những nền tảng của Do thái giáo đó là sự phân biệt giữa tinh sạch và ô uế. Thế mà Chúa Giê su đến công bố rằng đối với Thiên Chúa không còn loại trừ nào nữa. Ngài đến loan báo một Thiên Chúa thể hiện tình yêu cho tất cả mọi người không loại trừ ai.
Giáo Hội ngày nay phải là nơi trong đó con người cảm thấy ấm cúng vì được nhìn nhận, được tha thứ và được yêu thương. Giáo hội phải niềm nở đón tiếp tất cả mọi người, cả những người bị thất bại trong cuộc sống, trong tình yêu và trong hôn nhân, hay luân lí. Điều kiện duy nhất là mỗi người phải có ước muốn và hi vọng một ngày nào đó được chữa lành. Nhiều người thấy rằng mình không xứng đáng vì cuộc đời bê bối và phải đương đầu với đủ mọi thứ thất bại, để rồi cuối cùng bỏ đạo. Nhưng họ vẫn có một chỗ trong trái tim của Thiên Chúa. Chúng ta phải đem lại cho họ hình ảnh một Giáo hội niềm nở với hết mọi người. Chúng ta phải làm sao để không ai có thể trách móc chúng ta: « Anh em đã biến nhà Cha Ta, nhà của tất cả mọi người, thành nhà dành riêng cho một ít người ».
ĐÀO SÂU
1. HỎI: Bài đọc thứ nhất nói về điều gì?
THƯA: Bài đọc thứ nhất trích từ sách Xuất hành kê khai mười điều răn của Thiên Chúa gửi đến cho dân Ngài phải tuân giữ để được hưởng phúc lành của Ngài. Trong đó, giới răn dạy thờ phượng một mình Thiên Chúa được kể hàng đầu và được đặt vị trí trung tâm cho các giới răn khác.
2. HỎI: Mười điều răn trong bài đọc 1 khác với 10 điều răn của Công giáo như thế nào?
THƯA: Cách chia 10 điều răn của Công giáo khác với bản văn sách Xuất hành 20. Mười điều răn của chúng ta không có ghi điều thứ hai của Xuất hành, tức là giời răn không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì để thờ. Trái lại điều răn thứ 10 của Xuất hành thì lại chia làm hai giới răn 9 và 10 của chúng ta: Thứ 9 chớ muốn vợ chồng người, thứ 10 chớ tham của người.
3. HỎI: Một cách tổng quát, 10 điều răn được phân loại như thế nào?
THƯA: Một cách tổng quát, 10 điều răn được phân làm hai nhóm: nhóm thứ nhất, gồm 3 giới răn đầu tiên nhắm đến Thiên Chúa, lề luật mạc khải: đó là các điều răn thứ 1, 2 , 3. Nhóm thứ hai nhắm đến tha nhân, lề luật tự nhiện: đó là các điều răn 4,5, 6,7,8,9,10.
4. HỎI: Tại sao Thiên Chúa cấm tạc tượng vẽ hình và thờ lạy trước những tượng hình đó (Xh 4-5)?
THƯA: Vì thời xa xưa đó, người ta chưa phân biệt ảnh tượng với chính bản thân Thiên Chúa. Vì thế Thiên Chúa cấm vẽ hình, tạc tượng bất cứ vật gì, để tránh cho Dân It-ra-en thờ các tà thần.
