Trang Chủ > Suy Niệm > Mùa Chay

CHỦ NHẬT 2 CHAY C

14485591260780329.jpg

Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta đã khám phá thấy rằng cuộc sống nầỵ có thể dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Nhưng thỉnh thoảng, muôn vàn khó khăn trong cuộc sống khiến chúng ta thất vọng và tự hỏi đâu là ý nghĩa của cuộc lữ hành nầy. Thế rồi một tia sáng vụt lóe lên dẫn đường, và giúp chúng ta lấy lại can đảm. Chúa Giê su  tỏ cho thấy Ngài là Ánh sáng chiếu soi các môn đệ đang đi trong bóng tối sợ hãi.

Sách Sáng Thể kí 15,5-12.17-18

Kể lại ơn gọi Abraham là một cách soi sáng cho ơn gọi của tòan thể Dân Chúa. Vâng lời Thiên Chúa, Abraham đã đi đến thành công. Đối với một người du mục như ông, thành đạt trước tiên là một đồng cỏ tốt cho đàn súc vật; rồi kế đến là một cuộc sống được bảo đảm bởi một dòng dõi đông đúc, vì vào lúc đó, người ta chưa biết gì về sự Sống lại.

Thánh vịnh 26

Đứng trước những cuộc chiến đấu đòi phải dấn thân, người tín hữu tự cảm thấy đầy tin tưởng vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ánh sáng và ơn Cứu độ, Người ban sức mạnh và bảo đảm an ninh. Lòng tin tưởng ấy đem lại niềm hi vọng được nhìn thấy đích đến của con đường.

Thư gửi tín hữu Phi líp phê 3,17-4,1

Viết cho Cộng đoàn thân yêu của mình, thánh Phao lô đang khi bị giam trong tù nói lên nỗi buồn của mình khi thấy có những người từ chối thăng tiến. Họ không thực sự hướng về Thiên Chúa; họ để cho các bản năng tự nhiên hướng dẫn. Ý nghĩa thực sự của cuộc sống là cuộc sống mới, quà tặng của Chúa. Ngài mong ước họ đừng bao giờ quên rằng họ là công dân Nước Trời từ lúc họ chịu Phép Rửa. Ngài ước mong sao họ đứng vững vượt qua mọi trở ngại.

Tin mừng Lc 9,28-36

NGỮ CẢNH

Cảnh tượng biến hình tiếp theo sau cuộc tuyên xưng đức tin của Phê rô và lời loan báo Khổ nạn là biến cố cuối cùng của thời gian hoạt động tại Galilê (3,1-9,50). Các môn đệ vẫn còn chưa hết sửng sốt vì những lời tuyên bố của Chúa Giê su, giờ được dự kiến cuộc biến hình để khám phá ra vinh quang và căn tính của Chúa Giê su: Người là Con và Lời của Thiên Chúa.

Có thể đọc theo bố cục sau đây:

1. Chúa Giê su tỏ hiện vinh quang, Ong Môi sê và Elia xuất hiện bàn bạc với Người về cuộc xuất hành (9,28-32)

2. Các môn đệ ẩn khuất vào đám mây và nghe tiếng Thiên Chúa phán, rồi không còn trông thấy ai khác nữa ngoài Chúa Giê su (9,33-36).

TÌM HIỂU

Phêrô: thuộc vào số ba môn đệ được Chúa Giê su ưu ái đặc biệt, cho chứng kiến sự phục sinh con gái ông Giairô (8,51), mẻ cá lạ lùng (5,1-11), cuộc biến hình (9,28). Nhưng họ không được nhắc đến trong cơn hấp hối ở vườn cây dầu như trong Mt và Mc.

Cầu nguyện: như ở 9,18, Luca là tác giả tin mừng duy nhất nói đến việc Chúa Giê su cầu nguyện ở đây. Do vậy, cuộc tỏ hiện tiếp sau là lời đáp trả của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện nầy. Khi người công chính cầu nguyện, thì Thiên Chúa trả lời rằng Người ở với ông trong cơn thử thách và muốn tôn vinh ông (Tv 9,14-16).

Dung mạo Ngài: sự biến đổi trên khuôn mặt và màu áo trắng của Ngài là dấu chỉ ngoại diện của vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi Chúa Giê su (9,32). Đây là một diễn biến cho thấy trước vinh quang phục sinh của đấng vừa loan báo rằng ngày thứ ba sẽ sống lại. Nét phác họa về mầu nhiệm của Ngài sẽ được làm rõ trong lời phán của Thiên Chúa (9,35). Lời hứa được thấy nước Thiên Chúa của Chúa Giê su đã được thể hiện lần đầu chăng ? (9,27)

Hai nhân vật: vào buổi sáng Phục sinh, hai thiên thần hiện ra với các bà (24,4). Cần phải có hai nhân chứng để bảo đảm cho sự xác thật của sự kiện (Đnl 19,15). Hai nhân vật nầy đại diện cho Lề Luật và các Tiên Tri (24,27.44). Ông Êlia đã được nhắc tới (9,3.19). Ông Mô sê đứng sau hậu cảnh phép lạ hoá bánh ra nhiều, gợi nhớ lại manna trong sa mạc. Cả hai đã cùng lên núi để cầu nguyện và tìm kiếm Thiên Chúa. Cả hai được liên kết với vinh quang của Thiên Chúa. Ông Mô sê có gương mặt toả hào quang khi xuống núi Sinai, là nơi mà Thiên Chúa đã nói chuyện với ông (Xh 34,29-35). Còn ông Êlia đã rời trần gian trên một chiếc xe vinh quang (2V2,11-12).

Cuộc xuất hành: hai nhân vật trên đại diện cho Cựu Ước và nói chuyện với Chúa Giê su như những nhân chứng giúp Người hiểu ý nghĩa cuộc Khổ nạn tương lai.

Ngủ mê mệt: như trong trình thuật hấp hối (22,34), Luca cố ý qui lỗi cho các môn đệ. Nhưng giấc ngủ nầy đối ngược với tình trạng tỉnh thức của Chúa Giê su trong khi cầu nguyện.

Lều: sau cuộc thần hiển trên núi Sinai, ông Môsê dựng một nơi ở cho Thiên Chúa và căn lều hội ngộ: «Đám mây bao phủ Lều Hội Ngộ, và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm» (Xh 40,34).

Một đám mây: thêm một cách tỏ hiện nữa của sự hiện diện của Thiên Chúa: mây vừa che khuất vừa mạc khải Thiên Chúa.

Thấy mình vào trong đám mây: chỉ có Luca nói rằng các môn đệ đi vào trong đám mây. Lúc nãy Chúa Giê su cùng với ông Môsê và Êlia trong vinh quang, giờ thì Ngài ở trong đám mây với các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Điều ấy có nghĩa là các ông cùng với Chúa Giê su vinh quang thuộc về cùng một cộng đoàn sự sống và vận mệnh: nếu họ nghe lời khi Người nói với họ về thập giá, thì họ sẽ cùng được chia sẻ vinh quang với Người (Ga 17,10; 2Cr 3,18). Họ sợ hãi (x.5,9) cũng như tất cả mọi người tiếp xúc với thế giới thần linh (Is 6,1-5).

Có tiếng phán: tiếng nói không ngỏ với Chúa Giê su nhưng với các môn đệ. Ngang qua lời nầy, các môn đệ khám phá ra một khía cạnh mới của Chúa Giê su và cùng lúc sự quan trọng trong việc tin tưởng vào Người.

Con Ta: kiểu nói trích từ Isaia, nói về Israel, tôi tớ của Đức Chúa (Is 41,9). Phê rô đã tuyên bố Chúa Giê su là Đấng Messia (Ki tô); Thiên Chúa gọi Ngài là Con như đã loan báo cho Đức Maria (1,32-35). Tước hiệu nầy sẽ được Hội Thánh sơ khai hiểu là Con đồng bản tính với Chúa Cha.

Hãy vâng nghe lời Người !: đây là điểm nhấn của trình thuật. Chúa Giê su đã đưa ra các điều kiện để đi theo Ngài (9,23-26), nhất là trong viễn cảnh cuộc Khổ Nạn (9,22) có thể khiến cho các Môn đệ do dự. Vì thế Thiên Chúa Cha ban cho họ một chỗ tựa khi khuyên họ phải nghe Lời Chúa Giê su.

Một mình Chúa Giê su: Ông Mô sê và ông Êlia đã biến mất sau khi đã làm chứng cho Chúa Giê su. Cựu Ước đã hoàn thành sứ mạng là chuẩn bị và loan báo đấng Messia. Giờ thì Chúa Giê su ở lại, và các môn đệ phải theo Ngài cho đến cùng. Nhưng trước tiên, họ phải thanh luyện quan niệm về đấng Messia.

Không kể lại cho ai biết gì cả: khác với 9,21 và Mt, Mc, các môn đệ không nhận được lệnh cấm nói. Mà làm sao có thể chia sẻ một kinh nghiệm như thế ? Đàng khác cũng chưa phải lúc, vì các ông cần phải hiểu rằng cảnh biến hình trên núi là diễn biến trước sự Phục sinh và đi vào vinh quang của Chúa Giê su.

SỨ ĐIỆP

Hằng năm, bài tin mừng chủ nhật thứ hai mùa Chay cho chúng ta nghe lại câu chuyện về việc Chúa Giê su biến hình. Bấy giờ, Chúa Giê su rút lui lên núi để cầu nguyện. Trong Thánh kinh, núi là một nơi cao mà Thiên Chúa thường tỏ mình ra để trao cho con người một sứ điệp quan trọng. Thường chúng ta nghĩ đến núi Si nai và nhất là núi Can vê. Hôm nay, Chúa Giê su dẫn ba môn đệ của mình lên núi Ta bo rê. Ngài đang cầu nguyện thì ánh hào quang bất ngờ rạng chiếu. Kinh nguyện của Ngài khẩn thiết đến nỗi ánh sáng tỏa rạng trên khuôn mặt và y phục của Ngài.

Ông Mô sê và ông Ê lia, hai người của núi cao xuất hiện. Các ngài là những chứng nhân cho Giao Ước cũ. Chính các ngài đã gặp gỡ Thiên Chúa. Ông Mô sê được Thiên Chúa cho gặp trên núi Si nai, trong tiếng gầm thét và cuồng nộ của bão táp. Còn ông Êlia thì được nhìn thấy thánh nhan của Người trên núi Hô rép, trong tiếng gió nhẹ thoảng qua. Cả hai đều nghe Chúa nói. Lần nầy, trên núi Ta bo rê, các ngài lại xuất hiện để đàm đạo với Chúa Giê su về cuộc ra đi sắp tới của Ngài, biến cố bao gồm cuộc khổ nạn, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Đó là trọng tâm lời cầu nguyện của Đức Ki tô.

Luca là tác giả duy nhất ghi chú rằng biến cố biến hình đã diễn ra trong khi Chúa Giê su cầu nguyện. Các môn đệ là chứng nhân ưu tiên cho cuộc giao tiếp thân mật giữa Ngài và Thiên Chúa Cha. Thân mật đến nỗi những kẻ chung quanh Ngài cũng đều được chiêm ngưỡng. “Kinh nguyện nhiều khi khiến khuôn mặt các Thánh bừng sáng lên” (Cha Lagrange). Mong sao lời cầu nguyện biến đổi chúng ta! Ước gì những giây phúc chia sẻ và chiêm ngắm trước nhan Chúa có thể biến đổi chúng ta! Điều ấy rất đáng suy nghĩ, đặc biệt trong thời gian mùa Chay nầy.

