CHÚA NHẬT
17 THƯỜNG NIÊN A
KHÔN NGOAN CHỌN LỰA HẠNH
PHÚC NƯỚC TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 13, 44-52
(44) “Nước Trời giống như chuyện kho báu
chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại,
rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
(45) Nước Trời lại giống như một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) tìm
được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có
mà mua viên ngọc ấy. (47) Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc
lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta
kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt
ra ngoài. (49) Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên
thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công
chính. (50) Rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc
lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không ? “Họ
đáp: Thưa hiểu”. (52) Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã
được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra
từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”.
2. Ý CHÍNH:
Tin Mừng
hôm nay tiếp tục đưa ra ba hình ảnh diễn tả về Nước Trời là dụ ngôn kho báu,
ngọc quý và lưới cá: Nước Trời được ví như một người nông dân đi cày ruộng
phát hiện ra một kho báu được chôn giấu trong thửa ruộng đang cày, hay Nước Trời
được ví như một nhà buôn ngọc khi mua bán ngọc quý, đã phát hiện ra một viên
ngọc đẹp rất có giá trị, nên sẵn sàng về nhà bán tất cả gia sản của mình để
mua cho được thửa ruộng có kho báu, hay mua viên ngọc quý giá kia. Tiếp đến Nước
Trời cũng được ví như công việc thả lưới bắt cá của một ngư dân: Sau khi bắt
được một mẻ cá lớn đã ngồi trên bãi cát mà chọn lựa, rồi giữ lại cá tốt trong
giỏ và loại bỏ cá xấu ra ngoài. Cũng vậy, đến ngày tận thế chỉ những người lành
mới được vào Nước Trời là thiên đàng, còn kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục
muôn đời. Nhiệm vụ của các môn đệ Đức Giê-su là phải tìm hiểu ý nghĩa
của mầu nhiệm Nước Trời so sánh với Lề luật của Mô-sê để biết sử dụng cả
những điều cũ điều mới.
3. CHÚ THÍCH:
- C 44: +
Nước Trời giống như: Không phải Nước Trời được so
sánh với kho tàng châu báu, nhưng so sánh giống như thái độ của người cày
ruộng đột nhiên khám phá ra một kho báu có giá trị được chôn giấu trong thửa
ruộng ông đang cày thuê. + Kho báu chôn giấu trong ruộng:
Dân Do Thái luôn bị các nước lớn chung quanh như Ai Cập, Át-si-ri,
Ba-by-lon… xâm lược và cướp bóc tài sản, nên những nhà giàu có vào thời
điểm đó thường đào hố chôn giấu vàng bạc châu báu trong thửa ruộng của
mình. Đến thời Đức Giê-su, thỉnh thoảng cũng có người đã đào được
những kho báu chôn giấu như thế. + Có người kia gặp được thì liền chôn
giấu lại: Luật Rô-ma và Luật Do thái cho phép người nào tìm
thấy tài sản nằm trong đất của mình thì có quyền sở hữu kho báu ấy.
Ở đây người nông dân này không có quyền sở hữu đất ruộng mà anh đang
cày thuê, nên khi phát hiện kho báu, anh đã lập tức chôn vùi lại để tránh
bị kẻ khác hay biết, rồi tìm cách mua thửa ruộng ấy để có thể công
khai chiếm hữu kho báu mà mình mới phát hiện. Ở đây người cày ruộng tình
cờ tìm được kho báu cho thấy việc khám phá ra Nước Trời là một ơn
Thiên Chúa ban cho không. + Rồi vui mừng đi bán tất cả những gì
mình có mà mua thửa ruộng ấy: Kho báu kia quý giá đến nỗi
đã thôi thúc người này sẵn sàng đánh đổi với mọi của cái mình đang có.
Cũng vậy, Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập chính là một kho báu
thiêng liêng, mà khi đã nhận biết, người ta sẵn sàng hy sinh từ bỏ mọi
sự mình đang có để chiếm hữu được Nước Trời ấy.
Tóm
lại: Nước Trời đòi người ta phải đáp trả cách trọn vẹn, sẵn sàng
hy sinh bản thân (x. Mt 16, 24), tình cảm gia đình (x. Mt 10, 37), chấp
nhận mất mát cả những bộ phận cơ thể quý giá của mình như mắt, tay,
chân (x. Mt 18, 8-9), và ngay cả mạng sống của mình nữa (x. Mt 10,39)
để có được Nước Trời làm phần gia nghiệp. Dù hy sinh như vậy nhưng
người tín hữu không bị thiệt, mà còn được lợi gấp trăm ở đời này và
được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh cửu ở đời sau (x. Mt 19, 28-29).
- C
45-46: + Giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp: Dụ ngôn
cũng không nhằm so sánh giá trị của Nước Trời với viên ngọc đẹp, mà nhấn
mạnh tới hành động của người thương gia đối với viên ngọc đó. +
tìm được một viên ngọc quý:
Thời xưa, ngọc trai là một vật được các thợ lặn mò được từ đáy Biển
Đỏ, trong vịnh Ba Tư hay Ấn Độ Dương... Các hạt ngọc trai này rất được
ưa chuộng thường được dùng để kết thành một tràng chuỗi ngọc đeo nơi cổ. +
bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy: Cũng như
thái độ của người buôn ngọc sẵn sàng từ bỏ gia sản đang có để mua viên ngọc quý,
các tín hữu khi đã gặp được Chúa và hiểu được giá trị của ơn cứu độ, họ sẽ
sẵn sàng tận hiến cuộc đời để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân theo thánh
ý Chúa.
- C
47-48: + Giống như chuyện chiếc lưới: Nước
Trời không giống như lưới cá, nhưng được so sánh với công việc thả
lưới bắt cá. + Thả xuống biển: Lưới ám chỉ Hội Thánh, biển tượng trưng
cho trần gian, ngư phủ thả lưới là Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã sai Con
Một của mình là Đức Giê-su xuống trần gian thiết lập Hội Thánh để mời gọi
mọi người gia nhập. + Gom được đủ thứ cá: Thu gom mọi thứ cá, trong đó gồm cả
cá tốt lẫn cá xấu. Trong Hội Thánh cũng có đủ hạng người tốt xấu lẫn lộn.
+
Lưới đầy người ta kéo lên bãi: Đến ngày tận thế, mọi kẻ đã chết
sẽ được Chúa làm cho sống lại để cùng chịu phán xét chung. + Cá
tốt cho vào giỏ: Cá tốt là loại cá được Luật Mô-sê cho phép ăn,
gồm “những loài cá có vây và có vẩy” (Đnl 14,9). Trong dụ ngôn này, cá
tốt ám chỉ các tín hữu tốt lành thực hành Lời Chúa Giê-su là thực thi bác ái
chia sẻ cơm áo và phục vụ cụ thể cho người nghèo đói bệnh tật. Họ sẽ được Chúa
thu nhận vào giỏ là thiên đàng. + Cá xấu thì vứt ra ngoài: Cá
xấu là loại cá bị Luật Mô-sê cấm ăn gồm “những loài không có vây và
không có vẩy” (Đnl 14,10). Ở đây cá xấu ám chỉ những kẻ làm tay sai
của ma qủy, không làm theo Lời Chúa biểu lộ thánh ý Thiên Chúa, cố tình
làm những điều gian ác, có hại cho tha nhân.
- C
49-50: + Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi
hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa…: Đến
ngày tận thế, sẽ không còn cảnh vàng thau lẫn lộn: Kẻ dữ sẽ bị
loại bỏ khỏi Nước Trời để bị phạt trong lửa hỏa ngục. Ở đó họ sẽ
phải khóc lóc vì chịu đau khổ và nghiến răng vì thù hận Thiên Chúa.
- C
51-52: + Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời: Kinh sư
là thày dạy Kinh thánh đã được nghe lời Đức Giê-su giảng về mầu nhiệm
Nước Trời. + Thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ:
Họ sẽ biết sử dụng những điều cũ và mới đã nghe được để ứng dụng vào
việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Chính nhờ hiểu biết Luật Mô-sê của Cựu
Ước mà các môn đệ Đức Giê-su sẽ nắm bắt được ý nghĩa sâu xa của Nước Trời thời
Tân ước để sử dụng trong việc rao giảng Tin Mừng.
4. CÂU HỎI:
1) Ba dụ ngôn về Nước Trời được trình
bày trong Tin Mừng hôm nay là những dụ ngôn nào ? 2) Ý nghĩa của hai dụ
ngôn kho báu và ngọc quý thế nào ? 3) Thái độ của người nông dân khi tìm
thấy kho báu chôn giấu trong thửa ruộng mình đang cày ra sao ? Anh ta
làm như vậy nhằm mục đích gì ? 4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn lưới
cá ám chỉ những hạng người nào?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Nước Trời giống như
chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền
chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua
thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CÂU CHUYỆN CƯỚP CỦA GIẾT NGƯỜI:
Cách đây
ít năm báo chí đã đăng tin về một vụ án cướp đoạt tài sản bằng súng AK
ngay trên đường phố Huỳnh khương Ninh thuộc Phường Đa Kao, Quận 1. Một
chủ tiệm vàng đang chở số vàng mua bán bằng xe du lịch từ tiệm vàng ở
chợ Bến Thành về nhà riêng. Khi xe vừa về đến cửa nhà, thì bất ngờ chiếc
xe du lịch của ông bị 2 tên cướp, ngồi trên xe Su-zu-ki Sì-po áp sát.
Chúng dùng súng AK bắn gục cô người làm khi cô này vừa mở cửa nhà ra
để đón xe hơi của chủ vào trong nhà. Sau đó, chúng quay sang bắn ông chủ
mấy phát rồi giật túi xách có chứa vàng mà ông ta đang ôm trong người trước
khi cùng nhau tẩu thoát mất dạng, để lại hiện trường một khẩu súng AK
cưa nòng. Theo lời khai của nạn nhân thì trong túi có tới 250 lượng
vàng SJC, 20 ngàn đôla Mỹ và khoảng 20 triệu đồng tiền Việt Nam.
Có những
kẻ gian ác luôn tìm kiếm tiền bạc của cải bằng bất cứ giá nào, kể cả giết người
cách tàn bạo như những tên cướp nói trên. Chắc chắn bọn chúng sẽ phải chịu hình
phạt tương xứng với các việc gian ác đã làm cho người lương thiện ở đời này và
đời sau.
2) THÁI ĐỘ NGHE GIẢNG CỦA MỘT BÁC NÔNG
DÂN:
Một bác
nông dân kia đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật để nghe một nhà giảng
thuyết lừng danh là GION OÉT-LÂY (John Wesley) giảng về đề tài “Phải
sử dụng của cải đời này thế nào ?”. Trong phần thứ nhất, nhà giảng
thuyết triển khai tư tưởng: “Hãy tìm mọi cách để làm giàu”. Bác nông
dân nghe vậy đã tỏ ra phấn khởi. Bác ta thúc nhẹ cùi chỏ vào ông bạn ngồi
bên và nói: “Một bài giảng tuyệt vời !”. Sau đó diễn giả khai triển
sang điểm thứ hai: “Cần phải sử dụng đồng tiền cách tiết kiệm tối đa”.
Bác nông dân lại tiếp tục suýt xoa khen: “Ôi chao ! Tôi chưa bao giờ
được nghe một bài giảng nào hay thế này !”. Nhưng khi diễn giả sang điểm
thứ ba: “Hãy chia sẻ tối đa của cải mình kiếm được cho người nghèo”
thì bác ta bị cụt hứng, rồi bác âm thầm bỏ ra xe để về nhà với bộ mặt
buồn bã thất vọng, vì bài giảng cuối cùng đã không phù hợp với lối
sống của bác ta.
