Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 17

CHỦ NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

imagesCAO3QLPX.jpgHi vọng, có thể định nghĩa như là mạo hiểm thúc ép tình yêu Thiên Chúa. Một người bạn của Thiên Chúa là ông Abraham dám liều mạng ra trước nhan Người nài nỉ cho dân Do thái. Tâm hồn của Thiên Chúa rộng lượng đến độ sẵn sàng nghe người khác van nàiHi vọng, có thể định nghĩa như là mạo hiểm thúc ép tình yêu Thiên Chúa. Một người bạn của Thiên Chúa là ông Abraham dám liều mạng ra trước nhan Người nài nỉ cho dân Do thái. Tâm hồn của Thiên Chúa rộng lượng đến độ sẵn sàng nghe người khác van nài. Đó là vì Thiên Chúa sẵn sàng mở rộng bàn tay và ban cho con cái Người sự sống trong Đức Ki tô. Nếu thế thì tại sao chúng ta lưỡng lự? Dù xin gì đi nữa, Thiên Chúa biết điều mà chúng ta đang cần đến. Rốt cục, Người sẽ ban cho chúng ta Thần khí của Người và ban cách dư dật.

Sách Sáng thế 18,20-32

Ông Abraham nài nỉ Thiên Chúa, và cuối cùng Người đã bằng lòng chấp nhận những yêu cầu ông đưa ra. Thiên Chúa chờ đợi con người xin để tha thứ. Nếu tất cả người ki tô hữu cầu nguyện, thì nhiều chuyện đã thay đổi! Bình an của thế giới ở cuối đường cầu nguyện của con người.

Thánh vịnh 137

Thánh vịnh nầy là lời chúc tụng và tạ ơn bởi vì Thiên Chúa đã nghe tôi tớ của Người. Người quan tâm đến lời cầu nguyện của lòai người. Người giải thoát họ.

Thư Cô lô sê 2,12-14

Trong Chúa Giê su chết vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa đã tỏ cho thấy tình yêu viên mãn của Người. Người giải thoát chúng ta khỏi thế giới bị kết án, điều mà sự Cắt bì của do thái giáo không thể hòan thành được. Người làm cho chúng ta được sống. Hồng ân mà Người mong muốn chia sẻ cho tất cả mọi người đó là một sự Phục sinh.

Tin mừng Lc 11,1-13

NGỮ CẢNH

Đoạn văn nầy nằm trong phần giáo huấn của Chúa Giê su cho các môn đệ trên đường đi về Giê ru sa lem.

Chúng ta có thể đọc bản văn theo bố cục sau đây:

1. các môn đệ xin Chúa Giê su dạy cho họ cầu nguyện và Ngài đã dy họ một lời cầu nguyện mẫu mực (11,1-4).

2. Chúa Giê su kể dụ ngôn về anh bạn quấy rầy. Dụ ngôn nầy của riêng Lu ca (11,5-8).

3. Chúa Giê su triển khai thêm giáo huấn bằng lời mời gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, Người luôn luôn nhậm lời (11, 9-13)

TÌM HIỂU

Một ngày kia: Mát thêu thường gom các giáo huấn của Chúa Giê su thành các diễn từ dài (như kinh Lạy Cha được đặt trong bài diễn từ trên núi). Trái lại Lu ca thì thích dàn trải ra trong nhiều hòan cảnh đặc biệt: x. 11,37; 12,1;13,1; vv). Ông ít để ý đến thời gian và nơi chốn Chúa Giê su dạy về sự cầu nguyện. Điều chủ yếu là Ngài cầu nguyện và Lu ca thường hay ghi chú điều đó. Do đó, lời kinh mà giờ đây Chúa Giê su dạy các môn đệ là lời vọng lại lời kinh của chính Ngài.

