Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên
ĐÃI KHÁCH
LỜI
CHÚA: Lc 14, 12-14
12
Một ngày sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa.
Người nói với ông rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời
bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và
như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái
lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui
mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như
thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
SUY
NIỆM
Người ta
thường nói “Thấy người sang bắc quàng làm họ”. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng
ta thường thích kết thân với những người nhà giàu, có chức quyền danh vọng. Những
người đó đi đến đâu cũng được người khác đón tiếp một cách niềm nở. Trái lại những
người nghèo khổ thường bị khinh miệt, bị từ chối. Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Chúa Giêsu chỉ dạy một gia chủ thuộc nhóm Pharisêu phải biết cách tiếp đãi
khách. Khi có đại tiệc, thì đừng chỉ mời những người bà con, bạn bè láng giềng
giàu có, kẻo họ lại đáp lễ, nhưng hãy mời những người nghèo khổ và không có khả
năng đáp lễ. Như thế chúng ta sẽ được đáp lễ trong ngày sau hết.
Chúa Giêsu
không phủ nhận mối quan hệ với bà con họ hàng thân thiết, nhưng Người muốn
chúng ta mở rộng tấm lòng quan tâm đến những người bé mọn nghèo khổ, người bị bỏ
rơi bên lề xã hội. Đón tiếp những người nghèo là chúng ta đón tiếp chính Thiên
Chúa. Khi nhập thể vào trần gian, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người
nghèo hèn tội lỗi. Xã hội thời Chúa Giêsu có sự phân cấp rõ rệt giữa người giàu
với người nghèo, giữa các tư tế với dân thường. Ngay cả trong đền thờ cũng có
chỗ dành cho các vị tư tế, còn người nghèo và phụ nữ chỉ được đứng ở cách xa
bên ngoài cung thánh. Chúa Giêsu thực sự là nhà cách mạng khi Người gặp gỡ,
giao tiếp và còn ngồi ăn uống với người tội lỗi. Người nghèo là những người
không có gì để bám víu, nên họ hết lòng tin tưởng trông cậy vào Chúa.
Có câu chuyện
kể về một người phụ nữ nhận được một bức thư nội dung viết như sau: - Rose yêu
quý, ngày mai ta muốn đến thăm con. Luôn yêu con. Ở dưới lá thư có ký tên là
Giêsu. Đọc thư, Rose cảm thấy bối rối. Cô thầm nghĩ ‘Sao Đức Giêsu lại muốn tới
thăm mình nhỉ. Mình chẳng có gì ngoài 5 đôla lẻ trong túi’.
Trong cái lạnh
thấu da thịt, cô mặc bộ đồ cũ đi ra phố để mua một ổ bánh mì và hộp sữa. Giữa
dòng người vội vã, chợt cô thấy một người đàn ông vô gia cư ngồi trên vỉa hè.
Dáng vẻ dơ bẩn, người đàn ông nhìn cô với ánh mắt thành khẩn và nói: - Xin cô rủ
lòng thương, tôi không có nhà để về. Trời thì lạnh mà cái bụng của tôi thì trống
rỗng. Nếu cô có thể giúp, tôi vô cùng cảm kích. Cô gái nói: - Thưa ông, cháu rất
muốn giúp ông, nhưng hoàn cảnh cháu cũng rất nghèo. Tất cả những gì cháu có là
chiếc bánh mì này. Cháu mua để tiếp một vị khách quan trọng sẽ tới vào ngày
mai. Người đàn ông buồn rầu nói: - Vâng tôi hiểu mà. Chúc cô một buổi tối an
lành.
Cô ngập ngừng
bước đi nhưng trong lòng cảm thấy day dứt. Chợt cô quay lại chỗ ông lão và nói:
- Cháu có thể giúp ông. Xin ông hãy nhận lấy phần ăn này. Cháu sẽ tìm món khác
để tiếp đãi vị khách của cháu. Ông lão tỏ vẻ chân thành nói: - Cảm ơn cô rất
nhiều! Rồi cô cởi chiếc áo khoác của mình đưa cho ông lão: - Cháu hãy còn một
chiếc áo khác ở nhà, vậy ông hãy mặc nó vào cho ấm.
Về đến nhà,
cô bắt đầu lo lắng, ngày mai không biết lấy gì để tiếp đãi vị khách đặc biệt. Bỗng
cô thấy một lá thư khác ở dưới cánh cửa. Trong thư viết: - Rose yêu quý, ta rất
vui khi được gặp con. Cảm ơn con rất nhiều vì bữa ăn ngon miệng và chiếc áo
khoác thật ấm áp. Luôn yêu con. Dưới lá thư ký tên là Giêsu.
Lòng tốt
chính là sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay cả khi chính mình cũng đang thiếu thốn.
Khi chia sẻ cho người khác một chiếc bánh nhỏ, một lời cảm thông yêu thương sẽ
mang lại cho chúng ta niềm vui tràn trề. Chính Chúa Giêsu đã từng khẳng định “Ai đón tiếp anh em là
đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một
ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn
sứ; ai đón tiếp người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được
lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ
này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo
thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
(Mt 10,40-42).
Đôi lúc chúng ta đưa ra nhiều lý do để
khỏi phải giúp đỡ người khác. Tôi có nhiều giới hạn, gia đình tôi đang gặp khó
khăn làm sao có thể giúp đỡ người khác. Chúng ta không thể hiểu rằng, khi ta đặt
cái ít ỏi vào bàn tay Chúa, thì Người sẽ nhân lên gấp bội. Chúa có đủ quyền
năng để chăm sóc chúng ta, nhưng Người muốn chúng ta cộng tác với Người trong
việc chuyển trao tình thương đến cho người khác, nhất là những người nghèo khổ,
kẻ mồ côi, góa bụa. Người mong chúng ta trở thành khí cụ hữu ích để thực hiện kế
hoạch cứu độ nhân loại. Người mời gọi chúng ta chia sẻ để thoát khỏi thói ích kỷ
hẹp hòi. Đức Giêsu đã đến để phục vụ hơn là để được phục vụ, đến để hiến dâng mạng
sống làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20,28). Mỗi hành vi phục vụ của chúng ta
phải mang dấu ấn của đức mến, nếu không đó chỉ phong trào hay một công tác xã hội.
Phục vụ thì không đòi được đền đáp. Đã yêu thương thì không sợ phải mang thương
tích.
Ơn gọi của người Kitô hữu là ơn gọi nên
thánh, nhưng không phải trong cái đơn nhất của mình mà trong sự tương giao với
người khác. Trong tông huấn Hãy vui mừng và hân hoan, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng
định “Trái với chủ nghĩa tiêu thụ đang
ngày càng phát triển vốn có xu hướng cô lập chúng ta trong một mong muốn tìm kiếm
sự giàu có tách ra khỏi người khác, thì con đường thánh thiện của chúng ta chỉ
có thể làm cho chúng ta ngày càng đồng hóa hơn nữa với lời cầu nguyện của Đức
Giêsu “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga
17,21) (GE 146). Con người chúng ta dù tội lỗi bất toàn, Thiên Chúa vẫn không
tách ra khỏi nhân loại, nhưng càng đến gần, cúi xuống phục vụ và trao ban chính
mình để ở lại mãi với con người.
Ước gì mỗi người chúng ta ân cần đón tiếp
Chúa qua việc đón tiếp những người xung quanh. Tất cả chúng ta đều là những người
nghèo không chỉ vật chất mà nghèo niềm tin và lòng mến. Xin cho chúng ta biết ý
thức về sự yếu hèn của chính mình để biết cậy dựa vào ơn Chúa trợ giúp. Chúa
chính là vị thượng chủ của bữa đại tiệc Nước Trời, xin cho chúng con là những
thực khách nghèo hèn được đến tận hưởng hương vị ngọt ngào yêu thương mà Chúa
đã dành sẵn cho chúng con.
Nt. M. Anh Thư, OP