Vai trò của gia đình
LỜI CHÚA: Mc 3, 20-21
Khi ấy Chúa Giêsu cùng các
môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không
dùng bữa được.
Những thân nhân của Người
hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí".
SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ
về tương quan với Chúa Giêsu và gia đình của Ngài, để từ đó rút ra những bài
học thực tiễn về vai trò gia đình đối với con người.
Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn
lên trong một gia đình. 33 năm sống kiếp làm người, Ngài đã sống 30 năm với gia
đình. Hơn nữa, cũng như bất cứ một người Á Ðông nào, Chúa Giêsu rất xem trọng
những mối giây liên hệ thân thuộc: trong ba năm rao giảng công khai, Ngài vẫn
tìm dịp trở về thăm làng cũ, và giữa lúc Ngài bận bịu với sứ vụ công khai, bà
con thân thuộc của Ngài vẫn tìm đến thăm Ngài. Quả thật, Chúa Giêsu xem trọng
những liên hệ máu mủ và tình bà con xóm giềng, Ngài quý trọng gia đình; Ngài đề
cao sự thánh thiêng và bất khả phân ly của giây hôn phối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu
không lập gia đình; trong ba năm thi hành sứ vụ công khai, Ngài sống xa gia
đình, không nhà, không cửa.
Như vậy, đối với Chúa Giêsu,
trên cõi đời này, gia đình cũng như mọi thứ định chế khác của loài người đều
không phải là những giá trị tuyệt đối. Chỉ có một giá trị tuyệt đối, đó là con
người, bởi có con người mới có một vận mệnh vĩnh cửu. Tất cả đều hiện hữu vì
con người. Trong Kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng: "Vì loài người chúng
tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trờ xuống thế". Như vậy, ngay cả
mầu nhiệm Nhập Thể cũng là vì con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng Ngài
đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ; nếu Con Thiên Chúa nhập thể là
để phục vụ con người, thì huống chi những định chế của xã hội loài người. Tất
cả đều hiện hữu vì con người: gia đình cũng như xã hội hiện hữu vì con người,
chứ không phải con người vì gia đình và xã hội.
Từ cái nhìn trên đây của Chúa
Giêsu về gia đình, chúng ta có thể thấy được vai trò của gia đình và một cách
cụ thể mục đích của việc giáo dục trong gia đình.
Trong tuyển tập "Giới
Luật Yêu Thương", Ðức Cha Bùi Tuần đã có một phân tích sâu sắc về mục đích
của việc giáo dục gia đình, Ngài viết:
"Các bậc cha mẹ muốn
biết xưa nay mình nhằm mục đích gì trong việc giáo dục con cái, thì hãy xét xem
ta thường muốn gì, chờ đợi gì ở con cái. Có phải muốn chúng nên giàu sang
không? Có phải chờ đợi ở chúng một lợi lộc vật chất chăng? Không thiếu những
cha mẹ nhắm cái đó khi giáo dục con cái. Những hy vọng đó không phải là xấu,
nhưng chắc chắn không phải là chính mục đích mà cha mẹ phải nhắm để đưa con cái
mình đi tới. Mục đích chính đó là gì?"
Mục đích đó là giúp chúng
nên người với tất cả ý nghĩa cao đẹp của nó. Mà nên người trước hết là thực hiện
đầy đủ ý nghĩa câu nói quen thuộc: "Con người, đầu đội trời, chân đạp
đất". Chân đạp đất là thái độ phải thắng dẹp những lôi cuốn tội lỗi thế
tục, là đạp lên trên những gì làm cho mình ra hèn như cát bụi, là đạp lên trên
những gì đưa ta xuống đất, xuống địa ngục. Nếu chân đạp đất chỉ những sự phàm
trần, thì đầu đội trời chỉ những sự siêu phàm. Ðầu đội trời chi thái độ vươn
lên những gì cao thượng, đầu đội trời chỉ sự cố gắng phóng mình tới lý tưởng xa
vời, đầu đội trời chỉ sự hướng tâm con người về mục đích ở tận bên kia thế
giới, đầu đội trời chỉ nỗ lực băng mình lên cao để tìm về quê hương trên trời.
Những suy tư của Ðức Cha Bùi
Tuần gợi lại cho chúng ta câu nói của Chúa Giêsu với cha mẹ Ngài khi hai Ðấng
gặp lại Ngài trong Ðền Thờ Yêrusalem: "Cha mẹ không biết con phải lo việc
Cha con sao?" Ðầu đội trời chính là lo việc Cha trên trời, là hướng về
trời cao, là sống cho những giá trị vĩnh cửu. Nên người thực sự là sống đúng ý
nghĩa ba chữ "đầu đội trời", và đó phải là mục đích của giáo dục gia
đình, bất cứ hành động nào đi ngược mục đích ấy đều là phản giáo dục.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng
ta tự vấn lương tâm xem đâu là những giá trị đích thực mà chúng ta đang theo
đuổi và muốn truyền đạt cho người khác. Nguyện xin Ðấng là Ðường, là Sự Thật và
là Sự Sống soi sáng và hướng dẫn chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)