LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
THIÊN CHÚA CÚI XUỐNG NHÌN CON NGƯỜI
Lời Chúa Lc 3,15-16.21-22
15 Khi ấy,
dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gio-an
lại chẳng là Đấng Mê-si-a! 16 Ông Gio-an trả lời mọi người
rằng : “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền
thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép
rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa.”
21 Khi
toàn dân chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu
nguyện, thì trời mở ra, 22 và Thánh Thần ngự xuống trên
Người dưới hình dáng chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con
yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về Con.”
Suy niệm
Đầu năm 2021 cả thế giới tập trung vào cuộc chuyển giao quyền lực giữa tổng
thống D. Trump và J. Biden. Đây không chỉ là cuộc chuyển giao chức vụ của hai tổng
thống mà nhiều người còn mong đợi đây là cuộc chuyển giao đường lối chính sách
giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa sẽ có ảnh hưởng đến tình hình thế giới. Bị
báo chí của cả hai phe đẩy lên cao, khiến cho nhiều người dự đoán cuộc chuyển giao
quyền lực sẽ diễn ra trong bạo động. Nhưng thực tế đã không như thế, mọi việc đều
đã diễn ra êm thắm.
Cách đây hai ngàn năm, những lời Gioan loan báo về Đấng Cứu Thế: “Cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không
sinh trái sẽ bị chặt đi,” khiến cho nhiều người nghĩ rằng, Đấng Cứu Thế giống
như một vị hoàng đế sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân, bình thiên hạ; Ngài có
một gương mặt lạnh lùng, một trái tim khô cứng trong việc cai trị muôn dân. Nhưng,
thực tế đã hoàn toàn ngược lại. Lời Chúa trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa
hôm nay cho thấy việc xuất hiện công khai của Chúa Giêsu không rầm rộ phô
trương hình thức, nhưng Ngài âm thầm bước đến sông Giođan để xin Gioan làm phép
rửa như bao người khác. Dù xuất hiện âm thầm, nhưng Tin Mừng hôm nay cho thấy:
Đức Giêsu chính là Đấng khai mở một thời đại mới, đó là thời đại của lòng bao
dung và thương xót.
Tin Mừng Luca thuật lại: lúc đó Gioan Tẩy giả nổi tiếng, thu hút dân
chúng, họ thấy cách sống nhiệm nhặt, việc ông làm phép rửa và nhất là những lời
kêu gọi hết sức cứng rắn của ông, dân chúng tưởng rằng ông chính là đấng cứu
thế. Gioan đã dùng những lời mạnh mẽ để kêu gọi mọi người sám hối và nói với họ:
Hãy sám hối, thay đổi lại đời sống, bằng không họ sẽ bị chặt bỏ và quăng vào lửa.
Trong khi đó, Gioan chỉ khiêm tốn nhận mình là kẻ dọn đường, là người đi trước
để chuẩn bị tâm hồn cho mọi người đón nhận Đấng Cứu Thế: “Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi
đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Mặc dù đã nhiều lần giải
thích về vai trò và sứ mạng của mình, nhưng dân chúng vẫn kỳ vọng nơi ông.
Gioan một lần nữa giải thích cho mọi người về việc làm của mình đồng thời cũng
nói về sự cao cả vượt trội của Đấng Cứu Thế: “Tôi chỉ rửa anh em bằng nước,… Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng
Thánh Thần và bằng lửa.” Trong lúc dân chúng dường như dồn tất cả sự tập
trung vào Gioan, Đức Giêsu cũng lặng lẽ bước đến đến sông Giođan và xin ông làm
phép rửa cho. Thánh Luca không kể lại phản ứng của Gioan, nhưng các Tin Mừng
khác cho thấy Gioan hết sức ngỡ ngàng và khiêm tốn từ chối: “Chính tôi mới là kẻ Ngài phải rửa cho, chứ tại
sao Ngài lại đến để xin tôi làm phép rửa?” Gioan ý thức được phép rửa của
ông không thể tha thứ được tội lỗi mà chỉ là một cử chỉ thành tâm sám hối.
Gioan cũng biết rằng: Người đang đứng trước mặt ông là Chiên Thiên Chúa,
Đấng xóa tội trần gian, là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần; Ngài không hề có
tội, cũng không đòi ưu tiên, nhưng Ngài muốn hạ mình để trở nên ngang hàng với
nhân loại tội lỗi, để nâng con người chúng ta lên.
Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng việc cầu nguyện, gặp gỡ
để nhận ra ý Thiên Chúa Cha muốn nơi Ngài. Đang khi Người cầu nguyện, Chúa Cha
đã đáp lời bằng việc: “Khi đó trời mở ra
và Thánh thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ cầu.” Hình ảnh này
cho thấy, Thiên Chúa từ nay không còn ở xa, không còn “đóng cửa” trước lời kêu
xin của con người, nhưng lắng nghe và đã mở cửa trời và cũng mở cửa lòng để trò
chuyện đối thoại với con người. Hơn nữa, Thiên Chúa còn cho Thánh Thần ngự xuống
trên Chúa Giêsu và qua Chúa Giêsu, Thánh Thần hoạt động để đem tình yêu thương
tha thứ đến cho nhân loại. Cũng trong thời khắc quan trọng này, Thiên Chúa Cha
đã ngỏ lời: “Con là Con yêu dấu của Cha,
Cha hài lòng về Con.” Lời này vừa là lời Thiên Chúa nói với Đức Giêsu, vừa
là lời nói cho nhân loại. Qua lời giới thiệu này Chúa Cha cho chúng ta biết Đức
Giêsu chính là Con yêu dấu của Ngài, luôn làm đẹp lòng Ngài. Vì thế mọi lời
nói, việc làm của Chúa Giêsu đều là lời nói việc làm của Chúa Cha và tất cả đều
là những điều làm cho Chúa Cha hài lòng.
