Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Ba Tuần XI Thường Niên
“Anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời,
là Đấng hoàn thiện”
Lời Chúa: Mt
5, 43-48
43 "Anh em đã nghe
Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.44 Còn Thầy,
Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
45 Như vậy, anh em mới
được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời
của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên
người công chính cũng như kẻ bất chính.46 Vì nếu anh em yêu thương
kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế
cũng chẳng làm như thế sao?47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình
thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm
như thế sao?
48 Vậy anh em hãy nên hoàn
thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
Suy Niệm
1. Hoàn tất Lề Luật
Trong Bài Giảng Trên Núi, trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, để giúp
chúng ta hiểu cách Ngài hoàn tất Lề Luật và mời gọi chúng ta hoàn tất như Ngài
(Mt 5, 17), Đức Giê-su trình bày năm minh họa ; và mỗi minh họa đều được
bắt đầu bằng công thức sau đây : « Anh em đã nghe Luật dạy người xưa
rằng… Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em » (c 21, 27, 33, 38 và 43).
Như thế, từ giờ trở đi, lời của Đức Giê-su sẽ thay thế cho Luật của Thiên
Chúa ; hay nói cách khác, Thiên Chúa giờ đây không còn dạy dỗ chúng ta
bằng Lề Luật nữa, nhưng bằng lời của Đức Giê-su, bằng chính ngôi vị của Đức
Giê-su. Đây chính là biến cố trọng đại của lịch sử cứu độ ; và tương quan
của Đức Giê-su với Lề Luật thuộc về biến cố trọng đại này. Sau đây là năm
trường hợp, minh họa cho cách Đức Giê-su hoàn tất Lề Luật :
Ø Luật chớ giết người : vấn đề sự sống.
Ø Luật chớ ngoại tình : vấn đề hôn nhân và gia đình.
Ø Luật chớ bội thề : vấn đề lời nói.
Ø Luật ngang bằng, nghĩa là luật « mắt đền mắt, răng đền răng », mà
chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua : vấn đề « kẻ dữ ».
Ø Và luật « yêu đồng loại và ghét kẻ thù », mà chúng ta vừa nghe
trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay : tương quan giữa các nhóm và cộng
đồng.
Những minh họa mà Đức Giê-su đưa ra, chỉ đề cập đến năm điều luật, nhưng là
những điều luật liên quan đến những vấn đề thiết yếu của sự sống con người,
nghĩa là đến sự duy trì và phát triển của sự sống. Và trường hợp thứ năm, mà
chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, là điểm tới và là đỉnh cao không chỉ của
các minh họa, những của cả toàn bộ Lề Luật được Đức Ki-tô hoàn tất. Bởi vì,
tình yêu, dù được giả định cách tất yếu nhưng vẫn còn ẩn dấu ở những minh họa
trước đó, chẳng hạn minh họa thứ tư mà chúng ta nghe hôm qua. Nhưng ở đây, tình
yêu được nêu ra một cách minh nhiên và có nền tảng nơi chính cách ứng xử của
Cha trên trời.
Với minh họa thứ năm này, Đức Giêsu mời gọi người môn đệ sống nguyên tắc
“Cha nào con nấy”, như chính Ngài đã sống. Như thế, hoàn tất Lề Luật theo Đức
Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức, nhưng là sống tối đa theo
năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta
được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
2. Luật « hãy
yêu đồng loại và ghét kẻ thù »
Trong minh họa thứ năm, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su
nói:
Anh em đã nghe Luật
dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (c. 43-44)
Giới luật “hãy ghét kẻ thù” mà Đức Giêsu trích dẫn không có trong bộ Ngũ
Thư (Torah). Người ta có thể tìm thấy
những lời tương đương, nhưng chỉ áp dụng cho một dân tộc đặc thù (x. Đnl 23,
4), chứ không áp dụng cho kẻ thù nói chung. Sự oán ghét không bao giờ là đối
tượng của một giới luật, nhưng chỉ là một hệ quả thực tế của nguyên tắc: “bạn
của anh là bạn của anh, kẻ thù của anh là kẻ thù của anh, anh cứ theo đó mà ứng
xử”. Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan đến kẻ thù, dù không có trong Torah,
vẫn diễn tả cách trung thực giới luật: “anh hãy yêu mến người thân cận” được
diễn giải và được sống trong thực tế.
Chìa khóa để hiểu những lời này của Đức Giêsu vẫn là điểm khởi đầu: thay vì
yêu mến “những người yêu mến anh em”, thì anh em đừng chờ đợi để yêu mến. Anh
em hãy khởi đầu, hãy yêu mến trước, và đừng biến tình yêu của mình thành gương
soi của tình yêu mà anh em chờ đợi hay nhận được. Cha ở trên trời luôn hành xử
như thế đối với chúng ta! Như thế, hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành
động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự: anh em hãy nên
hoàn thiện như Cha anh em trên trời là đấng Hoàn Thiện. Và Thiên Chúa, Đấng
hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng
ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
3. “Cha anh em trên
trời là Đấng hoàn thiện”
Như thế, chúng ta được mời gọi không chỉ sống theo Lề Luật, nhưng còn sống
theo Lời Chúa; nghe thì thật là hay và đúng nữa, nhưng làm sao mà sống được?
Yêu thương những người thân cận theo Lề Luật đã khó, thì làm sao yêu thương kẻ
thù, yêu thương những người không có thiện cảm với chúng ta, những người làm
hại hay những người ngược đãi chúng ta, theo Lời Chúa được?
Khó, nhưng chúng ta vẫn cứ phải cố gắng, cố gắng từng ngày; khó, nhưng
chúng ta vẫn cứ phải bắt đầu, rồi lại bắt đầu; bởi lẽ chúng ta là con Thiên
Chúa, chúng ta được Đức Giê-su mời gọi nên hoàn thiện như Thiên Chúa, Cha của
chúng ta ở trên trời Đấng hoàn thiện, vì “Người cho mặt trời của Người mọc lên
soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng
như kẻ bất chính”. Có thể nói, Đức Giê-su mời gọi chúng ta, “Cha nào thì con
nấy”, “con nhà Tông, không giống lông thì cũng giống cánh”!
Như thế, chúng ta là Con Thiên Chúa, là Ki-tô hữu, là những người tin vào
Đức Ki-tô, là môn đệ của Đức Ki-tô, thì chúng ta phải sống khác người ta, như
lời Chúa nói: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có
công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em
chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả
người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
* * *
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống
theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác,
nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu
đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị
chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa.
Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và
phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung
chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu
của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô” (Rm 8, 39). Và đây là điều lạ
lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta,
con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác,
và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn
nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?
Và đó chính là con đường thiêng liêng, hay có thể nói, đó là “bí quyết”
giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong nỗ lực yêu thương nhau: đó là chúng
ta đừng bao giờ quên và cần ghi nhớ mỗi ngày, chính bản thân chúng ta được Chúa
yêu thương bao dung và tha thứ trước, một cách vô hạn và nhưng không.
* *
*
Chỉ khởi đi từ nắng từ mưa, Đức Giê-su mời gọi chúng ta nhận ra, không chỉ
Thiên Chúa sáng tạo, nhưng chính tình yêu quảng đại của Thiên Chúa và từ đó có
thể sống một sự sống hoàn toàn mới, đế độ có thể yêu thương cả kể thù! Vậy, nhớ
lại ơn huệ, ơn huệ sự sống và tất cả những gì liên quan đến sự sống trong cuộc
đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, chắc chắn sẽ có sức mạnh “tái
sinh” chúng ta còn hơn thế nữa (x. Tv 139).
Lm
Giuse Nguyễn Văn Lộc