Quả thật, có nhiều khi Chúa cho chúng ta nhận ra những giây phút dạt dào ân sủng và soi sáng ấy trong khi cầu nguyện. Lời cầu nguyện là lực nâng tâm hồn chúng ta lên, ban cho chúng ta nghị lực và niềm vui để đối đầu với những thử thách trong cuộc sống. Thánh I nha xi ô gọi niềm vui là một trong những hoa trái của Chúa Thánh Thần, trong khi sự buồn thảm và thất vọng là dấu chỉ cho thấy sự hiện diện của Sa tan.

Nhưng có một nguy cơ tiềm ẩn là muốn nán lại trong cảm giác hạnh phúc thiêng liêng ấy. Trên núi, ông Phê rô cảm thấy hân hoan tột độ, đến nỗi ông muốn dựng ba lều, một cho Chúa Giê su, một cho ông Mô sê, và một cho ông Êlia, mà chẳng quan tâm gì đến những người khác. Và để tránh cho chúng ta những cám dỗ tương tự nên Chúa Giê su chỉ thỉnh thoảng cho phép vài giây phút biến hình ấy trong cuộc sống thiêng liêng của chúng ta. Kinh nguyện đích thực phải dẫn chúng ta trở xuống núi để bước đi trong cái đơn điệu thiêng liêng của cuộc sống hằng ngày.

Điều cần phải hiểu rõ là lời cầu nguyện trước tiên không phải là của chúng ta. nhưng chính Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Đó chính là sự trút bỏ chính mình để tạo không gian cho Ngài trong cuộc sống của chúng ta. Có nhiều lúc chúng ta cầu nguyện rất tha thiết, nhưng cũng có khi ánh sáng vụt tắt. Khi gặp những giây phút ấy, chúng ta đừng thất vọng, vì Chúa Giê su luôn hiện diện. Cũng như các môn đệ, lúc nào chúng ta cũng có thể xin Ngài dạy cho chúng ta cầu nguyện. Và Ngài sẽ nhắc lại: “Hãy cầu nguyện: Lạy Cha chúng con..” Như thế là đủ, tức là để cho tiếng nói yêu thương trìu mến ấy từ đáy tâm hồn chúng ta dâng lên Cha không ngừng yêu mến chúng ta.

Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta được mời gọi thay đổi tâm hồn chúng ta để trở về với Đức Ki tô là Ánh sáng trần gian. Lời cầu nguyện là một trong những con đường cho phép chúng ta đến gần Ngài. Dù không phải lúc nào cũng giống nhau, Lời Thiên Chúa Cha luôn luôn nhắc cho chúng ta phải lắng nghe Con chí ái và đi theo Ngài cho đến cùng. Lời cầu nguyện cho phép chúng ta hiểu rõ hơn chương trình của Thiên Chúa để biến thành chương trình của chúng ta. Nó giúp chúng ta thay đổi cách nhìn trên mọi người và mọi sự để có cái nhìn của Thiên Chúa.

Cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn luôn đòi hỏi một cố gắng. Cả ba môn đệ muốn thiếp đi vì mệt mõi, cũng như sau nầy khi Chúa Giê su cầu nguyện trên núi Cây dầu trước cuộc khổ nạn. Cuộc cám dỗ tương tự cũng đang rình rập tất cả chúng ta. Nếu lời cầu nguyện của chúng ta trống rỗng thì không phải là tại Thiên Chúa không hiện diện, mà chính là chúng ta không hiện diện trước nhan Người. Chúng ta dễ có khuynh hướng ngủ quên và sống mùa Chay nầy như những ngày khác trong năm.

Bởi thế, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giê su không chỉ cầu nguyện trong ánh quang núi Ta bo rê, mà còn trong bóng tối của vườn Giết sê ma ni và trên thập giá. Trong những lúc buồn khổ, nhiều khi chúng ta muốn gào thét lên nỗi sợ hãi của chúng ta với Chúa Giê su trên thập giá. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ gợi lên trong chúng ta tâm tình phó thác cho Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Mỗi ngày chủ nhật, chúng ta gặp Thiên Chúa trong Lời và Thánh Thể của Người. Đó là thời gian chúng ta ở gần Người và các anh em của chúng ta, và có thể coi như là thời khắc biến hình. Trong thời gian mùa Chay nầy, chúng ta hãy để cho Đức Ki tô soi sáng để cái nhìn và diện mạo của chúng ta nói lên một điều gì đó về tình yêu của Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

BIẾN HÌNH

St 15,5-12,17-18 Giao ước giữa Thiên Chúa và Ađam  

Tv 27,1, 7-8, 9, 13-14 Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ

Pl 3,17-4,1 Đức Ki tô sẽ biến đổi hình dạng chúng ta   

Lc 9,28b-36 Chúa Giê su hiển dung

1. HỎI: Ba bài đọc liên kết với nhau theo chủ đề nào?

THƯA: BIẾN HÌNH. Giao ước Thiên Chúa kí kết với tổ phụ Áp-ra-ham là lời hứa hẹn cho sự biến đổi thân phận loài người (Bđ1). Thần tính của Chúa Giêsu hiển linh trong biến cố Hiển dung (BTM) là mẫu mực cho điều mà Thánh Phao lô loan báo: ‘Đức Kitô sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Ngài’ (Bđ 2).

2. HỎI: Sách Sáng thế là sách gì?

THƯA: Sách Sáng thế là quyển sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh, gồm phần đầu (12 chương đầu) nói về việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ qua các suy tư từ kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-ên và phần sau (các chương 13-50) ghi lại các câu chuyện về các tổ phụ dân Ít-ra-ên dựa vào các truyền thống thủy tổ của họ.

3. HỎI: Bài đọc I (St 15,5-12, 17-18) có nội dung như thế nào?

THƯA: Bài đọc một kể lại việc Thiên Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham một dòng dõi đông đúc và kí kết Giao ước với ông.

4. HỎI: Trong nghi thức kí kết giao ước thời ông A-bra-ham, có điều gì đặc biệt?

THƯA: Thời ông A-bra-ham, nghi thức kí kết giao ước buộc phải tìm những con vật lớn khôn và sung sức để sát tế, phải chặt đôi các con vật và để nửa nầy đối diện với nửa kia. Rồi cả hai bên kí kết để chân trần nhúng máu đi qua giữa những miếng thịt ấy để tỏ ý muốn chia sẻ sự sống cho nhau, và một cách nào đó trở nên thân thuộc với nhau. Kí kết như thế là muốn nói rằng nếu ai phản bội những điều đã kí kết, thì sẽ bị phân thây như những tế vật nầy.

5. HỎI: Có điểm gì khác biệt trong nghi thức của A-bra-ham?

THƯA: Áp-ra-ham thực hiện đúng những qui định trong nghi thức kí kết hiệp ước thông thường vào thời đó. Tuy nhiên điều khác biệt ở đây là ông kí kết giao ước với Thiên Chúa. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một bên kí kết là chính Thiên Chúa.

6. HỎI: Lời Chúa hứa: ‘Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó’ (St 15, 5) có nghĩa gì?

THƯA: Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi, một điều mà ai cũng mơ ước. Dòng dõi ấy đông đúc như sao trên trời đem lại cho ông nguồn hạnh phúc lớn lao. Lời hứa thật kì lạ và khó tin vì làm sao một ông già không có con lại được một dòng dõi như thế.

7. HỎI: Ông Áp-ra-ham đã làm gì?

THƯA: Đó không phải là lần đầu Thiên Chúa hứa với ông. Lần đầu tiên Người đã ban cho ông lời hứa khi gọi ông ra đi đến nơi mà ông chưa biết (St 12,1). Nhiều năm sau đó dù ông chưa thấy có dấu hiệu nào để tin, ông vẫn cứ tiếp tục đi dựa vào lời hứa ấy mà không hề đặt một câu hỏi nào. Kinh Thánh Cựu ước đã ghi nhận niềm tin lạ lùng ấy như sau: ‘Ông Áp-ra-ham đã ra đi như lời Chúa đã nói với ông’

8. HỎI: Thiên Chúa đã làm gì trước đức tin ấy?

THƯA: Thiên Chúa đã ban thưởng cho ông: vì dức tin ấy, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính (x. St 15,6)

9. HỎI: Tin là gì?

THƯA: Lần đầu tiên từ ‘Tin’ xuất hiện trong Kinh Thánh. Tin là nắm chắc lời Chúa hứa và giữ vững cho đến cùng, ngay cả trong lúc ngờ vực, thất vọng hay lo âu nhất. Áp-ra-ham đã có thái độ như thế, do đó ông được coi là một người công chính. Người công chính là người mà ý chí, cuộc sống phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.

