CHÚA GIÊSU LÀ ĐẤNG CỨU ĐỘ DUY NHẤT
Khi người Công
Giáo được hỏi: Bạn có tin Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân loại
hay không? Câu trả lời chắc chắn là có. Tuy nhiên khi hỏi: Bạn có tin Đức Giêsu
là Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại không? Có lẽ nhiều
người sẽ ngần ngại không dám trả lời ngay, vì đối với nhiều người vẫn còn mang
trong mình quan niệm: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chính vì vậy
trong khi tin thờ Đức Giêsu là Thiên Chúa, người ta còn tin vào nhiều thứ khác
như là thần linh hoặc có những cách thực hành mê tín theo kiểu dân ngoại. Ví dụ:
Nhiều người đã chọn ngày, chọn giờ để khai trương, chọn tuổi xông đất đầu năm;
có người đêm ba mươi vừa rảy nước thánh xin Chúa xua trừ ma quỷ, nhưng cũng đồng
thời rắc gạo, rắc muối theo kiểu dân ngoại để cầu hên. Có người Công Giáo ngày mồng
10 Tết cũng xếp hàng chen chân mua vàng mong thần tài phú cho giàu có, vv... Những
việc làm đó cho thấy nhiều người chưa xác tín Đức Giêsu là Thiên Chúa là Đấng Cứu
Độ duy nhất, là Đấng được Thiên Chúa Cha trao quyền làm Chủ mọi loài trên trời
dưới đất, là Vua vũ trụ.
Lời Chúa tuần IV
mùa Chay hôm nay khẳng định cho chúng ta Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Ngài chính
là Thiên Chúa quyền năng, Đấng làm chủ mọi vật mọi loài, ngoài Ngài ra không có
Chúa nào khác.
Đoạn sách Sử Biên
Niên hôm nay nhắc đến thời lưu đầy bên Babylon. Tác giả nghiệm thấy rằng, chính
vì đời sống của các thủ lãnh, và dân chúng trở nên bất tín bất trung, sống theo
lối sống của dân ngoại, nên Thiên Chúa đã để cho quân Babylon như một ngọn roi
quất xuống trên toàn dân. Người Babylon bắt các thủ lãnh, các tư tế và các
thành phần ưu tuyển của Israel đi lưu đày. Dân Israel không còn tôn trọng
Giêrusalem là thánh điện của Thiên Chúa. Họ đã làm điều kinh tởm khiến cho Đền
Thờ trở nên ô uế. Vì thế, Thiên Chúa đã để cho người Babylon xâm chiếm đất nước,
phá hủy Đền Thờ là trung tâm của quốc gia. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến cảnh
báo Israel, mời gọi họ sám hối quay trở về với giới răn lề luật của Chúa, nhưng
họ coi thường sứ giả, chế giễu các ngôn sứ. Vì thế, Thiên Chúa đã để cho họ phải
chịu cảnh đau khổ nhục nhã vì dân ngoại. Tác giả sách Biên Niên xác tín rằng, tất
cả những biến cố đó xảy ra cho thấy Thiên Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối.
Ngài làm chủ tất cả mọi vật mọi loài. Không có Chúa, thế giới sẽ chìm trong đau
khổ. Ai từ chối Thiên Chúa sẽ phải chết.
Khi dân Israel hối hận về tội lỗi của họ, Thiên Chúa lại thứ tha và giải
thoát họ. Thiên Chúa dùng chính vị vua dân ngoại là Kyrô, để đưa Israel thoát cảnh
lưu đầy, trở về quê hương. Kinh Thánh coi ông như là người của Thiên Chúa vì
ông không chỉ nhân danh Thiên Chúa ra lệnh cho Israel hồi hương, mà còn cung cấp
vật liệu, tiền bạc giúp cho Israel tái thiết lại ngôi nhà của Thiên Chúa. Tác
giả cho thấy, Thiên Chúa có thể cứu độ con người bằng nhiều cách kể cả việc sử
dụng một vị vua dân ngoại để làm những điều kỳ diệu cho Isarel, khiến họ tưởng như trong giấc mơ.
Đúng là Thiên Chúa
có thể cứu độ con người bằng nhiều cách, nhưng Thiên Chúa lại chọn một cách vượt
quá sức tưởng tượng của con người. Đó là cho Con của Ngài là Chúa Giêsu xuống
thế làm người. Chúa Giêsu đã dùng cái chết trên thập giá để cứu độ nhân loại. Để
chuẩn bị cho việc lớn lao này, Thiên Chúa đã dùng các hình ảnh từ Cựu Ước để
báo trước về cái chết cứu chuộc của Con Ngài.
Trong câu chuyện với
Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã nhắc đến một biến cố trong thời Xuất Hành, khi Thiên
Chúa dùng cánh tay hùng mạnh để cứu dân Chúa, đưa dân Israel ra khỏi đất Ai Cập:
“Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong
sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời”. Nhắc đến biến cố này, mọi người Israel từ lớn
tới bé đều được học và được biết. Khi đó dân Israel rong ruổi trong sa mạc, đã
nhiều lần họ phản bội lại Thiên Chúa, chống lại Môsê. Vì thế, Thiên Chúa đã để
cho họ phải thiếu nước uống trong sa mạc. Thay vì tin tưởng cậy trông vào Chúa,
khiêm nhường hoán cải và cầu xin, dân Israel lại một lần nữa nổi loạn, oán
trách Thiên Chúa và Môsê, thậm chí họ còn muốn giết ông. Thiên Chúa đã nổi giận,
Ngài để cho rắn sa mạc bò ra cắn chết nhiều người. Khi dân hối hận, Thiên Chúa
lại thứ tha, Ngài truyền cho ông Môsê đúc một con rắn bằng đồng treo lên đầu cột,
những ai bị rắn cắn cầu xin với Thiên Chúa và nhìn lên con rắn đồng thì sẽ được
cứu.
Con rắn đồng không
có khả năng cứu Israel khỏi rắn cắn, nhưng những ai tin vào Thiên Chúa, cầu xin
với Ngài và nhìn lên con rắn, Thiên Chúa sẻ cứu kẻ ấy. Như thế, con rắn trở nên
dấu chỉ báo trước việc Thiên Chúa đã để cho người ta treo Con của Ngài lên. Con
rắn bằng đồng ngày xưa không thể cứu dân khỏi rắn cắn, nhưng Con Thiên Chúa, Đấng
bị treo trên cây thập giá sẽ cứu toàn thể nhân loại khỏi chết. Tất cả những ai
tin vào Đức Giêsu - Con Thiên Chúa, Đấng chịu đóng đinh, thì sẽ được hưởng ơn cứu
độ của chính Đức Giêsu mang lại.
Thiên Chúa đã thực hiện một chương trình cứu độ vượt quá lý luận thông
thường và sức tưởng tượng của con người. Tác giả Tin Mừng tóm tắt trong một lời
tuyên xưng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến
nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Người thì không phải chết, nhưng được sống đời
đời”. Tin Mừng còn suy niệm thêm và nhận ra rằng: “Thiên Chúa sai con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế
gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Để đón nhận được
ơn cứu độ của Thiên Chúa đòi một điều kiện tiên quyết là tin vào Con của Người
là Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa và chính là Thiên Chúa. Ngược lại, ai
không tin, từ chối Người, thì không thể đón nhận được ơn cứu độ của Người.
Đón nhận ơn cứu độ
của Đức Kitô là đón nhận được gì? Thánh Phaolô trong thư Côrintô cho biết, đón
nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô có nghĩa là chúng ta đón nhận được ơn tha thứ, ơn
hòa giải với Thiên Chúa, được trở nên con người mới. Thánh Phaolô còn giải
thích thêm: “Chính vì tội lỗi, sự cứng đầu
và bất tín bất trung của con người, khiến con người trở nên thù nghịch và xa
lìa Thiên Chúa”. Nhờ sự vâng phục và cái chết treo trên thập giá, Thiên
Chúa tha thứ cho tất cả tội lỗi cho nhân loại. Ngài cho nhân loại được nối lại
mối dây hiệp thông với Ngài và còn đón nhận tất cả nhân loại trở nên con của
Ngài.
Thưa quý OBACE,
Tin Mừng hôm nay là lời chất vấn mỗi chúng ta: Chúng ta đang thuộc về ánh sáng
hay đang đứng trong bóng tối? Chúng ta sẽ thuộc về ánh sáng khi hoàn toàn để cuộc
đời mình thuộc về Chúa Kitô, để cho từng lời nói cử chỉ việc làm của mình được
soi rọi bởi Tin Mừng. Chúng ta thuộc về ánh sáng khi mọi lời nói, việc làm của
ta hoàn toàn trong sáng, không che đậy ác ý bằng mỹ từ, cũng không che đậy việc
làm gian dối bằng cái vỏ tốt lành. Trái lại, chúng ta sẽ thuộc về bóng tối, thuộc
về ma quỷ khi trong lời nói việc làm của ta còn nhiều điều ẩn khuất, còn nhiều
điều mờ ám xấu xa. Ma quỷ, có nghĩa là ma le, quỷ quyệt, nó chuyên ẩn nấp phía
sau để điều khiển con người đi lạc đường, là kẻ chuyên ném đá giấu tay và xúi
con người hành động theo nó. Khi chúng ta để ma quỷ chi phối lời nói và hành động
của mình, nó sẽ kéo ta vào bóng tối của gian dối. Vì nơi ma quỷ không bao giờ
có chân lý và sự thật.
Lời Chúa hôm nay
còn là dịp để mỗi người tự xét mình xem Đức Giêsu có vị trí nào, có tương quan
nào trong cuộc đời của ta? Nếu chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng
Cứu Độ, mà chúng ta lại còn tìm đến với các thứ thần linh khác hoặc tin kiêng
vào các thế lực thần thánh khác, thì chứng tỏ lời tuyên xưng của ta trống rỗng.
Chúng ta được mời gọi thể hiện lời tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền
năng qua đời sống và việc làm của mình, hoàn toàn tin vào Chúa. Tin Chúa là phó
thác tất cả quá khứ hiện tại, tương lai, công việc, thành bại cho Chúa định liệu;
sống hết mình với Chúa cho dù khi thuận cũng như lúc không thuận.
Lời Chúa hôm nay
cũng mời gọi mỗi bạn trẻ và các thành viên khác trong gia đình luôn xác tín vào
Thiên Chúa, vào Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kitô. Tin và sống theo Chúa Giêsu là
sống trong ánh sáng tức là để cho Đức Kitô trở nên sống động trong mọi hoạt động
của mình. Đừng để cho của ma quỷ, thế gian và xã hội này lôi kéo các bạn vào
bóng tối của nó. Nói như thánh Gioan Boscô nói với các bạn trẻ: “Các con cứ vui chơi thoải mái, miễn là đừng
phạm tội.” Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí