CHÚA NHẬT LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM 2021
KHAO KHÁT TỬ VÌ ĐẠO
Ngay từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào trần gian, thì
những người sống theo Tin Mừng của Chúa đã liên tục bị bắt bớ bách hại và giết
chóc. Việc bắt bớ bách hại những người tin vào danh Chúa Giêsu không chỉ xảy ra
trong thời xưa, mà ngay đến thời hiện đại hôm nay. Hàng năm vẫn có hàng trăm,
hàng ngàn các sứ giả Tin Mừng bị bắt bớ, bách hại tại nhiều nơi trên thế giới.
Nhiều người trong họ đã phải đánh đổi bằng cái chết, tù tội vì trung thành với
sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa.
Ngay từ khi Tin Mừng được đem đến cho dân tộc Việt Nam (thế kỷ
17), cha ông chúng ta đã sẵn sàng đón nhận một niềm tin mới vào Chúa Giêsu chịu
đóng đinh, thay cho niềm tin dân gian trước đây. Cũng ngay từ những thập kỷ đầu,
hạt giống Tin Mừng đã phải trải qua biết bao bão tố khó khăn, cấm cách bắt bớ
và giết chóc. Tuy nhiên, tổ tiên chúng ta không ngại khổ, không sợ chết, các
ngài vẫn can đảm sống và làm chứng về Tin Mừng yêu thương của Chúa. Qua gần ba
thế kỷ, đã có hàng trăm ngàn Kitô hữu Việt Nam đã phải đầu rơi máu chảy vì
trung thành với Đức tin và vì yêu mến Chúa Giêsu Kitô.
Hàng năm, Giáo Hội mừng kính các thánh Tử đạo Việt Nam không
phải là để khơi lại một quá khứ đau thương, nhưng là để giúp con cháu nhớ về cội
nguồn, tự hào và sống theo gương của các thánh tử đạo để lại đó là Yêu Mến và Trung Thành với Chúa và Giáo
Hội. Qua đời sống yêu mến và trung thành ấy, các thánh Tử đạo Việt Nam đã sống
đúng với những đòi hỏi của Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Bài đọc sách Macabê cho chúng ta thấy tấm gương kiên trung của
một người mẹ và bảy người con cùng bị bắt một ngày. Người mẹ này phải chứng kiến
từng người con bị hành hình, mỗi người bị những cực hình khác nhau. Mặc dù đau
đớn, nhưng bà vẫn một mực trung thành với giới răn lề luật của Thiên Chúa và
trung thành với các truyền thống của cha ông. Bà còn mạnh mẽ dùng những lời lẽ
đức tin để khuyên bảo và khích lệ cho các con, giúp các con trung thành với Chúa,
can đảm đón nhận cực hình: “Mẹ không rõ
các con thành hình trong lòng mẹ ra sao, …Chính Đấng Tạo Hóa đã nắn đúc nên các
con… Chính Ngài cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì các con
tôn trọng lề luật của Ngài.”
Các thánh Tử đạo Việt Nam của chúng ta cũng đã trung thành với
Chúa như thế. Có nhiều bà mẹ đã can đảm chứng kiến chồng, con bị bắt bị giết. Mẹ
của thánh Phaolô Bột đã can đảm giúp con quay trở lại pháp đình để tuyên xưng đức
tin và chịu chết. Lúc bị bắt, Phaolô Bột còn là một cậu bé mười mấy tuổi. Vì
quá sợ hãi, cậu đã bước qua thập giá. Khi về đến nhà, bà mẹ đã nói với con: “Mẹ không muốn có những đứa con phản bội Chúa
như thế.” Nghe những lời của mẹ, Phaolô Bột đã quay trở lại pháp đình tuyên
xưng với mọi người về Chúa Giêsu. Cuối cùng cậu đã chịu chết vì danh Chúa Giêsu
trước sự chứng kiến của bố mẹ.
Trong số 117 vị đã được Giáo Hội tôn phong, có một bà mẹ đó
là thánh Annê Lê Thị Thành, có sáu người con. Bà là một người mẹ đạo đức, quảng
đại giúp đỡ các linh mục trong thời bách hại. Bà đã bị bắt vì che giấu các linh
mục trong vườn nhà mình. Mặc dù là một phụ nữ, bà cũng phải chịu gông cùm tù tội,
tra khảo dã man. Cuối cùng vì kiệt sức, bà đã chết trong lao tù vì trung thành
với Chúa.
Tất cả các vị tử đạo cha ông chúng ta đã dám hy sinh tính mạng,
chỉ vì một lòng yêu mến Đức Kitô, muốn trở nên môn đệ của Người và cùng bước
theo Chúa trên con đường thập giá. Việc tin theo Chúa là một ân huệ đặc biệt
Chúa ban cho cha ông chúng ta. Vì quý trọng ân huệ này, mà các vị tử đạo nguyện
một đời gắn bó và nên giống Chúa Giêsu như lời Người mời gọi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” Việc đáp lại lời mời gọi của Chúa là
một đáp trả tự nguyện, phát xuất từ khao khát muôn trở nên môn đệ của Chúa. Tuy
nhiên khi đã là môn đệ, thì đồng thời cũng phải chấp nhận điều kiện: Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng
ngày mà theo ta.
Các thánh Tử đạo Việt Nam đã sẵn sàng đáp lại điều kiện của
Chúa bằng một lòng yêu mến tuyệt đối dành cho Chúa. Được nhận biết Chúa là một
hạnh phúc không có gì có thể đánh đổi. Vì thế, các vị tử đạo đã chấp nhận tù
đày đòn vọt và từ chối tất cả những lời dụ dỗ ngọt ngào, những hứa hẹn giàu
sang bổng lộc để đón nhận những cực hình. Các ngài sẵn sàng từ bỏ cả con người,
địa vị, để bước theo Chúa Giêsu: Thánh Micae Hồ Đình Hy là một quan Thái Bộc
trong triều đình, một trùm họ trong giáo xứ. Vì bị các quan lại khác ghen ghét
tố cáo, thánh Hồ Đình Hy đã sẵn sàng từ bỏ địa vị để mang thân tù tội. Khi bị
vua Tự Đức hứa trả lại địa, vị chức bậc, thánh Hy đã trả lời: “Tâu bệ hạ, đã 30 năm làm việc dưới triều vua,
lúc nào hạ thần cũng hết lòng yêu nước và là tôi trung. Hạ thần cam chịu mọi cực
hình để đền bù tội lỗi và được nên giống Chúa Giêsu. Hạ thần xin sẵn sàng lãnh
nhận cái chết vì Đức Tin. Hạ thần xin đội ơn vua”.
Vì tin yêu Chúa Giêsu, các vị Tử đạo đã dám từ bỏ quá khứ của
mình để bước theo những đòi hỏi của Tin Mừng: Thánh Phaolô Hạnh, người xứ Tân
Triều, Biên Hòa là một trong những “dân đàn
anh” vùng Biên Hòa, Chợ Quán. Dầu vậy, ngọn lửa Tin Mừng vẫn còn trong anh.
Một lần kia ra tay bảo vệ mấy phụ nữ bị băng nhóm khác ức hiếp, anh Hạnh đã bị
chúng tố cáo là người Kitô Hữu. Cuối cùng anh bị bắt, tù đày, tra tấn, nhưng anh
đã một mực gìn giữ ơn gọi Kitô hữu của mình bằng cái chết.
Thánh Matthew Lê Văn Gẫm là một lái buôn, ông cũng có một tuổi
trẻ không mấy tốt đẹp. Tuy nhiên, dù buôn bán, ông vẫn sẵn sàng chuyên chở hoặc
đưa đón các vị thừa sai đến các giáo điểm. Ông cũng biết rằng việc giúp đỡ các
linh mục và các vị thừa sai sẽ rất nguy hiểm cho công việc và tính mạng, nhưng ông
vẫn sẵn sàng. Cuối cùng ông đã bị bắt, bị tra tấn dã man. Ông nhất mực chịu đựng
cực hình, can đảm tuyên xưng mình là Kitô hữu, chấp nhận cái chết chứ không bỏ
đạo, không phản bội.
Gợi lại gương sống đức tin của một vài vị Tử đạo như thế để mỗi
chúng ta không chỉ tự hào về cha ông, nhưng là để khuyến khích mỗi người, đừng
bao giờ thất vọng về quá khứ hay hiện tại của mình. Vì Thiên Chúa đang chờ
chúng ta phía trước. Mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, Thiên Chúa không kết
án cũng không loại trừ vì quá khứ hay hiện tại của ta. Ngài vẫn yêu thương chăm
sóc và tạo điều kiện để chúng ta nối lại mối liên hệ với Chúa. Điều quan trọng
là đừng buông xuôi thất vọng về hoàn cảnh của mình. Trái lại, cố gắng giữ gìn
ngọn lửa đức tin trong tâm hồn và duy trì nếp sống đạo căn bản của người tín hữu.
Chúa sẽ có cách làm cho ngọn lửa yêu mến trong ta bùng cháy trở lại.
Ngày nay, chúng ta không phải chịu những cực hình hoặc phải
chết đau đớn như các vị Tử đạo, song chúng ta cũng vẫn đang phải đương đầu với
nhiều khó khăn thử thách trong đời sống đức tin. Ma quỷ, và xã hội ngày nay nó
đang muốn chúng ta bước qua thập giá, bước
qua Tin Mừng và lề luật của Chúa và Giáo Hội để tìm kiếm địa vị, danh vọng giàu
sang và cuộc sống dễ dãi. Điều này khiến chúng ta phải chiến đấu, phải tử đạo
liên tục để mình không trở thành kẻ phản bội Chúa và Giáo Hội.
Chúng ta có thể trở nên những vị tử đạo của thời nay với lòng
khao khát yêu mến Chúa và Giáo Hội; trân trọng và yêu quý đức tin và Tin Mừng
mình đã đón nhận; cố gắng sống thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày, cho
dù người đời và ma quỷ muốn cản trở và tách ta ra khỏi Chúa Kitô và Giáo Hội.
Can đảm sống như thế là chúng ta đang tử đạo trong thời đại hôm nay.
Xin cho chúng ta cũng được một lòng yêu mến Chúa, và anh em;
trung thành với Chúa và khao khát được phúc Tử đạo bằng trái tim yêu mến giữa một
xã hội dửng dưng hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí