Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 13-25 > Tuần 17

CHÚA NHẬT XVII TNC:

BẠN CẦU NGUYỆN BAO NHIÊU PHÚT MỖI NGÀY?

Cau-nguyen.jpgKhi còn là một chủng sinh có một lần chúng tôi được gặp Mẹ Teresa Calcutta, nay đã là một vị thánh, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp mẹ, đó là một phụ nữ nhỏ bé giản dị về vóc dáng, nhưng lại thật vĩ đại trong đời sống và sự phục vụ của mẹ và hơn tất cả, mẹ là một con người cầu nguyện. Trong lần được gặp mẹ, một điều mẹ thường nhắc đi nhắc lại với chúng tôi đó là: các con đừng quên cầu nguyện, hãy cầu nguyện thật nhiều; Hoa trái của đức tin là cầu nguyện, hoa trái của cầu nguyện là bình an, hoa trái của bình an là niềm vui.. Lần đầu tiên khi vào Việt Nam, cộng đoàn của mẹ đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mẹ tin tưởng và chia sẻ với chúng tôi: Cứ cầu nguyện, mọi sự Chúa sẽ sắp xếp tốt đẹp. Mỗi ngày mẹ Teresa rảo khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước Ấn Độ, để chăm sóc những người nghèo, có nhiều lần, mẹ đã ôm về nhà những người bệnh, bị ghẻ lở hôi hám nằm tại các mương rãnh của thành phố, những người sắp chết không ai dám đụng đến, mẹ đã đưa về nhà đặt năm lên giường của mình để chăm sóc cho họ. Nhiều người đã hỏi mẹ: Thưa mẹ đâu là sức mạnh giúp mẹ và các nữ tu của mẹ có thể làm được những việc phi thường như thế? Mẹ chỉ trả lời: sức mạnh của chúng tôi chính là giờ cầu nguyện mỗi ngày.

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta về một thực hành không thể thiếu trong đời sống đức tin đó là việc cầu nguyện. Nhiều Kitô hữu khi nói đến cầu nguyện, họ nghĩ rằng đó là một việc khó và không biết phải cầu nguyện thế nào, họ nghĩ rằng phải đến nhà thờ, phải quỳ gối nghiêm trang mới là cầu nguyện và vì thế họ rất lúng túng và không biết cầu nguyện là gì và phải cầu nguyện như thế nào? Trước hết cầu nguyện là nói chuyện với Chúa một cách thân tình như con cái nói chuyện với cha mẹ, như bạn bè nói chuyện với nhau, cầu nguyện là bày tỏ cho Chúa những suy nghĩ những ước muốn của mình. Câu chuyện của ông Apbraham hôm nay là một minh họa cho tâm tình cầu nguyện thân mật như thế.

Thánh Kinh cho thấy Thiên Chúa đã đối xử với Apbrahm như với người bạn, còn Apbraham đối với Thiên Chúa vừa kính trọng vừa gần gũi như với người cha. Câu chuyện cho thấy, Thiên Chúa có ý định hủy diệt thành Xôdoma và Gomora vì tội lỗi của dân thành này, thì Thiên Chúa đã không hề giấu Apbraham về điều đó, mà Ngài lại kể với Ambraham về ý định của mình trước khi cho lửa từ trời xuống thiêu hủy hai thành này. Apbraham đã đứng ra như là người can ngăn Chúa và cầu xin Chúa tha thứ cho cả thành, và ông đã dám như trả giá, cò kè với Chúa về lời cầu xin này. Ông thưa với Chúa: Chẳng lẽ chúa định tiêu diệt người công chính ở trong thành cùng với người tội lỗi hay sao ? Giả như có 50 người công chính ở trong thành thì Chúa có tha thứ cho cả thành không ?Chúa đã đồng ý với ông và hứa sẽ ngừng trừng phạt cả thành nếu có được 50 người công chinh. Từ mức ban đầu ông xin là 50 người, Apbraham đã là trả giá với Chúa lần lượt xuống 45 người rồi 40 rồi xuống đến 10 người. Sự dễ thương ở nơi Apbraham đó là ông như một người con nhõng nhẽo với Chúa hết lần này đến lần khác: Xin Chúa đừng nổi giận, con chỉ nói một lần nữa thôi: nếu tìm được 10 người thì sao? Và Thiên Chúa lại như người cha chiều chuộng con mình, không nỡ từ chối lời đề nghị của con cái, Ngài đã trả lời: Vì mười người đó ta sẽ không phá hủy Xôdom.

Chính Chúa Giêsu cũng đã muốn chúng ta đến với Thiên Chúa Cha trong thái độ của con cái đến với cha mẹ và cầu xin với thái độ tin tưởng và phó thác hoàn toàn cho Chúa, Chúa sẽ không bao giờ làm ngơ trước lời cầu xin của con cái Ngài. Các môn đệ của Chúa Giêsu đã không biết phải cầu nguyện thế nào, nên khi thấy Chúa Giêsu cầu nguyện thì đã xin với Ngài: Lạy Thày, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông.Nhân dịp này, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng một lời kinh tuyệt vời, mà chúng ta quen gọi là Kinh Lạy Cha. Khi cầu nguyện anh em hãy nói: lạy Cha chúng con ở trên trời…, với lời kinh này, quả thật chúng ta được sống trong tương quan của những người con đối với cha của mình cùng với sự tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa vừa là cha, vừa là Đấng quyền năng.

Qua lời Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu còn dạy cho chúng ta biết phải xin những gì, và biết đặt thứ tự ưu tiên trong việc cầu xin. Nếu như cầu nguyện là hướng lòng lên tới Chúa, thì lời Kinh Lạy Cha dạy cho chúng ta biết hướng tất cả con người cuộc đời và niềm khao khát của chúng ta về Chúa để xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, và ý Cha được thể hiện, tức là cầu xin để cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa và vương quyền của Thiên Chúa được lan tỏa khắp nơi và để cho chương trình ý định của Thiên Chúa được mau chóng thực hiện. Kế đến là những lời cầu xin cho những nhu cầu của cuộc sống như cơm bánh hằng ngày, cầu xin cho mình biết xây dựng các mối tương quan bằng việc biết sống quảng đại tha thứ, xin Chúa gìn giữ khỏi những gian lao thử thách do ma quỷ gây ra.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể kèm sau lời kinh này, chúa không so sánh Chúa như người đã từ chối lời yêu cầu của bạn mình lúc đêm khuya, nhưng Chúa muốn nhắc đến một tâm tình cần có khi cầu nguyện đó là sự kiên trì, vì nhiều người dễ mất kiên nhẫn khi chưa được Chúa ban cho như ý thì thất vọng chán nản hoặc buông xuôi. Giống như người bạn kia, dù đã bị lời từ chối từ trong nhà vọng ra, nhưng anh vân kiên trì nài nỉ, và cuối cùng người bạn kia không chỗi dậy vì tình bạn, thì cũng chỗi dậy đáp ứng cho anh, để khỏi bị quấy rầy. Chúa Giêsu đã kết luận: Ai xin thì được, tim thì sẽ gặp và gõ cửa thì sẽ mở cho, vì Thiên Chúa là Cha, Ngài luôn muốn và làm điều tốt lành cho con người là những kẻ tin tưởng cầu xin Ngài.

Thưa quý OBACE, thực tế ngày nay có nhiều người tin Chúa theo Chúa nhưng không biết cầu nguyện hoặc là vì lười biếng mà bỏ qua việc cầu nguyện. Không thể có một đời sống đạo tốt mà lại không cầu nguyện, đời sống đạo không cầu nguyện, là một đời sống khô cằn, là một tâm hồn đã chết và nếu hơi thở cần thiết trong cuộc sống, thì cầu nguyện chính là hơi thở của người có đạo và người tín hữu mà không cầu nguyện thì không còn là người tín hữu nữa.

Thực tế cho thấy nhiều bậc cha mẹ đã để cho vất vả lấn át việc cầu nguyện, tối đến lại để cho cái ti vi làm chủ gia đình, lấn át cả giờ kinh tối trong gia đình, vì thế mà cuộc sống đạo của gia đình trở nên nghèo nàn và khô cằn, cuộc sống chung trở nên căng thẳng cãi vã, và đánh mất cả ý nghĩa của cuộc sống. Nhiều bạn trẻ rơi vào lối sống vội, và vì nghĩ rằng họ làm được tất cả mà không cần đến Thiên Chúa nên họ không còn lưu tâm đến việc cầu nguyện, hoặc nhiều người có đạo mà lại sống như người dân ngoại tức là không dâng lễ, không đọc kinh và không cầu nguyện, những người đó chỉ còn mang danh là có đạo nhưng thực ra tâm hồn đã khô cằn và không thể trổ sinh hoa trái tốt lành được. Nhiều người có thể chát chít với nhau hàng giờ, có thể gửi tin nhắn cả ngày cho nhau mà không không chán, nhưng họ lại không thể dành một vài phút trong ngày để cầu nguyện với Chúa.

Cầu nguyện không phải là ép Chúa làm theo ý mình, mà là tâm sự là gặp gỡ thân mật với Thiên Chúa, là trải lòng ra trước mắt Thiên Chúa và xin cho chúng ta biết thuận theo ý Chúa. Cầu nguyện có khi không cần phải nói gì, mà chỉ cần sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa, giống như những trẻ thơ sống trong sự canh chừng chăm sóc của cha mẹ, như thế, chúng ta có thể nhớ đến Chúa ở mọi lúc, mọi nơi, và trong mọi công việc và để cho Chúa hướng dẫn chúng ta.

Các bậc làm cha mẹ cần biết cầu nguyện và tập cho con mình biết cầu nguyện ngay từ khi còn nhỏ, hãy cầu nguyện mọi nơi mọi lúc khi vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại, và nhất là như Lời Chúa dạy hôm nay, hãy kiên trì đừng bao giờ thất vọng, nhưng hãy tin tưởng kêu xin vì chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa không thể làm ngơ trước lời kêu xin của con cái Ngài, và Thiên Chúa có thể làm được tất cả, Ngài sẽ biến nỗi buồn nên niềm vui thất bại thành những cơ hội mới cho chúng ta.

Nếu bạn không biết thế nào là cầu nguyện và nếu không biết phải cầu nguyện thế nào, thì chỉ cần bạn quỳ gối khiêm tốn trước mặt Chúa, Chúa sẽ chỉ cho bạn biết cầu nguyện. Amen

 


Các bài viết mới hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Bảy Tuần XVII Thường Niên_Tân Quang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Trần T. Thu Trang, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên_Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Tuyến, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên_Lm Giuse Phạm Hoàng Vũ
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XVII Thường Niên_Nt. Maria Phạm Thực, OP
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Đan Vinh - HSTM
     Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật Tuần XVII Thường Niên Năm C_Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
     Suy niệm Thứ Bảy tuần XVII Thường niên - Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XVII Thường Niên - Duyên Trần

Các bài viết cũ hơn
     Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XVII. Lm. Phalo Nguyễn Văn Đông
     SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ SÁU XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHÚA GIÊSU TẠI QUÊ NHÀ. Nt Maria Anh Thư, OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Tư sau Chúa Nhật XVII Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN B. Nt. Maria Martin Hồ Thị Thu Thảo. OP
     CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH: Thứ Hai sau Chúa Nhật XVII Thường niên B. Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, ĐMTT
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: TÌM ĐÂU RA BÁNH CHO THA NHÂN?. Lm. Đan Vinh
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: BÀI HỌC TIẾT KIỆM. Lm Giuse Nguyễn Hữu An
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: THIÊN CHÚA ĐÁP ỨNG CHO SỰ ĐÓI KHÁT CỦA CON NGƯỜI. Giuse Đỗ Đức Trí
     SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B. Lm Phao Lô Nguyễn Văn Đông
     HÃY TÌM ĐẾN VỚI ĐỨC GIÊ SU VÀ HÃY CỘNG TÁC VỚI NGƯỜI. Lm. Giuse Lê Minh Thông