Con người
thường hành động do động lực lợi lộc vật chất thúc bách: Bác nông dân
trong dụ ngôn đã bán tất cả gia sản của mình để mua bằng được thửa
ruộng có chôn giấu kho tàng quý giá. Ông thương gia cũng sẵn sàng bán
đi tài sản để mua cho được viên ngọc quý giá. Vì ham lợi, các nhà
doanh nghiệp không ngại đầu tư tiền bạc và công sức vào các công trình
xây dựng hy vọng chúng sẽ mau mang lại nhiều lợi nhuận cho mình. Vì
muốn dành huy chương vàng, các vận động viên thể thao đã dành nhiều
thời giờ, sức lực và tiền của cho việc tập luyện thi đấu. Để có một tương
lai tươi sáng hơn, các bạn sinh viên sẵn sàng chăm chỉ học hành để thi
đậu đại học.
Còn
chúng ta: để có được Nước Trời làm phần gia nghiệp, ta cần phải đầu
tư những gì vào việc xây dựng Nước Trời ngay từ hôm nay? Ta cần phải phấn
đấu để vượt qua những trở lực nào trong cuộc sống hiện tại?
3. SUY NIỆM:
1) Tìm kiếm khôn ngoan đích thực? :
Bài đọc I
hôm nay đề cập đến sự khôn ngoan của vua Sa-lô-mon. Khi được Đức Chúa cho
chọn, ông đã không xin Chúa ban cho sức khỏe, sự giàu có, danh vọng đời này,
nhưng đã xin cho mình sự khôn ngoan. Lời cầu xin ấy đẹp lòng Chúa và Chúa
đã ban cho ông không những có sự khôn ngoan tột bực và còn cho ông cả những điều
ông không dám xin, là của cải vật chất gấp bội. Như vậy, vua Sa-lô-mon đã ý thức
được giá trị của sự khôn ngoan và sử dụng khôn ngoan để chu toàn nhiệm vụ chăn
dắt đoàn chiên là dân Do thái.
Có hai loại
khôn ngoan: Một là sự khôn ngoan chân thực của Thiên Chúa và hai là khôn ngoan lọc
lừa của thế gian. Một người có sự khôn ngoan chân thực sẽ luôn suy nghĩ
nói năng và hành động theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su. Nhờ đó Lời Chúa
ngày càng lớn lên và sinh hoa kết quả trong lòng họ. Trái lại, một người khôn
ngoan lọc lừa sẽ luôn suy nghĩ nói năng và hành động theo tiêu chuẩn là “cái
tôi” ích kỷ tự mãn của mình, chỉ biết tìm kiếm những gì mang lại lợi ích cho
mình nên xem ra họ ngày một giàu có hơn, được thăng quan tiến chức hơn. Họ được
người đời ca tụng là khôn ngoan nhưng lại bị Thiên Chúa coi là khờ dại, như lời
Chúa phán với nhà phú hộ cả đời chỉ lo thu tích vàng bạc của cải cho mình như
sau: “Đồ ngốc ! Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi
sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm
giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,20-21). Trái lại, người khôn ngoan thực sự sẽ biết nhìn
xa trông rộng để luôn làm mọi việc quy hướng về ơn cứu độ, vì : “Được lời lãi
cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì ?” (Mt 16,26). Người
khôn ngoan của Thiên Chúa sẽ biết tiên liệu, lo cho tương lai sau này, nên
họ sẽ vừa lo chu toàn các bổn phận trần thế, nhưng đồng thời cũng không
quên tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời. Họ sẽ sống có lối sống siêu thoát của
người môn đệ Đức Giê-su là: “Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về trần gian”
(x. Ga 17,14-16).
2) Dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý:
Đức
Giê-su đã kể ra hai dụ ngôn về thái độ phải có để được vào Nước Trời: Một là
thái độ khôn ngoan của một nông dân hằng ngày phải đi cày thuê kiếm sống. Một
hôm anh ta tình cờ phát hiện ra một cái chum chứa nhiều vàng bạc châu báu
trong thửa ruộng anh đang cày. Hai là thái đô của một nhà buôn nọ mua bán ngọc
quý. Một hôm anh ta tình cờ gặp thấy một viên ngọc đẹp được bán với
giá hời. Cả hai người này đều vui mừng, âm thầm bán gia sản lấy tiền mua
bằng được thửa ruộng có chôn giấu kho báu, hoặc viên ngọc quý ấy.
Kho báu
và viên ngọc quý trở thành động lực thôi thúc người ta sẵn sàng hy sinh những
gì mình đang có để chiếm hữu được nó. Cũng vậy, các tín hữu tìm kiếm Nước Trời
cũng phải sẵn sàng từ bỏ mọi giá trị trần gian và sống tốt lành noi gương Đức
Giê-su để có Nước Trời làm của mình như lời Chúa Giê-su trong bài giảng “Tám Mối
Phúc thật” (x. Mt 5,3-12).
3) Tinh thần siêu thoát của môn đệ Đức
Giê-su:
Nhiều
người coi Nước Trời chỉ là một thứ kho báu thiêng liêng không thực
tế, nên họ không muốn từ bỏ của cải đang chiếm hữu. Lời Chúa dạy hôm nay:
Nước Trời mới thực sự là một kho báu có giá trị lớn lao tuyệt đối. Chỉ
khi nào xác tín được như thế, chúng ta mới dám hy sinh từ bỏ của cải
vật chất chỉ có giá trị tương đối ở đời này, để đổi lấy kho báu thiêng
liêng có giá trị vĩnh hằng ở đời sau (x. Mt 6,10-20). Người thanh niên
giàu có trong Tin Mừng muốn nên trọn lành và đã có thiện chí tuân giữ
các giới răn ngay từ khi còn bé. Nhưng khi Đức Giê-su đòi anh phải bán các
của cải đang có phân phát cho người nghèo, để đổi lấy một kho báu thiêng
liêng trên trời, rồi đến theo làm môn đệ của Người, thì anh ta sa sầm
nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh không thể từ bỏ được gia sản (x Mc
10,17-22).
Thánh
Phao lô dạy: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm
như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư. Trái lại, chúng ta nhằm
phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,25). Vàng bạc châu báu sau khi
chủ nhân chết, sẽ về tay người khác. Huy chương vàng sau khi vận động
viên qua đời sẽ chỉ còn giá trị như một vật lưu niệm. Trái lại, nếu
người tín hữu biết từ bỏ của cải vật chất để chia sẻ cho người nghèo
đói bênh tật… thì sau khi chết, họ sẽ có được Nước trời làm phần gia nghiệp
giá trị vĩnh hằng.
Đức Giê-su đòi những ai muốn theo làm môn đệ của Người phải có
tinh thần siêu thoát thể hiện qua việc sẵn sàng từ bỏ gia sản vật chất và tình
thân gia đình để đổi lấy Nước Trời gia trị gấp bội về mặt thiêng liêng tinh thần,
nhất là được hưởng ơn cứu độ đời đời như lời Đức Giêsu: «Chẳng hề có
ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất,
vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được
nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược
đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30).
4) Chúng ta phải làm gì ? :
Lời Chúa
hôm nay mời gọi chúng ta ý thức giá trị đích thực của sự vật để không quá đề
cao giá trị của cải vật chất nhưng biết dùng nó như phương tiện giúp chúng ta
chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng Nước Trời và phục vụ tha nhân hữu hiệu hơn.
Lời Chúa cũng giúp chúng ta loại trừ thói kiêu căng tự mãn: muốn ăn trên
ngồi trước tha nhân, để có một lối sống chan hòa yêu thương và khiêm tốn phục vụ
mọi người, nhất là những người nghèo khó bệnh tật và bị bỏ rơi; Chúng ta cần đặt
niềm tin cậy vào Thiên Chúa để tránh thói mê tín dị đoan; Luôn suy niệm về những
biến cố xảy ra trong cuộc đời của mình dưới ánh sáng Lời Chúa, noi gương Đức
Ma-ri-a xưa đã được Tin mừng ghi nhận: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ
niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19); Năng đọc và tìm hiểu về các giáo
huấn của Hội thánh; Sẵn sàng hy sinh mọi sự vì lòng mến Chúa yêu người như thánh
Phao-lô đã khẳng định : “Đối với tôi sống là Đức Kitô” (Pl 1,21); Luôn xác định
lập trường đức tin như sau: Phụng sự một Thiên Chúa là Cha, Vâng lời một Thầy
là Đức Giê-su (x. Mt 23,9) và trung thành tuyên xưng đức tin theo Hội thánh
công giáo.
4. THẢO LUẬN:
Đức Giê-su đòi các môn đệ từ bỏ mọi
sự để theo làm tông đồ của Người. Còn các tín hữu hôm nay cần từ bỏ
“cái tôi” cụ thể là những gì để trở thành tông đồ giáo dân phục vụ
Nước Trời cho Chúa ?
5. NGUYỆN CẦU:
-LẠY
Chúa GIÊ-SU. Chúng con thường bị các thế lực trần gian như sự giàu sang,
danh vọng, sắc dục lôi cuốn và trói buộc. Chúng kéo ghì để ngăn cản chúng
con nâng tâm hồn lên cao gặp gỡ Thiên Chúa là nguồn chân thiện mỹ và sau
này đạt tới hạnh phúc đời đời.
-Lạy
Chúa. Xin giải thoát chúng con khỏi những ham mê của cải vật chất
trần gian, để tìm kiếm kho báu
thiêng liêng trên trời. Xin cho chúng con luôn biết cởi mở để đi bước trước
đến với tha nhân, quên mình phục vụ họ cách vô vụ lợi. Nhờ đó, chúng
con chắc chắn sẽ tìm thấy kho báu đích thực là Nước Trơi đời sau.
X) HIỆP
CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM
QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN
Trong
kinh doanh, một quyết định đúng lúc và phù hợp sẽ đem lại lợi ích và thành công
cho doanh nghiệp; với những người lãnh đạo, một quyết định đúng, khôn ngoan có
thể cứu cả một dân tộc, một đất nước thoát khỏi nghèo đói và lệ thuộc, ngược lại
một quyết định vội vã, thiếu cân nhắc, thiếu khôn ngoan, có thể là một tai họa
cho nhiều thế hệ con cháu. Trong đời sống cá nhân, một quyết định chọn lựa khôn
ngoan sáng suốt, có thể đem niềm vui và hạnh phúc đến cho bản thân, cho gia
đình, ngược lại nếu đưa ra một quyết định chọn lựa sai lầm sẽ có thể để lại sự
ân hận cho con người suốt cả đời.
Nếu trong
đời sống thường ngày cần phải có những quyết định dứt khoát, khôn ngoan cho
mình, thì Lời Chúa hôm nay cũng nhắc cho chúng ta cho chúng ta cũng cần phải có
những chọn lựa khôn ngoan, dứt khoát có thể đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho
bản thân cho gia đình ngay lúc này. Thiên Chúa hết sức tôn trọng tự do của con
người, và Ngài luôn để cho con người tự do chọn cho mình một tương lai, đồng thời
cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhưng vấn đề là:
Quyết định nào là quyết định khôn ngoan, và chọn lựa nào là chọn lựa dai dột?
Vua
Salomon là một vị vua nổi tiếng về sự khôn ngoan trong việc điều hành và cai trị
dân Chúa. Danh tiếng về sự khôn ngoan của ông đã lan truyền ra khắp vùng, dân
chúng trong nước vâng phục, các vua lân bang kính nể, và nữ hoàng ở thận Phương
Nam xa xôi phải tìm đến để học sự khôn ngoan của vua Salomon. Tại sao ông lại
có được sư khôn ngoan như thế? Sách Các Vua hôm nay đã kể lại: Trước khi lên
ngôi, Thiên Chúa đã cho ông một chọn lựa: Ngươi muốn gì, cứ xin, Ta sẽ ban cho.
Khác với lẽ thông thường của nhiều người khi được một điều ước như vậy, người đời
sẽ xin sự giàu sang phú quý, nhà cửa sang trọng, nhưng vua Salomon lại không
màng những thứ ấy, trái lại ông xin cùng Thiên Chúa: Chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa lên kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu
còn trẻ người non dạ… con lại ở giữa một đám dân đông đúc không kể xiết: Xin
ban cho tôi tới Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân
xử một cách khôn ngoan. Lời cầu xin này đẹp lòng Chúa, ông không xin của cải,
không xin sống lâu, cũng không xin chiến thắng quân thù, nên Chúa đã ban cho
ông sự khôn ngoan vượt bậc, và còn ban cho ông tất cả những gì mà ông không
xin: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn
ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không một ai được như ngươi, và sau ngươi
không ai được bằng ngươi. Salomon đã không xin gì cho riêng mình, mà ông chỉ
xin một điều là làm sao để ích lợi cho dân Chúa, cho người khác. Đối với Thiên
Chúa, quyết định và chọn lựa như Salomon là một chọn lựa khôn ngoan, chứ không
phải là lo tìm kiếm sự giàu sang danh vọng cho mình.
Chúa
Giêsu đã giải thích rõ hơn như thế nào là quyết định chọn lựa khôn ngoan khi
Ngài kể cho dân chúng nghe những dụ ngôn về Nước Trời mà Ngài so sánh như một
người chuyên săn tìm kho báu, như một thương gia, hoặc như một ngư phủ chọn cá.
Những người này khôn ngoan ở chỗ nào? Trước hết người săn tìm kho báu gặp được kho
tàng chôn giấu trong ruộng, khi gặp được rồi, anh quyết định về bán tất cả những
gì mình có để mua cả thửa ruộng lẫn kho báu. Anh ta có điên không? Trong mắt
nhiều người quyết định như thế là điên khùng, vì đã liều mình đánh đổi cả sự
nghiệp gia tài và cuộc đời vì kho báu ấy. Nhưng đối với người này, thì việc tìm
được kho báu đã là hạnh phúc và là mục đích sự tìm kiếm cả đời ông. Ông này
không chỉ cố gắng để giành cho được kho báu, mà con giành cả mảnh ruộng có kho
báu đó. Cũng vậy có những người đã phải mất rất nhiều thời gian công sức không
phải để tìm kiếm kho báu vật chất mà là tìm cho mình một lối đi, một hướng sống
một mục đích của cuộc đời. Chính vì thế, biết được Nước Trời là hạnh phúc thật,
là cùng đích cuộc đời, thì người tín hữu cũng phải có một quyết định giống như
người săn tìm kho báu, đó là dám đánh đổi tất cả sự nghiệp tài sản và cả cuộc sống
của mình vì hạnh phúc mai sau. Đó mới là quyết định khôn ngoan, sáng suốt.
Nếu như
câu chuyện về người săn tìm kho báu hoặc thương gia đi tìm ngọc quý, khi tìm được,
họ đã quyết định đánh đổi cả gia nghiệp để có được kho báu hay viên ngọc quý,
thì hình ảnh người ngư phủ chọn cá tốt
thì cho vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài, muốn nói đến sự chọn lựa
trong cuộc sống thường ngày. Người Do Thái chỉ được phép ăn một số cá mà thôi,
có một vài loại cá họ không được phép ăn, vì bị cho là những con vật dơ bẩn. Vì
thế với công việc thường ngày của một ngư phủ, khi kéo lưới lên, anh ta sẽ phải
cần mẫn để chọn lựa loại cá nào có thể ăn được, và loại bỏ những loại cá nào mà
luật không cho phép ăn. Cá ăn được sẽ bỏ vào giỏ, còn cá dơ thì ném ra ngoài. Với
hình ảnh này Chúa Giêsu cho thấy: Thiên Chúa sẽ là người chọn lựa, những người
trong sạch thì được để riêng vào nơi hạnh phúc, con người xấu, kẻ từ chối Thiên
Chúa và Tin Mừng của Ngài thì sẽ bị ném vào lò lửa; Người tốt, việc tốt thì được
chọn vào “giỏ Nước Trời” còn người xấu việc xấu thì bị ném ra ngoài. Kế đến, cuộc
đời của người theo Chúa cũng phải là một cuộc chọn lựa liên tục, chọn điều tốt,
và loại trừ điều xấu. Những ai biết chọn đứng về phía Thiên Chúa và chọn mang lấy
Tin Mừng của ngài và làm những việc tốt lành thì được cứu độ, còn những ai đứng
về phía ma quỷ và những kẻ chống đối Thiên Chúa, từ chối Đức Kitô và Tin Mừng
thì bị loại ra ngoài.
Bài đọc
hai cho thấy chọn lựa của Thánh Phaolô: là một thanh niên giỏi giang xuất
chúng, Phaolô có thể có một tương lai rạng rỡ trong con mắt của người đời và được
mọi người kính phục cũng như ước ao, tuy nhiên Phaolô đã không chọn con đường của
thế gian, mà trái lại ông đã được chọn và ông vui với việc được trở thành môn đệ
Chúa Kitô. Cũng vì quyết định đáp lại lời mời gọi của chúa Kitô mà Phaolô đã
rơi vào cảnh tù đày, dù bị tù đày, ông không hề hối tiếc song vẫn khuyên nhủ mọi
người hãy sống xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Đồng thời Thánh
phaolô cũng mời gọi mọi người hãy dám chọn sống theo tinh thần và lề luật của
Tin Mừng đó là ăn ở khiêm tốn hiền từ nhẫn nại, lấy tình bác ái mà cư xử với
nhau.
Thưa quý
OBACE, một khi quyết định chọn lựa thì cũng đồng thời phải chấp nhật sự mất mát
từ bỏ, chọn Đức Kitô thì phải chấp nhận những gì không phù hợp với Đức Kitô. Một
khi đã nhận ra Đức Kitô và Tin Mừng của Người là đường đưa tới sự sống đời đời,
là kho tàng quý giá nhất trên đời, chúng ta cần phải quyết định dứt khoát và
dám đánh đổi mọi sự để có được hạnh phúc đời đời đó.
Người đời
sẽ không thể hiểu được tại sao lại có những chàng trai cô gái đang căng tràn sức
sống, tương lai mở rộng, lại quyết định trở thành những linh mục tu sĩ, dành cuộc
đời mình trong nhà dòng; người đời cũng sẽ không thể hiểu được tại sao giữa một
xã hội cổ võ cho một lối sống tự do buông thả, thì những người tin theo Đức
Kitô lại quyết định bước theo con đường hẹp của Tin Mừng, của thập giá. Thưa vì
những người này đã nhận ra được kho tàng vô giá là đời sống phục vụ theo gương
Đức Kitô, và nhận ra hạnh phúc Nước Trời mới là hạnh phúc đích thật cho con người,
nên những người này đã dám bỏ lại đàng sau tất cả để sống theo lời mời gọi của Đức
Kitô.
Kho tàng
là hạnh phúc cũng đang được vùi trong các gia đình, mà mỗi thành viên, đặc biệt
là các bậc làm cha mẹ cần phải tìm kiếm và bảo vệ bằng mọi giá, và phải chấp nhận
đánh đổi tất cả những cái phụ thuộc để có thể đạt được hạnh phúc cho gia đình
mình. Kho báu còn là vợ chồng là con cái, mà mỗi thành viên trong gia đình phải
gìn giữ trân trọng và dám hy sinh tất cả những thứ khác để bảo vệ. Nhiều người
đã quên mất điều đó, nên đã đem tình yêu và hạnh phúc của gia đình mình ra để đổi
chác hoặc cầm cố, có người lại mải mê đi tìm một niềm vui nào đó nơi công việc
hoặc tìm ở ngoài gia đình, mà quên rằng chỉ có gia đình mới thực sự là tổ ấm là
cái nôi hạnh phúc cho mỗi người.
Một cám dỗ
nguy hiểm cho nhiều người trẻ hôm nay, đó là cuộc sống xã hội đang tạo ra nhiều
giá trị ảo, mục tiêu ảo, hạnh phúc ảo, thế giới ảo và nhiều thứ ảo giác khác
khiến cho nhiều người trẻ đã lạc đường, mất hướng không còn biết mục đích cuộc
đời của mình là gì, và hạnh phúc thật là gì. Chính vì thế đã có nhiều bạn trẻ thay vì đánh đổi cuộc đời
mình để đạt được hạnh phúc Nước Trời, trái lại họ đang đốt cháy cuộc đời mình
trong nghiện ngập, đam mê chơi bời, cờ bạc, buông thả. Nhiều người trẻ đang bị
cám dỗ để lao vào tìm kiếm các giá trị ảo trong xã hội như tìm kiếm sự nổi
danh, nổi tiếng, tìm đẳng cấp ăn chơi đua đòi hưởng thụ, và tiêu phí cuộc đời
mình trong những thứ đó.
Chúng ta
cùng cầu nguyện cho nhau, biết nhận ra Đức Giêsu là nguồn hạnh phúc đích thực của
cuộc đời và Tin Mừng của Ngài là một bảo đảm để đạt được hạnh phúc ấy, để chúng
ta dám đánh đổi tất cả những sự tạm bợ của thế gian này, để đạt được hạnh phúc
vĩnh cửu mà Chúa đem đến cho chúng ta. Amen
Lm. Giuse Đỗ đức Trí
Suy Niệm Chúa Nhật XVII Thường Niên A
1V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt 13,44-52 hoặc 13,44-46
Tư tưởng của các bài đọc
Kinh Thánh hôm nay chưa hoàn toàn dứt khỏi giòng suy nghĩ của Chúa Nhật trước.
Bài đọc 1 còn nói đến sự khôn ngoan. Và trong bài Tin Mừng dài còn gợi lên vấn
đề và số phận kẻ dữ. Tuy nhiên ta có thể nói hôm nay, Kinh Thánh chú trọng đến
người khôn nhiều hơn. Và ta có thể nhờ cả ba bài đọc trong Thánh lễ hôm nay để
thấy Chúa dạy chúng ta phải sống khôn ngoan thánh thiện như thế nào.
A. Người Khôn Theo Cựu Ước
Cựu Ước ca tụng Salômon là
người khôn ngoan nhất đời. Và các sách Khôn Ngoan coi ông như sư tổ. Chúng ta
hẳn đã được nghe nhiều truyện về sự khôn ngoan xét xử của ông. Ðặc biệt ai mà
không biết truyện nữ hoàng phương Nam nghe tiếng sự khôn ngoan của ông đã làm
một cuộc hành trình đến tận Yêrusalem để chứng nghiệm. Ngay trong đoạn trích
sách các Vua quyển 1 hôm nay cũng chứng tỏ Salômon thật là người khôn ngoan,
xứng đáng được gọi là minh quân.
Thuở ấy ông mới lên ngôi
kế vị cha là Ðavít. Ông hành hương đến Gabaon, cách Yêrusalem chừng 9 cây số về
phía tây, vì Gabaon bấy giờ là cao đàn lớn, tức là nơi thờ phượng chính yếu. Ở
đó, ông đã được Thiên Chúa hiện ra. Người hỏi ông xin gì? Ông không xin những
điều như các vị hoàng đế thời ấy hằng ước nguyện, tức là được giàu sang và thế
lực. Ông chỉ xin "được tấm lòng biết nghe để phân xử việc dân, để biết
biện minh điều phải trái". Ông chỉ xin sự khôn ngoan.
Chính việc ông đến Gabaon
để dâng lễ đã là một thái độ khôn ngoan rồi. Khác với Saul và Ðavít, ông không
phải là vị vua được xức dầu, theo nghĩa được Chúa tuyển chọn. Ông làm vua theo
di chúc của cha là Ðavít, tức là theo truyền thống loài người cha truyền con
nối. Sự kiện này không thuận lợi một tí nào ở nơi một dân tộc mà truyền thống
ai trị dân chỉ điều hành thay mặt Chúa. Salômon cần được tư cách thần quyền ấy.
Ông đã khôn ngoan đi dâng lễ ở Gabaon. Và ông đã được Chúa công nhận khi hiện
ra với ông.
Ông cũng khôn ngoan khi
trả lời câu Chúa hỏi. Ông vào đề rất khéo, gợi đến lòng nhân nghĩa lớn lao của
Người, đặc biệt đối với Ðavít thân phụ ông. Ông hạ mình tự xưng còn như một đứa
trẻ bé mọn, chưa biết ngõ ra lối vào, tức là các cách cư xử ở đời. Thế nên ông
chỉ xin được sự khôn ngoan của bậc trị dân, là biết phân xử công minh... Và ông
thật sự đã khôn ngoan khi quan niệm chính việc trị dân này. Theo ông, muốn cai
trị khôn ngoan phải có tấm lòng biết nghe Luật Chúa, nghe tiếng nói của lương
tri, nghe lẽ phải của chân lý để đem ra mà phân xử và biện minh.
Tuy nhiên ngày nay ta có
thể nói: Salômon vẫn chưa khôn ngoan hoàn toàn. Ông xin được ơn cai trị khôn
ngoan mà quên nghĩ đến việc sống khôn ngoan. Nghĩa là ông sẽ khôn việc của
người, mà dại việc của mình. Lịch sử đã cho thấy như vậy. Ông phân xử việc dân
một cách tuyệt diệu; nhưng đời tư của Salômon lại mù quáng sống theo dục vọng,
để cho nhiều phụ nữ dân ngoại kéo vào con đường tà giáo lầm lạc. Như vậy, ông
vẫn chưa phải là người khôn ngoan hoàn toàn. Lý tưởng khôn ngoan của Cựu Ước
còn phải được bổ khuyết. Nói đúng hơn, sự khôn ngoan xử thế chưa bảo đảm hạnh
phúc. Tiếng nói cuối cùng, lời mạc khải hoàn toàn về sự khôn ngoan đã được
chính Ðấng Khôn Ngoan tuyên bố trong bài Tin Mừng hôm nay khi Người mô tả con
người khôn ngoan của Nước Trời.
B. Người Khôn Trong Nước Trời
Kẻ khôn ngoan đó là người
kia gặp thấy một kho báu giấu trong ruộng liền vui mừng đi bán tất cả những gì
anh có mà tậu thửa ruộng ấy. Kẻ đó cũng là thương gia nọ rảo tìm ngọc quý, gặp
được một viên ngọc trai đắt giá, liền đi bán sạch mọi điều ông có mà mua lấy.
Cuối cùng kẻ khôn ngoan đó cũng là người gia chủ biết rút tự trong kho tàng của
ông ra điều mới và điều cũ.
Chúng ta đã hiểu những ví
dụ ấy chưa? Hồi Chúa Yêsu kể các dụ ngôn như thế cho các môn đệ, họ đã hiểu. Họ
biết Người nói về họ và Người khuyên bảo họ. Hầu hết những người trong bọn họ
đều đã may mắn gặp được Ðức Yêsu. Họ thấy Người có lời hằng sống, nên họ bỏ mọi
sự kể cả cha mẹ, lưới thuyền để đi theo Người. Một vài người đã trở thành môn
đệ một cách hơi khác. Họ giống như thương gia rảo tìm ngọc quý, tức là ưu tư
thao thức đi tìm chân lý. Họ đã tò mò nhìn theo Ðức Yêsu, rồi đến ở với Người
và đã khám phá ra Người.
Nhưng bây giờ, sau khi đã
được làm quen với giáo lý mới mẻ của Người, họ còn phải tiến bộ hơn nữa, bắt
chước người gia chủ biết rút tự trong kho điều mới và điều cũ. Muốn hiểu hình
ảnh này, chúng ta phải nhớ tới thời xa xưa, khi mà của cải và phương tiện vật
chất không được dồi dào và khó mua sắm. Người nào khôn cũng phải có kho, có
lẫm. Và hễ có được của gì là phải chất vào kho để khi cần thì lôi ra; và thường
lôi của mới trước và của cũ sau. Thế thì người khôn ngoan trong Nước Trời cũng
vậy, phải lấy giáo lý mới của Ðức Yêsu ra mà sống; nhưng đồng thời cũng không
được bỏ những cái cũ là giáo lý của Cựu Ước.
Như vậy, đối với Chúa
Yêsu, người khôn chính là kẻ phải biết từ bỏ mọi sự mà đi theo Người; và khi đã
đi theo Người, phải sống hết lời mạc khải mới và cũ của Chúa. Ai làm như thế sẽ
là những cá tốt trong ngày cánh chung. Còn ai không đón nhận Nước Trời mà Ðức
Yêsu mang lại, sẽ là cá xấu bị loại ra trong ngày sau hết.
Do đó, Ðức Kitô đã đề ra
một lý tưởng về sự khôn ngoan khác với Salômon. Vị hoàng đế khôn ngoan này đã
nghĩ rất đúng khi quan niệm người khôn phải biết nghe Lời Chúa và đem ra thực
hành. Nhưng ông thu hẹp phạm vi áp dụng nguyên trong lãnh vực chính trị xã hội.
Ông đã khôn ngoan trong việc xử thế trị dân, nhưng đã ra mù quáng trong đời tư
khi chạy theo dục tình và phụ nữ ngoại bang. Cuối cùng cơ đồ do ông gây dựng đã
sụp đổ ngay sau khi ông mất vì nó chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài, còn bên trong
thì hư nát.
Ðức Kitô đã đến tuyên bố
đây có Ðấng còn cao trọng hơn Salômon. Người đặt lý tưởng khôn ngoan nơi thái
độ biết hy sinh từ bỏ mọi sự vì Nước Trời và biết sử dụng mọi khả năng trong
kho tàng của mỗi người. Và như vậy bất cứ ai cũng có thể trở thành người khôn.
Và người khôn như vậy sẽ xây dựng được cơ đồ tồn tại đến muôn đời, không sợ bị
loại bỏ trong ngày chung thẩm.
Nói đúng hơn khi kể dụ
ngôn về lưới cá tiếp theo hai dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc, dường như thánh
Matthêô muốn cảnh giác chúng ta đừng quá vui mừng vì đã tìm được Nước Trời mà
quên viễn tượng ngày phán xét. Người ta phải lo việc phần rỗi với lòng kính sợ
vì "kính sợ Chúa là đầu sự khôn ngoan".
Tất cả những giáo lý trên
đã được thánh Phaolô đem ra thực hành. Và ít có ai xứng đáng hơn người để mang
tước hiệu "người ký lục đã được thụ giáo về Nước Trời". Chính người
đã khẳng định nhiệt tình với Luật cũ hơn bất cứ đồng bạn Biệt phái nào; nhưng
lại được mạc khải cho biết chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của kế hoạch thâm
sâu cứu độ mới. Chúng ta hãy nghe người khuyên nhủ chúng ta hôm nay về niềm tin
của người khôn.
C. Niềm Tin Của Người Khôn
Người khôn, như Chúa dạy,
phải biết rút tự trong kho ra điều mới và điều cũ. Thánh Phaolô, trong câu đầu
bài thư hôm nay cũng nói: với những ai yêu mến Thiên Chúa, thì Người đồng công
cộng tác biến mọi sự nên lành. Chúng ta cứ đồng hóa người khôn với người yêu
mến Thiên Chúa, thì mọi sự đều nên lành cho người ấy. Không những các điều mới
và cũ đều tốt cho họ, mà hoàn cảnh thuận cũng như nghịch đều nên lành cho họ.
Bởi lẽ người ấy đã nằm trong tiền định của Thiên Chúa.
Quan niệm tiền định này có
thể gây ra nhiều thắc mắc. Nó thường khiến chúng ta hình dung Thiên Chúa từ đời
đời đã quyết định cho một số người được cứu vớt và một số người khác phải hư
đi. Rồi nó khiến chúng ta đưa ra những kết luận kỳ quặc: nào là con người mất
tự do; cố gắng hay không, số phận cũng đã được đặt định rồi.
Chúng ta không biết rằng
suy nghĩ như vậy là lầm lạc và rối đạo. Khi nói Thiên Chúa tiền định cứu vớt
chúng ta, thánh Phaolô muốn nói đến ý chí cương quyết của Thiên Chúa muốn cứu
vớt mọi người. Quan niệm tiền định của người gắn liền với ý tưởng Thiên Chúa
muốn cứu chuộc mọi dân nước. Người muốn cứu rỗi tất cả chúng ta nguyên vì lòng
nhân đạo của Người, trước khi chúng ta có ý tưởng trở về với Người để được rỗi.
Người sáng nghĩ ra kế hoạch chuộc tội trước khi chúng ta có ý tưởng về việc đó.
Người yêu chúng ta trước đang khi chúng ta còn là tội nhân chẳng có gì đáng
thương.
Quan niệm tiền định chỉ có
ý nghĩa như vậy. Nó nói lên bước đi trước nhưng không của Thiên Chúa đến với
chúng ta. Nó cho ta thấy Người yêu thương chúng ta trước. Người đặt ra kế hoạch
cứu độ mọi người, trước mọi suy tư hành động về phía chúng ta.
Và như vậy, quan niệm tiền
định chỉ nói lên lòng tốt nhưng không của Thiên Chúa; ý chí thương yêu cứu độ
từ đời đời của Người. Còn việc người này người nọ được cứu độ hay không là tùy
ở người ấy có muốn đón nhận ơn Chúa và đáp lại kế hoạch cứu độ của Người hay
lại từ chối và bác bỏ. Thiên Chúa biết trước thái độ của mỗi người, nhưng Người
không định. Thái độ của con người là do chính con người định đoạt. Họ có thể
quyết định theo Chúa hay không theo Chúa. Còn chính Thiên Chúa thì Người đã
tiền định cứu vớt mọi người và đã sai Con Một Người chịu chết để đền bù tội lỗi
của hết thảy chúng ta.
Và ý chí tiền định cứu độ
này thật là quyết liệt và dứt khoát. Thánh Phaolô trong câu nói cuối cùng của
bài thơ hôm nay đã khẳng định điều ấy. Người nói vì Thiên Chúa đã tiền định cho
chúng ta được cứu độ, nên Người đã kêu gọi chúng ta; kêu gọi rồi, Người giải án
tuyên công cho chúng ta, tức là tha thứ tội lỗi cho chúng ta và ban cho chúng
ta quyền làm nghĩa tử và thừa tự; và sau khi đã được như thế, chúng ta sẽ được
tôn vinh sau này ở trên trời.
Phúc cho ai có niềm tin
như vậy. Ðó là người khôn của Nước Trời, là người nắm lấy tất cả Lời Hứa Cũ và
Mới, là người được cả đời sau lẫn đời này, chứ không nhu Salômon chỉ ao ước
được cuộc sống hiện tại. Vì con người như thế sẽ "đồng hình đồng dạng với
hình ảnh của Con Thiên Chúa" và Ngài nên Trưởng tử giữa một đàn em đông
đúc.
Chúng ta giờ đây tham dự
Thánh lễ. Chúng ta mong gì nếu không phải là muốn được kết hợp với Chúa Yêsu
Kitô nên một thân thể, để chúng ta đồng hình đồng dạng với Người và để Người là
Ðầu của tất cả chúng ta là anh em đông đúc của Người. Chúng ta làm được công
việc ấy là đi vào tiền định của Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta. Chắc chắn
chúng ta được giải án tuyên công và sau này được tôn vinh hiển trị. Công việc
duy nhất hàng ngày phải làm là cố gắng đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô và tôn
dương Người là Trưởng tử của một đàn em đông đúc, tức là cố gắng sống theo
gương Chúa Yêsu và phục vụ Người nơi anh em. Cố gắng ấy, chúng ta làm được khi
có niềm tin của người khôn trong Nước Trời, niềm tin mà giờ đây chúng ta sốt
sắng tuyên xưng để đi vào mầu nhiệm Thánh lễ.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)