Ông Gioan: tác giả đã có dịp so sánh giữa các môn đệ của ông Gioan và các môn đệ của Chúa Giê su khi nói về việc ăn chay và cầu nguyện (5,33). Có lẽ đây là một dấu vết cho thấy có tranh chấp giữa hai nhóm. Có thể là các môn đệ của ông Gioan có lời kinh riêng của nhóm như vẫn thường thấy trong các nhóm tôn giáo, và các môn đệ Chúa Giê su cũng muốn có lời kinh riêng giống như thế.

Anh em hãy nói: kiểu thức kinh Lạy Cha trong Lc dài hơn trong Mát thêu thường được truyền thống và phụng vụ sử dụng hơn. Tuy nhiên, bản văn ngắn hơn của Lu ca có lẽ gần với chính lời của Chúa Giê su hơn.

Lạy Cha: Tiếng gọi đơn giản mà Chúa Giê su sử dụng trong vừơn cây dầu (22,42), chắc chắn tương ứng với tiếng kêu Cha là Abba, được để nguyên như vậy trong Mc 14,36 ở cùng một hoàn cảnh tương tự. Điều đó giả thiết sự thân mật cha con hơn là cách thức long trọng “Lạy Cha chúng con” trong Mt 6,9.

Danh thánh Cha: danh là một cách nói kính trọng để chỉ Thiên Chúa. Nguyện Danh Thiên Chúa hiển thánh có nghĩa là Thiên Chúa được nhìn nhận và tỏ hiện như là thánh, nghĩa là hòan toàn ngược lại với tội lỗi, và là đấng độc nhất, đấng Hoàn toàn Khác. Bởi vì chỉ có mình Thiên Chúa là thánh, Người là đấng độc nhất có thể “làm cho danh Người hiển thánh”. Các tín hữu được mời gọi nhìn nhận và bày tỏ sự thánh thiện của Thiên Chúa. “Ta sẽ biểu dương danh thánh thiện vĩ đại của Ta […]. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng” (Êd 36,23).

Triều đại Cha: Triều đại Thiên Chúa đã gần đến (10,9). Luca có lẽ đã nghĩ rằng lời cầu xin thứ hai nầy đã đủ và do đó đã không thêm như trong Mt: “Xin thánh ý Cha được thể hiện, trên trời cũng như dưới đất”

Hằng ngày: ý nghĩa của từ nầy trong tiếng hi lạp dịch như thế là không chắc chắn. Có thể chỉ bánh ăn mỗi ngày, hoặc là bánh ngày mai. Kiểu nói “hằng ngày” của bản dịch bao gồm cả hai khía cạnh. Trong trường hợp đó có thể nói đến bánh vật chất.

Lời xin nầy không đi ngược lại các lời dạy của Chúa Giê su về sự từ bỏ, về lòng phó thác nơi Thiên Chúa Quan phòng và sẵn sàng chờ đợi Chúa trở lại, đặc biệt trong đoạn 12, 22-40.

Bản dịch Vulgata, trong kinh Lạy Cha theo Mt, dịch từ nầy bằng “super substantialem” (= siêu nhiên). Từ ấy không lọai bỏ khía cạnh lương thực cho thân xác, có thể chỉ Lời Thiên Chúa, hay Thánh Thể, bánh bởi trời, theo đường hướng mà chúng ta tìm thấy trong Ga 6,31-33 hay trong Lc 4,4.

Nếu “bánh” mà chúng ta xin thuộc về triều đại tương lai, thuộc thế giới thiên quốc, chắc chắn chúng ta không thể trách người xin được bánh hằng ngày.

Tội chúng con: Từ “nợ nần” đầy âm hưởng sê mít trong bản Mt được Luca dịch là “tội”, và đã được khai triển trong dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót (Mt 18,23-35). Tuy nhiên Lu ca quay trở lại ý niệm nầy khi nói về người “mắc nợ” ở cuối câu. Ngòai ra, ông còn dựa trên hình ảnh nợ nần để khai triển một dụ ngôn riêng của ông (7,41-43).

Đối với Mt cũng như Lc, sự tha thứ có tính hiện tại và người ta phải luôn luôn tha thứ: “chúng tôi tha thứ”.

Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ: cùng một kiểu nói như trong Mt. Dịch sát chữ: “Xin đừng để chúng con bị cám dỗ”. Sự cám dỗ ở đây không phải là cám dỗ đưa đến tội lỗi, nhưng là thử thách đức tin, bắt đầu từ gương xấu của các môn đệ trong cuộc khổ nạn. Dường như Lc gán cho cám dỗ ý tưởng nền tảng ấy, bởi vì ông không thêm vào như Mt: “nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ”. Sau nầy, Chúa Giê su sẽ nói điều tương tự với các môn đệ của Ngài trên núi Ô liu: “Anh em hãy cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (22,40-46).

Một người bạn: người ta thường gọi dụ ngôn nầy là: “người bạn quấy rầy”. Thật vậy, nó nhằm đề cao sự cần thiết phải khẩn khoản và lặp đi lặp lại trong cầu nguyện (x. 18,1-8).

Nhưng trước tiên, người ấy lại là một người bạn bị quấy rầy. Lời cầu khẩn của anh không ích kỉ, nhưng phát xuất từ nhu cầu của một người khác và từ lòng bác ái huynh đệ. Nhiều chi tiết khiến cho lời cầu xin trở nên khẩn khoản như: “giữa đêm”, “cửa đã đóng”, “đã nằm trên giường”.. Kết lưận chỉ được đưa ra vào lúc kết thúc phần khai triển đi sau đó: “Cha anh em trên trời sẽ ban Thánh Thần cho anh em hơn biết mấy..” (11,13). Cũng cùng một lí luận như vậy trong 18,1-8.

Thầy bảo anh em: Chúa Giê su thêm vào dụ ngôn một lời kêu gọi hãy tin vào sự phong phú nơi ơn ban của Thiên Chúa. Bằng cách ấy, Ngài hứa với các tín hữu rằng họ sẽ được nhậm lời. Các động từ ở thể bị động nhấn mạnh đến lòng quảng đại của Thiên Chúa: ai xin, sẽ được Thiên Chúa ban cho, ai gõ cửa, sẽ được Thiên Chúa mở cho.

Kẻ xấu: Chúa Giê su không kết án mọi người. Họ chỉ “xấu” đối với Thiên Chúa là Đấng độc nhất tốt lành (18,19).

Thánh thần: trong khi ở Mt 7,11 kết luận: “Cha anh em sẽ ban cho anh em những điều tốt lành” thì ở Lc lại nói “Thánh Thần”. Đó là ơn ban tuyệt vời nhất: điều duy nhất mà người tín hữu có thể xin với sự xác tin sẽ được nhậm lời, là Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,12-14; 2,1-41).

SỨ ĐIỆP

Hôm nay, Chúa Giê su dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện theo gương ông Abra ham. Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy ông Abraham đang đàm thoại thân mật với Thiên Chúa. Ông đang làm một điều ít ai dám làm là liều mạng mặc cả xin Thiên Chúa tha thứ cho thành Sô đô ma tội lỗi. Abraham không cầu xin điều gì cho mình, nên ông không biết sợ và thất vọng. Ông tin chắc chắn Thiên Chúa là đấng công minh, nhưng cũng đầy lòng thương xót. Vì thế, Abraham mạnh dạn mặc cả với Chúa: «Nếu chỉ có mười người, thì Chúa có tha thứ không ?.. »

Nếu chúng ta tham chiếu các bản văn Thánh Kinh khác, chúng ta sẽ khám phá ra rằng ông Abraham còn có thể đi xa hơn trong lời mặc cả của mình. Như sau nầy Tiên tri Giê rê mi a sẽ làm bước ấy khi nghĩ rằng một người thôi cũng đủ được tha thứ: “Đi rảo khắp các đường phố Giê ru sa lem, hãy tìm nơi các công trường một người duy nhất biết thi hành luật pháp, biết sống cho chân thât. Bấy giờ ta sẽ tha thứ cho thành” (Gr 5,1).

Cuối cùng các thành Sô đô ma và Gô mô ra đã bị hủy diệt. Vấn đề không phải là tìm xem điều đó có thực sự xảy ra như thế không. Có thể có do một tai ương nào đó. Nhưng điều quan trọng hơn cả ở chỗ khác. Nó nằm trong sự kiện là Thiên Chúa thích con người bào chữa cho anh em mình. Như ông Môi sê,  khi thấy dân mình cúi mình thớ lạy con bò vàng làm ra,  ông liền bắt đầu khẩn xin Thiên Chúa tha thứ.

Người ta phải tìm đến sách tin mừng để tìm một người công chính thực sự duy nhất có thể mang lại sự tha thứ cho tất cả. Ơn tha thứ mà Ngài nhận được không nhắm cho một thành phố nữa mà là cho cả nhân lọai. Kinh nguyện Thánh Thể thứ hai xin ơn giải hòa nói rằng: “Con Một Chúa, người công chính duy nhất đã tự hiến trong tay chúng con và đã bị đóng đinh vào cây thập giá”. Vậy chính nhờ Người mà tất cả mọi người ở mọi thời đã được cứu thoát. Đó là cách làm của Thiên Chúa: vì một người công chính duy nhất, Người đã tha thứ cho muôn người. Đó cũng là vai trò của chúng ta, các môn đệ của Chúa, dù chúng ta là con số ít ỏi.

Chúng ta phải hiểu cho đúng: đó không phải là vấn đề con số mà là vấn đề tình yêu và hiến dâng cuộc sống. Vai trò của chúng ta là sống như những ngừơi công chính với Chúa Giê su, đó cũng là cầu thay cho tất cả những người chung quanh chúng ta. Chúa Giê su đòi chúng ta phải là những người cầu nguyện, cầu thay cho đám đông.

Cách cầu nguyện hay nhất là học trường Chúa Giê su, đó là xin Ngài dạy chúng ta cầu nguyện. Và Chúa Giê su đã để lại cho chúng ta lời cầu nguyện của Ngài. Chúng ta được nhận tham dự vào lời cầu nguyện của Ngài. Đó thực sự là một tin mừng vì nếu Chúa Giê su hiện diện, chính là để tỏ cho chúng ta biết Ngài là con đường duy nhất dẫn tới Cha. Chính Ngài là đường, là sự thật và là sự sống; tất cả những ai muốn cầu nguyện đều phải qua Ngài.

Lời kinh mà Chúa Giê su dạy chúng ta hướng chúng ta về Thiên Chúa là Cha, về tình yêu nơi Danh Thánh Ngài. Khi Thánh Kinh nói với chúng ta về Danh thì đó chính là Thiên Chúa. Vì thế tất cả mọi người cần phải nhận biết Ngài là Cha yêu thương say đắm con cái mình như thế nào. Nguyện cho Danh Thiên Chúa được vinh hiển có nghĩa là nhìn nhận sự cao cả của Người, sự bao la nơi tình yêu của Người.

“Xin cho nườc Cha trị đến!”. Vương quốc của Thiên Chúa là điều mà chúng ta phải tìm kiếm trước tiên bởi vì nó giải phóng thế gian và tâm hồn con người.

“Xin cho Thánh ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Thánh ý của Thiên Chúa không phải là ý muốn của một nhà độc tài áp đặt lề luật của mình. Trái lại, ý muốn của Thiên Chúa Cha là tất cả mọi người đều được cứu độ.

Xin cho chúng con hôm nay lương thực ngày này!”. Chúng ta nghĩ đến thức ăn nuôi dưỡng thân xác, nhưng cũng đến Lời Thiên Chúa nuôi dưỡng đức tin của chúng ta. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta, và cho những người khác, bởi vì tất cả đến từ Người. Chính Người làm cho chúng ta được sống.

“Xin tha cho chúng con tội lỗi của chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người xúc phạm đến chúng con”. Tất cả chúng ta đều biết tha thứ cho người khác khó khăn như thế nào. Khi vết thương do một người mà chúng ta yêu quí gây ra, thì thực là đau đớn. Ngày hôm nay, Chúa Giê su nói rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ trước tiên. Ngài mở tâm hồn chúng ta và giải thoát chúng ta.

“Xin đừng để chúng con thua chước cám dỗ nhưng cứu chúng con khỏi mọi sự dữ”. Bị cám dỗ tức là muốn quay lưng chống lại Thiên Chúa. Thánh Gia cô bê xác định rõ: “Đứng có ai nói rằng: cơn cám dỗ đến từ Thiên Chúa; Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu và cũng không cám dỗ ai. Người ta bị cám dỗ vì bị mê hoặc và lôi kéo bởi sự ham muốn riêng của mình. Lời cầu ấy có nghĩa là: “Đừng để chúng con thua chước cám dỗ của Tên Cám dỗ tức là Ma quỉ. Cơn cám dỗ nặng nề nhất là nghi ngờ về tình yêu của Thiên Chúa.

Hôm nay, Chúa Giê su nhấn mạnh nhiều đến sự quan trọng của lời cầu nguyện: “Hãy xin thì sẽ được !” Ngài không nói rằng chúng ta sẽ lãnh nhận đúng điều mình xin. Nhưng Ngài không bao giờ bác bỏ điều mà chúng ta xin. Người yêu thương chúng ta tất cả như con cái Người, cả những kẻ bị lọai trừ, bị gạt ra bên lề xã hội. Người biết chúng ta cần gì trước khi chúng ta cầu xin Người.

Nếu Ngài bảo chúng ta phải tha thiết cầu nguyện chính là để chúng ta xứng đáng lãnh nhận nhiều hơn điều Ngài muốn ban cho chúng ta. Khi hướng về Thiên Chúa, chúng ta học được cách thức chiều theo tình yêu của Người. Khi đến gần Người, tâm hồn chúng ta mở ra cho Thánh Thần của Người, Những vấn đề của chúng ta không được giải quyết ngay tức khắc đâu, nhưng chúng ta không cô đơn vì chúng ta sống với Người.

Khi chúng ta tập họp để cử hành lễ Tạ ơn, Chúa hiện diện để dạy chúng ta cầu nguyện. Chúng ta hãy không ngừng cầu nguyện, cầu cho thế gian tội lỗi nầy. Ứơc gì lời kinh của chúng ta thực sự phổ quát, truyền giáo, và ước gì trọn cuộc đời của chúng ta là lời kinh giữa mọi người, ngỏ hầu tất cả đều được cứu thoát. AMEN.

ĐÀO SÂU

1. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một kể lại việc ông Abraham tha thiết cầu xin Thiên Chúa vì những người công chính, tha thứ tội lỗi cho thành Sô đôma và đừng đánh phạt họ.

2. HỎI: Điểm đặc biệt trong bài đọc một là gì?

THƯA: Bài đọc cho thấy đây là lần đầu tiên người ta dám tưởng tượng rằng một người phàm lại có thể can thiệp vào chương trình của Thiên Chúa.

3. HỎI: Lời cầu nguyện phải có tầm mức như thế nào?

THƯA: Bài đọc một dạy chúng ta không chỉ cầu nguyện cho bản thân mình, nhưng phải cầu nguyện cho tất cả mọi người. Lời cầu nguyện ấy phải dành cho mọi người như lời cầu nguyện của ông Abraham và Kinh Lạy Cha mà Chúa Giê su dạy các môn đệ.

4. HỎI: Tại sao lời cầu nguyện tuyệt hảo của các Kitô hữu là “Kinh Lạy Cha”?

THƯA: Được gọi là “Kinh Lạy Cha” vì lời kinh bắt đầu bằng lời “Lạy Cha chúng con”. Đó là lời kinh tuyệt hảo vì là “Kinh của Chúa dạy”. Theo Tin Mừng Luca 11,1, lời kinh ấy đã được chính Chúa Giêsu dạy cho các môn đồ. Sau khi đã chứng kiến Ngài cầu nguyện, các môn đồ đã xin Ngài dạy họ cầu nguyện, giống như Gioan Tẩy Giả đã dạy các môn đệ của ông.

5. HỎI: Về kinh Lạy Cha, đâu là sự khác biệt giữa Mát thêu và Lu ca?

THƯA: Bản kinh trong tin mừng thánh Lu ca ngắn hơn bản kinh trong tin mừng thánh Mát thêu. Đó là hai bản kinh được sử dụng trong các cộng đoàn Ki tô hữu tiên khởi khác nhau. Lúc bấy giờ, người ta quan tâm đến việc làm sao trung thành với ý muốn của Chúa Giê su hơn là tìm cách đọc lại đúng từng chữ trong lời kinh Chúa dạy.

6. HỎI: Trong Kinh Lạy Cha có bao nhiêu lời cầu xin?

THƯA: Trong Kinh Lạy Cha có bảy lời cầu xin, đi sau lời mở đầu. Ba lời đầu tiên hướng tới Thiên Chúa, còn bốn lời sau hướng về con người.

7. HỎI: Tại sao có hai chiều kích ấy?

THƯA: Cuộc sống người Ki tô hữu được thực hiện qua những tương quan chiều đứng với Thiên Chúa và chiều ngang với người khác. Bỏ qua một trong hai tương quan ấy, con người đánh mất sự quân bình và duy nhất cần thiết của mình.

8. HỎI: Lời mở đầu: “Lạy Cha” có nghĩa gì?

THƯA:  Gọi Thiên Chúa là Cha tóm tắt toàn bộ mạc khải mà Chúa Giê su mang đến cho con người. Thiên Chúa đấng toàn năng, tạo dựng trời đất muôn vật không phải là một Vị Thần dùng sức mạnh áp chế con người, mà là một Thiên Chúa yêu thương, muốn cứu chuộc loài người bằng tình yêu thương.

9. HỎI: Tại sao chúng ta có thể nói rằng chúng ta là con của Thiên Chúa?

THƯA: Chúng ta là con tnc vì: 1. Người đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người, gìn giữ và cai trị chúng ta bằng tình yêu quan phòng của Người; 2. Người đã nhận chúng ta là nghĩa tử, là em của Chúa Kitô và cùng thừa kế với Ngài trong Vinh quang vĩnh cửu, qua bí tích rửa tội. Ngoài ra, chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha chúng ta, chứ không là Cha tôi, bởi vì tất cả chúng ta đều là con của một Cha trên trời, và vì vậy chúng ta phải quan tâm đến tất cả và yêu thương nhau như anh em và cầu nguyện cho nhau.

10. HỎI: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, tại sao chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con, đấng ngự trên trời?” (theo Thánh Mát thêu, và kinh thường đọc)

THƯA: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nhưng chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời”, là để nâng tâm hồn chúng ta lên thiên quốc (hình ảnh của những gì vượt qua chúng ta), nơi mà Thiên Chúa tỏ mình ra trong vinh quang cho con cái Người. Đàng khác, Thánh Mát thêu thích diễn tả Thiên Chúa là Đấng ngự trên trời.

11. HỎI: “Nguyện Danh vinh hiển” có nghĩa gì?

THƯA: Trong Kinh Thánh, tên tức là Người; nói rằng Thiên Chúa là thánh có nghĩa là Người trổi vượt trên tất cả mọi sự, chúng ta không thể thêm gì vào Mầu nhiệm Người cả. Vì thế xin cho Danh Người được vinh hiển có nghĩa là “xin Người tỏ ra cho mọi người biết là Thiên Chúa”.

12. HỎI: “Triều đại Cha mau đến” là gì?

THƯA: Lời cầu xin nầy giống như lời cầu xin thứ nhất, được diễn tả theo lời rao giảng của Chúa Giê su. Ngài đã đến trần giảng rao giảng tin mửng về Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Ngài đã hiến mạng sống để qui tụ tất cả mọi người trong một dân tộc. Chúng ta cầu xin cho mọi người được gia nhập Vương quốc ấy bằng cách lãnh nhận ơn Cứu độ Ngài ban cho.

13. HỎI: “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”?

THƯA: Chúng ta xin Chúa ban cho chúng ta lương thực cần dùng trong mỗi ngày sống. Thời xuất hành, Manna rơi xuống mỗi ngày trong sa mạc dạy dân Chúa hằng ngày tin tường vào sự quan phòng của Người (Xh 16). Vì thế lời cầu ấy mời gọi chúng ta đừng lo lắng cho ngày mai nhưng hãy lãnh nhận mỗi ngày lương thực cần dùng như là quà tặng của Thiên Chúa, và chia sẻ mối quan tâm Thiên Chúa nuôi dưỡng con cái mình..

14. HỎI: “Xin tha tội cho chúng con..” có nghĩa gì”?

THƯA: Thiên Chúa không chỉ là Đấng ban ơn, tự hiến mà còn tha thứ nữa. Tội lỗi đã đặt giữa Thiên Chúa và con người  một chướng ngại mà chỉ Người mới có thể cất đi bằng lòng thương xót vô biên của Người. Và để chúng ta hưởng được lòng thương xót ấy, chúng ta cần phải biết tha thứ cho anh em mình. Ai biết hòa giải với anh em mình, người ấy mới sẵn sàng được lãnh nhận ơn hòa giải với Thiên Chúa.

15. HỎI: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” có nghĩa gì?

THƯA:  Thiên Chúa  không bao giờ cám dỗ ai cả, nhưng luôn luôn tôn trọng sự tự do chọn lựa của con người, và do đó chấp nhận con người bị nguy cơ cám dỗ và thua cuộc. Chúa Giê su làm người, khi phải chọn lựa, cũng đã phải trải qua những cơn cám dỗ, nhưng đó là cơ hội tốt để đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa Cha.

16. HỎI: Trong dụ ngôn người bạn bị quấy rầy, Chúa Giê su muốn dạy điều gì?

THƯA:  Chúa Giê su minh họa giáo huấn về cầu nguyện của Ngài bằng cách kể dụ ngôn người bạn bị quấy rầy. Cầu nguyện với Thiên Chúa cần phải kiên trì. Chính Chúa Giê su đã từng cầu nguyện liên lỉ trong suốt cuộc sống của Ngài: suốt 40 ngày trong sa mạc, suốt đêm trong đời sứ vụ công khai, và hằng giờ trước khi bị bắt.

17. HỎI: Tại sao phải kiên trì cầu nguyện?

THƯA:  Vì Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành, hơn hết mọi người Cha trần gian. Không những Người ban những gì người ta cầu xin, mà còn sẽ ban tất cả những gì cần thiết cho con người.

18. HỎI: Ơn ban quí giá nhất của Thiên Chúa là gì?

THƯA:  Đó là ơn ban Thánh Thần. Thánh Thần là Đấng soi sáng chúng ta ta biết đâu là thánh ý Thiên Chúa, hướng dẫn chúng ta trong đức tin, dạy chúng ta sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, và ban sức mạnh để chúng ta hướng dẫn và soi sáng người khác.

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Trần T. Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Thứ Bảy tuần XVII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHÚA GIÊSU TẠI QUÊ NHÀ. Nt Maria Anh Thư, OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Tư sau Chúa Nhật XVII Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Hai sau Chúa Nhật XVII Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌM ĐÂU RA BÁNH CHO THA NHÂN?. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: BÀI HỌC TIẾT KIỆM. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: THIÊN CHÚA ĐÁP ỨNG CHO SỰ ĐÓI KHÁT CỦA CON NGƯỜI. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     HÃY TÌM ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ SU VÀ HÃY CỘNG TÁC VỚI NGƯỜI. Lm. Giuse Lê Minh Thông
     SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN NĂM A- NƯỚC TRỜI. Lm Giuse Trần Quang Thắng