10. HỎI: Điều khoản trong giao ước gồm những gì?

THƯA: Thiên Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham hai điều: một dòng dõi đông đúc và một vùng đất mầu mở, chảy sữa và mật, thường gọi là miền Đất Hứa.

11. HỎI: Bài đọc 2 (Pl 3, 17-4, 1) có nội dung như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Phi-líp-phê sống thánh thiện cho tương xứng với địa vị cao sang của những người đã được cứu chuộc bằng giá máu và thập giá của Chúa Ki-tô chứ đừng chạy theo những giá trị giả trá và thấp hèn của thế gian.

12. HỎI: Ngữ cảnh bài Tin mừng (Lc 9, 28b-36) như thế nào?

THƯA: Đây là biến cố cuối cùng trong sứ vụ Ga-li-lê (Lc 3,1–9,50). Sau khi Phêrô vừa tuyên tín ‘Ngài là Đấng Kitô của Thiên Chúa’ (9, 20) Chúa Giê su loan báo cuộc thương khó (9,22). Biến cố Hiển Dung (9, 28-36) đi theo sát huấn dụ về đời môn đệ nhằm cho họ thấy trước vinh quang của Đấng Phục Sinh, vinh quang Nước Trời. Có các ý sau đây: 1) Hoàn cảnh của cuộc Hiển Dung (9,28). 2). Cuộc Hiển Dung (9, 29-35). 3) Kết thúc cuộc Hiển Dung (9, 36).

13. HỎI: Chúa Giêsu đã giảng gì tám ngày trước đó?

THƯA: Ngài đã báo trước sự thương khó và vương quốc của Thiên Chúa sắp đến. Ngoài ra Ngài cũng giáo huấn về cuộc đời từ bỏ mà những người muốn trở thành môn đệ Ngài đã lựa chọn.

14. HỎI: Biến hình có nghĩa gì?

THƯA: Theo thánh Luca, biến hình là ‘Gương mặt trở nên sáng láng’. Thiên Chúa đã chọn lúc Chúa Giê su cầu nguyện trên núi để mạc khải mầu nhiệm Con Người cho ba chứng nhân được tuyển chọn. Ở đây không phải là đám đông hay các môn đệ đưa ra ý kiến của mình, mà là chính Thiên Chúa đã đưa ra câu trả lời và cho họ chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Ki tô: ‘Nầy là Con Ta, mà Ta quí mến, hãy vâng nghe lời Ngài’.

15. HỎI: Thánh Luca muốn chúng ta nhớ đến cảnh tượng nào khi mô tả cuộc biến hình của Chúa Giê su?

THƯA: Ngài muốn qui chiếu đến việc Thiên Chúa mạc khải trên núi Si-nai được ghi lại trong sách Xuất Hành. Vì thế, những từ ngữ hay cách diễn tả như núi, đám mây, vinh quang, giọng nói vang ra, lều được lựa chọn để gợi lại bối cảnh cuộc mạc khải ấy.

16. HỎI: Ba tông đồ còn được đi theo Chúa Giê su trong các biến cố nào nữa?

THƯA: Ba ông Phê rô, Gioan và Gia cô bê còn được đi theo Chúa Giês su trong phép lạ phục sinh con gái ông Dai-a. Họ cũng sẽ hiện diện trong giờ hấp hối của Chúa Giê su trong vườn cây dầu (x. Mc14,33).

