Suy Niệm Lời Chúa Thứ Bảy tuần XXXIV Thường Niên C
Thời khắc
“giao thừa”
Lời Chúa: Lc 21, 34-36
34Khi ấy Đức Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Vậy anh em
phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời,
kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, 35 vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt
đất. 36 Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi
điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
Suy niệm:
“Giao thừa” là một
thời khắc quan trọng trong năm, nó có một giá trị linh thiêng đặc
biệt trong tâm thức của mỗi người. Để đón giây phút chuyển giao ấy,
con người thường chuẩn bị mọi thứ, cả bên trong (một tinh thần thoải mái, bình an…) lẫn bên ngoài (thân thể, nhà cửa, vật dụng… sạch
đẹp) để đón chào thời khắc linh thiêng này với những nguyện ước
cho một tương lai tốt đẹp và xua tan đi những điều thiếu may lành của
năm trước. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm phụng vụ, giây phút “giao
thừa” của năm phụng vụ ít người để ý đến, nhưng thiết nghĩ đó cũng
là thời khắc thánh thiêng mà chúng ta cần suy nghĩ.
Quả thế, trong tuần
XXXIV này, Hội Thánh chọn những bản văn Tin mừng có liên quan đến
ngày cánh chung, một biến cố mà con người không thể tránh né trong
cuộc sống dương thế, ngày mà Thiên Chúa đến trong Vinh quang để phán
xét kẻ sống và kẻ chết. Khi nhìn về biến cố cánh chung – phán xét,
con người thường hoang mang, sợ hãi… Hoặc họ sẽ lo lắng thái quá và
dễ dàng chạy theo những mê hoặc phù phiếm; hoặc họ sẽ thờ ơ bất
cần và trượt dài trên những sa đọa của bản thân, của xã hội, của tội
lỗi; hoặc là họ sẽ phó thác vào lòng thương xót của Thiên
Chúa..v.v… Để đón thời khắc “giao thừa” ấy, Tin mừng hôm nay truyền
dạy hai thái độ tích cực:
Phải đề phòng. “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình
ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời...” Thời khắc “giao thừa”
của kiếp lữ hành này không phải là sự cùng tận của con người, càng
không phải là dấu chấm hếtt cho những người tin vào Thiên Chúa; nhưng
đúng hơn là “thời khắc” của niềm hy vọng, của sự chuyển di từ cái
chết thể lý sang sự sống vĩnh cửu toàn vẹn, con người được chuyển
từ cái bất toàn, hư nát sang cái toàn hảo, siêu việt. Do vậy, người
tín hữu cần tin tưởng vào sự toàn thắng của Đức Kitô Phục Sinh mà
chọn lựa một lối sống lành thánh, không để lòng mình ra nặng nề vì
tội lỗi, không để mình chiều theo lối sống buông thả chè chén say
sưa, cũng không để tâm trí mình mất niềm hy vọng bởi quá lo lắng sự
đời.
Phải tỉnh thức và cầu nguyện,
đó là thái độ thứ hai ta cần phải có của người ki-tô hữu. “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.”
Con người là một thụ tạo yếu hèn, không thể tự sức để chống
chọi trước các mưu ma quỷ quyệt của Satan. Như Phao-lô từng nói, cái
tốt tôi muốn làm thì tôi lại không làm, còn cái xấu tôi không muốn
làm thì thôi lại làm. Điều đó cho thấy sự bất toàn của con người,
cần phải có thái độ khiêm tốn và cậy dựa vào sự nâng đỡ của Thiên
Chúa, của ân sủng Ngài qua lời cầu nguyện liên lỉ của mình. Để rồi
ta cũng dám nói như Phao-lô, tôi sống nhưng không phải là tôi mà là
Đức Kitô sống trong tôi. Vì quả thực “Không có Thầy thì anh em chẳng
làm gì được”, không có Chúa trợ lực chúng ta cũng không thể làm nên
trò trống gì. Chỉ còn thái độ tỉnh thức để không rơi vào sự thỏa
hiệp hay chọn lựa sự dữ và thái độ tín thác vào ân sủng Chúa qua
lời cầu nguyện, chỉ như vậy ta mới can đảm và hãnh diện khi đón
mừng thời thắc “giao thừa” của kiếp người trong ngày chung thẩm.
Lạy Chúa là Thiên Chúa
giàu lòng xót thương, trong thời khắc “giao thừa” của năm phụng vụ,
với ý hướng chiêm ngắm thời khắc “giao thừa” của ngày chung thẩm. Xin
ban ơn trợ lực cho mỗi người chúng con, để nhờ ơn Chúa, chúng con luôn
biết tin tưởng vào Dkt Phục Sinh mà sống niềm hy vọng ấy cách quảng
đại và bác ái với mọi người bằng những hành động cụ thể của đời
sống thường nhật. Amen!