Tìm được rồi,
người ấy mừng rỡ vác lên vai
LỜI CHÚA, Lc 15, 1-10
(1) Tất cả những người thu thuế và những
người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. (2) Còn những
người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: "Ông này đón tiếp
phường tội lỗi và ăn uống với chúng". (3) Ðức Giêsu mới kể cho
họ dụ ngôn này:
(4) "Người nào trong các ông có một trăm
con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng
hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? (5) Tìm được rồi,
người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè,
hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên
của tôi, con chiên bị mất đó". (7) Vậy, tôi nói cho các ông
hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám
hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
(8) "Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng
quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc
tìm cho kỳ được? (9) Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại,
và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm đuợc đồng quan tôi đã đánh mất".
(10) Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa,
ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối".
(Bản
dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
* *
*
SUY NIỆM
1. Khinh chê
Vào thời của Đức Giê-su, có những người bị coi là tội nhân một cách công
khai : vì họ có một thứ nghề nghiệp bị mọi người coi là xấu, chẳng hạn
nghề thu thuế như ông Gia-kêu, hoặc vì họ có đời sống luân lí không tốt, chẳng
hạn người phụ nữ bị mọi người coi là « người tội lỗi trong thành » (Lc
7, 37) hay vì họ không giữ những nghi thức hay qui định đạo đức, chẳng hạn các
nghi thức thanh tẩy, ăn chay, ngày sa-bát…. Họ bị mọi người khinh chê, nhất là
các người Pha-ri-sêu và luật sĩ.
Ngày nay, người ta không còn tùy tiện dán nhãn tội nhân vào người này người
kia nữa, nhưng sự khinh chê vẫn còn nguyên, trong cung cách ứng xử giữa người
với người. Thật vậy, chúng ta vẫn còn kinh chê nhau, vì sự yếu kém, nhỏ bé,
giới hạn, thiếu khả năng, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình xã hội, ngoại hình… Thân
phận làm người tự nó đã nặng nề, nhưng thay vì gánh vác cho nhau hay làm cho
nhẹ đi, chúng ta lại luôn tìm cách chồng chất thêm cho nhau hay tự làm cho thân
phận của mình nặng thêm. Thánh Phao-lô trong thư Roma chấn vấn chúng ta :
« Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa… Thế
mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em ? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể
người anh em ? » (Rm 14, 8.10).
2. Đức Giê-su và những người tội lỗi
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin
Mừng để nhìn ngắm cách Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi, những người yếu kém, những người nhỏ
bé : họ đến để lắng nghe Ngài ; và Ngài không chỉ đón tiếp họ, nhưng
còn dùng bữa với họ. Đón tiếp và dùng bữa với ai, đó chính là làm bạn, thậm chí
trở nên một với người đó. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh Đức
Giê-su ở giữa những người tội lỗi, bởi
vì hình ảnh này rất đánh động và an ủi đối với chúng ta.
Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục ban lời của
Ngài cho chúng ta, vốn là những người tội lỗi, yếu kém và nhỏ bé, và còn hơn cả
việc dùng bữa với chúng ta, Ngài tự biến thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta
cho sự sống hôm nay và sự sống muôn đời.
Kinh nghiệm được đón tiếp bởi Đức Giê-su, khi mà
chúng ta vẫn còn là tội nhân, yếu kém và nhỏ bé, chính là động lực để chúng ta
cũng có thể đón tiếp người khác, như họ là. Kinh nghiệm này cũng làm cho có thể
ra khỏi chính mình để đi vào niềm vui lớn lao của Thiên Chúa và các Thiên Thần
của Ngài trên trời.
3. Các dụ ngôn
Để thay đổi hình ảnh lệch lạc của chúng ta về thái độ của Thiên Chúa đối
với các tội nhân, và để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người
tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là còn ngài kết bạn với họ, Đức
Giê-su kể « một hơi » ba dụ ngôn : dụ ngôn con chiên, dụ ngôn
đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con (Lc 15, 4-32). Và trên Thập Giá,
Ngài còn đi xa hơn, khi để cho mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu
chết giữa các tội nhân.