17. HỎI: Tại sao lên ‘núi’ cầu nguyện?

THƯA: Chúa Giê su dẫn các môn đồ lên núi cầu nguyện như chúng ta vẫn thường thấy trước các thời khắc quan trọng. Núi là nơi gặp gỡ Thiên chúa. Ông Mô-sê đã gặp Thiên Chúa trên núi Si-nai. Chính trên những nơi cao mà con người có kinh nghiệm về sự Thiên Chúa tỏ hiện.

18. HỎI: Sự hiện diện của hai ông Mô-sê và Ê-li-a có nghĩa gì?

THƯA: Ông Ê-li-a đã được cất về trời (2V 2, 11) còn ông Mô-sê cũng được người Do thái tin là cũng đã được thăng thiên. Vì thế hai ông với tư cách là những nhân vật từ trời đến báo trước vinh quang tương lai của Chúa Ki tô. Đồng thời hai ông còn là nhân chứng cho cuộc Biến hình: ông Mô-sê đại diện cho Lề luật, Ê-li-a cho các Tiên tri.

19. HỎI: ‘Nói về cuộc Xuất hành’ nghĩa là gì?

THƯA: Thánh Lu ca dùng chữ ‘xuất hành’ để nói về cuộc Vượt qua của Đức Ki tô. Như cuộc vượt qua của Mô-sê khai mào cuộc Xuất hành của Dân Chúa khỏi kiếp nô lệ Ai cập về đất hứa, thì cuộc Vượt qua của Đức Ki tô cũng mở đường giải phóng cho nhân loại. Cả hai ông Mô-sê và Ê-li-a chứng thực rằng Chúa Giê su chính là Đấng Mê-si-a, nhưng là một đấng Cứu độ phải chịu đau khổ, chết rồi sống lại.

20. HỎI: Câu nói của Phê rô có ý nghĩa gì?

THƯA: Phê rô nói: ‘Chúng con ở đây thì thật là hay’. Bản thân ông cũng không biết mình đang nói gì, và chỉ mơ ước khung cảnh thần tiên ấy được kéo dài mãi để được được gặp gỡ Thiên Chúa. Họ cảm thấy gần Người đến nỗi muốn giây phút ấy trở thành thiên thu.

21. HỎI: Đám mây có nghĩa gì?

THƯA: Đám mây thường đi liền với các lần Thiên Chúa hiện ra (X. Xh 16, 10; 19.9.16; 24,15-16) và được coi như là dấu cho thấy Thiên Chúa hiện diện.

22. HỎI: Tiếng nói từ trời có mục đích gì?

THƯA: Đó là tiếng nói của Thiên Chúa Cha ngỏ lời với các môn đệ để mạc khải mầu nhiệm Chúa Giê su: Ngài là Con, đấng đã được Thiên Chúa chọn làm người tôi tớ, làm vị tiên tri để mang ánh sáng đến cho muôn dân và là Đấng Cứu thế dùng cái chết để chuộc tội cho muôn người.

23. HỎI: Ba hành động được Lu ca mô tả ở đây khá giống với câu chuyện ở núi Si-nai?

THƯA: Đúng. Trình thuật biến hình song song với câu chuyện Xuất Hành 24. Một cách cụ thể:

 1) Mô-sê lên núi một mình cùng với ba người được lựa chọn là ông A-ha-ron, ông Na-đáp và A-bi-u.

2) Cũng trên núi Si nai, vinh quang Thiên Chúa xuất hiện vào ngày thứ bảy sau sáu ngày chờ đợi (Thánh Luca nói: ‘Khoảng tám ngày sau đó’).

3) Dân Ít-ra-ên hoảng sợ khi nhìn thấy khuôn mặt rạng ngời ánh sáng của ông Mô-sê (x. Xh 34,30), như ánh sáng bao quanh Chúa Giêsu khiến cho các môn đồ hoảng sợ (x. Mc 9,2-6.15; Lc 9,29.34 b).

24. HỎI: Phê rô có ý gì khi đề cập đến ba chiếc lều?

THƯA: Có lẽ ông nghĩ đến sự gần gũi với Thiên Chúa như đã được ban cho Mô-sê trong ‘Lều hội ngộ’ (x. Xh 33, 7-11; 34, 29 - 35).

25. HỎI: Với trình thuật về biến cố Biến Hình lịch sử, Thánh Luca muốn nói gì với những người đương thời với ông?

THƯA: Ngài muốn dạy rằng Chúa Giêsu chính là Đấng đáp ứng niềm hy vọng phổ biến rộng rãi ở Ít-ra-ên: Thiên Chúa, vào thời gian định sẵn bởi sự khôn ngoan của mình, sẽ qui tụ dân Người lại và một lần nữa cho thấy lòng thương xót của Người: ‘Bấy giờ Đức Chúa sẽ cho thấy những vật thánh đó. Vinh quang của Đức Chúa và đám mây sẽ xuất hiện như đã từng xuất hiện dưới thời ông Mô sê’ (2 Mcb 2,8).

26. HỎI: Có liên kết nào giữa câu chuyện Biến Hình và câu chuyện người bị quỉ ám tiếp theo sau không (Lc 9, 37- 43)?

THƯA: Chắc chắn là có. Câu chuyện Biến hình được bổ túc bằng câu chuyện của người thanh niên được Chúa Giêsu giải thoát, sau khi các môn đệ đã không thể thắng được Sa-tan. Qua đó, Thánh Lu ca muốn nói rằng trong khi Chúa Giêsu ở trên núi, Giáo Hội dường như không thể đuổi được ma quỉ và chiến thắng thế hệ bất tín và gian tà của trần gian. Tuy nhiên vì Chúa Giêsu luôn luôn gần gũi với các tín hữu nên khi Giáo hội bế tắc, thì chính là lúc Chúa chiến thắng sự Ác trên thế gian và gợi lên niềm hy vọng vào chiến thắng cuối cùng.

27. HỎI: Thực thi Sứ điệp như thế nào?

THƯA: Để thực thi sứ điệp Lời Chúa hôm nay, chúng ta phải vâng nghe Lời Chúa Giê su. Vâng nghe Lời Chúa Giê su trước hết là đọc và suy niệm Lời Chúa trong Phúc Âm; kế đến là thi hành những giới răn và lời mời gọi của Chúa, cũng trong Phúc Âm; và sau cùng là giúp người khác biết vâng nghe Lời Chúa Giê-su như chính mình đã vâng nghe.

TYGLCG: 110 Trước hết, Thiên Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cuộc Hiển Dung: ‘Chúa Cha trong lời nói, Chúa Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói’ (thánh Tôma Aquinô). Khi gợi lên cho ông Môsê và ông Êlia về cuộc ‘ra đi của mình’ (Lc 9,31), Chúa Giêsu cho thấy rằng vinh quang của Người phải kinh qua thập giá; và Người sống trước cuộc phục sinh và cuộc trở lại trong vinh quang của Người, lúc Người ‘sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người’(Pl 3,21).

 

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh_Nt. Thiên Thảo SJP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần III Phục Sinh _Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Lm Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần Thánh_Thầy Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần Thánh_Lm Giuse Mai Văn Điệp, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần Thánh Năm C_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần I Mùa Chay C: TRỞ NÊN CON CÁI CỦA CHA_Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay Năm C_Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần I Mùa Chay Năm C: "Tha Thứ"_Lm. Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB
     CẬY VÀO LÒNG THƯƠNG XÓT
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần I Mùa Chay Năm C_ Lm. Paul Nguyen Nguyen
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần I Mùa Chay: "LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊSU"_Nt. Maria Phạm Thị Hoa
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ hai tuần I Mùa Chay C: VỊ THẨM PHÁN CỦA TÔI_ Nữ Tỳ Thánh Thể
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay C: CHỐNG TRẢ CÁM DỖ_ Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Tuần I Mùa Chay C: Thích Khoe Của_ Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy sau Lễ Tro_Lm. Jos Quốc Thắng