5. HỎI: Nhưng trong Cựu Ước, Thiên Chúa có cho phép tạc hình tượng không?
THƯA: Nnhiều đoạn văn Kinh thánh cho thấy Thiên Chúa cho phép dùng các ảnh tượng tôn giáo, khi không có nguy hiểm ấy. Ví dụ Thiên Chúa bảo ông Mô-sê hãy làm hai tượng thần hộ-giá đứng trên Hòm bia (Xh 25,18-20), hoặc dựng Nhà Tạm với mười tấm thảm trên đó có thêu những thần hộ-giá rất mỹ thuật (Xh 26,1), hoặc cho đúc con rắn đồng để Dân nhìn lên đó mỗi khi bị rắn cắn (Ds 21,8-9), hoặc cho vua Sa-lô-môn đúc một bể nước: bên dưới bể có hình những trái mướp đắng, và bể được đặt trên tượng 12 con bò! (1 V 7,23-29); trong nơi cực thánh vua cũng làm hai Kê-ru-bim bằng gỗ ô-liu (1 V 6,23-28).
6. HỎI: Tại sao Công giáo không có giới răn cấm tạc hình tượng?
THƯA: Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã cấm làm ảnh tượng, vì dân Do thái có nguy cơ chạy theo các thần của dân ngoại. Nên khi cấm làm ảnh tượng, Thiên Chúa muốn cấm tôn thờ các thần khác. Nhưng đến thời Tân Ước, Con Thiên Chúa đã làm người để trở nên "hình ảnh của Thiên Chúa vô hình" cho chúng ta (Cl 1,15). Vậy điều mới mẻ của Tân Ước xuất hiện: nhân tính hữu hình của Đức Kitô đã trở nên "con đường" để chúng ta đi đến với Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: "Ta là Đường là Sự Thật và là Sự Sống" (Ga 14,6). Vì thế công đồng Nicêa II (năm 787) đã cho phép các tín hữu làm các ảnh tượng để tưởng niệm tới Chúa Giêsu và các thánh.
7. HỎI: Vậy việc tôn kính ảnh tượng trong Công giáo có nghĩa gì?
THƯA: Đối với Giáo Hội các ảnh tượng chỉ có giá trị gợi ý, nên chúng không tạo ra nguy cơ từ bỏ Thiên Chúa. Do đó, các ảnh tượng có giá trị huấn luyện. Giáo Hội tôn kính ảnh tượng cũng như tôn kính quyển Kinh Thánh, vì chúng gợi lại những mầu nhiệm của Chúa, cuộc đời của Đức Mẹ và các thánh, để giáo dân suy niệm. Giáo Hội không tôn thờ các ảnh tượng cũng như không tôn thờ Đức Mẹ và các thánh: việc thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi. Bình thường Giáo Hội không làm ảnh tượng về Thiên Chúa Ba Ngôi nói chung, hay Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nói riêng, vì là những Đấng vô hình. Nhưng Giáo Hội làm những ảnh tượng về Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh, là những con người lịch sử, theo như nhu cầu con người sống trong xã hội. Xã hội trần thế vẫn dùng ảnh tượng đối với người thân trong gia đình hay đối với các vị anh hùng dân tộc.
8. HỎI: Tại sao Công giáo không còn giữ luật ngày Sa bát nữa (Xh 20,8)?
THƯA: Giáo Hội ngày nay không còn giữ luật ngày Sabbat tức là ngày thứ bảy (Xh 20,8; Lv 23,3) nữa, nhưng thay vào đó Giáo Hội mừng ngày Chủ nhật, tức là ngày của Chúa, ngày Chúa Giêsu sống lại, tức là "ngày thứ nhất trong tuần" (Mc 16,9; Cv 20,7; 1 Cr 16,2). Và không chỉ bằng lòng nghỉ việc theo kiểu người Do thái, Giáo Hội còn muốn dành nhiều thì giờ trong ngày ấy để họp nhau thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa qua Đức Giêsu Phục Sinh. Chính các Tông đồ thay thế ngày Sabbat bằng ngày Chúa nhật, rồi các Công đồng xa xưa nhất cũng đã dạy rõ là Kitô hữu không còn buộc phải giữ ngày Sabbat, và phải xem ngày Chúa nhật trọng đại hơn ngày Sabbat.
9. HỎI: Bài tin mừng được nối kết với bài đọc thứ nhất như thế nào?
THƯA: Bài tin mừng cho thấy trong dịp lễ Vượt qua đầu tiên của đời sống công khai (c. 2 Ga), Chúa Giê su tỏ mình ra như đền thờ đích thực. Ngài thiết lập một ngày sa bát mới và một lễ Vượt qua mới. Vì danh Cha, Ngài muốn có một nền phụng tự khác trong Thần khí và sự thật, trong tình yêu và tự do. Một sự tôn thờ đích thực trong đó giới răn thứ nhất được thi hành một cách tuyệt hảo: “Ngươi hãy thờ lạy một mình Thiên Chúa và mến yêu Ngài trên hết mọi sự”.
10. HỎI: “Phá hủy đền thờ nầy đi..” Chúa Giê su muốn nói tới đền thờ nào?
THƯA: Chúa Giê su không thách thức người Do thái phá hủy đền thờ của họ. Vì điều nầy đi ngược lại cung cách sống của Ngài. Ngài chỉ nói đến một sự thật sẽ xảy ra: các ông sẽ phá đền thờ nầy..tức là, các ông sẽ giết thân xác nầy. Chúa Giê su muốn nói tới thân xác mình như một đền thờ, nhưng là một đền thờ phải phá đi, nghĩa là Ngài sẽ phải chết đi trong cuộc Khổ nạn dữ dằn sắp diễn ra đúng theo ý Thiên Chúa Cha đã định.
11. HỎI: “..rồi trong ba ngày ta sẽ xây lại” có nghĩa gì?
THƯA: Và cũng trong chương trình của Thiên Chúa, thân xác Ngài sẽ không mục nát trong mồ, nhưng sẽ được Thiên Chúa Cha cho sống lại. Thân xác phục sinh của Ngài chính là Đền thờ vĩnh cửu, nơi loài người phải thờ phượng Chúa Cha cách chân thật trong Thần Khí, nơi con người có thể kết hợp với Chúa Giê su là Tư tế và hi lễ.
12. HỎI: Tại sao cần phải thay thế đền thờ Giê ru sa lem bằng Đền thờ mới là thân xác phục sinh của Đức Ki tô?
THƯA: Đền thờ là nơi thiêng thánh dành cho Thiên Chúa ngự trị, nơi con người đến gặp gỡ Thiên Chúa, và dâng hi tế thờ phượng Ngài. Nhưng rõ ràng với những gì đã xảy ra nơi đền thờ Giê ru sa lem, thì ý nghĩa và mục tiêu của đền thờ không còn nữa. Vì thế Chúa Giê su đã thực hiện một cuộc thay đổi cần thiết. Vì Đền thời Giê ru sa lem đã bị tục hóa, biến thành hang trộm cướp, nên phải được thay thế bằng một Đền thờ mới, tức thân xác phục sinh của Ngài. Trong Ngài, con người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và dâng lên Thiên Chúa sự thờ phượng mà Thiên Chúa mong đợi. Trong thân xác sống lại của Ngài, loài người được giải thoát khỏi tội lỗi và được tiếp nhận thần tính. Và cũng trong thân xác vinh quang ấy, Giao ước mới được ký kết và vững bền mãi mãi.
13. HỎI: Có một đền thờ Giê ru sa lem thứ nhất và đền thờ thứ hai?
THƯA: Đền thờ Giêrusalem thứ nhất được vua Sa lô mông xây dựng đã bị Nabukôđônôsôr phá hủy năm 586 trước CN và được tái thiết khi người do thái trở về từ nơi lưu đày đến thế kỉ thứ 6 trước CN. Đền thờ nầy cũng bị tàn phá bởi quân La mã vào năm 70 sau CN và không bao giờ được tái thiết nữa. Tất cả những gì còn lại ngày hôm nay chỉ là một khoảng tường Phía Đông, được gọi Bức tường than khóc, là thành phần của Đền thờ, được người Do thái ngày nay tôn kính.