Trang Chủ > Suy Niệm > Thường Niên 26-34 > Tuần 33

THỨ BẢY TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN

NIỀM TIN SỰ SỐNG LẠI VÀ SỰ SỐNG ĐỜI SAU

T 7 T 33 TN.jpg

Tin Mừng   Lc 20,27-40

27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

34 Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”

39 Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” 40 Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Suy niệm

Sự sống lại và sự sống đời sau là vấn đề luôn gây nhiều tranh cãi. Người không tin thì dựa vào kinh nghiệm và định luật vật chất để phủ nhận sự sống lại. Người tin thì dựa vào niềm tin và sự soi sáng trong tâm linh để xác quyết niềm tin của mình. Người không tin thì không có gì phải làm rõ thêm vì đối với họ chết là hết. Nhưng đối với những người tin có sự sống lại và sự sống đời sau thì phải tiếp tục làm rõ những bí ẩn kèm theo niềm tin ấy, chẳng hạn như người ta sẽ sống lại như thế nào; sự sống đời sau có khác gì sự sống đời này hay không; và có bao nhiêu sự sống đời sau? Mỗi tôn giáo, tín ngưỡng lại có câu trả lời riêng của mình và phần lớn là những câu trả lời rất khác nhau. Phần chúng ta, những  Kitô hữu, nhờ mặc khải của Thánh Kinh, nhất là qua giáo huấn và chính kinh nghiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu và chúng ta xác quyết những điều căn bản sau.

Trước hết, chúng ta tin có sự sống đời sau. Con người không bước ra khỏi hư vô để rồi sẽ quay trở về hư vô qua cái chết. Một lần bước vào hiện hữu, họ sẽ mãi mãi hiện hữu. Cái chết không phải là dấu chấm hết cho hiện hữu của con người, nhưng chỉ là bước chuyển đổi cách thức con người hiện hữu. Sự sống chỉ thay đổi chứ không mất đi. Thay đổi vì khi đó, trong sự sống đời sau, chúng ta không còn lệ thuộc vào các yếu tố vật chất cũng như bị chi phối bởi các định luật không gian và thời gian. Chúng ta sẽ trở nên ngang hàng với các thiên thần. Không ai có thể miêu tả cụ thể về cuộc sống mầu nhiệm ấy. Chỉ có một điều chắc chắn là sự sống đó không phải là sự kéo dài đến vô tận sự sống đầy giới hạn của chúng ta ở đời này.

Thứ đến, chúng ta tin có sự sống lại - sự phục sinh của thân xác con người. Đa số các tôn giáo đều tin có một sự sống khác bên kia cái chết. Tuy nhiên, chỉ có Kitô giáo mới xác quyết sự phục sinh của thân xác. Chỉ có Kitô giáo mới tuyên xưng con người sẽ từ bụi đất sống lại. Xác tín ấy xuất phát từ kinh nghiệm gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, Đấng vẫn mang trên thân xác phục sinh các vết thương của ngày khổ nạn, Đấng vừa quen vừa lạ, Đấng mà người ta chỉ có thể nhận ra qua tác động của đức tin và ân sủng.

Sau cùng, chúng ta tin sự sống đời này là cơ hội, là sự chuẩn bị cho sự sống đời sau và vì thế, sự sống đời này không có một giá trị tuyệt đối đến nỗi không thể bị đánh đổi. Một mặt, chúng ta yêu quý sự sống và thân xác này vì đó là quà tặng từ tình yêu của Thiên Chúa. Mặt khác, chúng ta không quá bám víu vào sự sống và thân xác này để rồi nó trở thành sức nặng khiến chúng ta không thể vươn đến sự sống tròn đầy và sung mãn hơn. Chúng ta không sống như thể chúng ta sẽ không chết hoặc sống chỉ để đợi chờ cái chết. Trái lại, chúng ta sống để chờ đợi ân phúc của sự sống lại và sự sống viên mãn đời sau.

Lạy Chúa, xin thanh luyện và củng cố niềm tin của chúng con vào sự sống đời sau, để chúng con biết sử dụng thời gian chúng con đang có cách đúng đắn và hiệu quả, hầu sinh ích cho phần rỗi đời đời của chúng con. Amen.

Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ


Các bài viết mới hơn


Các bài viết cũ hơn
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên_Nt. Maria Nguyễn Thị Quỳnh Tiên, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên Năm B_Lm Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Anna Têrêsa Thiên Hoàng, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Nt. Maria Nguyễn Thị Anh Thư, OP
     Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai Tuần XXXIII Thường Niên B_Lm. Antôn Maria Vũ Quốc Thịnh
     Suy niệm Lễ Kính Trọng Thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Năm B - Lm. Giuse Đỗ Đức Trí