Quả thật, Chúa Giêsu chính là Đấng đã mở ra một con đường kết nối giữa
Thiên Chúa và nhân loại, con đường đã bị Ađam làm cho bế tắc, nay lại được khai
thông; Chúa Giêsu cũng là trung gian, là sứ giả đã nối lại cuộc trò chuyện đối
thoại giữa Thiên Chúa và con người, cuộc trò chuyện đã bị giang dở đứt đoạn bởi
Ađam sau khi phạm tội đã lẩn trốn Thiên Chúa. Từ đây, qua Chúa Giêsu, Thiên
Chúa lại “ngày ngày xuống đi dạo với con
người”, yêu thương chăm sóc cho con người. Tiên tri Isaia cách đó năm trăm năm, đã nhìn thấy một con lộ thẳng
băng sẽ được thiết lập, mọi lồi lõm sẽ được san bằng và mọi người sẽ nhìn thấy
vinh quang của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ như người mục tử ở giữa dân Người: “Lũ chiên con Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên
mẹ, cũng tận tình dẫn dắt.”
Thánh Phaolô đã giải thích rõ hơn về tình yêu thương và sự chăm sóc của
Thiên Chúa dành cho con người qua Đức Giêsu: “Ân sủng của Thiên chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho con người.”
Tuy nhiên, để đón nhận được tình thương, sự chăm sóc của Thiên Chúa và bảo
toàn con đường nối kết giữa Thiên Chúa và nhân loại, thì con người phải chấp nhận
điều kiện: “Từ bỏ lối sống vô luân và những
đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.”
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa không bao giờ muốn trừng phạt hay hủy diệt con
người, cho dù con người đã nhiều lần phản bội Thiên Chúa. Thiên Chúa là Cha
luôn yêu thương tha thứ và tìm mọi cách để đem con người quay trở lại với Ngài.
Thiên Chúa đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu đến, trở nên hiện thân tình yêu
thương của Thiên Chúa. Qua Đức Giêsu, chính Thiên Chúa yêu thương chăm sóc cho
nhân loại và chấp nhận hy sinh chịu chết để tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Tất
cả những ai để cho Chúa yêu thương chăm sóc bảo vệ, sẽ thoát khỏi vòng vây của
ma quỷ và tội lỗi.
Chúa Giêsu đến khai thông con đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và để
cho Thiên Chúa đến với chúng ta. Đó là con đường của Tin Mừng của Tám Mối Phúc
mà Thiên Chúa xây dựng trong tâm hồn mỗi chúng ta. Nếu như trong thực tế, một
con đường rộng, thông thoáng sẽ làm gia tăng giá trị cho ngôi nhà, thì con đường
và ngôi nhà tâm hồn chúng ta cũng vậy. Để cho cuộc đời chúng ta có giá trị trước
mặt Chúa và trước mặt mọi người, chúng ta cần phải gìn giữ, vun đắp và làm cho
con đường Tin Mừng trong tâm hồn luôn được thông thoáng qua việc thực hiện những
hướng dẫn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Kiên trì đi trên con đường của Tin Mừng,
chúng ta sẽ được gặp gỡ Thiên Chúa, được trò chuyện và đến được với vòng tay
thương xót của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu được Thiên Chúa Cha xác định và giới thiệu là Con Yêu Dấu của
Chúa vì Ngài đã hoàn toàn vâng phục và yêu mến Thiên Chúa Cha, thi hành trọn vẹn
ý Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết. Thiên Chúa Cha đã hài lòng và đón
nhận lòng hiếu thảo của Chúa Giêsu mà ban ơn cứu độ cho toàn thế giới. Thiên
Chúa cũng muốn mỗi người chúng ta học nơi Đức Giêsu, sống với Thiên Chúa bằng
trọn tình con thảo, yêu mến và vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua các biến cố xảy
đến cho bản thân và gia đình. Đón nhận tất cả những khó khăn thử thách với lòng
tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa, Chúa sẽ biến những khó khăn thử thách thành
cơ hội ban thêm ân phúc cho chúng ta.
Sống tình con thảo là luôn trò chuyện tâm sự với Thiên Chúa qua cầu nguyện.
Chính Đức Giêsu khi cầu nguyện đã khiến “trời mở ra” và khiến cho Thiên Chúa
Cha phải “chạnh lòng” và nói với Người rằng: “Con là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” và còn ban Thánh Thần
xuống trên Đức Giêsu. Khi chúng ta sống tình con thảo với Thiên Chúa, chúng ta
cũng được mời gọi sống tâm tình với Thiên Chúa qua việc thường xuyên trò chuyện,
cầu nguyện với Thiên Chúa. Khi chúng ta tin tưởng, thường xuyên cầu nguyện,
Thiên Chúa sẽ mở cửa trời để cúi xuống trên chúng ta, lắng nghe và trả lời
chúng ta, đồng thời giải gỡ mọi khó khăn cho chúng ta.
Xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng và thực hiện những đòi hỏi của Tin
Mừng, học nơi Đức Giêsu biết chuyên chăm cầu nguyện để chúng ta cũng được Thiên
Chúa Cha mở cửa trời nhìn đến và nói với mỗi người rằng: “Con cũng là con
yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.” Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí