Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXI Thường Niên
Đường vào sứ mạng,
đường thập giá chứa chan hạnh phúc
Lc
14, 25-33
(25) Có rất đông người cùng đi
đường với Ðức Giêsu. Người quay lại bảo họ: (26) "Ai đến với
tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa,
thì không thể làm môn đệ tôi được. (27) Ai không vác thập giá mình mà
đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được".
(28) Quả thế, ai trong anh em
muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn,
xem mình có đủ để hoàn thành không? (29) Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà
không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà
bảo: (30) "Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho
xong việc". (31) Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua
khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn
quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? (32)
Nếu không đử sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu
hoà. (33) Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình
có, thì không thể làm môn đệ tôi được".
Suy
Niệm
Đó là con đường phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh
em, và cả mạng sống;
Bỏ, có nghĩa là – đem đặt tất cả trên đôi tay
quyền năng của Thiên Chúa.
Phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Giê-su.
Một hành trình với những bước đi đến cùng, dù
phải chia tay những người thân;
Một công trình phải thực hiện đến cùng;
Một trái tim của một tình yêu đến cùng.
Mỗi người tùy theo hoàn cảnh.
Cuộc đời là tiếng gọi.
Có những cuộc đời tưởng như lang thang vô định,
nhưng vẫn tràn ngập tiếng gọi.
Chúng ta thử lần theo bước chân của một người:
Sáu tuổi mồ côi mẹ, giữa vùng quê nghèo xa xưa,
mấy ai có đủ cơm ăn, ở nhà không xong, qua ở với bác và sau đó “ở đợ” hết nhà này
tới nhà kia.
Lớn lên đi lính, vì tính chậm chạp, nên được
giao cho nhiệm vụ phụ bếp.
Hết thời gian quân ngũ, khoảng năm 1947, về ở
với cậu, ngay trong nhà xứ Thái Nguyên.
Thế là sau hơn 25 năm lưu lạc, tứ cố cô thân,
trải qua bao mùa đói rét, chàng trai nay đã có điểm dừng.
Hành trang chẳng có gì ngoài một con tim hiền
lành với tấm thân đơn nghèo,
“nơi anh không có gì gian dối”.
Chỉ nhiêu đó thôi, vậy mà đi tới đâu cũng được
mọi người thương mến, giúp đỡ.
Vì cả hai cậu cháu đều độc thân, có thể ở ngay
trong nhà xứ Thái Nguyên, lo vườn tược nhà xứ và nấu cơm cho các cha, cha xứ bấy
giờ là cha chính Quảng.
Mãi tới giai đoạn tiêu thổ kháng chiến, khi ấy
nhà thờ và nhà chung đều bị gỡ bỏ, cậu cháu mới kéo nhau ra dựng nhà ở ngay khu
đất cuối nhà thờ.
Đến lúc này, ông cậu mới lấy vợ, một bà trước đó
đã có chồng tu xuất nhưng đã chết.
Còn chàng trai cũng lấy vợ, tuổi đời năm đó xấp
xỉ 38, không ở chung với cậu, nhưng theo bà con đi khai phá ruộng cấy lúa.
Khổ nỗi mặc dù đã cố học theo mọi người, nhưng
vẫn không thể ra dáng một anh nông dân, đành phải ngày ngày tìm đến nhà cậu nhận
giã gạo thuê để kiếm chút cám và gạo dư, còn vợ thì kiếm củi, mò cua bắt ốc đem
bán.
Một mái tranh nghèo, nghèo nhất vùng, của ăn còn
thiếu, lấy đâu ra của để. Vậy mà vẫn là một mái nhà an vui nhất vùng, sớm tối cả
nhà quây quần chỉ biết cất cao lời kinh khẩn nguyện.
Mặc cho ai bám đất bám rừng để sống, vợ chồng
con cái nhà này cứ “bám vào Chúa mà sống”.
Trong Chúa, mọi người vui sống, không hờn ai cũng
chẳng trách ai và cũng chẳng than thân trách phận, đặc biệt người cha lúc nào cũng
chậm rãi, có vội mấy thì cũng hít điếu thuốc lào đã.
Thế rồi một ngày giông bão năm 1968, trong một
chuyến đò, chị bị đuối nước, để lại cho anh cảnh gà trống nuôi con, với 3 đứa
con thơ nếm mùi mồ côi mẹ, trong khi đứa chị lớn mới lên mười.
Khi ôm xác vợ đặt vào lòng đất mẹ, anh cảm nhận
thánh giá hằng ngày từ nay sẽ nặng hơn. Một thoáng lo âu khi nghĩ về ngày mai,
không biết cha con sẽ xoay sở sao đây?
Thực ra, khi cha con đã quen với cảnh đơn nghèo,
và khi con tim vẫn hết lòng cậy trông thì gian khó nào cũng vượt qua.
Vai mang thập giá mà mắt luôn hướng lên trời
cao, chứ không cúi mặt lầm lũi, thì cả nhà luôn tìm được sức mạnh và an vui
trong Chúa.
Cũng may, cô con gái dù mới 10 tuổi nhưng sớm
hôm tần tảo, nhặt nhạnh từng củ khoai, gom góp từng bát cám đổi lấy chén cơm,
phụ với cha, nuôi cả nhà.
Các cụ xưa có câu: “nhà nó khó thì con chị nó
khôn”,
cái khôn ngoan học được từ tấm lòng hiền lành
chân chất của cha,
và đôi tay tận tụy cũng như cái miệng thật thà
và mau mắn của mẹ, ai gặp cũng dễ có cảm tình. Nhờ vậy, vào cái thời buổi buôn
bán thứ gì cũng phải lén lút, mà gia đình vẫn đủ sống, rồi còn trả nợ được cho
mẹ và bà ngoại nữa, thì đúng là phúc đức gia đình rồi.
Cô gái 10 tuổi rồi cũng lớn khôn, sớm tới ngày
thành hôn, nhà trai cũng đáng mặt lắm, nhưng ngặt nỗi ngoại đạo, con trưởng và
là “người lính”, con gái mình lỡ thương rồi thì đạo ai nấy giữ chứ biết sao đây.
Đám cưới, cô dâu vui bước về nhà chồng, trong
khi người cha xuyến xao.
Ngọn tháp tình yêu xây dựng cho con gái cha đã
tính đủ, nhưng vào việc lại thấy thiếu thiếu gì đó:
phần xác thì không lo, chỉ lo phần linh hồn của
con thôi!
Phần hồn, với cha thì nhẹ nhàng, vì bao năm
nay vẫn sống trọn mối phúc Chúa dành cho người nghèo, nhưng với con gái lúc này,
như lao vào một trận chiến không cân sức.
Và người cha có thể làm gì hơn nếu không phải
là đem đặt trọn gia đình mới của con trong tay Chúa.
Người đời thường nhắc bảo nhau: “phúc bất trùng
lai”, đấy là khi mái nhà vắng bóng Thiên Chúa, chứ còn bước đường của người bao
năm hết lòng trông cậy thì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”,
Vì thế, mặc dù sau đó ít năm,” người chồng ra đi
trong một trận chiến, để lại vợ hiền với 2 con thơ,
và người cha cũng phải chia lìa con cái như “lá
rụng về cội”, về với Đấng đã chăm sóc ông qua bao thăng trầm, và đáp lại, ông đã
hết lòng tin yêu.
Đã đến lúc người mẹ góa phải đưa vai nhận lấy
trọn thập giá mình hằng ngày là cuộc sống 3 mẹ con với gia đình cậu em. Khó đấy!
“Cái khó nó ló cái khôn”, hình như vậy.
Những năm sau này buôn bán dễ dàng, chị quay
ra mở cửa hàng, cả cô con gái và cậu con trai, khi đã thành gia thất, cũng theo
nghề của mẹ.
Được cậu con rể và cô con dâu rất ngoan, cả
hai gia đình hòa hợp, chung nhau một cửa hàng, không những làm chung mà còn ăn
chung nữa, mâm cơm gia đình bữa nào cũng vui lắm.
Cuối tháng, trừ ăn uống, chi tiêu, còn lại bao
nhiêu thì chia đều cho nhau, dĩ nhiên là luôn cò phần cho mẹ ở nhà, vui với 4
cháu nội và 2 cháu ngoại.
“Phúc
bất trùng lai”, không phải thế.
Bởi
lẽ, khi
mọi người trong gia đình cùng bước đi theo Chúa đến cùng,
khi
mọi người cùng hết lòng tin tưởng với một tình yêu đến cùng,
thì
gia đình là ân huệ,
hạnh
phúc lai láng, mái nhà đầy ắp tiếng cười,
hôm
nay và cho con cháu mãi về sau.
MM Tân, SJ.