NÓI VÀ LÀM
LỜI CHÚA Mt 23,1-12
(1) Bấy giờ Ðức Giêsu
nói với đám đông và các môn đệ Người rằng: (2) "Các kinh sư và
các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. (3) Vậy,
những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ
mà làm, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà chất
lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. (5)
Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật
lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám
tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào
hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "rápbi".
(8) "Phần anh em,
thì đừng để ai gọi mình là "rápbi", vì anh em chỉ có một Thầy; còn
tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai
dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10)
Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh
đạo, là Ðức Kitô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm
người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai
hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
SUY NIỆM
Người ta bảo rằng, quãng đường xa
nhất không hẳn là quãng đường từ trái đất đến mặt trăng hay sao hoả, mà là con
đường từ miệng đến tay. Điều đó rất đúng và mỗi người ít nhiều cũng có kinh
nghiệm này. Chúng ta cũng có thể thấy nơi các linh mục, nới các nhà lãnh đạo
chính quyền và các người có trách nhiệm như bậc cha mẹ trong gia đình, nói rất
hay nhưng đời sống lại hoàn toàn trái ngược lại. Ví dụ: Linh mục giảng dạy về sống
yêu thương bác ái, nhưng chính bản thân lại chưa thể hiện được đòi hỏi của bác
ái yêu thương; các quan chức hô hào chống tham những, nhưng chính các ông lại bị
bắt vì tội tham nhũng.
Lời Chúa hôm nay
cảnh cáo các tầng lớp lãnh đạo là những tư tế, luật sĩ và biệt phái. Họ là những
người hướng dẫn đời sống đạo đức cũng như đời sống xã hội trong dân Israel, nhưng
họ nói mà không làm, trái lại còn trở nên gương xấu trong dân.
Trong bài đọc một,
qua miệng tiên tri Malakhi, Thiên Chúa đã cảnh cáo các tư tế về lối sống của họ.
Các tư tế là các nhà lãnh đạo tôn giáo, là những người có uy tín, được kính trọng
trong dân. Trách nhiệm của các tư tế là tế tự trong đền thờ, giảng dạy dân
chúng, giúp họ sống đúng với giới răn lề luật của Chúa. Tuy nhiên, các tư tế
không những đã không chu toàn việc giảng dạy, mà còn bỏ bê bổn phận, không chu
toàn lề luật, gây gương xấu, khiến cho dân chúng sống sai lạc, đời sống đạo đức
sa sút. Thiên Chúa đã cảnh cáo các tư tế bằng những lời rất nghiêm khắc: “Nếu các ngươi không lưu tâm đến việc tôn
vinh Danh Ta… Ta sẽ khiến các phúc lành trở thành tai họa cho các ngươi. Các
ngươi đã đi trật đường và làm cho nhiều người khác lạc đường… Ta sẽ làm cho các
ngươi trở thành đáng khinh trước mặt toàn dân”.
Trong bài Tin Mừng,
Chúa Giêsu nói với dân chúng và cũng là để cảnh báo cho các môn đệ, đừng để
mình rơi vào lối sống của các luật sĩ và biệt phái. Gọi là các luật sĩ vì đây là
thành phần có học thức trong dân, họ là những nhà chuyên môn giải thích giới
răn lề luật của Thiên Chúa. Các biệt phái là thành phần quý tộc, thuộc giới
lãnh đạo, được coi là những người đạo đức gương mẫu, được mọi người kính trọng.
Các biệt phái thường phô trương đời sống đạo của mình qua các hình thức bên
ngoài hơn là đời sống đạo bên trong. Vì thế, Chúa Giêsu thường phê bình lối sống
giả hình của giới biệt phái và luật sĩ này.
Hôm nay Chúa
Giêsu nói với mọi người: “Các luật sĩ và
các biệt phái ngồi trên toà của Môse mà giảng dạy. Tất cả những gì họ nói, anh
em hãy làm còn những việc họ làm thì đứng có làm theo, vì họ nói mà không làm”.
Khi dạy điều này, Chúa Giêsu phân biệt giữa nhiệm vụ và đời sống của các luật
sĩ và biệt phái. Xét về nhiệm vụ, họ là những người được trao cho nhiệm vụ giải
thích Kinh Thánh, các lời ngôn sứ. Họ giải thích lề luật và chỉ cho mọi người
tuân giữ. Vì họ thi hành nhiệm vụ này như những người được Chúa trao phó, do đó
những lời họ nói là những lời của Thiên Chúa. Vì vậy, phải tuân theo những lời
giảng dạy của họ, không chống đối hay phản bác. Tuy nhiên, đời sống của những
người này không đáng để trở thành gương mẫu. Vì đời sống của họ không đúng như
những điều họ khuyên dạy, việc làm của họ ngược lại với những gì họ rao giảng.
Chúa Giêsu giải
thích thêm: “Họ bó những gánh nặng chất
lên vai người ta, nhưng chính họ lại không động ngón tay lay thử”. Từ Mười
Điều răn của Chúa truyền cho ông Môse, các luật sĩ đã giải thích và thêm vào lề
luật hàng trăm những khoản luật khác, khiến cho lề luật không còn là phương thế
giúp con người sống thánh thiện, trái lại trở thành một gánh nặng khiến cho con
người không thể mang nổi. Các tư tế tự miễn chuẩn cho mình nhiều điều luật,
nhưng lại buộc người khác phải tuân giữ đến từng chi tiết nhỏ nhặt. Còn các biệt
phái chú trọng nhiều đến việc phô trương hình thức bên ngoài, khiến họ không
còn quan tâm đến đời sống nội tâm. Các biệt phái muốn tìm tiếng khen của người
đời hơn là tìm kiếm Thiên Chúa. Họ tìm kiếm những vị trí, danh dự ngoài xã hội
hơn là tìm một lối sống đẹp lòng Thiên Chúa. Vì vậy, họ bị cuốn hút vào việc trau
chuốt bên ngoài mà bỏ qua việc làm đẹp trong tâm hồn. Chúa Giêsu đã nói về các
biệt phái: “Họ làm việc cốt để cho thiên
hạ thấy, họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc,
chiếm hàng danh dự trong hội đường, thích được mọi người gọi là thầy”.
Các biệt phái và
luật sĩ thích được mọi người gọi là thầy, nhưng lại sống không xứng đáng là những
người thầy. Họ muốn mọi người coi họ như là cha già của dân tộc, nhưng đời sống
không có sự quảng đại, không có lòng yêu thương, nhân từ, bao dung của một người
cha; nhất là đời sống đạo đức, luân lý của họ không xứng đáng làm thầy, càng
không xứng đáng làm cha, làm người dẫn đường chỉ lối cho người khác. Do đó, Chúa
Giêsu cảnh báo các môn đệ đừng để mình trở nên giống người biệt phái: “Anh em đừng để ai gọi mình là thầy vì anh
em chỉ có một Thầy. Anh em cũng đừng gọi ai là cha, vì anh em chỉ có một Cha
trên trời… Trong anh em, người làm lớn hơn phải là người phục vụ anh em mình”.
Thánh Phaolô và
các tông đồ đã cảm nghiệm được lời dạy này của Chúa Giêsu. Các ngài đã sống và
đã thực hành đến cùng những lời dạy của Chúa hôm nay. Trong bài đọc hai, Phaolô
tâm sự với cộng đoàn Thesalonica: “Khi ở
giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con
thơ. Chúng tôi yêu quý anh em đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em không những Tin
Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa”. Đó chính là lối sống
khiêm nhường, yêu thương và phục vụ mà Chúa Giêsu muốn thấy nơi các môn đệ của
mình.
