Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô
LỜI CHÚA Lc 16, 19-31
19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây :
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh
đình.20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt
đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ
trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm
ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên
thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
23 “Dưới âm phủ,
đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng
xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta
kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng
đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt
khổ lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời
con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn
những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu
khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực
thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có
qua bên chúng ta đây cũng không được.
27 “Ông nhà giàu
nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì
con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng
sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có
Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông
nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có
người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông
Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết
có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
SUY NIỆM
Câu chuyện về ông nhà giàu và người nghèo, tên là
La-da-rô, mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, rất quen thuộc
đối với chúng ta. Nhưng có một chi tiết quan trọng, có thể chúng ta đã không để
ý, đó là câu chuyện này là một dụ ngôn : “Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn
sau đây”.
Dụ ngôn là một chuyện kể phát xuất từ thực tế cuộc
sống (hạt giống, nắm men, tiệc cưới, người cha có hai người con, con chiên đi
lạc hay đồng bạc bị mất…), nhưng lại chất chứa những chi tiết lạ lùng để mặc
khải cho chúng ta, không phải trực tiếp nhưng theo ngôn ngữ ẩn dụ, về Thiên
Chúa, về tình yêu và lòng thương xót của Người, về Nước của Người, về cách thức
chúng ta đón nhận và sống với Người ngang qua tương quan của chúng ta với tha
nhân và với những thực tại thuộc về đời này.
Theo bối cảnh, dường như Đức Giê-su kể dụ ngôn “Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô” cho những người Pha-ri-sêu : “Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc…” (c. 14), nhưng vấn đế mà dụ ngôn nêu ra lại đụng chạm
đến mọi người chúng ta ở chiều sâu. Vậy, Chúa muốn nói với chúng ta điều gì,
hay đúng hơn chất vấn chúng ta về vấn đề gì, khi kể dụ ngôn này ?
1. Thời gian và vĩnh cửu
Trước hết, đó là sự khác nhau giữa thời gian và vĩnh
cửu, hay nói dễ hiểu hơn là sự khác nhau giữa đời này và đời sau. Đời này thì
có giờ, có tháng, có năm ; đời sau thì không có giờ, có tháng, có năm,
nghĩa là lúc nào cũng là hiện tại, không có thủy không có chung ; đời này
thì chóng qua, đời sau thì tồn tại mãi mãi ; đời này thì có thay đổi, đời
sau thì không có thay đổi.
Chính vì thế, trong dụ ngôn, tổ phụ Abraham nói với
ông nhà giàu sau khi đã chết, nghĩa là đã bước vào đời sau :
Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn
qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không
được. (c. 26)
Trong khi đó, ở đời này, giữa bàn tiệc của ông nhà
giàu và người nghèo trước cổng đâu có phải là vực thẳm. Hai bên có thể đi qua
đi lại dễ dàng ! Ý nghĩa này cần phải đánh động chúng ta. Bởi vì đời sau sẽ không thể thay đổi được, nhưng một
cách nghịch lí, lại luôn luôn mới (x. Tv 136), nên chúng ta được mời gọi thay
đổi, nghĩa là hoán cải ngay bây giờ, đặc biệt là trong cách chúng ta sử dụng
của cải cũng như tất cả « những sự khác » (Linh Thao,
số 23), theo hướng phục vụ và chia sẻ cho người khác, nhất là những người
nghèo, những người thiếu may mắn và bất hạnh, và với cả những anh em, chị em
nhỏ bé, yếu kém hay đau yếu bên cạnh chúng ta nữa, trong gia đình hay trong
cộng đoàn. Hơn nữa, đời này thì rất chóng qua, còn đời sau thì kéo dài mãi mãi.
2.
Người nghèo và người
giàu
Dụ ngôn còn muốn nói với chúng ta điều thứ hai, đó là
những người giàu có ở đời này, sẽ bị lưu đày ở đời sau ; còn những người
nghèo khó, sẽ được an ủi. Vấn đề của ông nhà giàu không phải là vì ông giàu có,
ông có nhiều của cải, nhưng là ông quá gắn bó với của cải, đến nỗi ông không
muốn chia sẻ, không quan tâm đến những người thiếu thốn hơn đang ở trước cổng
nhà mình. Ông làm tôi cho của cải, thay vì làm tôi Thiên Chúa.
Trước khi kể dụ ngôn này, Đức Giê-su đã nói: “Anh em
không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). Điều
này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải
càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng
ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức
làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và
những phương tiện đắt tiền. Tiền Của trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó
như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa (trong bản văn Hi lạp, đó là
chữ “Mamon” viết hoa). Trong khi nó chỉ là phương tiện.
Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắp những
phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có
kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ
chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn
những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của
nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan làm
cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta
không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu,
nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất
là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta. Thiếu
tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết
chóc, thậm chí trở thành địa ngục.
Đời này thì thay đổi được, còn đời sau thì không. Chúng ta hãy thay đổi trong cách chúng ta tìm kiếm
và sử dụng của cải, để trở nên nghèo khó trong tâm hồn, và như thế sẽ được Chúa
ban tặng Nước Trời mãi mãi ở đời sau.
3.
Lời Chúa và các bí
tích
Điều thứ ba chúng ta cần lưu ý trong dụ ngôn, đó là
ông Mô-sê và các ngôn sứ, nghĩa là Kinh Thánh, là đủ để cho người đang sống
hoán cải, thay đổi cách sống của mình ; và không cần phải chứng kiến những
điều lạ lùng, như người chết hiện về. Bởi vì, hiện về thì hiện về có một
lần ; nhưng thay đổi cách sống là thay đổi suốt đời ; thế mà, sự thay
đổi bền vững lại phát xuất từ sự biến đổi của con tim, nhờ tác động của Lời
Chúa trong Kinh Thánh, chứ không phải từ những hiện tượng ngoạn mục ở bên ngoài.
Những hiện tượng lạ lùng, chỉ là dấu chỉ mời gọi thôi, chứ không tự động đem
lại cho chúng ta sự thay đổi sâu xa và bền vững.
Đời này thì thay đổi được, đời sau thì không ; đời này thì chóng qua, đời sau thì vĩnh cửu.
Xin cho chúng ta không cần trông cậy vào những điều lạ lùng hay ngoại thường,
nhưng hoàn toàn tín thác vào Lời Chúa và các bí tích, nhất là bí tích Thánh
Thể. Vì nếu chúng ta hoàn toàn tín thác vào Lời Chúa và các bí tích, chúng ta
sẽ nhận ra rằng, đó là những điều lạ lùng nhất, ngoại thường nhất, có sức mạnh
hoán cải chúng ta, biến đổi chúng ta thành con của Chúa và thành anh chị em của
nhau, làm cho chúng ta biết chia sẻ cách quảng đại. Vì qua Lời Chúa và bí tích
Thánh Thể, Chúa chia sẻ cho chúng ta chính sự sống của Chúa cách quảng đại, và
khi lãnh nhận sự sống của Chúa và nhận ra rằng, mọi sự chúng ta có là ân huệ
Chúa ban, chúng ta được thúc đẩy để chia sẻ cho người khác cách quảng đại.
Như thế, dụ ngôn về ông nhà giàu và người nghèo
La-da-rô, mà Đức Giê-su kể cho chúng ta nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, chất
vấn chúng ta thật mạnh mẽ về tương quan của chúng ta với người khác và với
những thực tại thuộc về đời này. Xin cho chúng ta, nhờ Lời Chúa, Mình và Máu
Thánh của Chúa, làm cho chúng ta thay đổi và hoán cải ngay bây giờ trong cách
chúng ta liên đới với những những người chung quanh, nhất là người nghèo khổ và
bất hạnh, và với cả những anh em, chị em nhỏ bé, yếu kém hay đau yếu bên cạnh
chúng ta nữa.
Dụ ngôn “Ông nhà giàu và người nghèo La-da-rô” chất vấn chúng ta, nhưng đó chưa phải là sứ điệp
chính yếu của dụ ngôn. Sứ điệp chính yếu của dụ ngôn, đó là Thiên Chúa trao ban
sự sống viên mãn một cách quảng đại và nhưng không cho “người nghèo” . Chính vì thế mà Người nghèo được nêu tên đích danh “La-da-rô”, còn người giầu thì không. Nhưng “người nghèo” là ai ? Đó là những người nghèo thật sự :
những em bé bị giết hại ngay từ khởi đầu của sự sống, những em bé bị bỏ rơi,
những em bé sinh ra tật nguyền hay mang những căn bệnh hiểm nghèo hay nan y,
những người khuyết tật, những người sinh ra và lớn lên trong cùng khổ, trong
những hoàn cảnh không xứng đáng với nhân phẩm, trong điều kiện xã hội thấp kém
và thua thiệt…
“Người nghèo” còn là mẫu người mà chúng ta được mời gọi trở nên.
Vậy, dù là chúng ta là ai, chúng ta được mời gọi sống như người nghèo, theo
khuôn mẫu của Đức Giê-su, để đón nhận mọi sự từ lòng tốt của Thiên Chúa, ở đời
này và đời sau, như chính Đức Giê-su đã nói trong Tám Mối phúc thật :
Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. (Mt
5, 3)
Lm Giuse Nguyễn Văn
Lộc