ĐÁP LẠI LÒNG BAO DUNG CỦA CHÚA
Thiên Chúa như một người Cha từ bi
nhân hậu luôn “chạnh lòng thương” và sẵn sàng tha thứ tội lỗi con cái lòai người
như Thánh vịnh 135 đã ca tụng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm
con người. Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta có tự do. Thiên Chúa muốn đối xử
với chúng ta như một con người trưởng thành. Thiên Chúa yêu thương đến độ tìm
kiếm, ngóng trông con người từng giây từng phút, Thiên Chúa yêu thương đến độ sẵn
sàng tha thứ tất cả lỗi phạm của con người, để phục hồi nó hoàn toàn trong thân
phận cao quý của một con người.
Trên con đường thiêng liêng mùa Chay,
cả hai đứa con trong dụ ngôn mà câu chuyện tin mừng hôm nay kể lại, chừng như cứ
lúc ẩn lúc hiện bàng bạc trong nếp sống đạo của rất nhiều người tín hữu chúng
ta. Rất nhiều lần chúng ta đã lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa, chúng ta đã
dùng cách sai lạc tự do của mình, muốn thoát khỏi tình yêu thương chăm sóc của
Thiên Chúa là Cha, muốn tìm cho mình một nơi nương tựa khác, muốn chọn cho mình
một ngẫu tượng khác, nên nghe theo cơn cám dỗ của thế gian và xác thịt, thu
quén tiền bạc ra đi phương xa ăn chơi vui vẻ, phóng đãng.
Thái độ sám hối quyết tâm trở về của
đứa con thứ tội lỗi (15,12-19) : Anh đã phạm tội bất hiếu khi đòi cha phải chia
gia tài cho anh ngay khi cha đang còn sống và sau đó đã bỏ nhà đi hoang ăn chơi
phóng đãng phung phí hết tài sản của cha. Đến khi lâm cảnh đói rách phải đi làm
thuê làm mướn và bị chủ khinh dể và đối xử còn tệ hơn một con heo. Chính sự
cùng khổ ấy đã buộc anh phải suy nghĩ và quyết tâm đứng dậy quay về xin lỗi cha
và chỉ mong được đối xử như một người làm công. “Đứng lên, đi về cùng cha” cho
thấy thái độ dứt khoát với quá khứ tội lỗi để về với cha.
Thái độ bao dung nhân hậu của người
cha (15, 20-24). Về phần người cha, sau khi đứa con ra đi, ông đã ngày ngày chờ
đợi nó quay trở về. Khi thấy bóng con từ xa, ông đã nhận ra và “chạnh lòng
thương”: không trách mắng hay trừng phạt, mà vội chạy tới ôm chầm lấy cổ nó và
hôn lấy hôn để, lập tức trả lại địa vị làm con qua việc cho thay áo mới, đeo nhẫn,
xỏ giầy và cho mời các người thân cận đến nhà ăn mừng đứa con “tưởng đã chết mà
nay sống lại, tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là sự đón tiếp nồng hậu
ngoài sự tưởng tượng của đứa con trở về.
Thái độ hẹp hòi của người con trưởng
(15, 25-32): Người anh trưởng từ ngoài đồng trở về nhà, nghe tiếng đàn ca, hỏi
ra mới biết thằng em đi hoang mới trở về được cha tha thứ và còn mở tiệc ăn mừng.
Anh giận dỗi cha không vào nhà. Anh chỉ trích cách đối xử của cha là bất công
và không thể chấp nhận được (15,29). Thái độ của anh khiến cha già phải xuống
nước năn nỉ giải thích : ”Tất cả những gì của cha đều là của con “ (Lc 13, 31).
Dụ ngôn kết thúc bằng lời cha khuyên con trưởng hãy cư xử bao dung với em “vì
em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Và rồi mỗi người chúng ta
trong sâu lắng, chúng ta đáp lại lòng bao dung của Thiên Chúa thế nào ? :
Dụ ngôn người cha bao dung và
đứa con hoang đàng nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với các tội
nhân. Người yêu thương chúng ta như một người cha nhân hậu. sẵn sàng bao
dung tha thứ: Tha thứ không mệt mỏi, vô điều kiện và tha thứ luôn mãi !
Chúa phán: “Tội các ngươi dầu có đỏ
như son, cũng ra trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng hóa trắng như
bông” (Is 1, 18): Dù tội của chúng ta có nặng tới đâu, thì tình thương của
Chúa còn nặng hơn gấp bội. Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức
nào, thì Chúa cũng vẫn hằng chờ đợi để tha thứ, miễn là chúng ta
thực lòng hồi tâm sám hối và quyết tâm quay về với Người.
Thiên Chúa tôn trọng sự tự do ra
đi và chờ đợi sự tự do quay về của chúng ta: Trong những ngày Mùa Chay
này mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đáp lại tình thương bao dung của Thiên
Chúa, để cấp thời sám hối quay về lãnh ơn giao hòa với Người, và giúp các người
thân trong gia đình và bạn bè đang lạc xa Chúa cũng được ơn hoán cải quay về với
Người?
Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả chân lý
ấy bằng câu nói: "Thiên Chúa là tình yêu". Thiên Chúa không mong gì
hơn nơi con người, là con người nhận biết được tình yêu ấy. Không gì xúc phạm đến
Thiên Chúa cho bằng khi con người khước từ tình yêu của Ngài.
Khước từ Thiên Chúa, con người cũng
khước từ anh em của mình. Không cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, con người
cũng không muốn san sẻ tình yêu với người anh em. Tin Mừng hôm nay quả thực là
một quảng diễn về hai giới răn cơ bản trong đạo của chúng ta đó là: Mến Chúa
Yêu Người. Người ta không thể mến Chúa mà không yêu tha nhân.
Ước gì, qua dụ ngôn trong tin mừng
hôm nay, mỗi người chúng ta hãy cầu xin cho nhau, biết nhìn vào thân phận tội lỗi
yếu hèn của mình, nhưng không phải để buồn nản thất vọng, mà là để cảm nhận được
lòng thương xót vô bờ bến của Chúa. Và khi đã cảm nhận được lòng thương xót tha
thứ của Chúa đối với chúng ta, chúng ta cũng sẽ biết cảm thông và tha thứ cho
người anh chị em của chúng ta. Nhờ đó, từng gia đình và cả cộng đoàn giáo xứ của
chúng ta cũng sẽ được đoàn tụ với nhau trong bữa tiệc vui của Cha chúng ta ở
trên Trời.
Trích
nguồn: http://giaophanvinhlong.net/dap-lai-long-bao-dung-cua-chua.html