CHÚA GIÊSU – CON YÊU DẤU CỦA CHÚA CHA
Thưa quý OBACE, chính
sách mỗi gia đình chỉ nên có một đến hai con, đã khiến cho nhiều cha mẹ chiều
con, ủ con khiến cho con không trưởng thành được. Nhiều cha mẹ chăm sóc con cái
cách thái quá, con cái muốn gì được nấy, không dám nhắc nhở, biến con thành những
ông hoàng bà hoàng bất khả xâm phạm. Vì quen được cha mẹ làm giùm, khiến đứa trẻ
mất đi những kỹ năng sống căn bản. Nhiều cha mẹ tự biến mình trở thành kẻ hầu,
làm đầy tớ cho con cái của mình. Hiện nay, do ảnh hưởng của quảng cáo, các cha
mẹ ganh đua, muốn con mình vượt trội hơn con hàng xóm. Vì thế, họ dồn hết nguồn
lực để cho con ăn, uống với mong muốn sau này thông minh hơn, sẽ làm phi công,
bác sĩ như quảng cáo. Có những người mẹ ép con phải ăn như con gà công nghiệp
được vỗ béo để xuất chuồng. Điều đó chứng tỏ rằng, nhiều bậc cha mẹ không phân
biệt được sự khác nhau giữa việc nuôi con với việc thương con và chiều chuộng
con.
Thiên Chúa là một
người Cha hết mực thương con mình là Đức Giêsu, nhưng Thiên Chúa không bao giờ
chiều chuộng con mình. Đồng thời, Đức Giêsu biết Chúa Cha yêu thương mình nên
không bao giờ làm bất cứ điều gì trái ý Chúa Cha; Ngài thể hiện lòng thảo hiếu
bằng sự vâng phục và làm theo ý Chúa Cha mà thôi.
Trước hết là câu
chuyện về sự vâng phục của tổ phụ Abraham. Thiên Chúa hứa sẽ cho ông Abraham một
dòng dõi đông như sao trời cát biển. Vậy mà, đến tám mươi tuổi ông vẫn chưa có
được một người con nối dõi. Hai ông bà vẫn hết mực tin vào lời hứa của Thiên
Chúa không một chút nghi nan. Cuối cùng, Thiên Chúa đã thực hiện lời hứa, đã
cho bà Sara sinh cho Abraham một người con trai và đặt tên là Isaac. Cậu con
trai này là niềm vui, niềm hy vọng và là tương lai của dõng dõi mà Abraham mong
đợi. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại thử thách ông khi ra lệnh cho ông: “Hãy đem người con của ngươi lên núi và dâng
nó làm của lễ toàn thiêu”. Không có một người cha nào mà không đau đớn trước
một đòi hỏi “nghiệt ngã” như vậy. Đòi hỏi này đã đặt Abraham vào một chọn lựa
hoặc là vâng phục Thiên Chúa hoặc là tìm cách để từ chối Thiên Chúa, giữ đứa
con lại cho mình.
Mặc dù tan nát ruột
gan, nhưng Abraham đã chọn vâng phục Thiên Chúa, hi sinh để hiến tế đứa con duy
nhất của mình. Ông dám chọn lựa Thiên Chúa vì ông tin rằng Thiên Chúa có cách của
Ngài và Thiên Chúa không bao giờ thất hứa cũng không bao giờ lừa dối con người.
Vì thế, ông đã đem con lên núi để hiến dâng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa chỉ thử
lòng trung thành và yêu mến của ông, Ngài không nỡ chứng kiến nỗi đau của Abraham.
Thiên Chúa đã ngăn tay ông và nói: “Đừng
hại đến đứa trẻ, vì Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa, ngươi không tiếc để
dâng đứa con một cho Ta. …nên Ta sẽ
thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông như sao trời
cát biển”. Qua việc làm này, Thiên Chúa không những trả lại người con cho Abraham,
mà còn long trọng lặp lại lời hứa với ông.
Tin Mừng Marcô kể
lại câu chuyện về một người cha yêu thương và tự hào về con của mình. Người cha
ấy chính là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đem các môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê, Gioan
lên một ngọn núi cao và cho các ông nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Người: “Mặt Người sáng như mặt trời, áo Người trở
nên trắng tinh như tuyết. Có ông Môsê
và Êlia hiện ra đàm đạo với Người”. Sau những năm tháng đi theo Chúa Giêsu,
các Tông đồ đã tin Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng cứu thế. Nhưng lần này, Chúa
Giêsu muốn củng cố đức tin cho các môn đệ và chuẩn bị tâm hồn để các ông đón nhận
mầu nhiệm tử nạn Người sắp bước vào. Chúa Giêsu đã cho các ông thấy vinh quang Thiên
Chúa ở nơi Người. Các môn đệ đã bị thu hút, ngây ngất trước những gì các ông
đang chứng kiến nơi thầy các ông. Vì vậy, Simon thưa với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con được ở đây thì thật là
hay. Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Êlia.”
Trong lúc các môn
đệ muốn kéo dài giây phút hạnh phúc, choáng ngợp ấy; các ông muốn xin ở lại
trên núi, thì: “Lúc đó có một đám mây bao
phủ các ông. Từ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng
nghe lời Người”. Điều này cho thấy,
Thiên Chúa muốn các Tông đồ tin một cách chắc chắn và mạnh mẽ rằng, Chúa Giêsu
là Con Thiên Chúa. Qua sự kiện này, Thiên Chúa long trọng giới thiệu Con của
Ngài cho nhân loại và khẳng định Chúa Giêsu chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa
Cha. Thiên Chúa Cha muốn tất cả mọi người nên giống Chúa Giêsu, lắng nghe và thực
hành những gì Chúa Giêsu giảng dạy. Từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu nói với
các ông về cuộc khổ nạn thập giá và phục sinh mà người sắp trải qua để các ông
có thể đứng vững khi sự việc xảy đến. Đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha công
khai nói về Con của mình với nhân loại. Thiên Chúa quả quyết rằng Chúa Giêsu
chính là Con rất yêu dấu, luôn làm đẹp lòng Ngài.
Thiên Chúa yêu con
bằng cách giới thiệu Con cho nhân loại và trao tặng người con ruột là Chúa
Giêsu cho chúng ta. Chúa Giêsu đã trở thành gương mẫu cho nhân loại, là thủ
lãnh, người dẫn đường đưa nhân loại về với Chúa Cha. Người trở thành Đấng Cứu Chuộc
toàn thể nhân loại chúng ta. Như vậy có nghĩa là vì Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã
yêu thương nhân loại và bênh vực che chở nhân loại như người cha yêu thương
bênh đỡ cho con cái của mình khỏi mọi hiểm nguy.
Trong thư Rôma,
Thánh Phaolô suy niệm về mầu nhiệm Thiên Chúa là Cha và đã chia sẻ cho chúng ra
rằng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta,
thì ai có thể chống lại chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng
tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta…thì có gì mà Thiên Chúa lại không
ban cho chúng ta?”. Điều đó cho thấy Thiên Chúa là một người Cha hết mực
yêu thương Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu, Ngài hết mực yêu thương tất cả chúng
ta. Và, vì yêu thương chúng ta, Ngài luôn muốn và ban muôn điều tốt đẹp cho
chúng ta. Thế nên, chúng ta cũng phải sống sao cho đẹp lòng Chúa Cha như Chúa
Giêsu đã làm đẹp lòng Cha mọi đàng.
Thưa quý OBACE, Chúa
Giêsu đã làm đẹp lòng Chúa Cha bằng cách sống vâng phục hoàn toàn, vâng lời cho
đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá vì yêu mến Chúa Cha. Lời Chúa
hôm nay và suốt Mùa Chay này là lời nhắc nhở, mời gọi mỗi người tái khám phá và
cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chính mình, làm mới lại tương
quan cha – con với Thiên Chúa. Nhờ ơn Bí tích Rửa tội, ta được nhận làm con Thiên
Chúa, nhưng tội lỗi và các thói xấu đã khiến con người càng ngày càng tách khỏi
tình yêu của Thiên Chúa. Ma quỷ, và những lôi kéo của thế gian, xác thịt, vật
chất đã khiến nhiều người đánh mất hoặc làm gián đoạn tương quan của mình với Thiên
Chúa. Mùa Chay này là dịp để chúng ta nối lại tương quan ấy. Chúng ta nối lại
tương quan với Thiên Chúa qua việc sám hối, trở về với Chúa, lãnh nhận ơn tha
thứ qua Bí tích Giải tội, ở bên Chúa qua cầu nguyện, để Chúa ôm ta vào lòng qua
Bí tích Thánh Thể và nhờ ơn Chúa ta quyết tâm thay đổi.
Lời của Chúa Cha
căn dặn các môn đệ: “Đây là Con Ta rất
yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”, cũng
là lời Chúa nói với từng người trong chúng ta. Thiên Chúa muốn chúng ta thiết
lập một tương quan đặc biệt với Chúa Giêsu - Con của Ngài, để cho Chúa Giêsu trở
nên người bạn và người thầy hướng dẫn chúng ta. Chúa muốn ta sống thân thiết với
Chúa Giêsu qua việc siêng năng trò chuyện với Người qua cầu nguyện và gặp gỡ
Người qua việc tham dự Thánh Lễ, nhất là để tâm lắng nghe Lời của Chúa Giêsu;
noi gương Chúa Giêsu để biết sống hiếu thảo với Chúa Cha.
Mùa Chay cũng là
mùa để ta làm mới lại tương quan cha, mẹ, con cái trong gia đình, yêu thương
con cái đúng cách, hơn là chiều chuộng, biết dạy cho con cái sống hiếu thảo đối
với Chúa và với cha mẹ. Mỗi gia đình tổ chức lại nếp sống cho gia đình mình từ
những bữa cơm chung cho đến các giờ kinh chung, biến các sinh hoạt này thành những
sinh hoạt thiết yếu, ưu tiên của mọi thành viên trong gia đình.
Cây mai, cành đào
phải được tuốt sạch những lá cũ để có thể ươm nụ và nở những bông hoa tươi đẹp
đón chào xuân mới. Mùa Chay là mùa chúng ta trút bỏ con người cũ, thói quen cũ
và những gì không còn phù hợp với tư cách là con Thiên Chúa; là mùa để mỗi người
ươm những nụ mới là những việc lành phúc đức, việc bác ái, cầu nguyện và hy
sinh, để cùng với Đức Giêsu đón chào mùa xuân phục sinh cho cuộc đời. Amen.
Lm Giuse Đỗ Đức Trí