THỨ SÁU XVII THƯỜNG NIÊN
CHÚA GIÊSU TẠI QUÊ NHÀ
LỜI CHÚA: Mt 13, 54-58
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao?Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.
SUY NIỆM
Trình thuật Tin Mừng theoThánh Matthêu thuật lại cho chúng ta biết, sau một thời gian bôn ba khắp nơi giảng dạy và chữa bệnh cho thiên hạ, hôm nay Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về quê nhà Nagiarét với hy vọng giúp ích được gì cho những người thân vì Người không muốn cảnh “làm phúc nơi nao để cầu ao rách nát”. Thế nhưng Người đã thất vọng ê chề vì thái độ khinh miệt và cứng lòng tin của người dân địa phương. Lửa nhiệt tình nơi Chúa đã bị dập bởi một gáo nước lạnh và Người không ra khỏi vòng cương tỏa của con người với quan niệm “Bụt nhà không thiêng”.
Họ tra hỏi về nguồn gốc thân thế gia đình, anh em họ hàng của Chúa Giêsu. Họ tự đặt câu hỏi và tự trả lời: “Bởi đâu ông ngày được như thế. Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao?”Sởdĩ Chúa Giêsu không được đón nhận vì gia đình cha mẹ của Người chỉ là dân lao động bình thường chẳng có gì đặc biệt. Điều đó cho thấy họ ngầm phủ nhận thiên tính của Chúa Giêsu.
Khi giảng dạy ở vùng dân ngoại, Chúa Giêsu được nhiều người ngưỡng mộ vì những lời lẽ khôn ngoan và các phép lạ kèm theo. Thế nhưng tại quê nhà, Chúa Giêsu gần như “bó tay” không thể nào làm phép lạ tại đó. Người đã bị thất bại ngay trên “sân nhà”. Số phận của Chúa Giêsu cũng không khác gì những ngôn sứ khi xưa. Người sẽ phải gánh chịu những phản ứng của người đời, bị từ chối, ganh ghét và bị sát hại. Số phận của Chúa Giêsu là số phận của một người Tôi Tớ đau khổ, sẵn sàng gánh chịu mọi sự khinh miệt của con người, nhất là người gần gũi hàng xóm láng giềng và cả những môn đệ thân tín nhất.
Giáo hội, hiện thân của Chúa ở trần gian cũng phải chịu số phận như Chúa. Giáo hội đã nỗ lực rất nhiều với công tác truyền giáo để trở thành dấu của tình thương Thiên Chúa cho nhiều người. Thế nhưng thực tế cho thấy ở những nơi được xem là xứ đạo “gốc”, hạt giống Tin Mừng lại thiếu điều kiện để nảy mầm và đơm bông kết trái.
“Gần chùa gọi bụt bằng anh”, đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người đồng hương của Chúa Giêsu khi tỏ ra coi thường quyền năng, những ơn lành và tình thương của Thiên Chúa. Không có gì đau đớn bằng sự phản bội của những người thân. Chúng ta có thể trách móc những người đồng hương của Chúa, nhưng chính chúng ta cũng phải đấm ngực ăn năn vì thái độ thờ ơ của chính mình. Hàng ngày Chúa vẫn thi ân giáng phúc, Chúa vẫn bao bọc chở che, vỗ về an ủi nhưng chúng ta không nhận ra những ơn ấy mà chỉ lo chạy theo tiếng gọi của thế gian, của đam mê xác thịt. Chúng ta sống bên cạnh nhau như những người “quen biết xa lạ” để rồi đánh mất ý nghĩa cao quý của mối tương giao huynh đệ với tha nhân, đánh mất niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.
Là môn đệ của Chúa, chúng ta cũng không thể tránh khỏi những phản ứng tiêu cực của người đời,sẽ gặp thất bại, bị bách hại, bắt bớ... Óc địa phương, óc kỳ thị, dửng dưng ích kỷ đã ăn sâu vào tâm thức khiến chúng ta không bỏ được những thói xấu ấy. Thêm nữa nhìn xã hội hôm nay, người ta chuộng “hàng ngoại”, chạy theo những gì là “đẳng cấp”, “kỹ thuật số” làm sao để được hưởng thụ vật chất cho thật nhiều mà quên rằng giá trị đích thực của cuộc sống là tin vào Thiên Chúa. Người ta dễ dàng chạy theonhững phong trào, những lối sống “không ngày mai” mà quên rằng nơi Chúa Giêsu mới đem lại niềm hạnh phúc đích thực.
Có thể ở bên ngoài chúng ta không từ chối Chúa nhưng tận sâu trong đáy lòng và ước muốn, chúng ta không còn tin nhận quyền năng và tình thương của Chúa nữa. Nhân loại đang phải đối đầu với một cơn cám dỗ khốc liệt về niềm tin. Ngay trong gia đình cha mẹ và con cái không còn tin tưởng lẫn nhau. Ngoài xã hội đâu đâu cũng nhan nhản những chuyện bất công và những thói xấu cũng đang len lỏi vào cả trong Giáo hội. Đọc lời Chúa hôm nay, chúng ta không khỏi giật mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy tự trách mình trước để có thái độ sống xứng hợp Tin Mừng.
Xin cho mỗi người chúng ta khám phá ra hình ảnh của Chúa nơi những người xung quanh để có thái độ sống bác ái hơn, tôn trọng và yêu thương người đồng loại nhiều hơn.
Nt Maria Anh Thư, OP