Suy Niệm
Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm B
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI CÓ DỄ KHÔNG?
Nhiều người cho rằng xã hội tiêu thụ, hưởng thụ
ngày nay được cộng thêm với chủ nghĩa duy vật vô thần đang hủy hoại trầm trọng
tâm hồn con người. Đời sống đạo của nhiều người chỉ còn là hình thức, họ tính
toán với Chúa trong việc dâng lễ, cầu nguyện, dâng cúng như tính toán làm ăn.
Nhiều người chỉ đến với Chúa mỗi khi cần giống như đi xin giấy tờ vậy. Trong xã
hội Việt Nam: Lòng tốt của con người bị lợi dụng, lừa dối, khiến cho nhiều người
không dám tốt với người khác. Trong công việc nhiều người vì lợi nhuận, sẵn
sàng đầu độc người tiêu dùng bằng các loại hóa chất. Trong cuộc sống thường
ngày người ta dễ dàng cư xử với nhau bằng bạo lực, côn đồ, ăn nói với nhau bằng
những lời thô tục. Tình trạng này xảy ra hầu hết nơi mọi lứa tuổi, từ người lớn
đến học sinh, trẻ em, từ dân thường cho đến quan chức. Trầm trọng hơn nữa là
con người đánh mất niềm tin vào nhau, sống với nhau bằng sự ngờ vực; các thành
viên trong gia đình cư xử với nhau không bằng tình yêu mà thay vào đó là bằng
tiền… vv.
Vào
những ngày cuối năm, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại hai giới răn quan trọng nhất
của Chúa: Mến Chúa trên hết mọi sự và
yêu người như chính mình, để chúng ta có dịp rà soát lại đời sống của ta với
Chúa và cách cư xử của ta với anh chị em. Mến Chúa - Yêu người là hai giới răn
chúng ta đã thuộc lòng. Tuy nhiên, từ việc thuộc lòng đi đến việc thực hiện vẫn
là một khoảng cách thật xa. Mến Chúa, yêu người có dễ không?
Phải
mến Chúa như thế nào? Đã nói đến tình yêu thì không bao giờ có giới hạn, vì thế
việc yêu mến Chúa sẽ không bao giờ có tận cùng. Tin Mừng kể lại: “Một thầy thông luật đến hỏi Chúa Giêsu:
Thưa Thầy, trong các điều răn, điều nào đứng hàng đầu?” Là một người thông
luật, chắc chắn người này thông thạo các giới răn và lề luật. Sau một thời
gian, Mười Điều răn của Chúa đã bị các thầy thông luật và biệt phái giải thích
và thêm quá nhiều chi tiết, khiến cho nhiều người không biết đâu là điều chính
yếu. Hơn nữa, vì chỉ lo giữ luật để khỏi vi phạm luật, nên người Do thái đã giữ
luật theo hình thức bên ngoài mà không có tâm tình yêu mến bên trong. Vì vậy, đời
sống đạo của họ trở thành như một cái máy được lập trình, như một con rô-bốt vô
hồn. Do đó, khi trả lời cho người thông luật, Chúa Giêsu khẳng định: “Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa
chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của
ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình người”.
Với
câu trả lời này, Chúa Giêsu cho thấy giới răn yêu mến Thiên Chúa là giới răn
quan trọng nhất, và Ngài còn cho thấy phải yêu mếu Chúa như thế nào cho tương xứng.
Chúa Giêsu trả lời thầy thông luật bằng việc trích lời kinh Shema trong sách Đệ
Nhị Luật chúng ta nghe trong bài đọc một, để đưa ông về với thuở ban đầu thời
ông Môsê. Lúc đó, dân vừa được giải thoát ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, ông Môsê
đòi họ phải yêu mến Thiên Chúa với lòng biết ơn. Môsê cũng cho dân Israel thấy,
họ yêu mến, biết ơn Thiên Chúa thì sẽ được trường thọ, hạnh phúc và được vào đất
hứa.
Yêu
mến với lòng biết ơn, không phải là một cảm xúc nhất thời, hoặc theo hứng, mà phải
là trọn vẹn cả con người với hết khả năng, sức lực, trí tuệ và tình cảm. Đòi hỏi
đó được diễn tả qua kiểu nói: “Yêu Chúa hết
lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình”. Việc yêu Chúa vừa là một
đòi hỏi của Chúa vừa là thái độ đáp trả của con người với Thiên Chúa; của một
người biết mình được yêu đối với đấng yêu mình, là ân nhân cứu mạng. Yêu hết
lòng, hết linh hồn, là dành trọn vẹn cho Chúa tất cả trái tim, đặt Chúa vào vị
trí thứ nhất trên tất cả tiền bạc, công việc, kể cả gia đình, không so đo tính
toán thiệt hơn với Chúa. Yêu Chúa hết trí khôn và hết sức mình là dành cho Chúa
hết mọi khả năng sức lực, mọi toan tính. Yêu hết lòng là yêu với một sự tự nguyện
tự do và ý thức, tự giác đón nhận và thực hành những gì Chúa muốn vì biết mình
được Chúa yêu. Khi dám yêu và dành trọn vẹn cho Chúa, Chúa không lấy đi những
gì của chúng ta, nhưng trái lại Chúa thánh hóa, biến đổi và ban tặng lại cho
chúng ta bằng tình yêu thương và phúc lành của Chúa. Tuy nhiên, nơi nhiều người
lòng yêu mến Chúa đã vơi cạn, chỉ còn là một bổn phận bắt buộc. Vì thế họ đến với
Chúa cho qua lần để đánh lừa lương tâm. Họ sống đạo chỉ theo thói quen hoặc
hình thức bên ngoài mà không có tâm tình thảo hiếu biết ơn.
Cùng
với đòi hỏi dành ưu tiên tuyệt đối cho Chúa, Chúa Giêsu còn chỉ cho người thông
luật điều răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến
anh em như chính mình ngươi”. Ai cũng yêu mến bản thân, không ai ghét bản
thân mình bao giờ. Ai cũng mong mình đạt được những điều tốt nhất, thoải mái nhất,
ai cũng muốn mình hạnh phúc. Chúa muốn chúng ta cũng phải yêu người khác như vậy.
Mỗi khi chúng ta làm gì sai, chúng ta thường tìm cách biện hộ cho bản thân, dễ
thông cảm tha thứ cho mình, nhưng ta lại quá khắt khe, thiếu bao dung thông cảm
với anh chị em. Trong cuộc sống, ai cũng muốn mình được nhìn nhận và tôn trọng,
thế nhưng nhiều khi chúng ta đã không tôn trọng anh chị em, nhiều người còn sẵn
sàng dìm anh chị em mình xuống để mình được leo cao trong bậc thang xã hội.
Thư
Do Thái cho thấy, Chúa Giêsu chu toàn cách vuông tròn hai giới răn này và còn
chu toàn một cách trọn vẹn, tuyệt vời, trở nên gương mẫu cho chúng ta. Vì yêu mến
và vâng phục hoàn toàn thánh ý Thiên Chúa, Chúa Giêsu mang phẩm vị của một Thượng
tế, chu toàn việc thờ phượng tế tự Thiên Chúa. Trong vai trò là Thượng tế, Chúa
Giêsu đã hiến tế chính thân mình làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa và đem lại ơn cứu
độ vĩnh viễn cho toàn thể nhân loại. Khi còn sống ở trần gian, mang thân xác
con người, Chúa Giêsu đã hết lòng yêu thương và phục vụ nhân loại tội lỗi, như
những người anh em ruột thịt. Ngài ôm lấy những người đau khổ vào lòng, chữa
lành bệnh tật thể xác và tâm hồn con người; cảm thông và an ủi những người đau
khổ, những người bị xã hội loại trừ, không một người nào bị rơi ra ngoài sự
quan tâm và tình yêu thương của Chúa.
Chúa
Giêsu khi tóm gọn giới răn lề luật của Thiên Chúa vào hai điều Mến Chúa – Yêu
người, Ngài muốn mỗi người chúng ta học nơi Ngài để biết yêu mến, tôn thờ Thiên
Chúa cho phải đạo làm con và yêu mến, phục vụ anh chị em cho trọn tình vẹn
nghĩa. Mỗi người được mời gọi làm mới lại tương quan của mình đối với Chúa.
Chúa muốn chúng ta yêu Chúa một cách cụ thể từ trong tâm hồn được thể hiện ra
bên ngoài. Cho dù xã hội có nhiều lôi kéo, cho dù cuộc sống thường ngày trong
gia đình, trong công việc có nhiều thứ chúng ta phải quan tâm, thế nhưng, giữa
những sự lôi kéo và các mối bận tâm ấy, chúng ta vẫn phải dành cho Chúa chỗ ưu
tiên trước hết và trên hết. Hãy để cho mình bận tâm vào việc chu toàn trước tiên
bổn phận làm con cái của Chúa với lòng thảo hiếu, tôn kính và biết ơn. Cần phải
bận tâm, lo lắng cho mình và các thành viên trong gia đình có được một đời sống
đạo đức trưởng thành, một đức tin vững chắc. Trong mọi hoàn cảnh dám đặt Chúa
và đời sống đức tin là quan trọng nhất.
Đồng
thời chúng ta cũng phải chu toàn giới răn yêu thương đối với anh chị em. Chúng
ta cần bắt đầu sống và thực hành yêu thương từ trong gia đình; dành sự kính trọng,
thảo hiếu, biết ơn đối với cha mẹ, chăm sóc an ủi các ngài khi đau yếu, tuổi
già. Cha mẹ, vợ chồng cần làm mới lại tình yêu thương với nhau, có thể sau thời
gian sống chung tình nghĩa đã bị mai một, phai nhạt. Có nhiều người vợ đang bị
hắt hủi ghẻ lạnh trong gia đình, có nhiều người chồng đang bị coi thường, ghét
bỏ, họ đang cần được sự thăm hỏi quan tâm nhiều hơn. Hãy thể hiện giới răn yêu
thương với con cái, những đứa ngoan và cả những đứa ngỗ nghịch. Nhờ việc cảm nhận
được tình yêu, chúng sẽ được biến đổi. Điều khó, là thực hiện giới răn yêu
thương đối với xóm giềng và những người chung quanh. Như đã nói ở trên, xã hội
đang làm cho nhiều người mất đi sự nhạy bén của trái tim, khiến họ không còn biết
nghĩ điều tốt, nói điều tốt và làm điều tốt cho anh chị em, mà chỉ biết nghĩ đến
bản thân. Nhiều khi chúng ta vô tình hay cố ý gieo điều ác, điều xấu, điều gian
dối cho người khác, mà lương tâm không chút áy náy.
Xin
Chúa cho chúng ta không chỉ thuộc, mà còn biết thực hiện hai giới răn mến Chúa
và yêu người này mỗi ngày trong đời sống, để mọi người nhìn vào những việc làm
yêu thương của ta, biết ta thuộc về Chúa Kitô. Amen.
Lm.
Giuse Đỗ Đức Trí