Thưa quý OBACE,
các tông đồ đã sống theo gương hy sinh hiến mình đế phục vụ theo gương Chúa
Giêsu, trở thành người loan báo Tin Mừng cũng như giới răn lề luật của Chúa
Giêsu. Nhưng Chúa không muốn các môn đệ của Ngài trở thành các chuyên gia giảng
thuyết về Tin Mừng, mà trước hết, Chúa muốn mỗi người trở thành những người sống
và loan báo Tin Mừng. Có nghĩa là người môn đệ phải trở thành người loan báo những
gì mình thực sự xác tín, đã cảm nghiệm và đã sống, chứ không phải là những lời
nói suông. Chúa muốn đời sống của người môn đệ phải đi liền với những lời mình
rao giảng hay nói cách khác phải làm trước khi nói.
Lời nhắc nhở của
Chúa hôm nay trước hết dành cho các linh mục là những người có nhiệm vụ rao giảng
Lời Chúa, khuyên bảo, hướng dẫn dân Chúa. Nhiều khi xét lại bản thân, các linh
mục cũng thấy đời sống mình chưa đi sát hoặc hoàn toàn khác với đòi hỏi của Tin
Mừng. Các linh mục cũng bị cám dỗ chạy theo vật chất, hình thức, tìm kiếm lời
khen, để mình bị chi phối bởi sự tự ái, ích kỷ, nóng nảy và thiếu bác ái, thiếu
nhân từ với đoàn dân của Chúa, trở nên gương xấu cho cộng đoàn. Chúa muốn các
linh mục khi được sai đến với cộng đoàn trước hết là để cùng sống đức tin với cộng
đoàn và cùng đồng hành để hướng dẫn cộng đoàn đi theo con đường của Chúa và đời
sống của linh mục phải trở thành lời rao giảng hơn là những bài giảng vô hồn.
Xin cộng đoàn cầu nguyện cách chung cho các linh mục và cách riêng cho cha xứ,
cha phó của anh chị em.
Lời Chúa hôm này
cũng là lời nhắc nhở cho các bậc cha mẹ trong gia đình và cho tất cả những người
có trách nhiệm hướng dẫn người khác. Lời nói qua mau, gương lành lôi kéo –
không phương pháp giáo dục nào tốt hơn phương pháp giáo dục bằng gương sáng. Muốn
con cái có thói quen tốt, cha mẹ phải thường xuyên làm điều tốt; muốn con cái đạo
đức siêng năng thì chắc chắn, cha mẹ sẽ phải làm gương sáng trong việc siêng
năng đọc kinh, cầu nguyện, tham dự Thánh Lễ, xưng tội rước lễ. Điều gây cớ vấp
phạm và phản giáo dục nhất đó là việc cha mẹ trở thành gương xấu cho con cái:
Cha mẹ gian dối không thể dạy con cái sống ngay thẳng; cha mẹ hung dữ, chửi tục,
bạo lực thì không thể có những đứa con hiền lành. Vì, cây nào sẽ sinh quả nấy.
Lời Chúa cũng nhắc
chung cho tất cả mọi người: Chúng ta không chỉ mang danh là Kitô hữu, nhưng
chúng ta được mời gọi phải sống đời Kitô hữu. Chúng ta không thể loan báo về
Tin Mừng của Chúa Giêsu cho anh em, nếu mỗi người không cố gắng sống Tin Mừng mỗi
ngày. Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu khi chúng ta sống trái ngược với
Chúa Giêsu. Người dân ngoại sẽ không thể tin lời ta nói, nếu đời sống của ta
khác biệt với Tin mừng. Chúng ta sẽ trở thành gương xấu cho người khác khi
chúng ta coi thường giới răn lề luật của Thiên Chúa, sống gian tham điêu ngoa,
dữ tợn.
Xin Chúa giúp
chúng ta biết sống và thực hành điều Chúa dạy mỗi ngày để qua đời sống của ta,
mọi người nhận ra Chúa đang sống trong ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí