Suy Niệm Lời
Chúa Thứ Tư Tuần II Thường Niên
ĐÔI
TAY THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Mc 3, 1-6
(1) Ðức Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. (2)
Họ rình xem Ðức Giêsu có chữa người ấy ngày sabát không, để tố cáo Người. (3)
Ðức Giêsu bảo người bại tay: "Anh chỗi dậy, ra giữa đây!" (4)
Rồi Người nói với họ: "Ngày sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ,
cứu mạng người hay giết đi?" Nhưng họ làm thinh. (5) Ðức Giêsu
giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay:
"Anh giơ tay ra!" Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường.
(6) Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu lập tức bàn tính với phe Hêrôđê, để
tìm cách giết Ðức Giêsu.
Suy Niệm:
Hôm nay chúng ta nói về đôi tay.
1. Đôi tay Chúa
Cảm nhận sự thiệt thòi của người có bàn tay
khô bại, vì không thể phục vụ mình mà nếu có thì cũng rất khó khăn. Hơn nữa
chuyện này xẩy ra tại Hội Đường vào ngày Sabát, điều nay có nghĩa rằng, Chúa
Giêsu vừa rao giảng về tình thương yêu của Thiên Chúa mà lẽ nào sau đó gặp một
người có hoàn cảnh khó khăn, Chúa lại thản nhiên đi ngang qua mặt họ thì bài giảng
kêu gọi yêu thương của Ngài sẽ thuyết phục được ai? Những người Pharisiêu biết được
điều này nên họ rình xem Chúa có chữa cho anh có bàn tay khô bại này không? Biết
được ý nghĩ của họ, Chúa Giêsu dạy họ về “Đôi tay”. Ngài hỏi: “Ngày Sabát được
phép làm điều lành hay làm điều dữ, cứu mạng người hay giết chết?”. Ôi Chúa ôi,
lời Chúa sao mà khôn ngoan và uyên bác như vậy, Chúa đặt câu hỏi mà những kẻ
soi mói Chúa phải câm nín lặng thinh không trả lời được. Ngày Sabát là ngày của
Chúa, là ngày để đôi tay làm những việc lành, và đôi tay Chúa dựng nên là để cứu
sống, giúp đỡ những người anh chị em.
Khi tạo dựng vũ trụ, Chúa dùng lời của Ngài
mà phán, nhưng khi tạo dựng con người Chúa phải dùng đôi tay của Chúa để nặn
nên con người. Khi con người phản bội Chúa dùng đôi tay của Chúa để dẫn dắt con
người đi về đường ngay nẻo chính.
Một cô bé và cha đi ngang qua cây cầu. Cô bé
sợ nên hỏi cha:
“Cha ơi, con có thể nắm
lấy tay cha để con khỏi rơi xuống sông không?”
Cha đáp:
“Con yêu, không được,
chính Cha sẽ nắm tay con đi.”
Cô bé nói: “Như vậy thì có
khác nhau gì đâu ?”
Cha đáp.
“Rất khác đó con ơi.”
Và người cha nói tiếp:
“Nếu con nắm tay cha và có điều gì đó xảy ra với con, rất có thể là con thả tay
cha ra. Nhưng nếu cha nắm tay con, con biết là cho dù điều gì xảy ra, cha sẽ
không bao giờ buông tay con ra.”
2. Đôi Tay thờ phượng
Chức Tư Tế là người trung gian giữa Thiên
Chúa và con người. Tác giả thư Do Thái đã cho thấy: “Ông Men-ki-xê-đê là vua
Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao.
Men-ki-xê-đê, nghĩa là "vua công chính"; rồi ông lại là vua
Sa-lem, nghĩa là "vua bình an". Ông không có cha, không có mẹ, không
có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông
giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế”.
Như thế Men- ki-ce-đê là hình ảnh báo trước
về Chúa Giêsu, Ngài đến với sứ mạng trung gian, dạy cho con người cách thức thờ
phượng Thiên Chúa một cách hoàn hảo. Hội đường là nơi Ngài giảng dạy, là nơi
Ngài thực thi lòng thương xót. Hội đường là nơi Ngài gặp gỡ Chúa, và Hội đường
là nơi Ngài thấy những mảnh đời bất hạnh để thương xót.
Tông huấn: “Hãy vui mừng hoan hỷ”, của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, về ơn gọi nên thánh trong thế giới ngày nay, số 105 viết: “Cách thức tốt nhất để đánh giá xem liệu con
đường cầu nguyện của chúng ta có xác thực hay không, hệ tại ở chỗ quan sát xem,
cuộc sống của chúng ta đã được biến đổi trong ánh sáng của Lòng Xót Thương tới
mức nào”.
3. Đôi tay chúng ta
Mỗi người chúng ta đều có đôi ban tay. Đôi
tay thể xác của những người Pharisiêu tuy không khô cứng nhưng đôi tay tâm hồn
họ thì bị bại liệt. Chúa chữa người có bàn tay khô bại để anh có thể giúp đỡ và
chia sẻ với mọi người, và Chúa cũng hỏi mỗi người chúng ta, đôi tay làm lành
hay làm điều dữ, đôi tay cứu sống, giúp đỡ tha nhân hay giết chết, hủy hoại.
Một anh sinh viên ra trường với thành tích, học
thì giỏi, tốt nghiệp loại ưu, đến xin việc tại một công ty lớn. Vị giám đốc nhìn
khuôn mặt tuấn tú và đôi tay trắng nõn bút măng rồi nói với anh. “anh đủ điều
kiện nhận vào công ty, nhưng trước khi nhận việc, anh hãy về nhìn lại đôi tay của
mẹ anh rồi đến đây”. Tối hôm đó ngồi bên mẹ, anh ngỏ lời: “mẹ cho con xem bàn
tay của mẹ?” mẹ anh nói: “có chuyện gì vậy con”. Nhưng khi mẹ đưa bàn tay ra, với
đôi bàn tay xù xì chai cứng. Vì để anh có tiền ăn học, tay mẹ phải giặt thuê hết
ngày này tháng nọ, để cho anh có tiền dụng cụ hỗ trợ việc học bàn tay mẹ phải làm
thêm tận tới đêm khuya, và để bàn tay anh trắng nõn bút măng đổi lại tay mẹ phải
xù xì chai cứng.
Tam Thái.