HIỆP
SỐNG TIN MỪNG
CN
11 TN B
Ed
17,22-24; 2 Cr 5,6-10; Mc 4,26-34
SỨC SỐNG MẦU NHIỆM CỦA NƯỚC THIÊN CHÚA
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 4,26-34
26 Người
nói: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt
giống xuống đất. 27 Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống
vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không
biết. 28 Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi
trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29 Lúa vừa
chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30 Rồi
Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn
nào mà hình dung được? 31 Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo
xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32 Nhưng khi gieo
rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời
có thể làm tổ dưới bóng."
33 Người
dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể
nghe. 34 Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn.
Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
2. Ý CHÍNH:
Khi ra giảng đạo,
Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy cho dân chúng về Nước Thiên Chúa mà
Người sắp thiết lập. Cụ thể trong Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra hai dụ
ngôn là hạt lúa và hạt cải để diễn tả về sự hình thành và phát triển của Nước
Thiên Chúa: Ban đầu hạt lúa được người nông dân gieo trên ruộng đất rồi sau đó,
hạt lúa tự mọc lên thành cây lúa và tới mùa ra bông kết trái được nhiều bông
hạt. Hạt cải tuy nhỏ bé nhất trong các hạt, nhưng sau một thời gian nó sẽ trở
thành một cây cải cao lớn nhất, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ dưới bóng
của nó.
3. CHÚ THÍCH:
-
C 26-29: + Chuyện Nước Thiên Chúa thì
cũng tựa như chuyện của một người vãi hạt giống xuống đất: Dụ ngôn không ví
Nước Thiên Chúa với người nông dân, mà muốn so sánh với việc gieo hạt lúa của
người nông dân để diễn tả về sức tăng trưởng của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên
Chúa do Đức Giê-su thiết lập cũng có sức tăng trưởng âm thầm giống như những gì
xảy ra cho cây lúa tự lớn lên và sinh hoa kết quả khi đến mùa gặt.
** Ý nghĩa dụ ngôn hạt giống Lời Chúa: Đức
Giê-su công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần bên. Người ví hạt lúa giống như Lời
Chúa. Hạt giống vốn có sức mạnh vô địch, mà khi đã được gieo vào lòng người thì
sẽ vào trong tâm trí và con tim để biến đổi lòng họ. Hoa trái không lệ thuộc vào
người gieo giống hay vào công việc rao giảng, nhưng lệ thuộc vào sức mạnh mà
hạt giống tự thân có trong nó. Chúng ta chỉ cần gieo Lời Chúa trên mảnh đất, là
những người được Chúa trao phó cho chúng ta, rồi kiên nhẫn chờ đợi tới lúc hạt
giống đó phát sinh ra hoa trái dồi dào.
- C 30-32: + Hạt
cải, lúc
gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có
thể làm tổ dưới bóng": Dụ
ngôn thứ hai là hạt cải, cho thấy sức mạnh vô song của Nước Thiên Chúa và nhắm
tới kết quả cuối cùng. Tác giả diến tả hai giai đoạn tăng trưởng của hạt cải:
Ban đầu khi Tin Mừng mới được rao giảng thì Nước Thiên Chúa nhỏ bé như một hạt
cải, nhưng sau đó nó sẽ dần lớn lên để trở thành một cây cải to lớn, có khả
năng đón nhận chim chóc, ám chỉ các dân tộc sẽ bay đến làm tổ trên cành của nó.
Mặc dầu giai đoạn đầu của Nước Thiên Chúa chỉ là một Hội thánh nhỏ bé, nhưng
Tin Mừng sẽ được loan báo đến mọi dân tộc. Trước khi Con Người quang lâm, nhiều
cuộc bách hại và những cơn thử thách sẽ xảy ra cho các tín hữu. Trong cơn hoạn
nạn đó, dụ ngôn hạt cải này sẽ giúp họ thêm lòng tin cậy vào quyền năng của
Chúa và tin vào chiến thắng cuối cùng của Nước Thiên Chúa.
- C 33-34: +
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao
giảng lời cho họ: Cả hai dụ ngôn Hạt Lúa và Hạt Cải đều mời gọi các tín
hữu chúng ta ý thức nhiệm vụ của mình là phải góp phần vào sứ vụ cứu rỗi nhân
loại của Đức Giê-su để Nước Thiên Chúa mau hiển trị.
4. CÂU HỎI: 1) Hai dụ ngôn về Nước Thiên Chúa được
trình bày trong bài Tin Mừng là hai dụ ngôn nào? 2) Hai dụ ngôn ấy giống và
khác nhau ra sao ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Nước Thiên Chúa giống như hạt cải […] khi
gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim
trời có thể làm tổ dưới bóng (Mc 4,31-32).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỰ SỐNG BẮT NGUỒN TỪ THIÊN CHÚA:
Một hôm một ông giáo sư sinh học cầm một
hạt lúa giống trong tay ngắm nghiá, và suy nghĩ: "Tôi biết chính xác các
chất cấu tạo nên hạt lúa này. Nó gồm có Nitro, hidro, và carbon. Tôi biết rõ tỉ
lệ từng đơn chất trong nó. Tôi có thể làm ra một hạt lúa giống y như thế. Nhưng
khi tôi gieo hạt lúa do tôi làm ra xuống đất tôi không thấy nó nảy mầm và mọc
lên thành cây! Sau một thời gian các chất cấu tạo nên nó bị tan biến hết. Ngược
lại khi tôi gieo một hạt lúa tự nhiên. Tôi thấy nó nẩy mầm và mọc lên thành một
cây lúa khoẻ mạnh. Tại sao lại có sự khác biệt đó? Tai sao hạt giống do tôi tạo
ra đã không mang lại kết quả, còn hạt giống tự nhiên thì lại có kết quả thật kỳ
diệu: Nó nảy mầm thành cây lúa rồi lớn lên, tới mùa phát sinh ra bông lúa nặng
trĩu các hạt lúa! Tại sao vậy?
Thưa bởi vì trong hạt lúa tự nhiên có một
nguyên lý bí mật mà người ta gọi là "nguyên lý của sự sống". Điều này
cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa hạt giống do con người làm ra với hạt giống thiên
nhiên do Thiên Chúa sáng tạo. Đó gọi là nguyên lý của sự sống.
2) HÃY GIEO NHỮNG LỜI KHEN THÀNH THẬT:
MAL-COLM DOL-KOFF là một nhà văn nổi tiếng
đã viết nhiều chuyện ngắn. Khi còn bé, cậu có tính nhút nhát, dễ bị tổn thương
nên ít khi giao tiếp với chúng bạn và thường hay lủi thủi một mình. Một lần, cô
giáo đọc cho cả lớp một đoạn đầu của truyện ngắn về Loài vật là bạn thân của
con người, sau đó cô phân công cho mỗi học sinh tự viết đoạn kết cho câu
chuyện. Dol-koff thích lắm, ngay chiều hôm ấy cậu đã hoàn thành bài viết của
mình. Nhưng mãi cậu mới có đủ tự tin đem nộp phần truyện của mình cho cô giáo
vào buổi học tuần sau.
Những gì cậu viết cũng như điểm số của cô
giáo cho vẫn không có giá trị bằng mấy lời khen của cô: “Em viết hay lắm!” Chính
những lời khen đó đã làm thay đổi cuộc đời cậu bé. Sau lời khen của cô giáo, cậu
bé đã chạy nhanh về nhà, phấn khởi bắt tay vào việc viết một câu truyện ngắn mà
cậu đã từng nghĩ tới mà không dám viết. Cậu viết ngày càng nhiều hơn và cứ xong
được truyện nào là cậu lại mang tới cho cô giáo nhận xét.
Nhiều năm trôi qua, Mal-colm Dal-koff đã
trở thành một nhà văn nổi tiếng. Cậu trở về thăm trường cũ và thăm lại cô giáo
ngày xưa của mình. Điều cậu phải cảm ơn cô là lời khen của cô “Em viết hay
lắm!” Chính những lời ấy đã động viên và biến đổi cuộc đời của cậu, khiến cậu
trở thành một nhà văn nổi tiếng, có nhiều tác phẩm có giá trị.
Có những lời nói,
cử chỉ tưởng như vô tình lại trở thành nguyên nhân thay đổi cho cả một đời
người. Biết bao đứa con bị mang tự ti mặc cảm khi cứ phải nghe cha mẹ lặp đi
lặp lại những lời chê trách. Biết bao con người trở thành hung dữ khi cha mẹ
luôn gieo vào tâm trí con trẻ những lời nói đe doạ và lối hành xử bất công. Và
ngược lại, biết bao con người đã tránh được sự tự ti mặc cảm để can đảm bước vào
đời, nhờ được người thân khích lệ. Những lời khen thành thật của ta gieo vào
lòng người khác sẽ có sức biến đổi họ ngày một lớn lên về nhân cách và đạt được
thành công.
Cha ông ta vẫn thường nói: “Lời nói chẳng
mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Đừng dùng lời nói làm đau
lòng người khác, kết án anh em. Hãy trao tặng cho nhau những lời chân tình yêu
thương. Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta gieo Lời Chúa. Nếu hôm nay chúng ta không
gieo Lời Chúa thì làm sao có được cánh đồng bội thu sau này?
3) HẠT GIỐNG TIN MỪNG LUÔN TỒN TẠI VÀ CÓ NGÀY HỒI
SINH:
Một hôm, cha PE-TIT JEAN đến giảng đạo
tại NA-GA-SA-KI cho một số người Nhật. Nghĩ rằng họ đều là
người bên lương nên sau bài giảng, ngài tươi cười hỏi họ :
- Anh em có thắc mắc gì không ?
Một người giơ tay xin đặt câu hỏi :
- Chúng tôi muốn được hỏi ông ba điều, yêu
cầu ông trả lời có hay không ? Câu hỏi thứ nhất, các ông có tin Đức Mẹ Đồng
trinh không ?
- Có.
Câu hỏi thứ hai : các ông có vâng lời và
thông hiệp với Đức Thánh Cha không ?
- Có.
Câu hỏi thứ ba: Là Linh mục, các ông có
giữ mình thanh sạch và sống độc thân không ?
- Có.
- Vậy thì mấy trăm người chúng tôi với ông
là đồng đạo. Chúng tôi đây đều là người Công giáo.
Cha Petit Jean bàng hoàng như từ cung
trăng rơi xuống. Cha con âu yếm ôm cổ nhau. Nhà truyền giáo hỏi :
- Bấy lâu nay, có ai giảng dạy cho các anh
không ?
- Thưa cha, không có ai trong suốt hai thế
kỷ qua ! Ban đầu ông bà tổ tiên của chúng con đã tin đạo và truyền lại,
rồi chúng con cứ âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc
nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ông bà chúng con trước khi chết
đều nhắn nhủ chúng con: Sau này có ai đến giảng đạo thì hãy cảnh
giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà nhận biết họ có phải là các cha đích
thực, là người của Hội thánh sai đến hay không.
Giáo hội Nhật bản đã hồi sinh như thế đó.
4) CHÚA LUÔN CẦN CHÚNG TA CỘNG TÁC:
Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị
thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt,
người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giê-su đang đứng bán ở
quày hàng này.
Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà
cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?
Chúa trả lời: Ta bán mọi điều con mong ước.
Chị liền nói một hồi: Thưa Chúa, con muốn
có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không bị sợ hãi.
Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng,
cho con và cho những người thân yêu của con nữa…
Chúa mỉm cười và nói: Con thân mến. Ở đây,
Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dùng
dụ ngôn hạt giống để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa giống như
người nông dân gieo hạt lúa xuống đất. Hạt giống âm thầm nẩy mầm, phát triển và
phát sinh bông hạt. Cũng vậy, hạt giống Lời Chúa được gieo vào thế giới và gieo
vào lòng mỗi người cũng sẽ nảy mầm và phát sinh ra nhiều hoa trái tốt lành.
Nước Thiên Chúa là vương quốc của tình yêu, của sự thật cũng không ngừng tăng
trưởng theo thời gian của lịch sử nhân loại. Không ai có thể ngăn cản được sự
phát triển của Nước Thiên Chúa.
3. SUY NIỆM:
Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su đã kể
dụ ngôn về Nước Thiên Chúa giống như hạt lúa được gieo xuống đất, rồi âm thầm
mọc lên theo luật thiên nhiên, và như một hạt cải ban đầu nhỏ bé nhưng sau đó lớn
lên thành cây cải to lớn đến nỗi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”.
1) Nước Thiên Chúa giống như hạt giống: Các tín hữu
cần phải biết kiên nhẫn. Ðừng đòi nhìn thấy sự tăng trưởng trước mắt, nhưng cứ
làm hết sức mình rồi chờ tới mùa gặt là ngày tận thế. Bấy giờ Thiên Chúa sẽ sai
các thiên thần đi gặt hái: Lúa thóc ám chỉ các người lành thánh sẽ được hưởng
hạnh phúc trong kho lẫm là Thiên đàng. Còn cỏ dại ám chỉ các kẻ làm điều gian
ác sẽ bị thiêu cháy trong lửa hỏa ngục muôn đời. Trong thời gian chờ đợi này,
mỗi người chúng ta cần chu toàn bổn phận xây dựng Nước Thiên Chúa, bằng việc
sống giới răn yêu thương và thực thi công bình bác ái theo gương sáng và lời
dạy của Đức Giê-su.
2) Nước Thiên Chúa giống như hạt cải: Các tín hữu chúng
ta cần góp phần vào sự tăng trưởng của Nước Thiên Chúa bằng việc lắng nghe và
thực hành Lời Chúa mỗi ngày, năng cầu nguyện và thực hành bác ái phục vụ tha
nhân, nhất là phục vụ Chúa đang hiện thân trong những người đau khổ bệnh tật và
bị bỏ rơi… Những hạt giống việc lành ấy sẽ góp phần làm tăng trưởng Hội thánh
ngày một lớn lên theo thánh ý Chúa.
Như những hạt cải nhỏ bé, phải biết tự hủy
mới mọc thành cây và lớn lên, các tín hữu cũng phải tập mỗi ngày chết đi cho
các ý riêng ích kỷ và tự mãn, cho các đam mê nhục dục thấp hèn, cho các thói hư
tật xấu của mình… Mỗi khi gặp sự chống đối hay thất bại, thay vì nản lòng thoái
lui, chúng ta cần xác tín rằng: Nếu chúng ta biết sống khiêm tốn nhỏ bé, âm
thầm cầu nguyện và can đảm dấn thân kèm theo sự tín thác cậy trông vào ơn Chúa
giúp… chắc chắn việc tông đồ của chúng ta sẽ đạt kết quả đúng theo chương trình
cứu độ của Thiên Chúa.
3) Mô hình tăng trưởng của Giáo Hội Hàn Quốc:
Theo linh mục PI-E-RO GHED-DO, thuộc Hội
Truyền Giáo Nước Ngoài Mi-la-no: “Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc
gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính
trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc. Sự phát triển mạnh mẽ này cũng
xảy ra đối với Ki-tô giáo nữa. Thật thế, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn
Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu
người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Ki-tô hữu từ 2% tăng
lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số
linh mục từ 250 lên đến 5.000”. (Theo nhật báo Avvenire (Tương lai), cơ quan
ngôn luận chính thức của Hội đồng Giám mục Italia số ra ngày 8-4-2012).
Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình
quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Hồi năm 2008, số tín hữu Công giáo đã vượt
10% tổng số dân Hàn Quốc và gia tăng 3% mỗi năm.
Theo thống kê của Giáo Hội năm 2009, số
người lãnh nhận bí tích Rửa tội đã là 159.000, và đã có 149 phó tế được thụ
phong linh mục, tức gia tăng 21 vị so với năm 2008. Trong năm 2009 có 69% người
Hàn Quốc thuộc lứa tuổi 23 tới 40. Điều này cho thấy người dân Hàn Quốc rất trẻ
trung và tràn đầy sức sống.
Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng
Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc
đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu, khiến cho Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội
tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn
tôn trọng.
Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang sống
chương trình gọi là "Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi", có nghĩa
là mọi tín hữu trong Giáo Hội phải dấn thân truyền giáo làm sao để vào năm
2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, nghĩa là gia
tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để lên 10 triệu.
Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống,
một cuộc sống như chính Đức Giê-su đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu
thương đến cùng (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính
mạng cho những người mình yêu (x. Ga 15,13), noi gương Đức Giê-su đã yêu thương
chúng ta và đã phó nộp mình vì chúng ta (x. Gl 2,20).
4) Tích cực góp phần làm phát triển Nước Thiên Chúa:
- Mỗi ngày hãy năng đọc Kinh Lạy Cha với
tâm tình sốt sắng, cầu xin cho Nước Cha mau trị đến nơi những anh chị em lương
dân đang sống gần bên chúng ta.
- Trong cuộc sống đời thường, mỗi ngày
chúng ta hãy gieo ít nhất một lời khen thành thật, làm ít nhất một việc bác ái
cụ thể phục vụ tha nhân nên cạnh. Những lời nói việc làm ấy giống như những hạt
giống sẽ ân thầm mọc lên và có sức biến đổi lòng người nên tốt mà ta không ngờ.
- Hãy ý thức rằng: Nước Thiên Chúa vẫn có
thể lớn lên trong những người lương chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, nhưng luôn
theo lương tâm ăn ở ngay lành, hoặc đã vô tình nhìn thấy gương lành của các tín
hữu như lời Chúa phán: “Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt
thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của
anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Vậy trong những ngày này mỗi người chúng
ta sẽ làm gì cụ thể để gieo hạt giống Tin Mừng giúp anh em lương dân nhận biết
tin yêu Chúa?
4. THẢO LUẬN: Khi làm việc tông đồ mà gặp chống đối
hay thất bại, chúng ta cần làm gì noi gương Đức Giê-su?
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Cha Toàn Năng, xin cho chúng con
biết tin tưởng và phó thác vào quyền năng yêu thương và quan phòng của Cha
trong công cuộc tông đồ. Dù chúng con chỉ làm được các việc nhỏ bé tầm thường,
nhưng chúng con tin rằng: Chính Cha sẽ làm cho các việc nhỏ bé tầm thường ấy
phát sinh hiệu quả lớn lao cho Hội Thánh. Lạy Cha, xin cho chúng con biết chu
toàn sứ mệnh gieo Lời Cha khi tiếp xúc với tha nhân dù thuận lợi hay không
thuận lợi, vì tin vào quyền năng và tình thương của Cha sẽ hoàn tất những gì
còn thiếu sót nơi chúng con, như lời thánh Phao-lô: “Tôi trồng, anh A-pô-lô
tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cr 3,6).
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM