Suy Niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên
LỜI CHÚA: Mt 13, 36-43
36Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe." 37 Người đáp: "Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. 40Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe
SUY NIỆM
Cứ vào mỗi độ mùa mưa dầm thấm đất, trên những cánh đồng mênh mông đã được cầy xới cẩn thận, nhà nông tay bưng thúng thóc, tay vung hạt vàng vãi đều trên mặt đất sình lầy còn áng lên đầy chất màu mỡ - người ta gọi đó là xạ lúa. Không như những ruộng lúa cấy luôn thẳng tắp thừng hàng, gọn gàng từng khóm, lúa xạ mọc chi chít trên khắp mặt ruộng có khả năng hạn chế cỏ mọc rất nhiều. Tuy nhiên chẳng đồng ruộng nào mà không có cỏ, hoặc ít, hoặc nhiều: cỏ lớn, cỏ bé, cỏ lá dài, cỏ lá tròn, lá đơn, lá kép, rễ cọc, rễ chùm… thôi thì đủ loại, nhưng đáng ngại nhất vẫn là cỏ lùng.
Cỏ lùng có hình dáng chẳng khác gì cây lúa nên dù là nông dân “chính hiệu con nai vàng”, dạn dày kinh nghiệm cũng khó lòng mà phân biệt được. Cỏ cũng phát triển lớn lên, ôm đòng giống hệt cây lúa, và chỉ cho đến lúc trổ bông người ta mới biết được đâu là cỏ, đâu là lúa; nhưng như thế, để không làm tổn hại đến lúa, người ta chỉ còn cách chờ đến mùa gặt – lúa gặt được thì cho vào kho lẫm, còn cỏ thì phải đốt đi.
Trên cánh đồng trần gian, tình trạng cũng không khác mấy, người lành, kẻ xấu cùng sống cạnh nhau trên hành tinh này. Có đủ thứ loại người xấu mà người ta có thể nhận ra rõ ràng vì các hành động và thái độ sống không đẹp của họ; nhưng đáng ngại nhất vẫn là những người xấu mà khoác vẻ bề ngoài tốt lành với những công việc và cách sống rất ư là “đẹp”. Tuy nhiên, sự phá hoại và tội ác tiềm ẩn của họ rất ghê gớm mà khó ai có thể nhận ra; hoặc những hành động ‘đẹp’ của họ lại ẩn chứa những thói kiêu căng, tự mãn, hay nhắm kiếm cho mình một lợi ích cá nhân nào đó lớn hơn…. Vì sự khó nhận ra như thế nên việc xét đoán con người không thuộc thẩm quyền con người mà chỉ ở nơi Thiên Chúa, và điều duy nhất con người nên làm là kiểm điểm chính bản thân mình để loại đi cỏ dại ở nơi chính mình.
Mặt khác, dụ ngôn “cỏ lùng – lúa tốt” mà Đức Giê-su đưa ra trong trình thuật Tin mừng hôm nay nhắm đến một điều còn lớn hơn, đó là lòng từ bi, thương xót, kiên nhẫn, bao dung, quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta thường có khuynh hướng chung là muốn tiêu diệt sự dữ ngay tức khắc: “Sao Chúa không phạt cho nó méo miệng khi nó nói xấu bôi nhọ con trong khi con vô tội!” “cầu cho nó ra đường xe đụng bởi nó độc ác làm hại mọi người!”, hoặc “cái thứ xấu xa như ngữ ấy sống làm gì cho chật đất.”….Và dường như trong những tư tưởng, những mong ước xem ra rất là “hợp lý và tự nhiên” ấy lại tiềm ẩn một tư tưởng báo thù – ‘xin Chúa Trời báo oán!' Nhưng Thiên Chúa là “Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lối của ta.” (Tv.) Và tư tưởng của Thiên Chúa thì khác xa với tư tưởng con người (x). Vì không như những cánh đồng trần gian, cỏ muôn đời là cỏ mà lúa vạn kiếp vẫn là lúa, nơi cánh đồng tâm linh con người, cỏ vẫn có khả năng cải tạo thành lúa tốt (gương những vị thánh như Maria Ma-đa-lê-na, Phao-lô, Au-gus-ti-nô, Inhaxio…) mà lúa cũng có thể biến thành cỏ dại. Do đó mà Thiên Chúa vẫn luôn chờ đợi, và Người luôn mong chờ nơi cánh đồng của Người một mùa gặt bội thu.
Thiên Chúa đã ban ân sủng cũng như Lời của Người cho con người. Tâm hồn con người như một cánh đồng bao la huyền nhiệm đón nhận ân sủng và hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy có được phát triển phong nhiêu, sinh nhiều hoa thơm trái tốt hay không là tùy tình trạng của mảnh đất tâm hồn này. Mảnh đất tâm hồn con người có được cày xới, chăm chút bằng sự giáo dục đúng đắn của gia đình, của xã hội và của giáo hội, thì dù ma quỉ có gieo cỏ lùng là những gương xấu, những chủ trương, triết thuyết sai lầm lôi kéo…cũng không thể lấn át được sự phát triển của hạt giống tốt trong tâm hồn. Vì vậy, mỗi Ki-tô hữu phải được bồi dưỡng, trang bị cho mình những kiến thức thánh kinh, luân lý và giáo huấn của Giáo hội, nuôi dưỡng bằng các bí tích và đời sống cầu nguyện để có một đức tin mạnh mẽ, lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam, làm lẽ sống để lấn át và tiêu diệt cỏ lùng. Đồng thời xin Chúa ban cho chúng ta có được tấm lòng nhân hậu và trái tim đầy tình yêu thương của Chúa, để chúng ta biết mong muốn điều tốt lành nơi anh chị em mình, để chúng ta biết kiên nhẫn, biết thứ tha trước những lỗi lầm, khuyết điểm của tha nhân; và xin cho mỗi Ki-tô hữu là hạt giống tốt, nên như gương sáng, như muối, như men cho đời thêm phong phú đẹp tươi.
Lạy Chúa Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống!
“Lời Chúa là đèn soi cho con bước
Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv. 118, 105)
Xin ban cho con quả tim của Chúa,
Để con biết kiên nhẫn và bao dung trước những yếu đuối của anh chị em con,
Để con không thụ động trước những sự ác vẫn hoành hành trong cuộc sống,
Nhưng biết sống tích cực để đẩy lui bóng tối còn bao phủ nhân gian.
Xin cho mỗi người chúng con đang sống trên cánh đồng trần gian này với những tốt xấu, vàng thau lẫn lộn có được đức khôn ngoan của Chúa chiếu soi.
Xin ánh sáng Chúa luôn dõi bước chân con, để con tránh được những mây mù, nhiễu nhương độc hại mà kẻ thù của Chúa giăng ra cho con phải mắc vào.
Xin cho con biết yêu quí, thực thi lề luật và đường lối của Chúa, để con nên ánh sáng cho đời, nên lúa tốt làm phát sinh cuộc sống phong nhiêu, lành mạnh cho cuộc sống. Amen
Nt. Maria Chinh Anh. OP