Thứ Sáu Tuần II Thường Niên
TIN VÀO SỰ BIẾN
ĐỔI
Lời Chúa Mc 3,13-19
13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến
với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai
các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn -Người đặt tên là
Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê
-Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê,
Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô,
Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.
Suy niệm
Chuyện kể rằng: Khi Chúa Kitô hoàn tất công cuộc của Ngài ở trần gian, Người về trời và
gặp thiên thần Gabrien đến đón.
“Lạy Chúa”, Gabrien thưa
“Chúa đã có kế hoạch như thế nào để tiếp tục triển khai công cuộc của Ngài trên
trần gian?”
“À, Ta đã ủy thác cho mười
hai người đàn ông và một số phụ nữ. Họ sẽ chuyển trao sứ điệp của Ta đến cùng
trời cuối đất”
“Nhưng lạy Chúa, trong
trường hợp nhóm người ấy lôi thôi, rách việc thì Ngài có những kế hoạch nào
khác?”
Chúa Kitô cười, lắc đầu:
“Ta chẳng có kế hoạch nào khác. Ta tin tưởng vào bọn họ”.
Đúng
vậy, Chúa Giê-su đã tin tưởng nên chọn những con người nối tiếp công việc của
Ngài. Cụ thể là Mười Hai môn đệ mà Tin Mừng hôm nay thuật lại. Đây có phải là những
con người ưu tuyển, tài đức vẹn toàn như cách mà xã hội ngày nay đặt tiêu chí để
tuyển dụng chăng?
Cả
bốn bản văn Tin Mừng cho chúng ta một cái nhìn khá tổng quát về chân dung của
Mười Hai môn đệ. Đó những con người ít học, có không ít lần Chúa Giê-su đã
không ngần ngại chê họ là những kẻ lòng trí ngu muội, chậm hiểu. Họ là những
người lao động tay chân như hai anh em Phê-rô và An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an làm
nghề đánh cá, một nghề rất đỗi bình thường của dân vùng xứ Palestine. Họ cũng
được miêu tả với những tính tình không mấy tốt đẹp cho lắm. Một người bộc trực như
Si-mon Phê-rô. Nóng tính như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an được gọi với cái
tên Bô-a-nê-ghê (con của Thiên lôi). Tính đa nghi như Tô-ma hoặc như Si-môn
nhóm quá khích. Có người dưới con mắt của dân chúng lại bị xem thường, bị coi
là kẻ tội lỗi như Mat-thêu vì ông làm nghề thu thuế, cấu kết với ngoại bang. Và
Giu-đa It-ca-ri-ốt, một kẻ đầy toan tính và phản bội…còn các môn đệ khác cũng đầy
tham sân si, cũng muốn giành địa vị cao, được làm lớn giữa anh em.
Nhìn
vào bảng danh sách Mười Hai môn đệ là cột trụ của Giáo Hội khiến chúng ta chẳng
mấy hy vọng vào một tương lai sáng sủa nếu không nói là hơi thất vọng. Nhưng
chúng ta càng cảm phục vì Chúa chúng ta thật can đảm và mạo hiểm khi chọn những
con người đầy bất toàn như thế. Chính vì Chúa tin vào sự biến đổi của họ. Thật
thế, Chúa chọn gọi các ông với hai mục đích rõ ràng “để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc
13,14). “Ở với Người” là mục đích đầu tiên trước khi đến với mục đích thứ hai
là “sai các ông đi rao giảng”. Như vậy, các Môn đệ được biến đổi là nhờ và qua
việc ở lại bên Chúa. “Ở” trước tiên để thấy những việc Ngài làm, những điều
Ngài nói. “Ở” để hiểu, cảm nghiệm về con người và sứ điệp của Ngài. “Ở” để được
sửa dạy, uốn nắn… “Ở” để kín múc ân sủng…Sau tất cả việc ở lại với Chúa làm
thay đổi cuộc đời các Môn đệ. Không còn một Si-mon bốc đồng, chối Thầy mà là một
Phê-rô nhiệt tâm. Không còn là Gio-an nóng nảy nhưng nóng vì đầy tràn lửa mến
Chúa. Không còn là một Lê-vi thu thuế mà là một Mát-thêu Thánh sử. Không còn là
Tô-ma hay ngờ vực mà một Tông đồ dấn thân cho niềm xác tín…Và đoàn môn đệ non nớt,
kém lòng tin ngày nào nay đã vững vàng để lèo lái con thuyền Giáo hội.
Mỗi
người chúng ta cũng được chính Chúa đích thân mời gọi được trở thành Con và trở
thành môn đệ của Chúa. Chúa chấp nhận con người chúng ta với đầy những yếu đuối,
thiếu sót và bất toàn. Chúng ta có quyền tin tưởng vào quyền năng của Chúa làm
trên cuộc đời chúng ta như Ngài đã làm cho các Tông Đồ xưa kia. Ví như con người
phải trải qua năm tháng từ một em bé rồi mới lớn lên, trưởng thành thì sự biến
đổi trong ta cũng vậy. Ở với, ở cùng, ở bên cạnh Chúa mà sau này Thánh Phao-lô
còn có kinh nghiệm sâu hơn là ở trong Chúa (x.Gl 2,20) để ta được Chúa biến đổi. Vì ngang qua những gì còn
tăm tối Chúa sẽ làm cho sáng tươi. Vì Chúa thích vẽ đường thẳng trên những nét
cong. Thánh Phao-lô cũng đã cảm nghiệm điều này khi nói “tôi tự hào vì những yếu
đuối của tôi”. Điều quan trọng là chúng ta hãy đến và ở lại với Người, đừng ngần
ngại.
Thánh
Agnes mà Giáo Hội mừng kính hôm nay phần nào cho chúng ta thấy quyền năng Thiên
Chúa trên con người thật nhiệm mầu. Ai có thể ngờ rằng một thiếu nữ nhỏ bé, yếu
đuối nhưng đầy can đảm khước từ vinh hoa trần gian để chọn sống cho Chúa. Một
tín hữu còn non trẻ, chưa có kinh nghiệm về cuộc đời và đức tin thế mà hiên
ngang chịu cực hình và dám dùng chính mạng sống mình minh chứng cho đức tin. Vì
thế trong lời nguyện lễ Thánh Agnes có câu “Chúa
đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh” để
vinh danh Chúa đã thực hiện trên phận người chúng ta.
Con
muốn biến đổi thế giới, đất nước, quê hương con, giáo xứ, gia đình con,…Con ước
mơ cho một xã hội tràn ngập tình Chúa tình người…nhưng con chưa biết làm thế
nào và bắt đầu từ đâu. Tạ ơn Chúa, hôm nay Chúa dạy con bắt đầu từ việc biến đổi
bản thân con. Xin cho con biết chạy đến với Ngài, dành giờ cho Ngài để ở với
Ngài nhiều hơn, như thế con cũng được Ngài biến đổi. Bởi muốn biến đổi người
khác chỉ khi chính con biến đổi bản thân trước.
M. Nhật Nguyệt