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu tiên, nhưng chúng
ta nên hiểu cả ba dụ ngôn cùng nhau, vì các dụ ngôn soi sáng cho nhau và nêu
bật khía cạnh đặc biệt của mỗi dụ ngôn. Thật vậy, ba dụ ngôn có một thứ tự đặc
biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị
mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư
mất. Như thế, xét về con số, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một
trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về điều bị mất, ban đầu
là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà
người con thì vô giá.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát càng lớn, thì
niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng
vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi
với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin
vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.
Tuy nhiên, cả ba dụ ngôn có một sứ điệp khác đánh động chúng ta không
kém : đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta,
như thể, chúng ta là duy nhất, là quí nhất là yêu nhất, trong con mắt của Chúa.
Và dụ ngôn đầu tiên làm bật lên sự điệp này một cách rạng ngời nhất :
Người nào trong các ông có một trăm con
chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang,
để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất (c. 4)
Dụ ngôn đến từ đời thường, nhưng một khi thốt ra từ miệng Đức Giê-su, lại
chứa đựng nhiều điều bất thường (tương tự như các dụ ngôn khác) : (1) Bỏ
chín mươi chín con lại nơi đồng hoang ; (2) Vác con chiên lạc trên vai,
khi tìm thấy ; (3) và niềm vui quá lớn và lan tỏa, so với con chiên nhỏ bé
được tìm lại, như thể đó là con chiên duy nhất, và như thể chín mươi chín con
kia không hiện hữu !
Ba điểm bất thường diễn tả cho chúng ta một cách tuyệt vời về tình yêu
Thiên Chúa mà Thánh Tâm Chúa Giê-su (đây là bài Tin Mừng của ngày lễ Thánh Tâm
Chúa Giê-su, năm C) muốn diễn tả :
Ø Thiên Chúa quan tâm đến từng người chúng ta, như thể mỗi người chúng ta là
duy nhất. Đó chính là đặc điểm của tình yêu, nghĩa là tương quan giữa một ngôi
vị với một ngôi vị. Và chỉ khi, có một con chiên đi
lạc, đặc điểm này mới được tỏ lộ ra. Vì thế, kinh nghiệm « đi lạc »
sẽ là cơ hội giúp chúng ta nhận ra đặc điểm này của tình yêu Thiên Chúa !
Ø Người mục tử không trách móc, la mắng xử phạt, giống như người cha chạy ra
ôm người con trở về « hôn lấy hôn để » (x. Lc 15, 20). Bởi vì sự hiện
diện của người con « đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại
tìm thấy (c. 24), là tất cả và là dư đủ để lất át tất cả, bù đắp
tất cả và làm cho hi vọng.
Đó là bởi vì, tình yêu luôn đi đôi với bao dung tha thứ. Đặt vào trong bối cảnh
của dụ ngôn, người tội lỗi được tượng trưng bởi hình ảnh con chiên đi lạc. Điều
này thật an ủi cho chúng ta, vì dưới mắt Chúa, chúng ta là những con chiên đi
lạc, phải đi tìm về cho kì được, và Thiên chúa đi tìm mỗi người chúng ta nơi
Đức Giê-su. Chúng ta hãy nhìn mình như là Chúa nhìn ; và chúng ta hãy là
con chiên đi lạc mong được tìm thấy và được mang về. Thay vì tự biến mình thành
con dê nổi loạn, con sói phá hoại.
Ø Tình yêu bao dung tha thứ mang lại niềm vui, và niềm vui lan tỏa sang nhiều
người, sang tất cả mọi người, trên trời cũng như dưới đất.
Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành đích thân cho từng người chúng
ta như là « Đối Tượng Duy Nhất » trong Đức Ki-tô, để chúng ta
có thể yêu mến Người như là « Đối Tượng Duy Nhất » của lòng trí chúng
ta. Và thực vậy, dù chúng ta là ai, ở trong tình trạng nào, mỗi người chúng ta
đều là : « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », vì chúng ta xác
tín cùng với thánh Phao-lô rằng :
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần
hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời
cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được
chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa
chúng ta.(Rm 8, 38-39)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc