Thánh Lễ Giao Thừa – Năm
Canh Tý
“Phúc thay ai…
Phúc thay anh em...”
Lời Chúa: Mt 5, 1-12
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi.
Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ
rằng:
3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo
khó,
vì Nước Trời là của họ.
4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.”
11 “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị
người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ
là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”
Suy Niệm
1. “Người mở miệng dạy họ, Người nói…”
“Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến
gần. Người mở miệng dạy họ”. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh đầy ý nghĩa
này: xưa kia trên núi Sinai, Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua trung gian Mô-se;
và nhờ Lời của Ngài, một đám đông ô hợp, vô danh và nhỏ bé, trở thành dân riêng
của Chúa: Thiên Chúa trở thành Đức Chúa của dân, dân trở thành dân tộc được
tuyển chọn của Đức Chúa; còn ở đây,
Thiên Chúa ban Lời của Ngài qua Đức Giê-su, hiện thân của Lời Chúa, bởi vì Ngài
là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể; và Lời của Ngài dành cho tất cả mọi
người, để qui tụ mọi người thành dân riêng của Ngài. Như thế, Đức Giê-su “mang
lấy” và làm cho “hoàn tất” biến cố Lời Chúa, nhất là khi Người không chỉ ban
Lời, nhưng còn ban chính Mình để nuôi sống chúng ta hôm nay và mãi mãi.
Vì thế, chúng ta được mời
gọi chiêm ngắm hành vi nói của Đức
Giê-su: “Người mở miệng dạy họ, Người nói…”. Hãy để cho đôi mắt và
đôi tai của chúng ta dừng lại chiêm ngắm và đi vào chiều sâu của biến cố trung
tâm này: “Ngài mở miệng dạy họ, Người nói…”. Biến cố này chính là thực
tại thần linh mà dụ ngôn Người Gieo Giống muốn diễn tả: “Người gieo giống đi ra
gieo giống”. Nơi Đức Giê-su,
Thiên Chúa ra khỏi mình để thông truyền chính Ngài cho chúng ta qua lời nói.
Bằng Lời, Ngài đã sáng tạo nên con người chúng ta có khả năng thông truyền bằng
lời, và bây giờ, Ngài khởi đi từ cái chúng là, một tạo vật biết nói biết nghe,
để đến gặp gỡ chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi đi cùng con đường lời nói để
đi đến với Ngài: trong cầu nguyện, chúng ta được mời gọi dành nhiều thời gian
để lắng nghe Lời Chúa và sau đó tâm sự với Ngài, như một ngôi vị sống động và
gần gũi.
2. Tám mối phúc và căn tính của con
người
Và lời nói đầu tiên của
Người là “phúc thay”, thay vì “khốn thay” hay đưa ra những mệnh lệnh áp đặt,
kèm theo những lời đe dọa. Chúng ta thường hiểu các mối phúc mà Đức Giê-su công
bố là lý tưởng vừa cao vừa khó, mà mỗi người chúng ta phải đạt được để trở nên
thánh. Tuy nhiên, các mối phúc không ở bên ngoài chúng ta và cũng ở cách xa
chúng ta, bởi vì các mối phúc mà Đức
Giê-su công bố diễn tả chính căn tính đích thật của chúng ta, chính niềm
khát khao sâu thẳm của chúng ta, chính niềm hạnh phúc bền vững của chúng ta.
Ø Thật vậy, Đức Giê-su nói: “Phúc thay ai có
tâm hồn nghèo khó”.
Trong thân phận của con người, không ai trong chúng ta cảm thấy tự đủ trong cõi
lòng mình; con người đến một lúc nào đó, đều cảm thấy mình nhỏ bé, mỏng manh,
chóng qua, nghèo nàn tận căn về mọi phương diện, nhất là lúc mới sinh ra và sắp
sửa lìa đời, trả lại sự sống cho Chúa.
Ø Đức
Giê-su nói: “Phúc
thay ai hiền lành”. Con
người chúng ta vốn là hiền lành, chứ không phải là bạo lực hay mang thú tính;
và sự hiền lành này đã được gieo nơi bản tính sâu xa của con người chúng ta; đó
là điều mà chúng ta gọi là nhân tính. Bởi vì, con người được dựng nên theo hình
ảnh của Thiên Chúa; mà Thiên Chúa thì hiền lành, vì Ngài là tình yêu.
Ø Đức
Giê-su nói: “Phúc
thay ai sầu khổ”. Ai trong
chúng ta đã không một lần khóc lóc sầu khổ: khóc lóc sầu khổ cho thân phận sinh
lão bệnh tử của mình, khóc cho số phận đầy thử thách, tai ương và bất hạnh,
khóc và sầu khổ cho người khác, nhất là cho những người thân yêu, cho những
người chịu thiệt thòi, bệnh tật, kém may mắn.
Ø Đức
Giê-su nói: “Phúc thay ai khao khát nên người công chính”.
Và ở trong sâu thẳm của tâm hồn, tất cả chúng ta đều khao khát nên công chính,
thay vì ở trong sự bất chính, để có thể đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban.
Nhưng rốt cuộc thì chính Thập Giá Đức Ki-tô làm cho chúng ta trở nên công chính
trước mặt Thiên Chúa, bởi vì chúng ta không thể tự mình làm cho mình trên nên
công chính được.
Và cũng như thế đối với
các mối phúc còn lại. Như vậy, chính thân phận con người của chúng ta, không
thêm và cũng không bớt là một mối phúc, chứ không phải là mối họa hay hình
phạt, cho dù chúng ta có một thân phận như thế nào, bất hạnh như thế nào; thân
phận của chúng ta là con đường dẫn chúng ta đến điều Chúa hứa ban trong các mối
phúc, đó là: Nước Trời, Đất Hứa, ơn an ủi, ơn công chính, lòng thương xót và
chính ngôi vị Thiên Chúa. Và để cho chúng ta tin tưởng và xác tín như thế, Đức
Giê-su đã sống đến cùng thân phận con người, là chịu đóng đinh trên Thập Giá,
để qua đó đi vào sự sống mới, sự sống Phục Sinh của Thiên Chúa Cha.
Và để hiểu thật đúng và
thật sâu những lời này của Chúa, chúng ta được mời gọi nhìn ngắm chính cách
hiện hữu của Chúa: Chúa nghèo thế nào trong tinh thần? Chúa hiền lành như thế
nào? Chúa khóc lóc như thế nào: “Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, Tại
sao Ngài đã bỏ rơi con ?” (Mt 27, 46); “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức
Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng
có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính”
(Dt 5, 7)? Và Đức Giê-su đói và
khát sự công bình như thế nào? (Ngài đem sự công bình của Thiên Chúa đến cho
con người, Ngài mong mọi người đón nhận, và Ngài chính là sự công bình của
Thiên Chúa).
3. Tám mối phúc và niềm hạnh phúc
Như thế, ngang qua các mối
phúc, qua lời nói và hành vi của Ngài, qua cách Ngài sống với Thiên Chúa và với
con người, qua cách Ngài tương quan với thực tại, Đức Giê-su dẫn chúng ta về cái chúng ta là. Và cái chúng ta là, chính là một mối phúc. Ngược hẳn với điều loài người
chúng ta vẫn nghĩ: điều chúng ta là, là một hình phạt, là một kiếp đọa đầy. Và
khi sống các mối phúc, chúng ta được hứa ban: Nước Trời, Đất hứa, An ủi, Lòng
thương xót, Thấy Thiên Chúa và Làm con Thiên Chúa.
Vì
các mối phúc không phải là những điều xa vời, cao siêu mà chúng ta phải cố vươn
tới, nhưng diễn tả bản chất đích thật của con người, cho nên khi sống các mối
phúc, ngay bây giờ chúng ta đã có kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc rồi. Thậy
vậy:
Ø Hạnh phúc biết bao, người nghèo khó trong tim, thay vì đầy những quyến
luyến, chỉ tìm kiếm những gì thuộc về đời này, tuyệt đối hóa những giá trị
chóng qua.
Ø Hạnh phúc biết bao người hiền lành, thay vì dữ tợn.
Ø Hạnh phúc biết bao người khóc thương, vì đồng cảm với người khác, thay vì
dửng dưng vô cảm.
Ø Hạnh phúc biết bao người xót thương và bao dung, thay vì dò xét, lên án và
không khoan nhượng.
Ø Hạnh phúc biết bao người có lòng trong sạch, thay đầy những điều nhơ uế.
Ø Hạnh phúc thay người phục vụ cho công bình và hòa giải, thay vì chuyên làm
những điều bất chính và gây hấn.
Ø Hạnh phúc thay người đi theo Đức Ki-tô vì lòng mến, bất chấp khó khăn và
bách hại, thay vì coi mình là trung tâm và chỉ biết sống cho mình.
Như
thế, các mối phúc không chỉ nói cho chúng ta về hạnh phúc và phần thưởng Thiên
Chúa sẽ ban ở đời sau, nhưng còn mở ra cho chúng ta cả một cách sống mang lại
cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc ngay bây giờ, vì đó là lối sống phù hợp cách
sâu xa với nhân tính của chúng ta.
* *
*
Ngoài
ra, Đức Giê-su còn nói đến một
mối phúc đặc biệt, mối phúc cuối cùng mà chúng ta hay gọi là mối phúc thứ chín.
Đặc biệt, vì Đức Giê-su nói ở
ngôi thứ hai : “anh em”, diễn tả tương quan trực tiếp và thân thiết giữa
Đức Giêsu và những người nghe, hôm qua cũng như hôm nay. Nhưng đặc biệt nhất là
nguyên nhân của mối phúc: đó là “vì Thầy”.
Chúng
ta có thể tự hỏi, tại sao lại “vì Thầy”? Kinh nghiệm của những người đi trước
chúng ta trong đức tin, nhất là của các thánh tử đạo Việt Nam, sẽ giúp chúng ta
hiểu tại sao lại «vì Thầy»? Đó chính là kinh nghiệm hiểu biết, yêu mến, và
không chỉ ước ao đi theo, nhưng còn muốn trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức
Kitô”, đó là kinh nghiệm chiêm ngắm ngôi vị của Ngài, và khi chiêm ngắm ngôi vị
của Ngài như các Tin Mừng thuật lại cho chúng ta, chúng ta không thể không yêu
mến Ngài và ước ao trở nên một với Ngài trong mọi sự (x. Phil 3, 7-9). Nhưng
làm sao chúng ta có thể trở nên một với Ngài được, nếu trước đó, Ngài đã không
mang lấy nhân tính và thân phận con người của chúng ta, không trở nên một với
chúng ta qua Lời của Ngài, qua Mình Máu của Ngài ?
Tết Canh Tý 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc