Suy Niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên
“Nước
Trời giống như chuyện
hạt cải… chuyện nắm men”
Lời Chúa: Mt 13, 31-35
(31)Ðức Giêsu còn trình bày cho họ nghe
một dụ ngôn khác. Người nói: "Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải
người nọ lấy gieo trong ruộng mình. (32)Tuy nó là loại nhỏ nhất
trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở
thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được". (33)Người
còn kể cho họ một dụ ngôn khác: "Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men
bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men". (34)Tất
cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói
gì với họ mà không dùng dụ ngôn, (35)hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn
sứ: “Mở
miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập
địa.”
Suy Niệm
1. “Người Gieo Giống đi ra gieo giống”
Trước khi
lắng nghe các dụ ngôn, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần
gũi của Đức Giê-su. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên
Chúa cho chúng ta, nhưng, như thánh sử Mát-thêu tường thuật, Ngài ra khỏi nhà
và đến ngồi ở ven Biển Hồ; rồi người ta đến với Ngài rất đông. Đứng ở bờ hồ và
có rất đông người đến với mình, thì sẽ có nguy cơ bị xô đẩy té xuống hồ. Chính
vì thế, Ngài phải xuống thuyền mà ngồi (13, 1-2)[1].
Chúng ta
hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện
thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện
ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong
cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong giáo xứ của chúng ta, ngay gia
đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm
chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được
ban cho chúng ta hằng ngày.
2. Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn
Ngoài ra, Đức
Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài
dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, nói về Thiên Chúa bằng dụ
ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác
giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc
4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn Đức Giêsu kể luôn là một câu
chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống; chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón
chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân
hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người
Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng
khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên
Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con
người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa,
kín ẩn về Nước Trời, như thánh sử Mát-thêu tường thuật trong bài Tin Mừng mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa. (c. 35).
Hơn nữa, dụ
ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức
tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như
chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”. Người
nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ
nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm
sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giê-su thích dùng dụ ngôn là vì
vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở
trong tình trạng nào.
3. Dụ ngôn hạt cải và nắm men
Hai dụ ngôn
hạt cải và nắm men diễn tả Nước Trời là hai dụ ngôn rất nhỏ bé và rất tự nhiên
(nghĩa là không có những yếu tố “lạ thường” mà các dụ ngôn thường có), nhỏ bé và
tự nhiên như chính hình thức (rất ngắn) và nội dung của dụ ngôn (hạt cải và nắm
men nhỏ bé khiêm tốn). Tuy nhiên, niềm hy vọng mà hai dụ ngôn này có thể khơi
dậy nơi tâm hồn người nghe thì rất to lớn và rất siêu nhiên:
Niềm hy
vọng to lớn. Bất chấp tất cả, bất chấp Sự Dữ, bất chấp những hoàn cảnh khó khăn
hay bất lợi, bất chấp những giới hạn, yếu đuối, tội lỗi của loài người, của
người khác, của anh em, của chị em và của chính chúng ta, bất chấp hạt giống
rất nhỏ bé mong manh đang có trong thế giới, trong cộng đoàn và trong lòng
chúng ta, Nước Trời mà chúng ta hy sinh cả đời để xây dựng trong hành trình đi
theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, tất yếu sẽ hiện hữu,
lớn mạnh và đạt tới sự viên mãn. Hình ảnh cây cải cành lá sum suê đến độ chim
trời làm tổ trên cành được và hình ảnh cả ba thúng bột dậy men diễn tả sự viên
mãn tất yếu của Nước Trời.
Niềm hy
vọng siêu nhiên. Bởi vì đó chỉ có thể là công trình của Thiên Chúa, công trình
kì diệu diễn ra trước mắt chúng ta. Thật ra, ngay trong tiến trình lớn lên tự
nhiên của hạt cải, tiến trình dậy men tự nhiên trong ba thúng bột, đã có điều
gì đó là siêu nhiên rồi, trong mức độ con người không thấu suốt và làm chủ được
hoàn toàn.
Điều mà hai
dụ ngôn này muốn diễn tả, đang được thực hiện cho cộng đoàn chúng ta, cho từng
người chúng ta mỗi ngày ngang qua việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, ngang
qua Thánh Lễ được cử hành và ngang qua ngày sống được nuôi dưỡng bằng Lời và
Mình của chính Đức Ki-tô. Từng ngày và từng ngày, dù bất cứ điều gì đã xảy ra
trong nội tâm của chúng ta, tất cả chúng ta, từng người và cả cộng đoàn, đã
được Chúa gieo hạt giống và tất cả đã được Chúa vùi vào một nắm men. Hạt giống
và nắm men thật nhỏ bé và mong manh, nhưng tất yếu sẽ trở nên to lớn và bền
vững. Bởi vì đó là sức mạnh tất yếu của Lời Chúa. Hạt giống và nắm men chính là
Lời Chúa, như chính Đức Chúa nói qua miệng ngôn sứ Isaia:
Lời TA, một
khi xuất phát từ miệng ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa
thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó. (Is 55, 11)
Trong bữa
tiệc li, theo Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu nói: “Anh em là bạn của Thầy” và “Không
có ai có tình yêu lớn hơn người từ bỏ sự sống cho những người bạn của mình” (Ga
15, 13-14). Qua hành vi trao bánh và rượu cho các môn đệ, qua hành vi rửa chân
của các ông, Đức Giêsu muốn thánh Phê-rô và tất cả chúng ta hiểu ra rằng, Ngài
không chỉ muốn gieo Lời của Ngài, nhưng còn muốn gieo chính bản thân của Ngài.
Vì Lời của Ngài và Ngôi Vị của Ngài là một, như chính Ngài đã ví mình như hạt
lúa:
Nếu hạt lúa
gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết
đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12, 24).
Hạt giống
và nắm men chính là Sự Thiện và Sự Sống nơi Đức Kitô, mạnh hơn Sư Dữ và Sự
Chết. Chính vì thế, sự viên mãn của Nước Trời là tất yếu.
Lm Giuse
Nguyễn Văn Lộc