THỨ BA TUẦN II THƯỜNG
NIÊN
CON NGƯỜI LÀM CHỦ NGÀY SA-BÁT
Lời Chúa: Mc 2, 23-28
23 Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc
đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người
Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : "Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì
kia ? Điều ấy đâu được phép !" 25 Người
đáp : "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi
ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới
thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả
thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế."
27 Người nói tiếp : "Ngày sa-bát được tạo nên cho con người,
chứ không phải con người cho ngày sa-bát. 28 Bởi
đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát."
Suy Niệm
Bài Tin Mừng vừa
nghe, một lần nữa thánh Mác-cô ghi lại việc Chúa Giê-su lên tiếng bênh vực các
môn đệ của Chúa và bày tỏ cho mọi người biết giáo huấn của Chúa về lề luật. Sự
việc xảy ra là những người Pha-ri-sêu thấy các môn đệ của
Chúa khi đi băng qua một cánh đồng lúa vào ngày sa-bát lễ nghỉ, các môn đệ bứt
lúa vò trong tay để ăn, những người Pha-ri-sêu cho đó là lỗi luật ngày sa-bát.
Bởi theo luật ngày sa-bát ngày lễ nghỉ là để tôn vinh Thiên Chúa, chỉ được làm
việc cho Thiên Chúa. Nhân sự việc này Chúa Giê-su đã cho người Pha-ri-sêu và mọi
người hiểu rõ về tinh thần của luật ngày sa-bát nghỉ lễ: việc làm cho Thiên
Chúa là tất cả những việc đem lại tình yêu thương, đem lại hạnh phúc và niềm
vui cho con người và cuộc sống. Thiên Chúa chỉ được tôn vinh khi chính con người
được hạnh phúc. Quả thật, Chúa Giê-su công bố một cách rõ ràng rằng, ngày
sa-bát lễ nghỉ được lập ra là vì con người, chứ không phải con người được tạo dựng
vì ngày sa-bát. Có thể nói, luật ngày sa-bát được ban hành là để phục vụ con
người, chứ không phải để biến con người thành nô lệ cho luật.
Bài đọc
I trong sách sa-mu-el quyển thứ nhất (1Sm) chương 16 nói về việc Thiên Chúa
quyết định từ bỏ Sao-lê vì ông không vâng lời Thiên Chúa. Ông chỉ muốn
làm đẹp lòng người đời nên đã sẵn sàng bỏ qua giới luật của Chúa.
Hôm nay Thiên Chúa sai Sa-mu-el đi xức dầu tấn phong người thay thế cho
Sao-lê. Sa-mu-el vẫn còn cái nhìn của con người. Ông chọn người xứng
đáng theo tiêu chí của ông. Nhưng “Thiên
Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức
Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16, 7b). Cuối cùng, sa-mu-el đã làm
theo sự chỉ dạy của Thiên Chúa để xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua
của Israel.
Hôm
nay, phụng vụ lời Chúa trình bày cho chúng ta biết cuộc tranh luận giữa nhóm
Pha-ri-sêu với Đức Giê-su về việc các môn đệ của Ngài bứt lúa ăn trong ngày sa-bát.
Theo truyền thống của Do Thái giáo thì việc bứt bông lúa được coi là việc gặt
hái, mà việc gặt hái là 1 trong 9 việc cấm làm trong ngày sa-bát. Như thế,
người Pha-ri-sêu cho rằng việc các môn đệ của Chúa Giê-su đã vi phạm luật sa-bát
vì đã bứt lúa trong ngày này. Do đó, họ tố các môn đệ với Chúa Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia
? Điều ấy đâu được phép !” ( Mc 2, 24). Trước lời tố cáo này, Chúa
Giê-su đã nhắc lại cho họ ý nghĩa cốt tủy của lề luật là thi hành ý muốn của
Thiên Chúa, mà ý muốn của Thiên Chúa luôn luôn là yêu thương và nhân nghĩa với
tha nhân. Thiếu tinh thần này, mọi việc được coi là linh thánh cũng trở nên vô
nghĩa. Chúa Giê-su dẫn chứng hành động của vua Đa-vít làm ví dụ: “Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ
bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên
Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được
phép ăn ngoại trừ tư tế” (Mc 2, 25-26). Như thế, con người không
phải giữ ngày sa-bát, nếu việc giữ ngày này gây thiệt hại nặng nề cho họ,
bởi “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người
cho ngày sa-bát” (Mc 2, 27). Qua đó, Chúa Giê-su còn tỏ cho mọi người
biết, Người mang nơi mình quyền năng cứu độ: “Con Người làm chủ luôn cả
ngày sa-bát” (Mc 2, 28).
Như
vậy, lời giáo huấn của Chúa qua đoạn Tin Mừng này muốn nói cho mọi người biết
về cốt lõi của tinh thần ngày sa-bát lễ nghỉ là tình yêu. Thiếu vắng tình yêu
mà thực hành luật ngày sa-bát lễ nghỉ thì chỉ có hành động cách mù quáng. Vì
vậy, nếu luật ngày sa-bát lễ nghỉ được ban hành là vì con người, nghĩa là để
phục vụ con người, để làm phương tiện đưa dẫn con người đến với Thiên Chúa, thì
việc gì câu nệ vào những hình thức cả luật. Điều con người phải quan tâm đặc
biệt đó là tinh thần yêu thương của lề luật.
Có
lẽ, khi
nhìn họ mà nhớ đến mình. Là những môn đệ của Đức Kitô thời đại, chúng ta được
nhìn nhận là những người đạo đức. Vậy trong đời sống đạo, chúng ta có nhận ra
ngày Chúa nhật là thời giờ và cơ hội thánh hóa con người và sống tâm tình cảm
tạ Thiên Chúa không? Có khi nào chúng ta nhân danh việc thờ phượng Thiên Chúa
mà lại ngăn cản anh em mình đến với Thiên Chúa qua việc dự lễ, làm việc từ
thiện bác ái, phục vụ tha nhân trong các công tác tông đồ truyền giáo không?
Lạy
Chúa, hằng ngày, người môn đệ Đức Kitô chính là mỗi người chúng con đang được
mời gọi sống chứng tá cho tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải là việc họa
lại cung cách sống của những người “đạo đức” Pha-ri-sêu thời đại. Xin Chúa ban cho
mỗi người chúng con luôn trân trọng luật Chúa truyền ban và đón nhận với lòng
yêu mến, để chúng con biết sống gắn bó mật thiết với Chúa hơn và yêu mến anh chị
em hơn. Lạy Chúa, không lề luật nào có thể ràng buộc con ngoài giới luật yêu
thương của Chúa. Vì vậy, khi con đã yêu mến Chúa hết lòng và yêu mến anh chị em
hết sức thì con không còn sợ gì nữa. Chính vì vậy, xin cho chúng con đừng để
cho lề luật quá đè nặng mình, nhưng lại biết sử dụng lề luật như phương thế
giúp chúng con nên trọn lành. Và cũng xin cho chúng con biết thông cảm với
người khác khi thấy họ đi ra ngoài khuôn khổ của lề luật.
Phêrô_Maria. Mảnh vỡ. FVP