Suy Niệm
Lời Chúa Thứ Ba Tuần II Thường Niên
LỀ LUẬT VÌ CON NGƯỜI
Lời
Chúa: Mc 2, 23-28
(23) Vào ngày sabát, Ðức
Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Các môn đệ Người bắt đầu bứt lúa trong khi
đi đường. (24) Những người Pharisêu liền nói với Ðức Giêsu:
"Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia ? Ðiều ấy đâu cho phép!" (25)
Người đáp: "Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì,
khi vua và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? (26) Dưới thời thượng
tế Aviatha, vua vào nhà Thiên Chúa và ăn bánh tiến. Thứ bánh này không ai được
phép ăn ngoại trừ tư tế, thế mà vua đã ăn, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn
nữa."
(27) Người nói tiếp:
"Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày
sabát. (28) Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát."
Suy
Niệm:
Vào ngày
Sa-bat, các môn đệ đã bứt mấy bông lúa mà trẩy trên tay rồi ăn. Lập tức hành
động này được nhóm biệt phái phát giác và lên án các môn đệ đã vi phạm lề luật
vì đã làm việc ngày Sa-bat.
Nghỉ
ngày Sa-bat đã là thói quen có trước thời Mai-sen, vì đó là ngày kỷ niệm Thiên
Chúa nghỉ ngơi sau khi sáng tạo vũ trụ. Sau này ngày Sa-bat còn có ý nghĩa tốt
đẹp hơn nữa là cứ 7 năm ruộng đất phải bỏ hoang một năm, nợ nần phải được xí
xóa, nô lệ được thả tự do. Nhưng rồi người ta đã đặt ra nhiều lề luật tỉ mỉ để
bảo vệ ngày Sa-bat. Ngày Sa-bat cấm làm 39 điều, trong đó cấm làm việc nghề
nông. Thật ra luật Mai-sen cũng cấm làm mùa vào ngày đó: “Hãy làm việc trong
sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy dù cày bừa hay gặt hái đều phải nghỉ hết” (Xh
34,21). Những người biệt phái khó tính bảo thủ cho rằng: Ngắt một bông lúa hay
hái hoa quả là một hành động của nhà nông, vì thế không được làm điều đó, kể cả
việc leo trèo cây cối ngày đó cũng không được. Điều này cho chúng ta thấy họ
bảo thủ và dựa vào nghĩa đen của lề luật.
Đáng lẽ
ngày Sa-bat là ngày để nghỉ ngơi, nghỉ ngơi là để con người nghĩ đến ơn kêu
gọi, ơn cứu rỗi của mình, nghỉ ngơi để làm việc thờ phượng Thiên Chúa và tôn
vinh Ngài. Nhưng rồi chúng ta đã làm nô lệ cho chính mình, đến nỗi không còn
thì giờ để mà sống nữa, để mà gặp lại chính mình nữa. Từ đó mọi sự đều bị cắt
xén. Cũng từ đó, con người bị lệ thuộc vào tập tục, vào thói quen.
Con
người sống ai ai cũng cần phải có kỷ luật. Nhưng cần phân biệt luật lệ và óc lề
luật. Mọi luật phải đặt trên nền tảng của tình thương. Chúa Giêsu đã dùng một
câu chuyện lịch sử để làm sáng tỏ vấn đề này. Số là vua Đavít khi đi trốn cơn
giận của Sao-lê (1Sm 21,1) cùng với đoàn tùy tùng, vì chạy xa nên nhà vua cùng
mọi người mệt lả. Họ chạy đến một đền thờ của vị thượng tế Abiathar. Vua xin vị
thượng tế năm chiếc bánh. Vị thượng tế lúc ấy không có bánh thường mà chỉ có
bánh thánh thôi. Nghĩa là bánh thánh đã cung hiến Gia-vê đang được đặt trên bàn
thờ vàng, chia làm 12 miếng chỉ 12 chi tộc Israel. Bánh này chỉ các vị thượng
tế mới được ăn (x.Lv 24,5-9) và ăn vào ngày Sa-bat tại nơi cung thánh. Cho nên
theo nguyên luật thì nhà vua là người thường dân không được phép dùng. Nhưng trong
trường hợp khẩn thiết, vị tư tế kia đã trao cho nhà vua và đoàn tùy tùng cùng
ăn.
Chúa
Giêsu đã có lần tuyên bố Ngài đến là để kiện toàn lề luật, và kiện toàn lề luật
là gì nếu không phải là mặc cho lề luật một linh hồn là tình yêu; không có tình
yêu thì lề luật chỉ là những thây chết, nhưng nói đến tình yêu là nói đến con
người. Như vậy luật lệ là vì con người, là để giúp con người sống chứ không
phải để đàn áp và giết chết con người; luật lệ chỉ có ý nghĩa và giá trị khi nó
là một biểu lộ của tôn trọng và yêu thương đối với con người; trái lại, tất cả
những luật lệ nào đi ngược với sự sống và tình yêu, đều là những luật lệ bất
công. Trong Thông điệp “Tin mừng sự sống” ban hành năm 1995, Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đã kêu gọi các tín hữu mạnh mẽ và can đảm chống lại những thứ
luật lệ xúc phạm đến sự sống của con người, như luật cho phép phá thai, luật
cho phép kết liễu cuộc sống của bệnh nhân.
Giáo hội
cũng ban hành luật lệ. Tất cả lề luật của Giáo hội được tóm gọn trong một giới
luật duy nhất và nền tảng, đó là yêu thương. Ăn chay, giữ ngày Chúa nhật hoặc
bao nhiêu khoản luật khác liên quan đến đời sống hôn nhân, tất cả đều qui về
một luật duy nhất là để giúp các tín hữu tôn trọng và yêu thương con người. Như
thế, người kitô hữu chỉ có một giới răn để tuân giữ, đó là giới răn yêu thương,
và họ cũng chỉ có một tinh thần duy nhất để tuân giữ lề luật, đó là tình yêu
thương.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải tuân giữ lề luật của Chúa theo tinh thần
yêu thương. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết luôn sống đạo theo tinh thần
yêu thương ấy trong cuộc sống hàng ngày, nhờ đó chúng con xứng đáng là con cái
của Chúa. Amen.
Lm.
J.P