Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 29

Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIX Thường Niên B

ThuongNien29A.jpg

Chúa Giê su đã cống hiến trọn cuộc đời cho loài người chúng ta. Sự đau khổ có thể cứu thoát khỏi tội lỗi, một cuộc sống có thể hiến dâng làm hi tế đền tội, đó là chân lý không phải lúc nào cũng được chấp nhận. Tuy nhiên, Đức tin của chúng ta lại không phát sinh từ Thập giá và sự Phục sinh của Ngài sao?

Sách Tiên tri Isaia Is 53,10-1:

Tiếc rằng bài đọc quá ngắn. Nên đọc cả chương 53 trong sách Isaia, nhất là các câu 2-12. Như thế chúng ta sẽ hiểu rõ hơn rằng Đức Ki tô đau khổ, đã mang lấy tội lỗi chúng ta, chịu mọi nỗi cực hình để chữa lành chúng ta.

Thánh vịnh 32:

Thánh vịnh nầy là một bài ca hi vọng nơi Thiên Chúa cứu thoát chúng ta. Trong cơn thử thách, hãy giữ vững Đức tin vì Thiên Chúa chăm sóc những ai kính sợ Người và đặt trọn niềm hi vọng vào Tình yêu của Người. Lạy Chúa, ước gì Tình yêu của Chúa ngự trên chúng con như niềm hi vọng của chúng con đặt ở nơi Chúa.

Thư Híp pri 4,14-16:

Chính trong sự thất vọng ê chề, sự đau khổ, sự chết, một cái chết ô nhục, mà vị Thượng Tế tuyệt vời đã chia sẻ những nỗi yếu đuối của chúng ta. Do đó, Ngài đã biết đến những khó khăn của chúng ta và đã cầu bầu cho chúng ta. Sự đau khổ không đến từ Chúa, nhưng Ngài muốn cứu giúp chúng ta trong những nỗi khó khăn và biến những thử thách đi ngang qua cuộc đời trở thành ích lợi lớn nhất cho chúng ta.

Tin mừng: Mc 10,35-45

NGỮ CẢNH

Lần thứ ba, trên đường tiến về Giêrusalem, Chúa Giê su loan báo cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ (x.8,31;9,31). Cấu trúc của trình thuật vẫn rập theo cùng một khuôn mẫu: lời loan báo (10,33-34), tiếp theo là thái độ không hiểu của các môn đệ (10,35-37) và sau cùng là lời giáo huấn của Chúa Giê su về cách thức đi theo Người (10,38-40).

TÌM HIỂU

Giacôbê và Gioan: sau ông Phêrô, đến lượt hai ông Giacôbê và Gioan tỏ ra không hiểu biết gì về con đường thập giá mà Chúa Giê su phải đi qua. Là ba nhân chứng được ưu tiên nhìn thấy cuộc phục sinh đứa bé cũng như biến hình (x. 5,37; 9.2), nhưng cả ba ông cũng không tỏ ra hiểu biết gì hơn mấy ông khác. Qua đó, Mác cô muốn cho thấy rằng không một người nào ngay cả những người thân tín nhất có thể tiếp cận mầu nhiệm của Chúa Giê su. Theo Mt 20,20, thì chính bà mẹ đã ngỏ lời xin cho hai con mình.

Khi Thầy được vinh quang: theo hai ông, thì vinh quang đây có lẽ ám chỉ đến sự biến hình. Cảnh sắc huy hoàng tráng lệ, đáp ứng những ước mơ thiên sai của con người, nhưng hoàn toàn xa lạ với điều mà Chúa Giê su muốn huấn giáo các môn đệ.

Chén: thường chỉ chén mời chào khách vào nhà, dấu chỉ sự ân cần tiếp đãi mà chủ nhà dành cho khách. Nhưng ở đây, thuật ngữ nầy rõ ràng chỉ chén đau khổ trong cuộc Khổ nạn, như những gì đã xảy ra trong vườn Giết sê ma ni xác nhận (14,36).

Phép Rửa: hình ảnh phép rửa hỗ trợ cho hình ảnh chén ở trên. Trong Hội Thánh thời sơ khai, phép Rửa chỉ một sự dìm toàn thân trong nước, mang ý nghĩa một sự đoạn tuyệt. Chúa Giê su sắp bị tràn ngập bởi khổ đau và sự chết. Chính đó là phép Rửa mà người ki tô hữu phải lãnh nhận để thông phần với Chúa Giê su. Thánh Phao lô xác nhận: “Anh em không biết rằng, khi chúng ta được dìm mình vào dòng nước thanh tẩy để thuộc về Đức Ki tô, chúng ta cũng được dìm vào trong cái chết của Người sao?” (Rm 6,3).

Anh em cũng sẽ uống: Chúa Giê su loan báo cho những kẻ xin ân huệ với Ngài rằng họ cũng sẽ chết cùng một cái chết như Người. (x. Cv 12,1-2).

Thầy không có quyền cho: ở đây cũng như trong trường hợp anh chàng giàu có kia (10,27) Chúa Giê su muốn nhấn mạnh rằng ơn cứu độ không do Ngài định đoạt. Ngồi bên phải hay bên trái có nghĩa là ngồi ngang hàng với Ngài, có cùng một quyền năng như Người. Phần thưởng ấy sẽ ban cho các môn đệ, nhưng không bởi công lênh cá nhân (10,41-45), mà là ân huệ nhưng không của Chúa Cha. Những người ki tô đầu tiên được gọi “ở bên tay hữu và bên tả” Ngài chính là hai tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa Giê su (15,27).

Mười một môn đệ kia: Như trên chúng ta thấy hai ông Giacôbê và Gioan tỏ ra hoàn toàn mù tịt về ý nghĩa lời loan báo Khổ nạn, bây giờ đến lượt các môn đệ khác cũng không hơn gì. Sự bực tức của các ông tỏ ra các ông vẫn còn bận tâm đến việc xem ai là người lớn nhất (9,34).

Những người làm lớn: Chúa Giê su nói đến các thủ lãnh dân ngoại đang cai trị Palestina và các dân tộc khác. Nguyên tắc lãnh đạo mà Người vừa đưa ra hoàn toàn tương phản với những gì xảy ra trong lãnh vực cầm quyền trên thế giới. Các vua chúa trần gian thì bắt mọi người phục vụ cho quyền lợi của mình và không bao giờ quan tâm đến công ích. Còn nơi Vương quốc của Người thì khác hẳn, quyền bính không có mục đích nào khác hơn là phục vụ mọi người.

Làm đầy tớ mọi người: hình ảnh mà Chúa Giê su dùng ở đây để minh hoạ cho giáo huấn của Người thật rõ ràng. Cũng như Con Người tự nguyện làm nô lệ cho mọi người, như khi quì xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-17), và chết bằng khổ hình thập giá dành cho các nô lệ, người ki tô hữu bắt chước Chúa Giê su cũng phải trở nên nô lệ phục vụ cho anh em mình.

Con Người: ý nghĩa của kiểu gọi nầy được ghi lại trong các câu 2,10; 8,31;14,62. Câu nầy rất quan trọng để hiểu vai trò của Chúa Giê su trong mầu nhiệm cứu độ loài người.

Hiến mạng sống: Chúa Giê su coi quà tặng sự sống của Người chính là sự phục vụ thiết yếu cho chúng ta. Người diễn tả điều đó bằng thuật ngữ nhắc đến hình ảnh người Tôi tớ đau khổ trong sách tiên tri Isaia (Is 53,10-12). Khi mạc khải ý nghĩa thâm sâu của sự sống và cái chết của Người, Chúa Giê su cho ta thấy Cha của Người là ai: Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến nỗi đã phục vụ họ theo cung cách một người đầy tớ, và sẵn sàng để cho mình bị sỉ nhục và bị giết đi. Và cũng qua đó, Người cho chúng ta biết người môn đệ phải như thế nào. Dấu chỉ đặc trưng của người ki tô phải là sự phục vụ, thậm chí có thể bị giết chết bởi những người mình phục vụ, trong sự hiệp thông với Đức Ki tô, người Tôi tớ của Thiên Chúa và loài người.

Làm giá chuộc cho muôn người: kiểu nói đầy hình tượng nầy gợi lại phong tục thời Cựu Ước. Nếu một phần tử trong gia đình bị giết, bị bỏ tù, bị bắt làm nô lệ, thì một người thân thuộc gần nhất (gọi là go’el) bắt buộc phải trả thù cho nạn nhân hoặc giải thoát họ. Tiên tri Isaia đã trình bày Thiên Chúa như là go’el của Isrel: Thiên Chúa đã giải thoát dân Người chính vì qua giao ước, dân ấy có liên hệ mật thiết, liên hệ máu với Người.

Khi nhắc lại điều ấy, Chúa Giê su xác định rằng Người là go’el, là Đấng Giải thoát. Không những cho riêng dân người mà thôi, mà cho muôn người. Vì thế Người không ngần ngại hiến cuộc sống mình để mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

‘Muôn người’ là kiểu nói đặc thù sê mít chỉ toàn thể mọi người. “Nầy là máu ta, máu giao ước, đổ ra cho nhiều (= muôn) người” (Mc 14,24). Người ki tô cũng phải hiến mạng sống mình phục vụ tất cả mọi người, không loại trừ ai.

SỨ ĐIỆP

Chạy đua tranh giành quyền lực là điều thường thấy trong thế gian. Và để đạt được mục tiêu, người ta sẵn sàng dùng mọi phương tiện, kể cả những phương tiện xấu xa nhất.

Trong bài tin mừng hôm nay, Chúa Giê su muốn giúp chúng ta nhìn mọi sự bằng cặp mắt khác. Ngài bắt đầu bằng cách giúp họ ‘coi lại’ điều mình cầu xin: “Các anh không biết các anh xin gì?”. Lời cầu xin không nhằm bắt Thiên Chúa chiều theo ý muốn chúng ta. Người biết rõ hơn chúng ta điều gì tốt cho chúng ta trước khi chúng ta cầu xin Người. Nếu chúng ta cầu xin Người, ấy là để uốn mình theo tình yêu của Thiên Chúa đang muốn ban cho chúng ta điều quan trọng hơn. Và nếu Chúa Giê su đòi chúng ta phải tha thiết cầu xin, ấy là để lời cầu xin được thanh luyện, để phù hợp với chương trình của Thiên Chúa.

Vì thế chúng ta được mời gọi gạt bỏ những cách nhìn và ước muốn quá phàm tục của chúng ta. Với Nhóm Mười hai, Chúa Giê su cho họ hiểu rằng Nước Thiên Chúa không thuộc về thế gian nầy, chỉ gồm những người tranh giành quyền lực bằng bất cứ phương tiện nào, hay những kẻ tìm mọi cơ hội để lợi dụng. Trái lại, trong Giáo Hội, quyền hành được định nghĩa như là phục vụ. Không có chuyện đánh bóng bản thân mình, nhưng là tự xóa mình đi. Chỉ cần nhìn xem cách Chúa Giê su đã sống để xác tín chân lí đó. Chính Ngài nói với chúng ta rằng Ngài không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến ban sự sống để chuộc lại cho mọi người.

Thế nào là giá chuộc? Ngày nay, chúng ta thường nghe nói có nhiều cuộc bắt cóc đòi tiền chuộc mạng. Cần phải trả một số tiền để giải thoát một người bị bắt cóc. Đó là giá chuộc. Nhưng vào thời Chúa Giê su thì không không phải thế. Giá chuộc có nghĩa là “giải thoát” và đó mới là điều quan trọng. Chúa Giê su hiến mình để cho mọi người được giải thoát. Ngài đến để tháo cởi chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, xiềng xích trói buộc chúng ta làm chúng ta xa rời Thiên Chúa.

Chính vì thế mà nghĩ rằng Chúa Giê su phải trả một thứ gì đó cho chúng ta là ngược lại với tin mừng. Sứ điệp mà tin mừng chủ nhật hôm nay mang đến chính là sự giải thoát cho loài người. Với Đức Ki tô, chúng ta không còn mang thân phận nô lệ cho bấy cứ điều gì cả, dù là nô lệ cho người, cho tiền bạc, ham hố chức quyền và chiếm hữu. Nhưng điều đó chỉ có thể có nếu trong mọi hoàn cảnh, chúng ta để cho Thần Khí Thiên chúa hướng dẫn.

Đó chính là tin mừng mà chủ nhật truyền giáo hôm nay nhắc nhở chúng ta. Tất cả chúng ta được sai đi để làm chứng cho thế giới chung quanh. Và được sai đi như những người phục vụ tin mừng, phục vụ tình yêu, vì lời Chúa là lời tình yêu.

Ngày hôm nay, chúng ta nhớ đến tất cả các linh mục, tu sĩ, nữ tu và tín hữu dấn thân loan báo tin mừng, đặc biệt trong các giáo hội non trẻ. Nhiều người đã phải đối đầu với những tình huống đau khổ: bao lực, bách hại, diệt chủng, đói kém. Tất cả chúng ta là nên một Giáo Hội. Trong chính thân thể đức Ki tô, khi một chi thể đau đớn thì toàn thân đều mang lấy hậu quả. Vì thế Giáo hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy dấn thân hơn nữa trong việc cầu nguyện, chia sẻ và loan báoĐức Giê su Ki tô.

Sứ mạng của Giáo Hội trước tiên là phục vụ. Chúng ta không sống cho riêng mình mà cho Đức Ki tô đấng đã mời gọi và sai phái chúng ta. Tước hiệu cao quí nhất của Đức Giáo Hoàng không phải là “Thượng tế tối cao” mà là “Tôi tớ của mọi tôi tớ”. Trong Giáo Hội, tất cả những ai mang một trách nhiệm đều được mời gọi bắt chước Đức Ki tô tôi tớ. Chúng ta hãy cùng với Chúa Giê su tìm chỗ rốt hết, nơi phục vụ con người và phục vụ Thiên Chúa.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Tiên tri Isaia là ai?

THƯA: Isaia là tiên tri lớn, nổi tiếng và quan trọng trong thời Cựu Ước. Tên gọi ông có nghĩa là: Thiên Chúa cứu độ. Sinh ra vào khoảng năm 760 trước công nguyên và sống tại Giê-ru-sa-lem, được giáo dục trong môi trường tư tế, và thuộc gia đình quý tộc trong vương quốc Giu-đa. Năm 742 ông nhận được lời Thiên Chúa kêu gọi làm tiên tri.

2. HỎI: Sứ mạng ông như thế nào?

THƯA: Sứ mạng của ông là rao giảng và báo trước sự sụp đổ của Ít-ra-ên và Giu đa như hình phạt cho tội bất trung của họ đối với Giao Ước. Sách của ông có thể chia làm 3 phần: Phần 1 chép các phán quyết của Thiên Chúa (cc.1-39). Phần 2 là sách An ủi Ít-ra-ên (cc. 40-55) và phần 3 là các lời sấm tương lai Ít-ra-ên (56-66). Bài đọc một là 2 câu 10-11 trong bài ca thứ tư nói về nhân vật bí nhiệm ‘Người Tôi tớ Thiên Chúa’ (52,13-53,12).

3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bối cảnh bài đọc một là cuộc bách hại: một người tôi tớ đang bị đau khổ hành hạ. Vì đoạn văn nầy được thêm vào sách Đệ nhị Isaia, nên ta có thể nghỉ rằng đó chính là cuộc lưu đày ở Ba by lon. Sự đau khổ phát xuất từ việc dân Chúa bị mất tất cả và có thể dẫn đến việc cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi. Vì thế tiên tri phải lên tiếng để mang lại cho đồng bào ông lí do sống và hi vọng, lí do để vững lòng mặc dù thực tế cuộc sống đều đi ngược lại.

4. HỎI: Tiên tri đã làm gì để vực dậy niềm hi vọng cho đồng bào mình?

THƯA: Tiên tri nói với họ rằng: sự đau khổ anh em đang chịu không phải là vô ích nhưng có một ý nghĩa. Và chính anh em mang lại ý nghĩa đó.

5. HỎI: Giáo huấn của tiên tri gồm mấy điểm?

THƯA: Gồm ba điểm: thứ nhất, trong đau khổ, Thiên Chúa ở bên cạnh anh em. Đó là ý nghĩa câu: ‘‘ĐỨC CHÚA đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ’ (Is 53,10). Thiên Chúa luôn cúi xuống trên những người đau khổ. Vì thế sứ điệp mà Isaia gửi đến cho họ là: Thiên Chúa không đứng về phía những người hành hạ anh em, nhưng đứng gần anh em, Ngài yêu thương anh em.

6. HỎI: Giáo huấn thứ hai là gì?

THƯA: Giáo huấn thứ hai là: ‘Anh em có thể mang lại một ý nghĩa cho đau khổ ấy. Điều đó có nghĩa là giữa muôn vàn đau khổ vẫn còn có một con đường ánh sáng: ‘Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện‘ (53,11).‘Từ sự dữ, Thiên Chúa quyền năng có thể rút ra được sự lành’. Họ có thể lấy tình yêu và tha thứ đáp lại hận thù và bách hại. 

7. HỎI: Giáo huấn thứ ba là gì?

THƯA: Giáo huấn thứ ba là ‘Anh em có thể cộng tác vào công trình cứu độ của Thiên Chúa’ bằng cách biến sự đau khổ thành một hi tế chuộc tội. Thiên Chúa sẽ chấp nhận thái độ dâng hiến nội tâm của anh em như một hi tế và sẽ tha tội cho mọi người, kể cả những kẻ bách hại anh em: ‘Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ’ (53,11).

8. HỎI: Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 muốn nói điều gì ?

THƯA: Trong bài đọc 1, Tiên tri Isaia  an ủi người Ít-ra-ên lưu đày đang tuyệt vọng nghĩ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ. Ông nhắc cho họ nhớ rằng Thiên Chúa đang ở bên cạnh họ giúp họ tìm thấy điều lành trong sự dữ họ đang chịu. Nhưng quan trọng hơn hết là ông loan báomộtĐấng Mê-sibị bắt bớ, hành hạ và chịu nhiều đau khổ sẽ xuất hiện để giải cứu họ.

9. HỎI: Bài đọc một liênkết với bài tinmừngnhư thế nào?

THƯA: Người Tôi tớ khổ đau là một trong những hình ảnh quan trọng đưa từ Cựu Ước đến Chúa Giê su. Chính Ngài đã tự cho mình là người Tôi tớtự hiến thay cho các tội nhân, thực hiện hòa giảigiữa trời và đất, mởcửa sự sốngcho những ngườitội lỗi nhận ơn tha thứ.

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng như thếnào?

THƯA: Lần thứ ba, trên đường tiến về Giêrusalem, Chúa Giê su loan báo cuộc khổ nạn của Người cho các môn đệ (x.8,31;9,31). Cấu trúc của trình thuật vẫn rập theo cùng một khuôn mẫu: lời loan báo (10,33-34), tiếp theo là thái độ không hiểu của các môn đệ (10,35-37) và sau cùng là lời giáo huấn của Chúa Giê su về cách thức đi theo Người (10,38-40).

11. HỎI: Điều gì đã khiến cho hai anh em Gia-cô-bê và Gioan mạnh dạn đến xin Chúa Giê su?

THƯA: Có lẽ vì họ đã chứng kiến lòng nhân lành của Chúa Giê su khi phục sinh con gái ông Giai-rô (Mc 5,37) và và vinh quang của Ngài khi biến hình (Mc 9,1-12). Hai biến cố ấy đã khiến cho họ tự tin và mạnh dạn đến xin Chúa Giê su điều mình mơ ước.

12. HỎI: Họ có ý gì khi xin được ngồi bên phải và bên trái trong vinh quang của Đấng Mết-si-a?

THƯA: Họ ước muốn ngồi trong hàng lãnh đạo cao nhất trong vương quốc vinh quang của Chúa Giê su nghĩa là, khi Chúa Giêsu chiến thắng quân La mã, tái lập Vương quốc Ít-ra-ên. Lời cầu xin đầy tự tin của họ cho thấy họ gắn bó với cái nhìn hoàn toàn trần tục về đấng Messia.

13. HỎI: Hai tông đồ nầy đã vừa nghe Chúa Giê su loan báo trước đây không lâu rằng Ngài sẽ phải chịu đau khổ tại Giê ru sa lem sao, thế tại sao họ lại dám xin điều ngược lại?

THƯA: Đối với họ, cuộc thử thách mà Chúa Giêsu nói đến sẽ chóng qua thôi. Họ tin chắc rằng với quyền năng trong tay, Ngài sẽ vượt qua tất cả mọi khó khăn và sẽ chiến thắng.

14. HỎI: Qua câu trả lời “Chúng con có thể”, hai môn đệ ấy có hiểu những gì Chúa Giê su nói không?

THƯA: Câu trả lời của họ cho thấy họ hoàn toàn không hiểu những gì Chúa Giê su đã nói. Câu trả lời phát xuất từ sự hưng phấn, nôn nóng sẵn sàng chịu đau khổ để chiếm vị trí danh dự mà họ ao ước.

15. HỎI: Chúa Giêsu có ý gì khi nói về chén và phép rửa?

THƯA: Trong bối cảnh này, Chúa Giê su dùng hai hình ảnh chén (đắng) và phép rửa để đề cập đến cuộc Khổ nạn và cái chết của Ngài (x. 51, 17-22, 69; Tv 2-3,15).

16. HỎI: Câu trả lời của Chúa Giê su cho hai môn đệ có nghĩa gì?

THƯA: Câu nói của Chúa Giê su có nghĩa là: “Thầy không thể thoát khỏi cuộc khổ nạn và cái chết mà người ta dành cho Thầy. Còn anh em, anh em có sẵn sàng cùng với Thầy đi trên con đường đó không?”

17. HỎI: “Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho”, câu ấy có cho thấy Chúa Giê su kém quyền hơn Thiên Chúa Cha không?

THƯA: Thoạt nghe Chúa Giê su nói thì có vẻ như Ngài kém quyền hơn Thiên Chúa Cha. Nhưng thực ra không phải như thế. Điều Chúa Giê su muốn quả quyết là quyền quyết định ấy không thuộc về sứ mạng của Ngài.

18. HỎI: Tại sao mười môn đệ kia đâm ra tức tối với hai ông?

THƯA: Mười môn đệ kia đâm ra tức tối với hai ông, vì tất cả các môn đồ đi theo Chúa Giê su cũng đều nuôi giấc mộng vinh quang giống nhau, là làm sao được chiếm vị trí tốt nhất trong vương quốc của Chúa Giê su. Thánh Mác cô cũng cho biết các ông đã từng cãi nhau xem ai là người lớn hơn hết (9,34). Ngoài ra, câu nầy dùng để nối kết phần giáo huấn đi sau với câu chuyện trên.

19. HỎI: Câu cuối cùng (9,45) có gì đặc biệt không?

THƯA: Câu tuyên bố của Chúa Giê su thật lạ lùng. Lời Ngài nói: “Con Người không đến để được phục vụ” trái ngược hẳn với hình ảnh Con Người mà tiên tri Đa niên đã nói đến (Đn 7). Thật vậy, theo Đa-ni-ên, Con Người là đấng được phong làm Vua trên mọi dân nước. Còn ở đây, Ngài lại nói về một Đấng Thiên sai, thay vì ngồi trên ngai vàng cai trị, đã tự nguyện trở thành đầy tớ quì gối để phục vụ loài người.

20. HỎI: Tại sao Chúa Giê su lại chọn con đường phục vụ ấy?

THƯA: Vì trước tiên đó là thánh ý Thiên Chúa Cha mà Ngài phải thực hiện như Isaia đã loan báo: “Nhờ Ngài mà thánh ý của Đức Chúa sẽ  thành tựu”. Kế đến, hiền từ, khiêm nhường, tha thứ, phục vụ là cách duy nhất để biến đổi tâm hồn con người. Vì thế Chúa Giê su đã dạy các môn đệ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làmlớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy; ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44).

21. HỎI: “Hiến mạng sống làm giá chuộc” nghĩa là sao?

THƯA: “Hiến mạng sống” theo 1Mc 2,50 và 6,44 có nghĩa tự nguyện lấy cái chết để làm chứng. “Làm giá chuộc” là bỏ ra một số tiền chuộc để giải thoát một tù nhân, một người nô lê hay một tội phạm. “Cho nhiều người” cho tất cả mọi người (x. Is 53,11-12). Câu ấy chỉ ra rằng cái chết của Chúa Giê su là nguyên nhân đưa đến sự giải thoát mà tự sức riêng loài người không thể nào làm được.

22. HỎI: Nội dung bài đọc 2 như thế nào?

THƯA: Chính trong sự thất vọng ê chề, sự đau khổ, sự chết, một cái chết ô nhục, mà vị Thượng Tế (= Chúa Giê su) tuyệt vời đã chia sẻ những nỗi yếu đuối của chúng ta. Do đó, Ngài đã biết đến những khó khăn của chúng ta và đã cầu bầu cho chúng ta. Sự đau khổ không đến từ Chúa, nhưng Ngài muốn cứu giúp chúng ta trong những nỗi khó khăn và biến những thử thách đi ngang qua cuộc đời trở thành ích lợi lớn nhất cho chúng ta.

23. HỎI: Phải sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: Thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta kiểm điểm xem tư tưởng, quan niệm về cách sống và cách phục vụ của chúng ta xem có  phù hợp với Lời Chúa Giê-su dạy không? 1. Nếu cách suy nghĩ, hành động và phục vụ của chúng ta đã ít nhiều phù hợp với sứ điệp của Lời Chúa thì chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng tiếp tục duy trì và phát triển nếp sống ấy. 2. Còn nếu cách suy nghĩ, hành động và phục vụ của chúng ta chưa phù hợp với sứ điệp của Lời Chúa thì chúng ta hãy cầu xin Ơn Chúa giúp sức và cố gắng điều chỉnh tư tưởng, quan niệm, cách sống và cách phục vụ của chúng ta cho phù hợp với Lời Chúa Giêsu dạy.

 

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường niên - Lm. Tam Thái
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXIX Thường niên - Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên - Nt . Thiên Thảo SJP
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XXIX Thường Niên Năm A - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên- Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng, O.P Dòng Đa Minh Thánh Tâm
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên- Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên- Lm. Nguyễn Cao Siêu, S.J.
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên- Lm. Tam Thái

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật XXIX Thường Niên B_Khánh Nhật Truyền giáo: CẦU NGUYỆN VÀ GIÚP ĐỠ CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO. Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ bảy tuần 29 thường niên A: Chuyện Cây Vả. Nt. Anna Trần Thị Nguyệt
     Video: Suy niệm cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô: 16-22/10/2014 - Câu chuyện bà góa thành Nain
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên A: LÀM HÒA VỚI NHAU. Lm. Duy Khang
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên: NGỌN LỬA ẤY ĐÃ BÙNG LÊN. Nt. Maria Phương Trâm
     5' Suy Niệm Lời Chúa - Tuần XXIX TN A
     VIDEO: Viếng Thăm Đất Thánh – Nơi các Mầu Nhiệm Mân Côi diễn ra
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ TƯ TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN A. Nt. Maria Chinh Anh
     Suy Niệm Thứ ba sau Chúa Nhật XXIX Thường Niên A: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn”. Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
     Suy Niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên A: TẤM VÉ ĐI THIÊN THU. Nt. Anna Têrêxa Thiên Hoàng